“Tỉ phú, nhà sáng lập công ty game trực tuyến khổng lồ qua đời ở tuổi 54 sau khi điều trị bệnh trầm cảm… để lại vợ và hai cô con gái tuổi thiếu niên. Ông xuất hiện lần đầu trong Danh sách người giàu ở Hàn Quốc hồi năm 2007, vị trí thứ 28 với giá trị tài sản ròng 590 triệu USD và lọt vào bảng xếp hạng tỉ phú trong năm 2011.”
Tình cờ lướt qua post này trên LinkedIn và không khỏi giật mình. Xót xa.
Giàu có, thành công, trẻ tuổi (có thể nói như vậy, vì 54 tuổi ở thời nay thì còn quá trẻ). Cuối cùng đi nữa chết đi vì căn bệnh của xã hội hiện đại. Vậy giàu có, thành công để làm gì? Có lẽ nếu theo dõi mấy người lọt vô danh sách Giàu có này nọ, đa phần cuộc sống của họ chẳng thể có chất lượng tương xứng với của cải, chức danh và sự thành công mà họ có được. Hoặc như anh 54 tuổi này. Vậy thì vinh danh cái gì nhỉ? Bởi vì nếu không khéo, sự vinh danh này sẽ cổ xuý giới trẻ đi theo vết xe đổ của những người đi trước. Liệu họ có phải là hình mẫu của một cuộc sống đáng có? Thật là khó nghĩ.
Tôi nghĩ rằng, việc thành công, nổi tiếng, giàu có, bản thân việc đó chẳng có gì xấu. Và thực tế mà nói, đó là việc khó làm, ít người làm được. Nên tôi chẳng hề có ý hạ thấp sự giỏi giang và xuất sắc của họ trong việc kinh doanh. Thực lòng là như vậy.
Nhưng câu hỏi đặt ra là cuối cùng đi nữa thì cũng để làm gì? Những người thành công, nổi tiếng là những người cực kì thiếu tự do. Đó là cái “giá” phải trả cho sự thành công và nổi tiếng. Có phải vậy không? Hãy để ý cho kỹ. Họ chẳng hề có nỗi những phút giây riêng tư, do bởi lịch trình làm việc, di chuyển dày đặc. Rất khó để họ có được tự do về mặt thời gian. Trong khi thời gian thì lại là một loại tài nguyên đặc biệt, được phân chia công bằng cho tất cả mọi sinh vật sống trên cuộc đời này. Nếu bạn đã không còn được tự do với thời gian của mình thì thực tế bạn có là người tự do không? Hơn thế nữa, điều này làm tôi nhớ đến một sự thật gây sốc được chỉ ra trong cuốn Tuyết giữa mùa hè: Bận rộn là con đường dẫn đến khùng điên (busyness is the way to craziness).
Và nếu bạn đã mất đi tự do, thì liệu bạn có nhiều lựa chọn cho cuộc sống của mình không? Hơn nữa, làm sao bạn có thể mang lại tự do cho người khác, khi bạn chẳng có tự do cho riêng mình?
Danh từ thường dùng để gọi các nhân vật quan trọng là … “yếu nhân”. Nó hoàn toàn không thể hiện bản chất rằng, họ là những nguyên thủ quốc gia, những ngài Tổng giám đốc của các công ty to lớn, những con người mạnh mẽ, đanh thép, đưa ra những quyết định mà có khi còn định đoạt luôn cả mạng sống và vận mệnh của nhiều người. Cuối cùng cũng để làm gì?
Đây chẳng phải là câu hỏi dễ trả lời. Bởi vì chúng ta cứ mãi bị cuốn theo cơn bão cuộc đời, của lòng tham muốn, thay vì bị cuốn theo trí tuệ, sự hướng thiện. Cuối cùng thì cũng để làm gì? Câu hỏi này thường treo lơ lửng trên đầu của chúng ta khi sắp phải lìa xa khỏi cuộc đời này, hoặc là khi gặp phải tình huống khủng hoảng, bị mắc kẹt hoàn toàn, khi chúng ta không còn cựa quậy gì được nữa. Mong là đã không quá trễ, khi mỗi một chúng ta phải đối diện với câu hỏi hóc búa này.
Nếu theo nền tảng luân hồi thì thực ra, cho dù trễ đi bao nhiêu nữa thì chúng ta vẫn còn có cơ hội, nhiều cơ hội, khi phải đối diện với sự sống và cái chết, của sự bế tắc. Bởi vì, chúng ta vẫn còn nhiều cuộc sống ở trước mặt. Chúng ta chỉ cần dừng lại, tỉnh táo để tự hỏi mình xem “cuối cùng cũng để làm gì”? Đó là tác dụng của pháp thiền “niệm chết” trong Phật giáo, khi chúng ta tự hình dung xem, nếu chúng ta chết thì sẽ như thế nào, điều gì là quan trọng đối với cuộc đời của chúng ta? Chúng ta chỉ cần dừng lại, vất bỏ lại tất cả những gì không có ý nghĩa cho cuộc sống lâu dài của chúng ta, bắt đầu lại từ đầu. Dù có thể là trễ, vẫn không là muộn, vì chúng ta còn những cuộc sống kế tiếp.
Hãy nghiêm túc với cuộc sống của bản thân mình từ câu hỏi đó: “Cuối cùng đi nữa thì cũng để làm gì?”. Cuối cùng thì điều gì là quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta, quan trọng thực sự, chứ không phải những thứ hào quang, ngắn ngủi mà chúng ta vẫn lầm tưởng? Chìa khoá hằng ngày để chúng ta trả lời câu hỏi này là sự cảm nhận khách quan ở trên thân và tâm của chúng ta đối với những gì đang xảy ra. Cụ thể là: các hành động, suy nghĩ và lời nói của chúng ta đang làm hại chúng ta hay không? Rồi từ đó uốn nắn bản thân mình sao cho các hành động, suy nghĩ và lời nói của chúng ta là có lợi ích cho chính mình. Các bạn có thể tham khảo thêm trong bài Đối trị với khủng hoảng cuộc đời.
Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự do, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, Sức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana), Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com