Tâm vững chãi?

Hỏi: Em đang tập ngồi thiền theo thu âm hướng dẫn 15 phút của anh. Trong quá trình thiền, em cũng bắt đầu đã tập trung được, hạn chế được những suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Nhưng không biết sao cứ mỗi lần tập trung như vậy mà có một tiếng động khá to. Như gần cuối thu âm, có đoạn anh nói để toàn cơ thể thả lỏng và anh im lặng một vài phút, đến khi anh lên tiếng để kết thúc thì em lại bị giật mình bởi lúc đó ạ. Như vậy có phải do tâm em không vững chãi không ạ? Có cách nào để không bị giật mình khi có tiếng động bất ngờ trong không gian yên tĩnh không ạ?

Đáp: Hello em! Tốt quá, nếu em đã bắt đầu gieo trồng được cho mình thói quen ngồi thư giãn, rà quét, thả lỏng như vậy thì quá hay rồi.

Việc ngồi thư giãn là để cảm nhận trực tiếp những gì đang xảy ra ở hiện tại, chứ không phải là để tập trung nhé. Suy nghĩ bớt đi là do hệ quả của quá trình chỉ đặt trọng tâm vào việc cảm nhận ở hiện tại. Điều quan trọng cần hiểu là việc liên tục cảm nhận (trên thân và tâm) trong thời khoá lại không phải là để tập trung, không phải là để “tắt” suy nghĩ. Mặc dù rằng suy nghĩ ít đi là kết quả mình hướng tới, nhưng khi thực hành trong thời khoá lại không phải là “chăm chăm” vào việc hạn chế suy nghĩ hay làm ngừng bặt các suy nghĩ. Ở giai đoạn đầu (mà thường là kéo dài còn lâu), hầu hết thiền sinh chưa đủ năng lực để làm việc trực tiếp với tâm (quán sát tâm). Thay vào việc cố gắng làm điều đó thì thiền sinh chỉ cần đơn giản tập trung vào việc ghi nhận các cảm nhận, các cảm giác trực tiếp có mặt ở hiện tại, trên thân của mình một cách liên tục. Cảm nhận, cảm giác trên thân thì luôn có ở đó và dễ cảm nhận được một cách trực tiếp hơn.

Như vậy, em chỉ cần ghi nhớ là trong suốt thời khoá, cho dù em đang rà quét, thư giãn, hay thả lỏng, nhiệm vụ của mình chỉ là làm mỗi một việc mà thôi: Liên tục ghi nhận các cảm nhận và cảm giác, trực tiếp kinh nghiệm được ở bất cứ nơi đâu trong thân và tâm mình, ở trong giây phút hiện tại. Cần ghi nhớ nhiệm vụ duy nhất này của thiền sinh. Bất cứ lúc nào em mất đi sự cảm nhận, nghĩa là không biết được đang có cảm nhận hay cảm giác nào ở hiện tại cả, là em đã ra khỏi thiền chánh niệm. Việc này, tất nhiên sẽ xảy ra thường xuyên. Bởi vì, là người thường, phàm nhân, chúng ta chẳng thể nào giữ chánh niệm (sự hay biết, chú ý lên các cảm nhận) được lâu. Việc cần làm là chỉ cần đưa tâm mình quay về với việc ghi nhận các cảm nhận và cảm giác mà thôi. Cảm nhận và cảm giác trực tiếp thì lui tới cũng chỉ mấy thứ như nóng, lạnh, cứng, mềm, dễ chịu, khó chịu, căng nhức hay thư giãn, … Em chỉ cần ghi nhận một cách đơn giản như thế. Rồi từ từ, em sẽ thấy tâm mình trở nên mềm mại, dễ uốn nắn, linh hoạt, thư giãn, … Khi tâm mình được như vậy thì mọi việc sẽ trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn để nhìn nhận và xử lý.

Việc em giật mình là do em đã có một đoạn tĩnh lặng tâm sau khi thư giãn, thả lỏng và rà soát. Kiểu như khi đó, tâm nó hơi bất động. Nên khi có một tác động vào tâm trở lại như tiếng động chẳng hạn, thì cảm nhận của em khi đó bất ngờ rõ hơn, ở cường độ mạnh hơn. Do sự bất ngờ và cường độ mạnh đó, nên nó sẽ làm cho em giật mình. Điều đó là bình thường, không có gì cần phải lo ngại. Nhưng như anh có nói ở trên, mục đích của việc thực hành thiền chánh niệm là: Liên tục, liên tục ghi nhận các cảm giác, cảm nhận trong hiện tại. Mục tiêu của việc rà quét, thả lỏng là để làm cho tâm mình thư giãn, mềm mại, tỉnh táo, tỉnh giác. Và sau đó sẽ dễ dàng hơn để ghi nhận các cảm nhận hoặc cảm giác, mà nó cứ liên tục xảy ra trên thân và tâm mình. Nếu em có thể cảm nhận liên tục như thế, thì kể cả khi có tiếng động lớn bất ngờ xảy đến, tâm em cũng chỉ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình – cảm nhận sự biến đổi đó mà thôi. Cũng chỉ là các cảm nhận, cảm giác, những sự thay đổi. Nhưng do nhận biết liên tục, tỉnh giác liên tục nên em không bị giật mình. Còn nếu em đang tĩnh lặng, đang không làm công việc ghi nhận cảm nhận và cảm giác thì tất nhiên, khi một tiếng động với cường độ mạnh hơn bình thường xảy ra thì nó sẽ tác động lên tâm có vẻ như mạnh hơn và tạo nên sự giật mình mà thôi. Không sao cả. Nhưng nó cũng cho thấy em đã ra khỏi thiền chánh niệm vào thời điểm đó.

Như giải thích ở trên thì việc giật mình không hẳn là tâm em không vững chãi hay là có vấn đề gì hết nhé. Nó là bình thường. Tâm vững chãi không phải là tâm không lay động. Mà tâm vững chãi là tâm nhận biết được mọi thứ đang lay động trong mình mà không hề bối rối. Việc liên tục ghi nhận trực tiếp chính là để huấn luyện tâm mình luôn luôn mềm dẻo, nhận biết được những gì đang diễn ra liên tục trên thân và tâm của mình. Khi mình nắm bắt được diễn biến liên tục thì các lời giải cho các vấn đề trong tâm mình, các phản ứng có lợi nhất cho mình nó cũng nằm ở đó. Chúng ta gặp vấn đề là bởi vì tâm không theo kịp tiến trình diễn biến của mọi việc đang xảy ra mà thôi. Mà trong tâm và trong thân thì chắc chắn luôn luôn có một điều gì đó mới mẻ, liên tục xảy ra.

Kết luận lại là em tiếp tục các khoá 15 phút và chỉ cần thay đổi thái độ hành thiền lại là ổn nhé. Ghi nhớ rằng, chỉ có mỗi một nhiệm vụ mà thôi, liên tục ghi nhận các cảm giác, cảm nhận trực tiếp đang xảy ra trên thân và tâm của mình. Dễ nhất là chú ý trên thân. Tâm rất khó nắm bắt. Và tâm mình nó “lừa” mình thường xuyên, do chưa được huấn luyện, nên cũng khó tin tưởng vào tâm. Trong khi cảm nhận và cảm giác trên thân thì đáng tin cậy hơn, trong lúc đang huấn luyện tâm mình. Chỉ cần tập đơn giản như vậy thôi. Khi nào thấy không còn ghi nhận được các cảm nhận, cảm giác thì lại đưa tâm trở về ghi nhận. Thế thôi nhé. Cứ kiên trì như vậy cũng phải một thời gian lâu. Rồi từ từ, em mới thấy tâm mình trở nên thuần hoá.

Em đọc kỹ lại các notes anh ghi ở đây: Các ghi chú cho việc hành thiền chánh niệmĐiều kiện cần để hành thiền chánh niệm. Đầu tư thời gian để nghe đi nghe lại 3 chương đầu của cuốn Bản đồ hành trình tâm linh và cuốn Thiền cho người mới bắt đầu. Hoặc em có thể cài đặt ứng dụng Saigon Meditation Project trên điện thoại. Ứng dụng này là miễn phí. Em nghe tất cả các bài Pháp của Sư Tâm Pháp và sách nói ở trong đó. Cứ lần lượt từ từ mà nghe.

Việc cần làm là cứ đều đặn thực hành các thời khoá hàng ngày. Sau một thời gian, lại nghiền ngẫm các cuốn sách và bài pháp anh đề cập ở trên. Cứ kiên trì như vậy thôi nhé. Nếu em thực hành đều và duy trì thái độ hành thiền đúng thì chắc chắc em sẽ thấy chất lượng tâm của em ngày càng tốt lên hơn. Tự em sẽ cảm nhận được điều đó. Ví dụ như trước nay hay nóng giận thì càng ngày càng bớt đi. Hoặc tâm trong sáng hơn, tỉnh táo hơn, ra quyết định được tốt hơn. Gud luck!

Hỏi: Dạ không phải thiền là mình thả lỏng thân tâm, nhận diện bản thân mình trong giây phút hiện tại ạ? Em ghi nhận các cảm nhận cảm giác lên cơ thể như hơi thở tắc nghẽn ở đâu, cảm nhận những chỗ đau trên cơ thể như chữa lành cho em bé thân tâm vậy. Có người nói nếu em hay bị giật mình như vậy dễ bị tẩu hoả , vì thân tâm không vững.

Đáp: Thiền chánh niệm mà Đức Phật dạy không phải như vậy nhé. Mặc dù kết quả cuối cùng chắc chắn là sự chữa lành, nhưng khi thực hành thì không phải là “cảm nhận chỗ đau trên cơ thể …” Nó nghe giống giống là có chữ cảm nhận mà thôi. Nhưng chi tiết về pháp hành thì khác, mà cụ thể là chỉ đơn giản một nhiệm vụ như anh nói ở trên. Em cứ đọc kỹ và nghiền ngẫm 3 chương đầu của cuốn Bản đồ hành trình tâm linh. Trong đó, Thiền sư Jotika dạy rất chi tiết. Và phải đọc nhiều lần mới có thể từ từ hiểu được những gì Ngài dạy. Đọc, rồi hành thiền, rồi đọc lại, cứ làm vòng lặp đó thôi. Và anh đề nghị em nên đọc, chứ không phải nghe. Đọc, và ghi chú. Bởi do, khi nghe, dễ bị bỏ qua rất nhiều thứ. Còn nếu chầm chậm đọc từng câu, nghiền ngẫm lâu thì mới thấy rõ được những lời dạy sâu sắc của Thiền sư Jotika. Em cũng nên tham khảo phần chuẩn bị tâm, để có thể tự chuẩn bị cho mình được tốt nhất trong quá trình hành thiền. Anh đọc cuốn sách Bản đồ hành trình tâm linh lần đầu từ hơn 10 năm trước. Nhưng cho đến năm nay, khi đọc lại và anh thấy mình vẫn chưa hiểu hết được những ý tứ mà Ngài dạy. Cuốn sách đó chỉ có thể hiểu được bằng việc thực hành mà thôi. Thực hành và đọc lại, nghiền ngẫm, chỉnh sửa việc thực hành rồi lặp lại vòng lặp này.

Nếu em hành thiền đúng thì em sẽ tự cảm nhận được rằng: Chất lượng tâm tốt hơn, cụ thể là độc lập hơn, tự tin hơn, sáng rõ hơn, tỉnh giác hơn, đơn giản hơn, linh hoạt hơn,… Em tự cảm nhận được. Còn nếu chất lượng tâm không đi lên thì cần xem lại để chỉnh sửa việc hành thiền nhé. Cứ kiên trì.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Leave a Reply