Hôm qua, trong buổi chia sẻ về chủ đề Leadership 101, tôi nhận được câu hỏi sau từ khán phòng: “Trong quá trình phát triển bản thân mình, khi cần từ bỏ vị trí, trách nhiệm, rào cản lớn nhất anh gặp là gì?”
Việc này quả thật là khó đối với bất cứ ai. Chúng ta thường phải nhận lãnh khá nhiều trách nhiệm trong cuộc đời của chúng ta. Có những trách nhiệm đến một cách tự nhiên, hợp lý. Có những trách nhiệm đến bởi tham vọng. Có những trách nhiệm đến bởi mong muốn được có một bộ mặt bên ngoài tốt đẹp từ trong sâu thẳm nhất (và thường là được che dấu bởi những lý do đại loại như thương yêu, chăm sóc, quan tâm,…) Chúng ta có cả 1000 lý do để “biện hộ” cho những gì chúng ta đang làm, đang tin vào. Nhưng điều đó là đúng hay sai thì chắc chắn chỉ có thời gian mới nói được.
Có khi nào chúng ta có tự hỏi rằng liệu những gì chúng ta đang làm là đúng đắn, là cần thiết, là phù hợp với mục đích cuộc đời của chúng ta, là có lợi ích cho chúng ta về mặt phát triển trí tuệ, là từng bước giúp chúng ta hiểu biết hơn, trưởng thành hơn, là giúp chúng ta hạnh phúc hơn?
Thật là khó để có thể có được một câu trả lời ngắn gọn Yes hay No. Và thật sự là đôi khi chúng ta không thể trả lời một cách chắc chắn được các câu hỏi này trong thì hiện tại. Tôi nghĩ cách hiệu quả nhất chúng ta có thể làm được là với hiểu biết và trải nghiệm hiện tại, bạn cứ mạnh dạn đưa ra một đáp án khả dĩ nhất về những điều bạn cần làm nhằm trưởng thành hơn, trí tuệ hơn, hạnh phúc hơn. Và hãy bắt đầu, từng bước thực hiện để đạt được những gì bạn thấy cần phải đạt được. Trong quá trình đó, việc cần làm là luôn quan sát và cảm nhận một cách khách quan và tỉnh thức mọi thứ đang tác động lên thân và tâm bạn như thế nào? Bạn tích cực hơn hay tiêu cực hơn mỗi ngày? Bạn thoải mái hơn hay căng thẳng hơn? Bạn cởi mở hơn hay đóng kín hơn mỗi ngày? Bạn đơn giản hơn hay phức tạp hơn mỗi ngày? Bạn độc lập hơn hay phụ thuộc hơn vào những điều kiện, những con người bên ngoài bạn mỗi ngày? Bạn nhiều từ tâm hơn hay khô khan hơn mỗi ngày? Bạn bình yên hơn hay xáo động hơn mỗi ngày? Chính từ các quan sát và cảm nhận trực tiếp này, bạn có thể xác thực liệu con đường bạn đang đi, những gì bạn đang làm có hợp lý không, có đúng đắn không, có ý nghĩa gì không đối với cuộc đời của bạn? Và cứ thế, mỗi lần bạn nhận ra rằng bạn cần phải thay đổi câu trả lời, cần phải thay đổi cách sống của bạn thì đó chính là một cột mốc của sự trưởng thành. Bạn trưởng thành hơn. Bạn càng ngày càng sống một cuộc sống ý nghĩa hơn, cao thượng hơn, hạnh phúc hơn.
Con đường đến với bình yên, với hạnh phúc cần phải đơn giản hơn, cởi mở hơn, độc lập hơn, và nhiều yêu thương hơn mỗi ngày. Chắc chắn là như thế. Đơn giản hơn chắc chắn bao hàm ý buông bỏ, buông bỏ nhiều hơn mỗi ngày. Buông bỏ đến tận cùng. Tuy nhiên, hiện thực chữ buông bỏ này thật không dễ dàng gì. Cần buông bỏ cái gì? Hay chỉ đơn giản là vứt bỏ tất cả mọi thứ? Thật không đơn giản chút nào cả.
Câu hỏi tôi nhận được vào ngày hôm qua chính là sự băn khoăn về sự buông bỏ này. Và thực tế thì đó là một câu hỏi hắc búa cho bất cứ cuộc đời của ai. Tôi có một vài suy nghĩ về việc buông bỏ thông qua các trải nghiệm của tôi như sau:
- Bạn chỉ có thể buông bỏ được một điều gì đó khi bạn đã sẳn sàng cho sự buông bỏ đó. Mọi người vẫn thường có vẻ “khâm phục” tôi về việc tôi quyết định bỏ lại con đường công danh đằng sau lưng, khi mọi việc đang diễn ra rất thuận lợi. Và mọi người thường nghĩ rằng đó hẳn là một nỗ lực lớn cho bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự như của tôi, khi đang đứng đầu một công ty với hơn 800 nhân viên, rất thành công trên thị trường, và là công ty đầu ngành. Đối với bản thân tôi, thực tế thì mọi việc đến rất tự nhiên, như gió thoảng, mà tôi không cần một chút nỗ lực nào đáng kể. Tôi đã cảm nhận và thấy bản thân cần phải bước ra khỏi kinh doanh từ khá lâu rồi. Và đơn giản là tôi chỉ cần mất thời gian chuẩn bị để rút lui cho đúng lúc, đúng thời điểm mà thôi. Bởi vì tôi thấy rằng, về lâu dài, tôi không phù hợp với công việc kinh doanh. Và có lẽ, điều quan trọng hơn nằm ở việc tôi không định nghĩa thành công và hạnh phúc cá nhân của tôi với việc tôi nắm giữ các trọng trách, chức danh to lớn như vậy. Tôi không tin là hạnh phúc của tôi nằm ở nơi đó. Và khi bạn không thấy hạnh phúc nằm ở cuối con đường, ở đó, thì việc bạn buông xuống là việc đương nhiên và rất nhẹ nhàng. Cái khó không phải ở việc biết cần buông, mà có lẽ nằm ở việc chuẩn bị để có thể buông xuống. Việc chuẩn bị cần sự phát tâm, sự chuẩn bị và sự kiên trì thực hiện. Và dĩ nhiên là cần thời gian (đôi khi rất nhiều thời gian) để có thể chuẩn bị được chu đáo.
- Tôi nghĩ rằng, khi bạn có thêm nhiều hiểu biết, nhiều trải nghiệm, nhiều biến cố trong cuộc đời và thông qua đó nếu bạn có thể rút ra được những bài học quí giá từ các “tai nạn” đã xảy ra thì bạn càng sẳn sàng buông bỏ được nhiều thứ hơn. Tôi đọc được trong cuốn Lối sống tối giản của người Nhật rằng, việc vứt bỏ đồ đạc không phải chỉ đơn giản là vứt bỏ hết mọi thứ. Mà đó là quá trình bạn phải tự hỏi bản thân món đồ nào là quan trọng đối với cuộc sống của bạn và chỉ giữ lại những gì là quan trọng đối với bạn mà thôi. Kết quả của tiến trình đó là bạn đã có thể bỏ đi rất nhiều đồ đạc không quan trọng, không cần thiết, và thường là thêm vào gánh nặng cuộc đời của bạn. Đó là lúc cuộc sống bạn đơn giản hơn, thanh thản hơn, bình yên hơn, và quan trọng là sáng sủa hơn. Và tiến trình đó cũng tương tự như tiến trình “thanh lọc” cho chính cuộc đời của bạn. Cái gì là quan trọng đối với bạn, đối với hạnh phúc của chính bạn? Khi bạn có thể trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo, đó là lúc bạn càng buông bỏ được nhiều thứ hơn trong cuộc sống này. Tăng trưởng trí tuệ sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng sự buông bỏ, tôi nghĩ vậy.
- Một điều quan trọng là chúng ta có thể chuẩn bị, cố gắng và sẳn sàng để buông bỏ nhiều thứ, đặc biệt là những thứ bên ngoài, tuy nhiên, chúng ta không nên buông bỏ trách nhiệm đối với chính bản thân mình, cuộc sống của mình, và hạnh phúc của chính mình.
Tôi nhớ trong cuốn Tuyết giữa mùa hè của Ngài Sayadaw U Jotika, tôi học được một điều quan trọng rằng những con người không có giá trị thường cần những đồ vật đắt tiền để thể hiện giá trị của mình. Tuy nhiên, sự thật là những vật có giá trị mà mọi người có đó không thể làm cho bạn có giá trị hơn, và không thể định hình bạn trở thành một người có giá trị hơn. Ngược lại, nếu bạn thật sự là người có giá trị, bạn sẽ không cần một đồ vật đắt tiền nào để thể hiện giá trị của bản thân mình. Mà chính các giá trị nội tại từ bên trong của bạn sẽ định nghĩa hình ảnh, giá trị của bạn ra bên ngoài, thể hiện qua suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn mỗi ngày. Và đó chính là nền tảng của sự buông bỏ. Buông bỏ một cách có trách nhiệm với bản thân, để tìm về với chân giá trị và hạnh phúc đích thực của một con người.