Lãnh đạo bền vững

Đây là trích đoạn trong cuốn sách mà tôi đang viết, tạm được đặt tên là Lãnh đạo không khó. Là bài viết nháp. Nhưng ý tứ cũng đã đầy đủ để mọi người tham khảo nhé.

Lãnh đạo bền vững

Có một câu chuyện mà tôi cứ phải tự nhắc mình đều đặn mỗi một khi có các biến cố xảy ra trong cuộc đời tôi. Lần đầu tiên tôi nghe được nó là từ một bài nói chuyện của Sư Ajahn Brahm. Tựa câu chuyện đại loại là “Tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được”. Đại khái câu chuyện như sau. 

Ngày xửa ngày xưa, chuyện cổ tích thì nó thường là như vậy… Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua rất mê săn bắn. Một lần nọ, trong lúc đi săn, chẳng may nhà vua bị thương ở ngón tay. Khi trở về, nhà vua triệu thái y đến để chữa trị vết thương. Khi được triệu tập, vị thái y này lẩm bẩm rằng, “tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được.” Rồi lật đật vào chữa trị cho nhà vua, rửa vết thương và băng bó cho nhà vua. Vài ngày sau, không may vết thương bị nhiễm trùng khiến nhà vua phải cắt bỏ mất ngón tay. Nhà vua giận dữ, tống giam vị thái y vào ngục. Khi bị đưa đi, vị thái y lẩm bẩm rằng, “tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được.” 

Thời gian qua đi, nhà vua lại tiếp tục với thú vui săn bắn của mình. Trong một lần mãi chạy theo vết của con nai đã bị trúng tên, nhà vua một mình đi lạc vào mãi sâu trong rừng và không may bị bắt giữ bởi một bộ tộc thổ dân đang sinh sống ở khu vực đó. Đêm hôm đó cũng là đêm làm nghi lễ cúng tế thần linh của bộ tộc. Theo tập tục, sẽ cần phải tế thần một mạng sống. Nên việc bắt được nhà vua cứ như là một việc may cho bộ tộc. Bởi vì, họ đã có được lễ vật tế thần. Nhà vua được tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị cho nghi thức tế thần tiến hành vào đêm hôm đó. Rồi cuối cùng, thời khắc đó cũng đến. Trước khi thực hiện nghi lễ, già làng xem xét kỹ càng vật tế thần và bất chợt xanh mặt. Con người này bị thiếu mất một ngón tay. Nếu ta tế mạng ông ấy cho thần linh, e rằng thần linh sẽ quở phạt, trách mắng vì sự không trọn vẹn này. Nhờ đó, nhà vua được tha mạng, thoát chết trong đêm hôm đó. Sau này, nhà vua được quan quân giải cứu trở về kinh đô. Khi đã thoát nạn trở về, nhà vua vô cùng biết ơn về việc ngón tay bị mất, mà nhờ đó đã thoát khỏi cái chết. Nhà vua đã ban bố lệnh ân xá cho vị thái y và triệu ông ấy vào triều gặp mặt. Khi nhận được lệnh ân xá, vị thái y kỳ lạ này vẫn chỉ lẩm bẩm một câu nói cũ rích, rằng “tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được.” Rồi ông ấy đi vào triều, gặp đức vua. Đức vua đã kể lại câu chuyện và có ý xin lỗi việc tống giam thái y vào ngục. Trong khi, chính vì bị mất ngón tay mà nhà vua đã thoát được kiếp nạn. Vị thái y vẫn chỉ lẩm bẩm có một câu nói đó, “tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được.” Nhà vua có ý tức giận gặng hỏi, “ý ngươi như thế nào mà nói câu nói đó?” Vị thái y mới giải thích rằng, nếu đã không bị tống vào ngục, có lẽ ông ấy đã cùng đi trong chuyến đi săn với nhà vua, để có thể chăm sóc sức khoẻ cho nhà vua, nếu tai nạn xảy ra. Và có lẽ không may thì ông ấy cũng sẽ bị bắt bởi bộ tộc kia. Nếu chuyện đó xảy ra thì ông ấy khó có thể toàn mạng được. Bởi vì, nếu phải chọn lựa giữa một người bị mất một ngón tay và một người có đầy đủ các ngón tay thì có lẽ câu trả lời là rõ ràng. Nên ông ấy kết luận rằng, “tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được.” 

Vâng, “tốt hay xấu, chẳng thể nào biết được.” Chẳng có ai chắc chắn được điều gì cả. Đó là sự thật. Chúng ta thật nhỏ bé trước thiên nhiên, trước vạn vật. Chúng ta chẳng có thể biết được một cách chắc chắn ý nghĩa của những gì đang xảy đến với chúng ta, mà đôi khi rất cực đoan, rất khổ đau. Chính vì sự thật này mà tôi sẽ đề nghị các bạn, những nhà lãnh đạo trong hiện tại, những nhà lãnh đạo trong tương lai cần nhận ra sự thật này. Rằng ở cương vị lãnh đạo, với trọng trách  nặng nề mà bạn đang gánh vác, một quyết định đưa ra nhiều lúc chẳng thể nào chắc chắn được là tốt hay xấu. Chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi đó. Nhưng có một điều có thể giúp giảm thiểu tối đa rủi ro của vấn đề này. Đó chính là thái độ của bạn, điều mà bạn hướng tới khi làm việc, khi đưa ra một quyết định, khi hành động. 

Với bất cứ quyết định và hành động nào mà bạn đưa ra, nên hướng tới hai chữ “lâu dài” và “bền vững”. Các từ khoá này tạo nên khung định hướng cho bạn cũng như đội nhóm của bạn tránh khỏi rất nhiều rủi ro, sai lầm. Mà trên hết thảy, chính mục tiêu hướng tới và thái độ cho lâu dài và bền vững mà các thành công và gặt hái của bạn, của đội nhóm, của doanh nghiệp sẽ hướng tới được các thành công mang tính ổn định và bền vững. Đó mới chính là cách đối trị tốt nhất với sự không chắc chắn, với sự bấp bênh của cuộc sống, của kinh doanh, của mọi thứ trên cuộc đời này. Sự kiện tàn khốc của thảm hoạ Covid-19 trong 2 năm qua đã tự nó nói lên tất cả về sự bấp bênh này, rằng chúng ta chẳng thể nào chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. 

Tất cả mọi thứ mà tôi trình bày ở những phần kế tiếp đều được định hướng bởi hai chữ lâu dài và bền vững này, mà như tôi thường gọi là xây dựng và phát triển kỹ năng “lãnh đạo bền vững”. Đó là thông điệp mà tôi muốn gửi đến các nhà lãnh đạo hiện đang làm việc ở các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ. Đó cũng là thông điệp mà tôi muốn gửi đến các nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai, những người có giấc mơ trở thành một nhà lãnh đạo trong một ngày không xa. Rằng nên hướng tới sự lâu dài và bền vững. Bởi vì đó là cách hiệu quả nhất để đối trị với thay đổi, với sự không chắc chắn, vốn là một phần tất yếu của cuộc sống này.

Kế đến, tôi có hai câu hỏi then chốt dành cho các bạn, các nhà lãnh đạo: (1) Tại sao bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo? (2) Mục tiêu và sứ mệnh của bạn ở vị trí lãnh đạo là gì? Tôi không thể có câu trả lời cho bạn ở đây. Chẳng có ý nghĩa gì để tôi đưa ra câu trả lời cả. Bởi vì, chẳng thể nào áp đặt câu trả lời mà tôi nghĩ là hợp lý, mà có thể là rất phù hợp cho cá nhân tôi, lên trường hợp cá nhân của bạn. Tôi chỉ đơn giản muốn đưa ra câu hỏi này để bạn tự mình nghiền ngẫm. Tôi nghĩ rằng, càng trả lời được các câu hỏi này một cách chi tiết thì bạn càng ý thức được rõ ràng hơn những gì đang đợi bạn ở cuối con đường. Tôi học được rằng, những ai không thực sự biết mình đang muốn gì, không thực sự biết mình đang làm gì chính là những người đang lãng phí thời gian của mình, lãng phí cuộc sống của mình nhất. Họ chỉ bị cuốn theo những gì ở xung quanh họ, sống bởi những tác nhân bên ngoài, chứ không thực sự sống cho bản thân mình. Và nếu bạn đang là như vậy, đang bị cuốn đi bởi ngoại cảnh, mà lại còn phải gánh vác trọng trách của một nhà lãnh đạo thì tôi nghĩ rằng những quyết định của bạn, những việc bạn làm sẽ có nhiều rủi ro của sự nguy hiểm. Mà rủi ro sẽ không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của riêng bạn, mà còn là cho những người xung quanh, cho cộng đồng và xã hội. Bởi vì, quyết định của bạn đưa ra chắc chắn ảnh hưởng đến nhiều người. Nên điều đó là nguy hiểm.

Quan nhất thời, dân vạn đại” là một câu nói trong dân gian và đó là sự thật. Là một nhà lãnh đạo, tôi đề nghị bạn nên khắc ghi câu nói này. Để trong mỗi suy nghĩ, hành động và lời nói của mình, bạn cần sống sao để bạn chẳng mất điều gì quí giá của mình khi trở về lại cuộc sống “thường dân”. Và đó là lý do tại sao bạn cần hướng tới hai chữ “lâu dài” và “bền vững”. Đó là lý do mà bạn cần phải tự mình liên tục xác nhận câu trả lời cho hai câu hỏi này: (1) Tại sao bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo? (2) Mục tiêu và sứ mệnh của bạn ở vị trí lãnh đạo là gì? 

2 thoughts on “Lãnh đạo bền vững

Leave a Reply