“Giải mã doanh nhân?”

5 năm trước, ở tuổi 40, tôi đã chính thức rời bỏ cuộc chơi kinh doanh, khi đang là người đứng đầu của một tổ chức với gần 1000 người mà tôi là đồng sáng lập, cũng như đã xây dựng và phát triển nên. Đó là một quyết định phù hợp với cuộc sống của cá nhân tôi, với những gì mà tôi đang hướng tới cho phần còn lại của cuộc đời mình. Tuy nhiên, tôi vẫn thường tò mò tự hỏi về việc tại sao mình đã trở thành một doanh nhân (entrepreneur), với xuất phát điểm nghề nghiệp là một lập trình viên phần mềm? Ý nghĩa của hành trình làm doanh nhân là gì? Và cuối cùng đi nữa, tại sao nó (cuộc sống của một doanh nhân, là một doanh nhân) lại trở nên không phù hợp với bản thân mình?

Đó là những câu hỏi thú vị, tuy nhiên cũng chẳng cần phải gấp gáp để tìm câu trả lời. Gần đây, tôi có dịp đọc cuốn sách Giải mã doanh nhân của David Sax, và tôi tìm thấy khá nhiều hình ảnh và câu chuyện của mình ở trong đó, kể cả hình ảnh là một tác giả của David Sax – là những gì tôi đang làm hàng ngày ở thời điểm hiện tại. Tôi đồng ý với rất nhiều quan điểm, kết luận mà tác giả đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu trong vài năm trời. Lâu lắm rồi, tôi mới lại ngồi xuống và viết lại các ghi chú từ một cuốn sách mà tôi đọc. Các bạn có thể tham khảo ở bên dưới. Và hi vọng đó là những tư liệu tham khảo hữu ích cho những ai đang là doanh nhân, muốn là doanh nhân, hoặc chưa biết rằng mình có phù hợp với cuộc sống doanh nhân hay không.

Lần đầu tiên nghĩ về cuốn sách này, tôi muốn tập trung vào ý nghĩa của việc trở thành một doanh nhân. Không phải theo ý nghĩa kinh tế mà là một cái gì đó sâu sắc hơn. Cuộc sống của một doanh nhân trông sẽ như thế nào? Tôi biết rằng nó sẽ phức tạp hơn nhiều so với huyền thoại khởi nghiệp được người ta ca tụng. Tôi biết rằng nó sẽ là một trải nghiệm đau khổ về mặt cảm xúc và làm biến đổi vĩnh viễn cách làm việc cũng như lối sống, trong đó điều chắc chắn duy nhất là sự không chắc chắn. Tinh thần kinh doanh thật tuyệt vời nhưng cũng thật dữ dội, phấn khích và đáng sợ, với sự lên xuống của cảm xúc mỗi ngày.
Những phát hiện trên là điều tôi quan sát ở chính mình, ông chủ duy nhất của tôi. Khi bạn bè hỏi tôi những điều như “Thế cả ngày anh làm gì?” và “Anh làm việc ở đâu?”, họ thực sự muốn biết cách tôi tổ chức cuộc sống. Làm thế nào mà một người thức dậy và làm việc cho chính họ mà không có lời hứa nào về thành công hay một sự đền bù xứng đáng?
Làm việc cho bản thân luôn là một điều vô cùng khó khăn, chòng chành giữa nỗi sợ hãi không có việc làm và sự căng thẳng khi có quá nhiều thứ cần phải giải quyết. Kinh doanh là một trải nghiệm phải chiến đấu với bản ngã hằng ngày, khi tôi lao vào một ý tưởng với sự lạc quan ngút trời vào buổi sáng (“Đây là một ý tưởng tuyệt vời!”), chỉ để bị nhấn chìm trong nỗi căm ghét bản thân vào buổi chiều (“Mày tệ quá!”).

Trích dẫn từ cuốn Giải mã doanh nhân

Tại sao tôi lại muốn làm một doanh nhân? Từ sâu thẳm, tôi nghĩ đó là bởi ước muốn tự do, được làm chủ chính mình mà không hề bị trói buộc, ràng buộc. Đó là một sự nổi loạn mà tôi nghĩ là luôn có ở một doanh nhân. Sự tự do đó thì lại luôn luôn đi kèm với trách nhiệm, một trách nhiệm trong việc duy trì được đạo đức và việc hướng tới các sự cao thượng và nhân văn trong khi “cày bừa” hiện thực các ý tưởng kinh doanh của mình. Đó là một bài học quý giá mà tôi đã học được trong suốt 10 năm đồng sáng lập, xây dựng và phát triển công ty của chính bản thân mình, như tôi đã có chia sẻ ở đây.

Một khía cạnh quan trọng khác của việc trở thành một doanh nhân là việc hiểu và chấp nhận rằng, chẳng có điều gì là chắc chắn cả. Thực tế này là một bài học khó nhằn cho bất cứ ai. Cuộc chơi “doanh nhân” cũng là một trải nghiệm mang tính đổi thay sâu sắc cho bất cứ ai, cho dù kết quả là thành công hay thất bại, với rất nhiều cung bậc thăng trầm của cảm xúc. Đó là cuộc chơi dành cho những con người táo bạo, tham muốn tự do, những con người mong muốn phát triển và trưởng thành. Và nó cũng bao gồm cả những con người với nhiều tham vọng. Cuộc chơi thì luôn công bằng, và thường thì chúng ta đều phải đánh đổi, ít ra là đánh đổi công sức, thời gian, sức lực cho những gì mình nghĩ là mình muốn. Cần luôn phải cân nhắc về các yếu tố khác như gia đình, những người mình thương yêu, sức khoẻ, hạnh phúc của cá nhân mình khi đi trên con đường đó. Chẳng thể nào có một câu trả lời cứng nhắc, hoàn chỉnh ở đây. Mỗi người sẽ phải tự mình tìm ra câu trả lời của chính mình, thông qua trải nghiệm thực tế, để trở nên tự do hơn, để trở nên trưởng thành hơn.

Và điểm cuối cùng là tại sao tôi lại “về hưu”, rời khỏi cuộc chơi kinh doanh? Thực ra, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống mà tôi hướng tới là tự do, tự do trong tâm trí. Trở thành một doanh nhân chính là một phần của hành trình tìm kiếm tự do. Hành trình trở thành một doanh nhân đã cho thấy nhiều khía cạnh về tự do, nhưng tôi vẫn chưa thấy được sự tự do trong tâm trí nằm ở đó. Nên hành trình 10 năm làm khởi nghiệp đã là đủ để tôi trải nghiệm và làm phong phú cho vốn sống của mình. Tôi cần phải tiếp tục với hành trình phát triển tâm, đó là việc tìm hiểu về tâm mình. Dưới đây là các trích dẫn mà tôi tâm đắc trong cuốn Giải mã doanh nhân. Gud luck and all the best.

P.S. À, mà thực ra, tôi vẫn đang tiếp tục đi trên hành trình doanh nhân một cách lặng lẽ hơn mà thôi, là một tác giả, là một người làm chủ cuộc sống của mình, mà điều đó chắc chắc phải bao gồm việc làm chủ được về tài chính. Đó cũng là một cuộc sống của một doanh nhân đích thực, chỉ là hơi… lạ lạ mà thôi.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Các trích dẫn tôi tâm đắc từ cuốn sách

  • Không chỉ là con đường kiếm kế sinh nhai, họ còn có thứ gì đó để chứng tỏ với đời trong vai trò của một doanh nhân, và nhu cầu đó không bao giờ mất đi, cho dù họ thành công đến mức nào.
  • Bãi biển Rockaway được xây dựng bởi một cộng đồng doanh nhân mới phục hồi, nhưng các doanh nhân ở Rockaway không muốn xây dựng các doanh nghiệp khổng lồ, thay đổi thế giới hay tạo ra một cuộc cách mạng. Phần lớn họ không giàu có và thành công của họ không được đo lường bằng tốc độ tăng trưởng hay quy mô. Đúng hơn, những doanh nhân này kinh doanh ở đây vì nó cho phép họ xây dựng cuộc sống xung quanh bãi biển. Họ đuổi theo những con sóng, chứ không phải những lối thoát. Các doanh nhân của Rockaway xem phong cách sống là mục đích cuối cùng của kinh doanh.
  • Kinh doanh cá thể thể hiện khát vọng chân thực của doanh nhân: trở thành ông chủ của chính mình, để sử dụng tài năng của bản thân theo cách mà họ muốn, để thức dậy mỗi ngày và tuỳ hứng làm bất cứ điều gì, để gặt hoa trái từ những hạt giống mà bạn gieo, và xây dựng cuộc sống mà bạn mơ ước dù nó lớn hay nhỏ.
  • Thực tế là Tracy Obolsky và các doanh nhân khác ở Bãi biển Rockaway đã tạo nên một thiên đường nhỏ trên chính thành phố bon chen, đắt đỏ nhất thế giới, nơi hai từ thiên đường nghe có vẻ xa vời. Nơi những toà nhà xi măng khô khan gặp bờ biển dịu dàng và sự hối hả của đường phố New York va chạm với những con sóng, các chủ doanh nghiệp ở Rockaway là một ví dụ về giá trị tiềm ẩn của kinh doanh cá thể và khát khao tìm kiếm tự do trong tâm hồn mỗi doanh nhân.
  • Nếu có điều gì có thể gắn kết mọi doanh nhân, từ những người nghèo nhất đến những người giàu có nhất, từ những nhà khởi nghiệp tham vọng nhất đến những người hành nghề tay trái khiêm tốn nhất, có lẽ đó là niềm hạnh phúc không phải làm việc cho bất kì ai khác. Tất cả xuất phát từ nỗi chán nản rồi lớn dần thành một khối ung nhọt dai dẳng, và đến đúng thời điểm, nó đã đơm hoa kết trái như một sự an bài của cuộc sống.
  • “Nói tóm lại, đặc trưng của doanh nhân là tính cách không chịu cúi đầu trước quyền uy, thái độ không chịu thoả hiệp cho đến khát khao thoát khỏi mọi ràng buộc.” – trích từ cuốn The Enterprising Man.
  • Nền tảng quan trọng trong kinh doanh là sự tự do, về việc thoát ra khỏi vòng kìm hãm của một công việc nhàm chán và theo đuổi những đam mê theo cách của bạn.
  • Có ba cách định nghĩa (về doanh nhân) điển hình trong ngôn ngữ học thuật. Đầu tiên là về tổ chức: Liệu nó có phải là một hoạt động kinh doanh mới hay là việc một cá nhân tự kinh doanh? Phương diện này chứa đựng nhóm lớn nhất, bao gồm các doanh nhân tự thân, doanh nghiệp nhỏ và những người hành nghề tự do như tôi, vợ tôi và những thành viên còn lại trong gia đình tôi. Thứ hai là về hành vi, được định nghĩa bởi một cá nhân đang tìm kiếm cơ hội và hành động theo đó. Định nghĩa này bao hàm những tập đoàn lớn và sự ghi nhận những hành vi trong kinh doanh (tạo ra ý tưởng mới, phát minh, v.v.) vượt lên trên việc tạo ra hoặc sở hữu một doanh nghiệp. Cuối cùng, có một định nghĩa dựa trên khả năng làm việc: Người này có đổi mới không và sự đổi mới đó có dẫn đến tăng trưởng kinh tế hay một sự đột phá?
  • Dữ liệu chỉ ra rằng các quốc gia có nhiều doanh nhân nhất là những quốc gia nghèo nhất (Madagascar, Cameroon, và Burkina Faso có tỉ lệ tự kinh doanh nhiều gần gấp 4 lần Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu khác).
  • Các doanh nghiệp nhỏ đóng góp một phần lớn trong GDP, 60% ở Nam Phi, đến 90% ở Ấn Độ.
  • Công việc và tinh thần kinh doanh không phải là một quá trình đổi mới và sáng tạo, mà là một cái gì đó phù hợp với quan điểm của Phật giáo về “chánh mạng” (right livelihood – phương cách kiếm sống chân chính, không bóc lột, xâm hại đến lợi ích người khác), nhằm mang lại sự độc lập tài chính, cũng như cảm giác hạnh phúc và mục đích sống. Đây là một sự thật cơ bản trong sự tồn tại của con người. “Công việc và giải trí là những bộ phận không thể tách rời trong quá trình sống và sự tách rời của chúng đồng nghĩa với việc thổi bay đi nguồn vui sống.”
  • Các doanh nhân hiếm khi chỉ bị thúc đẩy bởi tiền, bởi vì tiền luôn là một biến số đối với họ. Kinh doanh cá thể là kiểm soát thời gian của bạn, ranh giới của bạn, tiền bạc của bạn, bản chất của nó là sự kiểm soát. Sau cùng, tôi nghĩ đó là điều mà hầu hết mọi người mong muốn, hơn là việc trở thành tỉ phú. Hầu hết mọi người muốn có một mục đích trong công việc và một sự kiểm soát về mặt thời gian.
  • Nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng các doanh nhân có xu hướng hài lòng với công việc của họ hơn những người đi làm thuê, ngay cả khi thu nhập không cao bằng.
  • Hơn bất cứ điều gì, niềm vui giản đơn thậm chí có phần đơn điệu của bậc làm cha mẹ là lý do Lauren trở thành một doanh nhân. Cô ấy đã chán ngán cái cảnh bỏ lỡ giờ đưa đón con mỗi ngày. Ngán ngẩm việc đi siêu thị mua hàng đống đồ vào cuối tuần. Cô không muốn xin phép bất cứ ai khi muốn đi du lịch hoặc vắng mặt một hôm bởi con gái bị ốm. Khi Lauren mang thai con trai của chúng tôi bốn năm trước, những cảm xúc đó lên đến đỉnh điểm và thúc đẩy cô ấy tự kinh doanh.
  • Vì luôn làm việc cho bản thân từ trước đến giờ, tôi nghĩ rằng việc một người không có toàn quyền kiểm soát thời gian của anh ta là một khái niệm lạ lẫm. “Ông là ai, người Pháp à?” Bạn tôi, Steve nói đùa lúc trả lời về lời mời ăn trưa của tôi với bức ảnh món salad buồn bã bên cạnh chiếc máy tính xách tay. Tương tự, tôi cũng ngạc nhiên về việc một số người bạn trong chuyến đi trượt tuyết hàng năm của tôi, những người 40 tuổi, cần hỏi ý kiến của sếp họ trước sáu tháng cho kì nghỉ hai ngày. Khi tôi muốn đi chèo thuyền vào mùa hè với Josh, người bạn của tôi sở hữu một công ty công nghệ nhỏ, chúng tôi cứ thế mà đi. Đôi khi chúng tôi sẽ chèo thuyền xung quanh bến cảng trung tâm thành phố Toronto và tôi sẽ chỉ vào những toà tháp sừng sững ở phía xa rồi nhắc Josh rằng bạn bè của chúng tôi đang ngồi bên bàn làm việc trong khi chúng tôi tận hưởng ánh mặt trời. “Hai người có làm việc không vậy?” Anh bạn Dan nhắn tin cho chúng tôi, sau khi Josh gửi cho anh ấy một bức ảnh chụp chúng tôi đang chèo thuyền vào một sáng thứ Ba tháng 7 năm ngoái, tỏng khi Dan đỗ ô tô của mình tại một trạm nghỉ trên đường cao tốc, một tay cầm bánh mì kẹp thịt, tay còn lại chỉnh sửa hợp đồng của khách hàng trên máy tính xách tay. Tất nhiên là chúng tôi làm việc… nhưng với những luật lệ riêng của chúng tôi.
  • Cảm giác tự do này có những lợi ích rõ ràng. Một trong số đó là sức khoẻ.
  • Đối với các doanh nhân tự thân, bản thân công việc cũng hạnh phúc như sự tự do mà nó mang lại.
  • Khi bạn làm việc cho chính mình, công việc sẽ trở thành con người bạn. Cái bạn sở hữu không chỉ có tài sản doanh nghiệp và tài sản trí tuệ của bạn, mà còn có danh tiếng, thành tích, thất bại của bạn và tất cả những gì bạn học được trên chặng đường đó. Là một tác giả luôn làm việc cho chính mình, tôi hiếm khi thừa nhận những lợi ích ấy một cách công khai, nhưng có lẽ đó chính là điều thôi thúc tôi cầm bút dù công việc này đầy rẫy bấp bênh, dù cơ hội cho ra đời một cuốn sách bán chạy không mấy chắc chắn, khoản tiền kiếm được thì khiêm tốn và bản thân công việc có thể là một cực hình. Nhưng sau cùng thì tất cả đều là của tôi – kể cả rác rưởi hay phần thưởng – vượt lên trên cả tiền bạc hoặc cảm giác bồn chồn không biết tên tuổi của mình có chìm nghỉm cùng cuốn sách mới hay không. Đó là lợi ích tôi thu được từ công việc.
  • Doanh nhân tự thân đã bỏ lỡ điều gì về đời sống khiêm tốn của họ, phải chăng họ cho rằng cuộc sống của mình chỉ có vậy. Nhưng khi tôi hỏi, không một ai trong số những doanh nhân mà tôi có dịp trò chuyện trong cuốn sách này, và cả những người khác nữa nói rằng quay trở về công việc ban đầu là mục tiêu của họ, nếu không bị đẩy đến bước đường cùng. Đối với hầu hết mọi người, ý tưởng trở lại làm một nhân viên không khác nào một cơn sang chấn.
  • Trong một nghiên cứu năm 2013 về các cá nhân tự kinh doanh ở Manitoba, hầu hết những người được hỏi đều thừa nhận rằng họ phải làm hàng giờ mà không kiếm được nhiều tiền, đây là câu chuyện điển hình của các doanh nhân, thậm chí họ làm ra ít tiền hơn một công nhân có hoàn cảnh tương tự. Nhưng đại đa số cũng cho biết họ sẽ không chấp nhận việc làm thuê cho bất kì một ai khác. Tại sao thế? Lý do có thể giải thích cho điều này là đến một điểm nhất định nào đó, tiền không thể mua thêm hạnh phúc.
  • Trong khi các doanh nhân được thúc đẩy bởi vô vàn động lực khác nhau, một yếu tố cần kể đến là sự tự do. Trong một bài báo năm 2008 có tiêu đề “Tiền, tiền, tiền?” Giáo sư Gavin Cassar nhận thấy rằng yếu tố quan trọng nhất giải thích lựa chọn nghề nghiệp của các doanh nhân trẻ là sự độc lập. Lý do này khong mấy ngạc nhiên. Rốt cuộc, tự do sẽ được đảm bảo thông qua hoạt động kinh doanh, bất kể công việc đó thành công hay không, như tất cả các quyền tự do mà con người dành được, họ khó lòng từ bỏ nó.
  • Mauger miêu tả Ryan là một người sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng, với sức hút của một nhân viên bán hàng bẩm sinh và sự quyết đoán, sát phạt của một nhà quản lý tài ba. Theo Mauger, giá trị cốt lõi của Ryan là “luôn luôn có một con đường”. Ông chưa bao giờ nói “không” với khách hàng, dẫn đến việc nhân viên của NCC phải thức khuya hàng đêm để thực hiện những cam kết của công ty. Mauger nhớ lại: “Chúng tôi chiến đấu đến mệt nhoài, luôn cố gắng hỗ trợ khách hàng nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.” Trong vòng 15 năm đầu tiên ở công ty, Mauger làm việc cả thứ Bảy và thức đêm liên tục. Hoạt động kinh doanh của NCC nhanh chóng bùng nổ, tạo nên một dòng doanh thu liên tục. “Tôi nghĩ rằng thái độ ‘Không gì có thể cản đường’ là một điều đáng ngưỡng mộ khi bạn thực sự để tâm vào công việc đang làm, nhưng đso không phải là công thức dẫn đến thành công trong dài hạn.” Mặc dù Mauger kính trọng Ryan và vẫn gần gũi với gia đình Ryan từ khi ông qua đời, những giá trị của ông không phải là những điều Mauger muốn tiếp nối.
  • Nhiều doanh nghiệp đăng tải các giá trị lên tường và trang web của họ. Một số có năm, một số có mười, và số còn lại có hàng chục giá trị. Chúng thường từa tựa nhau, những cái gật đầu tấm tắc về tinh thần đồng đội, dịch vụ, sự cần cù, kiên trì, kỉ luật, … Adam Bryant, người phỏng vấn các CEO cho tờ New York Times trong nhiều năm, nói với tôi rằng thông thường sau khi liệt kê giá trị thứ tư hoặc thứ năm, các giám đốc điều hành này sẽ quay sang trợ lý của họ với cái nhìn trống rỗng, tự hỏi trong danh sách còn cái gì nữa.
  • Trong huyền thoại khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, gia đình là một khái niệm vô giá trị. Khởi nghiệp là hiện tượng xảy ra trong một thế hệ, một quá trình mà cá nhân hoặc các bên có quan hệ tình cảm gây dựng nên doanh nghiệp, trong khi đó, gia đình chỉ là những người họ để ở nhà. Thông thường, gia đình được miêu tả như một yếu tố phụ hoặc thậm chí là một trở ngại cho tinh thần kinh doanh, giống như những người vợ đầu của Elon Musk và Steve Jobs, bị gạt sang một bên. Hoặc, gia đình là một dàn diễn viên phụ hoàn hảo cho sự thành công của doanh nhân (người vợ thứ hai hay thứ ba may mắn). Ngoài ra, gia đình không thực sự đóng vai trò nào trong huyền thoại này.
  • “Chúng tôi không cần các nhà đầu tư hoặc sự trợ giúp từ bên ngoài”, Sebastian nói với tôi, bờ môi nứt nẻ bởi ánh nắng chói chang ở Mendoza và nhuộm màu tím của ly rượu vàng uống dở. “Quan trọng nhất là tự do.” Tại sao? “Bởi vì những quyết định trong kinh doanh gia đình không chỉ là về kinh tế, mà còn là triết lý sống. Các quyết định ngắn hạn không tốt trong dài hạn. Quyết định của chúng tôi là quyết định lâu dài. Bởi tôi không phải là chủ sở hữu của bất cứ thứ gì. Tôi chỉ đang chăm sóc di sản của dòng tộc. Tôi đã được trao quyền lại và phải chăm sóc nó cho thế hệ tiếp theo.”
  • Daniel viết trên Twitter: “Trở thành một doanh nhân bao gồm cả việc mệt mỏi và liên tục mệt mỏi.” “Không có thời gian để ăn đâu, David! Doanh nhân thì phải chấp nhận đói khát chút chứ.” “Không phải đâu, Dan.”, tôi nói.
  • Doanh nhân chính là những người miệng nói tay làm, họ thường tập trung nhiều vào hành động và làm việc không ngừng nghỉ, điều này trở thành một điểm tựa về mặt cảm xúc khi tình huống kinh doanh trở nên khó khăn. Đó là một vòng luẩn quẩn, nơi những rắc rối cá nhân của doanh nhân khiến họ tập trung vào công việc, ngược lại, căng thẳng gia tăng từ việc làm ăn khiến cho các mối quan hệ xấu đi, buộc họ phải tập trung vào công việc nhiều hơn. Chúng ta nghiện những hành vi của chính mình, và cần nhớ rằng những thói quen xấu có tác dụng mạnh hơn bất kỳ loại ma tuý nào trên thế giới. Khi tôi nói với các doanh nhân điều này, họ nói với tôi: “Nếu tôi ngừng làm việc, mọi thứ sẽ sụp đổ.”
  • Một trong những thách thức đến từ nguyên mẫu khởi nghiệp là hệ thống niềm tin nhảm nhí rằng ‘bạn phải bỏ tất cả vào công việc’, đổ máu để thành công, làm bản thân kiệt quệ và nếu không thể làm được như vậy thì xấu hổ và nhục nhã biết bao. Nếu bạn làm điều đó và thất bại (giống như 89 % các công ty khởi nghiệp trong vòng hai năm trở lại đây), bạn sẽ coi đó là bằng chứng cho những thất bại của chính bạn với tư cách là một con người. Sau đó bạn ngồi đó và hỏi, tôi là ai?
  • Tỉ lệ gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở các doanh nhân (khi so sánh với dân số chung), bao gồm gần gấp đôi tỉ lệ trầm cảm, gấp sáu lần tỉ lệ ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý), và gấp 3 lần tỉ lệ dùng chất gây nghiện.
  • Căng thẳng là điều mà hầu hết chúng ta trải qua theo một cách nào đó trong công việc, nhưng đối với các doanh nhân, điều đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi họ sở hữu công ty của mình về mặt tài chính lẫn tinh thần. Căng thẳng không hẳn là xấu. Cha tôi luôn tin rằng căng thẳng là cần thiết đối với một doanh nhân, bởi vì nó giúp họ trung thực, khiến họ rời khỏi giường vào buổi sáng và ngăn họ tự mãn… Nhưng căng thẳng cũng có mặt tối như Stephan mô tả là “căng thẳng cản trở”. Đây là những căng thẳng ngoài tầm kiểm soát của doanh nhân: suy thoái kinh tế, mâu thuẫn với nhân viên, khách hàng hoặc đối tác và những thay đổi về quy định… Dù cha tôi coi trọng căng thẳng, ông có một mối quan hệ không mấy êm đẹp với nó. Ông chịu cảnh mất ngủ hằng đêm, nửa đêm thức giấc với nỗi lo về công việc và tiền bạc, và có vấn đề về huyết áp, càng đáng lo hơn khi đây là một căn bệnh di truyền.
  • Làm việc cho bản thân khó khăn hơn tôi nghĩ. Nó cô đơn một cách đau đớn, và căng thẳng vì sự nghiệp viết sách có nhiều khả năng thất bại hơn và thành công không bao giờ dễ dàng hơn. Có những ngày tôi mơ mộng về một cuộc sống khác, với mức lương chắc chắn và những nhiệm vụ rõ ràng của một công việc. Tôi chỉ cần làm công việc của tôi và cảm thấy được đảm bảo. Tất nhiên, đó là một sự ngộ nhận lãng mạn về việc làm, hoàn toàn thoát ly khỏi thực tế của giới lao động với những căng thẳng và cạm bẫy của riêng nó. Nhưng thỉnh thoảng, tưởng tượng đó lại lướt qua tâm trí tôi.
  • Và sau đó, tôi sẽ ngước lên và nhận ra những gì tôi đã có. Tôi đã có tự do để làm những gì tôi muốn, khi tôi muốn. Để theo đuổi ý tưởng của tôi và đi đến những nơi tôi muốn và chắt chiu được những kinh nghiệm nhớ đời. Điều gì có thể ngớ ngẩn hơn việc một gã không có trong tay chứng chỉ bằng cấp gì, dành một năm đi chơi ở New Orleans, lướt sóng và ăn bánh sừng bò ở New York, tham quan nhà máy rượu vang ở Argentina và giúp một cao bồi chăn nuôi gia súc ở California?
  • Chúng ta thường xác định thành công và thất bại trong khởi nghiệp cùng các tiêu chuẩn kinh tế – như lãi và lỗ – nhưng kinh doanh phong phú hơn thế. Đó là con đường chúng ta đã chọn, sống theo cách của mình và tiêu những đồng tiền chân chính. Nó có nghĩa là ở trên yên ngựa và kiểm soát số phận của chính bạn, hy vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn và mọi thứ đi kèm với điều đó. Điều đó không nhất thiết phải hợp lý, nhưng bằng cách nào đó nó có ý nghĩa hoàn hảo.
  • Tinh thần kinh doanh thường bị hiểu sai như một trò chơi của giới trẻ… Bất chấp niềm tin rộng rãi rằng các doanh nhân trẻ tạo ra các công ty tốt hơn, thành công hơn, thực ra điều ngược lại mới đúng. “Chúng tôi cho rằng, độ tuổi có thể dự đoán thành công, và còn chuẩn xác là đằng khác, nhưng theo cách ngược lại mà nhiều nhà quan sát và nhà đầu tư đề xuất. Tỉ lệ thành công cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh đến từ những người sáng lập ở độ tuổi trung niên trở lên. Chúng tôi tiếp tục thấy có rất ít bằng chứng rằng người trẻ tuổi là những người thành công nhất. Quan niệm phổ biến rằng tuổi trẻ là một trong những đặc điểm chính để tạo ra những công ty có tốc độ tăng trưởng cao dường như là một tư duy sai lầm.”
  • Về cơ bản, ông nói với tôi, khởi nghiệp chính là trở thành ông chủ của chính bạn. “Dù xấu hay tốt. Tôi nghĩ đó là cốt lõi vấn đề.”
  • Trong năm 2017, ông lưu ý rằng trong khoảng 7% người Mỹ từ 16-49 tuổi tự kinh doanh, tỉ lệ khởi nghiệp đã tăng đáng kể khi các cá nhân già đi, lên đến 16% trong độ tuổi từ 60-64, và 30% trong độ tuổi từ 75-79. Gần một phần ba những người đang làm việc trên 70 tuổi là tự kinh doanh. Đó là một con số lớn.
  • Vài năm sau khi tìm kiếm ý nghĩa của doanh nhân, tôi nhận ra có rất ít thay đổi trong nhiều thế kỷ từ khi hai từ này được đề xuất lần đầu tiên. Một doanh nhân không được xác định bởi quy mô kinh doanh, ngành kinh doanh hoặc bất kì yếu tố kinh tế nào khác, như một số học giả và chuyên gia lập luận. Doanh nhân có thể là người sáng lập một công ty khởi nghiệp phần mềm, là thợ làm bánh baklava tị nạn, nông dân chăn nuôi bò sữa đang gặp khó khăn hay nhà sản xuất, thợ làm tóc và chủ nhà máy rượu. Doanh nhân sở hữu doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và tập đoàn khổng lồ. Một doanh nhân làm việc một mình hoặc với các đối tác, gia đình trực hệ của họ hoặc trong một nhóm hàng nghìn người. Họ mặc vest và thắt cà vạt hoặc ngồi ở nhà trong chiếc quần thể thao. Họ là anh trai và cha của bạn, vợ và bạn bè của bạn, những người trong cộng đồng của bạn và những người điều hành các doanh nghiệp mà bạn tương tác hằng ngày. Doanh nhân có cả người giàu và người nghèo, da đen và da trắng, già và trẻ, học vấn cao và người mù chữ. Họ bắt đầu kinh doanh vì lực kéo của cơ hội hoặc lực đẩy của cuộc sống hoặc cả hai, họ thổi hồn vào công việc đang làm nhờ khoản tiền tiết kiệm hoặc nợ hoặc đầu tư từ bên ngoài, thiết lập chúng trong ngắn hạn hoặc dài hạn, và thất bại thường xuyên hơn là thành công. Điều gắn kết họ chính là hai đặc điểm Cantillon đã xác định: Các doanh nhân làm việc cho chính họ và cho rằng sự không chắc chắn là yếu tố căn bản.

One thought on ““Giải mã doanh nhân?”

Leave a Reply