Đối với tôi, tâm linh – cụ thể hơn là phát triển tâm linh – là việc phát triển sự hiểu biết về bản thân mình. Đơn giản thế thôi. Hiểu về bản thân mình thì cũng chỉ bao gồm hiểu về hai tiến trình thân và tâm đang diễn tiến song song trên cơ thể của chúng ta. Trong hai tiến trình đó, tiến trình tâm lại đặc biệt quan trọng. Bởi vì nó có ảnh hưởng phần lớn lên chất lượng tâm của chúng ta. Mà chất lượng tâm lại định nghĩa luôn chất lượng cuộc sống của chúng ta. Do bởi, các cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ thì cũng chỉ là sản phẩm trực tiếp từ tâm mình.
Thông thường thì mọi người “đính kèm” hai chữ tâm linh với tôn giáo. Bởi vì, mới thoạt nhìn thì dường như cả hai có vẻ như đang hướng tới một mục đích chung là hạnh phúc và bình an. Hơn nữa, theo tôi hiểu thì mọi người còn tìm đến với tôn giáo như là một nơi an trú cho mình, một nơi an trú bình yên. Nhưng, với định nghĩa về tâm linh như trên, chắc chắn rằng nó lại không nhất thiết phải liên quan đến một tôn giáo cụ thể nào cả. Ví dụ như một người chuyên tâm tìm hiểu cách vận hành của thân và tâm thì không nhất thiết cần phải theo một tôn giáo nào cả. Tôn giáo thì lại nghiêng về phía chọn cho mình một đức tin, một nơi an trú và thực hành theo những gì được chỉ dạy trong một tôn giáo cụ thể nào đó. Tuy nhiên, một tôn giáo cụ thể thì không nhất thiết phải có các chỉ dạy về cách vận hành của thân và tâm.
Như vậy, đối với tôi thì để phát triển và tu tập tâm linh, cần phải tìm cho mình một vị Thầy có đủ hiểu biết và có đủ trí tuệ về cách vận hành của thân và tâm để học tập. Trong ngữ cảnh này thì đối với tôi, Đức Phật là vị thầy thông tuệ nhất được biết đến về chủ đề này, cách thân và tâm vận hành. Và trong thực tế là tôi lại được học trực tiếp các kiến thức này từ các chư tăng, là các học trò của Đức Phật, những người nhiệt tâm dành trọn toàn bộ cuộc đời mình để đi theo “dấu chân” Đức Phật. Như là một hệ quả, tôi lại chọn được nơi nương tựa và an trú cho chính mình, như có chia sẻ trong bài: Tam quy Phật giáo.
Con xin nương tựa và an trú nơi các bậc đã giác ngộ!
Con xin nương tựa và an trú ở các hành động đúng đắn!
Con xin nương tựa và an trú nơi các vị đang thực sự đi tìm kiếm sự thật!
Một cách nào đó, mặc dù hai chữ tâm linh và tôn giáo nên đứng độc lập, nó vẫn đan xen vào nhau trong cuộc sống này. Đối với trường hợp cá nhân của tôi, cần nhấn mạnh rằng đức tin của tôi với những lời chỉ dạy của Đức Phật ngày càng vững chắc là bởi do càng thực hành thiền chánh niệm, tôi càng vỡ lẽ ra và có nhiều hiểu biết hơn về cách mà thân và tâm vận hành. Dù các kết quả từ việc hành thiền còn rất nhỏ bé, nhưng nó đủ để mang lại cho tôi sự tự tin ngày càng lớn hơn. Sự tăng trưởng tự tin đó lại trở thành động lực thực hành của tôi hằng ngày, lại làm cho đức tin của tôi vào Phật pháp càng vững vàng và chắc chắn hơn. Thật đáng mừng.
Một ghi chú khác là, với định nghĩa về phát triển tâm linh như ở trên thì nó cũng không phải là một điều gì đó huyền bí, trừu tượng. Huyền bí có chăng chỉ là vì chúng ta còn quá ít hiểu biết về tiến trình vận hành của tâm. Do đó, có các năng lực của tâm mà do bởi chúng ta không thể giải thích được bằng hiểu biết thông thường, và rồi nó lại được quy về sự huyền bí. Ví dụ, trong kinh điển Phật giáo, nhiều loại thần thông được ghi chép như khả năng nhìn quá khứ, nói tương lai, khả năng tàng hình, khả năng tạo ra các vật thể như nhà cửa ở trên không trung, … Những khả năng như vậy thì chắc hẳn sẽ được xem là huyền bí. Nhưng đó lại là những gì mà tâm có thể làm được. Tôi trích dẫn ở đây một đoạn từ cuốn Sự bình an không gì lay chuyển để bổ sung thêm:
Nguyên tắc cốt yếu của đạo Phật là không có bất cứ sự thể hiện, không có hiện tượng nào. Nó không đặt trên sự thể hiện các khả năng kỳ diệu của thần thông, những năng lực siêu nhiên hay bất cứ điều gì thần bí hay lạ lùng. Đức Phật không cho những thứ đó là quan trọng. Những năng lực đó có tồn tại và có thể tu tập chúng, nhưng phương diện này của pháp rất dễ bị lừa dối, vì vậy Đức Phật không tán thành hay khuyến khích nó. Người duy nhất Ngài ngợi khen là những người đã tự giải thoát mình khỏi đau khổ.
Thiền sư Ajahn Chah trong cuốn Sự bình an không gì lay chuyển
Hy vọng một vài chia sẻ cá nhân về hai chữ tâm linh như trên có thể tạo động lực cho bạn đến với việc tìm hiểu thân tâm, đến với thiền chánh niệm và bình an. Gud luck.
Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana), Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com