Tham làm phước, tham kiến thức, áp lực với bản thân mình?

Tôi nhận được một bức thư của một bạn thiền sinh với các tâm tư về tham muốn và áp lực cho bản thân mình. Trả lời bức thư cũng là dịp để tôi có thể tự nghiền ngẫm cho chính mình.

Hello em,

Thiền tâm từ thì lại không phải là thiền chánh niệm em ạ. Nó là một trong bốn loại thiền bảo vệ để hỗ trợ thiền sinh vipassana. Em có thể tham khảo thêm trong bài này: Hỏi & đáp thiền: Các kỹ thuật thiền hữu ích khác. Ba loại kia gồm: niệm tưởng về Đức Phật, quán tưởng về các ô trượt trên cơ thể và niệm chết. Về cơ bản thì đây là các loại thiền định. Do đó, những sự an yên mà em có được sẽ chỉ mang tính ngắn hạn, nhất thời. Những gì chúng ta cần phải thực hành hàng ngày, liên tục, và không ngừng thì lại không phải là thiền định mà là thiền chánh niệm nhé. Chừng nào em giữ được chánh niệm một cách liên tục và đúng đắn thì các trạng thái tâm của em sẽ trở nên tích cực, nhiều năng lượng, trong người cảm thấy thư giãn, thoải mái, rộng rãi, nhẹ nhàng. Và các trạng thái tâm này nó mang tính bền vững và lâu dài, chứ không ngắn hạn, dễ mất đi như các trạng thái tâm bình yên nhất thời mà em có được từ định tâm, từ thiền định. Chúng ta nên tập thiền tâm từ, nhưng cũng cần phải hiểu được cách nó hoạt động, lợi ích và giới hạn của nó. Sự an yên em có được năm ngoái chỉ là “tạm bợ” thôi em ạ. Nó nên được sử dụng như là cái nền để em thực hành chánh niệm được hiệu quả hơn. Chứ tất nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì nó sẽ sớm mất đi tác dụng (là sự an yên, thoải mái ngắn hạn mà em có được).

Theo như anh được biết, thực hành chánh niệm, thực hành pháp thì sẽ cần phải thực hành tất cả mọi khía cạnh của chánh niệm trong cuộc sống, của việc quan sát tâm mình, mà cụ thể là những gì xảy đến trực tiếp ở trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Chính xác hơn thì đó là những thử thách, khó khăn mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày. Điều này thì khi nào cũng có mặt trong cuộc sống thường nhật của mình. Thay vì thực hành với mong đợi sẽ có những điều gì đó tốt lành xảy ra, chúng ta cần thực hành để có thể đối diện và xem xét những gì đang xảy ra một cách khách quan, trung thực, và rõ ràng nhất. Những khó khăn đang xảy đến với chúng ta luôn là những gì chúng ta cần phải học hỏi, để vượt qua. Khi vượt qua được thì chúng ta ngày càng trở nên an yên hơn. Về lý là như vậy. Còn khó khăn thì nó đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày mà thôi. Điều đó là tất yếu. Không khó khăn về tài chính thì cũng về các mối quan hệ, về sức khoẻ, … Một cách thực tế nhất thì đó luôn là những cơ hội để mình quan sát tâm mình, để phát triển tâm mình. Hãy tận dụng các cơ hội này một cách tốt nhất.

  • Tham làm phước. Việc này cũng là tự nhiên thôi em ạ. Nhưng sau giai đoạn ban đầu quá hăm hở thì điều em cần làm là phải cân nhắc trước, sau, trên, dưới và làm phước sao cho nó phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Đại khái là nếu một việc em làm là việc thiện thì chắc chắn sẽ chẳng có lăn tăn gì cả (có thể đó là việc khó làm, cần đánh đổi, nhưng dứt khoát là lòng em sẽ nhẹ nhàng, không có chút hối tiếc nào). Còn nếu việc nào em làm mà là bất thiện, có hại thì chắc chắn sẽ có sự lăn tăn, trăn trở trong tâm mình. Có những việc không hẳn chỉ có lợi, mà còn làm hại. Chỉ là đôi khi, tâm mình không đủ tinh tế và bén nhạy để cảm nhận được những thứ đang làm hại mình mà thôi. Nên mấu chốt là phải thực hành chánh niệm để thanh tịnh tâm mình là như vậy. Bởi vì khi tâm mình được định tĩnh, bình yên và trong sạch thì cảm nhận của chúng ta trở nên rõ ràng, bén nhạy, và tinh tế. Nên chúng ta mới biết được việc này là có hại việc kia là không. Mỗi khi khó chịu do không làm phước được thì em sử dụng luôn cái cảm giác khó chịu đó làm đối tượng để quan sát. Khi đó, em sẽ từ từ bớt bứt rứt hơn và ý thức được hơn về tham muốn thái quá của mình. Những lúc em cảm thấy dễ chịu, mãn nguyện do em mới làm phước xong cũng vẫn sử dụng đúng cái cảm giác đó làm đối tượng để quan sát và cảm nhận. Nếu việc làm phước nó quá đà so với điều kiện của em hoặc có gì đó nó không suôn sẻ thì tâm em chắc chắn sẽ cảm nhận được. Sau một thời gian quan sát như vậy thì dần dần em sẽ tự điều chỉnh lại được sao cho việc làm phước nó hợp lý, phù hợp, và có lợi ích nhất cho em và cho cả những người mà em hỗ trợ, giúp đỡ,… Và sau cuối thì em có thể làm phước một cách tự nhiên, thuận lợi, tuỳ theo điều kiện của mình mà không phải suy nghĩ gì nhiều cả.
  • Tâm tham kiến thức. Việc này cũng là một trong những vấn đề thường gặp. Chỉ cần em chuyển sự tập trung nhiều hơn sang việc áp dụng kiến thức thì sẽ okay thôi. Điều anh thường thấy là trong khi chúng ta chưa áp dụng và hiểu hết được những gì mình biết thì đã có mong muốn học thêm. Việc học thêm đó nhiều lúc lại làm cho mình thêm bội thực với kiến thức và lại cản trở luôn cả việc thực hành và áp dụng của mình. Nên mỗi lần như vậy, đơn giản là em chỉ cần nhắc nhớ bản thân và tự hỏi mình rằng mình đã áp dụng được đều đặn, chuyên chú những gì mình đã biết chưa? Nếu chưa thì dành 80% công sức và nỗ lực cho việc đem ra áp dụng những điều mình biết. Chỉ giữ lại 20% thời gian và công sức để học những thứ mới thôi. Anh nghĩ học thêm 20% cũng đã là quá nhiều đối với bất cứ ai rồi.
  • Tâm đòi hỏi hơn ở bản thân. Chỉ cần em giữ được chánh niệm và trọn vẹn với những gì em đang làm là được em ạ. Đừng quá căng thẳng đối với bản thân mình. Chẳng có việc gì là hoàn hảo cả. Kiểu gì rồi cũng sẽ có những điều chưa vừa ý. Nhưng ít ra, khi em có sự định tâm, có chánh niệm, có sự trọn vẹn thì em đã giảm thiểu được tốt nhất các vấn đề, trong phạm vi năng lực của mình. Điều em sẽ thu được là nhờ ở định tâm, nhờ ở chánh niệm, nhờ vào sự trọn vẹn với những gì đang làm, điều đó sẽ giúp em trưởng thành hơn, bén nhạy hơn, hiệu quả hơn em ạ. Đó là một tiến trình xảy ra mỗi ngày. Mỗi ngày tiến về phía trước thêm một chút ít.
  •  Mỗi buổi sáng em không muốn đi làm. Ai cũng có nhiều việc mình cần phải làm, nhưng cùng lúc mình lại không muốn làm. Ai cũng phải tự tìm cách lên tinh thần cho mình để làm những việc cần làm cả. Em có thể sử dụng sự chán nản, tâm chán nản đó làm đề mục quan sát luôn nhé. Đừng để sự chán nản nó làm cảm xúc của em thêm nặng nề. Bởi vì, nó kiểu như có một vòng lặp vô hạn của mấy cảm giác tiêu cực này. Đầu tiên, em có cảm giác tiêu cực, ví dụ như không muốn đi làm. Nó làm em chán nản, uể oải. Rồi em so sánh, tại sao lại phải đi làm, trong khi cuộc sống cần bình yên và ổn định hơn như trạng thái tâm sau khi hành thiền vậy. Rồi tâm mình đưa ra đủ các dẫn chứng, suy nghĩ, dự đoán, … để “bênh vực” cho luận điểm “không muốn đi làm”. Và càng có thêm dẫn chứng, dự đoán, suy  nghĩ, … cảm xúc em lại càng tiêu cực hơn, khổ sở hơn,… Cái vòng lặp này, nếu mình không chú ý ngắt nó, bằng cách ngắt các suy nghĩ tiếp theo của nó, thì nó cứ thế tự động hoành hoành và làm em mất rất nhiều năng lượng. Nên em cần lấy cơ hội “cảm thấy chán nản” này để quan sát và ngắt nguồn đó đi. Mỗi khi chán nản, em chỉ tập trung loay hoay rà soát trên thân mình một chút rồi dừng lại ở đó. Thường thì nó sẽ làm cho người em bứt rứt, ngột ngạt, khó chịu, thậm chí còn nhức đầu. Rà soát toàn bộ những cảm nhận khó chịu trên thân đó. Sự khó chịu, bứt rứt đang xảy ra ở đâu? Và dừng lại, nhắc nhở các bộ phận đó thư giãn. Nhắc nhở rằng sự chán nản đó cũng chỉ là một cảm giác mà thôi. Nó không thể tồn tại mãi được, nếu mình không thêm nhiên liệu suy nghĩ cho nó. Một lúc sau thì nó sẽ bớt làm phiền em. Và rồi em có thể vui vẻ đi làm mấy việc em không thích thôi. Các cảm giác chán nản đó cũng mong manh dễ vỡ như bất cứ một trạng thái tâm nào. Như anh có chia sẻ trong bài Đối trị với khủng hoảng cuộc đời, lui tới thì chúng ta cũng chỉ giải phương trình của các nhu cầu như: đức tin, tài chính, các mối quan hệ, sức khoẻ, và sự phát triển bản thân mình (mà đúng hơn là phát triển tâm linh). Cuối cùng thì cần phải giải quyết một cách cân bằng tất cả các nhu cầu này. Càng lớn tuổi, càng trưởng thành thì lời giải phải càng bớt cực đoan, càng nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như tài chính chẳng hạn. Hồi trẻ thì mong nhà to, xe đẹp, áo quần, tiện nghi, … Trưởng thành lên thì chúng ta thấy được rằng chẳng cần nhiều đến thế. Ngày cũng chỉ ăn ba bữa, tối cũng chỉ ngủ được trên một cái giường nho nhỏ mà thôi. Những nhu cầu đó một mặt thì lại đơn giản hơn, một mặt thì chúng ta thấy nhu cầu phát triển tâm linh càng ngày lại càng quan trọng hơn. Và sức khoẻ cũng quan trọng không kém. Khi đó, chúng ta cân bằng lại nhu cầu của mình. Quá trình này sẽ cần phải có thời gian, đầu tư, suy nghĩ thấu đáo và chuẩn bị để có thể chuyển từ hoàn cảnh hiện tại, sang cuộc sống mà mình mong muốn. Tài chính là một trong những nhu cầu có lẽ là khó chịu nhất cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, do ý thức được nhu cầu của mình càng ngày càng đơn giản nên việc tìm được cỗ máy tài chính thích hợp trở nên khả thi hơn, dễ dàng hơn. Anh tin là như vậy. Khi đã có đường hướng giải quyết cho nhu cầu tài chính rồi thì chúng ta có nhiều thời gian và công sức hơn để tập trung vào việc phát triển tâm mình, sức khoẻ, và các mối quan hệ. Đừng nôn nóng trong tiến trình này. Nếu có thể tìm được một công việc độc lập hoặc nguồn thu tài chính thụ động mà chúng ta ít phải bỏ công sức, thời gian thì quá tốt. Nếu không có được, hoặc chưa có được lựa chọn đó thì việc đi làm là việc cần làm. Tuy nhiên, cần cân nhắc để công việc nó không chiếm hết thời gian và sức lực của mình để còn có thời gian và công sức cho các nhu cầu kia. Một điều quan trọng cần luôn ghi nhớ là việc kiếm tiền phải là việc thiện. Cần phải kỹ lưỡng ở đó nhé.
  • Các lớp thiền, các hoạt động của anh? Tính anh thì ít đi lại, giao du. Anh cũng không thường tổ chức đi đây đi đó. Hồi trước, anh còn có tổ chức các khoá thiền. Nhưng giờ thì cũng dừng luôn rồi. Vì anh quan sát thấy rằng, sau biết bao nhiêu lớp thiền, chỉ có lèo tèo vài người là phù hợp với Pháp, đều đặn thực hành Pháp, và cung kính Pháp. Nên công sức bỏ ra thì nhiều mà kết quả lại khá khiêm tốn. Thực ra, đó cũng phù hợp với những gì mà Đức Phật đã dạy. Thời điểm hiện nay cho đến khi Vị Phật kế tiếp xuất hiện thì Pháp sẽ xuống dốc, ý là việc cung kính và thực hành Pháp xuống dốc. Đó là sự việc tự nhiên, sẽ xảy ra như vậy. Nên chẳng thể nào “gồng mình” lên mà “cứu Pháp” làm gì. Pháp vẫn sẽ là Pháp. Những ai cung kính Pháp vẫn sẽ tìm được về với Pháp. Chỉ là ngày càng có ít người phù hợp mà thôi. Nên việc hỗ trợ mọi người đến với Pháp và thực hành Pháp thì vẫn cần phải làm. Nhưng sẽ cần phải tinh tế hơn, khéo léo hơn, và phù hợp hơn. Hiện tại, anh chưa có chương trình gì trước mắt cả.

Tóm lại thì các vấn đề của em thì tựu trung lại chỉ cần chú ý một điểm sẽ giải quyết được hết: chánh niệm mọi nơi, mọi lúc. Và để hướng tâm mình được dễ dàng hơn thì em cần phải có một mức độ định tâm, định tĩnh, thư giãn và bình yên nhất định. Khi đó, sẽ dễ để chánh niệm và định hướng tâm mình hơn, đặc biệt là khi đang bối rối. Thực hành đều đặn nhé. Và mở rộng thực hành ra ngoài khoá thiền bằng cách quan sát tâm mình, gọi tên các cảm xúc, cảm giác, trạng thái tâm mình trong cuộc sống hàng ngày. All the best!

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Leave a Reply