Đối trị với cô đơn và chơi vơi

Sau khi nghe bài Đừng mắc cỡ với chính bản thân mình và đọc bài Thổ lộ, một bạn đọc đã chia sẻ rằng, gần đây bạn ấy rơi vào tâm trạng cô đơn (do không bộc bạch được tâm mình với ai khác). Hồi trước, thì bạn ấy lại có xu hướng ít chia sẻ vì không muốn chia sẻ. Bây giờ, cần chia sẻ lại không có ai phù hợp để chia sẻ. Bạn ấy cũng chia sẻ rằng, mình chưa ở mức có thể tự thổ lộ với chính mình, như được chỉ ra ở đoạn cuối của bài Thổ lộ. Nên bạn ấy vẫn có nhu cầu được chia sẻ với ai đó về những điều muốn làm, những điều đang suy nghĩ. Rủi thay, sự bận rộn trong công việc và việc gia đình, con cái đã lấy hết thời gian để có thể tự tìm cho mình một vị thầy.

Câu chuyện này làm bật lên trong đầu tôi hai chữ “cô đơn” và “chơi vơi”. Tôi chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng phải đối mặt với hai chữ này nhiều lần trong đời. Chẳng có ai là ngoại lệ cả.

Cô đơn là bởi vì ở xung quanh không có ai hiểu mình, không có ai đồng cảm với những suy nghĩ của mình. Tôi quan sát được rằng, nếu chúng ta thực sự đã trưởng thành, có một nội tâm sâu sắc, có một trí tuệ sâu sắc, có một tâm linh sâu sắc, căn bệnh “cô đơn” này chẳng thể tồn tại được. Hoặc có tồn tại thì cũng chỉ là thoáng qua. Các bậc thầy về tâm linh đa phần đều chọn lối sống độc cư, ẩn cư, tránh xa hầu hết việc gặp gỡ, giao tiếp với con người. Người bình thường thì lại cứ phải cất công lặn lội để tìm gặp, đảnh lễ cho bằng được các bậc thầy, và xin các lời khuyên cho các vấn đề của họ. Còn các vị thầy thì lại tránh xa cuộc sống ồn ào, xáo động. Một điều ngạc nhiên là các bạn có thể cảm nhận được ngay một “tâm trường” mát lành, bình an ở xung quanh các vị thầy, khi có dịp ở gần hoặc đảnh lễ các Ngài. Họ chẳng cô đơn, dù sống một mình, dù rằng chẳng gặp ai và cũng chẳng có nhu cầu gặp ai. Thật là nghịch lý nhỉ? Mấu chốt nằm ở chỗ các Ngài ở một tầng mức trí tuệ và tâm linh cao hơn người thường rất nhiều.

Chắc chắn là đa phần chúng ta vẫn chưa thể có đủ sự trưởng thành về tâm linh và trí tuệ đó. Trong đầu của chúng ta vẫn luôn có vô vàn những bối rối, những tâm tiêu cực, mà có thể gọi chung hết tất cả chúng là phiền não – những điều làm chúng ta phiền lòng. Nó có thể là những sự lo lắng thường gặp như: lo lắng về bệnh tật mình đang có, lo lắng về công việc, lo lắng về tương lại của bản thân mình, của con cái, của gia đình mình, … Hoặc đôi khi cũng chẳng có gì là cụ thể cả. Đôi lúc, sáng sớm ra, khi mới thức dậy, tâm trí của chúng ta đã bị đè nặng bởi một sự bất an mà chúng ta chẳng thể biết là nó do đâu cả. Cô đơn là hệ quả của vòng xoay luẩn quẩn của các phiền não này ở trong đầu của chúng ta. Chúng ta chưa tìm được cách đối trị được các phiền não đang nổi trội ở thời điểm hiện tại, lại cũng không chia sẻ được với ai. Và rồi điều này lại nhấn chìm chúng ta, làm chúng ta kiệt sức, mất động lực. Khi chúng ta kiệt sức, mất động lực, đó là lúc chúng ta thấy mình thật chơi vơi.

Vậy chúng ta có thể làm gì để giải quyết sự cô đơn, sự chơi vơi, các phiền não này? Như tôi có chia sẻ ở trên, đích đến cần nhắm tới là việc tăng trưởng trí tuệ và tầng mức tâm linh của mình. Vậy bằng cách nào đây?

(1) Tìm cho mình một phương pháp để thực hành tâm linh. Thường thì chữ “tâm linh” hay đi kèm với chữ “tôn giáo”. Nhưng thật ra không nhất thiết phải như vậy. Nhiều người thực hành tâm linh mà không theo một tôn giáo nào cả. Tôi đọc được trong cuốn Không thể sống thiếu thiền của Thiền sư Sayadaw U Jotika một định nghĩa như sau: “Tâm linh nghĩa là thiện lành, cao thượng, tốt đẹp cho thân và tâm của bạn, làm cho bạn cảm thấy bình an và hạnh phúc.” Những ai biết cách thực hành tâm linh và thực hành đều đặn hàng ngày thì đều có một cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng, không chơi vơi. Phương pháp rèn luyện tâm linh duy nhất mà tôi biết và thực hành hiện nay là thực hành thiền chánh niệm, thực hành lối sống chánh niệm. Với những lợi ích rõ ràng và thuyết phục của thiền chánh niệm mà tôi đã và đang trải nghiệm, tôi chân thành đề nghị bạn tìm hiểu cho mình các kiến thức về thiền chánh niệm và từ từ thử thực hành những gì là đơn giản nhất, để có thể mang đến sự bình yên và tươi sáng cho bản thân mình. Bạn có thể tham khảo cuốn Không thể sống thiếu thiền mà tôi đã thu âm để có thêm các kiến thức và số liệu. Bạn cũng có thể tham khảo thêm bài Câu chuyện về thiền, Saigon Meditation Project và tôi để bước những bước đầu tiên đến với thiền.

(2) Tìm cho mình một vị thầy. Như chia sẻ trong bài Câu chuyện về thiền, Saigon Meditation Project và tôi, vị thầy sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của bất cứ ai. Các Ngài chính là những người đã chứng ngộ, đã đạt đạo, đã thấu hiểu. Đối với những người bình thường như chúng ta, để có thể đi trên con đường tâm linh được đúng đắn thì chắc chắn sẽ cần đến những vị thầy có đủ tiêu chuẩn như thế trực tiếp chỉ dạy cho chúng ta. Vị thầy sẽ là người hiểu rõ hoàn cảnh và mức độ tâm linh hiện tại của học trò để hướng dẫn cụ thể cho học trò đi trên con đường tâm linh của họ. Nhưng cũng thử thách thay, việc tìm được một vị thầy trực tiếp cho mình chẳng hề dễ dàng gì. Tôi không có một hướng dẫn cụ thể nào cho việc này, ngoài một số đề nghị như sau: niềm tin, sự kiên trì, sự nhiệt tâm, một sự đầu tư xứng đáng.

Hãy tưởng tượng về một cuộc sống viên mãn, ở đó, trạng thái tâm của chúng ta trong sáng, tích cực, tươi mới, đầy năng lượng, mát lành, cân bằng, hài hoà, định tĩnh, tỉnh giác, … Bạn cần tự mình tin rằng, mình xứng đáng với những điều đó. Và từ đó, bạn mới có được niềm tin cũng như giữ cho mình được niềm tin rằng, một ngày nào đó bạn sẽ gặp được vị thầy của mình.

Với niềm tin ở trên, bạn cần kiên trì và cởi mở tìm hiểu về việc phát triển tâm linh, điều gì là phù hợp với mình? Tìm được điều gì thì mang ra thực hành điều đó xem nó có tác động trực tiếp như thế nào lên thân và tâm mình. Từ đó, có thể kết luận cho mình rằng điều gì là phù hợp, là có ích với hành trình phát triển tâm linh của mình và điều gì là ngược lại. Tiêu chuẩn để đánh giá có phù hợp hay không phù hợp thì lui tới cũng chỉ vài từ khoá mà thôi: bạn đơn giản hơn, độc lập hơn, thoải mái hơn, cởi mở hơn, nhiều từ tâm hơn, buông bỏ được nhiều thứ hơn.

Thật ra, chẳng dễ dàng gì để duy trì được sự kiên trì ở trên. Nên rất cần một sự nhiệt tâm không mệt mỏi ở chính trong con người bạn để duy trì ngọn lửa này. Cần một sự bền bỉ và không ngừng phấn đấu, trong hành trình tâm linh này.

Với niềm tin, sự kiên trì, sự nhiệt tâm, các bạn sẽ biết để dành cho mình một sự đầu tư thích hợp và xứng đáng cho hành trình này. Đầu tư để phát triển tâm linh luôn là một sự đầu tư hiệu quả nhất. Kết quả cuối cùng là bạn có được sự bình yên, mãn nguyện. Sự đầu tư này chính là nói đến thời gian bạn dành cho việc thực hành tâm linh, trong tổng quĩ thời gian của mình. Không có đầu tư thích đáng thì cũng chẳng có kết quả nào đáng kể cả. Đó vốn dĩ là điều đương nhiên.

Trên nguyên tắc là chỉ cần 4 điều trên, niềm tin, kiên trì, nhiệt tâm, sự đầu tư thích đáng. Nhưng đó cũng chỉ mới là việc cần làm. Còn khi nào có kết quả thì chẳng thể nói được. Thực ra, cũng chẳng có lựa chọn nào khác. Nếu các bạn có 4 điều trên thì nó hoạt động kiểu như luật hấp dẫn, sẽ từ từ dẫn dắt bạn đến với những kiến thức mà bạn cần có, những con người mà bạn cần gặp, và những thay đổi mà bạn cần thực hiện. Đơn giản thì cũng chỉ là như thế. Nhưng thực tế thì lắm lúc thấy cũng tréo ngoe. Người thì có quá nhiều sự hỗ trợ và các vị thầy. Người thì cả đời cũng không có được những thứ như thế. Tôi nghĩ rằng, chúng ta xứng đáng với những gì chúng ta đã đầu tư mà thôi. Nếu chưa thấy kết quả thì tiếp tục với niềm tin, kiên trì, và nhiệt tâm, tiếp tục đầu tư thêm.

Tôi kể sơ qua câu chuyện tìm về với thiền và tìm được vị thầy của mình để mọi người có thể hình dung. Từ khi còn bé, tôi đã ngờ ngợ và tự cảm nhận được rằng mình phù hợp với Phật pháp, dù rằng gia đình tôi vốn dĩ vô thần. Nhưng kể cả sau khi ra trường và đi làm, tôi vẫn không thực sự đầu tư thời gian để có thể tìm hiểu và thực hành Phật pháp. Cho đến một ngày, sự ra đi của ba tôi, sự bình yên trên khuôn mặt của ông và các trải nghiệm bình yên trong tang lễ đã thôi thúc tôi bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu và thực hành Phật pháp. Lúc ban đầu, tôi cứ đinh ninh là tôi sẽ phù hợp với một truyền thống, tạm gọi là truyền thống A, của Phật giáo. Nhưng sau khi tự tìm hiểu và tự thực hành, tôi lại chẳng thấy mình phù hợp. Nên tôi tiếp tục tìm kiếm. Tôi đến được với thiền, thông qua việc tự học, tự hành. Và cũng phải mất đến vài năm, tôi mới nhận ra rằng trong thiền cũng có lắm kiểu thiền, lắm truyền thống thiền. Chỉ có thể thông qua việc tự thực hành, tự kiểm chứng, tự nghiền ngẫm thì mới có thể tìm được cho mình một truyền thống thiền phù hợp, phù hợp cho hành trình phát triển tâm linh của bản thân. Xuyên suốt hành trình đó, tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại luôn có đức tin rằng, tôi xứng đáng một cuộc sống tốt hơn. Có lẽ sự ra đi yên bình, khuôn mặt bình yên của ba tôi đã củng cố niềm tin cho tôi. Những việc còn lại (nhiệt tâm, kiên trì, đầu tư) đến rất tự nhiên do bởi niềm tin tôi có trong người. Thực tế mà nói, tôi bắt đầu chủ yếu bằng việc đọc sách Phật giáo, nghe sách Phật giáo có sẳn miễn phí rất nhiều trên Internet. Việc đọc, nghe và tự thử thực hành đã cho tôi một số kết luận ban đầu, rằng điều gì là phù hợp và điều gì là không phù hợp đối với cá nhân tôi. Rồi cũng từ những cuốn sách mà tôi tâm đắc đã dẫn dắt tôi đến được với các vị thầy của tôi. Cũng phải mất một thời gian dài tôi mới có thể tìm cho mình được vị thầy của mình, để có thể tiếp tục hành trình sâu sắc hơn trong việc phát triển tâm linh cho bản thân mình.

Việc tìm được cho mình một vị thầy hay không còn tuỳ thuộc vào việc bạn có xứng đáng với điều đó hay không. Ngoài việc phải có niềm tin, có xứng đáng hay không là nằm ở chỗ bạn có kiên trì, có nhiệt tâm, có đầu tư hay không. Nếu bạn nhiệt tâm với pháp, điều đó có năng lực thúc đẩy bạn đi những bước đi đầy ý nghĩa để đến với những gì bạn cần có trên hành trình của mình.

Một việc khác tôi quan sát được là: có một số người đã có duyên đến được với một vị thầy tâm linh rồi. Nhưng họ lại không có sự nhiệt tâm thực hành pháp, và sau một thời gian, họ tự đánh mất luôn vị thầy của mình. Hãy chú ý.

(3) Nương tựa ở chính bản thân mình. Như có chia sẻ ở trên, hành tìm được cho mình một vị thầy là một hành trình dài. Câu chuyện của tôi nghe có vẻ đơn giản (vậy cũng phải mất hơn 5 năm cho đến khi tôi gặp được vị thầy của mình), nhưng thực tế thì nó có thể không đơn giản cho nhiều người. Vậy thì trong lúc vẫn cần thêm thời gian để tìm kiếm cho mình một vị thầy tâm linh, chúng ta có thể làm gì?

Chúng ta có một người thầy luôn ở bên cạnh mình, đó chính là bản thân mình. Đó là người thầy gần gủi nhất, hiểu biết về mình nhất của bất cứ ai. Chúng ta cần tự nương tựa ở chính bản thân mình, để người thầy đó có thể dạy dỗ chúng ta nên người. Nhưng cần lưu ý rằng, câu nói “chúng ta có thể nương tựa ở chính bản thân mình” có thể gây bối rối cho nhiều người.

Nếu thực sự chúng ta có thể nương tựa được ở bản thân mình rồi thì liệu có cần đến vị thầy chăng? Thực ra hai việc này nên được tách ra. Khi nói đến nương tựa ở chính bản thân mình là ý nói đến việc nương tựa vào chánh niệm từ tâm của chính chúng ta. Chánh niệm và từ tâm của chúng ta sẽ dạy dỗ chúng ta mọi thứ. Đó mới là nơi chúng ta cần nương tựa vào. Các bạn có thể tham khảo thêm cuốn Ngôi nhà chánh niệm về chủ đề này. Sách điện tử miễn phí ở đây: https://tinyurl.com/35kyxkyv. Chánh niệm và từ tâm là nơi để chúng ta tự nương tựa vào. Còn vị thầy tâm linh thì lại giúp chúng ta ở vai trò của một vị thầy. Đó là những hướng dẫn, dạy dỗ mà người ở tầm mức cao hơn chúng ta có thể trao tặng cho chúng ta. Và thực ra, kể cả đã tìm được cho mình một vị thầy rồi thì chúng ta cũng không thể có thầy mãi ở bên mình được. Đa phần thời gian, chúng ta cũng không được ở gần bên vị thầy của mình. Mà chúng ta chỉ có thể nương tựa vào sự dạy dỗ của vị thầy và niềm tin của mình đặt vào vị thầy mà thôi. Và cùng với chánh niệm và từ tâm của mình để tự đi trên con đường tâm linh của mình.

Nếu chúng ta thực hành chánh niệm, cho dù ở mức đơn giản nhất, sơ khởi nhất, thì từ từ, chúng ta có thể nhận biết được tâm mình, nhìn thấy được tâm mình được rõ ràng hơn, đặc biệt là các phiền não (điều gì làm chúng ta phiền não, làm sao để đối trị với nó). Chính sự nhìn thấy này là công cụ để xoá tan phiền não. Do đó, chúng ta không còn cảm giác cần phải thổ lộ với ai điều gì nữa. Nên đó cũng là cách chúng ta kết thúc sự cô đơn và chơi vơi của mình.

(4) Một số đề nghị cụ thể, đơn giản. Cần nhớ rằng, để có thể tự nương tựa ở bản thân mình, để có thể duy trì được cho mình một cuộc sống tỉnh giác, sống động, tràn đầy năng lượng, điểm then chốt là các bạn phải đều đặn cho tâm trí của mình nghỉ ngơi, tĩnh lặng, thư giãn. Đó là cách để gieo trồng chánh niệm và từ tâm. Các mục (1), (2), (3) ở trên có thể giúp bạn hiểu được các điều cơ bản để tự mình tìm câu trả lời cho hoàn cảnh riêng của mình. Nhưng có lẽ, nó vẫn còn chưa được cụ thể lắm. Nên phần này, tôi đưa ra một số đề nghị cụ thể, đơn giản hơn để các bạn có thể bắt đầu.

  • Tham khảo bài Câu chuyện về thiền, Saigon Meditation Project và hãy tiến hành ngay những bước đầu tiên để đến với thiền. Hãy thực hành những gì là đơn giản nhất. Việc thực hành thực ra phải cần giữ cho được ở mức đơn giản nhất có thể. Và vẫn cần 4 yếu tố niềm tin, kiên trì, nhiệt tâm, sự đầu tư nhé.
  • Nghe pháp thường xuyên. Các bạn có thể tìm thấy trong ứng dựng mobile SMP (https://saigonmeditationproject.org/ung-dung-di-dong-smp/) có sẳn gần 200 bài pháp thoại và sách dành riêng cho việc học, hành thiền và huấn luyện tâm trí. Khối lượng đó là quá đủ cho bất cứ ai. Cần nghe đi, nghe lại và đem ra thực hành những lời dạy của các vị thiền sư. Chỉ có thể thông qua thực hành bạn mới học được và thay đổi được.
  • Đối với những con người hiện đại, suy nghĩ quá nhiều, một liệu pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả là đi bộ. Tôi nghe câu chuyện về Steve Jobs rằng, ông ấy rất chú trọng việc đi bộ để thư giãn, sáng tạo và giải quyết các vấn đề lớn trong kinh doanh. Ở đây, tôi đề nghị các bạn đi bộ để thư giãn, sáng tạo và giải quyết các vấn đề lớn trong cuộc đời bạn: phiền não. Tôi chắc chắn rằng bài tập này là rất hiệu quả, mà lại đơn giản. Trong ngày, hãy sắp xếp để có thể đi bộ tầm 2h. Các bạn có thể chia thành 2 hoặc 3 thời (1 thời tầm 30-40 phút hoặc 1h). Việc bạn cần làm trong lúc đi chỉ đơn giản là: tự nhắc nhở bản thân đi bộ để thư giãn (chứ không phải đi hùng hục như tập thể dục). Cứ nhẹ nhàng, thoải mái, thư giãn và khoan thai bước đi. Mục tiêu là cảm nhận được càng nhiều về bước chân của mình càng tốt (bước chân nặng hay nhẹ, nhanh hay chậm, vội vàng hay khoan thai, sự tiếp xúc lên mặt sàn là cứng hay mềm, nóng hay lạnh, …) Nếu các suy nghĩ kéo đến thì chỉ cần đơn giản, nhẹ nhàng kéo tâm mình trở lại với việc cảm nhận những gì là thô nhất trên bàn chân của mình. Rồi từ từ, cảm nhận sẽ tốt hơn và các suy nghĩ sẽ bớt xen ngang vào việc đi bộ. Đây là cách để gieo sự tĩnh lặng vào tâm mình, và chánh niệm sẽ từ đó theo vào. Những lúc tôi cảm thấy kiệt sức, mất năng lượng, hoặc những lúc trong người có bệnh, tôi thường đi bộ như vậy. Và hiệu quả nó mang lại là tức thì nhé các bạn.
  • Các bạn cũng có thể ngồi thư giãn, rà soát như Ngài Sayadaw U Jotika có hướng dẫn ở đoạn cuối của bài pháp này: Thiền cho người mới bắt đầu. Cần lưu ý rằng, phải thật kiên trì nhé. Bởi vì, ngay cả với một con người kiệt xuất như Ngài Sayadaw U Jotika mà cũng phải mất đến 8 năm thực hành đơn giản như vậy mới có được một trải nghiệm thiền quý giá đến độ thay đổi mãnh liệt cuộc sống của Ngài. Nên những con người bình thường như chúng ta thì chỉ cứ nên kiên trì thôi, đừng quá mong đợi. Điều tích cực là nếu các bạn kiên trì thả lỏng, rà quét, thư giãn như thế thì tâm của các bạn ngày càng được định tĩnh, chánh niệm hơn. Điều đó có nghĩa là chất lượng tâm dần được cải thiện tốt hơn. Chắc chắn các bạn sẽ tự cảm nhận được điều đó.

Như vậy, chỉ cần lặp lui, lặp tới những điều trên, các bạn có thể tự nương tựa vào chính bản thân mình và từ từ tìm được cho mình một vị thầy tâm linh để phát triển trí tuệ và tâm linh của mình, để đối trị trực tiếp với sự cô đơn và chơi vơi. Cầu mong mọi thuận lợi và bình an đến với các bạn.

Leave a Reply