Trích từ bài pháp Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Câu hỏi: Thật là phúc lành khi Ngài ở đây với chúng con tối hôm nay. Xin Ngài có thể chia sẻ với chúng con về các trải nghiệm quán sát thân và tâm của Ngài được không ạ? Giống như lửa thì nóng và đường thì ngọt. Bản chất thực của tâm là gì ạ?
Có một câu kệ tiếng Pali. Tôi sẽ đọc lại bằng tiếng Pali. Tôi biết rằng hầu hết các bạn không hiểu ngôn ngữ Pali. Dù sao đi nữa, tôi muốn đọc câu kệ này bằng tiếng Pali. Bởi vì nó mang nhiều ý nghĩa đối với tôi. Nó có một ý nghĩa rất sâu sắc. Đức Phật đã dạy rằng: Pabhassaramidaṁ, bhikkhave, cittaṁ. Bhikkhave có nghĩa là vị sư. Khi đang giảng pháp cho các vị sư cùng với mọi người, Đức Phật sẽ dùng từ này để gọi các vị sư, bhikkhave. Đức Phật đã dạy rằng, cái tâm này sáng rỡ, toả sáng. Pabhassaramidaṁ, bhikkhave, cittaṁ, āgantukehi upakkilesehi upakkiliṭṭhaṁ. Bởi do các vị khách có tên là sự ô uế, uế nhiễm mà tâm trở nên bị ô uế, uế nhiễm. Như vậy, các sự ô uế trong tâm là các vị khách của tâm. Nếu bạn biết rằng chúng chỉ là các vị khách, thì khi chúng xuất hiện trong tâm mình, bạn sẽ thấy rằng chúng chỉ là các vị khách. Các uế nhiễm như tham lam, ham muốn, dính mắc, sân giận, thất vọng, và nhiều thứ khác như đố kỵ, ghanh ghét, nghi ngờ, … Nếu bạn có thể thấy rằng chúng chỉ là các vị khách, thì bạn có thể buông bỏ chúng dễ dàng hơn. Chúng ta đồng hoá bản thân mình với tham lam, “tôi muốn”. Khi bạn nghĩ rằng “tôi” là bạn, là bản thân bạn và bạn đang muốn một điều gì đó, thì sẽ rất khó để bạn có thể vượt qua được lòng tham. Nhưng khi bạn có thể thấy rằng tham chỉ là tham, không có gì thêm nữa thì nó lại trở nên dễ dàng để vượt qua lòng tham và buông bỏ nó. Nếu bạn thực sự muốn có một thứ gì đó, thì bạn có thể tìm được phương cách đúng đắn để có được thứ mà mình mong muốn. Cần có giới hạn cho lòng tham. Nếu có trí tuệ, khi muốn có một thứ gì đó, thì bạn sẽ tìm phương cách đúng đắn để có nó. Nhưng nếu không có trí tuệ, nếu bạn ngu ngốc, thì khi muốn có một thứ gì đó, bạn sẽ chẳng hề suy xét xem điều đó là đúng đắn hay không. Bạn chỉ tìm cách có nó mà thôi. Với trí tuệ, bạn có thể làm việc với lòng tham, sự sân giận, đố ky, hoặc ghanh tỵ và vượt qua chúng. Và khi đã vượt qua được các sự uế nhiễm này, hay ít ra là ở một mức độ nhất định nào đó, bạn sẽ thấy mình trở nên hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn, và bình yên hơn. Bản chất thực sự của tâm, theo như lời dạy này của Đức Phật là: tâm thì trong sạch, sáng rỡ, và toả sáng. Chúng ta có thể học để phát triển loại tâm đó. Khi không có các uế nhiễm ghé thăm, bản chất thật của tâm là định tĩnh, bình yên, trong sạch, và sáng rỡ.
Tôi học được các câu kệ này cũng từ lâu, lâu lắm rồi. Câu kệ này rất có ý nghĩa đối với tôi. Bởi vì tôi tin rằng, một cách tự nhiên thì chúng ta là người tốt. Đôi lúc chúng ta làm những điều xấu xa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta xấu. Tôi nghĩ rằng, một cách tự nhiên thì con người chúng ta là những sinh vật cao thượng. Chúng ta yêu cái tốt. Chúng ta có những điều tốt đẹp ở bên trong mình. Chúng ta chỉ cần thừa nhận điều đó và phát triển những điều tốt đẹp ở bên trong mình lên mà thôi. Khi chúng ta càng phát triển được các phẩm chất tốt đẹp của mình thì chúng ta càng trở nên hạnh phúc hơn, chúng ta có nhiều tự do hơn. Để trở nên tự do có nghĩa là phát triển được tất cả các phẩm chất tốt đẹp của chính mình, phát triển được tất cả các tiềm năng tâm linh của chính mình. Hầu hết mọi người đều nói về tự do. Khi họ nói về tự do, ý họ là tự do về mặt chính trị. Điều đó cũng quan trọng. Tôi hiểu rất rõ về điều đó. Có những quốc gia mà ở đó bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, thậm chí cả gian lận và trốn thoát được. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ thực sự có tự do. Tự do đích thực chỉ xảy đến khi bạn đã phát triển được tất cả các phẩm chất tốt đẹp mà mình có. Tôi rất thích hình ảnh ví von như sau về sự tự do. Khi một hạt giống mọc lên thành cây, nó được tự do. Khi một hạt giống vẫn đang còn là hạt, nó chưa tự do. Chúng ta được sinh ra với các hạt giống của cái tốt. Rất nhiều hạt giống như là: tâm từ, lòng trắc ẩn, sự chân thật, lòng chân thành, chánh niệm, định tâm, tuệ giác. Chúng ta được sinh ra với nhiều phẩm chất tốt đẹp như vậy. Nhưng hầu hết chúng ta chẳng bao giờ thực sự gieo hạt và làm cho nó mọc lên thành một cái cây to lớn cả. Chúng vẫn chỉ là các hạt giống mà thôi. Nếu chúng ta muốn tự do, chúng ta cần phải gieo trồng tất cả các hạt giống mà chúng ta có trong tay.
Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com
One thought on “Bản chất thực của tâm là gì?”