Bối rối tuổi 31

Tôi nhận được bức thư này vào một buổi sáng Chủ nhật. Cuối tuần là những lúc chúng ta vừa cùng lúc thư giãn, nghỉ ngơi, và cùng lúc nghiền ngẫm sâu sắc về những câu hỏi cho cuộc đời của chúng ta…

Chào Anh

Em rất vui khi theo dõi FB của Anh và được đọc những bài chia sẻ.

Từ trước đến h em vẫn thấy mình không có sự ổn định tâm lý, dù đã trải qua rất nhiều cách khác nhau. Tình cờ thấy chia sẻ của Anh về sự trưởng thành về mặt tâm lý qua những mối quan hệ tốt đẹp nhưng hiện tại em cảm thấy sợ và nghi ngờ dường như cả thế gian, luôn cả chính bản thân mình; hông biết anh có kinh nghiệm hay đã từng gặp trường hợp ntnay không và điều cần làm để từng bước có sự ổn định, vững vàng và trưởng thành về tâm lý?

P/S: Hiện nay em đã 31 tuổi nhưng không chỉ sự nhận xét từ bên ngoài mà ngay cả bản thân em cũng cảm nhận mình rất con nít và em cũng rất nhạy cảm với sự nhận xét này.

Hiện tại thì em cảm thấy mình đang đóng cửa 1 mình vì khi tiếp xúc với bất cứ ai, em cũng nghi ngờ và cảm giác rất sợ.

Nhưng em rất muốn mình có thể có được những sự kết nối tốt đẹp trong cuộc sống và sống 1 cuộc đời xứng đáng mà mình đã được trao tặng.

Hy vọng nhận được sự chia sẻ của Anh
Cám ơn Anh và Chúc Anh & gia đình có ngày cuối tuần vui vẻ

Hello em!

Cũng khó em nhỉ? Khi một mặt thì muốn xây dựng các mối quan hệ, nhưng một mặt thì lại cứ phải đóng kín bởi vì không cảm thấy yên tâm khi mở rộng mối quan hệ trong ngữ cảnh có quá nhiều tiêu cực ngoài kia, có quá nhiều nguy hiểm rình rập ngoài kia.

Cốt lõi của vấn đề anh nghĩ là sự sợ hãi đã làm cho em đóng kín tâm hồn của em. Và đó sẽ là một cái vòng luẩn quẩn. Mà về lâu dài, sẽ chỉ dẫn em về với một căn bệnh phổ biến hiện nay: tự kỉ và trầm cảm. Em sẽ có xu hướng rút về riêng một góc, một mình. Một mình vốn dĩ nó không phải là vấn đề em ạ. Nó sẽ không là vấn đề nếu em một mình mà không cô đơn. Một mình nhưng vẫn kết nối được với thế giới xung quanh, mở rộng tấm lòng. Mà ví dụ là vị Thầy của anh, ẩn cư lâu ngày trong núi rừng. Nhưng những ai gặp Thầy đều được tưới tẩm tình thương và trí tuệ em ạ. Một mình theo dạng của em thì nếu không “chữa” được thì sẽ thành dạng một mình tiêu cực. Một mình và đóng kín.

  • Khi em mạnh dạn liên lạc anh thì anh nghĩ em đã cảm nhận, bước đầu chấp nhận “bệnh” của mình và có mong muốn tìm giải pháp. Chỉ đơn giản như thế thôi, nhưng nhiều người không làm được em ạ. Người ta có bệnh, nhưng lại không chịu chấp nhận mình có bệnh để chữa trị. Kết quả là bệnh tật cứ vậy phát triển. Còn nếu biết có bệnh, thì ít nhất là bắt đầu có ý thức, có mong muốn chữa lành, bắt đầu dừng lại, không làm cho mọi thứ trầm trọng hơn. Thì đó chính là 50% chữa bệnh được rồi. 50% còn lại thì nằm chính ở sự kiên nhẫn, sự quyết tâm của em mà thôi.
  • Sự sợ hãi thì anh thấy ai cũng có thôi. Chỉ là ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà thôi. Anh đã từng có nhiều, rất nhiều sợ hãi trước đây. Giờ đây, càng ngày anh càng giảm bớt được sự sợ hãi. Nhưng thật lòng mà nói, chưa thể về 0 được. Đó là cuộc sống vậy. Với trải nghiệm của bản thân anh thì anh nghĩ rằng chỉ có một cách để “xử lý” sự sợ hãi thôi. Càng tăng trưởng trí tuệ và hiểu biết thì càng giảm bớt đi được sự sợ hãi. Chỉ đơn giản như vậy thôi em à. Nhưng cần đầu tư nhiều, quyết tâm nhiều, và cần nhất sự kiên nhẫn và đặt ưu tiên cho sự rèn luyện và trưởng thành về trí tuệ, tâm linh. Đó là con đường duy nhất em à.

Anh có một số đề nghị, em thử xem xem cái nào phù hợp, em thử “mần” xem có giúp được em không nhé.

  • Câu nói mà em gửi trong hình anh nhớ là trong cuốn Tuyết giữa mùa hè của Ngài U Jotika, cuốn sách mà anh may mắn góp phần vào việc xuất bản ra thị trường. Anh không rõ em có hay đọc sách không? Em nên tuyển cho mình các cuốn sách về phát triển nội tâm, phát triển tâm linh để có thể trước hết trang bị cho em các kiến thức cần thiết, trước khi có thể đem ra áp dụng. Anh tin vào Phật pháp, nên nền tảng thực hành tâm linh của anh là nền tảng Phật pháp. Và nếu nói về sách Phật thì em có thể tham khảo bài viết này, anh có đề cập về các cuốn sách anh đề nghị: Sách nào hay để học Phật pháp?.
  • Theo trải nghiệm cá nhân của anh thì anh thấy chính do mình không đủ kiến thức về tâm mình, nên mình ngày càng đóng kín và cô đơn với chính tâm của mình. Hệ quả là mối quan hệ với người khác cũng chẳng tốt đẹp gì. Chỉ cô đơn và cô đơn mà thôi. Cũng trong cuốn Tuyết giữa mùa hè, Ngài U Jotika có chỉ ra điều đó và anh hoàn toàn đồng ý. Việc quan trọng nhất của một đời người là tìm hiểu về tâm mình. Tâm mình hoạt động như thế nào? Tại sao mình vui, tại sao mình buồn? Điều gì làm cho chúng ta hạnh phúc? Điểm yếu, thế mạnh chúng ta là gì? Chúng ta mong muốn mình trở thành con người như thế nào trong tương lai gần, tương lai xa, khi chúng ta ra đi khỏi cuộc đời này? Anh có chia sẻ khá nhiều về những điểm này. Cái chính là mọi người cần phải từng bước tìm hiểu cơ chế làm việc của tâm mình để có thể hiểu, tôn trọng và rèn luyện để có thể trưởng thành hơn.
  • Việc rèn luyện và hiểu tâm mình bắt đầu từ việc rèn luyện sự nhạy bén trong quan sát các trạng thái tâm của mình. Và thiền tập chính là phương tiện tốt nhất theo anh biết. Nhưng thiền thì không phải ai cũng phù hợp. Nên em có thể nghiên cứu về EI (Emotional Intelligence) và thử áp dụng xem. Về cơ bản thì EI cũng được xây dựng dựa trên việc quan sát bản thân.
  • Việc mở rộng các mối quan hệ của mình thì em nên kiên trì, từ từ tuyển cho mình những người bạn tích cực. Nếu 1 năm, em chỉ cần tuyển được 1 người phù hợp (có chung giá trị cốt lõi và định hướng cuộc sống với em), thì 10 năm, em có thể có thêm 10 người bạn nữa. Bạn, ý anh nói là những người mà em có thể chia sẻ, nói chuyện thoải mái mà không ngại, không cần đề phòng. Người như vậy thường mọi người hay nói là khó kiếm. Nhưng anh thấy cứ kiên trì, sẽ có được. Và cũng tuỳ theo cách hành xử của mình có đàng hoàng không, thì mới dẫn đến việc mình xứng đáng quen biết ai, những người như thế nào? Ví dụ như trong công việc và trong cuộc sống, nếu em luôn chính trực, làm việc hết mình, cống hiến hết mình, em sẽ có xu hướng gặp được những người đó. Còn ngược lại thì đa phần em cũng sẽ gặp những người mà tạm gọi là “tào lao”.
  • Và hơn nữa, em nên tìm cho mình 1 mentor phù hợp để phát triển bản thân. Mentor là người mà em có thể xem là đàn anh, đàn chị, chịu khó tìm hiểu tình cảnh của em và không ngại ảnh hưởng, đề nghị em làm những gì có thể giúp em trưởng thành hơn.
  • Anh có viết bài này: 30, 40, 50 trong cuốn sách thứ 2 của anh. Em thử tham khảo xem có gì áp dụng được không nhé …

Và cuối cùng, không biết em đã có cuốn Tuyết giữa mùa hè chưa? Nếu chưa thì anh có thể sắp xếp tặng em 1 cuốn + thêm 1 cuốn khác nữa mà anh nghĩ sẽ hữu ích cho em.

Vậy đã nhé…

Leave a Reply