Bất ngờ biết được một thiền sư, ni sư Hàn Quốc. Dù cách diễn giải của ni sư có thể sẽ gây một vài tranh cãi nhất định, những lời dạy của ni sư có nhiều điều rất sâu sắc. Xin chia sẻ các ghi chú từ cuốn sách đến độc giả như bên dưới.
- Chứng ngộ nghĩa là không bao giờ bị ô nhiễm bởi sanh tử, cho dù bạn đang sống trong thế giới thành hoại. Biết được rằng bạn không từ bỏ cõi này để đến cõi khác. Biết rằng chứng ngộ hiện hữu ở giữa nhiễm ô, không cần nghĩ phải từ bỏ mọi nhiễm ô để đạt đến trạng thái chứng ngộ riêng biệt. Chứng ngộ là biết rằng không có cái ngã tuyệt đối tách rời khỏi cái ngã hiện đang có nhiều nhiễm ô, ảo tưởng, và lo âu. Biết rằng tất cả suy nghĩ, lắng nghe, và vọng tưởng đều khởi lên từ Nhất Tâm. Tất cả điều này là chứng ngộ.
- Nếu xem xét bạn đang là ai, là loại người nào, bạn có thể thấy mình đã sống như thế nào trong quá khứ. Nếu xem xét bạn đang làm gì, bạn có thể thấy đời bạn ra sao trong tương lai. Khi gió mưa đến, mọi bụi bẩn đều trôi sạch. Dù ngay lúc đó ta không thấy được như vậy, nhưng về sau ta sẽ hiểu ra những đau khổ ta thể nghiệm.
- Hạnh phúc do bạn tạo. Đừng mong người khác ban cho bạn. Nếu bạn cứ bám vào ý nghĩ người khác đang làm bạn hạnh phúc, thì tất cả đau khổ sẽ theo sau.
- Năm giới luật của Phật giáo theo truyền thống bắt đầu bằng “Đừng…”, nhưng ta có thể đọc chúng một cách tích cực. Như thế, “Đừng giết hại” trở thành “Hãy yêu thương mọi chúng sanh một cách bình đẳng và từ ái”. “Đừng trọm cắp” trở thành “Hãy bố thí và tạo công đức”. “Đừng tà dâm” trở thành “Hãy nuôi dưỡng thân tâm trong sạch và chân chính”. “Đừng nói dối” trở thành “Hãy nói lời chân thật và giữ thành tín”. “Đừng uống rượu” trở thành “Hãy luôn giữ trí tuệ sáng suốt và ngay thẳng”. Hiểu như thế, giới không phải là những gì bạn giữ bằng cách không làm. Đúng hơn, bạn giữ giới bằng cách đặt ý Phật vào hành động. Khi bạn nương tựa và giao phó mọi vật cho bản tâm thanh tịnh sẳn có, tất cả giới luật được giữ gìn một cách tự nhiên.
- Khi thân bạn được sinh ra, bạn đã mang theo nghiệp tốt và xấu tích chứa hằng tỉ kiếp. Khi điều này biểu hiện, người ta lầm cho là số phận hay định mệnh. Tuy nhiên, nếu bạn phó thác hết những gì khởi lên bên trong lẫn bên ngoài thân cho bản thể, và để nó tan biến, thì khi cái “tôi” biến mất, nghiệp cũ của bạn kết thúc và bạn ngưng tạo nghiệp mới. Người biết nguyên lý này sẽ không nói về số phận hay định mệnh.
Xung đột tôn giáo
Tôn giáo là một cái tên. Người ta gọi tên theo hoàn cảnh hay địa thế, nhưng cơ bản chúng vẫn là một gia đình. Tôn giáo không phải là cái để tranh giành. Người ta đấu tranh vì người ta muốn đấu tranh. Thượng đế không bảo họ phải đấu tranh, và chúa Jesus không nói họ đấu tranh. Đức Phật không ra lệnh chiến đấu, và đấng Allah không hạ lệnh họ đấu tranh. Người ta chỉ tìm cách biện hộ việc đấu tranh, họ bảo rằng họ đang chiến đấu nhân danh đấng tối cao của họ.
Tư tưởng của mỗi người mỗi khác nhau, nhưng làm sao chân lý có thể khác nhau? Ngay trong đạo Phật, nhiều người khác nhau tin theo những đường khác nhau. Từ vài cách nhìn, có thể nói rằng họ tin những tôn giáo khác nhau. Nếu người ta biết rằng chân lý là mọt, thì dù tôn giáo có những tên khác nhau, tất cả họ vẫn như cùng tin một tôn giáo. Đừng cho rằng một tôn giáo đặc biệt là lối duy nhất. Thay vì thế, nếu bạn hiểu đúng những giáo lý của bạn và thực hành, bạn sẽ trở nên khiêm tốn. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn và tôi, bạn và thế giới, bạn và vũ trụ, bạn và mỗi một vật, là một. Khi chúng ta đứng trước chân lý, sự tranh luận về tôn giáo của bạn và của tôi vô giá trị như những hạt bụi.
Sách có thể được tải xuống miễn phí tại đây: http://thuvienhoasen.org/a18976/khong-co-song-nao-de-vuot-qua