“Chị mấy bữa nay không quản lý được cảm xúc ! Bố mất, mẹ đột quỵ! Chồng mổ tim đặt stent! Chị không ngồi thiền được! Không biết làm sao cho tâm an bây giờ?”
Tôi nhận được câu nhắn như trên vào buổi sáng thứ 5, cùng với câu hỏi: “Liệu có thể xem như trên là ‘hoạ vô đơn chí’ không?”, khi mọi thứ nó xảy ra cùng lúc liên tiếp. Thậm chí, chị ấy còn đánh mất bóp tiền với nhiều tiền ở trong đó.
Theo tôi thì những việc như trên xảy ra cùng lúc chỉ là tình cờ mà thôi, không cần phải nâng tầm vấn đề lên. Nó xảy ra, vì nó đã xảy ra đúng như vậy, do những sự việc trước đó đã xảy ra, tạo điều kiện tiền đề trước đó. Quy luật tự nhiên này nghe thì đơn giản, nhưng lại phức tạp và không thể giải thích chi tiết được. Nhưng khi chúng ta đang quay cuồng, đang bị cuốn trong các sự kiện thì những gì chúng ta có thể thấy được chỉ là các tâm tiêu cực như hoạ, khổ, cô đơn, tuyệt vọng, kiệt sức, buồn khổ, chán nản, … Nhưng nếu bằng một cách nào đó mà chúng ta có thể tách mình ra khỏi các sự kiện, thì khi đó chúng ta có thể trả chúng về vị trí đúng của nó. Chúng đơn thuần chỉ là các sự kiện, xảy ra chính xác theo đúng quy luật vận hành của tự nhiên một cách vô tình và khô khan mà thôi.
Có một vấn đề khác thường gặp là chúng ta hay tự so sánh một cách tự ti rằng: những gì chúng ta gặp là đau khổ nhất, không ai có thể khổ hơn. Nhưng thực tế thì ai cũng có nỗi khổ riêng của mình. Lớn bé chẳng thể nào so sánh được. Bởi vì nó quá là tương đối. Những gì có thể xem là quá nặng nề đối với một người này có thể lại chẳng phải là vấn đề của một người khác. Hơn nữa, tuỳ ở trí tuệ của một người mà một vấn đề đối với người đó sẽ là lớn hay bé. Ví như theo tôi biết, các vị sư dù có thể không gặp các vấn đề như người thế tục, nhưng các vị ấy lại có những vấn đề khác, khó đối trị hơn rất nhiều, thậm chí người thế tục chẳng thể nào đương đầu nổi. Tuy nhiên, do bởi tầng mức trí tuệ của các vị ấy cao cấp, nên cách nhìn nhận cũng như cách đối trị các vấn đề mà họ có rất thoải mái, nhẹ nhàng, mà thậm chí người ngoài nhìn vào còn có thể nhầm rằng, các vị ấy chẳng bao giờ gặp vấn đề gì cả. Việc chúng ta cần làm là hãy tỉnh táo, điềm tĩnh nhìn nhận, đánh giá các vấn đề mà mình đang gặp phải một cách khách quan, đúng đắn, để rồi từ đó mới có thể có được các hành động đối trị phù hợp, hiệu quả nhất. Đừng dán nhãn cho nó là sao lại “tấp nập” các mất mát như thế này, sao tôi lại khổ thế này? Nó chỉ làm cho tâm chúng ta thêm nặng nề, quay cuồng, mất năng lượng, mà lại chẳng thể nào giúp chúng ta giải quyết được các vấn đề to lớn đang xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
Một vấn đề kế tiếp là chúng ta hay dán nhãn sự việc là “hoạ” hay “phúc”. Như trong trường hợp chị bạn ở trên, chị ấy đã tự hỏi: “Liệu rằng đây có phải cái người ta gọi là hoạ vô đơn chí không?” Một cách tuyệt đối thì hoạ hay phúc chỉ là các nhãn mác mà chúng ta gắn cho một sự việc, dựa theo tri kiến, cách nhìn nhận hiện tại của chúng ta. Ví như trường hợp ở trên, nếu chúng ta xem nó là hoạ, nếu chúng ta không nhận ra bản chất khách quan của sự việc là vận hành theo sinh, lão, bệnh, chết, và rồi chúng ta còn bị cảm xúc lấn lướt, vận hành luôn suy nghĩ và cuộc sống của chúng ta, kết quả là chúng ta bị chìm nghỉm, cuốn trôi trong cái vòng cảm xúc tuyệt vọng tiêu cực đó từ ngày này qua tháng khác. Nên kết cục không tránh khỏi là tâm trí của chúng ta, sức khoẻ của chúng ta đều đi xuống. Khi tâm trí và sức khoẻ đi xuống thì chúng ta chẳng thể nào sáng suốt và tỉnh táo trong suy nghĩ, hành động và lời nói của mình được. Hệ quả kéo theo là nhiều chuyện “xui xẻo” lại tiếp tục đeo bám, xảy ra. Ví như việc đánh mất bóp tiền ở trên. Tôi đoán là khi tâm trí bấn loạn thì chẳng thể nào chánh niệm, tỉnh giác được. Nên quên chỗ này, sót chỗ kia là điều đương nhiên. Kết quả là mất của. Như vậy, nếu không được tỉnh táo, không được chánh niệm, không được tĩnh lặng, không có hiểu biết đúng đắn về qui luật vận hành của sinh, lão, bệnh, tử, lại bị cảm xúc khống chế thì những sự việc như trên cho dù chỉ một sự kiện cũng đủ là một thảm hoạ lớn rồi.
Ngược lại, nếu chúng ta có được sự tỉnh táo, có chánh niệm, có được sự tĩnh lặng, hiểu biết và chấp nhận qui luật vận hành của tự nhiên vốn rất khô khan của sinh, lão, bệnh, tử, thì mỗi một sự kiện như trên xảy ra sẽ là một cơ hội quý báu để chúng ta cảm nhận, quan sát, quán xét kỹ càng về cái chết, quán xét về bệnh tật, quán xét về tuổi già, … Và từ đó, mặc dù đau buồn, chúng ta vẫn có được cách đối trị, cách hỗ trợ tốt nhất đối với sự việc, người thân và bản thân mình. Như vậy, mặc dù không tránh khỏi sự buồn khổ (vốn dĩ chúng ta cũng chẳng làm gì được để thay đổi những gì đã xảy), đây lại là một phúc lành để chúng ta trải nghiệm, quán xét, học tập và trưởng thành.
Như vậy, hoạ hay phúc không nằm ở sự việc đã xảy ra, nó chỉ nằm ở cách chúng ta nhìn nhận sự việc. Chúng ta chẳng thể nào thay đổi hoàn cảnh hoặc những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thái độ cũng như cách nhìn đối với chúng, những gì đã và đang xảy ra. Họa hay phúc đến từ đó, từ thái độ và cách nhìn nhận sự việc của chúng ta, chứ chẳng thể nào từ sự kiện đã xảy ra cả. Với một thái độ đúng đắn, với cách nhìn đúng đắn, phù hợp với quy luật vận hành của tự nhiên thì mọi thứ sẽ được hoá giải một cách tốt đẹp, thuận lợi, và lợi ích nhất cho mình cũng như cho những người xung quanh, liên quan đến sự việc.
Quay lại với câu hỏi đầu tiên, làm sao để tâm an bây giờ? Chỉ có một câu trả lời rốt ráo và hiệu quả nhất, hãy thư giãn và hành thiền chánh niệm. Về chủ đề thiền chánh niệm thì tôi đã, đang và sẽ không ngừng chia sẻ. Các bạn có thể tham khảo các bài viết của tôi ở đây, hoặc cụ thể hơn là một số bài gần đây như bên dưới.
- Điều kiện cần để hành thiền chánh niệm
- Back to Basics
- Các ghi chú cho việc thực hành (thiền) chánh niệm
- Làm gì có hạnh phúc
- Hoặc dài hơn thì các bạn tham khảo trực tiếp cuốn sách ngắn, là một bài Pháp của Thiền sư Sayadaw U Jotika mà tôi đã dịch Việt: Thiền cho người mới bắt đầu.
Một cách ví von thì việc hành thiền chánh niệm (hay ngắn gọn là thực hành chánh niệm) giống như bữa ăn tinh thần hàng ngày của chúng ta. Món ăn tinh thần hay vật chất hằng ngày đều đóng một vai trò quan trọng và quyết định hết. Bệnh tật trong thân đa phần là do dinh dưỡng sai, lâu ngày tích tụ thành vấn đề sức khoẻ (như tôi có chia sẻ trong bài Các nguyên lý cốt lõi về dinh dưỡng). Và tâm cũng như thế, nó sẽ bị hư hoại, nếu chúng ta không biết cách cung cấp cho nó đều đặn các “món ăn tinh thần” lành mạnh. Hành thiền chánh niệm là dinh dưỡng lành mạnh thiết yếu hàng ngày cho tâm của chúng ta.
- Ngày nào không ăn thì cơ thể chúng ta thiếu dinh dưỡng, chúng ta đói. Cũng y như thế, ngày nào không thực hành chánh niệm thì tâm trí của chúng ta thiếu “dinh dưỡng”, tâm trí chúng ta bị bỏ đói chống chọi với những gì tiêu cực đang xảy ra xung quanh mình. Và thực ra, do bởi không nhiều người biết đến thiền chánh niệm, nên dinh dưỡng cho tâm trí của chúng ta sẽ cứ bị hụt liên tục. Nó bị hao hụt là do tâm ta còn phải đối trị với cũng như bị vận hành bởi các tham muốn trong cuộc sống. Nếu không may, thì nó sẽ cứ bị hụt dần cho đến mức có thể làm “què quặt” luôn cả tâm trí của chúng ta. Suy dinh dưỡng, oặt ẹo.
- Đến bữa thì cần phải dùng cơm, ngon cũng cần phải ăn, dở cũng cần phải ăn, vui cũng cần phải ăn, buồn cũng cần phải ăn, khoẻ cũng cần phải ăn, bệnh cũng cần phải ăn. Ít khi chúng ta có thể bỏ bữa được. Vì nếu bỏ bữa thì đồng nghĩa với việc bỏ đói cơ thể, không cung cấp dinh dưỡng để nuôi sống cơ thể. Và đó chắc chắn là điều có hại. Các từ khoá ở đây là “đều đặn và liên tục“. Cũng như vậy, đối với việc hành thiền chánh niệm cũng y như thế. Vui cũng phải hành thiền, buồn cũng phải hành thiền. Khoẻ cũng phải hành thiền, mà bệnh cũng cần phải hành thiền. Khi hạnh phúc cũng hành thiền, mà khi đau khổ cũng phải hành thiền. Khi thuận lợi cũng hành thiền, mà khi khó khăn cũng phải hành thiền. Thực ra, trong những lúc khó khăn, bệnh tật, không vui, đau buồn, đó lại là những lúc chúng ta cần phải hành thiền chánh niệm nhất. Là để tâm của chúng ta được quân bình, tỉnh giác và chánh niệm, để cảm nhận, học hỏi và phát triển, cũng như không để các năng lượng tiêu cực kéo mình xuống, làm tâm mất đi tỉnh giác, chánh niệm và tĩnh lặng, giảm thiểu tối đa rủi ro về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Các từ khoá cũng vẫn chỉ là “đều đặn và liên tục” mà thôi.
Tóm lại, hoạ hay phúc là do ở cách nhìn của mình mà thôi. Còn sự việc, hoàn cảnh nó vẫn cứ hoạt động một cách khô khan tuân theo quy luật của tự nhiên. Để “biến” hoạ thành phúc, chỗ chúng ta cần làm việc là cái tâm của mình. Càng hiểu nhiều về quy luật vận hành của tâm mình thì càng có cái nhìn đúng đắn, khách quan hơn về sự việc. Khi đó thì chúng ta mới có thể thay đổi thái độ một cách hợp lý hơn, đúng đắn hơn, để “chuyển hoá tất cả thành phúc”. Khi đã thấm nhuần được tinh thần này thì việc còn lại là chúng ta chỉ cần nhẩm câu thần chú “cuộc đời là một trường học” để mà kiên nhẫn, nỗ lực học bài thôi. Vậy thì học bằng cách nào? Hãy hành thiền chánh niệm với các từ khoá quan trọng là “đều đặn và liên tục”.
Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana), Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com