
Đây là nội dung bài phát biểu tôi chuẩn bị để chia sẻ với sinh viên Khoa CNTT, trường Đại học Bách khoa TP.HCM tại Hội chợ việc làm diễn ra vào ngày 2/11/2013.
Tham gia buổi đối thoại với các bạn sinh viên hôm nay, tôi xin được chia sẻ 3 điều mà tôi nghĩ sẽ hữu ích cho các bạn trong thời gian sắp tới, sau khi tốt nghiệp và bắt đầu lập nghiệp. Ba điều chia sẻ của tôi sẽ đề cập đến đam mê, thành công, và làm sao để có được kinh nghiệm thực tế, dù bạn chưa ra trường.
Tôi tin rằng, đam mê thực sự sẽ luôn đem đến cho bạn sức mạnh, cảm hứng và thành công, ngắn hạn cũng như dài hạn.
Tôi xin bắt đầu với đề tài đam mê bằng một câu hỏi dành cho các bạn đang ở đây. Vì sao bạn chọn học ngành CNTT?…
Có phải do bạn nghĩ là sẽ dễ kiếm được việc làm sau khi ra trường? Có phải do … ba/mẹ bạn bắt bạn phải theo ngành này? Hay đơn giản là “Em cũng không biết nữa…”?
Trong khi có thể đó là những câu trả lời của một số bạn ở đây, tôi hy vọng sẽ có những câu trả lời rằng “Đó là vì em thích mày mò với máy tính”, “Em có thể thức nguyên đêm để tìm hiểu làm sao để lập trình được trên điện thoại di động”, “Em muốn được thử thách mình với mục tiêu làm ra các sản phẩn phần mềm thành công trên thị trường quốc tế”
Bạn có chắc chắn bạn đang theo đuổi ngành nghề mà bạn yêu thích không? Hãy tự hỏi câu trả lời đó và thành thật với bản thân. Hãy dừng lại một phút … và thành thật với chính bản mình. Bạn có chắc chắn bạn đang theo đuổi ngành nghề mà bạn yêu thích không? Điều này rất quan trọng.
- Nếu bạn không thực sự yêu thích công việc bạn đang làm, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc nếu gặp thách thức và khó khăn. Bạn sẽ có xu hướng lười biếng hoặc làm chỉ để cho xong việc. Bạn sẽ khó tập trung trong công việc và có xu hướng mơ mộng viễn vông trong khi đáng lẽ cần phải làm việc. Kết quả cuối cùng trong công việc chắc chắn không thể là một kết quả mà bạn và những người xung quanh bạn có thể hài lòng.
- Nhưng ngược lại, nếu bạn thực sự yêu thích công việc của bạn đang làm thì bạn luôn sắp xếp được mọi thời gian và sức lực để làm và biết nhiều hơn nữa. Bạn sẽ đọc ngấu nghiến thâu đêm suốt sáng các sách vở, bài blog, diễn đàn về ngôn ngữ lập trình, thiết kế hệ thống, kiến trúc hệ thống, an ninh hệ thống, xử lý tải, … Bạn sẽ luôn mày mò và thử hết các công cụ này sang các công cụ khác, các kỹ thuật và mô hình lập trình này đến các kỹ thuật và mô hình lập trình khác. Không bao giờ dừng lại và không bao giờ chán. Bạn sẽ có xu hướng tích cực tham gia, học hỏi và chia sẻ ở các diễn đàn, thảo luận về các công nghệ và kỹ thuật mới, về lập trình và phát triển phần mềm.
- Chính nhờ sự cố gắng không mệt mỏi này dẫn đến việc bạn sẽ biết và trải nghiệm được đáng kể các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong công việc lập trình. Cũng chính nhờ sự cố không mệt mỏi này, bạn đã “vô tình” trang bị cho mình một nền tảng rất tốt để có thể hoàn thành xuất sắc công việc tương lai của mình. Đó chính là chìa khoá dẫn đến thành công.
- Thời gian không chờ đợi ai cả, bạn sinh ra, lớn lên, và sẽ già đi nhanh chóng. Tôi đề nghị các bạn nghiêm túc và thành thật với chính mình ngay lúc này và bây giờ. Bạn có thực sự yêu thích ngành CNTT không? Nếu câu trả lời là Không thì tôi khuyên bạn nên dũng cảm dừng lại và thực sự suy nghĩ và định hướng lại nghề nghiệp của bạn. Sẽ không bao giờ trễ để chuyển ngành, nếu như bạn chợt nhận ra rằng mình đã chọn sai ngành. Tuy nhiên, trước tiên hãy thành thật với mong muốn của mình để bạn không lãng phí thời gian làm những việc mà bạn không thích. Tôi tin rằng, đam mê thực sự sẽ luôn đem đến cho bạn sức mạnh, cảm hứng và thành công, ngắn hạn cũng như dài hạn.
Trong khi thành công lấy đi rất nhiều công sức và năng lượng của bạn, hạnh phúc sẽ là cái nuôi dưỡng, khôi phục năng lượng cho bạn.
Giả sử bạn đã xác định được đam mê và nghề nghiệp của bạn (và cho tình huống tại khán phòng này, tôi hình dung đó là niềm đam mê công nghệ, phát triển phần mềm và CNTT), câu hỏi kế tiếp sẽ là định nghĩa của sự thành công đối với bạn là gì? Theo tôi, câu trả lời sẽ là khác nhau đối với mỗi một con người trên thế giới này. Tuy nhiên, ở một mức độ tổng thể, tôi đề nghị các bạn suy nghĩ đến các khía cạnh sau về thành công:
- Thành công và hạnh phúc: Thành công thường để đề cập đến việc bạn thiết lập một mục tiêu cho mình và làm việc để đạt được mục tiêu đó. Và bạn có thể gọi đó là thành công, sau khi đã làm việc cật lực và đạt được mục tiêu bạn đề ra. Tuy nhiên, điều này có thể lại không liên quan gì đến hạnh phúc của cuộc đời bạn. Tôi đã đọc và biết nhiều câu chuyện về các anh chị rất thành công, nhưng lại không có một cuộc sống hạnh phúc. Đa phần lý do đều là bởi vì có một sự không cân bằng và cực đoan về mục tiêu đeo đuổi. Ví dụ, mục tiêu có thể quá nghiêng về danh vọng, vị trí, và tiền bạc. Và sau khi có được đầy đủ danh vọng, vị trí trong xã hội và tiền bạc, có thể bạn sẽ không còn nhiều những người thân xung quanh bạn. Đó là lúc bạn sẽ không thấy hạnh phúc. Theo tôi, một thành công có ý nghĩa là một thành công có gắn kết với hạnh phúc cá nhân của bạn và những người xung quanh. Nên nhớ rằng, trong khi thành công lấy đi rất nhiều công sức và năng lượng của bạn, hạnh phúc sẽ là cái nuôi dưỡng, khôi phục năng lượng cho bạn.
- Và để có một sự nối kết giữa thành công và hạnh phúc, bạn nên tìm một sự cân bằng cho phương trình cuộc đời của bạn. Cuộc đời vốn là một phương trình rất phức tạp. Tuy nhiên, bạn chứ không phải là ai khác chính là người có trách nhiệm xây dựng phương trình đó và cũng chính là người giải phương trình đó. Trong khi bạn có thể cho vào phương trình bao nhiêu biến cũng được, nên lưu ý rằng nếu có quá nhiều biến số, nó có thể sẽ làm cho cuộc đời bạn phức tạp hơn rất nhiều, nhiều hơn mức cần thiết. Đối với tôi thì sau 15 năm đi làm và hơn 35 năm sống trên cuộc đời này, tôi đã chọn cho mình các biến số hay nhân tố sau cho phương trình cuộc đời của tôi. Và điều này đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc rèn luyện và phát triển bản thân. 5 nhân tố mà tôi đã chọn cho mình bao gồm: niềm tin, gia đình và người thân, sức khoẻ, bạn bè, và cuối cùng là tài chính. Bạn có thể thấy rằng, trong 5 nhân tố tôi đề nghị, không có cái nào dành cho chức danh và vị trí. Vì tôi tin rằng, gia đình và sức khoẻ quan trọng hơn. Và tất nhiên không thể thiếu yếu tố tài chính. Như vậy, dựa trên các yếu tố này, điều tôi cần làm là sẽ muốn duy trì một sự cân bằng giữa các yếu tố này trong cuộc sống của tôi. Và tôi tin rằng đó là chìa khoá của hạnh phúc dài lâu. Còn các bạn thì sao? Các bạn có suy nghĩ đến phương trình cuộc đời của bạn chưa?
- Và khía cạnh cuối cùng về thành công mà tôi muốn đề cập đến là về ngắn hạn và dài hạn: Tôi có nghe nói ở đâu đó rằng, thành công và hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình. Và tôi đồng ý với quan điểm này. Hành trình này là một hành trình cho toàn bộ cuộc đời của bạn. Vì vậy, tôi đề nghị các bạn nên xem xét hành trình này trên phương diện ngắn hạn và dài hạn, nhằm tránh đẩy bạn vào tình trạng mất phương hướng. Đối với các bạn sinh viên, theo tôi về ngắn hạn thì nên tập trung vào việc trau dồi kiến thức ngành nghề mà bạn chọn, trong trường hợp ở đây là ngành CNTT, phát triển phần mềm, phần cứng. Mục tiêu là trong vòng 5 năm sau khi ra trường, bạn có thể tự tin và độc lập đảm trách công việc của bạn về mặt chuyên môn. Sau khoảng thời gian này, sẽ có một câu hỏi khá thường gặp là bạn muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng quản lý hay kỹ thuật. Bạn chắc chắn sẽ đối mặt với câu hỏi này. Theo tôi, lựa chọn tốt nhất là lựa chọn phù hợp với đam mê và thế mạnh của bạn. Và sau 5 năm đầu tiên, có lẽ đã đủ thời gian để bạn thấy, biết và trải nghiệm để có thể chọn cho mình một hướng đi phù hợp nhất. Quản lý hay kỹ thuật đều là lựa chọn tốt. Không nên có suy nghĩ rằng nếu theo con đường quản lý thì sẽ nhẹ nhàng hơn và được nhiều quyền lợi hơn. Điều đó hoàn toàn không đúng. Ông bà ta đã từng nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Nếu bạn thực sự đam mê và giỏi ở một lĩnh vực nhất định thì bạn luôn luôn có thể cống hiến và thành công.
Và cuối cùng, tôi xin đề cập đến một vấn đề thường gặp của sinh viên sắp ra trường. Trong một lần tham gia đối thoại với sinh viên, tôi nhận được câu hỏi như sau: “Em chỉ còn vài tháng nữa là ra trường. Làm luận văn cũng đã xong. Nay muốn đi xin việc. Tuy nhiên, khi nộp đơn thì các công ty đòi hỏi có kinh nghiệm. Mà em sắp ra trường thì làm sao có kinh nghiệm thực tế. Anh có lời khuyên nào không?”. Đối với việc này, tôi xin có vài đề nghị như sau.
- Các bạn có quen thuộc với khái niệm phần mềm mã nguồn mở không? Hiện nay, tôi chắc chắn rằng các bạn có thể tìm được hầu như phần mềm mã nguồn mở có mặt ở khắp mọi lãnh vực của phần mềm và hệ thống ứng dụng. Và chắc chắn rằng, bạn có thể tải mã nguồn về và đọc, tìm hiểu. Bạn còn có thể tham gia vào việc phát triển một số các tính năng trong các phần mềm đó. Và bạn có lẽ sẽ không cần phải xin ai cho phép việc này, ngoại trừ đam mê, sự đầu tư của chính bạn thân bạn. Bạn có thể bắt đầu ngày vào ngày hôm nay. Bạn có thể bắt đầu ngay từ những năm đầu đại học. Chỉ cần bạn có kiến thức lập trình căn bản và một sự đam mê. Và nếu bạn có thể làm được việc này trong những năm cuối đại học và được vinh danh trong những hệ thống phần mềm mã nguồn mở này thì đó chính là kinh nghiệm thuyết phục nhất cho việc đi xin việc.
- Một đề nghị khác là bạn có thể tham gia các cộng đồng freelancer ngay từ hôm nay. Tìm hiểu và tự thử thách mình ngay khi còn ngồi trên ghế trường đại học.
- Một đề nghị cuối cùng mà có lẽ nhiều bạn đã tìm hiểu và tiến hành là đăng tuyển làm sinh viên thực tập tại các công ty phát triển phần mềm. Tại KMS, chúng tôi có chương trình thực tập thường niên và không chỉ nhận sinh viên năm cuối mà có nhận sinh viên các năm trước đó. Và có những chương trình thực tập hè. Các bạn có thể theo dõi trang tuyển dụng của KMS hay của các công ty phần mềm khác để tìm cho mình một cơ hội. Đừng nên để đến những tháng sắp ra trường rồi mới suy nghĩ những việc này.
Tôi xin kết thúc phần chia sẻ của tôi ở đây với câu hỏi: Các bạn đã sẵn sàng để ra trường và thành công chưa? Bạn có sẵn sàng đeo đuổi giấc mơ của mình không? Tôi đề nghị bạn suy nghĩ nghiêm túc về đam mê và nghề nghiệp của bạn. Hình dung và đề ra cho mình một số mục tiêu để thành công, ngắn hạn cũng như dài hạn. Và bạn hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay với việc rèn luyện và chuẩn bị cho mình các kinh nghiệm thực tế từ việc tham gia phát triển các phần mềm mã nguồn mở, tham gia các cộng đồng freelancer hay tìm kiếm các công việc thực tập. Một lưu ý cuối cùng, như là người đàn anh đi trước của các bạn, là trong vòng 5 năm đầu tiên sau khi ra trường, đừng nên chú ý quá nhiều vào yếu tố tài chính. Nếu bạn có thể tập trung hoàn toàn vào việc phát triển chiều sâu về kỹ năng và kinh nghiệm, điều đó sẽ có lợi hơn rất nhiều về lâu dài cho con đường nghề nghiệp của bạn. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.