Các nguyên tắc nuôi dạy để giúp con trẻ lớn lên tự tin và hạnh phúc

04Làm thế nào để nuôi dạy con nên người luôn là nỗi trăn trở của hầu hết các bậc làm cha mẹ. Hiện nay, có rất nhiều cách nuôi dạy con: kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Đức, kiểu Do Thái… Mỗi người sẽ có cách dạy con khác nhau, cha mẹ có thể lựa chọn một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp lại với nhau để tạo nên cách dạy con riêng của riêng mình. Theo tôi suy nghĩ thì dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Đức, kiểu Do Thái, … hay bất cứ kiểu gì khác đi nữa thì đó chỉ là các tham khảo dành cho các bố mẹ. Các bố mẹ có thể tham khảo để có thêm kiến thức. Nhưng việc áp dụng thì lại hoàn toàn dựa trên việc cụ thể con bạn là người như thế nào? Để có thể hiểu được con trẻ thì cần nhiều thời gian để quan sát, để ý. Và cần nhiều những sự tinh tế trong việc quan sát để có thể hiểu được cá tính của con, sự khác biệt của con, thế mạnh của con, điểm yếu của con, các xu hướng phát triển của con. Và chính từ các quan sát này, các bố mẹ có thể có được sự hiểu biết sâu sắc về con mình, để từ đó có thể hướng dẫn, hỗ trợ con tốt nhất trong việc phát triển tâm hồn và thể chất cho con, để con có thể lớn lên một cách tự tin, tự lập và hạnh phúc.

Có một điều mà sau khi trải nghiệm nhiều trong cuộc sống và trải nghiệm thực tế đối với con, tôi nhận thấy rằng, con người ta sinh ra trên đời có nhiều thứ không thể hoặc khó có thể thay đổi được. Điều này rất phù hợp với ý tứ trong câu nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Con gái của chúng tôi đã thể hiện sự quyết đoán ngay từ khi mới được 2 tuần. Khi chúng tôi cố gắng cho con uống nước đủ để không bị bón. Kết quá là con đã cương quyết nhổ luôn nước từ trong miệng ra thành dòng. Cho đến giờ, cá tính đó vẫn thể hiện hàng ngày. Khi đi học ở trường mẫu giáo, cô giáo đã nhận xét rằng đối với con gái tôi, không ép bé được. Thay vào đó, cần dành thời gian giải thích lý do vì sao cho bé. Khi bé hiểu ra thì bé sẽ tuân thủ một cách nghiêm túc và trọn vẹn. Chứ ép buộc đối với bé là không khả thi. Khi chúng tôi nghe nhận xét đó, chúng tôi cười vì thực ra đó mới thực sự là con gái của chúng tôi. Điều này có vẻ như không thay đổi và được thể hiện ngay từ khi bé còn rất nhỏ.
Tôi khuyên các bố mẹ nên tinh tế dành thời gian quan sát hành động, lời nói và suy nghĩ của con trẻ. Có những thứ sẽ không thay đổi đối với các bé cho đến khi trưởng thành. Tôi thậm chí còn cố gắng ghi chép lại các ghi chú này để có thể quan sát và ghi nhớ tốt hơn về cá tính, tính cách cũng như các xu hướng của con gái chúng tôi. Tôi đã tạo mục “Thư gửi con gái” (mà tôi có chia sẻ một vài bài viết ở đây) và cố gắng ghi chép, chụp hình, quay video lại các hình ảnh, lời nói, câu chuyện của con gái.
Trong vai trò làm bố, làm mẹ, cần hiểu sâu sắc về điều này để có thể tôn trọng con (như con đang là) và tạo điều kiện để hỗ trợ và phát triển các xu hướng và thế mạnh của con, thay vì phát triển con theo ý kiến và mong muốn chủ quan của cha mẹ. Ví dụ như mong rằng con lớn lên sẽ trở thành một bác sĩ giỏi, thành một người tháo vát quán xuyến mọi việc. Vấn đề là có thể con trẻ lại không có các tài năng phù hợp đó, mà bố mẹ lại gượng ép thì kết quả chỉ là một thất bại và khổ đau cho cả hai phía.
Tôi không chọn giáo dục theo một trường phái nào như trên cho con chúng tôi. Nhưng tôi duy trì một số nguyên tắc như sau trong việc giáo dục và giao tiếp với con:
  1. Tuyệt đối không dùng bạo lực. Chúng tôi tin rằng bạo lực sẽ tạo ra các chấn thương tâm lý rất lớn đến con trẻ. Và di chứng này sẽ còn kéo dài và ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần và cách suy nghĩ của con. Chúng tôi thực tập việc giao tiếp chân thành, có lý, và kiên trì để cho con hiểu cách suy nghĩ và suy luận hợp lý nhất. Chúng tôi cũng thực hành các đề nghị về kỷ luật không nước mắt (các bố mẹ có thể Google từ khoá “kỷ luật không nước mắt” để tham khảo các video hướng dẫn việc thực hành) để có thể phạt con gái mà không phải sử dụng đến bạo lực.
  2. Thương yêu vô điều kiện. Có lẽ việc này mọi người thường nghĩ là dễ làm, vì hầu như bố mẹ nào cũng chỉ cho đi tình thương yêu vô bờ bến với con cái – nước mắt chảy xuôi. Tuy nhiên, nếu không tinh tế, các bố mẹ sẽ thường mắc bẫy đại loại như “nếu con không làm cái này thì bố mẹ không thương con nữa”. Chính những hành động, lời nói kiểu như vậy có thể làm cho con trẻ bối rối và không thấy được tinh thần thương yêu vô điều kiện. Từ khi con gái chúng tôi còn nhỏ cho đến bây giờ, bé biết chúng tôi sẽ thương bé cho dù bé có đang bực bội và giận dữ đối với chúng tôi. Ví dụ, khi tôi không cho phép con gái tôi làm một việc gì đó, theo bản năng, bé sẽ phản ứng: “Con ghét ba.” Tôi sẽ tiếp cuộc trò chuyện với câu: “Ba cũng ghét con. Nhưng ba thương con.” Bé tròn xoe mắt khi thấy sự mâu thuẫn trong lời nói. Nhưng sau đó, bé hiểu ra được thông điệp mà ba bé muốn gửi đến. Và bé đã có thể mềm lòng lại và chỉ một chút sau đã ôm chặt ba và đồng ý rằng ba bé thương bé, mặc dù ghét nó cùng lúc. Thiệt là mâu thuẫn. Hoặc có lúc, bé đang mải mê chơi một mình, tôi thường nhẹ nhàng đi qua và ôm con một cái thật chặt và hôn nhẹ vào lưng hoặc đầu bé. Bé hoàn toàn cảm nhận được tình cảm vô điều kiện này. Vì thường thì bố mẹ chỉ có những hành động như vậy khi bé làm một việc tốt. Nhưng thực ra, bé cần hiểu rằng cho dù bé không làm việc gì tốt hay thậm chí phạm sai lầm thì bố, mẹ vẫn là chỗ dựa cho con và yêu thương con vô điều kiện. Kết quả là đôi khi chúng tôi đang mải mê ngồi ôm laptop làm việc, bé lại nhẹ nhàng vòng qua, ôm chặt chúng tôi. Chính việc thể hiện nhất quán thông điệp này về việc thương yêu vô điều kiện, con trẻ sẽ hiểu được rằng chúng có được một nơi yên bình, chắc chắn để trú ẩn và tìm lại tình thương yêu, năng lượng, nếu có bất cứ điều gì khó khăn xảy đến với con. Đây là nền tảng quan trọng để giúp con có thể tự tin hơn trong cuộc sống sau này. Và cũng chính vì biết được rằng bé được yêu thương vô điều kiện như vậy, bé sẽ yêu thương bố mẹ nhiều hơn. Và bé “sợ” chúng tôi xuất phát từ tình cảm yêu thương sâu đậm mà chúng tôi dành cho nhau. Bé sợ bố mẹ không phải vì bị la mắng. Mà bé sợ bố mẹ vì biết rằng bố mẹ rất thương yêu bé, nên chỉ có thể giận dữ khi bé đã làm việc gì đó rất tệ mà thôi. Đây là năng lực đích thực của tình thương yêu vô điều kiện.
  3. Tôn trọng các xu hướng và cá tính của bé như là một con người trưởng thành. Như trên tôi đã có chia sẻ, chúng tôi quan sát bé rất nhiều để hiểu bé, dựa trên tinh thần tôn trọng bé như là một con người độc lập. Dù bé được chúng tôi sinh ra, nhưng một mặt nào đó, các xu hướng về tâm linh, tính cách, suy nghĩ, hành động chưa hẳn là phải giống chúng tôi hoặc như chúng tôi mong muốn. Nên từ nhỏ, thậm chí khi bé còn chưa biết nói, chúng tôi vẫn trao đổi và giải thích với bé cặn kẽ mọi điều như là một người lớn. Điều ngạc nhiên là chúng tôi nhận thấy dù bé chưa biết nói, nhưng bé có thể hiểu và thẩm thấu được những điều giải thích của chúng tôi. Và dựa trên sự quan sát có được hàng ngày với bé, chúng tôi càng ngày càng hiểu hơn về cá tính và các xu hướng của bé. Rồi dựa vào đó, chúng tôi sẽ tư vấn bé trong các tình huống cụ thể để giải quyết các vấn đề.
  4. Hãy xây dựng cho con tính độc lập, có chính kiến của bản thân và chịu trách nhiệm trong quyết định của bản thân. Trong bất cứ các quyết định nào liên quan trực tiếp đến con trẻ, nên cho các bé quyền quyết định với các lựa chọn có thể có trong điều kiện cụ thể. Bố mẹ cần cho các con biết cái được và cái không được đối với mỗi lựa chọn và sau đó hãy để con trẻ quyết định. Tất nhiên, cần phải tinh tế để có thể hướng con đến các lựa chọn đúng đắn, hướng thiện, … Nhưng trên tất cả, việc con trẻ có thể quyết định cho bản thân (sau khi biết các lựa chọn có thể có) sẽ xây dựng tính độc lập của con sau này. Và cũng chính điều này sẽ làm cho các bé có trách nhiệm hơn, vì chính lựa chọn của bé sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau. Bố mẹ nào cũng mong muốn con mình có thể tự lập khi lớn lên – mà thường chúng ta gọi là con đã trưởng thành, đã tự lo liệu cho bản thân. Tuy nhiên, nếu không khéo trong việc hướng dẫn con (như quá nuông chiều con hoặc làm thay tất cả mọi thứ cho con), chúng ta có thể đánh cắp mất cuộc đời của con. Bởi vì chúng ta không cho con va chạm và tự quyết trong những việc nhỏ khi con còn bé thơ.
    Con gái chúng tôi, cũng như mọi con trẻ khác, rất mê đồ chơi. Và kịch bản xảy ra sẽ là tuần nào cũng xin bố mẹ được mua đồ chơi. Tất nhiên là chúng tôi không thể cho con tuỳ tiện như thế được. Thế là chúng tôi làm một danh sách các mục bé cần phải làm hàng ngày (dậy sớm, đánh răng, học bài, ăn ngoan, …) Nếu mục nào bé làm tốt, thì bé sẽ có được 1000 đồng. Thông thường thì cả tuần làm tốt thì bé được khoảng 70.000 đồng. Và chúng tôi đã cho bé biết, các đồ chơi và sách vở nào ba mẹ thấy cần mua cho con thì ba mẹ sẽ mua, sử dụng tiền của ba mẹ. Còn nếu không thấy cần mua thì ba mẹ sẽ không mua. Nhưng con vẫn còn lựa chọn là sử dụng số tiền 70k kia. Tất nhiên là các bạn có thể hình dung rằng tuần nào bé cũng sẽ sử dụng hết số tiền 70k này. Nhưng khi lựa chọn đồ chơi, bé tự động biết cái nào chọn được, cái nào không. Và 70k thì không phải là thoải mái để có nhiều lựa chọn. Nên bé tự biết giới hạn của bé mà không mè nheo nữa. Nếu muốn mua món đồ chơi đắt tiền hơn, bé sẽ tự phải vay mượn trước và các tuần sau đó sẽ tự biết để kiềm chế, không xin mua đồ chơi nữa. Bé cũng chủ động hơn trong việc có trách nhiệm làm trong các mục trong danh sách, để cuối ngày, trước khi đi ngủ, bé lại chủ động tranh thủ điền vào các mục đã làm được và không làm được trong ngày.
  5. Thưc hành sự trung thực bằng mọi giá, trong mọi hoàn cảnh. Và cuối cùng là tuyệt đối trung thực. Điều này có lẽ không dễ để thực hiện. Bởi vì đôi khi bản thân chúng ta cũng có những hành động khiến bé khó hiểu. Một mặt chúng ta dạy bé cần phải trung thực. Một mặt khác khi có người gọi điện đến, chúng ta lại nhờ bé nói dối rằng bố, mẹ đi vắng rồi (để tránh mặt), trong khi cả hai vẫn đang ở nhà. Bé sẽ bối rối khi diễn dịch hành động không trung thực này của bố mẹ. Con trẻ rất tinh tế. Nếu muốn con trẻ trung thực, chính bố mẹ phải là hình mẫu trong suy nghĩ, hành động và lời nói. Giữ lời hứa với con, dù chuyện gì xảy ra. Trung thực là điều rất quan trọng. Vì sau này, khi bé lớn lên, chỉ có sự trung thực mới là nền tảng để bé có thể trưởng thành và thành công. Càng lớn, chúng tôi càng thấy điều này một cách rõ ràng và sâu sắc nhất. Và đó cũng là điều chúng tôi cố gắng rèn luyện cho con gái của mình. May mắn thay, qua quan sát, chúng tôi thấy được cháu là người tuyệt đối trung thực. Như trong ví dụ về danh sách các mục cần làm ở trên, chúng tôi để cho cháu tự ghi điểm. Và sau đó chúng tôi âm thầm quan sát và kiểm tra. Chúng tôi thấy bé rất nghiêm túc trong việc đánh dấu việc nào hoàn thành và việc nào chưa hoàn thành, một cách trung thực và rất tự nhiên. Điều này làm chúng tôi ấm lòng rất nhiều. Và chúng tôi đã không cần phải can thiệp đối với bé trong trường hợp này.
Tóm lại, với nền tảng là sự thương yêu (và không sử dụng bạo lực), sự độc lập trong suy nghĩ, sự tôn trọng những người xung quanh, sự trung thực, chúng tôi tin rằng đó chính là cơ sở cho bé phát triển một cách tự tin và hạnh phúc trong tương lai. Và mục tiêu cuối cùng là giúp bé có thể tự lập được trong cuộc sống khi lớn lên. Đó là mục tiêu cuối cùng của bất cứ ông bố, bà mẹ nào, tôi tin là như vậy.

Leave a Reply