Câu trả lời hoàn hảo: Thực hành chánh niệm

Tuổi 31 em đã tự nhận thấy mình không còn hợp với những buổi tiếp khách, đánh golf, hay rượu bia, không còn hào hứng tranh luận đúng sai trên social, không còn kiếm tiền bằng mọi giá.
Nhưng bước sang tuổi 31 em vẫn còn đó những nỗi lo về độc lập tài chính, liệu rằng mình có ổn không với dòng tiền tích lũy không nhiều như hiện tại. Vẫn còn đó nỗi lo cho gia đình và con cái sau này, cũng như là nỗi lo về những người thân xung quanh.
Lúc có chánh niệm chiếu sáng thì em đủ tự tin để tận hưởng và thưởng thức trọn vẹn điều kiện hạnh phúc hiện tại, nhưng khi thiếu nó thì các nỗi lo trên lại xuất hiện. Nó như kiểu một đèn pin chiếu sáng mà pin bên trong chưa ổn định.
Em chưa biết lúc 31 tuổi anh Hùng có những trăn trở như em không?

Đọc email của em làm anh nhớ đến các thái độ đúng trong thiền mà Sư Tâm Pháp đã dạy trong các bài Pháp của Thầy. Ngắn gọn thì em có thể đọc bức thư này của Sư gửi cho học trò: Tâm và Pháp.

Anh vẫn chỉ có cùng một lời khuyên thôi (như trong emai trước), chánh niệm và chánh niệm hơn nữa. Khi chánh niệm đã trở thành lối sống thường nhật của em (hay ít ra là em có thể nhắc nhở thường xuyên hơn về việc trở lại với hiện tại trong tất cả các hoạt động trong ngày) thì các câu trả lời nó tự có ở đó.

Năm 31 tuổi, anh bắt đầu thành lập công ty KMS Technology Vietnam và phát triển nó cho đến lúc anh rút lui vào đầu năm 2018 để ra khỏi cuộc sống kinh doanh. Như anh có chia sẻ trong bài 30, 40, 50, khoảng thời gian này (30-40) là khoảng thời gian mà thường là chúng ta lờ mờ nhận thấy những gì chúng ta đang theo đuổi có thể không phải là những gì có thể mang lại hạnh phúc dài lâu. Và khung 30-40 là khung chúng ta tìm kiếm và trải nghiệm để hy vọng đến đầu những năm 40, chúng ta tìm được cách để sống cuộc sống cho mình cho đến lúc tuổi già.

Khoảng thời gian anh xây dựng và phát triển KMS là khoảng thời gian anh thấy rõ các giá trị về đạo đức, uy tín, các mối quan hệ tích cực giữa con người và con người là quí giá đến nhường nào. Bởi vì nếu có những thứ đó thì việc thành công lâu dài trong kinh doanh không phải là việc khó. Hoặc một khía cạnh khác là kết quả kinh doanh sẽ là xuất sắc nếu tập thể có những giá trị đó (nó không nằm ở trong các thứ hào nhoáng như ý tưởng, sáng tạo, … mà anh nghĩ là ý tưởng, sáng tạo lại là hệ quả từ một tập thể gắn bó). Và ở nửa chặng đường với KMS, anh cũng nhận ra rằng, kinh doanh cũng chỉ là kinh doanh. Chỉ là một tham muốn để đạt được một điều gì đó, ngày một to lớn hơn mà thường lui tới cũng chỉ là qui mô, lợi nhuận. Nhưng nó lại ẩn dấu tinh tế dưới nhãn mác là tạo thêm cơ hội cho nhân viên thăng tiến, tạo nên một điều gì đó to lớn cho xã hội. Anh thấy nếu động cơ đằng sau đã là tâm tham thì điều cuối cùng chờ đợi như là kết quả sẽ không có gì khác hơn ngoài sự khổ đau và thất vọng.

Điều anh thấy khó xử hơn là nếu anh tiếp tục cuộc hành trình kinh doanh, các anh chị em đi theo anh, vì tin tưởng và tôn trọng anh nên sẽ xông pha hết mình cho những mục đích mà như anh nói trên, cuối cùng cũng chỉ dẫn tới những khổ đau. Vì anh coi các đồng nghiệp của anh như là những bạn bè, anh em, nên anh thấy mình không thể tiếp tục như thế được. Vì sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp gieo mầm khổ đau cho chính bản thân cũng như cho những người mà anh xem là bạn bè, là anh chị em. Anh thấy anh cần phải rút lui, trước khi mọi việc đi quá xa.

Ngược lại, đó cũng lại là khoảnh khắc anh tạm ngừng lại, thấy cần nghiêm túc tự hỏi bản thân mình xem: vậy mình nên như thế nào? Điều gì là quan trọng trong cuộc đời của mình? Những câu hỏi khó trả lời đó dẫn dắt anh nghiêm túc hơn để đến với thiền, với chánh niệm. Và phần còn lại là những gì anh đã chia sẻ trong cuốn sách của anh, Tản mạn về Hạnh phúc.

Có lẽ vấn đề vương vấn mọi người nhiều nhất vẫn là làm sao để có thể tự do về tài chính, trước khi có thể thoải mái làm điều mình cho là quan trọng trong cuộc đời của mình. Cũng như mọi việc khác, tự do về tài chính là rất tương đối, rất khác nhau cho mỗi người. Em cần từ từ xem xét xem: như thế nào là tự do về tài chính đối với vợ chồng của em? Một trong những đầu vào cho câu trả lời là nhu cầu tài chính của tụi em như thế nào? Anh đã từng suy nghĩ rằng cần tích luỹ đủ 5tr USD trong tài sản thì mới yên tâm nghỉ hưu. Và cho đến thời điểm anh nghỉ làm, anh chẳng thể nào có đủ con số đó. Những gì anh có ít hơn nhiều, nhưng anh vẫn thoải mái để không đi làm nữa. Đó là một trải nghiệm dài để tìm kiếm câu trả lời cho mọi người em ạ. Chứ chẳng có ai giống ai được.

Nhưng một điều chắc chắn là nếu em hướng cuộc sống của em về với chánh niệm, thực hành sự quan sát tâm của mình đều đặn, hướng về lối sống thuận pháp, thì các câu trả lời nó tự xuất hiện ở đó. Chẳng thể lên kế hoạch được. Mọi người thích lên kế hoạch, đặt mục tiêu. Nhưng không may, mọi thứ đều thay đổi, đều vô thường, đều bất ngờ, chẳng thể điều khiển được. Như đại dịch Covid hiện nay vậy. Có ai có thể hình dung nổi trong kế hoạch của mình lại có một sự kiện vô cùng tàn khốc như vậy trong cuộc đời không?

Trong những năm tới, anh nghĩ rằng mô hình kinh doanh, lối sống sẽ thay đổi rất rất nhiều. Và anh hy vọng là mọi người có thể tìm thấy cho mình một cách sống sao cho có ý nghĩa hơn trước sự bấp bênh của cuộc đời này, khi mà khoảng cách giữa sự sống và cái chết đôi khi nó chỉ cách nhau mong manh bởi một sinh vật mà thậm chí bằng mắt thường còn không nhìn thấy được. Anh không nghĩ là đã đến ngày tận thế. Nhưng mọi việc sẽ thay đổi rất nhiều với con Covid19. Và như em có thể hình dung, chẳng có lý do gì lại không có con Covid20 và Covid thứ n. Có điều là, càng về sau, sẽ càng tàn khốc hơn mà thôi.

Chúng ta chẳng thể thay đổi được những gì đã xảy ra, chẳng thể kế hoạch được nhiều. Nhưng chúng ta có chánh niệm. Chúng ta có thể có các suy nghĩ đúng đắn về cách mà tự nhiên đang vận hành, cách mà tâm và thân đang vận hành. Chỉ có từ các hiểu biết đó cùng với phương tiện chánh niệm, quan sát thân và tâm mình đều đặn và liên tục thì hoạ may chúng mới có được sự trưởng thành, chín chắn, linh hoạt, cởi mở trong tâm mình để có thể chọn cho mình các phản ứng, cách chúng ta sống cuộc sống của mình một cách đúng đắn nhất.

Thầy anh đã từng dạy rằng, những ai sống thuận pháp thì chắc chắn sẽ có một số kết quả như sau: mặt mày ngày càng sáng sủa ra, sức khoẻ ngày càng tốt lên, cuộc sống có thể không giàu có gì, nhưng không phải giật gấu vá vai, không khó khăn. Liệu đó có phải là tất cả những gì đủ để chúng ta sống trên cuộc đời này chưa? Câu trả lời là ở mỗi người… Và không chỉ có chừng đó, thực hành chánh niệm, sống thuận pháp còn đem đến một món quà vô giá cho bất cứ ai. Đó là sự tăng trưởng trí tuệ. Và chính đó mới là chìa khoá để giải quyết mọi thử thách đến với chúng ta trong cuộc đời này.

Em cứ tiếp tục trải nghiệm những gì em đang làm. Và tiếp tục chánh niệm những gì đang xảy ra. Chánh niệm có thể dẫn dắt em đến với những thay đổi cần thiết, những thay đổi thuận pháp để cuộc sống của em ngày càng trở nên ý nghĩa hơn, đúng đắn hơn và tự do hơn. Tất cả chìa khoá chỉ nằm ở hai chữ chánh niệm mà thôi.

Chánh niệm cần nhiều, rất nhiều thời gian, kiên nhẫn, và quyết tâm để phát triển. Nó không phải là một điều gì đó có thể nhanh chóng mà có được. Đừng nóng vội, đừng quá đặt nặng mong đợi, đừng chống đối, đừng cố gắng thay đổi hiện trạng. Thái độ luôn là quan trọng.

Anh viết luôn tuồng theo những gì bật ra trong đầu chứ chẳng sắp xếp gì. Nếu thấy nó lê thê thì em biết là tại sao. Vậy đã nhé… Tranh thủ thời gian “sống chậm” này để lấy nó làm đối tượng hành thiền, lấy cơ hội để hành thiền, khi em có thể thấy rằng xung quanh mình có biết bao nhiêu người gặp khó khăn, chết chóc. Đó là lời cảnh báo cho tất cả mọi người. Nhưng không phải ai cũng có thể thấy được lời cảnh báo đó để có thể tự thay đổi bản thân mình theo hướng tốt đẹp hơn. I believe you’re not one of them.

Leave a Reply