Chủ ngữ giả, tả sự thật?!!

Thay vì là suy nghĩ, là cảm xúc, hãy là sự nhận biết ở đằng sau chúng. (*)

Eckhart Tolle

Tôi tình cờ học được một điều lý thú rằng: trong câu “trời mưa”, hay “trời đang mưa”, chủ ngữ là dư thừa. Trong câu này, chủ ngữ chỉ mang tính qui ước, chỉ đặt vào cho đúng ngữ pháp. Chứ nó chẳng là một đối tượng chắc thật nào cả. Nó là một chủ ngữ giả, nhưng lại tả sự thật là đang có mưa. Bởi vì, có thật là trời đang làm mưa không? Chẳng phải vậy, chẳng có ông trời nào làm mưa ở đây cả. Mưa chỉ là một hiện tượng tự nhiên, khi mây gió hội tụ đủ điều kiện thì có mưa rơi xuống, hoàn toàn không có ai đứng đằng sau điều khiển cả. Chỉ là đang có mưa ở ngoài kia mà thôi. Nên chủ ngữ hay đại từ “trời” ở đây không phải là một đại từ mô tả sự thật. Nhưng nếu nghe quen tai rồi thì cứ như có vẻ là có “ông trời” đứng đằng sau, làm mưa vậy. Nghe cứ như trong câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ.

Trong tiếng Anh thì câu trên là “it is raining”. Không có chữ trời, mà thay bằng chủ từ “it”. Nó chung chung hơn. Nhưng chủ từ vẫn mang tính ước lệ, cho đúng ngữ pháp, chứ chẳng đại diện cho một đối tượng thật nào cả. Cũng vẫn chỉ có một sự thật là có mưa, đang mưa mà thôi. Không có ai đứng đằng sau hành động đó cả.

Trở lại câu nói trên của Echkhart Tolle, vậy đằng sau các suy nghĩ, các cảm xúc là gì? Là cái tôi chăng? Tôi đang buồn, tôi đang vui, tôi đang dự định, tôi đang lên kế hoạch? Liệu cái tôi đó có thực không? Cái tôi đó có điều khiển được suy nghĩ của mình không? Cái tôi đó có điều khiển được cảm xúc của mình hay không? Hay cũng chỉ là chủ từ giả, mang tính ước lệ? Một sự nhầm tưởng, hiểu lầm?

Nếu chẳng có cái tôi nào, nếu “tôi” cũng chỉ là chủ từ giả thì suy nghĩ chỉ đơn thuần là suy nghĩ, không có tôi suy nghĩ. Cảm xúc chỉ đơn thuần là cảm xúc, không phải tôi cảm thấy rằng …

Tôi dành riêng câu hỏi này cho bạn tự trả lời. Không chắc rằng bạn có cùng một câu trả lời giống với câu trả lời của tôi. Nhưng bạn có thể tự quan sát một cách khách quan những gì đang diễn ra trong tâm của bạn mỗi ngày và rồi tự nhìn thấy xem đằng sau suy nghĩ, đằng sau cảm xúc là điều gì, là ai?

Sách vở Phật giáo thì nói rằng, chẳng có ai cả. Rằng chính sự bối rối này, chính sự đồng hoá các suy nghĩ và cảm xúc là tôi và của tôi, sự nhầm tưởng rằng có cái tôi đứng ở đằng sau, có cái tôi điều khiển được các suy nghĩ và cảm xúc của mình, những hiểu lầm đó mới khiến chúng ta gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác. Nhưng việc nhìn thấy được, chấp nhận được sự thật này thì lại là cả một hành trình của việc huấn luyện tâm mình. Và việc nhìn thấy được sự thật này sẽ hoá giải mọi khổ đau.

Hãy quan sát và nghiền ngẫm xem: Vậy ai đứng ở đằng sau suy nghĩ và cảm xúc của bạn? Ai đang hỏi ai vậy? Chẳng có ai cả.

(*) Câu gốc tiếng Anh: “Rather than being your thoughts and emotions, be the awareness behind them.”

Leave a Reply