Người không theo Đạo Phật có hành thiền được không?

Trích từ bài pháp Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm Vipassana

Câu hỏi: Người không theo Đạo Phật có hành thiền được không?

Thiền sư Sayadaw U Jotika: Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này. Tôi rất thích câu chuyện đó. Tôi đã bắt đầu hành thiền mà không gọi bản thân mình là một Phật tử. Tôi đã rất tò mò về nhiều thứ. Tôi bắt đầu hành thiền chỉ bởi vì tôi yêu kính vị thầy dạy nhạc của tôi, người đã bảo tôi hành thiền. Nhưng tôi cũng rất hứng thú với thiền tập. Tôi đã muốn tìm xem điều gì sẽ xảy ra nếu tôi hành thiền. Và điều đầu tiên tôi nhận ra là sau khi hành thiền khoảng một tháng, tâm của tôi trở nên định tĩnh và bình yên hơn rất nhiều. Tôi không phản ứng lại các tình huống một cách quá mức nữa. Tôi thì thuộc loại nóng tính. Tôi trở nên khó chịu rất nhanh. Tôi nóng tính và trở nên giận dữ rất nhanh. Nhưng điều đó không còn nữa. Ngay cả bây giờ, đôi khi tôi cũng trở nên khó chịu. Nhưng nó không tệ như trước đây. Hồi đó, tôi có xu hướng thấy mọi điều tồi tệ xảy ra trên thế giới này. Kể từ khi còn rất nhỏ, tôi thường nhìn thấy được việc sai trái nhiều hơn việc đúng đắn. Điều đó làm tôi rất khổ sở. Nếu bạn đi lòng vòng và chỉ toàn thấy được những điều tồi tệ đang xảy ra trong thế giới này, bạn sẽ cảm thấy như thế nào nhỉ? Bạn sẽ cảm thấy khổ sở hầu như mọi lúc. Nhưng sau khi hành thiền, tâm của tôi trở nên định tĩnh, bình yên, và hạnh phúc hơn. Rồi tôi bắt đầu thấy được những điều tốt đẹp trong bản thân mình và những người xung quanh. Điều đó làm tôi hạnh phúc hơn.

Sau khi thực hành thiền được khoảng 8 năm, một ngày nọ, tâm của tôi trở nên rất định tĩnh và bình yên. Sự bình yên đó thực sự quá đặc biệt. Sau khi cảm nhận được sự bình yên sâu sắc đó, một cách tự động, tôi cảm nhận được một sự biết ơn to lớn đến Đức Phật. Cho đến thời điểm đó, tôi vẫn chưa xem mình là một người thực hành Phật pháp. Nhưng sau khi cảm nhận được sự bình yên rất sâu sắc đó, một cách tự động tôi cảm nhận được lòng biết ơn vô cùng đến Đức Phật. Và rồi chẳng biết như thế nào mà tôi đã bắt đầu niệm câu: “Buddham saranam gacchami” (Con xin thành kính quy y Phật). Điều đó cũng mang lại cho tôi thật nhiều hỷ lạc. Như tôi có chia sẻ, tôi đã không tin vào bất cứ ai. Tôi không tin rằng có người biết được sự thật. Mặc dù, họ có thể có ý định tốt và dạy chúng ta nhiều thứ. Những gì họ dạy có thể đúng, cũng có thể sai. Chẳng ai biết được. Hoặc nó có thể đúng một phần hoặc sai một phần. Tôi có một bản tính rất hoài nghi. Mặc dù biết ơn sự tử tế của mọi người, tôi lại chẳng tin rằng họ biết sự thật. Sau khi hành thiền, tôi có được cảm nhận bình yên rất sâu sắc đó. Sự bình yên sâu sắc đó cũng mang lại cho tôi cảm nhận của tự do, một loại tự do. Rồi cũng rất tự động, tôi cảm nhận sự biết ơn đối với Đức Phật. Và một cách vô thức, tôi bắt đầu niệm các câu tam quy:

Buddham saranam gacchami
Dhamma saranam gacchami
Sangham saranam gacchami

(Con xin thành kính quy y Phật
Con xin thành kính quy y Pháp
Con xin thành kính quy y Tăng)

Như vậy, tôi đã thực hành thiền trước khi trở thành một Phật tử. Có một câu chuyện khác, một ví dụ từ thời của Đức Phật. Chuyện được kể lại trong một chuyến du hành của Đức Phật. Ngài rất đẹp, có thể nói như vậy. Và thường thì mọi người không biết rằng đó là Đức Phật. Ngài chẳng nói rằng Ngài là Đức Phật. Ngài chỉ du hành. Một ngày nọ, Ngài đến nhà một vị nhà giàu. Vào thời đó, bất cứ khi nào một vị sư đến nhà, bạn sẽ mời vị sư đó ở lại, sắp xếp chỗ nghỉ và cúng dường bữa ăn cho vị sư. Như thế, vị nhà giàu này thỉnh mời Đức Phật ở lại và sắp xếp nơi nghỉ tốt nhất ở trong nhà dành cho Đức Phật. Ngài đã ở lại ngôi nhà đó. Vào cùng thời điểm, có một vị sư khác cũng đến nơi. Vị sư này đã nghe được về Đức Phật và sư có mong muốn được gặp Đức Phật. Thật may mắn là sư đến đúng cùng căn nhà và hỏi xin để nghỉ lại. Vị chủ nhà đồng ý cho sư ở lại và bố trí ở chung phòng với Đức Phật. Đức Phật là một vị thầy rất thân thiện. Ngài chào hỏi vị sư trẻ: “Sư khoẻ không? Sư đến từ đâu? Chuyến đi của sư có vui không? Có gì khó khăn không?” Vị sư trẻ trả lời rằng: “Không có vấn đề gì. Chuyến đi ổn và tôi ổn.” Đức Phật tiếp tục hỏi rằng: “Vậy sư đang đi đến đâu?”. Vị sư trẻ trả lời: “Tôi nghe nói có một vị Phật, một người đã giác ngộ hoàn toàn. Và tôi muốn gặp vị Phật đó.” Đức Phật đã không hề cho vị sư trẻ biết rằng Ngài là người mà sư đang đi tìm. Ngài đã không nói gì về điều đó. Ngài chỉ nói rằng: “Ồ, vâng”. Và rồi Ngài bắt đầu nói về các qui luật của tự nhiên, cách mà tâm và thân vận hành, cách mà mọi thứ liên quan với nhau. Dần dần, Ngài đã dạy vị sư trẻ tất cả mọi thứ về cách vận hành của tâm và thân. Bởi do vị sư trẻ này rất nghiêm túc, rất khiêm tốn, và cũng có đầu óc rất dễ tiếp thu, sư đã chú tâm lắng nghe kỹ lưỡng. Sư hiểu được một cách sâu sắc mọi từ, mọi lời chỉ dẫn, và mọi câu giải thích từ Đức Phật. Vào cuối buổi nói chuyện, sư đã đạt ngộ. Nhưng sư không hề biết rằng Đức Phật đang dạy sư. Như vậy, việc bạn biết đây là Phật pháp chẳng phải là việc cần thiết. Bạn chỉ cần thực hành mà thôi.

Khi bạn gọi bản thân mình là một Phật tử, điều đó có nghĩa là gì? Nó chẳng có ý nghĩa gì nhiều lắm. Nhiều người hỏi tôi rằng: “Tôi có nên cải đạo sang Phật giáo không?” Nhiều người đã đến và hỏi tôi như vậy. Và tôi đã hỏi lại rằng: “Tại sao bạn muốn cải đạo sang Phật giáo?” Bạn chỉ cần thực hành là được rồi. Chỉ cần thực hành. Bạn không cần phải cải đạo sang Phật giáo. Ý bạn là gì khi bạn nói rằng “cải đạo sang Phật giáo”? Bạn chỉ thay đổi tên gọi mà thôi. Bạn gọi bản thân mình là một Phật tử. Nhưng chỉ với việc tự gọi bản thân mình là một Phật tử thì chẳng thay đổi bất cứ điều gì cả. Nếu bạn thực sự hiểu được Phật pháp và nếu bạn thực hành, đó mới là một điều gì đó đáng kể. Nó sẽ làm cho cuộc sống của bạn khác đi. Như vậy, bạn không cần phải là một Phật tử để thực hành (thiền tập).

Leave a Reply