“Nhân chi sơ tính bổn ác?”

Tôi nhận được phản hồi bên dưới kèm với câu hỏi, sau khi đăng hình trên.

Đây là điều em suy nghĩ gần đây khi nhớ lại các hành động trong tuổi thơ của mềnh. Hồi còn học tiểu học em hay chơi trò bắt kén bướm, xé cái kén ra lấy em sâu trong đó, tập hợp mấy ẻm lại bỏ vô 1 hỗn hợp ớt bằm. Tới hồi sanh viên đi làm trong tiệm bán cá, thấy trai đập cá hẻm chết, em đuổi trai ra, ngày đập hàng chục em cá thêm mấy em cua. Giờ thì hẻm dám mần mấy hành động đó nữa.
Nên em đặt câu hỏi”có phải nhân chi sơ tính bổn ác?” Và càng lớn, bồi dưỡng tâm hồn bớt ác, bớt phần con đi để mần phần người?

Đã có đôi lần, H chia sẻ suy nghĩ của mình về điều này trong các bài chia sẻ hoặc bài nói trước. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là các suy nghĩ thoáng qua. Nên nhân tiện câu hỏi này, H sẽ chia sẻ cụ thể hơn về suy nghĩ cũng như cách nhìn của H cho câu “nhân chi sơ tính bổn… thiện”.

H học và hiểu được từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ các bài pháp của Thiền sư U Jotika, rằng: Các nhân tố thiện là luôn có ở trong tâm, nhưng nó lại đa phần vẫn nằm ở dạng tiềm năng. Ví như đó là các hạt giống thiện tính hoặc các chủng tử thiện có sẳn trong người, nhưng vẫn là chỉ ở dạng “hạt giống” mà thôi. Một cách ví von thì để các phần thiện tính này thực hiện “chức năng” của nó thì hạt giống cần phải nảy mầm và chuyển hoá từ hạt thành một cái cây khoẻ mạnh. Tiến trình đó nghe thì có vẻ tự nhiên, nhưng lại cũng là một điều tuyệt vời và kỳ diệu của tự nhiên. Sự chuyển hoá từ hạt giống thành cây là một thành tựu kinh ngạc, khi hạt có thể chuyển mình, biến đổi ngoạn mục và mãnh liệt để chuyển hoá thành một dạng sống hoàn toàn khác. Trong trường hợp tâm của mình thì có thể nói rằng, các hạt giống thiện này chỉ đang ở dạng tiềm năng tâm linh mà thôi, chứ nó chưa nảy mầm, chưa chuyển hoá thành một cái cây. Nên, nếu chúng ta thật sự nghiêm túc muốn phát triển bản thân mình về với những gì tốt đẹp thì chúng ta cần phải học cách để tưới tẩm, để chăm sóc, để tạo điều kiện cho các hạt giống, các tiềm năng tâm linh này của mình chuyển hoá thành các năng lực thực sự trong tâm mình. Trước khi chúng ta có thể hoàn thành được việc ấy thì trong tâm chúng ta tồn tại và có rất nhiều vấn đề.

Trong tâm lý học Phật giáo thì các vấn đề trong tâm này thường được nhắc đến thông qua các tâm tham, sân, si đang vận hành cuộc sống của chúng ta, mà thường được gọi là tam độc, là nguồn gốc của mọi vấn đề, của mọi bất hạnh, khổ đau trong cuộc sống của chúng ta. Theo tôi hiểu thì mặc dù chúng ta đều có sẳn các hạt giống thiện trong tâm, nhưng trong khi các hạt giống đó phần lớn vẫn chưa nảy mầm thành cây, thành các tâm thiện thì tâm chúng ta lại đang bị ô nhiễm, uế nhiễm bởi các tâm bất thiện được phân thành ba loại như trên: tham, sân, và si. Có thể kể ra vô số tâm bất thiện như vậy: tham lam, ganh tỵ, tự ti, sợ hãi, thiếu hiểu biết, sân giận,… Mà chỉ riêng sân giận cũng có thể liệt kê ra rất nhiều tâm thuộc về loại này như trong cuốn Thái độ tiêu cực có thử làm: mỉa mai, cáu giận, kích động, oán giận, tàn nhẫn, chua cay, gây sự, ác ý, hờn dỗi, giận dữ mù quáng, bực dọc, oán ghét, căm thù, thù địch, nhạo báng, sợ hãi, bất an, bứt rứt, lo ngại, bồn chồn hốt hoảng, lo sợ, khiếp đảm, nghi ngại, lo lắng, day dứt, cáu kỉnh, kinh sợ, hãi hùng, kinh hoàng, hoảng loạn, ghê tởm, khinh miệt, khinh bỉ, coi thường, ghét cay ghét đắng, ác cảm, chán ghét, khiếp sợ, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, ngượng ngập, buồn tủi, hối hận, nhục nhã, hối tiếc, ăn năn hối lỗi, điên tiết, thịnh nộ, oán hận, phẫn nộ, bực tức, căm phẫn, phật ý, chua cay, thù oán, phiền muộn, cáu kỉnh, thù hằn, căm ghét, thô bạo, buồn bã, sầu khổ, đau buồn, ủ rũ, u sầu, u uất, tự thương hại bản thân, cô đơn, chán ngán, thất vọng, trầm cảm, phiền muộn.

Bạn cảm nhận như thế nào, khi đọc hết các tâm sân ở trên? Chính các sự uế nhiễm này, các tâm bất thiện này mới là thứ đang vận hành cuộc sống của chúng ta ở hiện tại, chi phối trực tiếp tới suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta hàng ngày và là nguồn gốc của mọi đau khổ và bất hạnh. Chứ các tâm thiện thì lại có ít ảnh hưởng hơn bởi vì nó còn quá yếu ớt so với các tâm bất thiện, uế nhiễm này. Đó là sự thật, dù rằng bạn có thể không hoặc chưa chấp nhận điều này. Mọi người có thể thử hình dung điều ngược lại mà xem. Nếu thực sự các tâm thiện có đủ ảnh hưởng, đủ mạnh để vận hành cuộc sống của chúng ta, thay vì các tâm bất thiện, thì chắc chắn rằng càng ngày cuộc sống của chúng ta càng dễ dàng, càng thuận lợi hơn. Chỉ có thể là như thế. Nhưng mà trong thực tế thì cuộc sống của phần lớn chúng ta chẳng dễ dàng gì, có đúng như vậy không? Hãy tự soi chiếu mình. Chúng ta cần thật chân thành với bản thân mình về điều đó. Và chúng ta cũng cần thật chân thành để nhìn nhận và xấu hổ khi thấy trong tâm mình có quá nhiều tâm bất thiện. Sự thật là như vậy. Bởi vì, chỉ có các vị thánh (những bậc giác ngộ đã chứng đắc các quả Phật) thì mới loại bỏ được phần lớn cũng như loại bỏ hoàn toàn được các tâm bất thiện này. Còn chúng ta, những con người phàm, thì cứ yên tâm là các tâm bất thiện vẫn còn đó ở trong tâm mình, dưới nhiều hình tướng khác nhau. Như trong bài Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm, Ngài U Jotika có dạy rằng: “Tâm của chúng ta không được thanh tịnh hầu như mọi lúc. Nó đầy rẫy tham muốn, giận dữ, đố kỵ, ganh tỵ, tự phụ, kiêu ngạo, si mê hoặc hoài nghi. Quá nhiều thứ xảy ra trong tâm.” Sự thật là như vậy. Hãy thành thật với chính bản thân mình. Đôi khi tôi rất xấu hổ, khi nhận ra những điều xấu xa đang xảy ra trong tâm mình. Điều tích cực của sự bất lợi này là do bởi những khổ đau, phiền não mà chúng ta đang phải gánh chịu hàng ngày mà nó lại thôi thúc chúng ta tìm đến với một lối thoát.

Như vậy, “nhân chi sơ tính bổn thiện” hay “nhân chi sơ tính bổn ác”?

“Nhân chi sơ tính bổn thiện”, theo H nghĩ là để nói về các hạt giống thiện chưa nảy mầm. Nghĩa là ai cũng có sẳn các hạt giống này. Nhưng cần lưu ý là nó chỉ là hạt giống nhé, cần rèn luyện, tạo điều kiện để nó nảy mầm, thành cây. Còn nếu chưa thì do bởi tính thiện thường xuyên bị lấn át bởi các tâm tham, sân, si nên chân lý lại nghe có vẻ như là “Nhân chi sơ tính bổn ác”, mà ở đây cũng chẳng phải “bổn ác” mà là do tâm mình luôn luôn bị “nhiễm độc” bởi các tâm ác và các tâm ác đó vận hành luôn cuộc sống của chúng ta. Điều chúng ta cần làm là phải tìm phương pháp để thanh tịnh hoá tâm mình cũng như để các hạt giống thiện nảy mầm thành cây. Trong tu tập Phật giáo có 10 hạt giống này, được gọi là các ba-la-mật tu tập hay là các tiềm năng tâm linh. Mọi người tham khảo bài pháp này của Sư Tâm Pháp để hiểu về các ba-la-mật: Ba la mật.

Quay lại trường hợp của bạn trẻ ở trên, khi còn trẻ hơn thì “hăng hái” làm những việc mà bây giờ không dám làm nữa. Có lẽ cũng dễ hiểu. Bởi vì khi còn nhỏ, chưa va chạm, chưa cảm nhận được nhiều về cuộc sống thì bản năng sống nó sẽ nổi trội. Bản năng sống thì hầu như chúng ta cũng giống với muông thú. Nên việc giết chóc, tình dục, sinh sản, ăn uống, … nó trở thành nhu cầu tự nhiên và được thực hiện một cách tự nhiên. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm kha khá các sự thoả mãn mang tính bản năng như vậy thì nếu ai có các hạt giống thiện mạnh mẽ trong người sẽ thường cảm nhận được sự vô nghĩa, sự bất thiện của các hành động hồi xưa. Nên tự dưng, chẳng dám cũng như chẳng muốn làm nữa. Nó chỉ đơn giản là như thế.

Nhưng mà mọi người cũng có thể hình dung rằng, “cái thiện” hay “cái ác” đang vận hành ở bên trong mỗi người cũng sẽ rất khác nhau, ở tầng mức rất khác nhau. Những ai do tích luỹ được từ nhiều cuộc sống trước hoặc ở cuộc sống này, những ai đã và đang huân tập đều đặn các hành động, lời nói, và suy nghĩ thiện thì chắc chắn rằng các chủng tử thiện nó sẽ nổi trội hơn, sẽ có ảnh hưởng tác động đến cuộc sống của họ nhiều hơn so với những ai làm điều ngược lại. Cụ thể thì có lẽ mọi người chỉ bắt đầu bằng một cảm nhận. Như trường hợp của bạn trẻ ở trên, đến một lúc nào đó thì bạn ấy sẽ cảm nhận được rằng mình chẳng thể “xuống tay” được nữa. Trong khi cũng có những người mà từ khi sinh ra đã thể hiện ngay rằng, họ sẽ rất vui khi có thể làm cho người khác không vui. Và có thể rằng, họ sẽ không thay đổi khi lớn lên, già đi, khi mà họ vẫn chọn lựa cho mình cảm giác vui thú khi làm cho mọi người không vui. Ở đây, hoàn cảnh mỗi người khác nhau, và sẽ tuỳ theo ở vị ấy muốn định hướng cuộc đời mình như thế nào (theo hướng cổ xuý cho thiện hay ác) thì những điều kế tiếp sẽ xảy ra tương ứng với định hướng mà vị ấy đã chọn.

Tuy nhiên, nếu vị ấy thường gần gũi với người thiện trí thì chắc chắn họ cũng sẽ được ảnh hưởng bởi những con người thiện trí. Và ngược lại, nếu vị ấy gần gũi với những người xấu ác mà không ý thức được điều đó cũng như không quyết tâm để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của những người xấu ác đó thì dĩ nhiên là họ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các suy nghĩ và hành động bất thiện. Và kết quả là họ sẽ có xu hướng hành ác nhiều hơn là hành thiện. Cuối cùng đi nữa thì đó là quyền tự do ở mỗi người chúng ta. Chúng ta chẳng thể áp đặt quan kiến của mình lên người khác. Người duy nhất chúng ta có thể áp đặt, nếu có thể làm được, là chính chúng ta mà thôi. Như vậy, càng già càng thiện hay càng già càng ác thì cũng chỉ là một lựa chọn cá nhân, chứ chẳng phải là qui luật. Cũng cần nhớ rằng, mặc dù chúng ta có quyền tự do lựa chọn cho mình các lựa chọn khác nhau, nhưng khi đã chọn rồi, đã thực hiện rồi thì chúng ta lại không còn tự do “thoát khỏi” kết quả mà hành động ấy tạo ra.

Tiếp tục với bài viết này, tôi xin đi tiếp với các độc giả muốn chọn cho mình con đường tăng trưởng trí tuệ, muốn giải quyết các phiền não trong tâm của mình, muốn cái tâm mình hướng thiện, được tự do khỏi mọi trói buộc, ràng buộc của khổ đau, của phiền não. Thực ra, đây là đề tài mà tôi đã và đang theo đuổi cho cả cuộc đời của mình. Một hành trình dài. Và tôi đã không ngừng chia sẻ về chủ đề này. Cần nhắc lại ở đây rằng, tâm chúng ta thường xuyên bị uế nhiễm bởi các tâm bất thiện. Và do bởi sự “chiếm hữu” thường trực của các tâm này mà chúng lại vận hành luôn cuộc sống của chúng ta. Điều chúng ta cần làm là phải thanh lọc tâm mình cũng như tìm cách để các hạt giống thiện, các tiềm năng tâm linh ở bên trong mình nảy mầm và chuyển hoá thành cây. Đó là quá trình giải thoát tâm mình như Ngài U Jotika có dạy trong bài pháp Những nguyên lý để sống hạnh phúc:

Tôi tin rằng, một cách tự nhiên thì chúng ta là người tốt. Đôi lúc chúng ta làm những điều xấu xa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta xấu. Tôi nghĩ rằng, một cách tự nhiên thì con người chúng ta là những sinh vật cao thượng. Chúng ta yêu cái tốt. Chúng ta có những điều tốt đẹp ở bên trong mình. Chúng ta chỉ cần thừa nhận điều đó và phát triển những điều tốt đẹp ở bên trong mình lên mà thôi. Khi chúng ta càng phát triển được các phẩm chất tốt đẹp của mình thì chúng ta càng trở nên hạnh phúc hơn, chúng ta có nhiều tự do hơn. Để trở nên tự do có nghĩa là phát triển được tất cả các phẩm chất tốt đẹp của chính mình, phát triển được tất cả các tiềm năng tâm linh của chính mình. Hầu hết mọi người đều nói về tự do. Khi họ nói về tự do, ý họ là tự do về mặt chính trị. Điều đó cũng quan trọng. Tôi hiểu rất rõ về điều đó. Có những quốc gia mà ở đó bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, thậm chí cả gian lận và trốn thoát được. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ thực sự có tự do. Tự do đích thực chỉ xảy đến khi bạn đã phát triển được tất cả các phẩm chất tốt đẹp mà mình có. Tôi rất thích hình ảnh ví von như sau về sự tự do. Khi một hạt giống mọc lên thành cây, nó được tự do. Khi một hạt giống vẫn đang còn là hạt, nó chưa tự do. Chúng ta được sinh ra với các hạt giống của cái tốt. Rất nhiều hạt giống như là: tâm từ, lòng trắc ẩn, sự chân thật, lòng chân thành, chánh niệm, định tâm, tuệ giác. Chúng ta được sinh ra với nhiều phẩm chất tốt đẹp như vậy. Nhưng hầu hết chúng ta chẳng bao giờ thực sự gieo hạt và làm cho nó mọc lên thành một cái cây to lớn cả. Chúng vẫn chỉ là các hạt giống mà thôi. Nếu chúng ta muốn tự do, chúng ta cần phải gieo trồng tất cả các hạt giống mà chúng ta có trong tay.

Để giải quyết cả hai vấn đề trên, thanh lọc tâm và giải thoát tâm mình, chỉ có một con đường độc nhất như đã được Đức Phật tuyên bố trong Bản kinh Đại Niệm Xứ:

Ekāyano ayaṃ, bhikkhave, maggo sattānaṃ visuddhiyā, 
soka-paridevānaṃ samatikkamāya, 
dukkha-domanassānaṃ atthaṅgamāya, 
 ñāyassa adhigamāya, 
nibbānassa sacchikiriyāya, 
yadidaṃ cattāro satipaṭṭhānā.
Dịch Việt: Này các Tỳ Khưu, đây là con đường duy nhất để thanh tịnh chúng sanh,
vượt khỏi sầu, ưu,
đoạn diệt đau khổ,
đạt đến chánh đạo,
chứng ngộ Niết Bàn,
đó là tứ niệm xứ)

Tham khảo thêm ở bài viết này: Điều kiện cần để hành thiền chánh niệm

Con đường đó thường được gọi là Con đường chánh niệm, hay pháp hành thiền chánh niệm (còn được gọi là thiền Tứ niệm xứ, thiền Vipassana, thiền Minh sát, thiền tuệ). Bản kinh Đại Niệm Xứ là bản kinh trong đó Đức Phật trực tiếp dạy cụ thể cách thực hành chánh niệm. Và đó là có đường độc nhất để thanh tịnh chúng sinh, vượt khỏi sầu ưu, đoạn diệt hoàn toàn khổ đau. Đó chẳng phải là điều ai cũng mong muốn? Có thể tại thời điểm này, các bạn chưa thể tin và hiểu được rằng chỉ có một con đường độc nhất này. Tôi có thể hiểu được điều này. Rồi sau khi trải nghiệm qua quá nhiều khổ đau trong cuộc đời này, trong những cuộc đời kế tiếp mà vẫn không tìm thấy được một “lối thoát” khả dĩ nào, thì tôi hy vọng bạn có thể nhớ đến “con đường độc nhất” này. Con đường này chỉ xứng đáng với những ai sẳn sàng và xứng đáng để đi trên con đường đó mà thôi. Một con đường đầy ý nghĩa, đầy khó khăn, nhưng phần thưởng cuối con đường thì lại là phần thưởng cao thượng và cao quý nhất cho bất cứ một ai. Các bạn có thể tham khảo bài này để tiếp cận với con đường đó: Điều kiện cần để hành thiền chánh niệm.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Leave a Reply