Vài dòng chia sẻ sau khi đọc cuốn “Đi tìm lẽ sống”

Tôi đã nhiều lần nghe đến cuốn sách này từ các cuốn sách và bài pháp của Thiền sư Sayadaw U Jotika. Và cuối cùng thì tôi cũng đã tìm mua và đọc. Một câu chuyện thực đến đau lòng của chính tác giả cũng như những gì tác giả kể lại, về sự vô nhân tính đến cực điểm của những gì đã xảy ra, về những ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết và ý nghĩa của nó – sự sống và cái chết. Những kết luận mà tác giả “thốt” lên khi phải kinh qua những gì là kinh hoàng nhất cho bất cứ ai là những kết luận mạnh mẽ và đúng đắn. Tuy nhiên, tôi cầu mong rằng, mỗi một chúng ta không bắt buộc phải kinh qua những cảnh tượng và hoàn cảnh kinh hoàng đó thì mới có thể thấm và học được những kết luận này. Tôi thật sự cầu mong như vậy. Có 1,5 triệu người đã chết ở trại “tử thần” Auzchwitz, một trong 4 trại tập trung mà tác giả bị chuyển đến. Khoảng 90% số tù nhân được chuyển đến phòng hơi hạt và bị sát hại ngay ở ngày đầu tiên một đợt tù nhân mới được chuyển vào trại. Đó là những con số mà không ai mong muốn lắng nghe.

Tiếp theo, chúng tôi bị dồn qua một phòng khác để cạo sạch lông – không chỉ là râu tóc mà ở tất cả mọi khu vực trên cơ thể. Sau đó, chúng tôi xếp hàng trở lại dưới những vòi nước. Chúng tôi hầu như không thể nhận ra nhau… Trong khi chúng ta đợi tắm, sự trần truồng đã thức tỉnh chúng tôi: chúng tôi giờ thực sự chẳng còn gì ngoài thân thể trời sinh này – ngay cả một sợi lông cũng không; tất cả những gì chúng tôi sở hữu, theo đúng nghĩa đen, chỉ là thân thể trần trụi này. Còn gì sót lại cho chúng tôi như một mối liên hệ vật chất với cuộc đời trước đây của mình?

Trích dẫn từ cuốn Đi tìm lẽ sống của Viktor E. Frankl

Vâng, chúng ta chẳng có gì cả, ngoài tấm thân và cái tâm này của mình ở hiện tại. Tôi đã không quá ngạc nhiên về những kết luận, những bài học mà tác giả chia sẻ. Bởi vì, đó là kết quả chắc chắn của việc thực hành thiền chánh niệm, một phương tiện cân bằng hơn và ít tàn khốc hơn nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là việc hành thiền chánh niệm là một việc dễ làm. Tâm là nhà máy sản xuất ra tất cả những gì được gọi là vui / buồn, hạnh phúc / đau khổ, được / mất, tốt / xấu. Và việc hành thiền chánh niệm là phương pháp hiệu quả nhất cũng như trực tiếp nhất để làm việc với tâm của mình, để tự mình có thể ban cho cuộc sống một ý nghĩa. Hãy hành thiền!

Điểm nổi bật còn đọng lại trong tôi khi đọc cuốn sách là một sự thương xót vô cùng với những gì đã xảy ra. Dưới đây là các trích dẫn khác mà tôi ghi lại.

  • Nỗ lực phát triển khiếu hài hước và nhìn mọi việc theo cách vui nhộn là một mánh khoé mà tôi đã học được trong lúc làm chủ nghệ thuật sống.
  • Nếu cuộc sống có ý nghĩa, thì sự đau khổ nhất định cũng phải có ý nghĩa. Đau khổ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí giống như số phận và cái chết. Không có đau khổ và cái chết, cuộc sống của con người không thể hoàn thiện.
  • Cách một người chấp nhận số phận và những đau khổ của mình, cách một người dám vượt qua những thử thách đó đem lại cho người ấy nhiều cơ hội để hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Người đó có thể giữ được lòng dũng cảm, tự trọng và bao dung. Hoặc trong lúc đấu tranh sinh tồn, người đó có thể quên đi phẩm giá của mình và trở nên không khác gì một con thú. Ở đây ẩn chứa cơ hội mà một người có thể tận dụng hoặc bỏ qua để nắm giữ các giá trị đạo đức mà nghịch cảnh đem lại. Và điều này quyết định việc người đó có xứng đáng với nỗi đau khổ của mình hay không.
  • Người tù nào mất niềm tin vào tương lai của mình thì coi như người đó đã chết. Với việc mất niềm tin ở tương lai, người ấy cũng đánh mất cả tâm hồn, bị suy sụp và rệu rã cả thể chất lẫn tinh thần.
  • Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh – Nietzsche
  • Khi một người nhận ra số phận của mình là phải đau khổ, anh ta sẽ chấp nhận sự đau khổ như một nhiệm vụ của mình – một nhiệm vụ duy nhất và riêng biệt. Anh ta sẽ nhận ra rằng trong đau khổ, anh ta là một sinh thể duy nhất và đơn độc của vũ trụ. Không ai có thể giải thoát anh ta khỏi sự đau khổ hoặc chịu đau khổ thay cho anh. Cơ hội duy nhất của anh ta nằm trong cách mà anh ta chịu đựng đau khổ.
  • Chắc chắn rằng việc con người đi tìm ý nghĩa cuộc sống có thể gây ra căng thẳng nội tâm hơn là cân bằng trạng thái tâm lý nội tâm. Tuy nhiên, sự căng thẳng đó là một điều không thể thiếu về mặt sức khoẻ tinh thần. Tôi dám chắc rằng không có gì trên đời này có thể giúp một người sinh tồn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất một cách hiệu quả bằng việc hiểu rằng cuộc sống của mỗi người luôn có ý nghĩa.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

One thought on “Vài dòng chia sẻ sau khi đọc cuốn “Đi tìm lẽ sống”

  1. Cám ơn recap của anh Hùng, Khi căng thẳng với những mong manh của cuộc đời thì đọc những dòng chia sẻ của anh em thấy nhẹ lòng. Bản chất cuộc đời là luôn thay đổi, chấp nhận nó và học lấy bài học cho mình. Chúc anh cuối tuần an vui

Leave a Reply to DoanCancel reply