Chìa khoá giải quyết phiền não

Hỏi: Thân chào anh Hùng.
Nhân dịp có đọc 1 chia sẻ của anh trong chương trình Seed The Future Lab, có đoạn “Nếu ngày mai bạn sẽ phải chết, thì bạn thực sự cần gì, bạn cần phải làm gì”. Đọc xong câu này để lại cho em rất nhiều suy nghĩ. Em muốn trao đổi thêm cho sâu vấn đề này.
– Thứ nhất, cho em nói thẳng, nếu ngày mai em biết em chết thì đa số các vấn đề ngày hôm nay chẳng còn ý nghĩa gì cả, hoặc chỉ cần rất ít thứ còn ý nghĩa, ví dụ như công việc, sự nghiệp và tiền bạc. Thậm chí gia đình, vợ con và cha mẹ, em muốn gặp họ 1 lần và nói em rất yêu quý họ.
– Thứ 2: theo quan điểm của em, việc đặt câu hỏi trên là 1 cách khơi dậy và xoá tan những mây mù trong cuộc sống, giúp ta nhận thức rõ vấn đề gì là quan trọng, vấn đề gì là không quan trọng, và vấn đề gì là kém quan trọng hơn. Nhưng thực tế, cuộc sống chúng ta luôn đặt nền tảng trên những toan tính dài hạn, em ví dụ, hành trình tự do tài chính sau khi nghỉ hưu, tương lai cho con cái sau khi tốt nghiệp, lộ trình tu tập… Vậy theo anh có gì mâu thuẫn trong việc áp dụng tư duy ngắn hạn trong câu “ngày mai mình sẽ chết” cho những toan tính dài hạn mà lẽ đời chúng ta thường phải lo âu hay không?
– Cuối cùng, nếu được, cho em hỏi anh đã trả lời thế nào cho câu hỏi trên (anh có thể chia sẻ nếu anh cảm thấy tiện và có ý nghĩa) và điều đó đã ảnh hưởng gì đến những quyết định quan trọng của anh sau này.
Chúc anh nhiều bình an.

Đáp: Câu trả lời thì khá là đơn giản em ạ. Bởi vì, nó tuân theo một qui luật của tự nhiên, rằng: “Vấn đề là lớn hay bé sẽ tuỳ thuộc vào mức độ trưởng thành của bạn.” Em tham khảo trong bài Những nguyên lý để sống hạnh phúc của Ngài Jotika nhé. Nên tất cả mọi vấn đề, mọi phiền não, mà cụ thể hơn là mấy thứ em đề cập ở trên cho các toan tính, lo lắng trong cuộc đời, tất cả mọi thứ đó là lớn hay nhỏ đối với một cá nhân là tuỳ ở mức độ trưởng thành của người đó. Càng trưởng thành thì càng thấy chẳng có vấn đề gì to tát cả, mọi vấn đề đều nhỏ bé. Và cách họ xử lý với các vấn đề cũng sẽ khác nhau, tuỳ ở mức độ trí tuệ và trưởng thành của họ.

Nên việc nó mâu thuẫn hay không giữa ngắn và dài, việc giải quyết nó thì đều tuỳ thuộc ở mức độ trưởng thành của cá nhân hết. Chẳng ai giống ai, tuỳ vào mức độ trưởng thành của mình. Và chìa khoá để trưởng thành hơn là thực hành chánh niệm, sống thuận pháp.

Nhớ nhé, “thực hành chánh niệm” chứ không phải hiểu về chánh niệm. Hiểu chỉ là bước bắt đầu để mình thực hành mà thôi. Thông qua thực hành thì mới thay đổi được bản thân và trưởng thành lên. Đó là do, khi càng phát triển được chánh niệm nhiều hơn mỗi ngày, một cách đúng đắn thì thiền sinh có thể cảm nhận được cách vận hành trong tâm, trong cuộc sống được khách quan, rõ ràng hơn và sau đó là chọn cho mình cách hành xử, cách sống, cách suy nghĩ sao cho thuận với pháp vận hành tự nhiên. Và kết quả là mọi vấn đề nó trở nên nhỏ bé. Chỉ làm được việc này thông qua việc “thực hành chánh niệm”. Câu hỏi về cái chết chỉ mang tính thức tỉnh, để mình có thể tạm dừng và nghiền ngẫm xem điều gì là quan trọng đối với cuộc sống mình mà thôi. Câu trả lời sẽ định hướng cho mình về suy nghĩ, hành động và lời nói mỗi ngày.

Đối với cá nhân anh thì “chánh niệm” chính là những gì quí giá nhất, ý nghĩa nhất, và quan trọng nhất mà anh tìm được, có được. Hay tạm gọi một cách “ham hố” là của cải bền vững mà anh có được. Thật may mắn là việc có được chánh niệm hay không lại không bị phụ thuộc vào điều kiện ở bên ngoài. Nên nếu anh có ra đi khỏi cuộc đời này, thì một cách nào đó phẩm tính cao thượng này vẫn có thể theo anh đi tiếp với hành trình tâm linh của bản thân mình. Đó là tất cả những gì anh cần, cũng như là tất cả những gì anh có thể một cách nào đó mang theo khi ra đi khỏi cuộc đời này em ạ. Nếu có chánh niệm thì em sẽ xây dựng được một nền tảng chắc chắn của tình người, sự cao thượng, sự nhân văn, của tất cả những gì tốt đẹp nhất cho mình, cho những người mình thương yêu cũng như tất cả mọi người xung quanh mình. Chánh niệm chính là nền tảng.

Tóm lại là để trả lời và giải quyết thấu đáo tất cả mọi “phiền não” mà em liệt kê thì chỉ có một pháp môn đơn giản là thực hành chánh niệm thôi nhé. Nghe thì đơn giản lắm. Nhưng lại rất khó để giải thích. Mà cũng chẳng giải thích bằng lời được. Chỉ những ai thực hành thì sẽ tự thấy được lợi ích của nó và hưởng. Giống như việc đồ ăn ngon thì em phải tự ăn mới hưởng được, chứ chẳng thể nghe người ta tả lại mà hưởng được sự ngon. Gud luck!

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Leave a Reply