Tại sao bạn lại tìm đến với thiền?

Có một thực tế là hiện nay, các chữ “thiền” và “chánh niệm” hiện đang rất được phổ biến, sử dụng rộng rãi và trở thành các thuật ngữ thời thượng. Tuy nhiên, hai từ ngắn gọn đó cũng sẽ có khả năng khiến mọi người bối rối, khi tìm hiểu và hành thiền. Là bởi vì, có khá nhiều phương pháp hành thiền (gọi tắt là pháp hành) đang được cổ xuý và dạy dỗ trong thời hiện đại của chúng ta. Có những pháp hành như (thiền định, thiền tuệ) là những pháp hành cổ xưa. Trong khi có những pháp hành khác có vẻ như mới được “phát minh” gần đây với các thuật ngữ mới như thiền động, thiền cười, thiền trà, …

Để tránh được sự bối rối và lãng phí thời gian trên con đường thiền, theo tôi, câu hỏi đầu tiên và luôn luôn cần phải được đều đặn trả lời và kiểm chứng, mà mỗi một chúng ta cần phải trả lời một cách rõ ràng và thấu đáo là: “Vậy thì tại sao tôi lại tìm đến với thiền?”, “Mục đích tôi mong đạt được hoặc tìm thấy trong thiền là gì?”. Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Nếu bạn không biết mình đang đi về đâu, thì đi con đường nào chẳng được.” Hay nói một cách khác là 99% bạn sẽ chỉ lãng phí công sức và thời gian của mình, nếu không rõ được mình đang đi về đâu, mình mong muốn điều gì, đích cuối của cuộc hành trình mà chúng ta muốn trong cuộc đời của mình là gì?

Tại sao bạn lại tìm đến với thiền?

Một cách đơn giản thì có một vòng lặp phổ biến trong tiến trình cuộc đời để chúng ta có thể đạt được những điều mình mong muốn (có thể áp dụng phổ cập cho bất cứ một mong muốn nào), điều mình hướng tới như sau:

  1. Xác định, biết được mình mong muốn điều gì?
  2. Dựa trên tiêu chuẩn là mong muốn đã được xác định ở (1), tìm kiếm các kiến thức, các bậc thầy, các con người phù hợp để giúp mình hướng tới việc đạt được mong muốn của mình.
  3. Bắt tay vào áp dụng các kiến thức, các lời dạy, lời khuyên, lời chia sẻ tìm được ở (2). Nỗ lực hết mình, kiên trì và nhiệt tâm theo đuổi việc áp dụng các kiến thức trên vào thực tế cuộc sống của mình, hết mình làm việc đó để cuối cùng có thể đạt đến những kết quả nhất định.
  4. Đánh giá, xem xét lại các kết quả thu được từ việc kiên trì, nỗ lực thực hành một thời gian xem:
    (a) Liệu kết quả thu được có phù hợp với mong muốn và mục đích của mình không?
    (b) Nếu kết quả thu được là phù hợp, chỉ cần tiếp tục với (3) để có thể có được các tiến triển kế tiếp. Và cần đặt câu hỏi: liệu có cần chỉnh sửa, thay đổi, cải tiến gì trong việc thực hành để có kết quả tốt hơn không? Rồi chúng ta quay lại với (2) và tìm hiểu thêm, đào sâu kiến thức, lời dạy để đưa ra các thay đổi cần thiết và tiếp tục với bước (3).
    (c) Trong trường hợp đã thực hành khá lâu rồi (ít nhất là 6 tháng – 12 tháng) mà có vẻ như kết quả thu được nó không phù hợp với định hướng, mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới thì cần xem xét, đánh giá lại liệu pháp hành mình đang theo đuổi có phù hợp không? Và quay lại bước (2) để tìm cho mình một pháp hành khác để tiếp tục trải nghiệm và kiểm chứng.
    (d) Nhưng nếu sau một thời gian trải nghiệm thực tế, khi thấy được các mong muốn của mình xác định trước đây giờ không còn phù hợp, thậm chí không còn ý nghĩa nữa, thì chúng ta cần quay lại bước (1) để xác định lại mong muốn của mình, và lại tiếp tục vòng lặp này với các mong muốn mới được xác định lại.

Tiến trình nó chỉ lui tới cũng chỉ như vậy mà thôi. Trong trường hợp cụ thể của tôi thì mục đích của tôi là tìm kiếm hạnh phúc, bình an cho cuộc đời của mình. Tôi tìm đến với thiền tập là để giải quyết vấn đề đó cho cuộc đời của tôi. Và sau một thời gian dài tìm hiểu về các chữ hạnh phúc và bình an, đã có nhiều thay đổi trong cách suy nghĩ của tôi, và thậm chí đã thay đổi luôn con đường mà tôi đi. Từ một chữ hạnh phúc, hay bình an đơn giản hồi ban đầu, té ra, nó lại chẳng hề đơn giản một tí nào. Ví như, làm gì có hạnh phúc hi hi… Tôi dần nhận ra một sự thật sâu sắc như được dạy trong Kinh Pháp Cú rằng:

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;

Tôi tin vào sự thật này, và do đó, mục đích từ ban đầu của tôi là hạnh phúc, bình an được chuyển thành mục đích là làm việc với tâm của mình. Bởi vì, tâm mình mới là nơi quyết định hạnh phúc hay khổ đau cho chính cuộc đời của tôi. Mà cụ thể hơn, tôi mong muốn (1) Tìm hiểu tâm mình, (2) Uốn nắn tâm mình và (3) Giải phóng tâm mình khỏi các phiền não, khổ đau ở đời.

Với sự rõ ràng như vậy về mục đích như vậy cùng với những trải nghiệm thực tế cho đến thời điểm hiện tại, tôi tự tin phát biểu rằng, pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ (hay còn được gọi là pháp hành thiền chánh niệm, pháp hành chánh niệm, thiền Vipassana, thiền minh sát, thiền niệm, thiền tuệ, …) là phương pháp hiệu quả nhất để tìm hiểu tâm mình, uốn nắn tâm mình và cuối cùng là giải phóng tâm mình hoàn toàn khỏi mọi phiền não, khổ đau trong cuộc sống. Đây là pháp hành thiền mà Đức Phật đã dạy, mà các hướng dẫn thực hành cụ thể được ghi chép lại trong bản kinh Tứ Niệm Xứ (hoặc Đại Niệm Xứ) với những lời dạy từ chính Đức Phật.

Một điều khác cần lưu ý trong trường hợp hành thiền là cần phải nhiệt thành và trọn vẹn theo đuổi một pháp hành ở bước (3) cho đến khi có thể có được kết quả để tiếp tục với bước 4 nhé. Không nên trộn lẫn các pháp hành với nhau (ngoại trừ các bạn là bậc thầy, mà đa phần chúng ta chỉ là những người phàm). Bởi vì trộn lẫn các pháp hành tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhiệt thành đầu tư có nghĩa là bạn dành nhiều thời gian cho nó. Nó cũng thể hiện rằng, bạn thực sự theo đuổi mục tiêu bạn xác nhận ở bước (1).

Bạn đến với thiền với mục đích gì? Bạn mong muốn đạt đến điều gì ở trong chữ mà bạn đang gọi là thiền? Bạn cần tự mình trả lời câu hỏi đó cho thấu đáo.

Bởi vì, chỉ khi có thể rõ ràng được mục đích của mình thì bạn mới có thể tìm được pháp hành thiền thích hợp. Hiện nay, trong xã hội, ai cũng nói đến thiền, thiền này thiền nọ, rồi chánh niệm này kia… Nhưng mỗi loại, mỗi cách hiểu lại có phương pháp tập và cách tiếp cận rất khác nhau. Nên nếu không chắc về mục đích của mình thì khi tìm hiểu, khi tập, bạn cũng sẽ chẳng thể biết được liệu nó có lợi ích cho mình hay không?

Ví dụ như, nếu bạn đến với thiền để tìm sự an yên trong tâm, nhưng sau một thời gian thực hành pháp hành thiền A nào đó, bạn thấy không an yên trong tâm, sự muộn phiền, sự sân giận vẫn còn quá nhiều ở đó mà không thấy cải thiện nào đáng kể, … thì khi đó bạn nên quay lại xem xét xem liệu mình có tập sai chỗ nào không? Hay là bản thân pháp hành thiền đó không phù hợp? Đây là cả một sự đầu tư lớn cho bất cứ ai, một sự đầu tư xứng đáng cho cuộc đời của mình. Thường thì bạn sẽ cần có một vị thầy, và thực hành theo hướng dẫn của vị thầy đó. Hoặc là nếu bạn theo một pháp môn nào đó thì kiên trì theo pháp môn đó, bỏ hết nỗ lực thực hành để có thể kết luận liệu là nó có thoả mãn mục đích của mình hay không?

Trở lại với thiền chánh niệm, mục đích của pháp hành này là để tìm hiểu tâm mình, uốn nắn tâm mình và cuối cùng là giải phóng tâm mình hoàn toàn khỏi những phiền não, khổ đau ở đời sống. Do tôi chỉ thực hành pháp hành thiền chánh niệm, nên tôi cũng chỉ có thể chia sẻ về pháp hành này mà thôi.

Một điều lưu ý nữa là, tôi cũng không phải là một vị thiền sư của pháp hành chánh niệm, nên tôi không thể và không nên dạy về pháp hành này. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn có thể chia sẻ cách tôi tiếp cận với thiền chánh niệm và tôi nghĩ là những ai có cùng mong muốn như tôi, tìm hiểu tâm mình, uốn nắn tâm mình, và giải phóng tâm mình khỏi mọi phiền não, sẽ có lợi ích khi biết đến các chia sẻ của tôi, trước khi họ có thể tìm cho bản thân mình một vị thầy.

Những gì tôi đã chia sẻ cùng các link tham khảo trong bài này có lẽ là đủ để bất cứ ai có thể tìm hiểu và bước đầu đến với thiền chánh niệm: Hai thứ bạn nhất định phải làm trong năm 2023. Bạn có thể tham khảo ở trong đó.

Gần đây, tôi có dịch bài này và thu âm lại. Nó chứa đựng toàn bộ những điều cốt lõi của pháp hành thiền chánh niệm, và cũng lại là một bài dẫn thiền. Bạn có thể tham khảo ở đó và có thể thử thực hành ngay ở phần dẫn thiền trong bài này: Đơn giản và bình yên.

Kết luận, hãy bắt đầu bằng cách xác định rõ ràng mục đích của bạn khi đến với thiền, hãy bắt đầu nơi nó cần được bắt đầu một cách thấu đáo nhất.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

2 thoughts on “Tại sao bạn lại tìm đến với thiền?

  1. Cám ơn tác giả. Thiền định có thể không phải điều để đạt được, nó đến khi người tìm kiếm không còn tìm kiếm!

Leave a Reply