Cha mẹ không bao giờ sử dụng 7 câu nói này để nuôi dạy những đứa trẻ cá tính mạnh

Từ trong đáy tim mình, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận với những câu từ chúng ta sử dụng với con trẻ trong các trường hợp căng thẳng thì vô tình chúng ta đã làm hại con trẻ lâu dài mà không biết. Bài báo sau chia sẻ các lời khuyên từ Amy Morin, một nhà tâm lý trị liệu, tác giả nổi tiếng người Mỹ. Amy Morin là tác giả của cuốn sách best seller “13 điều những người có thần kinh thép không làm“. Đây là 7 câu nói có thể gửi sai thông điệp đến con trẻ: (1) Hãy bình tĩnh, (2) Đừng lo lắng về điều đó, (3) Con sẽ làm tốt, (4) Đừng bao giờ để ba/mẹ bắt được con đang làm việc này lại nữa nhé, (5) Con là người giỏi nhất, (6) Điều đó là hoàn hảo, (7) Con đang làm cho ba nổi điên đấy.
Đọc các chia sẻ và lời khuyên của Amy Morin cho các tình huống này ở bài báo bên dưới.

Bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc và thành công.

Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, cách tốt nhất để đảm bảo điều đó là dạy chúng sự dẻo dai về tinh thần càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ bền bỉ về mặt tinh thần thường có lòng tự trọng cao hơn, dễ phát triển khả năng tự phục hồi về mặt tinh thần hơn. Điều đó cho phép chúng luôn lạc quan trước những thử thách và cho phép chúng học hỏi từ những thất bại của mình.

Điều đó có nghĩa là hãy lựa chọn ngôn từ cẩn thận khi ở gần con bạn, đặc biệt là trong những tình huống căng thẳng khi bạn dễ dàng nói bất cứ điều gì mà bạn nghĩ là sẽ ngăn được cơn giận dữ hoặc xoa dịu sự lo lắng của con trẻ. Amy chia sẻ rằng, một số từ hoặc cụm từ có thể vô tình gửi sai thông điệp cần gửi.

Amy Morin, tổng biên tập của Verywell Mind và là người dẫn chương trình The Verywell Mind Podcast, cho rằng: “Tất cả các cha mẹ đều thỉnh thoảng làm hoặc nói những điều này (và gửi sai các thông điệp đến con trẻ). Cũng cần nhớ rằng, con trẻ giận dữ hoặc lo lắng cũng chính là cơ hội để dạy chúng nên học hỏi từ những sai lầm của mình như thế nào, dạy chúng cách để trưởng thành, thay đổi và làm những điều khác biệt.”

Theo Amy, dưới đây là 7 câu nói mà cha mẹ của những đứa trẻ có cá tính mạnh tránh sử dụng, khi nuôi dạy con cái của họ:

(1) “Hãy bình tĩnh!”
Sẽ không bao giờ là một ý tưởng tốt khi bảo với con trẻ chúng nên cảm nhận như thế nào, ngay cả khi bạn đang chỉ cố gắng làm cho chúng bình tĩnh trở lại hoặc làm cho chúng vui lên. Amy cho rằng: “Thông điệp chúng ta muốn gửi đến con trẻ là, không có vấn đề gì với việc con trẻ cảm nhận bất cứ điều gì nó đang cảm nhận được. Nhưng điều quan trọng là cần phải chú ý đến hành động mà chúng làm đối với các cảm xúc đang xảy ra đó.”
Amy đề nghị dùng những câu đại loại như: “Có vẻ như con đang rất giận dữ.”
Hãy giúp con bạn hiểu rằng cảm thấy khó chịu, cảm thấy giận dữ là một điều thường gặp và nhẹ nhàng thúc đẩy chúng thực hiện một hành động mà bạn biết rằng sẽ giúp chúng lấy lại bình tĩnh.
Amy khuyên rằng: “Dạy con trẻ điều chúng cần phải làm khi giận dữ. Hãy đề nghị với con trẻ rằng, thay vì tức giận ném một thứ gì đó hoặc la hét, chúng có thể tô màu một bức tranh, ra sân chạy bộ, hoặc nghe nhạc trong vài phút.”

(2) “Đừng lo lắng về điều đó”!
Amy cho rằng, thật là vô ích khi bảo bọn trẻ cần phải nghĩ gì, ngay cả khi bạn chỉ đang cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng.
Cô ấy giải thích thêm: “Khi ai đó nói rằng, ‘Đừng lo lắng về điều đó’, các lo lắng của chúng ta sẽ không tự động biến mất. Chiến lược tốt hơn là dạy bọn trẻ rằng: Con có thể làm gì khi đang ngập tràn lo lắng?”
Trong trường hợp này, thử đặt một câu hỏi giả định: “Nếu bạn của con lo lắng về điều này, con sẽ nói gì với bạn của con?”
Thông thường thì con trẻ có thể suy nghĩ hợp lý hơn nếu chúng loại bỏ bản thân mình ra khỏi tình huống, Amy chia sẻ. Ví dụ, nếu bạn của chúng đang lo lắng về một bài kiểm tra sắp tới, đứa bé có thể bảo bạn chúng rằng, hãy học tập chăm chỉ và mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Cô ấy kết luận: “Khi con trẻ học cách để tự đưa ra cho nó một thông điệp tương tự thì chúng có thể nhận ra rằng: ‘À, tôi có thể tự dạy bản thân mình cách quản lý suy nghĩ sao cho lành mạnh hơn’.”

(3) “Con sẽ làm tốt”
Amy chia sẻ rằng: “Một cách nhìn tích cực có thể giúp con trẻ xây dựng sự tự tin, nhưng không ai có thể nhìn thấu suốt được mọi thứ cả. Bạn thực sự không thể dự đoán được khi nào con bạn sẽ thành công hay khi nào chúng sẽ phải gặm nhấm nỗi thất vọng.”
“Nói một cách khác, đưa ra sự đảm bảo với con trẻ rằng chúng sẽ thành công rồi nếu chúng không đạt được mục tiêu đề ra thì điều đó có thể thực sự làm tổn thương sự tự tin của chúng. Cùng lúc, nó cũng sẽ “làm tổn hại uy tín của bạn” trong lần kế tiếp, khi bạn cố gắng cổ vũ chúng”, cô ấy chia sẻ thêm.
Thay vì nói rằng “Con sẽ chiến thắng!”, thông điệp tốt hơn là: “Hãy ‘xông trận’ và làm tốt nhất có thể. Và kể cả nếu mọi việc không diễn ra tốt đẹp thì điều đó cũng okay. Chúng ta sẽ giải quyết cả chuyện đó luôn.”

(4) “Đừng bao giờ để ba/mẹ bắt được con đang làm việc này lại nữa nhé.”
Câu này thường được thốt ra do bởi sự thất vọng và mong muốn thực sự giúp trẻ tránh khỏi những thói quen xấu hoặc nguy hiểm.
“Nhưng trẻ con thì lại hay lén lút.”, Amy chia sẻ, “Và nếu bạn chỉ cảnh báo chúng về hậu quả của việc bị bắt quả tang thì chúng cũng sẽ chỉ tìm cách làm sao để che giấu tốt hơn các hành vi xấu của chúng mà thôi. Nếu lỡ may làm vỡ đèn vào lần tới, chúng sẽ tìm cách dán keo các mảnh vỡ lại. Chúng sẽ vứt bỏ giấy kiểm tra, nếu bị điểm xấu, trước khi bạn thấy được tờ giấy kiểm tra.”
Nhưng nếu con bạn có thể thành thật với cha mẹ về các lỗi lầm của chúng thì khi đó bạn mới có thể giúp chúng học hỏi và phát triển.
Trong trường hợp này, Amy gợi ý hãy nói rằng: “Rồi con sẽ lặp lại những việc không tốt này. Khi đó, con sẽ muốn giấu diếm và che đậy. Nhưng thay vì làm như vậy, thì đây là những gì chúng ta có thể làm…”

(5) “Con là người giỏi nhất”
Chẳng có gì sai trong việc khen ngợi con trẻ khi chúng làm được một điều gì đó tốt đẹp.
“Nhưng nếu con bạn cho rằng, chúng chỉ xứng đáng được khen ngợi nếu chúng làm một điều gì đó tốt hơn những người khác, thì chúng sẽ có những kỳ vọng không thực tế và lo lắng về việc không thể đứng ở vị trí nào ngoài vị trí đầu tiên”, Amy chia sẻ.
Trong những trường hợp cực đoan, điều này có thể khiến con trẻ cố gắng đạt được vị trí đứng đầu bằng mọi giá, ngay cả khi chúng phải phá vỡ nguyên tắc, luật lệ. “Đây là những đứa trẻ sẽ trở nên gian lận khi chúng lớn lên. Bởi vì chúng nghĩ rằng ‘trở thành người tốt nhất’ là những gì quan trọng nhất đối với cha mẹ của chúng, quan trọng hơn là trở thành một đứa trẻ ngoan hay trung thực.”, Amy thêm vào.
Trong hoàn cảnh này, thay vì khen con trẻ là người giỏi nhất, Amy khuyên nên hướng sự khen ngợi vào quá trình nỗ lực của chúng thay vì hướng vào kết quả. Ví dụ, con đã học hành chăm chỉ hay con đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực vào một mục tiêu cụ thể nào đó. Các nhà tâm lý học thường lưu ý rằng, điều này có thể giúp con trẻ giữ được động lực để nỗ lực làm việc và thành công trong tương lai.

(6) “Điều đó là hoàn hảo!”
Tương tự như vậy, hãy cẩn thận để không nuôi dạy một đứa trẻ trở thành một người hoàn hảo – luôn nghĩ rằng mình cần phải luôn “hoàn hảo” để xứng đáng với sự ngợi khen hoặc tình thương yêu từ cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy tính cầu toàn ở trẻ em có liên quan đến một loạt vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ lo lắng đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive compulsive disorder – OCD).
Amy cho rằng: “Nghe có vẻ như là hoàn toàn vô thưởng vô phạt khi nói với con bạn rằng bức tranh của chúng trông ‘hoàn hảo’ hoặc chúng đã chơi một trận bóng ‘hoàn hảo’. Nhưng những nhận xét đó có thể là khởi nguồn của một khuôn mẫu dẫn đến việc trẻ bị ám ảnh về mọi lỗi lầm.”
Cô khuyên rằng: “Hãy khen ngợi nỗ lực của con trẻ, thay vì kết quả. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng bức tranh thật đẹp hoặc là chúng đã làm tốt trên sân bóng, bạn có thể chỉ cần khen ngợi chúng rằng chúng đã làm việc thật chăm chỉ, rằng chúng đã nỗ lực cố gắng. Và nếu chúng vượt qua thất bại thì khen ngợi chúng đã đứng dậy được sau thất bại.

(7) “Con đang làm cho ba nổi điên đấy”
Amy chia sẻ: “Ý tưởng cho rằng cảm xúc của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi của người khác là phản tác dụng. Điều đó có thể làm cho con trẻ nghĩ rằng chúng không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nó thậm chí còn dẫn đến các hành vi thao túng, chẳng hạn như con bạn có thể lấn át những đứa trẻ khác, thay vì chúng cần phải xử lý cảm xúc của chính mình.”
“Chúng ta không muốn con trẻ lớn lên và đổ lỗi người khác vì đã khiến chúng phát điên, vì đã huỷ hoại một ngày vui của chúng, hay vì đã khiến chúng luôn cảm thấy kinh khủng. Chúng ta muốn con trẻ biết rằng: ‘Con được trao quyền để kiểm soát cách con suy nghĩ, cảm nhận và cư xử.'”, Amy thêm vào.
Ở đây, Amy khuyên rằng, nên cố gắng sử dụng các câu như “Ba không thích hành vi của con ngay tại thời điểm này” hoặc “Ba không thích cách con đang phản ứng. Thay vào đó, đây là những gì chúng ta nên làm …”

Dịch nhanh từ bài gốc tiếng Anh tại: https://www.cnbc.com/2023/04/16/parents-who-raise-mentally-strong-kids-never-use-these-phrases-says-psychotherapist.html

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc, Chúng ta đang sống vì điều gì?
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Leave a Reply