Sâu sắc và chạm được vào các khía cạnh, trải nghiệm rất khó để giải thích được trong các nguyên tắc Phật giáo và tâm linh. Các bạn có thể tham khảo các ghi chú của tôi ở bên dưới.
- Dù là các trạng thái cao siêu nhất hay các thành tựu tâm linh phi thường nhất cũng chẳng quan trọng gì nếu chúng ta không thể cảm thấy hạnh phúc một cách cơ bản và bình thường nhất, nếu chúng ta không thể dùng con tim mình để ảnh hưởng tới nhau và tới cuộc đời mà chúng ta được ban cho.
- Chúng ta không ngừng nhìn vào bản thân mình để học biết yêu thương, để khám phá ra điều gì đã làm chúng ta đóng cửa lòng mình lại, và điều gì giúp chúng ta mở lòng ra.
- “Không phải cái hoàn hảo cần được chúng ta yêu thương, mà là cái không hoàn hảo.” – Oscar Wilde
- Nhiều người chúng ta được dạy rằng chúng ta không nên để mình bị tác động bởi sự phiền não và mất mát, nhưng không ai thoát được chúng.
- “Trái tim là để bị vỡ ra” – Oscar Wilde. Khi chúng ta chữa lành nhờ thiền niệm, tim chúng ta vỡ ra để cảm nhận hoàn toàn.
- Thánh Francis de Sales: “Chúng ta cần một chén sự hiểu biết, một thùng tình yêu, và một đại dương kiên nhẫn.”
- Chúng ta phải hết sức cẩn thận để đưa tinh thần và cái tâm của mình mở ra cho việc thực hành, và để chúng ta cảm nhận một cách đầy đủ, cho dù có phải chạm tới những giêng sâu nhất của nỗi buồn phiền, sầu não và giận dữ bên trong chúng ta. Các sức mạnh này làm cho cuộc đời chúng ta chuyển động và chúng ta phải cảm nhận chúng để hoà hợp với chúng.
- Sau cùng, khi chúng ta có thể nhìn vào những nỗi sợ và niềm vui, sự sinh ra và chết đi của chúng ta, cái được và cái mất của mọi sự, với một trái tim thanh thản và tinh thần mở rộng, sẽ xuất hiện tình trạng thư thái sâu xa. Chúng ta đi vào một lĩnh vực mà ý thức hoàn toàn mở rộng và giác ngộ, hoàn toàn thăng bằng. Đây là một cấp độ của sự an bình tuyệt vời.
- Tính trống không thật sự không phải là trống rỗng, mà chứa đựng mọi sự. Cái khoảng không mầu nhiệm và phong phú này tạo ra và phản ánh mọi khả năng. Từ nó phát sinh tính cá thể của chúng ta, vốn có thể được khám phá và phát triển, tuy không bao giờ được chiếm hữu hay cố định.
- Khi trái tim chúng ta mở ra và được chữa lành, nó tự nhiên tìm cách chữa lành tất cả những gì mà nó chạm tới. Lòng từ tâm đối với bản thân mình làm phát sinh ra sức mạnh biến đổi hận thù thành tha thứ, lòng căm ghét thành tình bạn, và nỗi sợ thành lòng tôn trọng đối với mọi loài. Nó cho phép chúng ta mở rộng sự ấm áp, nhạy cảm và cởi mở đối với những nỗi đau buồn chung quanh chúng ta một cách chân thật và chính đáng.
- Mẹ Teresa: “Trong cuộc đời này chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với một tình yêu vĩ đại.”
- Ước gì tôi được đầy lòng yêu thương nhân hậu
- Ước gì tôi được khoẻ mạnh
- Ước gì tôi được an bình thoải mái
- Ước gì tôi được hạnh phúc
- Khi chúng ta ra khỏi cuộc chiến, chúng ta sẽ được nhìn thấy trở lại với cặp mắt không bị che mờ bởi dục vọng.
- Thánh Gandhi: “Tôi chỉ có ba kẻ thù. Kẻ thù ưa thích nhất của tôi, kẻ thù dễ chịu tác động để trở nên tốt hơn, là Đế quốc Anh. Kẻ thù thứ hai, dân tộc Ấn Độ, thì khó hơn nhiều. Nhưng kẻ thù ghê gớm nhất của tôi là một người có tên là Mohandas K. Gandhi. Với người này, có vẻ như tôi có rất ít ảnh hưởng.”
- Ngồi yên một chỗ đòi hỏi chúng ta có sự tin tưởng. Chúng ta học để biết tin tưởng rằng điều gì cần mở rộng trong chúng ta sẽ thực sự mở rộng, đúng theo cách của nó. Thực vậy, thân thể, quả tim và tinh thần biết cách làm cho sinh ra, mở ra một cách tự nhiên, giống như những cánh của một bông hoa tự nhiên nở ra. Chúng ta không cần xé nó, không cần thúc các cánh hoa nở ra. Chúng ta chỉ việc ngồi yên và hiện diện.
- Điều chúng ta khám phá ra khi lắng nghe các bài ca của cơn tức giận và sợ hãi, của cảnh cô đơn hay khát vọng, đó là chúng không ở lại mãi. Tức giận biến thành buồn phiền, buồn phiền biến thành nước mắt, nước mắt có thể chảy một lúc lâu, nhưng rồi mặt trời đến làm chúng khô đi. Ký ức về một sự mất mát hát lên trong chúng ta; thân thể chúng ta rung lên và sống lại giờ phút mất mát ấy; rồi cái vỏ bọc cứng rằn xung quanh nổi mất mát ấy dần dần mềm đi; và giữa bài ca phiền não ghê sợ ấy, nỗi đau của sự mất mát được giải toả.
- Nhiều nỗi đau của thế giới phát sinh khi tinh thần bị cắt đứt khỏi trái tim. Trong thiền niệm, chúng ta có thể tái nối kết với trái tim chúng ta và khám phá ra ý nghĩa nội tâm của khoảng không bao la, của lòng từ tâm và sự thống nhất ẩn bên dưới mọi xung khắc tư tưởng. Trái tim cho phép sự tồn tại của các câu chuyện và các ý tưởng, các tưởng tượng và nỗi sợ của tinh thần mà không tin vào chúng, không phải đi theo chúng hay thể hiện chúng. Khi chúng ta chạm tới phần ẩn bên dưới tư tưởng, chúng ta khám phá ra một sự yên lặng ngọt ngào và chữa lành, và sự bình an nội tại trong mỗi chúng ta, một cõi lòng tốt lành, sức mạnh và sự toàn vẹn vốn là quyền bẩm sinh của chúng ta. Sự tốt lành cơ bản này đôi khi được gọi là bản tính nguyên thuỷ của chúng ta, hay là Phật tính. Khi chúng ta trở về với bản tính nguyên thuỷ, khi chúng ta nhìn thấy mọi đường lối của tinh thần mà vẫn nghỉ ngơi trong sự an lành này, chúng ta khám phá ra sự chữa lành tinh thần.
- Thực hiện hành trình tâm linh đích thực không phải là tránh né khó khăn mà là học nghệ thuật tỉnh táo khi phạm các lỗi lầm, đem đến cho chúng sức mạnh biến đổi con tim của chúng ta.
- Khi chúng ta bình tâm lại trong thiền niệm, tiến trình đối diện với các khó khăn của chúng ta sẽ trở nên rõ nét hơn. Nhưng thay vì phản ứng bằng sự trách móc, bây giờ chúng ta có cơ hội nhìn các khó khăn của chúng ta và xem chúng phát sinh như thế nào. Có hai loại khó khăn. Một số rõ ràng là các vấn đề phải giải quyết, các tình huống phải có hành động từ tâm và đáp ứng trực tiếp. Nhưng đa số là các vấn đề chúng ta tự tạo ra cho mình bằng cách đấu tranh để làm cho cuộc đời khác với cách nó đang diễn ra hay trở nên bị mắc kẹt trong các quan điểm của chính mình khiến chúng ta không nhìn thấy phạm vi rộng lớn hơn, khôn ngoan hơn.
- “Có 2 sự thất vọng trên đời. Không đạt được điều bạn muốn và đạt được nó.” – George Bernard Shaw
- Thiền niệm không phải là một tiến trình loai bỏ một cái gì đó, mà là một tiến trình mở rộng và hiểu biết.
- Trong năm đầu tiên hành thiền và giảng dạy của tôi, gióng như mọi thiền sinh bình thường khác, tôi đã phải chiến đấu với sự dao động, thèm muốn, hoài nghi và tức giận. Tuy nhiên, khi tôi lắng nghe cẩn thận hơn, tôi khám phá ra nơi mình và sau này các học trò của mình rằng ẩn bên dưới tất cả những cuộc chiến đấu này là sự sợ hãi.
- Đạt thành tâm linh không phải là kết quả của một kiến thức bí truyền đặc biệt, một sự học hỏi các bản văn và kinh nổi tiếng, một việc nghiên cứu các tác phẩm tôn giáo vĩ đại, cũng không quan hệ với việc kiểm soát hay quyền lực; nó không gắn liền với các sự vật một cách cố định; và nó không đổ lỗi cho cái gì. Nó không bao gồm sự kiểm soát người này người kia hay kiểm soát chính mình. Đúng hơn, nó bắt nguồn từ một sự khôn ngoan tràn trề của cõi lòng.
- Thực hành tâm linh sẽ không giải thoát chúng ta khỏi đau khổ và hoang mang, nó chỉ giúp chúng ta hiểu được rằng việc tránh né đau khổ chẳng có lợi ích gì.
- Tôi đi tìm ông, và chúng tôi cùng ngồi xuống nói chuyện. Trong khi nghe ông nói, tôi phát hiện một điều đáng kinh ngạc: mặc dù ông có ý định tự thiêu để phản đối những bất công mà ông đã chống lại trong nhiều năm, nhưng đây không phải là lý do thực sự để ông quyết định tự thiêu. Lý do chính là ông đã phải lòng cô gái người Thái. Ông xuất gia từ năm 14 tuổi và đã dâng hiến đời mình cho Phật pháp trong suốt 29 năm. Ông không có tài năng nào khác, và ông không thể tưởng tượng mình có thể lập gia đình, nhưng ông rất yêu cô gái. Ông không biết phải làm gì, vì vậy việc tự thiêu vì các lý do chính trị xem ra là giải pháp tốt nhất đối với ông.
Tôi không thể tin nổi những gì mình đã nghe. Đây là một con người đã từng đối diện với những sự từ bỏ khắc nghiệt nhất và đã dũng cảm làm việc giữa cảnh đau khổ và hiểm nguy to lớn của loài người, của chính ông và người khác, nhưng khi phải đối diện với tình trạng khó xử của bản thân ông, trong trường hợp này là mối quan hệ yêu đương sâu đậm với một cô gái và những tình cảm mãnh liệt mà mối quan hệ này khơi dậy, ông sẳn sàng tự thiêu. Sự chia cắt đời sống tâm linh của ông đã khiến ông không được chuẩn bị để đối phó với những tình cảm mãnh liệt này và các mối xung khắc nó tạo nên trong ông. Đối diện với cuộc đâu tranh của một quốc gia thì dễ hơn đối diện với cuộc đấu tranh trong chính trái tim ông.
- Lòng yêu thương đích thực là một biểu hiện của sự mở rộng: “Tôi yêu thương bạn vì con người của bạn ma không có mong đợi hay đòi hỏi nào.”
- Lòng từ tâm đích thực là âm vang của trái tim chúng ta trước nỗi đau khổ của một người khác. “Vâng, cùng với bạn, tôi chia sẻ những nỗi đau đớn của cuộc đời.”
- Kẻ thù gần của niềm hoan hỉ (vui vì hạnh phúc của người khác) là so sánh để xem chúng ta có nhiều hơn, nhiều bằng hay ít hơn người khác hay không.
- Kẻ thù gần của lòng thanh thản là sự thờ ơ. Lòng thanh thản đích thực là sự quân bình giữa kinh nghiệm, trong khi sư thờ ơ là thái độ rút lui và không quan tâm, dựa trên sợ hãi. Đó là rút lui khỏi cuộc sống.
- Có hai nhiệm vụ song song trong đời sống tâm linh. Một là khám phá ra tính vô ngã, hai là phát triển một ý thức lành mạnh về thực ngã. Cả hai khía cạnh có vẻ nghịch lý này phải được đáp ứng đầy đủ để chúng ta có thể giác ngộ.
- Khám phá ra số phận của mình là cảm nhận một cách khôn ngoan tiềm năng kiếp sống cá nhân của chúng ta và các nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành nó. Hoàn thành kiếp sống cá nhân là mở vào mầu nhiệm luân hồi cá nhân của chúng ta.
- Lòng từ tâm đích thực phát sinh từ ý thức rằng trái tim có khả năng dũng cảm để ôm ấp mọi sự, chạm đến mọi sự, nối kết với mọi sự. Sức mạnh của lòng từ tâm đích thực là hết sức kỳ diệu trong việc biến đổi nỗi đau mà chúng ta gặp phải.
- Đôi khi chỉ có sự bùng cháy của chính đau khổ và các hậu quả trong các hành động của chúng ta mới có thể làm chúng ta hiểu biết sâu xa hơn, cảm nhận lòng nhân hậu đối với mọi vật và được giải thoát.
- Sức mạnh lớn nhất và đơn giản nhất của một thầy dạy là sự tự do và vui tươi của chính họ.
- Chúng ta càng tưởng mình trí thức và thành thạo bao nhiêu, chúng ta càng khó leo cao và càng bị té nặng bấy nhiêu.
- “Điều đâu tiên bạn học được trong đời là bạn là một thằng khờ. Điều cuối cùng bạn học được trong đời là bạn vẫn là một thằng khờ ấy. Đôi khi tôi tưởng mình hiểu mọi sự. Rồi sau đó tôi lấy lại được ý thức.” – Ray Bradbury.
- Tại sao lại nảy sinh các vấn đề? Nói chung, các vấn đề phát sinh khi đời sống tâm bỏ qua hay phủ nhận nhân tính của chúng ta. Việc đào tạo của hầu hết các người thầy và guru tại các tu viện và am thiền ở Châu Á hay Hoa Kỳ là một nền đào tạo nội tâm và hầu như không bao giờ đụng tới các vấn đề khó khăn về quyền bính và khả năng lạm dụng quyền bính. Các người thầy được ném vào vai trò quản trị, phục vụ, hướng dẫn và tâm tình, trong các vai trò này có những trách nhiệm và quyền bính ghê gớm. Thế nhưng nhiều hệ thống tâm linh và thực hành của họ rõ ràng loại bỏ các lãnh vực tình dục, quyền bính và tiền bạc ra khỏi lĩnh vực được coi là tâm linh. Sự chia cắt này có thể tạo ra các người thầy được giác ngộ và tài giỏi về một số lĩnh vực (khả năng thiền, tài giải đáp công án, cầu nguyện, học hỏi, ban phép lành và thậm chí lòng nhân ái mãnh liệt) nhưng lại yếu kém về các lĩnh vực lớn khác của đời sống cá nhân họ.
- Các thiền sinh cũng phải nhớ những gì chúng ta đã bàn ở trên, đó là có nhiều mức độ giác ngộ, nhiều nhận thức và mặc khải thần bí đi kèm với nó. Giác ngộ là một tiến trình được đánh dấu bởi các kinh nghiệm thâm sâu cũng như bởi các thời kỳ tích hợp các kinh nghiệm ấy. Cho dù sự mở lòng lúc ban đầu có mạnh đến đâu, tất yếu vẫn còn nhiều khía cạnh của đời sống cá nhân không được chạm tới. Một nhận thức thần bí hay một cảm nghiệm về “giác ngộ” hay soi sáng chỉ là khởi đầu của một việc thực hành đời sống tâm linh sâu xa, nhưng các kinh nghiệm ban đầu này có thể tỏ ra quá mạnh khiến nhiều người bắt đầu chỉ dựa vào chúng để giảng dạy. Các kinh nghiệm chưa được tích hợp này có thể dễ dàng đưa người ta đến chỗ tự cao tự đại.
- Đa số các người thầy (cho dù họ nhìn nhận điều này hay không) chỉ được giác ngộ một phần, chỉ được thức tỉnh một phần. Các học thuyết Phật giáo phân biệt các giai đoạn giác ngộ khác nhau, trong các giai đoạn này sự hiểu biết thay đổi trước tiên, còn tính cách phải rất lâu sau mới thay đổi. Vì vậy, sau những kinh nghiệm đầu tiên, chúng ta có thể giảng giải những bài đầy cảm hứng và chân chính về giác ngộ, nhưng phải rất lâu sau chúng ta mới biến đổi được các cội rễ của các tình cảm thâm sâu nhất của chúng ta, như thèm muốn, hung hăng, sợ hãi, và vị kỷ.
- Sự thật không thuộc về Đức Phật hay bất cứ một người thầy nào. Như thầy Achaan Chah thường nói, “Giáo pháp, Chân đạo, giống như mạch nước ngầm. Chúng ta đào bất cứ lúc nào, chúng ta đều thấy có nước ở đó.”
- Chìa khoá của hành động khôn ngoan là một sự hiểu biết về nghiệp (karma).
- Trong khoa tâm lý học Phật giáo, ảnh hưởng của nghiệp đối với nhân cách của chúng ta được phân loại thành ba lực vô thức cơ bản và khuynh hướng tự động của tinh thần chúng ta. Có các loại gọi là tham, các trạng thái tinh thần của loại này gắn liền với sự chiếm hữu, thèm muốn, không thoả mãn. Có các loại gọi là sân, trạng thái phổ biến nhất của loại này là tránh xa thế giới bằng phán đoán, không thích, nghi kỵ và giận ghét. Rồi có các loại gọi là si, các trạng thái cơ bản nhất của nó là thờ ơ, ảo tưởng và rời rạc, không biết phải làm gì.
- Nhiệm vụ của chúng ta là học biết về chính cái thân xác và tinh thần mình và trở nên giác ngộ giữa nó. Hiều được hoạt động của nghiệp là một khía cạnh của sự giác ngộ. Nếu chúng ta không ý thức, cuộc đời chúng ta sẽ chỉ là liên tục đi theo khuôn mẫu của các thói quen cũ mà thôi. Nhưng nếu chúng ta thức tỉnh, chúng ta có thể thực hiện các chọn lựa ý thức để biết làm thế nào phản ứng trước các hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta. Phản ứng có ý thức của chúng ta sau đó sẽ tạo ra nghiệp tương lai của chúng ta. Chúng ta có thể hoặc không thể thay đổi các hoàn cảnh bên ngoài của mình, nhưng với ý thức, chúng ta luôn luôn có thể thay đổi thái độ bên trong của mình và điều này đã đủ làm biến đổi cuộc đời chúng ta. Ngay cả trong những hoàn cảnh bên ngoài tồi tệ nhất, chúng ta vẫn có thể chọn cách sống, sự sợ hãi và ghen ghét hay với sự hiểu biết và lòng từ tâm.
- Việc biến đổi các khuôn mẫu cuộc đời chúng ta luôn luôn được thực hiện trong cái tâm của chúng ta. Để hiểu cách xử lý thế nào với các dạng nghiệp trong cuộc đời chúng ta, chúng ta phải thấy rằng nghiệp có hai khía cạnh phân biệt – cái nghiệp là kết quả của quá khứ chúng ta và cái nghiệp mà các phản ứng hiện tại của chúng ta đang tạo ra cho tương lai của chúng ta. Chúng ta nhận các hậu quả của các hành động quá khứ của chúng ta; điều này không thể thay đổi. Nhưng khi chúng ta phản ứng trong hiện tại, chúng ta cũng tạo ra nghiệp mới. Từ karma trong tiếng Phạn thường được ghép đôi với một từ khác, vipaka – karma vipaka. Karma có nghĩa là “hành động”, và vipaka có nghĩa là “hậu quả”.
- Nhưng không chỉ có hành động tạo ra nghiệp quả. Vì chúng ta có ý định rồi hành động và tạo ra nghiệp, nên một chìa khoá khác để hiểu về nghiệp là chúng ta cần ý thức về ý định. Tâm của chúng ta là mảnh vườn của chúng ta, và cùng với mỗi hành động, có một ý định được gieo xuống như một hạt giống. Kết quả của các dạng nghiệp chúng ta là quả của các hạt giống này.
- Khi chúng ta trở nên ý thức hơn về ý định và hành động của mình, nghiệp tự để lộ cho chúng ta một cách rõ hơn. Quả nghiệp thậm chí có vẻ còn đến nhanh hơn, có lẽ đơn giản vì chúng ta nhận ra nó. Khi chúng ta chú ý quả của bất cứ việc làm nào của chúng ta, dù tốt hay xấu, nó đều có vẻ đến nhanh hơn. Khi học về luật nhân quả này, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi khi chúng ta hay bất cứ ai hành động dựa trên tham, sân, si, thành kiến, phê phán hay ảo tưởng, chắc chắn hậu quả sẽ là sự đau khổ. Chúng ta bắt đầu thấy tại sao những người làm hại chúng ta cũng tạo ra sự đau khổ tất yếu cho chính bản thân họ.
- “Nghiệp có nghĩa là không có gì bị bỏ sót” – Ruth Denision
- Nếu chúng ta có thể gỡ những nút thắt của nghiệp trong cái tâm của mình, vì tất cả chúng ta có liên hệ với nhau, thì tất yếu chúng ta cũng mang lại sự chữa lành cho nghiệp của một người khác. Như một cựu tù nhân chiến tranh nói đến khi thăm một người bạn còn sống sót, “Bạn đã tha thứ cho những người giam giữ bạn chưa?” Người sống sót đáp, “Không, không bao giờ”. Người kia đáp, “Nếu như vậy một cách nào đó họ vẫn còn đang giam giữ bạn trong tù”.
- Tha thứ hoàn toàn không có nghĩa là biện minh hay dung thứ cho các hành động có hại. Trong khi bạn tha thứ, bạn cũng có thể nói, “Tôi sẽ không bao giờ cố tình để cho điều này xảy ra nữa.” Bạn có thể quyết tâm hy sinh mạng sống của mình để ngăn ngừa mọi sự tai hại thêm nữa. Tha thứ không có nghĩa là bạn phải tìm ra hay nói với những người đã làm hại bạn. Bạn có thể quyết định không bao giờ gặp lại họ nữa.
- Tha thứ chỉ đơn giản là hành vi của cái tâm, một chuyển động để cho qua đi nỗi đau đớn, sự tức giận mà bạn đã phải mang nặng quá lâu. Nó là việc làm cho tâm hồn của chính bạn nhẹ nhõm và nhìn nhận rằng, bất kể bạn đã mạnh mẽ kết án hay chịu đau khổ vì những hành vi xấu của người khác, bạn sẽ không loại trừ người ấy ra khỏi lòng bạn. Tất cả chúng ta đều từng bị hại, cũng như đã từng có lần làm hại người khác.
- Để mở rộng khả năng thực hành, chúng ta phải học để ý thức đưa tinh thần cảnh giác và lòng trìu mến vào từng hành động.
- Khi Thánh Gandhi được một phóng viên hỏi là ông muốn nói gì với người dân Ấn Độ, ông viêt nguệch ngoạc trên mảnh giấy, “Cuộc đời tôi là thông điệp của tôi.”
- Khi một người trưởng thành về đời sống tâm linh, họ cảm thấy thoải mái trước sự nghịch lý, biết đánh giá những nhập nhằng của cuộc sống, nhiều mức độ và những xung khắc vốn dĩ của nó. Họ phát triển cảm nhận về sự trớ trêu của cuộc đời, phép ẩn dụ, sự hài hước cùng khả năng bao quát toàn thể, cả vẻ đẹp và tính tàn bạo của nó, theo sự độ lượng của con tim.
- “Từ đó hiền nhân ở trong Đạo
- làm gương cho muôn loài.
- Vì kẻ hiền không phô trương,
- thiên hạ vẫn thấy ánh sáng của họ.”
- Khi chúng ta sống thân mật với muôn loài, chúng ta thấy mình được an nghỉ, hạnh phúc, và trọn vẹn. Chúng ta nhận ra rằng, chúng ta, và toàn bộ cuộc sống quanh ta, được cho là hiện diện ở đây, y như cây cối, mặt trời và trái đất đang quay. Trong sự thân mật chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu xa của sự thuộc về và sự nguyên vẹn, giúp ta tiếp xúc với tất cả những gì chúng ta gặp.
2 thoughts on “Sách hay: Tâm Đạo – Hành Trình Tâm Linh | Những Nguy Cơ Và Triển Vọng”