Trong khi soạn bài cho buổi chia sẻ về chủ đề Nhà lãnh đạo hạnh phúc, H thấy số liệu này và thấy cần phải chia sẻ…
“Tỉ lệ gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở các doanh nhân (khi so sánh với dân số chung), bao gồm gần gấp đôi tỉ lệ trầm cảm, gấp sáu lần tỉ lệ ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý), và gấp 3 lần tỉ lệ dùng chất gây nghiện.” – trích từ cuốn Giải mã doanh nhân
Như vậy, sự đánh đổi khi theo đuổi làm một nhà doanh nhân càng cần phải được suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo. Bởi vì, nếu kết quả những gì mình làm không thực sự ý nghĩa mà phải đánh đổi các vấn đề về tâm lý trầm trọng như trên thì thực là đáng tiếc.
Sau khi chia sẻ trên Facebook post trên, tôi nhận được comment như sau từ một bạn.
Hôm ngày doanh nhân VN, em cũng tự hỏi mình câu hỏi như này: “như thế nào mới là một doanh nhân?” nếu chỉ đơn giản là người (nhân) đi kinh doanh thì đã thực sự là doanh nhân chưa? Và tuỳ định nghĩa doanh nhân của mỗi người nghĩ hoặc chọn, sẽ chọn cuộc sống của chính bản thân mình để thành doanh nhân theo định nghĩa ấy.
Em bắt đầu đặt dấu hỏi về cái mác doanh nhân là phải bận rộn, phải “hy sinh nhiều vì sự nghiệp”, phải chăng doanh nhân được có một cuộc sống khác ngoài cái mác đó không?
Tự hỏi nhiều quá nên em cho bản thân vô môi trường đó trải nghiệm, quan sát và tìm câu trả lời. Cũng thú vị đúng không anh?
Tất cả chỉ là những bài học làm người mà thôi em ạ. Anh nhớ đã đọc trong cuốn “Man’s search for meaning” và rất ấn tượng với cảnh tượng khi tác giả bị đưa vô trại tập trung, ngay những giây phút đầu tiên là đã bị tước bỏ tất cả những gì có trên người, kể cả tóc tai… Và khi trần truồng trong phòng tắm công cộng cùng với những người khác, tác giả mới cảm nhận được sâu sắc rằng, chúng ta chẳng có gì cả, và cũng đều giống nhau, trần truồng. Cả một hành trình học hỏi suốt cuộc đời của chúng ta thì cũng chỉ để nhận ra được điều đó mà thôi, chúng ta chẳng có gì cả .
Làm doanh nhân hay không làm doanh nhân thì cũng chỉ là một phần của quá trình học hỏi và trưởng thành tâm linh mà thôi. Chỉ là những tiến trình học hỏi, và mỗi người có một con đường để học hỏi và trưởng thành khác nhau. Việc đầu tiên là bản thân mình có muốn trải nghiệm hay không? Nhiều người chẳng muốn trải nghiệm. Việc kế đến là khi xông pha, trải nghiệm thì liệu chúng ta có chịu học hỏi và trưởng thành hay không? Hay chúng ta cứ vào lớp học, và mãi ở lại lớp mà thôi? Chúng ta luôn phải trao đổi, đánh đổi suốt cả cuộc đời mình. Mất mát và khổ đau chắc chắn xảy ra, nhưng ý nghĩa của những sự mất mát và khổ đau đó là gì? Là để chúng ta học hỏi và trưởng thành lên.
Và một điều mà chúng ta cần phải học rất nhiều mới làm được. Đó là việc gỡ bỏ các nhãn mác mà mình đang mang trên người, để trở về con người chân thật và nguyên sơ của chúng ta. Trải nghiệm, học hỏi và trưởng thành. Đó là tất cả những gì chúng ta cần phải nhiệt tâm hằng ngày.
Công cụ để học hỏi và trưởng thành chính là sự tỉnh táo, chánh niệm, nhận biết một cách khách quan những gì đang xảy đến với chúng ta. Thế thôi.
Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana), Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com