Khổ đau

Trong câu chuyện cuối tuần bâng quơ, tôi đã buột miệng: “Giàu cũng khổ, nghèo cũng khổ. Có tiền cũng khổ, không có tiền cũng khổ.” Nhiều người khổ vì nghèo khó. Những người khác có điều kiện tài chính thật tốt, nhưng cũng chẳng thấy sự tự tại trong cuộc sống của họ. Lui tới thì cũng chỉ có một sự thật bất biến là khổ, nó có mặt ở khắp mọi nơi – bất chấp điều kiện mà chúng ta có được. Và đó cũng là sự thật tuyệt đối mà Đức Phật đã chỉ dạy. Nếu có thể “thấm” được sự thật này thì chẳng còn gì là khổ nữa. Bởi vì khi đó, chúng ta có thể xem “khổ” là một sự việc quen thuộc và bắt buộc. Khi mọi thứ đã quen thuộc và bắt buộc phải như thế rồi thì thật là chúng ta chẳng còn quan tâm đến nó nữa. Ví như việc khi chúng ta đi trên con đường quen thuộc hàng ngày thì một cách vô thức, chúng ta chẳng còn chú ý gì nhiều đến nó nữa.

Liệu có được dễ dàng như thế không?

Khổ

Chữ “khổ” là một từ nghe có vẻ tiêu cực. Khi chúng ta tự nói với mình rằng: “Sao mà tôi khổ thế này“, thì nó nghe như kiểu chúng ta là nạn nhân. Nó không giúp cho chúng ta định hướng, thay đổi để vượt lên trên chữ khổ được. Tuy nhiên, cần tìm hiểu thêm một chút về chữ này. Trong phạm trù Phật giáo thì chữ khổ được dịch từ chữ “dukkha”. Mặc dù được dịch phổ biến là “khổ”, nó không thực sự diễn giải được ý nghĩa của từ “dukkha”. “Dukkha” có nghĩa là bất toại nguyện, không như mong muốn, không thoả mãn. Vâng, trong cuộc sống của chúng ta, mọi việc đều không như mong muốn. Khi có cái này thì chúng ta lại muốn cái kia. Hay trong chiều ngược lại, chúng ta không muốn cái mà chúng ta đang có. Chúng ta mong rằng không có vất vả trong cuộc sống của mình. Chúng ta mong rằng trẻ mãi không già. Chúng ta mong rằng chúng ta mãi khoẻ mạnh. Chúng ta mong có được mọi thuận lợi. Chúng ta mong cuộc vui sẽ kéo dài mãi. Chúng ta mong được mãi ở bên cạnh người chúng ta thương yêu. Có được cái nhà nhỏ thì chúng ta lại mong có ngôi nhà lớn hơn. Chúng ta mong mỗi năm, lương của chúng ta cứ tăng mãi. Chúng ta tham vọng, chúng ta muốn mình thành công hơn và hơn nữa trong công việc và cuộc sống. Chung qui lại cũng chỉ là những cuộc rượt đuổi của các điều bất toại nguyện này mà thôi. Hiểu được ý nghĩa này của chữ dukkha là “không như mong muốn” thì chắc hẳn chúng ta có được định hướng để đối trị với nó, thay vì chỉ là một chữ “khổ” to tướng nghe rất tiêu cực, tôi nghĩ vậy.

Cần lưu ý rằng, đối trị ở đây chẳng phải là phản kháng, chẳng phải là vượt qua, chẳng phải là thay thế chữ khổ bằng chữ sướng. Mà đối trị ở đây có nghĩa là vượt lên trên những điều bất toại nguyện luôn có mặt trong cuộc sống. Vượt lên trên có nghĩa là đủ sự cởi mở, hiểu biết và tự tin để chấp nhận rằng, bất toại nguyện là một phần của cuộc sống. Khổ là một phần tất yếu của cuộc sống (*). Vượt lên trên có nghĩa là khổ vẫn hiện diện ở đó, nhưng nó không còn làm chúng ta đau khổ nữa. Hay ít ra là càng ngày chúng ta càng ít bị ảnh hưởng bởi những sự bất toại nguyện này. Hoặc là càng ngày càng có ít hơn những điều bất toại nguyện xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.

Vậy chúng ta vượt lên trên được khổ đau từ đâu?

Hiểu và tôn trọng qui luật vận hành tự nhiên của thân và tâm

Cuối cùng đi nữa thì “sự bất toại nguyện” này xảy ra ở đâu? Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được nó (sự bất toại nguyện) ở ngay trong tâm của chúng ta mà thôi, chẳng ở nơi nào khác, lại càng chẳng phải ở ngoài kia. Như vậy, mấu chốt là chúng ta cần phải làm việc trực tiếp với tâm của mình để đối trị với bất toại nguyện, để có thể vượt lên trên khổ đau.

Tâm là một cái gì đó rất trừu tượng, khó nắm, mặc dù nó lại ở ngay đây, trong thân của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta thường mãi hướng tâm ra ngoài, chạy theo các mong muốn chủ quan của bản thân mình (muốn thành công, muốn giàu có, muốn làm ông này, bà nọ, …) mà quên mất, hay đúng hơn là chẳng hề đầu tư công sức và thời gian để tìm hiểu về tâm của mình. Kết quả là “bất toại nguyện” sẽ ngày càng chồng chất ngay chính trong khu vườn tâm của chúng ta, ngay chính ở đây, tại nơi này. Nhiều đến mức nó có thể khiến cuộc sống của chúng ta bế tắc, hay thậm chí làm suy sụp luôn cả sức khoẻ của chúng ta, bắt chúng ta phải dừng lại mọi thứ, cho dù muốn hay không. Stop! Hãy dừng lại, hãy hướng tâm vào bên trong. Đó là nơi để tìm các câu trả lời cho cuộc đời mình, để vượt lên trên khổ đau. Nếu bạn cứ mãi hướng tâm mình ra ngoài thì sẽ chẳng có câu trả lời nào ở đó cho cuộc sống của mình.

Cụ thể hơn của việc hướng vào bên trong là việc chúng ta chú ý, cảm nhận, quan sát, ghi nhận và tìm hiểu tiến trình vận hành của thân và tâm mình, tìm hiểu những gì đang xảy ra trực tiếp ở giây phút hiện tại trên cơ thể của chúng ta. Chẳng cần đi đâu xa cả. Và bất cứ lúc nào bạn cũng có thể làm được điều đó: chú ý, cảm nhận, quan sát, ghi nhận và tìm hiểu những gì đang xảy ra trực tiếp trên thân và tâm của mình. Vấn đề là chúng ta thường chẳng nhớ đến điều này, mà thay vào đó, cuộc sống của chúng ta hầu như chỉ toàn là các phản ứng và hành động xảy ra một cách tự động, thay vì có chủ đích hướng vào bên trong để tìm hiểu tiến trình vận hành tự nhiên của thân và tâm mình.

Theo như những lời dạy của các vị thiền sư thì có hai tiến trình độc lập xảy ra bên trong chúng ta: tiến trình thân và tiến trình tâm. Mặc dù, chỉ thông qua tâm chúng ta mới cảm nhận được sự bất toại nguyện, nhưng để đối trị với nó, chúng ta cần phải tìm hiểu luôn cả tiến trình thân của mình. Bởi vì, nó liên quan mật thiết và xảy ra khắng khít với tiến trình của tâm. Hay nói một cách khác thì những gì xảy ra trên thân có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm của mình. Ví như nếu chúng ta đau ốm, bệnh tật thì tâm của chúng ta ít nhiều bị ảnh hưởng, chúng ta chẳng vui vẻ gì. Và ngược lại, khi chúng ta khoẻ mạnh, vượt qua được bệnh tật thì trong tâm của chúng ta trở nên vui vẻ, tích cực. Một điều quan trọng khác là: Những gì xảy ra trên thân cũng chính là đầu mối để chúng ta hiểu được, quan sát được, cảm nhận được tâm mình. Nó là như vậy.

Khi chúng ta có thể ngày càng hiểu rõ hơn về hai tiến trình vận hành tự nhiên của thân và tâm thì chúng ta có thể có nhiều ảnh hưởng và chủ động hơn đến những gì xảy ra. Ví như, nếu chúng ta hiểu được tiến trình vận hành của thân, mà cụ thể là sự sinh ra, già đi, bệnh tật, và chết, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn sự thật rằng, chúng ta ai rồi cũng sẽ ra đi. Và mặc dù chúng ta không thể tránh khỏi sự lão hoá và bệnh tật, chúng ta vẫn luôn có thể duy trì lối sống, dinh dưỡng và tập luyện thể dục để ngăn ngừa tốt nhất các vấn đề về sức khoẻ có thể xảy đến với chúng ta. Đó là sự chủ động. Và nếu đằng nào cũng phải ra đi khỏi cuộc đời này, chúng ta nên cẩn trọng hơn để chúng ta có thể sống được chất lượng nhất. Vâng, một cuộc sống chất lượng chứ không phải là tuổi thọ. Sống ít mà chất lượng chắc chắn có lợi ích hơn sống lâu nhưng chỉ là những tháng ngày vô vị trôi qua. Những ai chưa chấp nhận cái chết treo lơ lửng trên đầu, thì còn sẽ phải phí hoài nhiều thời gian và công sức cho những việc không quan trọng với cuộc đời của mình. Chấp nhận cái chết không có nghĩa là buông xuôi, mà là tận dụng mỗi một giây phút có được để sống sao cho chất lượng, cho có ý nghĩa.

Tâm thì trừu tượng hơn để chúng ta có thể nắm bắt, “sờ mó” được. Bởi vì nó chẳng thể nào cụ thể như bàn tay, cái cằm để chúng ta có thể cầm, nắm được. Điều chúng ta bắt được là thông qua cảm nhận các trạng thái tâm, các suy nghĩ: hạnh phúc, đau khổ, buồn chán, ghanh tỵ, tự ti, giận dữ, xáo động, uể oải, … Hiểu được tiến trình tâm có nghĩa rằng chúng ta hiểu được các cảm giác, các suy nghĩ này bắt nguồn từ đâu, diễn tiến như thế nào, kết thúc như thế nào (nguyên nhân – kết quả). Và từ đó có thể rút ra được bài học cần phải làm gì để có thể gieo trồng các trạng thái tâm tích cực, có lợi cho bản thân, cũng như có thể ngăn ngừa các trạng thái tâm tiêu cực, có hại xảy ra hoặc làm giảm đi ảnh hưởng tiêu cực khi nó đã xảy ra rồi.

Một cách ngắn gọn thì nếu có thể hiểu được tiến trình vận hành tự nhiên (khách quan, đúng đắn) của thân và tâm thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi bản thân mình để “gieo” các hạt giống đúng đắn từ bây giờ, nhằm có thể thu hoạch được các hoa trái của hạnh phúc trong tương lai. Cũng cần phải luôn ghi nhớ rằng, những gì chúng ta đang có ở hiện tại (hạnh phúc cũng như khổ đau, giàu sang cũng như nghèo khó) hoặc trong quá khứ đều là kết quả của những việc đã xảy ra ở trong quá khứ rồi. Những gì đã xảy ra thì chẳng thể nào thay đổi được. Những gì chúng ta có thể làm chỉ là ở trong hiện tại mà thôi, ở ngay tại đây và bây giờ. Đó là các chỉnh sửa trong suy nghĩ, hành động và lời nói, dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng các qui luật vận hành của thân và tâm sao cho thuận với tự nhiên, không đi ngược, không chống lại tự nhiên. Ví như việc chúng ta trồng cây cam thì điều chúng ta có thể mong đợi là thu hoạch được cam. Chứ chúng ta không thể nào trồng cam, nhưng lại mong thu hoạch được xoài. Chúng ta cần có hiểu biết, để nếu muốn ăn cam thì gieo hạt cam, ăn xoài thì gieo hạt xoài. Đó là con đường ngắn nhất để đối trị với sự không thoả mãn.

Một trong những cái “bẫy” mà tôi thường thấy đó là mặc dù động cơ, mục tiêu hướng đến thường là hoàn toàn tích cực và đúng đắn, nhưng do cách làm, mà cụ thể hơn là việc thiếu hiểu biết qui luật vận hành tự nhiên, khiến cho việc dù mọi người có bỏ ra bao nhiêu thời gian và công sức thì kết quả sẽ vẫn không đến gần được với mong muốn của mình. Kiểu như trồng cam nhưng muốn ăn xoài vậy.

Ba đặc tính của sự thật: Vô thường, bất toại nguyện và vô ngã

Ba đặc tính mà bất cứ hiện tượng và sự việc nào, bao gồm cả tâm của mình, cũng đều có là vô thường, bất toại nguyện, vô ngã.

  • Vô thường là nói đến sự thay đổi liên tục theo qui luật của tự nhiên. Mỗi một bộ phận trong thân của chúng ta liên tục phân chia tế bào và thay đổi. Chậm nhất là tế bào xương, mất đến tầm 7 năm thì mới thay mới được hoàn toàn. Nên chậm nhất thì sau 7 năm, toàn bộ các tế bào trên cơ thể của bạn đều đã là tế bào mới, chẳng còn tế bào nào cũ xưa ở lại cả, một cơ thể mới 100%. Thân chúng ta luôn thay đổi thành một cái thân mới như vậy trong mỗi một giây phút, cho dù bạn có muốn điều đó hay không. Nên nếu chúng ta có thể hiểu được tiến trình vận hành, thay đổi của thân, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc tạo điều kiện để thân thay đổi theo hướng có lợi nhất cho bản thân mình. Ví như nếu muốn có sức khoẻ tốt, các bạn sẽ cần dinh dưỡng đúng đắn, phù hợp để hỗ trợ tốt nhất tiến trình trao đổi chất đang xảy ra trong thân. Và kết quả là sức khoẻ bạn có thể tốt hơn lên hàng ngày. Ngược lại, nếu bạn không tôn trọng và hiểu biết cách vận hành của thân thì bạn có thể vô tình hay cố ý làm hại cơ thể mà không hay.
    Tâm cũng thay đổi liên tục. May mắn thay là tâm thì linh hoạt hơn. Nên sự tác động có chủ ý có thể thu về được nhiều lợi ích hơn, thay đổi nhanh chóng và bền vững hơn so với sự thay đổi của thân. Thân thì luôn phải theo qui luật của già, của bệnh. Còn tâm thì nếu rèn luyện đúng, gieo trồng đúng, nó sẽ chẳng già cũng chẳng bệnh.
  • Bất toại nguyện thì đã có giải thích ở trên rồi. Đặc tính này của sự thật chẳng loại trừ một sự vật và hiện tượng nào.
  • Vô ngã là nói đến việc mọi sự vật và hiện tượng (bao gồm cả thân và tâm của mình) vận hành theo các qui luật của tự nhiên mà không hề có một ai “đứng” ở đằng sau đạo diễn cả.

Việc trực nghiệm, hiểu, và tôn trọng ba đặc tính này của sự thật chính là chìa khoá dẫn đến việc giải phóng được bản thân mình ra khỏi khổ đau. Nói chung chung thì rất đơn giản như thế. Nhưng đơn giản luôn là điều khó làm. Để có thể thực sự hiểu được sự vận hành của thân và đặc biệt là tâm thì sẽ phải nhờ đến công cụ thiền chánh niệm. Nếu các bạn chưa biết đến thiền chánh niệm thì có thể tìm hiểu ở bài giảng này: Thiền cho người mới bắt đầu.

Luân hồi

Tôi là người tin vào luân hồi, có nghĩa là cuộc sống sẽ còn tiếp diễn sau khi chúng ta ra đi khỏi cuộc sống hiện tại. Và tôi nghĩ rằng, nhờ đó tôi có thể sống ý nghĩa và tích cực hơn rất nhiều. Bởi vì tôi không quá lo lắng là mình sẽ phạm phải sai lầm. Có những sai lầm mà phải mất cả một đời người mới có thể nhìn thấy được. Tôi vẫn còn chặng đường kế tiếp để học hỏi sau khi ra đi khỏi cuộc đời này. Nhưng cũng không vì thế mà buông thả, hưởng thụ. Mà ngược lại, vẫn phải quí trọng từng giây từng phút trong cuộc sống này để sống sao cho có chất lượng nhất. Chất lượng là ở chỗ tôi gieo trồng được càng nhiều nhân lành ở hiện tại càng tốt. Như thế thì trong cuộc đời này, hay cuộc đời kế tiếp, hoa trái sẽ liên tục đơm bông. Đó là cách thức hiệu quả nhất để ngăn ngừa và giải thoát khỏi khổ đau trong hiện tại cũng như tương lai.

Hạnh phúc và chất lượng cuộc sống nằm ở nơi đâu?

Mục tiêu cuộc đời luôn là câu hỏi mà chúng ta cần phải tự vấn chính bản thân mình hằng ngày. Như có chia sẻ trong bài Đối trị với khủng hoảng cuộc đời, những ai biết được rõ ràng mục đích cuộc đời của mình thì chắn hẳn đó là một con người rất tự tin, biết mình muốn gì, tràn đầy năng lượng. Ở đây, chẳng có mục đích nào đúng, mục đích nào sai. Chỉ là mục đích mà bạn thấy phù hợp với mình. Mục đích cuộc đời của người này đôi khi sẽ rất khác với mục đích cuộc đời của người kia. Bản thân mình cần phải phấn đấu vươn tới mục tiêu đã chọn, và sau đó tự đánh giá xem khi đã đạt được mục tiêu đặt ra rồi thì chúng ta có được thoả mãn, có được hài lòng, có được hạnh phúc hay không? Đa phần, chúng ta lại đi đến với phiên bản mới của mục đích cuộc đời và rồi lặp lại quá trình trải nghiệm và học hỏi.

Các mục tiêu chung chung mà hầu hết ai cũng đều mong muốn bao gồm: hạnh phúc, sức khoẻ, phát triển bản thân. Mặc dù là mọi người mong muốn như thế, nhưng có thực sự mọi người sắp xếp để đạt được các mục tiêu đó không? Cách kiểm tra dễ nhất là ghi chép lại thời gian mình dành cho mục tiêu mà mình coi là quan trọng đó. Ví như sức khoẻ là quan trọng thì một ngày, mình dành ra bao nhiêu thời gian và công sức cho các hoạt động về sức khoẻ? Tôi thấy rằng, mặc dù sức khoẻ là quan trọng – mà như tôi có chia sẻ trong bài Các nguyên lý cốt lõi về dinh dưỡng: không có sức khoẻ cũng đồng nghĩa với đánh mất đi tính mạng của chính mình, nhưng đa phần mọi người lại không đầu tư một cách hợp lý cho sức khoẻ của mình. Mà thay vào đó, mọi người bị chìm ngập trong công việc và các thú vui phù phiếm. Hãy nghiêm túc với chính bản thân mình. Hãy thành thật với chính bản thân mình.

Hay là chữ hạnh phúc. Ai cũng muốn hạnh phúc. Nhưng cụ thể hơn thì định nghĩa hạnh phúc của bạn là gì? Tôi nhận được câu hỏi rằng: “Vậy mục tiêu cuộc đời tôi hiện nay là gì?” Hiện tại, nó thật là đơn giản: Tôi đặt ưu tiên và trọng tâm vào việc tìm hiểu tâm của mình. Đó là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mà tôi đang theo đuổi. Như chia sẻ ở đầu bài viết, “khổ” chỉ có thể xảy ra ở trong tâm mình. Nên nếu hiểu được tâm mình, cơ chế hoạt động, qui luật vận hành thì tôi hoàn toàn có thể tự tin rằng, mình càng ngày càng bớt đi sự bất toại nguyện. Đó chính là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc chỉ có ở tại tâm mình.

Hơn nữa, chất lượng cuộc sống của chúng ta cũng được qui định bởi chất lượng tâm của mình mà thôi. Và tôi đang hướng về mục tiêu đó: hiểu được tâm mình ngày càng nhiều hơn. Hiểu để có thể gieo trồng nhiều hơn các trạng thái tâm tích cực và lợi ích mỗi ngày. HIểu để ngăn chặn sao cho ngày càng có ít hơn các trạng thái tâm tiêu cực, có hại. Để hiểu được tâm mình thì cũng giống như các thí nghiệm trong khoa học. Đó là tiến hành quan sát một cách khách quan, liên tục, không mệt mỏi những gì đang xảy ra với tâm mình. Thông qua sự quan sát, chú ý, ghi nhận đó, chúng ta sẽ dần hiểu được, trực nghiệm được những gì đang xảy ra cụ thể ở trong tâm mình. Đầu mối nằm ở đó, ở sự chú ý và quan sát. Quan sát ở đâu? Quan sát ở ngay trên thân và tâm của mình, trong hiện tại. Và phương tiện để làm điều đó chính là thiền chánh niệm. Hãy hành thiền để đối trị với khổ đau.

(*) Tôi sử dụng lại lời của Thầy tôi dạy.

One thought on “Khổ đau

  1. cảm ơn anh Hùng rất nhiều vì những kiến thức, chia sẻ rất quý báu giúp mọi người có thể tìm thấy sự cân bằng, tự tại, bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống mưu sinh vất vả, tất bật ngoài kia. Rất mong sẽ tiếp tục được đọc những bài viết tiếp theo của anh và được lĩnh hội các kiến thức, trải nghiệm mà anh chia sẻ.
    cảm ơn anh.
    Ming Tran.

Leave a Reply