Tránh xa kẻ “ngu”

Cắt bỏ đi những con người độc hại ra khỏi cuộc đời không có nghĩa là tôi ghét bỏ họ. Nó có nghĩa rằng tôi tôn trọng bản thân mình. (*)

@TrainingMindful

Câu nói này nhắc tôi nhớ đến bản kinh Mangala Sutta, trong đó có lời dạy rằng “tránh xa kẻ ngu”. Các bạn có thể tham khảo ở trong bài chú giải bản kinh để hiểu rõ hơn về định nghĩa của hai chữ “kẻ ngu”. Một cách ngắn gọn thì “kẻ ngu” là ý nói đến những con người độc hại. Nhưng mà vấn đề là ai cũng là người “ngu” cả, bởi vì chẳng ai là hoàn hảo cả. Ai rồi cũng có ít nhiều sự “ngu” trong người. Vậy thì nếu tránh xa họ thì phải “chạy trốn” đến nơi đâu? Chưa kể là oái ăm thay, có nhiều người ở bên cạnh cuộc sống chúng ta mà chúng ta chẳng thể nào “cắt bỏ” được, nhưng họ lại là những con người độc hại. Trong bản kinh Mangala, việc tránh xa kẻ ngu là điều được Đức Phật dạy dầu tiên trong 38 nguyên nhân, gốc rễ để dẫn đến một cuộc sống thành công, để trở thành một người thành công. Vậy nên, có thể hình dung được rằng điều này là quan trọng đến nhường nào.

Và cũng trong bài chú giải bản kinh, thiền sư đã đề nghị rằng, nếu không tránh xa được họ, không cắt bỏ được họ trong cuộc sống thường nhật thì ít ra cũng tránh để không bị các suy nghĩ của họ ảnh hưởng lên tâm của mình, lên cuộc sống của mình. Hạn chế nhiều nhất có thể để không bị cuốn theo các suy nghĩ độc hại, bất thiện của họ. Đó là nơi mà công cụ chánh niệm phát huy được tác dụng vô cùng ý nghĩa của nó. Chánh niệm, biết mình liên tục sẽ giúp chúng ta phòng vệ tâm mình tối đa khỏi các suy nghĩ, hành động và lời nói bất thiện kể cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là ý nghĩa của chánh niệm, là vũ khí bảo vệ. Hãy chánh niệm.

(*) Câu gốc tiếng Anh: “Cutting toxic people out of my life doesn’t mean I hate them. It means I respect myself.”

Leave a Reply