Đối trị với phiền não ngủ ngầm

Hỏi: Ngày hôm qua trên web của Sư Tâm Pháp, em thấy một câu em tóm tắt lại nội dung, vì em quên copy. “Nếu bạn còn so sánh đánh giá người khác, và ảnh hưởng bởi những đánh giá của người khác, thì bạn luôn luôn đau khổ.” Anh giúp chia sẻ, làm cách nào để mình cân bằng, tránh việc hai việc trên để không bị mệt mỏi, những bất ổn, khó chịu trong tâm ạ?

Đáp: Đơn giản lắm em ạ. Em thực hành chánh niệm đều đặn đi. Những câu chữ đều chỉ mang tính định hướng chứ không phải để suy nghĩ. Việc so sánh với người khác nó nằm trong những phẩm chất tâm tiêu cực, cố hữu của tâm mình, mà thực ra đó là những sự ô nhiễm trong tâm. Theo thuật ngữ chuyên môn trong thiền chánh niệm thì sự so sánh với người khác là ngã mạn. Em cứ đều đặn thực hành thiền chánh niệm một cách đúng đắn, giữ thái độ đúng khi hành thiền thì mấy thứ này từ từ nó giảm bớt đáng kể. Từ đó, em sẽ thấy mọi thứ đều trở nên thuận lợi và nhẹ nhàng hơn, thoải mái và dễ chịu hơn nhiều. Sẽ cần thời gian để tâm mình chuyển hoá. Chứ không thể khống chế, kiểm soát tâm của mình được. Bởi vì đó không phải là cách hiệu quả để đối trị những sự ô nhiễm trong tâm kiểu này (ngã mạn, cũng như các loại ô nhiễm, phiền não ngủ ngầm khác).

Cũng cần biết rằng, em chỉ có thể đoạn diệt hoàn toàn ngã mạn ở mức độ tâm linh cao nhất mà con người có thể đạt được, đạo quả A-la-hán (*). Đó là một điều mà hầu như là rất khó đối với bất cứ ai. Việc chúng ta có thể làm là thực hành chánh niệm đều đặn để tự thanh lọc tâm mình một cách từ từ, chuyển hoá tâm mình một cách từ từ. Và chánh niệm thì lại có nghĩa là không có suy nghĩ xen vào. Đừng suy nghĩ nữa. Tất nhiên là chúng ta không thể không có suy nghĩ trong mọi lúc. Nhưng nếu chúng ta có thể hướng đến việc đó, thực tập việc đó đều đặn trong những thời khoá nhất định hằng ngày thì thái độ thiền sẽ đi vào cuộc sống thường nhật của mình. Đó là lúc mà em gặt hái được lợi ích từ việc kiên trì, đều đặn thực hành thiền chánh niệm. Nếu em đã thực hành đều đặn thì cứ tiếp tục đặt sự chú ý vào đó mà thôi. Tập trung làm chỉ mỗi có một việc, hành thiền chánh niệm, nhưng lại giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Đó thực sự là một sự đầu tư quá có lời em ạ. Tập trung vào hành thiền và thư giãn đi thôi. Còn ngược lại, nếu em không thực hành chánh niệm thì không phải chỉ vụ ngã mạn, mà mọi thứ đều sẽ làm cho em mệt mỏi, đặc biệt là khi tuổi già kéo đến, khi sức khoẻ đi xuống. Còn nếu em thực hành chánh niệm đều đặn, liên tục thì nó lại tự động, tự động nhé, “lôi” em ra khỏi phiền não. Chắc chắn là như vậy.

(*) 4 tầng thánh quả: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Trong con người phàm phu chưa đắc thánh quả còn nguyên vẹn 10 loại kiết sử hay phiền não ngủ ngầm là: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tham, sân, sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử, vô minh. Tầng thánh quả đầu tiên là Tu-đà-hoàn (hay Dự lưu) cắt đứt 3 loại kiết sử đầu tiên là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Bậc thánh Tu-đà-hoàn vĩnh viễn không còn tái sinh lại trong 4 đường ác đạo là Địa ngục, Atula, Ngạ quỷ, Súc sinh nữa, mà chỉ còn tái sinh nhiều nhất là 7 lần nữa (Thất lai) trong cõi dục giới trước khi đạt đến giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi sinh tử. Tầng thánh thứ hai là Tư-đà-hàm không cắt tuyệt được thêm loại kiết sử nào nữa, mà chỉ làm suy yếu hai loại kế là tham, sân. Bậc thánh Tư-đà-hàm chỉ còn tái sinh lại 1 lần duy nhất (Nhất lai) trong cõi dục giới, tầng thánh thứ ba, A-na-hàm, cắt đứt hoàn toàn 5 kiết sử đầu tiên (3 kiết sử đầu được cắt đứt bởi đạo quả Tu-đà-hoàn và tham, sân), và không còn phải tái sinh lại trong cõi dục giới nữa (Bất lai). Bậc thánh A-na-hàm sẽ tái sinh lên cõi Phạm thiên và sẽ đắc quả vị A-la-hán và nhập Niết Bàn tại cõi đó. Tầng thánh cao nhất là thánh quả A-la-hán cắt đứt hoàn toàn 10 loại kiết sử, vĩnh viễn không còn tái sinh nữa.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Leave a Reply