Trích từ bài pháp Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm Vipassana
Câu hỏi: Liệu có phải là sai trái khi nói rằng “con muốn đạt đến niết bàn, trở thành một vị Phật?” Điều đó có phải là một loại tham?
Thiền sư Sayadaw U Jotika: Đây cũng là một câu hỏi rất quan trọng. Trong tiếng Pali, chúng ta sử dụng từ lobha hoặc tanha. Chúng có cùng chung một nghĩa. Khi chúng ta tham muốn một thứ gì đó mang tính thế gian, dục lạc, thì chúng ta sẽ sử dụng từ tanha hoặc lobha. Nhưng khi chúng ta mong muốn một điều gì đó không mang tính thế gian, trần tục, ví như giải thoát, tự do hoặc trí tuệ, chúng ta sẽ dùng chữ chanda. Với một mong muốn mãnh liệt để đạt đến sự giải thoát, chúng ta sẽ làm việc cật lực cho đến khi đạt được sự giải thoát. Chúng ta sẽ không gọi điều đó là tham muốn. Mà chúng ta gọi điều đó là ý chí mạnh mẽ. Chanda thực ra có nghĩa là ý chí, ý chí mạnh mẽ. Chúng ta không gọi nó là tham muốn mạnh mẽ. Chúng ta chỉ sử dụng từ tham muốn cho các tham muốn dục lạc. Hai mục đích khá là khác nhau. Ví dụ như chúng ta muốn ăn sô-cô-la, và chúng ta có thể nói rằng chúng ta tham ăn sô-cô-la. Nhưng khi đau ốm và phải uống thuốc, khi đó chúng ta muốn uống thuốc. Tôi uống thuốc mỗi ngày vì bệnh tiểu đường. Tôi không thích uống thuốc, nhưng tôi muốn uống thuốc. Cái muốn này hơi khác (so với cái muốn ăn sô-cô-la). Tôi không thích uống thuốc. Không phải bởi vì tôi thích uống thuốc mà tôi uống thuốc. Nhưng tôi lại muốn uống thuốc. Bởi vì nếu không uống thuốc, nó sẽ khiến tôi đau ốm. Như vậy, cái muốn được uống thuốc ở đây không phải là sự tham muốn. Nó dựa trên cơ sở của trí tuệ và kiến thức. Tôi phải làm điều đó vì sức khoẻ của mình. Tuỳ theo từng trường hợp, chúng ta phải hiểu rằng chỉ mong muốn làm một điều gì đó không có nghĩa là tham muốn. Vì sao bạn làm điều đó, động lực nào, và kết quả nào mà bạn muốn là quan trọng hơn.