Làm một fan ghiền các sách của Thầy Thánh Nghiêm, lại một lần nữa tôi nhận được rất nhiều giáo huấn sâu sắc về giáo lý nhà Phật từ cuốn sách nhỏ này. Tôi xin được chia sẻ các ghi chú từ cuốn sách mà tôi tâm đắc ở đây đến mọi người.
- Sinh tử phiền não của mỗi người đều phải dựa vào sự tu hành của chính mình mà được giải thoát. Cho dù thân như cha mẹ, anh em cũng không thay thế được; giống như ăn cơm, mình ăn thì mình no, không có ai có thể ăn giúp ai được.
- Trước đây có chị vợ đến cầu xin tôi giúp đỡ, do chồng chị mê nhậu nhẹt, cờ bạc. Mỗi lần anh ta nhậu trở về nhà thì gây ồn ào, không những gà bay, chó chạy trốn mà ngay cả các con cũng sợ khi thấy ba về. Tôi hỏi: “Vậy chị có muốn ly hôn không?” Chị nói: “Dạ, con hy vọng tìm cơ hội để cứu vãn cuộc hôn nhân và mái ấm gia đình.” Tôi đề nghị chị hãy chí thành tụng hai chục nghìn biến chú Chuẩn đề thì có khả năng chuyển biến tốt. Kết quả, chồng chị vẫn nghiện rượu như ngày nào, chẳng có thay đổi chút nào; ngược lại, chính chị thay đổi. Chị nói, sau khi tụng hai chục nghìn biến chú Chuẩn để thấy tâm mình an ổn, tâm hoàn toàn yên tĩnh thì tâm từ bi và tâm trí tuệ giống như nước suối tuôn ra. Suốt ngày, chị không còn trách mắng chồng nữa, cũng không than thở số phận hẩm hiu, gặp phải ông chồng hung hăng, cờ bạc. Lúc này, chị hết lòng nuôi dưỡng ba đứa con, vẫn bảo các con chấp nhận sự không biết hói cải, ngu si đáng thương của ba. Do đó, mỗi lần chồng chị uống say xỉn về, chị và các con không chạy trốn, cũng không cãi nhau; cả bốn mẹ con ân cần chăm sóc, sự quan tâm xuất phát từ đáy lòng họ. Dần dần, chồng chị biết hối cải, cảm thấy hổ thẹn khi gây ồn ào trong nhà. Bầu không khí trong gia đình chị cải thiện từ từ.
- Có rất nhiều người nói khoác mà không biết xấu hổ: “Tôi làm việc rất trong sạch, ngước lên không xấu hổ với trời, cúi xuống không hổ thẹn với đất, chẳng có việc gì mà phải sám hối.” Tất nhiên ở thế gian có rất nhiều người quân tử làm việc chính đáng, phong thái chính trực; nhưng không thể quên đi đời quá khứ mà không nói đến, chỉ biết khởi tâm động niệm ngay hiện tại.
- Chúng ta thừa nhận chính mình từ đời quá khứ cho đến ngày nay, trong lúc bất giác phạm rất nhiều sai lầm thì hãy dũng cảm chấp nhận những hoàn cảnh hiện tại. Người bình thường khi gặp hoàn cảnh khốn cùng, thì thường oán trời trách người, trách ông trời không có mắt, không phân biệt thiện ác, không nhận rõ tốt xấu. Kết quả, họ mắc hết sai lầm mất niềm tin là oán ghét đời. Người chịu sám hối thì có thể chấp nhận tai nạn bình tĩnh thản nhiên; vả lại, dựa vào tai nạn mà họ rèn luyện tâm thái càng cung kính, càng khiêm tốn. Cho dù, họ nếm trải vùi dập rất nhiều, nhưng vẫn giữ được tín tâm và từ bi trong tính người.
- Thực ra, các loại hoàn cảnh của nhân sinh đều là bài học cho chúng ta học tập. Có người giải quyết được nghịch cảnh, nhưng chưa chắc gì giải quyết được thuận cảnh. “Sau khi được làm quan, cưỡi ngựa đi trong mùa xuân, chỉ trong một ngày đã ngắm hết hoa Trường An”. Có rất nhiều người khi nản lòng vẫn thường chịu khó khuyến khích mình, nhưng một khi được thăng quan tiến chức thì sống buông thả, đắc ý vên váo; lời nói, hành động, cử chỉ không có chừng mực, nên tai nạn theo đó mà đến rất nhanh. Cho nên, lúc bình yên phải nghĩ đến lúc nguy hiểm; thành công phải nhẫn, vui sướng cũng phải nhẫn.
- Nếu như chỉ đóng cửa ngồi ở đó, động cũng không động thì gọi là tu hành? Như thế thì tảng đá, khúc gỗ cũng xem là tu hành; cho nên, tĩnh chưa chắc là thiền, động cũng chưa chắc là không thể học thiền.
- Nhưng người tu thiền trước phải có nền tảng tĩnh, bằng không muốn tâm bất cứ lúc nào cũng yên tĩnh thì không thể được. Cho nên, người mới tu, trước phải luyện tập ngồi trong yên tĩnh. Dần dần mới có thể ứng dụng phương pháp thiền trong cuộc sống hàng ngày bất cứ lúc nào, nơi nào. Cuối cùng trong bất kì tình huống nào cũng có thể làm cho tâm mình an ổn. Đây là tu hành thực sự.
- Trên đây, tôi nói phương pháp trong tĩnh, còn về phương pháp trong động, là ở trong hoàn cảnh đối diện tất cả mọi việc, biết rõ nó là gì. Khi người khác ca ngợi, ta không cần phải mừng; khi họ mắng ta, cũng không cần phải buồn. Bởi vì, đây là lập trường của họ, chẳng có liên quan gì đến ta. Chỉ cần ta biết việc này là tốt rồi. Còn về người bị họ mắng có phải là ta không? Đây là vấn đề khác. Nếu như họ mắng đúng thì ta phải hoan hỉ chấp nhận; còn nếu họ mắng sai thì người họ mắng hoàn toàn không phải ta; cho nên không cần phải bị ảnh hưởng do họ. Cũng chính là nói, khi hoàn cảnh khiến cho chúng ta sinh ra hoang mang, bất an thì phải đối diện nó, nhưng không nên cho nó có liên quan đến mình; như thế, dù ở trong động mà vẫn an ổn.
- Kỳ thực, tôn giáo giúp cho mọi người nhận biết được ý nghĩa và giá trị của mạng sống. Nhận biết điều này thì thoát khỏi nỗi hoảng sợ và lo lắng về sinh tử vô thường. Do đó, khi chúng ta cử hành nghi thức cầu siêu, không chỉ đối với người chết mà còn cho người thân.
- Nhưng nội dung lễ cầu siêu, hoàn toàn không chỉ là nghi thức mà thôi, nghi thức chỉ là giới thiệu, giúp cho mọi người hiểu rõ cầu siêu là việc quan trọng. Cầu siêu có hiệu quả nhất, không quyết định ở pháp hội nào, tụng bao nhiêu kinh, mà ở nội dung tinh thần Phật pháp, có thực tiễn trong cuộc sống thường ngày. Nếu mọi người buông xả giận dữ, sợ hãi, bất bình; đối xử bằng tâm từ bi rộng lớn đến tai nạn lần này thì người chết có thể buông xả các loại chấp trước ở thế gian, tâm ý khai ngộ sẽ được vãng sanh về cõi Phật. Người nhà cũng được sớm thoát khỏi ám ảnh đau thương và mọi người trong xã hội lại được thoát khỏi uy hiếp sanh tử vô thường, biết rõ sinh mạng hữu hạn, càng làm nhiều việc tích cực thì đời người càng có ý nghĩa.
- Phần đông người bình thường đều sợ bệnh. Họ tìm đủ mọi cách để trốn tránh nó. Nhưng nhìn theo quan điểm của Phật giáo, khi người bệnh bặng các bác sĩ không chữa được, thuốc thang vô hiệu thì họ hoảng loạn, sợ hãi, chỉ có khổ càng thêm khổ, chẳng giúp được gì. Chi bằng bệnh nhân thanh thản đối diện nó, bằng lòng chấp nhận nó; một khi đối diện nó thì liền buông xả. Điều này giống như cầm trong tay củ khoai lang nóng, muốn bỏ xuống mà không đành, vậy làm thế nào? Đành phải cắn răng tìm cách giữ lại nó; sau khi cầm nó mãi, tay bạn sẽ quen dần, cũng không còn cảm thấy khoai lang nóng nữa, cho nên bỏ xuống hay không bỏ cũng không sao cả.
- Khi tôi ở Mỹ, có một bà vợ đến tìm tôi khóc lóc. Bà nói: “Thưa Thầy! Chồng con đã mất tích hơn nửa năm, nay bổng xuất hiện; anh ra đi không một lời từ biệt, té ra anh đến sống chung với người phụ nữ khác. Con nghĩ anh đã chết, nên tâm trạng con dần dần tìm được sự thăng bằng, không ngờ xảy ra việc thế này; quả là con sắp điên mất, con muốn giết chết anh ta.” Tôi hỏi: “Giết chết anh ta rồi, chị làm thế nào? Con cái sẽ ra sao?” “Con mặc kệ, con sẽ dắt con của con đi tự sát luôn.” “Chồng của chị phạm sai lầm, còn chị và con đều vô tội mà?” “Thưa Thầy! Thầy có dạy được chồng con không?” “Chồng chị không đến, tôi không thể dạy được; cho dù chị kéo anh ta đến đây mà anh ta không tin tôi thì tôi cũng không giúp được; nhưng tôi có thể dạy chị xử lý việc này như thế nào. Đức Phật dạy mọi người phải ‘nhắc đến để buông xả’. Cho nên chị phải buông xả tâm giận dữ với chồng. Chị phải dũng cảm gánh trách nhiệm một mình nuôi dạy con cái; lại còn vận dụng tâm từ bi tha thứ cho chồng chị và người phụ nữ kia.” Nghe tôi nói, chị bực bội không chịu: “Như thế thì không công bằng, con không bằng lòng; con của con mang họ của anh ta, tại sao con giúp anh ta để nuôi con?” “Lẽ nào con cái không phải con của chị? Anh ta không làm tròn bổn phận người cha, chị cũng không thể không làm tròn bổn phận của người mẹ. Vả lại, thế gian này việc không công bằng, không hợp lý rất nhiều; có người có thể cải thiện; có người không thể nào đoán được, chúng ta không quản lý được họ. Nếu như mỗi người tự quản lý mình tốt, mỗi người đều làm tròn bổn phận thì việc không công bằng sẽ giảm bớt.”
- Khoa học kỹ thuật phát triển, chẳng qua là nâng cao đời sống hưởng thụ vật chất, tuy nó đem lại cho con người thuận lợi rất nhiều, nhưng cũng làm cho tâm linh con người cảm thấy trống rỗng, khoảng cách giữa người với người càng ngày càng xa.
- Người ngày nay đều rất bận rộn, nhưng chính vì bận, nên chúng ta cần thời gian rảnh; không nên cho rằng lợi dụng thời gian ngồi thiền, niệm Phật là lãng phí thời gian. Ngược lại, nó có thể giúp chúng ta nâng cao hiệu suất làm việc và sự phán đoán chính xác, đối với sự việc đều biết theo lập trường khách quan. Bằng không, chúng ta vừa bị ngoại cảnh kích động liền đánh mất lập trường khách quan thì quá trình xử lý công việc sẽ sai lầm đủ điều mà tự mình không biết.
- Thực ra, kiếm tiền hay không kiếm tiền, có một nửa phải nhìn người kinh doanh có nỗ lực hay không; phương hướng đúng hay sai; còn lại một nửa là dựa vào phước báu.
- Trên thực tế, một người kinh doanh thành công, thông thường ai cũng có một kỹ thuật để dùng người, vẫn có năng lực quyết sách, phán đoán chính xác, nghị lực kiên quyết, quán sát nhạy bén biến đổi thị trường để cân nhắc,… Tất nhiên, phải có phước báu mới làm được. Người có thông minh, trí tuệ mà không có phước báu, giỏi lắm chỉ kiếm được một ít tiền lời.
- Tôi nói như thế, chúng ta không cần lo tính toán, có tiền lời hay không có lời, mà thuộc về phần còn lại là do có phước báu hay không. Do đó mà giới trẻ không dám tự mình sáng lập sự nghiệp. Thực ra, tôi luôn khuyến khích hoài bão lớn của giới trẻ, nên đứng ra tạo dựng sự nghiệp, nhưng điều kiện trước tiên là phải ở trong phạm vi làm được, sưu tập tư liệu, chuẩn bị tốt. Nếu chúng ta có nắm chắc thành công 50% trở lên thì tiến hành nhé! Cho dù có thất bại cũng làm cho mọi người tâm phục, khẩu phục. Nếu trước khi xảy ra sự việc, chúng ta không dành thời gian sưu tập tư liệu để học hỏi, cũng không tính toán nguyên nhân hậu quả rõ ràng, ngay cả một chút cũng không nắm chắc, chỉ nói mà không làm, thì sẽ tự mình chuốc lấy khổ não vớ vẩn; thế thì không nên oán trời, cũng không được trách người.
One thought on “Sách hay: Sống đạo giữa đời thường”