Xuất gia?

Em chào anh Hùng! Thật duyên lành cho em đã được ở tại Thiền viện LC gần 2 tuần ạ. Em đã về lại cuộc sống hàng ngày. Mọi việc thật khó và không áp dụng được thời khóa tu hành của LC.
Anh cho em hỏi anh câu hỏi riêng của anh nhé ạ. Sao Anh không xuất gia?

Hello em!
Trước khi trả lời câu hỏi, anh muốn nhắn một điều rằng: Hãy giữ gìn được sức khoẻ nhé, để được thuận lợi trong việc tu tập. Sức khoẻ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hành thiền. Nhưng cơ thể của chúng ta thì lại cứ đang già cỗi đi, xuống cấp đi. Nên cần phải thực sự đầu tư nghiêm túc cho sức khoẻ thì mới mong có được một cái gì đó hay ho chờ đợi ở cuối con đường của lão, bệnh và tử. Tham khảo thêm các chia sẻ về dinh dưỡng và thanh lọc mà anh có chia sẻ ở đây:

Tại sao anh không xuất gia? Cái cần phải hình dung trước hết là: Vậy thì mục tiêu của người xuất gia là để làm gì? Theo anh biết thì các bậc cao quý xuất gia với mục đích cao thượng là thực hành pháp, đến với pháp và cam kết trọn vẹn cả cuộc đời mình để làm việc đó: Thực hành pháp, hành trì theo những gì Đức Phật đã chỉ dạy. Cụ thể hơn là hành thiền chánh niệm, mà như Ngài đã có tuyên bố rằng đó là con đường duy nhất để tận diệt khổ đau, để thanh tịnh tâm mình, để vượt khỏi phiền não, để đến với chánh đạo, và để đạt được quả vị cao nhất – chứng ngộ niết bàn.

Trở lại với câu hỏi: Tại sao anh lại không xuất gia? Nếu mục đích của việc xuất gia là “thực hành chánh niệm” thì cũng có thể xem xét ở một khía cạnh khác là thực hành chánh niệm thì không hẳn chỉ có mỗi một lựa chọn là xuất gia. Anh cần phải tự mình chọn con đường phù hợp với hoàn cảnh của mình, và cần luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng là thực hành chánh niệm.

Xuất gia là cam kết cao nhất để có thể trọn vẹn, để có thể dành cả cuộc sống của mình, dành mọi sự ưu tiên và tài nguyên của cuộc đời mình để thực hành chánh niệm. Tuy nhiên, như em có thể hình dung, với môi trường hỗn loạn như hiện nay thì việc tìm được một nơi chốn phù hợp để xuất gia là không hề là dễ dàng gì. Một khía cạnh khác nữa là chẳng thể nào theo lý trí, chủ quan duy ý chí để đi theo đường xuất gia được. Theo như anh hiểu thì đa phần các bậc trí tuệ mà anh biết đều là theo xu hướng ngược lại: “con đường xuất gia” lựa chọn họ. Cho đến thời điểm này, bản thân anh chưa thấy “con đường xuất gia” lựa chọn anh :-). Nên anh vẫn ở đây thôi… Như vậy, điều cốt yếu là cần phải biết mục tiêu của mình, mục tiêu của cuộc đời mình. Chứ không phải là xuất gia hay cư sĩ.

Anh tin rằng ai cũng muốn một cuộc sống ngày càng thuận lợi hơn. Và điều đó cần phải bắt đầu bằng việc hiểu được tâm mình, sau đó là uốn nắn tâm mình, và cuối cùng là giải phóng tâm mình khỏi các nút thắt, trói buộc của sự thiếu hiểu biết. Công cụ để huấn luyện tâm mình là “thực hành chánh niệm”, nó sẽ giải quyết được một cách trọn vẹn bài toán cuộc đời của bất cứ ai. Tất nhiên là ở trong một môi trường xuất gia đúng đắn thì việc thực hành chánh niệm sẽ trở nên tốt nhất, thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nó không phải là cho số đông. Và thực hành chánh niệm cũng không nhất thiết cứ phải chỉ dành riêng cho người xuất gia. Mà nó cũng còn dành cho cả những người cư sĩ, những người bình thường, dành cho những ai thực sự nghiêm túc muốn tìm hiểu tâm mình, uốn nắn tâm mình và giải phóng tâm mình. Chỉ cần bắt đầu ở đó mà thôi.

Điều tuyệt vời đi cùng với quá trình thực hành chánh niệm là mọi việc sẽ chuyển đổi, pháp sẽ vận hành và “đẩy” cuộc đời của thiền sinh theo hướng thuận pháp. Và sau đó, điều gì đến nó sẽ đến em ạ. Ngài Jotika, vốn dĩ chẳng phải là một Phật tử, nhưng sau khi hành thiền đủ lâu, Ngài đã xuất gia để cam kết trọn vẹn cuộc đời mình cho việc thực hành pháp. Anh cũng đã từng nghe câu chuyện tương tự như vậy của Sư Yuttadhammo, một vị sư người Canada, Thầy đã chọn con đường xuất gia vì đó là con đường cho phép Thầy trọn vẹn với việc thực hành thiền chánh niệm. Hoặc như trường hợp của một vị thầy khác mà anh biết, là đến một giai đoạn nhất định của cuộc đời, vị này cứ như bị ép buộc, bị đẩy vào con đường xuất gia một cách “hợp lý”, một cách “tình nguyện” nhất. Câu giải thích anh có cho trường hợp này hiện nay là: do bởi các thiện nghiệp mà vị này đã tích luỹ được từ các cuộc sống trước, ở cuộc sống hiện tại, đến một giai đoạn chín muồi thì con đường xuất gia sẽ nổi bật lên trên tất cả mọi việc khác và làm luôn công việc lựa chọn cho vị ấy.

Riêng đối với anh, thì sau một thời gian thực hành thiền tập, nó đã tự động đẩy anh ra khỏi con đường kinh doanh, chứ thực ra anh không có nhiều lựa chọn ở đó. Chẳng thể nào làm khác đi được. Nghe thì có vẻ như bị động và bất lực. Nhưng thực ra, đó là một lựa chọn tốt đẹp cho cuộc sống của anh. Đó là bởi vì “chánh niệm” lựa chọn cho anh, chứ không phải cái tôi của anh lựa chọn cho anh. Chánh niệm luôn đi kèm với trí tuệ em ạ. Và anh nghĩ rằng, anh sẽ tiếp tục kiên trì với việc thực hành chánh niệm. Anh mong muốn mình được là một người bình thường, mong muốn được thực hành chánh niệm nhiều nhất có thể trong cuộc sống mà thôi. Đó là mục đích cuộc sống của anh hiện nay. Anh tin vào quyết định của mình và anh tin vào con đường mình đang đi.

Lời khuyên của anh đối với em là cứ kiên trì thực tập theo những gì được hướng dẫn mà tụi anh đã đăng hết trên SMP. Những ai chuyên cần thực tập đều đặn sẽ gieo duyên để đến được với các vị thầy, đến được với Pháp. Em cứ kiên trì chuyên cần sắp xếp đều các khoá thiền hàng ngày nhé. Đó là con đường ngắn nhất để đến với các vị thầy. Kiên trì đầu tư vào việc thực hành chánh niệm thôi em ạ. Từ đó, mọi thứ nó sẽ từ từ chuyển đổi, cách suy nghĩ của em, sức khoẻ của em và cả cuộc sống của em. Cố gắng nhé.
VH

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Leave a Reply