Làm gì có hạnh phúc?

Những ngày cuối năm, những khoảng lặng để suy ngẫm. Tôi lại “lạch tạch” viết về chủ đề hạnh phúc. Tôi tin rằng, hạnh phúc, hay một cách diễn dịch khác là sự mãn nguyện, luôn là mục đích sau cuối của bất cứ ai. Cuốn sách đầu tay của tôi có tên là “Tản mạn về Hạnh phúc“. Và rồi vào một ngày nọ, tôi đã bị sốc, khi vị Thầy của tôi tủm tỉm cười cùng với lời nhận xét rằng: “Làm gì có hạnh phúc.” Mặc dù khá sốc trước kết luận đó, nhưng cùng lúc tôi cũng hiểu ra rằng, những gì Thầy nói là có lý, là sự thật. Rồi từ đó, tôi tiếp tục nghiền ngẫm thêm về phạm trù của hạnh phúc.

Và hôm nay, vào dịp cuối năm, tôi lại bắt gặp lời dạy bên dưới của Thiền sư Sayadaw U Jotika trong cuốn Ngôi nhà chánh niệm. Thật không thể nào đúng hơn.

Hạnh phúc hay mãn nguyện ở cốt lõi thì cũng chỉ là một trạng thái tâm ngắn ngủi mà thôi. Nó là một khái niệm, một nhãn mác, một cảm nhận nhất thời mà chúng ta có được khi hài lòng về một sự việc đã xảy ra. Mà nếu đó chỉ là một trạng thái tâm thì chắc hẳn nó chẳng thể nào kéo dài mãi được, nó rất ngắn ngủi. Mặc dù chúng ta tận hưởng được sự hài lòng, mãn nguyện tức thời khi sự việc xảy ra, hoặc khi đang trông chờ nó xảy ra, hoặc khi hồi nhớ lại sự việc thì trong thực tế, cái mà chúng ta mãn nguyện đó cũng chỉ tồn tại một cách ngắn ngủi và sẽ trở thành “thời quá khứ” ngay sau đó. Nhưng do bởi sự mãn nguyện trải nghiệm được, tâm của chúng ta có xu hướng muốn có lại những sự mãn nguyện đã nếm trải qua. Điều này thôi thúc chúng ta, đốt cháy chúng ta mỗi ngày. Một thái cực ngược lại là chúng ta đau khổ, tiếc nuối do bởi không thể có lại được sự mãn nguyện đã có. Ví như sự tiếc nuối sau khi chia tay người yêu, hoặc một vật gì đó quý giá của chúng ta không may bị mất đi. Nên, nếu nói về phạm trù của hạnh phúc thì chúng ta chỉ mãi loay hoay giữa các mong muốn, tiếc nuối, sân giận (do không có được cái mình muốn, hoặc là có cái mình không muốn), … trong suốt cả cuộc đời của mình mà thôi. Đó là một sự rượt đuổi không ngừng, không có hồi kết. Do đó, lời nhận xét “làm gì có hạnh phúc” là hoàn toàn đúng đắn.

Về lý thì là như vậy. Có lẽ ai cũng có thể hiểu được. Nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta vẫn chẳng thể nào thoát khỏi cái vòng rượt đuổi luẩn quẩn này trong cuộc đời của mình. Vậy chúng ta cần phải đối trị với vấn đề cuộc đời này như thế nào đây? Làm sao để chúng ta có thể sống một cuộc đời hạnh phúc?

Thái độ quyết định cuộc đời

Vâng, nhất định là như thế. Để sống một cuộc đời hạnh phúc, cần phải bắt đầu với thái độ sống của mình. Thái độ của chúng ta đối với những gì đang xảy ra sẽ quyết định cuộc sống của mình: căng thẳng hay thoải mái, khó khăn hay thuận lợi, động loạn hay bình yên, mê mờ hay tỉnh táo, ngu si hay trí tuệ. Đã có nhiều sách vở nói về chủ đề này. Ở đây, tôi muốn nói đến một thái độ quan trọng mà chúng ta thường hay quên, khi đang phải bối rối đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là trong những tình huống nguy cấp.

Hãy luôn ghi nhớ và duy trì cho mình câu thần chú này: Cuộc đời là một trường học (tham khảo các câu thần chú khác ở bài này). Đó cũng là tựa đề của một cuốn sách của Thiền sư Sayadaw U Jotika. Cuộc đời là một trường học, một trường học không có ngày tốt nghiệp. Chỉ có bài học nối tiếp bài học. Bạn học xong bài học này thì lại có bài học kế tiếp sẳn sàng để bạn học tiếp. Nếu bạn chưa chịu học xong một bài học nào đó thì bài học chưa học xong sẽ trở lại trong một hình tướng khác, sẳn sàng để bạn có cơ hội học lại, cho đến khi bạn học xong. Và sau đó, bài học mới lại sẳn sàng. Cứ thế, công việc của chúng ta chỉ là trải nghiệm và học hỏi.

Với thái độ như vậy thì không nhất thiết cần dán nhãn cho một sự việc là may mắn hay xui rủi, cũng chẳng có gì cần được gọi là hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại, … Chúng ta chẳng thể nào biết được chính xác một điều gì đang xảy ra là tốt hay xấu cả. Chỉ có thời gian mới dần hé lộ mọi việc ở cuối con đường. Sứ mệnh của tất cả những gì đã, đang và sẽ xảy đến với chúng ta chỉ đơn thuần là mang đến cho chúng ta các bài học. Nhiệm vụ của chúng ta là cần phải sẳn sàng và cam kết để học hỏi. Đó là thái độ đúng cần duy trì. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta quên. Những lúc khác chúng ta nản lòng. Điều này cũng giống giống như việc lúc còn nhỏ, có nhiều ngày chúng ta chẳng muốn đến trường. Nhưng có một điều khác biệt cần nhớ ở đây. Rằng, không ai có thể “chạy trốn” khỏi cái trường đời này được. Thỉnh thoảng, vô tình hay cố ý thì chúng ta vẫn có thể cúp học ở trong cái trường đời này, nhưng rốt cuộc thì vẫn không thể chạy trốn khỏi nó được. Chúng ta chẳng thể nào lừa phỉnh bản thân mình ra khỏi sự thật này được. Nên cuối cùng thì chúng ta phải tự kỷ luật bản thân mình mà học hỏi thôi. Không có lựa chọn nào tốt hơn.

Nếu chúng ta không ghi nhớ thái độ này, đó chỉ là những bài học, thì chúng ta dễ bị lún sâu vào việc không chịu học bài, không chấp nhận những gì đang xảy ra, không cởi mở và không lấy cơ hội của những gì đang xảy ra (dù là khó khăn hay thuận lợi) để nhìn thấy “cái lý” của những gì đang xảy ra. Ví dụ như khi chúng ta vừa mất đi một người mà chúng ta rất thương yêu. Tất nhiên là chúng ta bị sốc và quá đau buồn. Tuy nhiên, sinh lão bệnh tử vốn dĩ là một quy luật cuộc đời mà chẳng ai có thể làm khác đi được. Thay vì chúng ta dần dần học cách để thích nghi và chấp nhận sự mất mát đó, nếu chúng ta cứ mãi buồn đau và tiếc nuối, điều đó sẽ để lại một di chứng nặng nề trong tâm của chúng ta. Kết quả là cuộc sống của chúng ta cũng sẽ trở nên nặng nề. Điều đó chắc chắn cũng mang đến sự nặng nề cho những người thương yêu xung quanh chúng ta. Và kể cả người đã khuất, giả sử nếu họ thấy được tình cảnh nặng nề của chúng ta ở hiện tại thì liệu họ có đau xót không? Sự thật là cho dù đau buồn đến mấy thì chúng ta cũng chẳng thể nào quay ngược lại quá khứ, thay đổi sự việc. Trong trường hợp cụ thể này, có một lời đề nghị rất hay mà tôi nghe được: Hãy trở thành những gì là tốt đẹp nhất của người đã khuất – Đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ đến những người thương yêu đã khuất của chúng ta, các bạn ạ. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin trong bài Đối trị với khủng hoảng cuộc đời mà tôi có dịp trình bày cũng vào dịp cận Tết năm 2022.

Có nhân, có quả! Có thiện, có ác!

Kế đến, có một thái độ hay nguyên lý mà tôi thấy đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình học hỏi của chúng ta. Đó là qui luật tự nhiên có tên nhân – quả. Tuy có tên rất đơn giản và ngắn gọn, nhưng sự vận hành của qui luật này thì lại vô cùng tinh tế, phức tạp, đến nổi chẳng ai có đủ trí tuệ để lý giải trọn vẹn, chi tiết được. Theo sách vở ghi chép lại thì trong thời gian gần đây nhất, chỉ có Đức Phật Gotama là người có đủ trí tuệ để hiểu rõ ngọn ngành quy luật này. Do đó, tôi đề nghị chúng ta chỉ cần duy trì thái độ thích hợp và tôn trọng một sự việc rằng: Có nhân, ắt sẽ có quả. Chẳng thể nào khác được. Nếu bạn đã trồng cây xoài thì sẽ thu hoạch xoài. Chứ bạn chẳng thể nào trồng xoài và rồi mong thu hoạch được cam.

Thêm vào đó là có một sự thật rằng: Có các suy nghĩ, hành động và lời nói là thiện, là có lợi ích cho bản thân mình và cho người khác. Cũng có các suy nghĩ, hành động và lời nói là bất thiện, là gây hại cho bản thân mình hoặc gây hại cho người khác. Thiện hay bất thiện thì lại rất là khách quan, chẳng phải do chúng ta quy định. Tương tự với việc, chẳng phải do bạn nói muối mặn mà muốn có vị mặn. Bạn cũng chẳng thể đổi tên vị của muối thành “ngọt” để đổi vị thực sự của muối được. Chúng ta có thể tự do lựa chọn việc mình muốn làm gì (các suy nghĩ, hành động và lời nói). Nhưng sau khi hành động, suy nghĩ, và lời nói đã được gieo xuống thì chúng ta không thể tự do “thoát” khỏi “hậu quả” tạo ra do bởi những suy nghĩ, hành động và lời nói mà chúng ta đã làm. Mức độ tự do mà chúng ta có được sẽ phải đi kèm với mức độ trách nhiệm, đi kèm với ý thức về hậu quả của những việc mình làm.

Biết sống hạnh phúc đồng nghĩa với việc cảm nhận được và dần dần ngấm, hiểu các quy luật này của tự nhiên, trên con đường trưởng thành của bất cứ ai. Cảm nhận và hiểu để chúng ta tôn trọng và tuân theo các quy luật vận hành của tự nhiên, của tâm mình, thay vì đi ngược lại quy luật vận hành của tâm mình và tạo nên các chướng ngại trên con đường hạnh phúc của mình.

Như vậy, tất cả chỉ là các bài học, cuộc đời là một trường học. Hãy luôn ghi nhớ điều này nhé. Nó sẽ giúp chúng ta có được một tâm thế bình tĩnh và cởi mở để xem xét và học hỏi những gì đang xảy đến trong cuộc đời của chúng ta, một cách tỉnh táo và sáng rõ nhất, để chúng ta học hỏi. Nhưng chúng ta cần học hỏi từ đâu?

Học hỏi từ đâu?

Điều này lại thật đơn giản. Chỉ cần tập trung học hỏi ở một chỗ mà thôi: Tâm mình. Tâm thì nó ngay sát đây, ở bên mình, nhưng cùng lúc cũng chẳng thể nào chỉ được chính xác nó nằm ở đâu, chẳng thể nào túm / bắt được cái tâm. Một thực tế khác nữa là cái tâm nó có xu hướng khó uốn nắn, lại hay lừa phỉnh chúng ta. Mọi vấn đề xảy ra ở đó. Mọi vấn đề xảy đến với chúng ta cũng chỉ là kết quả của sự diễn dịch trong tâm mình mà thôi. Nên điểm mấu chốt nằm ở ngay đây, trên thân chúng ta. Cần học cách quan sát và cảm nhận tâm mình một cách khách quan. Rồi từ những quan sát khách quan đó, chúng ta mới dần dần có thể hiểu ra được bản chất thực của tâm và cách vận hành của tâm. Bản chất thực của tâm là trong sáng, là thiện. Nhưng tâm của chúng ta luôn thường trực bị ô nhiễm bởi các suy nghĩ bất thiện, các định kiến, các độc tố như tham lam, sân hận và sự thiếu hiểu biết. Do đó, tâm được vận hành bởi các nhân tố nhiễm độc và bất thiện này. Đó là gốc rễ của mọi khổ đau. Để giải quyết vấn đề này, chẳng có cách nào khác ngoài việc phải thanh lọc tâm mình khỏi những độc tố kia, để trả nó về lại trạng thái nguyên sơ trong sáng vốn có của nó. Vậy thì làm sao để có thể thanh lọc tâm mình?

Thực hành thiền chánh niệm

Tôi đã không ngừng chia sẻ về chủ đề này, thiền chánh niệm. Đó là con đường hiệu quả nhất để thanh tịnh tâm mình. Và hành thiền chánh niệm là con đường duy nhất để đoạn diệt mọi khổ đau. Nó là phương pháp huấn luyện tâm khách quan và hiệu quả nhất là do bởi vì nó hướng tới việc quan sát sự vật và hiện tượng đang xảy ra một cách khách quan, tách rời khỏi suy nghĩ. Chừng nào còn có suy nghĩ tham gia trong quá trình quan sát thì hầu như chắc chắn có nguy cơ các sự uế nhiễm trong tâm mình chi phối và diễn dịch kết quả quan sát. Đó là lý do vì sao chúng ta cần huấn luyện tâm mình để tiến đến việc quan sát với sự tách rời khỏi suy nghĩ. Chỉ quan sát thuần tuý, ghi nhận thuần tuý. Đó là tất cả những gì mà Đức Phật đã dạy trong pháp hành thiền chánh niệm (hay còn gọi là thiền tứ niệm xứ, thiền minh sát, thiền tuệ, thiền Vipassana). Chúng ta cần phải vượt thoát khỏi suy nghĩ, vượt ra khỏi khái niệm và ngôn từ, và từ đó sẽ hé mở bản chất thực của tâm cũng như cách vận hành của tâm mình. Kết quả thì chúng ta có được điều gì? Khi chúng ta vượt lên khỏi ngôn ngữ, vượt ra khỏi suy nghĩ thì cũng có nghĩa chúng ta đã vượt ra khỏi nhãn mác của cái mà chúng ta gọi là đau khổ hay hạnh phúc. Khi đó, chúng ta có thể hiểu tường tận tại sao những gì đã và đang xảy đến với chúng ta lại đã và đang xảy đến. Với trí tuệ đó thì chắc hẳn chúng ta sẽ chấp nhận trọn vẹn được những gì đang diễn ra. Hay nói một cách khác, mọi việc sẽ cứ xảy đến với chúng ta, nhưng cùng lúc nó không làm cho chúng ta nao núng, bối rối. Thay vào đó, chúng ta có thể sáng suốt lựa chọn một phản ứng có lợi ích nhất cho mình và người khác. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng: Chúng ta biết sống hạnh phúc rồi bạn ạ.

Để tìm hiểu và đến với thiền chánh niệm, các bạn có thể tham khảo các bài viết mà tôi đã chia sẻ bên dưới. Chừng đó kiến thức là quá đủ để bạn bắt đầu thực hành thiền tập, mà tôi hy vọng nó cũng không quá nhiều để làm bạn bối rối.

Như vậy, mục đích của việc thực hành thiền chánh niệm là để thanh tịnh hoá tâm mình khỏi những ô nhiễm. Pháp hành thiền chánh niệm sẽ bắt đầu với các kỹ thuật nhằm giúp bạn quan sát một cách khách quan những gì đang diễn ra trên thân và tâm của chúng ta. Rồi từ đó, dần dần chúng ta hiểu được quy luật vận hành của tâm mình, cũng như các mối liên quan của nhân và quả, để từng bước thanh lọc tâm mình cũng như thoát khỏi các phiền não khởi sinh trong tâm. Đó là chìa khoá để sống hạnh phúc, khi chúng ta không còn bị nao núng, bất chấp những khó khăn của cuộc đời.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi lặp lại lời đề nghị về Hai điều đơn giản bạn nhất định phải làm trong năm mới mà tôi chia sẻ vào dịp đầu năm Dương lịch vừa rồi: Hãy thư giãn và uống cần tây. Chỉ là hai việc đơn giản đó, nhưng tôi bảo đảm nó sẽ dẫn dắt bạn đến với con đường hạnh phúc. Cầu mong một năm mới mọi thuận lợi, sức khoẻ, bình yên và hạnh phúc đến tất cả mọi người. Happy Lunar New Year 2023! Hãy hành thiền để huấn luyện tâm mình biết cách sống hạnh phúc, bất chấp sóng gió cuộc đời nhé.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

4 thoughts on “Làm gì có hạnh phúc?

Leave a Reply