Bài Pháp: Thực hành thiền tứ niệm xứ trong cuộc sống hàng ngày

Được dạy bởi Sư Yuttadhammo Bhikkhu
Dịch Việt: Việt Hùng

Lời người dịch: Trong lúc tìm tòi về bài Kinh Mahasatipatthana Sutta (Kinh Đại niệm xứ hoặc còn được gọi là Kinh Tứ niệm xứ), tôi được biết đến một số bài pháp thoại của Sư Yuttadhammo. Và bài pháp này là một trong những bài pháp mà tôi chắn chắn rất hữu ích cho những ai đang đi làm, đảm nhận nhiều trọng trách, nhiều căng thẳng, nhiều lo lắng, nhiều bối rồi, nhiều mệt mỏi, … hằng ngày. Đó là lý do tôi ngồi xuống, ghi chép lại bài pháp trong tiếng Anh, rồi lại tiếp tục dịch Việt, để mọi người có thể tham khảo được thuận tiện hơn.

Điều tôi thích nhất ở bài pháp này đó là mặc dù những lời dạy thật đơn giản, đến độ rất dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày cho những người bận rộn, nhưng bài pháp vẫn chạm được đến những gì là cốt lõi nhất của việc thực hành thiền Phật giáo. Tôi thậm chí đã đề nghị cô con gái (12 tuổi) của tôi nghe bài pháp và tìm cách áp dụng trong cuộc sống thường ngày của bé. Như các bạn có thể hình dung, trẻ con (hay thực ra là tất cả mọi người) ngày nay rất dễ bị mất tập trung với quá nhiều thông tin từ Internet, từ các thiết bị công nghệ.

Mặc dù đã cố gắng tốt nhất trong khả năng của mình, tôi chắc chắn không thể ghi xuống được một cách chính xác 100% tất cả các từ ngữ, đặc biệt là các từ Pali mà Sư đề cập trong bài pháp. Tôi sẽ tiếp tục cập nhật bản ghi, bất cứ khi nào tôi thấy được những điểm còn thiếu sót. Nhưng tôi tin rằng, hơn 90% nội dung đã được ghi xuống, sẳn sàng để bạn có thể tham khảo.

Con xin thành kính đảnh lễ tạ ơn Sư Yuttadhammo về bài pháp thoại quí báu này. Con nguyện cho Sư được mọi thuận lợi và sức khoẻ trong hành trình tâm linh của Sư.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin của Sư Yuttadhammo Bhikkhu và các lời dạy của Sư tại trang web: https://www.sirimangalo.org/.

Tham khảo bài Việt dịch bên dưới. Bài ghi xuống tiếng Anh được tôi đăng ở đây.

Bài pháp diễn ra tại Văn phòng chính của Ngân hàng Bank of Ceylon, Columbo, Sri Lanka vào ngày 30/12/2014.

Thực hành thiền tứ niệm xứ trong cuộc sống hàng ngày

Cảm ơn tất cả các bạn đã đến đây vào ngày hôm nay. Cảm ơn ban tổ chức đã có lời mời tôi. Chắc chắc đây là một sự tự hào, có mặt ở đây vào hôm nay. Tôi đã được đề nghị hướng dẫn và dạy việc thực hành thiền và “làm cách nào để kiểm soát được tâm trí của bạn”. Tôi tin rằng, hy vọng rằng một cách nào đó, tôi có thể hướng dẫn các bạn, những người đang đi làm, có thể áp dụng việc hành thiền. Các bạn là những con người rất bận rộn. Và các bạn đã sắp xếp được để đến đây trong khi có một lịch trình làm việc bận rộn. Điều đó mang một ý nghĩa nhất định. Tôi vui khi là một phần của nổ lực này và sẽ hỗ trợ các bạn.

Có hai cách để nhìn nhận việc hành thiền, từ quan kiến của một con người bình thường trong cuộc sống này. Một vài người nghĩ rằng, họ có thể sử dụng việc hành thiền nhằm cho phép họ thành công trong cuộc sống. Tôi biết rằng, ở Mỹ, người ta có những khoá học đại loại như “thiền cho doanh nhân”. Tôi cũng có thể tưởng tượng rằng, ở đây, tại Sri Lanka, cũng có những hội thảo đại loại như thế, “làm sao để thành công”. Tôi không chắc rằng thiền thực sự là những gì như thế, cho phép bạn kiếm nhiều tiền hơn, tăng lương hoặc thăng chức. Nhưng chắc chắn rằng, có một vài khía cạnh của việc hành thiền là hữu ích và chúng ta sẽ bàn về vấn đề đó.

Trước khi bắt đầu, tôi nghĩ rằng, sẽ là quan trọng khi nhắc nhở chúng ta một điều, như là một Phật tử (mà tôi nghĩ rằng nhiều bạn ở đây là Phật tử), rằng có sự khác biệt giữa thành công vật chất và hạnh phúc. Đôi khi, thành công vật chất được đánh đổi bằng cái giá của hạnh phúc của chính bạn. Đôi khi, nó được đánh đổi với cái giá của đạo đức của bạn, đánh đổi bởi sự tập trung của bạn, bởi lòng tốt của bạn. Nhưng điều quan trọng nhất là nó bị đánh đổi bằng hạnh phúc của bạn. Và đó là điều chúng ta không hề mong muốn. Một cách khác để nhìn nhận vấn đề này là làm sao bạn có thể sống của sống của mình, kiếm tiền đủ để tồn tại, và sống một cuộc sống mình cảm thấy phù hợp mà không phải hy sinh hạnh phúc của mình. Và đó là nơi mà tôi nghĩ thiền trở nên cần thiết, thiết yếu.

Hành thiền cho phép bạn duy trì hạnh phúc của mình và cùng lúc cho phép bạn sống cuộc sống của mình theo cách mà bạn không tạo ra những lỗi lầm trong công việc. Chúng ta làm việc để sống. Và nếu bạn sống để làm việc và bạn có vấn đề, đó không phải là mục đích của cuộc sống. Chúng ta đều biết rằng cuộc sống của chúng ta có giới hạn. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải từ bỏ tất cả mọi thứ chúng ta đạt được trong cuộc sống này.

Với sự nhắc nhở đó trong tâm, tôi sẽ đề nghị việc thực hành thiền tập như là một công cụ để tăng trưởng hạnh phúc của bạn. Những gì thiền tập có thể mang lại trong công việc, trong kinh doanh, trong cuộc sống chắc chắn là rất giá trị. Hành thiền huấn luyện tâm của bạn.

Có những công việc, nghề nghiệp, loại công việc không đòi hỏi nhiều về việc huấn luyện tâm trí. Ví dụ như thợ xây, làm các công việc xây dựng. Những loại công việc đó thì không đòi hỏi nhiều việc huấn luyện về tâm trí.

Nhưng nếu bắt đầu làm việc với tâm trí của bạn, thì cũng như với mọi hệ thống, mọi công cụ, nó cần được bảo dưỡng và giữ gìn. Nếu tâm của bạn không được giữ gìn một cách kỹ càng, nếu bạn cho phép tâm của mình đầy những tham lam, giận dữ, và thiếu hiểu biết, điều đó cũng giống như một cái máy không được bảo dưỡng kỹ càng, nó sẽ hỏng, không thể hoạt động được nữa. Điều đó là không hiệu quả. Như vậy, kể cả với một anh thợ xây, nếu đang giận dữ, thì cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xếp từng viên gạch khi làm việc.

Với những ai sử dụng tâm trí của mình hằng ngày, mà tôi hình dung rằng bao gồm rất nhiều người đang ngồi trong khán phòng này, việc huấn luyện tâm trí là cần thiết. Nếu tâm các bạn tràn đầy sự giận dữ, sự tham lam, sự thiếu hiểu biết, làm sao các bạn có thể làm việc được? Tâm trí của các bạn lang thang, tâm trí của các bạn như lửa đốt. Do đó, việc hành thiền là cần thiết, là thiết yếu. Thực hành thiền tập nên là một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.

Trước khi đi làm, bạn tắm rửa, giặt áo quần, cạo râu, và chăm chút cơ thể bạn từ trên đầu cho đến cái móng chân, móng tay, đánh răng, duy trì cơ thể bạn sạch sẽ. Nếu bạn không làm vậy, điều gì sẽ xảy ra? Nếu bạn đến sở làm suốt một tuần mà không tắm rửa, vệ sinh, với cùng một bộ áo quần mà bạn mặc suốt tháng, không cạo râu, không đánh răng, móng chân móng tay dài ngoằng, có lẽ bạn sẽ bị cho thôi việc. Không ai muốn ở gần bên bạn. Bạn sẽ ở trong một tình trạng (vật lý) tồi tệ. Đó là vấn đề. Chúng ta gìn giữ rất tốt cơ thể của chúng ta, nhưng chúng ta lại không gìn giữ tâm trí của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng tâm trí của chúng ta thì không bị lộ ra, nhưng thực tế là mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta đều phụ thuộc vào tâm trí của chúng ta, cách chúng ta tương tác với người khác, sự hiệu quả và công việc của chúng ta, sự thành công của chúng ta, tất cả mọi thứ. Và quan trọng nhất là hạnh phúc của chúng ta.

Có rất nhiều lý do để chúng ta cần phải thực hành thiền tập và tìm cách mang thiền tập vào cuộc sống của chúng ta. Ở đây, điều khó khăn nằm ở chỗ các bạn là những người rất bận rộn. Nghỉ làm một tháng để vào sống trong rừng không phải là một điều gì đó khả dĩ cho nhiều người ở đây. Tìm được vài giờ đồng hồ hằng ngày để hành thiền cũng không phải là khả dĩ hơn cho hầu hết mọi người. Nên hôm nay, tôi muốn hướng dẫn (các bạn hành thiền) hơi khác đi một chút và tập trung hơn vào việc đảm bảo với các bạn cũng như khuyến khích các bạn thực hành satiphatthana (thiền tứ niệm xứ) trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyên tắc (thực hành) thì vẫn giống nhau, cho dù bạn ngồi bắt chéo chân trong rừng sâu, hay là bạn đang ngồi tại bàn làm việc, hay trong cuộc họp, hay ngay cả khi bạn đang nói chuyện với ai đó, khi bạn đang làm việc. Thực ra, việc hành thiền satipatthana có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Đức Phật dạy rằng, sự chánh niệm là hữu ích ở bất cứ nơi đâu. Đó là những lời Ngài dạy.

Hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn các bạn thiền tứ niệm xứ. Chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào khái niệm của satipatthana. Bởi vì nó là môt loại thiền có thể thực hành ở bất cứ nơi đâu. Vào thời của Đức Phật, khi ghé ngang vùng đất mang tên Kuru, gần Dehli, Ấn Độ, Ngài thấy mọi người ở đó đang thực hành thiền tứ niệm xứ trong cuộc sống hằng ngày. Họ thường hỏi nhau về việc thực hành khi đang làm việc, “bạn đang thực hành phần nào của tứ niệm xứ vào hôm nay?” Rồi người được hỏi trả lời, “Vâng, tôi đang thực hành niệm thân, niệm thọ, niêm tâm, niệm pháp. Cái này hoặc cái kia, hoặc cả 4 cái.” Mọi người thực hành thiền tứ niệm xứ và họ chúc mừng lẫn nhau đại loại như, “Bạn đã không lãng phí của đời của bạn. Bạn đã được sinh ra ở thời của Đức Phật, và bạn đã không lãng phí cơ hội đó.”

Nếu bất cứ ai, bất kể họ bận rộn đến độ nào, nếu họ không thực hành thiền tứ niệm xứ, nếu họ cẩu thả, lơ đễnh, sống cuộc sống của họ chỉ theo thói quen, thì kể cả việc họ đang sống, họ giống như đã chết. Mặc dù họ đang sống, họ hành động như người đã chết. Đó là một người đã chết. Đức Phật dạy rằng người không có chánh niệm là người đã chết, giống như một người đã chết. Điều đó nghĩa là bạn đang không thực sự sống cuộc đời của bạn, trong khi đã có cơ hội được sinh ra là một con người. Bạn đang ngồi, nhưng bạn không biết rằng bạn đang ngồi. Bạn đang ở đây với tôi, nhưng tâm trí của bạn đang ở nơi đâu? Nếu bạn không có chánh niệm, có lẽ bạn đã bắt đầu đánh giá về những gì tôi nói. Có lẽ bạn đang nói với bản thân, “Con người này tính dạy mình điều gì về Phật pháp?” Và có lẽ ngay cả trước khi tôi bắt đầu nói, ngay cả khi tôi chưa bắt đầu hướng dẫn, bạn có lẽ đã đánh giá. Bởi vì tôi có vẻ nguy hiểm. Tôi không thể ngăn được những sự đánh giá này. Bạn đang đánh giá. Có thể bạn nghĩ rằng bạn đã biết mọi thứ về Phật giáo và tôi thì còn có thể dạy bạn được gì nữa ở đó? Có thể bạn đang mãi suy nghĩ về công việc mà bạn mới hoàn thành hoặc công việc mà bạn chưa làm. Có thể bạn đang suy nghĩ về thức ăn hay một thứ gì đó, bạn đang suy nghĩ về nhà và gia đình. Có thể bạn đang có một cuộc khủng hoảng.

Chúng ta rất giỏi trong việc bị kẹt lại ở quá khứ, hoặc kẹt ở nơi tương lai, lên kế hoạch, các ký ức, lo lắng, quan tâm. Nên chúng ta sống cuộc sống của chúng ta chỉ là sự bật nảy từ việc này sang việc khác, mà chúng ta chưa bao giờ thực sự ở đây. Rất khó để chúng ta có thể ở đây vào bây giờ, tại thời điểm này, thực sự chỉ ngồi trong khán phòng này. Hãy thử tưởng tượng bạn có thể sống cuộc sống của bạn thực sự ở đây, trong hiện tại, vào bất cứ thời điểm nào. Khi bạn đang họp, bạn thực sự có mặt trong cuộc họp. Khi bạn đang ở với gia đình của bạn, bạn thực sự có mặt ở đó với mọi người, mà không bị làm phiền bởi gia đình, bởi họ hàng, hoặc bạn bè. Bạn có mặt với họ ở hiện tại, mà không mãi nghĩ suy về tương lai hay quá khứ.

Đó là điều lợi ích mà thiền tứ niệm xứ mang lại cho ngay cả một con người bình thường. Tôi cần phải nhấn mạnh rằng, satipatthana không phải chỉ dành riêng cho các vị sư ở trong rừng. Có rất nhiều loại thiền rất khó để mọi người thực hành, nhưng satiphatthana thì không. Nên hôm nay, tôi sẽ dạy các bạn về satipatthana.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu về chữ satipatthana. Có bốn satipatthana (bốn niệm xứ). Đó là nền tảng của chánh niệm, hay sự phân loại của chánh niệm, của sati. Như vậy, patthana có nghĩa là nền tảng, hay upatthana có nghĩa là làm nền tảng hoặc thiết lập, mà từ đó chúng ta thiết lập chánh niệm của chúng ta. Chúng ta thiết lập chánh niệm dựa trên kaya, vedana, citta, dhamma, là bốn satipatthana (bốn niệm xứ nền tảng). Nhưng trước hết, hãy chú ý về từ sati. Sati là một công cụ mà tôi sắp chuyển giao cho bạn. Và tôi muốn nhấn mạnh rằng nhiều người trong số các bạn có lẽ đã hiểu sai về ý nghĩa của từ sati. Điều này là do bởi trong tiếng Sinhala (ngôn ngữ được sử dụng ở Sri Lanka), trong tiếng Thái, hay ngay cả trong tiếng Anh, những từ được dùng để dịch nghĩa từ sati là không đúng. Có điều, những cách dịch đó đã trở nên thông dụng.

Trong tiếng Thái, từ sati có nghĩa là biết, nhận thức. Như vậy, nếu bạn trở nên không biết, nếu bạn không nhận biết, người ta sẽ cho rằng bạn không có sati. Nhưng từ sati lại không có nghĩa là biết hay nhận thức. Điều tương tự cũng xảy ra với tiếng Sinhala. Trong tiếng Sinhala, từ được sử dụng để dịch cho từ sati không phải là những gì sati mang ý nghĩa. Nên tôi cần bạn hiểu khi tôi dùng từ sati ở đây, tôi đang nói đến một điều gì đó khác.

Sati có nghĩa là nhớ lại, nhưng đó là một kiểu nhớ lại đặc biệt. Đó là sự nhận ra. Dịch như vậy có lẽ tốt hơn (Sư dùng chữ recollect trong tiếng Anh). Như vậy, theo cách thông thường thì sati chính là khả năng nhớ về sự việc đã xảy ra. Hãy cố gắng để hiểu điều này, rằng sati không phải là biết, nhận thức, không phải là điều mà bạn đã từng hiểu về nó. Nó có nghĩa là nhớ, nhận ra. Nếu bạn có thể nhớ ra những gì bạn làm vào lúc 5 tuổi, điều đó có nghĩa là bạn có một sati tốt. Hy vọng đây là một cách hiểu mới của từ sati. Tôi có thể cung cấp nhiều nguồn dữ liệu (tất cả đều ở trong tự điển) để giải thích rằng, đây mới là ý nghĩa thực sự của từ sati. Rằng, từ này liên quan đến việc nhớ lại, nhận ra, chứ không phải là biết, nhận thức. Đó là một công cụ, khả năng của một người trong việc nhớ lại. Đó là một kỹ năng mà chúng ta phải phát triển.

Vậy thì điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc hành thiền? Rõ ràng là chúng ta không cố gắng để nhớ lại quá khứ, khi bàn về chuyện thiền tập. Sati có nghĩa rằng bạn nhận ra bản thân mình, nhận ra khoảnh khắc hiện tại hoặc nhận ra điều đang xảy ra tại thời điểm này, trong hiện tại. Nhớ lại bản chất của thực tại. Điều này có nghĩa là gì? Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi vì khi chúng ta nhìn thấy một điều gì đó, khi bạn nhìn thấy tôi, có lẽ bạn không biết tôi, nếu bạn đã biết tôi, có thể bạn sẽ vui khi nhìn thấy tôi. Cũng có thể bạn không vui khi nhìn thấy tôi. Có thể bạn nghĩ rằng, trông tôi trẻ hay già, xấu trai hay đẹp trai, vân vân và vân vân … Bạn vui khi nhìn thấy một vị sư hoặc cũng có thể bạn mong rằng bạn không phải gặp một vị sư. Rất nhiều thứ như vậy đã có thể xảy ra. Bạn quên. Đức Phật đã dạy về điều này. Bạn quên rằng bạn đang nhìn. Điều đó là bình thường. Bạn không dừng lại ở việc nhìn. Bạn ngay lập tức hối hả chạy về phía ‘tôi đang nhìn thấy điều gì đây?’. Đó là một vị sư. Và ngay sau đó, bạn nói, ‘tôi vui vì điều này’, hoặc ‘tôi không vui vì điều này’, ‘tôi thích điều này’, ‘tôi không thích điều này’. Bạn làm như vậy với mọi thứ.

Khi bạn nghe một âm thanh, có thể đó là một âm thanh dễ chịu. Hoặc cũng có thể đó là một âm thanh làm bạn khó chịu khi bạn nghe được nó. Khi bạn ngửi được một mùi gì đó, bạn ngửi được mùi hương thơm, có thể bạn thích mùi hương ngửi được. Rồi bạn bỏ qua, di chuyển rất nhanh ra khỏi thực tại đó. Và sati chính là hành động của việc nhận ra hay nhắc nhở bản thân mình trở về với thực tại đang xảy ra. Điều đó có nghĩa là ở lại với thực tại. Đó là một kiểu hành thiền, trong đó bạn duy trì tâm trí của bạn ở lại với thực tại mà bạn đang trải qua (trong giây phút hiện tại).

Bạn không đi thẳng tới những ý nghĩ, suy nghĩ, những cái thích, không thích, các tưởng tượng, … kiểu như nói với bản thân rằng, ‘oh, người này làm tôi nhớ đến điều này …’, ‘oh, người này làm tôi nghĩ đến điều kia …’ Bạn ngửi thấy mùi hương thơm và điều đó làm bạn nhớ lại thời thơ ấu khi cha hoặc mẹ của bạn xông hương thơm trong nhà. Sati là công cụ để giữ tâm trí của bạn ở lại với thực tại. Như vậy, khi bạn ngửi, ngửi chỉ là ngửi. Điều đó giúp giữ bạn ở lại đây. Đó là công cụ giúp bạn ở lại trong hiện tại. Khi bạn có một cuộc họp quan trọng và bạn muốn ở lại với hiện tại, sati cho phép bạn ở lại trong giây phút hiện tại và không bị kẹt giữa những sự thích và không thích, quá khứ và tương lai, và giữa tất cả mọi sự tưởng tượng có thể có. Sati giúp bạn ở lại đây và ở lại ngay tại thời điểm này. Đó là một công cụ.

Ví dụ, Đức Phật dạy rằng, ‘nếu bạn đang ngồi, hãy biết rằng bạn đang ngồi’. Mọi người có thể thử điều đó ngay bây giờ. Chỉ cần nhắc nhở bản thân. Hãy nói (thầm) với bản thân, ‘ngồi …, ngồi …, ngồi …’ Và rồi bạn nhận ra rằng, đột nhiên bạn đang ở đây, chỉ trong một chốc lát, nhưng bạn thực sự đang ngồi đây. Bạn cảm nhận được điều đó theo một cách mà bạn chưa bao giờ cảm nhận được trước đây, bạn ở trong hiện tại. Đột nhiên, bạn không còn ở trong tâm của bạn, ở một nơi nào đó, mà bạn đang ở đây, đang ngồi. Đó là điều kì diệu của sati, một điều thật đặc biệt. Khi bạn đi, nói với bản thân mình, ‘đi …, đi …’, nhắc nhở bản thân mình. Khi bạn sử dụng một từ ngữ nào đó để nhắc nhở bản thân mình, đó là sati, có nghĩa là nhớ lại, nhận ra. Đừng để tâm của bạn lang thang. Khi bạn nhìn thấy một điều gì đó, hãy nhắc nhở bản thân bạn.

Khi bạn nhìn thấy tôi, hãy tự nói, ‘thấy …, thấy …’ Và bạn sẽ nhận thức được hành động thấy một cách rất rõ ràng. Đột nhiên, bạn không còn nhìn thấy một vị sư hay một điều gì đó nữa. Bạn chỉ đang nhìn và tâm trí của bạn trong trẻo. Bạn sẽ nhận ra rằng, khi bạn làm như vậy, rất nhiều sự đánh giá, thiên vị sẽ biến mất. Bạn sẽ không còn sự thích và không thích, cũng như tất cả mọi sự bối rối trong tâm. Tâm trí của bạn trở nên trong trẻo và định tĩnh.

Nếu bạn duy trì được điều này, và đó thực sự là một cách tốt để giữ cho tâm bạn ở trong trạng thái định tĩnh và trong trẻo, bạn sẽ có khả năng hiểu và xử lý mọi việc tốt hơn. Nghĩa là tâm trí của bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn. Đó là ý nghĩa của sati. Đó là điều chúng ta muốn nói bằng chữ sati. Nghĩa là nhắc nhớ bản thân bằng cách sử dụng từ ngữ nhằm tạo ra một suy nghĩ rõ ràng trong tâm, để nhận biết rõ ràng một hành động (trong hiện tại). Sự nhận biết rõ ràng này được gọi là sampajanna, là điều xảy ra khi bạn chánh niệm. Khi bạn chánh niệm, bạn đạt đến sampajanna, nghĩa là bạn thấy sự việc như sự việc đang là. Tâm trí của bạn trong trẻo. Khi bạn tự nói với bản thân, ‘ngồi …, ngồi …’, đó là sự nhận biết rõ ràng nơi hiện tại. Đó là sampajanna. Bạn có thể trải nghiệm điều đó ở đây và ngay vào thời điểm này. Và bạn cũng có thể sử dụng công cụ này trong cuộc sống hàng ngày của bạn.

Tôi sẽ tiếp tục giải thích về bốn niệm xứ (satipatthana) và sau đó tôi sẽ chỉ ra cho các bạn thấy điều tôi muốn hướng dẫn (vào ngày hôm nay). Các niệm xứ bao gồm: kaya, vedana, citta, và dhamma. Tôi muốn mọi người ở đây, nếu bạn chưa biết các từ này, cùng ghi nhớ với nhau các niệm xứ này. Thông thường, khi tôi dạy về các niệm xứ, tôi muốn mọi người ghi nhớ các từ này. Bởi vì đó là thứ mà chúng ta cần nhấn mạnh. Mọi người hãy lặp lại theo tôi:

Kaya. Vedana. Citta. Dhamma.

Kaya. Vedana. Citta. Dhamma.

Kaya. Vedana. Citta. Dhamma.

Bây giờ, các bạn hãy nói lại.

Một lần nữa.

Và thêm một lần nữa.

Đó là bốn niệm xứ trong tiếng Pali, rất quan trọng. Thực ra, không thể đặt nhẹ chủ đề này được, vì đó chính là cốt lõi của thiền tập, cốt lõi của việc thực hành Phật pháp. Những từ ngữ cuối cùng của Đức Phật (trước khi Ngài nhập diệt) được xem là sự tổng kết của toàn bộ Tam tạng Kinh điển (Tipitaka). Appamada… Khi “chưng cất” toàn bộ Tipitaka, những gì còn lại là appamada pada, con đường dẫn đến appamada. Appamada có nghĩa là chánh niệm toàn thời gian. Khi bạn luôn chánh niệm, đó là appamada. Ở đây, việc ghi nhớ từ này là một việc khá quan trọng. Nó không phải là một từ ngữ cổ xưa bất kì nào đó. Mà những từ ngữ này rất đặc biệt và là quan trọng để ghi nhớ. Hơn thế nữa, điều quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa của chúng.

Kaya (satipatthana đầu tiên) ý nói đến thân. Đó là khi bạn tự nhắc bản thân mình, ‘ngồi …, ngồi …, ngồi …’, bạn đang chánh niệm về thân (kaya). Khi đang bước đi, bạn tự nhắc mình, ‘bước …, bước …, bước …’ Khi đang đứng, ‘đứng …, đứng …, đứng …’ Nếu đang nằm xuống khi đêm về và ý thức được rằng, ‘nằm …, nằm …, nằm …’ Đó là chánh niệm về thân (kayanupassana satipatthana), thấy thân chỉ là thân. Có một kiểu hành thiền mà tôi thường dạy, một số các bạn có thể đã biết, đó là nhận biết sự phồng xẹp của bụng. Hơi thở là một đối tượng quan trọng khi hành thiền. Thân chúng ta bị ảnh hưởng bởi hơi thở. Tác động rõ nhất đó chính là sự phồng xẹp của thân. Khi hít vào, cơ thể sẽ phồng lên ở ngực và bụng. Và khi thở ra, ngực và bụng sẽ xẹp xuống. Nếu chúng ta muốn thực hành chánh niệm hơi thở (anapana sati), theo thân, chúng ta có thể tập trung vào sự phồng và xẹp này.

Tôi sẽ không tập trung vào cách hành thiền đó vào hôm nay, bởi vì tôi muốn nhấn mạnh về việc thiền tứ niệm xứ là điều bạn có thể sử dụng trong cuộc sống của bạn, như cách bạn vẫn đang sống cuộc sống của bạn. Khi đang lái xe, bạn không phải quan sát hơi thở, bạn chỉ cần quan sát việc lái xe. Bạn có thể tự nhắc, ‘ngồi …, ngồi …’ Khi bẻ lái, ‘bẻ lái …’ Khi nhấn ga, ‘nhấn ga …’ Khi nhấc chân, ‘nhấc …’ Bạn có thể chánh niệm về bất cứ điều gì bạn đang làm. Khi bạn đang ngồi đây, hay đang ngồi trong một cuộc họp, ‘ngồi …, ngồi …’ Ngay cả khi bạn đang nói chuyện với một ai đó, bạn vẫn có thể chánh niệm về việc nói. Tôi có thể chánh niệm về việc môi của tôi đang cử động, ngay cả khi tôi đang nói chuyện với các bạn. Một học trò của tôi đã từng cho rằng tôi không bình thường. Cô ấy nhận xét rằng, ‘Làm sao sư có thể vừa nói chuyện với một ai đó và chánh niệm cùng một lúc được?’

Việc nói khá là “cơ bắp”. Mặc dù sự thúc đẩy đến từ tâm trí, nhưng khi nói thì hầu như toàn bộ môi cử động. Đó không phải là một hoạt động tinh thần. Đó là một hoạt động của cơ thể. Và bạn có thể quan sát hoạt động đó, khi nó đang xảy ra.

Khi bạn đang ghi chép với bút viết, hãy chánh niệm rằng bạn đang viết. Tất nhiên, bạn không thể làm điều này toàn bộ thời gian được, bởi vì bạn vẫn cần các hoạt động tinh thần để làm việc, tính toán, suy nghĩ, lên kế hoạch, vân vân và vân vân. Điều này không có nghĩa là tôi đề nghị các bạn chánh niệm toàn bộ thời gian. Tất nhiên sẽ là tuyệt vời, nếu bạn có thể làm được điều đó. Nhưng có lẽ, bạn sẽ bị đuổi việc mất, vì bạn không làm việc được, nếu bạn không đặt tâm trí vào công việc.

Điều đó là rõ ràng, nhưng trong khoảng thời gian giữa hai hoạt động tinh thần, khi bạn đi từ phòng này sang phòng kia, lúc bạn đang đi bộ đến sở làm, hay đi bộ về nhà, đi bộ ra xe, thì dĩ nhiên bạn có thể chánh niệm. Bạn nên chánh niệm. Nếu không thì tâm trí của bạn sẽ làm việc quá sức.

Khi bạn không chánh niệm, tâm trí của bạn làm việc rất, rất nhiều và làm việc quá giờ. Điều đó khiến chúng ta mệt mỏi. Điều đó khiến chúng ta mất tập trung và làm mọi thứ khó khăn hơn khi chúng ta làm việc, để sống cuộc sống của chúng ta. Bạn sẽ nhận ra rằng khi bạn chánh niệm, bạn có sự tự do để thoát khỏi những sự sân hận hoặc tham muốn đang làm bạn mệt mỏi.

Kết quả là bạn sẽ tươi mới, có nhiều năng lượng hơn, bạn hiệu quả hơn. Điểm mấu chốt ở đây là sự hiệu quả. Bạn muốn đạt được hiệu quả. Bạn phải canh gác tâm trí của bạn khỏi những thứ làm nó mệt mỏi, đau khổ. Chánh niệm giúp bạn làm điều đó. Như vậy, kaya, satipatthana thứ nhất, thực sự là điều dễ áp dụng nhất, bạn có thể áp dụng kaya với bất cứ việc gì bạn làm. Nếu tôi sắp uống ly nước này, tôi có thể nhìn vào ly nước. Tôi muốn uống nước. Tôi sẽ nói ‘đưa tay …’ Tôi sẽ nhắc nhở bản thân điều tôi đang làm ‘đưa tay …’ Khi tay tôi nắm vào ly, ‘nắm …’ Khi tôi nhấc ly lên, ‘nhấc lên …, kéo về …’ Và tôi đưa ly hướng về miệng của tôi. Khi tôi mở miệng, ‘mở miệng …, chạm …’ Khi tôi uống, ‘uống …’ Khi tôi nuốt, ‘nuốt …’ ‘Di chuyển …, đặt xuống …’. Bạn có thể thực hành chánh niệm như thế với bất cứ việc gì bạn làm.

Và bạn sẽ thấy được các lợi ích. Chánh niệm giữ cho tâm trí của bạn trong trẻo, rõ ràng. Tất cả mọi rắc rối trong tâm sẽ biến mất. Cuộc sống bình thường của chúng ta không được hiệu quả là bởi vì chúng ta bị kẹt giữa quá nhiều cảm xúc. Và các cảm xúc đó làm hại chúng ta. Chúng cũng làm hại người khác. Các cảm xúc ngăn chúng ta khỏi những trạng thái tâm tối ưu và chúng ngăn cản chúng ta với hạnh phúc. Chúng khiến chúng ta làm những việc chúng ta không nên làm, khiến cho chúng ta và những người khác đau khổ.

Vedana (satipatthana kế tiếp). Khi bạn phải làm việc quá giờ, có thể bạn sẽ cảm thấy đau, hoặc khi một việc xấu xảy đến, bạn sẽ cảm thấy buồn. Bạn cũng có thể có các cảm giác hạnh phúc, thoải mái. Khi hết giờ làm, bạn có thể ra ngoài uống chút ít bia rượu, và bạn say, và bạn có rất nhiều các cảm giác thoải mái. Hoặc bạn nghe nhạc, xem tivi và điều đó làm cho bạn thoải mái. Nhưng sẽ là vấn đề nếu bạn không chánh niệm, mà rõ ràng là bất khả thi khi bạn say. Bởi vì bạn trở nên dính mắc với những điều đó.

Chúng ta nghĩ rằng, ‘Ồ, thoải mái thì có vấn đề gì? Chẳng phải hạnh phúc là một điều tốt?’ Bạn đang nói về hạnh phúc. Và chúng ta cần phải phân biệt sự khác nhau giữa hai loại hạnh phúc: loại hạnh phúc cần phải dựa trên một đối tượng và một loại hạnh phúc không cần đến sự trải nghiệm của bạn. Loại hạnh phúc thứ hai là thứ mà bạn hạnh phúc, chỉ đơn giản hạnh phúc mà không cần đến thứ này hay thứ khác. Samisa sukha có nghĩa là bạn cần một điều (thứ) gì đó để hạnh phúc. Nếu bạn không có nhạc để nghe, bạn không thực sự hạnh phúc. Nếu bạn không có món ăn này, bạn thấy thiếu một điều gì đó trong cuộc sống của bạn. Đó là loại hạnh phúc phải cần một điều gì đó để hạnh phúc. Loại hạnh phúc này khá nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn trở nên quá nghiện với điều đó, tới nổi bạn bị ám ảnh bởi nó. Bạn đang ngồi ở đây, tại thời điểm này. Và những điều như vậy có thể xảy ra. Nếu tôi đề cập về thức ăn, bạn đột nhiên nhận ra rằng mình đang suy nghĩ về thức ăn. Vì sao? Bởi vì bạn quá thích ăn uống và điều đó đã xâm chiếm cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn biết rằng bạn sẽ không ăn vào bây giờ. Bạn không dự định ăn. Nhưng suy nghĩ về việc ăn vẫn diễn ra. Nếu tôi bắt đầu nói về thức ăn, bạn sẽ thấy tâm trí của bạn bắt đầu thèm ăn. Bởi vì nó đã quá quen thuộc với việc đó. Và điều đó là một sự xáo động cho bạn. Bạn không cần nó vào bây giờ, bạn không muốn nghĩ về nó trong thời điểm hiện tại, nhưng bạn không thể làm gì được. Mọi việc xảy ra như thế.

Như vậy các cảm giác hạnh phúc cũng có thể là nguy hiểm. Thực ra, nếu không chánh niệm về chúng, các cảm giác đó sẽ làm chúng ta đau khổ. Hạnh phúc thật sự không nên có bất cứ liên hệ gì với trải nghiệm của chúng ta. Nó không nên phụ thuộc vào một trải nghiệm cụ thể nào cả. Như vậy, chúng ta muốn tâm trí chúng ta trong trẻo. Nên kể cả với một số thứ, chúng ta không muốn hạnh phúc với chúng.

Chúng ta cũng cần hiểu rõ rằng, kể cả sự đau đớn cũng không thực sự là vấn đề. Bạn khó chịu bởi vì bạn không hạnh phúc, không định tĩnh hoặc bạn khó chịu bởi vì bạn đang đau đớn. Điều đó là không cần thiết. Hoàn toàn có thể trải qua sự đau đớn trong thân mà không bị khó chịu. Thực ra, đó cũng là điều quan trọng. Bạn ngồi làm việc cả ngày và bạn bắt đầu bị đau ở cổ hoặc vai, và điều đó có thể gây trở ngại cho cuộc sống của bạn một cách nghiêm trọng. Nhiều người đi bác sĩ do bị nhức đầu và các cơn đau tinh thần, hoặc nếu không thì cũng do bởi tâm trí chúng ta tác động. Hầu hết các cơn nhức đầu đều không do bởi môi trường lý tính, mà chúng được gây ra bởi các trạng thái tâm của bạn, sự căng thẳng ở cổ hay vai hầu hết là do căng thẳng. Bạn có thể giải phóng mình khỏi những thứ đó. Tất cả những điều có hại này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc đời của bạn, nếu bạn không có chánh niệm.

Mọi người đi mátxa hay châm cứu hàng tuần bởi những cơn đau này. Bởi vì chúng đã đi vào cuộc sống của họ và họ không thể sống cuộc sống của họ. Chánh niệm về sự đau đớn là một công cụ rất uy lực. Bạn có thể nhận biết sự hiện diện của cơn đau, không phản ứng lại cơn đau và không bị khó chịu bởi cơn đau. Điều này là khả thi. Đó là những gì satipatthana có thể giúp bạn. Điều đó xảy ra như thế nào? Khi bạn trải qua cơn đau, nhắc nhở bản thân (hãy nhớ nghĩa của từ sati) rằng ‘đau …, đau …, đau …’ Nhắc nhở bản thân rằng đây là sự đau. Ở đó với cơn đau. Không sa vào “trò chơi” suy nghĩ của thích, không thích, đánh giá, … về cơn đau. Đừng để tâm trí của bạn đi vào đó. Giữ tâm trí của bạn ở lại với hiện tại. Khi bạn cảm thấy vui, đừng bị mắc kẹt ở trong đó. Đừng trở nên bị dính chặt vào đó. Hãy giữ cho tâm trí của bạn được trong trẻo, ‘hạnh phúc …, hạnh phúc …’ Tất nhiên là chẳng có gì sai để cảm nhận hạnh phúc. Nhưng nếu bạn không chánh niệm, bạn trở nên dính mắc vào nó. Và đó mới là vấn đề. Nên chỉ cần nói với bản thân mình, ‘hạnh phúc …, hạnh phúc …’ Nếu bạn cảm thấy định tĩnh, cũng như vậy, nói với bản thân, ‘định tĩnh … , định tĩnh …’ Đó là vedana, chánh niệm về thọ (cảm giác).

Citta. Citta có nghĩa là chánh niệm về tâm. Các suy nghĩ, ký ức, kế hoạch. Như tôi có đề cập, nhiều lúc bạn cần phải suy nghĩ, và bạn không thể thiền vào lúc đó. Bạn cần lên kế hoạch. Bạn cần nhớ những thứ bạn cần nhớ. Nhưng theo thời gian, tâm trí của bạn bị ám ảnh, chiếm hữu bởi các suy nghĩ vô ích, ví dụ như nhớ về những điều không hay mà một ai đó đã gây ra cho bạn. Chẳng có ích lợi gì trong việc đó cả, điều đó chỉ khiến bạn thêm giận dữ. Lo lắng về những việc trong tương lai. Điều gì sẽ xảy ra với việc này việc kia? Bạn biết là vô ích, nhưng bạn không thể ngăn bản thân được. Chúng ta không cần phải ngăn chúng lại.

Việc thực hành satipatthana không ngăn cản bạn suy nghĩ. Tuyệt đối không. Nhưng nó sẽ ngăn bạn phản ứng với các suy nghĩ của bạn, ngăn bạn khỏi trở nên khó chịu hay ngăn bạn khỏi bị dính mắc với các suy nghĩ. Nó làm gián đoạn các thói quen thông thường này và đi vào cuộc sống của bạn. Như vậy, khi bạn suy nghĩ, bạn nên biết rằng bạn đang suy nghĩ. Suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Rất đơn giản, cho dù đó là quá khứ, tương lai, suy nghĩ tốt, suy nghĩ không tốt, chỉ cần nói với bản thân, ‘suy nghĩ …, suy nghĩ …’

Bạn có thể thực hành điều này mọi lúc, bạn có thể áp dụng ngay bây giờ. Bạn cảm thấy đau. Bạn không cần phải lắng nghe tôi nói vào lúc này. Bạn có thể dừng việc nghe lại và tập trung vào cái đau, ‘đau …, đau …’ Sự đau đớn có thể chẳng đi đâu cả, đó không phải là mục tiêu. Điều sẽ ra đi chính là sự khó chịu của bạn, sự thất vọng, nổi ám ảnh với cơn đau. Nếu bạn ngồi đây và đang suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, chỉ cần quan sát các suy nghĩ đó, nói thầm ‘suy nghĩ …, suy nghĩ …’ Đó là niệm tâm, cittanupassana.

Satipatthana thứ tư, dhammanupassana (niệm pháp). Do tính chất đơn giản của buổi nói chuyện hôm nay, chúng ta chỉ tập trung vào hai nhóm đầu tiên của niệm pháp, nivarana (chướng ngại) và indriya (sáu giác quan).

Nivarana là một khái niệm quan trọng. Khi chúng ta nói về nivarana, thường thì bạn nghe nói trong ngữ cảnh về các jhana (một trạng thái tâm hợp nhất, sâu sắc). Nếu bạn muốn nhập vào jhana, bạn phải loại bỏ nivarana. Nivarana là một từ thú vị. Nó có nghĩa là chướng ngại, một thứ gì đó ngăn cản bạn, giữ bạn lại. Và điều này là đúng cho bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống, rằng 5 chướng ngại này có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Nếu bạn muốn thành công mang tính vật chất, kể cả nếu bạn muốn trở thành một kẻ lừa đảo, 5 điều này cũng sẽ có mặt trên con đường của bạn, bất kể bạn làm điều gì. Quan trọng hơn hết thảy, 5 chướng ngại này cản đường tiến tới hạnh phúc của bạn. 5 điều này không tốt cho chúng ta và nếu không có chúng, chúng ta có thể đạt ngộ, hay ít ra chúng ta cũng có thể nhập vào các trạng thái tâm jhana, các trạng thái tâm của hạnh phúc và bình an hoàn hảo.

Như vậy, chúng ta cần phải chánh niệm về 5 chướng ngại này. Chúng bao gồm, có thể bạn đã biết, kamachanda, vyapada, thina-middha, uddhacca-kukkucca, vicikiccha. Đó là những từ Pali “đao to, búa lớn”, khó phát âm và khó nhớ. Không hữu ích cho chúng ta, khi thực hành. Chúng ta cần những từ đơn giản hơn để chánh niệm. Phiên bản đơn giản hơn mà chúng ta có thể dùng là thích, không thích, buồn ngủ, mất tập trung và nghi ngờ. Chúng ta sẽ sử dụng những từ này để thực hành. Điều đáng tò mò về cách đối trị 5 chướng ngại này, cách để được giải phóng khỏi chúng, là chúng ta sẽ không cố đẩy đuổi chúng đi. Cách đối trị đúng đắn là xem xét chúng một cách rõ ràng, để hiểu chúng. Nếu chúng ta muốn được tự do khỏi các sự thích, không thích, sự buồn chán, chán nản, nổi buồn, sợ hãi, phiền muộn, căng thẳng, lo lắng, lười biếng, nghi ngờ, hoang mang, … tất cả những gì bạn cần làm là quan sát và hiểu rõ về chúng. Và một khi bạn có thể hiểu rõ về chúng, hiểu ở đây có nghĩa là thông qua sự quan sát chứ không phải thông qua các sự hợp lý hoá mang tính tri thức, tất cả những gì bạn cần làm là quan sát chúng, xem xét chúng, và bạn sẽ thấy rằng chúng không có lợi ích gì cho bạn. Và bạn sẽ buông bỏ chúng ngay lập tức.

Bạn không cần phải tin về điều này ngay bây giờ. Nhưng bạn hãy thử áp dụng và cho tôi biết kết quả, hãy tự chứng nghiệm điều này. Để giải phóng bạn khỏi những chướng ngại này, bạn chỉ cần nhắc nhở bản thân về chúng, nhắc nhở chúng ta khi chúng ta có các chướng ngại này. Khi bạn có sự thích, chỉ cần nhắc nhở bản thân ‘thích, …, thích …’ Nếu bạn không thích, chỉ nói ‘không thích …, không thích …’ Nếu bạn đang ngồi đây và bạn đã quá buồn chán, bởi vì tôi đã nói chuyện quá dài dòng, chỉ cần nhắc nhở bản thân rằng ‘chán …, chán …’ Sự buồn chán là một dạng sân giận. Nếu bạn đang giận dữ hoặc bực bội, nói rằng ‘mất tập trung …’ Nếu bạn lo lắng, nói ‘lo lắng …, lo lắng …’ Từ ‘lo lắng’ là một từ hữu ích cho doanh nhân. Tôi có thể tưởng tượng là các bạn rất thường phải lo lắng, căng thẳng. Đó hẳn là một lẽ thường. Nếu muốn thành công, cần phải căng thẳng. Một vài người cho rằng bạn phải căng thẳng, phải lo lắng để có thể thành công. Và điều đó là đúng, rằng những ai không nghiêm túc thì chẳng thể gặt hái nhiều thành công. Nên nếu bạn không lo lắng, không căng thẳng, có lẽ đơn giản là bạn lười biếng. Điều đó cũng không tốt đẹp gì.

Chúng ta cần phải hiệu quả, nhưng chúng ta không cần phải căng thẳng. Điều đó không đòi hỏi bạn phải căng thẳng. Cách duy nhất để có thể hiệu quả và trọn vẹn mà không bị căng thẳng hoặc lo lắng chính là chánh niệm, sự rõ ràng, khách quan và nhận biết được những gì đang xảy ra. Như vậy, khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng, chỉ cần nói với bản thân mình ‘căng thẳng …, căng thẳng …, lo lắng …, lo lắng …’ Nếu bạn có những nghi ngờ hay hoang mang, nhắc nhở rằng ‘nghi ngờ …, nghi ngờ …’ hoặc ‘hoang mang …, hoang mang …’ Hãy nhắc nhở bản thân trở về trạng thái đó ở hiện tại.

Vấn đề của những chướng ngại này không phải chính xác nằm ở việc chúng xuất hiện. Nó chỉ trở thành vấn đề thực sự, khi chúng ta lặp lại chúng. Chúng ta lặp lại các vấn đề này, cụ thể hoá chúng và làm chúng nảy sinh. Giả sử bạn đang lo lắng. Khi bạn lo lắng, cơ thể của bạn sẽ bắt đầu phản ứng, bạn sẽ bị nhức đầu hoặc cồn cào trong bụng, hoặc nhịp tim bắt đầu đập nhanh hơn. Và khi chúng ta kinh nghiệm những điều đó, chúng ta trở nên lo lắng hơn, lo lắng về những thứ mới phát sinh. Như vậy, thực ra là bạn lo lắng về sự lo lắng của bạn và điều đó khiến cho bạn càng lo lắng thêm, lo lắng thêm nữa. Hoặc khi bạn giận dữ về một điều gì đó. Nếu tôi làm bạn giận, bạn sẽ nhìn vào sự giận dữ đó và bạn thêm vào ‘ông ấy làm tôi giận dữ’ và điều đó càng khiến bạn thêm giận dữ. Và bạn nghĩ rằng, làm sao con người này lại làm tôi giận như thế này? Tại sao con người này lại làm tôi giận? Và bạn trở nên giận dữ hơn. Cơn giận cứ được xây dựng lên thêm nữa, thêm nữa. Như thế, chúng ta sẽ sa vào một vòng lặp. Nó cũng giống như hiện tượng phản hồi âm thanh của microphone. Nó sẽ lặp lại cho đến khi phát ra âm thanh rất chói tai.

Để đối trị vấn đề này, bạn chỉ cần cắt chu kỳ của việc lặp lại. Khi bạn nhắc nhở bản thân, khi bạn gieo trồng sự chánh niệm, sự khách quan, xem xét sự việc như nó đang là, vòng lặp này sẽ bị cắt. Không có thêm sự phản ứng. Chúng ta không nói rằng, ‘điều này xấu’, ‘điều này tốt’, ‘đây là tôi’, ‘đây là của tôi’. Bạn chỉ ghi nhận, ‘nó chỉ là nó’. Đó là điểm mấu chốt. Khi bạn nhìn vào một thứ gì đó và nói rằng ‘nó chỉ là nó’, như Đức Phật đã có dạy, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe. Khi bạn làm được việc đó, bạn cắt đứt vòng lặp của bất cứ vấn đề nào có thể đang xuất hiện trong tâm, được xây dựng dựa trên các trải nghiệm của bạn. Đó là chánh niệm về các chướng ngại.

Phần thứ hai của niệm pháp là chánh niệm về các giác quan, bao gồm thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác, suy nghĩ. Bản thân những giác quan này là trung tính, nhưng chúng thực sự chính là nguyên nhân của các vấn đề trong hiện tại. Khi bạn nhìn thấy một cái gì đó, bạn lập tức thích hoặc không thích nó. Khi bạn nghe, ngửi, nếm, cảm nhận, điều tương tự cũng xảy ra, thích hoặc không thích. Bạn thích những chiếc ghế này, bởi vì chúng mềm mại. Nhưng khi bạn phải ngồi trên sàn cứng, khi bạn phải đứng nguyên ngày, bạn chẳng thích thú gì. Khi bạn nghĩ về một điều gì đó, cũng tương tự, bạn thích hoặc không thích. Và điều này cũng là một khía cạnh rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Bởi vì nhờ đó mà chúng ta có thể hiểu được mọi điều. Đó là lý tại sao Đức Phật đề cập về điều này khi chỉ dạy cho Bahia. Bởi vì các giác quan là phương cách để có thể hiểu được toàn bộ sự tồn tại, của thực tại, của mọi thứ. Điều này có nghĩa rằng, nếu bạn biết các giác quan và biết cách để đối trị với chúng, thì sẽ không có vấn đề nào có thể đến với bạn. Bởi vì, tất cả mọi thứ mà bạn trải nghiệm được đều phải đi qua một trong 6 giác quan. Hoặc là thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận hay suy nghĩ. Nên nếu bạn có một vấn đề trong cuộc sống của bạn, nó không thể nằm ngoài 6 thứ này được. khi bạn nói ‘tôi có vấn đề này’, hãy nhớ rằng điều duy nhất xảy ra là ở nơi các giác quan, tại thời điểm đó. Nếu bạn có thể nhìn chúng chỉ như là các giác quan, kể cả cái chết của chính bạn, kể cả khi một ai đó đang cố gắng kết thúc cuộc đời bạn, vẫn chỉ đơn giản đi về một trong 6 thứ: thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận, suy nghĩ.

Trước đây, tôi có một học trò, một phụ nữ người Canada. Cô ấy không phải là một Phật tử. Cô ấy chỉ đến học thiền trong 1 tuần. Và sau đó nhiều năm, tôi nghe chị cô ấy kể lại rằng cô ấy đã bị tai nạn giao thông. Cô ấy đang đi trên trên xe buýt và chiếc xe buýt đã đâm phải một con nai sừng tấm. Đó là một loại thú tương tự như nai, nhưng có kích thước rất lớn. Xe buýt đâm phải con nai và văng ra khỏi đường. Hoặc có thể chiếc xe buýt đã cố tránh con nai và lạc tay lái ra khỏi đường, tạo nên một vụ tai nạn. Cô ấy bị văng lên cao, bay ra khỏi xe và rơi xuống một tảng gần đó. Cô ấy đã chỉ có thể nằm yên với nhiều xương bị gãy, rất đau đớn, đợi cứu thương tới. Và cô ấy đã chỉ tập trung quan sát hơi thở của mình, bởi vì tôi đã dạy cô ấy cách quan sát sự phồng xẹp của bụng. Và cô ấy tự niệm, ‘phồng …, xẹp …’ Điều đó đã giúp cô ấy hoàn toàn định tĩnh và bình an với bản thân mình. Một cái tâm hoàn toàn trong trẻo, ngay cả với tất cả mọi đau đớn trong thân thể. Mọi người kể lại rằng, khi bác sĩ và cứu thương tới, họ không thể tin được sự định tĩnh mà cô ấy có được. Cô ấy nói chuyện với họ và kể lại cho họ nghe mọi thứ đã xảy ra như thế nào. Ngay cả trong những trải nghiệm cực đoan như vậy, bất cứ điều gì bạn phải đối mặt trong cuộc đời, nếu bạn khách quan về việc đang xảy ra, nếu bạn có thể hiểu nó, không điều gì có thể thực sự trở thành một vấn đề cả.

Đó là 4 satipatthana, tứ niệm xứ. Đó là cách hành thiền mà chúng ta thực hành. Đó là những gì tôi muốn chia sẻ với các bạn. Chúng ta vẫn còn một ít thời gian. Tôi có thể trả lời một số câu hỏi. Và nếu chúng ta vẫn còn thời gian, chúng ta sẽ ngồi thiền với nhau ở đây. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, đây là thời điểm để hỏi.

Câu hỏi: Khi bị kích thích bởi các giác quan, chúng ta chỉ ghi nhận, mà không dính mắc vào đó, có phải đúng vậy không ạ?

Đúng vậy. Việc ghi nhận sẽ ngăn bạn không bị dính mắc. Nếu bạn có đọc qua Vi diệu pháp, trong đó có nói về việc tâm trí có một tiến trình. Tâm này nối tiếp tâm kia và có một tâm sẽ xác định nếu một tâm là thiện hay bất thiện. Trong giây phút (hiện tại) đó, nếu bạn chánh niệm thì đó là một tâm thiện. Và vì thế sự phản ứng không xảy ra. Nhưng nếu bạn không chánh niệm, tâm sẽ đánh giá, thích, không thích. Như vậy, hoặc là tâm thiện hoặc là tâm bất thiện. Khi bạn chánh niệm, khi bạn nhận biết sự vật như nó đang là, sẽ không có cơ hội để bạn đánh giá.

Câu hỏi: Đó có phải là javana?

(chú thích từ người dịch: tôi không chắc chắn chữ javana là chữ mà Sư dùng trong bài pháp. Tôi sẽ cập nhật thêm các đoạn in nghiêng, khi có thêm thông tin, hiểu biết)

Nó trước javana. Đó là thứ tạo nên javana, tôi nghĩ vậy. Tôi không phải là một học giả chuyên sâu về Vi diệu pháp. Đó là những hiểu biết chung chung. Có một thời khắc, khi tâm hoặc là thiện hoặc bất thiện, và thời khắc đó tạo nên javana …

Khi bạn chánh niệm, mỗi khi bạn tự nhắc nhớ bản thân ‘thấy …, thấy …’ hoặc ‘nghe …, nghe …’ hoặc ‘đau …, đau …’, bạn loại bỏ được 7 sự ô nhiễm khác nhau. Bạn loại bỏ chúng, bảy akusala (tâm bất thiện). Như vậy sẽ rất lợi ích mỗi khi bạn chánh niệm, bạn loại bỏ được 7 tâm bất thiện trong tương lai.

Bây giờ, chúng ta sẽ hành thiền một lát và nếu bạn có câu hỏi nào nữa, tôi sẽ trả lời sau đó.

Mọi người hãy nhắm mắt lại. Bắt đầu với sự tập trung trên thân. Một thời thiền chính thức là một thời huấn luyện. Nếu bạn suy nghĩ về tất cả những gì tôi vừa chia sẻ và sự hữu ích của việc hành thiền trong cuộc sống hàng ngày của bạn thì đây là một cơ hội để huấn luyện bản thân bạn về việc hành thiền. Bởi vì, khi bạn ra ngoài kia, ngoài cuộc sống, quá dễ dàng để bỏ quên chánh niệm. Nhưng khi bạn ngồi ở đây, không phải làm công việc gì, mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Bạn huấn luyện kỹ năng này cho bản thân ở đây và sau đó có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta bắt đầu bằng việc quan sát thân. Nếu muốn, bạn có thể nói thầm, ‘ngồi …, ngồi …, ngồi …’ Nếu bạn muốn quan sát cử động của cơ thể khi hít vào và thở ra, bạn có thể quan sát bụng, đặt tay bạn trước bụng, cảm nhận sự phồng xẹp của bụng và nói với bản thân mình, ‘phồng …, xẹp …, phồng …, xẹp …’ Nếu bạn cảm nhận được bất cứ điều gì như đau, hạnh phúc, định tĩnh, bạn cũng có thể chánh niệm về điều đó. Chỉ cần nhắc nhở bản thân, ‘định tĩnh …, định tĩnh …’, ‘hạnh phúc …, hạnh phúc …’ Nếu bạn đau, tập trung vào sự đau và nói ‘đau …, đau …’, cho đến khi cơn đau qua đi. Khi cơn đau đã đi qua, trở lại với việc quan sát thân mình.

‘Phồng …, xẹp …’ hoặc ‘ngồi …, ngồi …’

Khi có suy nghĩ nổi lên, nói ‘suy nghĩ …, suy nghĩ …’, cho dù bất cứ loại suy nghĩ nào mà bạn đang có. Sẽ là rất khó để bắt được suy nghĩ khi mới bắt đầu. Điều đó không sao. Bất cứ khi nào bạn bắt được suy nghĩ, chỉ cần nhắc nhở bản thân, ‘suy nghĩ …, suy nghĩ …’ Và hãy để suy nghĩ ra đi, trở lại với việc quan sát thân.

Nếu các chướng ngại nivarana nổi lên, thích, không thích, buồn ngủ, mất tập trung, nghi ngờ, chỉ cần nói với bản thân rằng ‘thích …, thích …’, ‘không thích …, không thích …’, ‘buồn ngủ …, buồn ngủ …’, ‘mất tập trung …, mất tập trung …’, ‘nghi ngờ …, nghi ngờ …’

Và trở về lại với việc quan sát thân. Nếu bạn thấy bất cứ điều gì với mắt đang nhắm, tự nói với bản thân ‘thấy …, thấy …’ Đừng bị mắc kẹt vào những thứ mà bạn có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, hoặc cảm giác được. Chỉ cần nhắc nhở ‘thấy …, thấy …’, ‘nghe …, nghe …’

Okay, đó là thực hành thiền tứ niệm xứ.

Chúng ta vẫn còn chừng 10 phút nữa và tôi có thể ngồi đây và hành thiền, nếu không còn câu hỏi nào nữa. Nhưng chúng ta còn 10 phút. Chúng ta sẽ kết thúc vào 5h30. Bạn được hoan nghênh ngồi lại, hành thiền hoặc đặt câu hỏi. Nếu các bạn phải rời đi, vui lòng đứng dậy và rời đi.

[Câu hỏi]

Vâng, đó là những gì mà tôi vừa nói. Khi đang làm việc, bạn có thể thực hành thiền tứ niệm xứ. Kaya có nghĩa là khi bạn ngồi, bạn nói ‘ngồi …, ngồi …’ Vedana, nếu bạn bị đau, nói với bản thân ‘đau …, đau …’ Bạn cần thực sự mang ra thực hành thử. Đừng chỉ tin vào lời tôi nói hoặc vứt nó vào sọt rác nếu bạn nghĩ rằng tôi chắc hẳn điên khùng. Bạn hãy tự tay thử thực hành. Nó rất hữu ích. Khi bạn suy nghĩ và tâm trí của bạn bị mất tập trung, nói ‘suy nghĩ …, suy nghĩ …’ Nếu bạn cảm thấy giận dữ, lo lắng hay buồn chán, nếu bạn mong muốn một điều gì đó hay thích một điều gì đó, bạn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung, nghi ngờ, bối rối, lo lắng, hãy tập trung vào chính các cảm xúc đó. Và áp dụng nó ở mọi nơi, mọi lúc, khi bạn đang làm việc.

[Câu hỏi]

Không, ý của tôi là, trong một chừng mực nào đó, bạn phải không chánh niệm, bạn không cần phải thực hành satipatthana. Nếu không, bạn không thể viết bản ghi nhớ được. Việc sử dụng satipatthana khi bạn bắt đầu buồn chán, hay bực bội, mất tập trung sẽ giúp bạn tập trung vào việc bạn đang làm. Nó sẽ giúp loại bỏ tất cả mọi loại rác trong tâm. Giả sử bạn đang viết bản ghi nhớ, và rồi có các âm thanh ồn ào ở bên ngoài làm bạn bực bội, giận dữ. Bạn chỉ cần nói với bản thân ‘giận …, giận …’ Và sau đó, bạn được tự do khỏi sự giận dữ. Bạn có thể trở lại với việc viết bản ghi nhớ. Điều đó giữ cho tâm bạn được trong trẻo. Khi tôi đi học đại học, sau khi đã hoàn thành lớp thiền, tôi đã sử dụng satipatthana cho việc học tập của tôi. Mọi thứ đều được cải thiện, bởi vì tâm trí của tôi quá trong trẻo. Nếu tôi cần viết bài luận, tôi chỉ cần ngồi xuống và viết một mạch. Rất mạch lạc. Sau đó, tôi chỉ cần chỉnh sửa lại thêm một chút ít nữa thôi. Bởi vì tâm của tôi rất bén nhạy. Tôi hành thiền và giữ cho tâm mình trong trẻo về mọi thứ. Bạn sẽ nhận ra rằng tâm của bạn cũng sẽ trong trẻo hơn lên rất nhiều, khi bạn thực hành thiền tứ niệm xứ.

Khi có bài kiểm tra, như các bạn hình dung, thường thì sẽ có lo lắng hoặc căng thẳng về bài kiểm tra, tôi sẽ cười và vào làm bài kiểm tra. Bởi vì tâm của tôi trong trẻo và tôi không bận tâm về việc đậu hay trượt. Trong một năm, tôi có 9 điểm A+, một điểm A, và một điểm A-. Tôi đã không cần phải học quá chăm chỉ. Tôi chỉ rất chánh niệm. Tôi học một lúc rồi nghỉ một lúc, thiền đi, quan sát chân tôi và sau đó trở lại với việc học tập. Tâm trí của tôi vẫn được giữ trong trẻo. Điều đó rất hữu ích cho việc học tập, làm việc.

[Câu hỏi] Sư có bật nhạc nghe trong khi học không?

Không. Ý của tôi là vấn đề không phải là âm nhạc. Khi bạn dính mắc với âm nhạc, bạn sẽ vừa nghe nhạc vừa học. Tâm trí sẽ làm việc như thế, cho dù âm nhạc chỉ bật lên như để làm nền. Mọi người làm thế à, họ học bài với âm nhạc bật lên? Chắc hẳn là họ chán việc học đến tận cổ. Có những cách khác hiệu quả hơn để thanh lọc sự buồn chán đó ra khỏi tâm của bạn. Sati sẽ giúp bạn điều đó. ‘buồn chán …, buồn chán …’, ‘bực bội …, bực bội …’ Tự do khỏi mọi sự ô nhiễm trong tâm.

[Câu hỏi]: Có lý do đặc biệt nào về việc Sư xuất gia không?

Rất đặc biệt. Tôi mong muốn trở thành một nhà sư, bởi vì tôi muốn hành thiền. Việc hành thiền đã thuyết phục tôi. Thực ra, tôi đã từng không hứng thú gì với việc trở thành một nhà sư. Như tôi có nói, nhiều vị sư chẳng làm điều gì hữu ích cả. Và tôi tự nghĩ, xuất gia để làm gì. Đó chẳng phải là điều tôi muốn. Nhưng khi tôi thực hành thiền tập, tôi đã nhận ra rằng đó là một điều tuyệt vời, không chỉ cho bản thân tôi. Mà tôi còn có thể làm những việc như vầy, tôi có thể đến và dạy các bạn. Bởi vì tôi là một vị sư, tôi có thể giảng pháp. Tôi không cần phải làm việc. Tôi có thể dành trọn cả cuộc đời của mình để truyền bá, thực hành và nguyên cứu pháp. Và đó là lý do vì sao tôi xuất gia. Ban đầu đó là bởi vì tôi muốn được thực hành thiền tập, rồi nhận ra sự quan trọng của việc hành thiền. Cả thế giới cần đến điều này, rất quan trọng và hữu ích.

[Câu hỏi]

Đúng vậy. Có sự lo lắng, có sự không thích. Nó không chỉ là lo lắng. Mà chúng ta không thích, rồi chúng ta buồn về điều đó. Như tôi có nói, cách thức để có thể giải phóng khỏi những điều này là hiểu chúng thật rõ. Ví dụ như lo lắng. Bạn nghĩ rằng, khi bạn lo lắng về một điều gì, nó sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề được tốt hơn. Nếu bạn không lo lắng, bạn sẽ chỉ cần để nó xảy ra.

Nhưng thật ra, lo lắng chẳng giúp ích được gì. Rồi chúng ta sẽ hiểu được rằng lo lắng chính là sự đau khổ cho chúng ta. Nó không phải là điều làm bạn hài lòng cũng không giúp bạn giải quyết các vấn đề. Nó thực ra làm cho mọi thứ khó khăn hơn, bởi vì bạn không thể tập trung được. Như vậy, khi bạn hiểu được điều đó, bạn không lo lắng thêm nữa. Vấn đề là sự thiếu hiểu biết (vô minh – si). Khi bạn hiểu rõ sự thật, bạn không lo lắng nữa, không giận dữ nữa, không buồn nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta sử dụng sati để nghiên cứu vấn đề. Khi bạn lo lắng, bạn nghiên cứu vấn đề bằng cách nhắc nhở bản thân, ‘lo lắng …, lo lắng …’ Chúng ta sẽ chỉ cần quan sát sự lo lắng, mà không cố gắng đẩy đuổi nó đi. Chúng ta không muốn đuổi nó đi. Chúng ta muốn nghiên cứu nó. Bởi vì khi chúng ta có thể nghiên cứu nó, chúng ta sẽ thấy sự thật về nó và sẽ biết rằng lo lắng là vô ích. Tôi không nên lo lắng. Điều đó chẳng giúp tôi được điều gì. Chúng ta sẽ thấy điều đó (sự thật đó) mà chẳng cần suy nghĩ về nó. Và chúng ta sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng nữa. Chúng ta sẽ ngày càng bớt lo lắng, sẽ thấy mọi việc sáng rõ hơn, cho đến khi chúng ta chẳng lo lắng gì nữa cả. Chỉ bằng cách quan sát nó, nghiên cứu nó. Nếu bạn cảm thấy buồn, nói ‘buồn …, buồn …’ Bạn nghiên cứu nỗi buồn. Và sau đó bạn không còn có thêm nỗi buồn nào nữa. Bạn sẽ ngăn cản được mọi thứ làm hại bạn. Bởi vì bạn sẽ thấy một cách rõ ràng rằng, những thứ đó có hại. Đó là con đường, con đường diệt mọi khổ đau.

Đã 5h30 rồi. Đã đến lúc chúng ta kết thúc. Các bạn đã là những khán giả rất kiên nhẫn. Cảm ơn thời gian và nỗ lực của các bạn. Tôi hy vọng những gì tôi chia sẻ hôm nay là hữu ích với các bạn và các bạn có thể mang những lời dạy này theo các bạn, mang ra thực hành trong cuộc sống của các bạn, gieo trồng sati và tìm thấy hạnh phúc, hạnh phúc vật chất, hạnh phúc tinh thần. Tôi hy vọng rằng các bạn sống lâu, hạnh phúc, mạnh khoẻ, mạnh mẽ. Nguyện cho các bạn được giàu có cả về vật chất cũng như tinh thần. Nguyện cho tâm trí của các bạn tập trung vào pháp, vào sự thật. Và nguyện cho các bạn gieo trồng sự tử tế, lòng tốt cho đến lúc mà các bạn cũng có thể tự giải phóng bản thân mình khỏi mọi khổ đau và tìm được sự bình an và hạnh phúc thật sự, được gọi là niết bàn.

Cảm ơn thời gian của các bạn. Chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với các bạn.

One thought on “Bài Pháp: Thực hành thiền tứ niệm xứ trong cuộc sống hàng ngày

Leave a Reply