“5 điểm chết trong đội nhóm”

Đọc xong cuốn sách từ trước Tết, nhưng mãi đến giờ mới có thời gian để ghi lại review ngắn gửi đến mọi người. Đây là một cuốn sách chứa đựng những điều cơ bản và đơn giản về đội nhóm, nhưng cùng lúc lại là những điểm gốc rễ và trọng yếu mà chúng có thể phá huỷ, bóp vụn sức mạnh của một đội nhóm (hay ở qui mô lớn hơn là cấp công ty) như ăn gỏi. Như có chia sẻ trong câu tag line của cuốn sách mà tôi đang viết dở, Lãnh đạo không khó, “đơn giản thì luôn khó làm, cơ bản lại thường bị bỏ qua“, 5 điểm chết người ở trong cuốn sách này cũng y như thế. Đây là những điều cực kỳ dễ hiểu, nhưng lại khó làm và thường bị bỏ qua. Đây là những triệu chứng, là những nguyên nhân gốc rễ mà bất cứ một đội nhóm hay một công ty đang gặp trục trặc thì chắc chắn cũng sẽ mắc phải ít nhất 1 trong 5 điểm chết này.

Cuốn sách được trình bày như một câu chuyện súc tích, dễ đọc, dễ hiểu. Nếu có thời gian thì bạn có thể đọc hết cuốn sách chỉ trong vòng 1 ngày mà không phải dừng lại để suy ngẫm quá lâu. Ngoài ra, các tình huống chia sẻ trong sách cũng là các tình huống khó chịu về đội nhóm, về nhân sự (như trong trường hợp cần phải sa thải) thường gặp mà bất cứ một lãnh đạo đội nhóm hay lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng đã từng trải qua mà chưa chắc đã “xử lý” được mượt mà như những tình huống trong sách.

Một cách ngắn gọn thì 5 điểm chết này bao gồm: (1) Thiếu sự tin tưởng, (2) Sợ xung đột, (3) Thiếu cam kết, (4) Trốn tránh trách nhiệm, và (5) Không quan tâm đến kết quả chung của cả tập thể. Mặc dù trong sách có ý đề nghị rằng các điểm chết này được sắp xếp theo thứ tự từ dưới lên trên trong một hình kim tự tháp với ngụ ý rằng, (1) là nền tảng của (2), (3), … Nhưng theo cá nhân tôi thì vẫn có thể sử dụng các điểm chết này như các tiêu chí riêng lẻ để đánh giá nhanh tình hình một đội nhóm hay một doanh nghiệp. Thực ra, để đánh giá tình hình doanh nghiệp thì cũng chỉ cần đánh giá tình hình ban giám đốc điều hành của doanh nghiệp đó mà thôi. Cũng lại là câu chuyện của một nhóm (người). Chỉ cần đánh giá nhanh về độ tin tưởng lẫn nhau, các cuộc tranh luận cởi mở và tích cực, sự cam kết nỗ lực trong công việc, mức độ gánh vác trách nhiệm và sự quan tâm đến kết quả toàn cục của đội nhóm hay công ty. Nếu gặp nhiều hơn 2 vấn đề trong 5 vấn đề trên thì rất có cơ may đội nhóm hay công ty của bạn đang phải chạy khập khiễng, nếu như không nói là ngừng chạy. Nếu chỉ gặp 1 hoặc 2 vấn đề thì chúc mừng bạn, bạn có ít vấn đề hơn để xử lý. Nhưng dứt khoát bạn và các đồng nghiệp cần xử lý dứt điểm những tồn đọng. Tuy nhiên, nếu vấn đề xảy ra ở sự thiếu tin tưởng thì hãy cẩn trọng. Vì vấn đề này mang tính nền tảng. Nếu không được xử lý rốt ráo thì nó là mầm mống của huỷ diệt. Và có một đề nghị rất hay ở trong sách mà tôi rất thích. Đó là: Để xây dựng lòng tin, cần phải vượt qua nhu cầu “không bị tổn thương” của chúng ta. Các bạn có thể tham khảo thêm chi tiết ở trong sách.

Tôi hoàn toàn đồng ý với những luận điểm và đề nghị được đưa ra ở trong sách. Và tôi đề nghị bạn, những nhà lãnh đạo, hãy tham khảo cuốn sách súc tích này, nếu bạn chưa đọc và nếu bạn muốn xây dựng một đội nhóm vững mạnh mang tính bền vững. Ở đây, tôi góp thêm một phần vào các đề nghị, ở cương vị của một người lãnh đạo đội nhóm cũng như lãnh đạo công ty. Thực ra, các đề nghị này là những gì tôi ấp ủ viết xuống trong cuốn Lãnh đạo không khó, cũng như tôi đã chia sẻ thông qua các bài nói của mình như bài: Những điều cốt yếu về kỹ năng lãnh đạoLeadership 101. Muốn tham khảo nhanh thì các bạn có thể đọc bài báo Các phẩm chất nền tảng của một nhà lãnh đạo bền vững mà tôi đã có dịp chia sẻ trên TheLeader.vn. Niềm tin đội nhóm cần phải được gieo trồng, được nuôi dưỡng và được duy trì bởi người lãnh đạo đội nhóm. Và điều đầu tiên cần làm là một nhà lãnh đạo phải tạo dựng được niềm tin đến các thành viên trong đội nhóm, trong công ty của mình. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của nhà lãnh đạo. Và thực ra, để làm điều đó, nhà lãnh đạo chỉ cần thực hành các giá trị cốt lõi đơn giản và cơ bản sau đây: chính trực (trên nền tảng đạo đức), cởi mở, nhạy bén quan sát, tôn trọng (bản thân mình và người khác), linh hoạt, sáng tạo, quan tâm và biết ơn. Chi tiết về các thực hành này thì tôi hẹn các bạn vào dịp tôi phát hành cuốn Lãnh đạo không khó nhé.

Càng trải nghiệm thì tôi càng đồng ý với quan điểm được đưa ra trong cuốn sách 5 điểm chết trong teamwork;

“Không phải tài chính, chiến lược, công nghệ mà kỹ năng làm việc nhóm mới là lợi thế cạnh tranh hàng đầu.” 

Tác giả Patrick Lencioni

“Thành công luôn đến từ những đội nhóm gắn kết chặt chẽ với nhau. Sự gắn kết thì lại được khởi nguồn từ các mối quan hệ tích cực và tương hỗ đi cùng với một văn hoá đội nhóm dựa trên nền tảng niềm tin. Nếu ai nắm vững công thức này và kiên trì theo đuổi thì tôi chắc chắn kết quả cuối cùng không có gì khác ngoài thành công.”

Trích dẫn lại bài viết của tôi trên TheLeader.vn

Và để làm được những điều trên, xây dựng một đội nhóm vững mạnh mang tính bền vững, sẽ luôn cần sự kiên trì, sự nhất quán, sự kỷ luật trong việc thực hành các giá trị của niềm tin. Hãy bắt đầu từ đó.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

One thought on ““5 điểm chết trong đội nhóm”

Leave a Reply