Vài dòng về chữ “SATI”

Chiều mưa phố thị, ngồi cafe, nhẩn nha đọc lại cuốn The Heart of Buddhist Meditation (*), tiếp tục gặp lại định nghĩa của chữ “sati”, mà trong tiếng Anh thường được dịch là “mindfulness” và tiếng Việt là chánh niệm. Thật là ngạc nhiên và thú vị khi học được ý nghĩa gốc của từ “sati”. Cũng từ đó, việc thực hành chánh niệm sẽ “hợp lý” hơn, dễ dàng hơn, cũng như đúng đắn hơn.

Các bạn có thể tham khảo bài THỰC HÀNH THIỀN TỨ NIỆM XỨ TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY mà tôi đã dịch Việt để có thêm tham khảo. Trong cuốn The Heart of Buddhist Meditation, một lần nữa, nghĩa gốc của từ “sati” được nhắc đến. Mặc dù chữ sati thường được dịch là chánh niệm, sự nhận biết, sự chú ý, tuy nhiên nghĩa gốc của nó trong tiếng Pali lại là “(sự) nhớ lại” (memory, remembrance, recollection). Ở đây, tôi không có ý thuyết phục, hoặc tranh luận để chúng ta dịch chữ sati là “nhớ lại”. Sati vẫn thường được dịch và sử dụng như là “chánh niệm”, “nhận biết”, “chú ý”. Thay vào đó, điều tôi muốn chia sẻ là nếu hiểu đúng nghĩa gốc của chữ “sati”, sự nhớ lại, thì việc thực hành “sati”, thực hành chánh niệm sẽ trở nên hợp lý hơn, sáng tỏ hơn.

Hầu hết chúng ta chỉ là những con người bình thường với thân, tâm còn đầy uế nhiễm, chưa được thanh tịnh, chưa được gột rửa một cách kỹ càng, nên nếu nói rằng chúng ta giữ được tâm mình ở chính xác ngay giây phút hiện tại là điều không thể. Mà thực ra, chúng ta chỉ có thể “bắt” – cảm nhận / nhận biết được các suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, cử động, … vừa mới xảy ra trong thân và tâm của mình. Cái “bắt” đó mới là những gì xảy ra trong thực tế, và đó là sự nhớ lại. Chứ chúng ta chẳng thể nào “bắt” được hiện tại. Ít ra đó là những gì tôi thấy trên thân và tâm của mình. Nếu tâm của chúng ta không được tỉnh giác, khoảng cách từ khi sự việc xảy ra (suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, cử động,…) cho đến lúc chúng ta nhận ra, nhớ lại có thể là vài phút, vài chục phút, vài giờ, hay thậm chí rất nhiều lúc tâm chúng ta bỏ qua luôn, không nhận ra, chứ nói gì đến việc nhớ ra được.

Nên tôi nghĩ rằng, trong ngữ cảnh sati với nghĩa là nhớ lại, thì càng có chánh niệm nghĩa là khoảng cách mà chúng ta nhớ lại những gì vừa mới xảy ra này càng lúc càng ngắn lại, càng tiệm cận với giây phút hiện tại. Đó cũng là định hướng, là thái độ cho việc thực hành chánh niệm hàng ngày.

Chúng ta bắt đầu thực hành với những gì là đơn giản nhất. Ví như trên bước chân, chúng ta nhớ lại cảm giác của bước chân trái, bước chân phải vừa đặt xuống, nặng hay nhẹ, nóng hay lạnh, cứng hay mềm, dễ chịu hay khó chịu, phẳng phiu hay gồ ghề,… Liên tục, liên tục như thế trong cả thời thiền. Ngoài thời thiền cũng thế, bất cứ khi nào chúng ta có thể nhớ lại bước chân vừa mới đặt xuống, lúc thiết lập lại được sự nhớ này là lúc chúng ta đã mang chánh niệm trở lại với mình. Đơn giản thế thôi. Rồi từ từ, tâm chúng ta sẽ trở nên nhạy bén hơn để có thể mở rộng sự tỉnh giác đến các đối tượng khác trên thân và tâm của mình. Ai cũng có thể tự mình làm được điều này. Chỉ cần bắt đầu mà thôi.

(*) Cuốn sách quí này được đang được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Tinh yếu thiền Phật giáo”. Khi nào bản dịch xong, chắc chắn các bạn sẽ có free ebook được phát hành bởi Saigon Meditation Project.

Leave a Reply