Sách hay: “Cuộc cách mạng Glucose”

Tôi tình cờ thấy cuốn sách này, Cuộc cách mạng glucose, và đọc một mạch hết cuốn rất nhanh. Là bởi vì từ lâu nay, tôi vẫn tò mò về đường…

Mặc dù tôi không tìm thấy toàn bộ các câu trả lời cho các thắc mắc về đường mà tôi đang tìm kiếm, nhưng chắc chắn rằng, tôi đã có được một số kiến thức và đề nghị quý giá cho sức khoẻ của tôi, mà tôi sẽ chia sẻ dưới đây.

Thực tế của cuộc sống hiện đại ngày nay được phản ảnh rõ ràng và thật đáng sợ trong những con số thống kê, báo cáo bên dưới mà tôi tham khảo được từ Liên đoàn bệnh tiểu đường quốc tế (International Diabetes Federation). Hơn nửa tỉ dân số với độ tuổi từ 20-79 đang mắc bệnh tiểu đường. Tệ hơn nữa là bệnh tiểu đường không còn cần phải được di truyền từ bố mẹ sang thế hệ kế tiếp nữa, mà tiểu đường dễ dàng trở thành bệnh là do bởi thói quen ăn uống và lối sống mà thôi. Đặc biệt đáng lo ngại là tình hình phát triển nở rộ của ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay với tỉ lệ đường có trong thực phẩm là quá mức mà cơ thể chúng ta cần đến. Điều này dẫn đến bệnh nghiện đồ ngọt, nghiện đường cũng như khiến cho cơ thể chúng ta trở nên quá tải với việc xử lý lượng đường được nạp vào mỗi ngày. Chính sự quá tải kéo dài này khiến cho cơ thể của chúng ta dần kiệt quệ, kiệt sức, và cuối cùng là đánh sập hệ thống sinh học của chúng ta, để lại bệnh tật và những khoảng thời gian khó khăn, khốn khổ, và đau đớn cho chúng ta. Tôi hy vọng thông tin trong bài này sẽ đến được với những ai đang bị bệnh tiểu đường cũng như những người chưa mắc phải căn bệnh tiểu đường. Nguy cơ tiểu đường là quá lớn đối với bất cứ ai trong xã hội hiện đại ngày nay. Kể cả trong trường hợp không mắc phải căn bệnh tiểu đường, nếu không có đủ hiểu biết và không thực hành những điều cần thiết để hạn chế thiệt hại do đường gây ra, thì các hậu quả để lại đối với sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của chúng ta là vô cùng nặng nề.

Xem chi tiết tại: https://idf.org/about-diabetes/diabetes-facts-figures/

Cuốn Cuộc cách mạng glucose chắc chắn sẽ mang đến cho bạn thật nhiều thông tin, giải thích, đi cùng với nhiều ví dụ thực tế để bạn có thể hiểu được một điều quan trọng rằng, hậu quả của việc sốc đường là rất nghiêm trọng, làm giảm chất lượng cuộc sống và phá hoại sức khoẻ của bạn. Nếu điều đó (sốc đường) xảy ra liên tục, sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khoẻ và thậm chí dẫn đến căn bệnh thế kỷ tiểu đường. Bạn cần tham khảo chi tiết các giải thích và thông tin ở trong sách. Dưới đây, tôi chỉ tóm tắt lại những điều mà tôi thấy mình cần ghi nhớ và thực hành.

  • Định nghĩa sốc đường thì khá là đơn giản. Nếu lượng đường trong máu tăng đột ngột hơn 30 mg/dL sau khi ăn, uống thì mức độ tăng đó được gọi là “sốc đường”. Tác giả cũng gợi ý về việc sử dụng cảm biến CGM (continuous glucose monitor) để theo dõi lượng đường tăng giảm trong cả ngày như thế nào sau khi chúng ta ăn, uống thực tế hàng ngày để có thể tự mình kiểm chứng hệ quả cụ thể về việc lượng đường trong máu tác động lên tình trạng mệt mỏi hay ổn định của cơ thể (cả thân lẫn tâm) như thế nào. Ngắn gọn thì nếu bạn bị sốc đường kéo dài cả ngày (mà tác giả gọi là đi tàu lượn siêu tốc), từ ngày này sang ngày khác thì khả năng cao là bạn sẽ dần dần có nhiều vấn đề về sức khoẻ của cả thân và tâm. Người mệt mỏi, thiếu năng lượng, hay cáu bẳn… Và đề nghị của tác giả là nên kéo dãn đồ thị đường trong suốt cả ngày. Điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta nạp thực phẩm vào người.
  • Đánh giá cá nhân của tôi sau khi đọc xong cuốn sách là: các giải thích cũng như các ghi nhận từ trải nghiệm trực tiếp trên cơ thể của tác giả cũng như của các thành viên cộng đồng Glucose Goddess là hợp lý và đáng để tham khảo và áp dụng thử nghiệm. Trong thời gian tới, tôi sẽ thử nghiệm một số đề nghị trong sách như tôi chia sẻ bên dưới, cũng như sẽ sắp xếp để tìm mua bộ CGM và theo dõi lượng đường trong máu trên cơ thể mình một thời gian để có thể kiểm chứng thực tế một cách cụ thể ảnh hưởng của các thực hành cũng như các quan sát được đề cập trong sách. Từ kết quả của quá trình này, tôi sẽ cập nhập thêm vào bài Các nguyên lý cốt lõi về dinh dưỡng để có thêm các đề nghị “đối trị” với đường, một vấn đề thời sự hiện nay. Bên dưới là những gì tôi sẽ mang ra áp dụng cho bản thân mình trong thời gian tới.
  • Thay đổi thứ tự ăn như được chia sẻ trong mẹo thứ nhất: Thứ tự ăn tránh sốc đường là: (1) rau và chất xơ trước, (2) rồi mới đến thịt, cá hoặc protein, (3) và dứt khoát ăn tinh bột / đường sau cuối. Cùng với các thành phần đó trong bữa ăn, nhưng sự thay đổi thứ tự nạp vào này sẽ có “hậu quả” rất khác nhau. Như mọi người có thể tham khảo biểu đồ đường của hai trường hợp bên dưới mà tôi chụp lại từ sách.
  • Chúng ta sẽ cần phải linh hoạt để áp dụng nguyên tắc trên vào cuộc sống hàng ngày, với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Ví dụ như vào buổi sáng, khi đi ăn sáng ngoài đường thì khó có thể có sẳn salad để ăn. Và như vậy thì chúng ta cần phải linh hoạt. Chẳng hạn, nếu ăn bún hay hủ tiếu buổi sáng thì tôi sẽ tranh thủ ăn rau sống trụng, nhúng vào nước dùng trước, rồi sau đó mới bắt đầu ăn thịt, trứng, … và cuối cùng mới ăn bún, hủ tiếu. Còn nếu trong quán ăn có phục vụ salad thì tôi sẽ tranh thủ ăn salad trước, rồi mới đến món ăn sáng.
  • Hoặc nếu như biết được rằng khó có thể kiếm được rau xanh ở buổi ăn kế tiếp thì tìm cách chuẩn bị trước. Ví dụ như khi các anh cần phải đi làm vài ly bia rượu với bạn bè thì tốt nhất là trước đó 1 tiếng đồng hồ, tìm cách nạp vào bất kỳ loại rau xanh, chất xơ nào có thể. Bởi vì trong vòng 2 tiếng sau khi nạp thì tác dụng của chất xơ vẫn còn, nên kể cả trong bữa nhậu kế tiếp không kịp tiếp rau vào người thì việc nạp rau trước đó cũng sẽ giúp giảm “chấn” sốc đường và đạm một cách đáng kể. Nói chung là cần tìm cách thêm rau xanh, chất xơ trước bữa ăn bằng mọi cách có thể như trong mẹo số 2.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng sau khi ăn (mẹo số 8). Cụ thể là sau khi ăn khoảng 20 – 60 phút, tập thể dục, đi bộ, vận động nhẹ nhàng, mà cụ thể hơn thì tôi sẽ tập Yin Yoga. Tôi nghĩ rằng đề nghị này là hợp lý và nên thực hiện.

Nhân đây, tôi cũng chia sẻ thêm rằng, tôi không hoàn toàn đồng ý với mọi đề nghị trong sách. Bởi vì tôi chưa thể kiểm chứng được. Và một phần vì nó trái với các hiểu biết trước đó mà tôi tìm hiểu được về dinh dưỡng. Ví như ăn trái cây sau bữa ăn là một việc tôi tránh. Là do bởi axit trong trái cây khi kết hợp với tinh bột và đạm được nạp vào sau bữa ăn sẽ gây hại cho dạ dày nói chung. Nên nếu cần phải ăn trái cây, uống nước trái cây thì tôi sẽ dùng trước bữa ăn 30 phút, để dạ dày đã “xử lý” xong phần trái cây đó, trước khi dùng bữa. Đó cũng là lý do tôi nên dùng CGM để đo đường một thời gian và nếu thấy bản thân bị sốc đường thì có thể điều chỉnh lượng trái cây, sinh tố, nước ép trái cây, … nạp vào người.

Tôi cho rằng, bởi vì các nội dung trong cuốn sách chỉ chủ yếu bàn về vấn đề đường, tiêu thụ đường, chuyển hoá đường, … trong cơ thể cùng với các hệ quả, hậu quả của nó, trong khi cơ thể còn cần nhiều thành phần dinh dưỡng khác và các tác động qua lại của thực phẩm, dinh dưỡng chắc chắn là phức tạp hơn mối quan hệ giữa chỉ mỗi thành phần đường (glucose) và sức khoẻ, cho nên một số các kết luận có thể sẽ không phù hợp trong mối tương quan tổng thể, giữa sức khoẻ và các thành phần không đường khác.

Tuy nhiên, bởi do đường là một thành phần quan trọng và mang tính quyết định đối với sức khoẻ, nên nó cần có được một sự ưu tiên, quan tâm xứng đáng như trọng tâm mà cuốn sách đã đặt ra. Với sự nguy hiểm của đường và tỷ lệ đường trong các thành phần thực phẩm chúng ta nạp vào hàng ngày ngày càng gia tăng, cũng như bệnh nghiện ngọt, nghiện đường hiện đang rất phổ biến, các kiến thức trong cuốn sách là cực kỳ hữu ích và quý giá để chúng ta có thể tự chăm sóc cho bản thân mình.

Tôi chắc chắn sẽ còn đề cập đến “đường” trong thời gian tới và có các cập nhật tương ứng cho bài Các nguyên lý cốt lõi về dinh dưỡng, sau khi đã tự mình thực nghiệm và thu được kết quả từ các đề nghị trong cuốn sách này. Chúc các bạn mọi sức khoẻ và bình an.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúcChúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Leave a Reply