Tôi nhận được các băn khoăn như sau từ một bạn độc giả: “Nhân vừa đọc bài viết của anh có nhắc đến câu đầu tiên của Tuyết giữa mùa hè, “nhu cầu diễn đạt tâm mình thật mạnh mẽ”, em có chút suy nghĩ muốn được trao đổi với anh ạ. Một người có nội tâm mạnh mẽ, luôn quay tâm vào trong và “tự mình nương tựa mình” hình như sẽ ít có nhu cầu chia sẻ, bộc lộ? Em cũng là người gọi là “suy nghĩ nhiều”, từ nhỏ rồi ạ. Và nhu cầu diễn đạt mình cũng rất mạnh mẽ, đồng thời với nó là nhu cầu được lắng nghe, được đồng điệu. Một biểu hiện là khi thiết lập các mối quan hệ thân thiết, điều kiện đầu tiên trong tâm lý của em là phải “nói chuyện được”.
Khi em bắt đầu tu học với Thầy, cùng với quá trình tu tập, em nhận ra giữa con người với nhau đúng là ngăn cách nhau “trời bể”, đến bản thân mình còn chưa thấu hiểu nói là gì thấu hiểu một người khác. Vì vậy, em càng ngày càng trở nên cô độc, và học cách vui vẻ với sự cô độc đó.
Em rất hạn chế việc diễn đạt tâm mình. Thứ nhất là mình không thể diễn đạt hết. Thứ hai là người ta thường không hiểu hoặc là hiểu sai, hiểu nhầm. Nhưng em cũng quan sát thấy được là, khi có cơ hội nói về những đề tài mình hứng thú, em lại trở nên nói nhiều. Dù Ngài Jotika nói rằng “nó rất quan trọng đối với sự phát triển tâm linh của chúng ta”, em vẫn chưa thông suốt chỗ này.“
Hello em,
Giờ anh mới có thời gian ngồi xuống và chia sẻ với em một vài suy nghĩ của anh về nhu cầu diễn đạt tâm mình và các băn khoăn như em đã có chia sẻ với anh. Nhu cầu diễn đạt tâm mình, theo như anh hiểu thì nó có nhiều khía cạnh. Theo đúng nghĩa đen của câu chữ thì đó là nhu cầu được trình bày các suy nghĩ và cảm nhận trong tâm mình. Từ đó nó lại dẫn đến một số thứ khác.
Điều gì là điều mình thực sự có nhu cầu muốn diễn đạt, quan trọng đến mức mình cần phải diễn đạt? Điều gì mình không muốn? Hay là có một số thứ diễn đạt hay không chẳng quan trọng gì? Nên cuối cùng đi nữa thì vẫn cần phải tự nghiền ngẫm là chính, xem xét xem vậy điều gì là quan trọng mà mình đang chất chứa trong lòng và có nhu cầu cần phải diễn đạt các suy nghĩ chất chứa đó.
Với tiêu chí này thì nó đã loại bỏ khá nhiều thứ không quan trọng, vô thưởng vô phạt mà sẽ là chẳng có gì ý nghĩa nếu mình phải nói ra. Nói năng là một trong những việc vô nghĩa nhất mà mình thường làm. Đó là tham gia vào các câu chuyện, nói năng huyên thuyên những việc chẳng có gì là lợi ích cho bản thân mình. Nên mới có việc tiết chế lời nói là như vậy, mới có giới không nói lời vô ích là như vậy.
Theo anh hình dung thì có một số điều mà mình thực sự có nhu cầu cần diễn đạt ra ngoài, đến người xung quanh mình, là quan trọng đối với bản thân mình. Thứ nhất là khi mình đang gặp khủng hoảng về tâm lý, khủng hoảng trong suy nghĩ, trong tâm mình (các khủng hoảng này có thể là bắt đầu từ các khủng hoảng trong cuộc sống như gia đình, tài chính, công việc, các mối quan hệ, …) Và rồi nó biến thành nỗi lo lắng, khổ sở trong tâm mình. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và cuộc sống thường nhật của mình. Đó là những lúc mình thực sự có nhu cầu nói ra những lo lắng, những sợ hãi, các vấn đề mà mình đang có, với một mong muốn là để giải quyết vấn đề mình đang gặp phải. Bởi vì, mình cũng chẳng phải là siêu nhân và có thể giải quyết được hết thảy mọi vấn đề. Rất nhiều lúc chúng ta cần sự giúp đỡ của những người xung quanh. Và đôi lúc chúng ta chỉ cần có sự đồng cảm mà thôi. Để sau đó chúng ta có thêm năng lượng để tự giải quyết vấn đề của mình. Còn nếu chúng ta có được những người bạn có mức độ trí tuệ và trưởng thành cao hơn chúng ta thì họ còn cho chúng ta những lời khuyên và giúp cho chúng ta các chỉ dẫn, đề nghị, phân tích để có thể tự mình vượt qua các vấn đề. Về việc này thì Ngài Jotika nói rất hay trong bài Những nguyên lý để sống hạnh phúc.
Một điều khác mà chúng ta thường có nhu cầu mong muốn được diễn đạt, được thổ lộ, được trao đổi là các hiểu biết về pháp. Pháp ở đây là nói đến pháp vận hành của tâm, là cơ chế vận hành của tâm. Mà thường thì là nó kiểu như mình có những suy nghĩ có vẻ như không hợp với số đông ở ngoài kia: các cảm nhận, các suy nghĩ về cuộc sống, về mục tiêu của cuộc đời, ý nghĩa của cuộc sống có vẻ như không ăn nhập lắm với đại đa số ở ngoài kia. Đây cũng là một dạng bối rối trong suy nghĩ, trong tư tưởng. Như em có thể hình dung, với lối sống thiên về hưởng thụ và vật chất mà thế giới hiện đại đang xây dựng, đặt nền móng, và phát triển với vô vàn các công cụ đi kèm để giúp cổ xuý, lan truyền, lây nhiễm như Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội cùng với vô vàn các tiện nghi hưởng thụ thoả mãn nhu cầu của các giác quan thì rõ ràng rằng nhu cầu phát triển về tâm linh, về hiểu rõ tâm mình càng ngày càng trở nên … nhỏ bé, nếu không nói là biến mất khỏi lịch trình cuộc sống của chúng ta. Nó không còn được đặt làm trọng tâm nữa. Mọi sự tập trung đều đổ dồn vào việc thoả mãn các nhu cầu của mắt, tai, miệng, mũi và các cảm giác dễ chịu trên thân. Với trọng tâm dồn vào đó thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ có đủ thoả mãn được cả. Và đây thực ra cũng là một hiệu ứng lây nhiễm của đám đông, lây nhiễm của lối sống trọng về việc hưởng thụ vật chất và các sự thoả mãn của các giác quan. Tại sao chúng ta cần phải bận tâm ở đây? Đó là bởi vì, hưởng thụ vật chất và thoả mãn thú vui dục lạc thì nó kiểu như một chất gây nghiện. Nó chỉ làm cho chúng ta nghiện thêm mà thôi. Và chất gây nghiện là ý nói đến tác động tiêu cực lên cuộc sống của mình.
Chỉ một số ít trong chúng ta mà tạm gọi là không biết bằng cách nào đó mà nhiều lúc hoặc đôi lúc cảm nhận được sự trống rỗng và vô nghĩa của các thoả mãn mang tính vật chất và dục lạc đó. Hoặc có thể là sau khi trải nghiệm quá đủ các cung bậc cao thấp các sự thoả mãn của các giác quan rồi thì chúng ta mới chợt nhận ra sự trống rỗng, không mấy ý nghĩa của nó. Vấn đề là có vẻ như số người có cảm nhận này không nhiều và có vẻ như không giống với đám đông ở ngoài kia. Những người này lại tiếp tục nghiền ngẫm, tìm kiếm cho bản thân câu trả lời cho câu hỏi khó trả lời: Vậy thì rút cuộc hạnh phúc là gì? Đó là thời điểm người ta tìm được đến với pháp, với những kiến thức, những suy nghĩ mới về hạnh phúc. Như em có thể tham khảo trong bài Những nguyên lý để sống hạnh phúc, rằng hạnh phúc dục lạc dù nó không có gì sai, nhưng nó có thể làm hại bản thân mình, nếu mình không đặt giới hạn cho nó. Và hạnh phúc dục lạc chỉ là hạnh phúc ở tầng mức thô tháo và thấp nhất trong các tầng của hạnh phúc, của sự mãn nguyện trong tâm. Tầng mức kế tiếp là hạnh phúc của sự định tâm. Khi đó, em đã có thể cảm nhận được hạnh phúc mà không bởi vì một lý do nào cả, dù rằng nó chỉ là một phút chốc thoáng qua. Rồi tầng mức kế tiếp cao hơn của hạnh phúc chính là hạnh phúc đến từ tuệ giác, từ việc thấu hiểu sâu sắc cách tâm mình đang vận hành… Có những người trong chúng ta khi sinh ra, trong bẩm sinh đã có cảm nhận về những hạnh phúc cao thượng này rồi. Nên họ đôi khi suy nghĩ và hành động hơi khác so với số đông. Và đôi khi họ lại bị bối rối bởi vì chưa hiểu được tại sao mình lại có những suy nghĩ, cảm nhận, hiểu biết không giống với mọi người như vậy. Điều đó dẫn đến nhu cầu được diễn đạt, được xác nhận, nhu cầu nhận được sự đồng cảm của những người xung quanh. Đó là lẽ thường của cuộc sống. Như vậy, thứ nhất, cần phải hiểu rằng vậy thì điều gì là quan trọng đến mức mình cần phải diễn đạt, phải chia sẻ. Nó chỉ nên là những thứ có lợi ích trong việc trưởng thành và phát triển tâm linh của bản thân mình, anh nghĩ vậy.
Kế đến, chúng ta cần phải suy nghĩ về việc vậy chúng ta cần diễn đạt, cần chia sẻ với ai những gì là quan trọng, là ý nghĩa với bản thân mình? Hay ai mình cũng “bô bô” đi nói những điều mình cho là quan trọng? Cũng trong bài Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Ngài Jotika có đề nghị rằng chỉ nên nói về các vấn đề, các trăn trở của mình với những người trưởng thành hơn mình. Bởi vì nếu không thì một mặt, chúng ta sẽ làm cho người nghe nặng nề, một mặt thì vấn đề chúng ta có thể trở nên to lớn hơn, trầm trọng hơn. Em có thể tham khảo nhiều hơn trong bài pháp đó.
Và cuối cùng, anh nghĩ rằng chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi vậy tại sao mình lại cần phải nói ra, phải diễn đạt, phải chia sẻ những gì mình đang trăn trở? Động cơ đằng sau của nó là gì? Mong đợi của mình từ việc này là gì? Anh nghĩ rằng, câu trả lời cũng chỉ nên loay hoay rằng, chúng ta muốn giải quyết vấn đề của mình, hoặc đôi khi đơn giản cũng chỉ là muốn “xả xì” sự căng thẳng đang có trong tâm mình, mà thường thì sẽ được giải toả sau khi mình nói ra điều mình nghĩ. Tuy nhiên, nhớ là phải lưu ý về việc chia sẻ với người trưởng thành hơn mình. Bởi vì, nếu không thì mặc dù có thể được “xả xì” căng thẳng đôi chút, nhưng sau đó, vấn đề lại có thể trở nên to lớn hơn. Trong trường hợp đó thì có lẽ nên khoan hẵng nói với ai, cho đến khi tìm được người phù hợp. Một động cơ hoặc mong đợi khác nên có từ việc chia sẻ và diễn đạt tâm mình với người khác là để học hỏi, để trưởng thành, để phát triển tâm mình. Anh nghĩ nếu loay hoay ở trong mấy động cơ đó thôi thì sẽ ổn.
Như vậy là mình cần ý thức điều gì quan trọng trong tâm mà mình cần phải diễn đạt, cần phải diễn đạt với ai và động cơ, mong đợi của mình từ việc đó? Trở về câu chuyện của em, anh nghĩ là em sẽ gặp bối rối nếu em đặt mong đợi rằng người khác sẽ hiểu mình, đồng cảm với mình. Mặc dù chẳng có gì sai trong việc mong đợi như vậy, nhưng em cũng cần hiểu rằng điều đó là không thực tế lắm, mà em cũng đã xác nhận điều này. Rằng có một khoảng cách lớn trong việc người khác hiểu mình cũng như ngược lại. Thực ra, khi càng thấu hiểu sâu sắc được điều này thì nhu cầu người khác hiểu mình nó trở thành nhỏ bé, vô nghĩa. Bởi vì đó là một nhu cầu … không thực tế. Thay vào đó, em nên đặt mục tiêu là làm sao để giải quyết các vấn đề ý nghĩa trong cuộc đời của mình, để phát triển tâm mình. Thay vào đó, em cũng cần liên tục tìm cho mình, “tuyển” cho mình những người bạn tốt, tìm kiếm cho mình các vị thầy, là những người trưởng thành hơn chúng ta, trí tuệ hơn chúng ta. Và khi đó thì việc chia sẻ những trăn trở, khó khăn trong tâm mình sẽ trở nên dễ dàng. Bởi vì, đã có người hiểu được chúng ta. Đây không phải là một việc dễ. Mà cần kiên trì “tuyển” và “tìm” cả cuộc đời. Và khi đó, mình mới có thể có được chỗ “xả xì” khi cần phải tháo gỡ trái bom trong tâm trí của mình. Đa phần mọi người đều không chuẩn bị cho mình các người bạn này hoặc không tìm kiếm được cho mình các vị thầy tâm linh, nên các vấn đề, các trăn trở trong tâm họ ngày càng trở nên khó hơn, to lớn hơn, cho đến khi nó chuyển thành các căn bệnh trên thân hoặc tâm luôn. Đáng buồn là với lối sống hiện đại ngày nay, khi mọi người quá phụ thuộc vào công nghệ, vào mạng xã hội thì giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người ngày càng trở nên hạn chế. Và đó cũng là nguyên do mọi người ngày càng ít có những người bạn tốt, những vị thầy. Thay vào đó, họ trút bỏ sân giận, căm ghét, trút bỏ các cảm xúc tiêu cực lên mạng xã hội. Nó chỉ càng làm cho chúng ta trở nên cô độc, cô đơn, và tiêu cực hơn mà thôi. Chưa kể là nó lại còn lan truyền luôn sự tiêu cực đến mọi người. Hiện nay, anh thấy các căn bệnh về tâm lý như trầm cảm ngày càng trở nên trầm trọng là nằm ở chính những chỗ này. Thật là đáng tiếc. Như vậy, khi hiểu được nhu cầu của mình thì một cách tự nhiên, em sẽ không cần phải vui vẻ với sự cô độc của mình nữa. Nó cũng chỉ là một việc mà bản thân nó phải như vậy. Em cũng không phải hạn chế nhu cầu diễn đạt của mình nữa. Vì nếu chưa đến lúc, chưa đúng người cần phải chia sẻ thì em chưa làm. Chẳng có gì phải vội vàng ở đó cả. Cũng đơn giản thế thôi.
Vậy thì rút cuộc, điều này – nhu cầu diễn đạt tâm mình – có vai trò như thế nào trong việc phát triển tâm linh? Như anh có giải thích ở trên, nếu em nghiền ngẫm các khía cạnh về việc diễn đạt tâm mình như trên thì bản thân việc nghiền ngẫm đó đã giúp em hiểu được tâm mình nhiều hơn, hoặc là định hướng cho em đi tìm các câu trả lời về cách vận hành của tâm mình. Đó chính là phát triển tâm linh rồi em ạ. Như anh vẫn thường chia sẻ, mọi người thường nhầm lẫn và đồng hoá hai chữ tâm linh với tôn giáo, với những gì là kỳ bí, bí ẩn, những khả năng siêu nhiên. Chẳng phải như vậy. Với anh, tâm linh đơn giản chỉ là việc phát triển bản thân mình, tìm hiểu sâu sắc về cách vận hành của thân và tâm mình, để có thể sống thuận với tự nhiên, thuận với các qui tắc vận hành tự nhiên của thân và tâm mình, thay vì đi ngược lại để tự mình tạo thêm nhiều rắc rối và bế tắc cho cuộc sống và hành trình phát triển bản thân mình. Thực ra, đôi khi em chẳng cần phải diễn đạt tâm mình với ai cả. Anh thấy đôi khi chỉ vì một câu mà anh tình cờ đọc được hoặc nghe được từ một cuốn sách, một bài pháp mà anh đã rất ngất ngây. Đó là bởi vì anh tìm được sự đồng cảm, sự xác nhận những gì mình đang trăn trở trong đầu từ những trang sách, từ những lời giảng. Còn nếu em có thể chia sẻ được những trăn trở của mình với người có trí tuệ hơn mình, trưởng thành hơn mình thì điều mà em nhận được sẽ là những đề nghị, những lời dạy giúp em phát triển tâm linh. Nên nhu cầu diễn đạt tâm mình nó quan trọng và liên quan đến việc phát triển tâm linh là như vậy em ạ, thông qua việc tự nghiền ngẫm, thông qua các lời đề nghị và dạy dỗ của những con người trí tuệ xung quanh mình.
Một điểm cuối cùng mà anh nghĩ là anh cần phải lưu ý với em. Em đã ý thức được rằng mình là người suy nghĩ nhiều. Và anh nghĩ là em cũng đã biết được rằng suy nghĩ không phải là cách để giải quyết vấn đề, không phải là cách mà tuệ giác vận hành. Như trong các bài pháp của Ngài Jotika có dạy, học để suy nghĩ tốt là một việc quan trọng. Nhưng học đề không suy nghĩ cũng là một việc quan trọng không kém. Nếu em biết rằng em hay suy nghĩ và suy nghĩ không phải là tuệ giác thì nên chú ý định hướng mình để bớt suy nghĩ, bớt bị kéo đi bởi suy nghĩ. Chú ý chuyển năng lượng từ việc suy nghĩ thành các hoạt động khác như cảm nhận trên thân và tâm, cảm nhận mà không suy nghĩ. Nó sẽ giúp em cân bằng hơn. Chứ suy nghĩ nhiều thì đó cũng là một trạng thái tâm căng thẳng, không thư giãn, không bình yên rồi. Chúc em mọi thuận lợi và sức khoẻ.
Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com