Trong cuộc sống, có quá nhiều sự trái ngược, tréo ngoe, éo le mà thoạt nhìn thật là vô lý. Nhưng thật ra, chẳng có gì là vô lý cả. Chỉ toàn sự hợp lý xảy ra ở xung quanh chúng ta mà thôi.
Khi mua hoa quả, chắc hẳn hầu hết mọi người đều chọn những trái có bề ngoài đẹp, màu sắc đẹp, bóng lưỡng, tròn trịa, cân đối. Và cũng chính vì biết được mong muốn đó của người mua, một nền nông nghiệp khổng lồ với các qui trình kỹ càng từ việc tạo giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đã được ra đời để có thể đảm bảo sản xuất được thật nhiều hoa quả đẹp với giá cả phải chăng. Vâng, từ khoá là “đẹp”. Và không may, các tiến trình kỹ càng của gieo trồng kia lại không thực sự thuận với tự nhiên. Hoá chất được lạm dụng để can thiệp quá sâu vào các tiến trình của tự nhiên và cùng lúc tàn phá sự màu mỡ của đất đai. Ví dụ như hoá chất bảo vệ thực vật được phun lên cây (rồi từ từ ngấm vào đất). Phân bón hoá học để bổ sung dưỡng chất cho cây cũng được “nạp” vào đất. Đất đai dần bị nhiễm độc, nguồn nước cũng bị nhiễm độc từ đó. Không may, nước tưới cho cây cũng lại phải dùng chính nguồn nước bị nhiễm độc này. Kết quả là càng canh tác, đất đai ngày càng xấu đi, khô cằn, không còn màu mỡ nữa. Một kết quả khác là hoa trái thu hoạch được trông có vẻ đẹp với hình dáng và màu sắc. Nhưng khi ăn vào, chúng ta chẳng thể nào tìm lại được độ ngọt của các hoa trái canh tác tự nhiên mà chúng ta đã từng ăn hồi còn nhỏ. Và khi nhìn lại tiến trình của canh tác nông nghiệp như trên thì chúng ta có thể thấy kết quả trái ngược, không mong muốn này là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì hoa trái đã mất hết enzyme mà lẽ ra chúng có mặt khi được canh tác tự nhiên.
Một điều tàn nhẫn hơn mà tôi thấy được ở các vùng quê hiện nay chính là việc bơm thêm các hoá chất lên hoa trái hoặc phun xịt hoá chất lên hoa trái, sau khi thu hoạch để trái chín đẹp và bảo quản được lâu trên đường vận chuyển. Nếu ăn phải những trái cây đó thì chẳng khác nào tự tiêm chất độc trực tiếp lên cơ thể mình. Nên bây giờ, khi đi mua hoa quả trái cây, nếu thấy hoa trái quá đẹp cũng chẳng còn dám mua. Trái khế xù xì như hình trên lại chính là trái khế ngọt ngào, đậm đà. Vậy chẳng nhẽ phải đổi tiêu chí lựa chọn hoa trái về chữ “xấu”, thay vì “đẹp”.
Một nghịch lý khác nữa là giá cả của các sản phẩm nông nghiệp gieo trồng, canh tác tự nhiên không hoá chất, không chất bảo vệ thực vật lại thường là mắc hơn, thậm chí mắc hơn nhiều, so với các sản phẩm cùng loại nhưng canh tác theo lối công nghiệp. Tôi đọc được một kết luận ngược ngạo đâu đó trong các cuốn sách về ăn uống, dinh dưỡng rằng, ở Mỹ, chỉ có giới nhà giàu thì mới đủ tiền để ăn uống đúng dinh dưỡng với các sản phẩm nông nghiệp canh tác tự nhiên. Ở Việt Nam, tôi nghĩ tình hình cũng không mấy là khác biệt. Vì chi phí để có thể có được nông sản canh tác tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày chẳng rẻ chút nào. Nên hầu hết dân ở thành thị sẽ chẳng có điều kiện để có được thực phẩm tốt.
Như vậy, chẳng lẽ hầu hết chúng ta lại không xứng đáng với những gì là tốt đẹp? Đây là một câu hỏi tôi dành cho mọi người. Câu trả lời là chúng ta xứng đáng với những gì là tốt đẹp. Nhưng điều mấu chốt là mỗi người trong chúng ta cần có trách nhiệm cá nhân để tìm về với sự tốt đẹp đó. Chẳng có gì là miễn phí cả. Hãy đầu tư để tìm hiểu thấu đáo về dinh dưỡng, về ăn uống đúng. Rồi từ từ, ai cũng có thể tìm được giải pháp cho bản thân mình từ đó. Một số tựa sách tôi đã đọc qua mà bạn có thể tham khảo bao gồm: Cuộc cách mạng một cọng rơm, Nhân tố enzyme, Ăn gì không chết, Ăn ít để khoẻ, Cancer-Free.
Có lẽ bạn cũng không có nhiều lựa chọn. Bởi nếu bạn cứ mãi tiếp tục cho vào người những thực phẩm công nghiệp, có hại thì điều kế tiếp xảy ra là sức khoẻ của bạn xuống cấp cho đến một ngày bạn chuyển vào bệnh viện. Chẳng ai mong muốn điều đó cả.
2 thoughts on “Những sự trái ngược hợp lý (1)”