Cây ớt

Nhà tôi có vài cây ớt được anh hàng xóm tốt bụng gieo trồng cho đến ngày ra trái mang tặng cho vào dịp Tết để trang trí nhà cửa. Vào ngày Tết, màu xanh, màu đỏ của trái ớt mang lại nhiều cảm xúc tươi mới và tích cực cho mọi người.

Rồi Tết qua đi, ớt dần được ngắt và ăn trong từng bữa cơm. Hết trái. Cây chỉ còn lá mà không ra hoa, kết trái, cho dù chúng tôi vẫn tưới nước cho cây đều đặn. Cây trông có vẻ yếu ớt, thiếu sức sống.

Và rồi một hôm, vợ tôi phát hiện ra một điều… Nếu cô ấy sử dụng nước vo gạo để tưới cây ớt thì một cách nào đó, cây xanh trở lại, đầy sức sống trở lại, và ra hoa kết trái trở lại. Thật vui khi thấy điều đó, khi thấy có kết quả.

Thông qua đó, tôi cũng rút ra được một vài điều ý nghĩa.

  • Chắc hẳn cây nào cũng cần được chăm sóc, và cây nào cũng cần nước đều đặn. Chỉ là ít hay nhiều. Nhưng điều đó là chưa đủ để cây có thể phát triển, ra hoa và kết trái. Mà còn phải xem chúng ta tưới gì cho cây. Và tuỳ theo đó, nếu là phù hợp thì cây sẽ phát triển.
  • Tâm hồn của chúng ta cũng như cái cây kia, chắc chắn cũng rất cần tưới tẩm đều đặn hàng ngày. Việc liệu tâm hồn của chúng ta có “ra hoa, kết trái ngọt” hay không thì lại còn tuỳ vào việc chúng ta tưới tẩm gì vào tâm trí của chúng ta hằng ngày. Cần phải phù hợp, phải đúng đắn, phải lợi ích thì mới hi vọng ra hoa, kết trái được.
  • Nếu chúng ta vô ý hoặc cố ý “tưới tẩm” các trạng thái tâm tiêu cực mỗi ngày thì tâm trí chúng ta chỉ có thể héo hắt, quắt queo và không thể có gì tốt đẹp chờ đợi chúng ta ở cuối đường.
  • Nên việc quan trọng của chúng ta là cố ý “tưới tẩm” liên tục các trạng thái tâm tích cực, các trạng thái tâm thiện lên tâm trí của chúng ta. Để tâm trí và cuộc sống của chúng ta có thể ra hoa trái ngọt ngào.
  • Nước vo gạo vốn là phần bỏ đi. Nhưng những thứ tưởng chừng như bỏ đi đó lại phù hợp và có ích ở một nơi khác. Trong cuộc sống, chúng ta rất cần sự quan sát, sự tinh tế, sự khéo léo để thấy được điều này, để có thể tận dụng những gì tưởng như vô dụng trở thành “hoa thơm, trái ngọt”.

Việc hành thiền, thực hành chánh niệm, sống trong chánh niệm, sống với chánh niệm, tỉnh thức, biết mình chính là phương tiện để chúng ta có thể tưới tẩm tâm trí chúng ta, là phương tiện để chúng ta nhạy bén hơn giữa muôn vàn thử thách xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Hãy hành thiền! Hãy chánh niệm!

Leave a Reply