“Xử lý” các đánh giá, nhận xét không đúng về mình?

Tôi nhận được email bên dưới vào cuối tuần. Có lẽ ai trong chúng ta cũng gặp những hoàn cảnh tương tự như vậy.

Hi anh Việt Hùng,
Chắc cũng là cái duyên nên em mới biết tới blog của anh. Sau khi đọc những gì anh chia sẻ trên blog em thấy rất hay, có thể đây cũng là những điều mà em đang tìm kiếm. Em vẫn đang cải thiện bản thân mình mỗi ngày. Nhưng mà hiện tại em vẫn chưa vượt qua được 1 vấn đề trong suy nghĩ của em. Đó là em có nghe được những lời phàn nàn nhận xét không hay, trách móc từ người thân của em (không nói trực tiếp cho em mà nói qua những người khác) mặc dù em cũng không biết mình đã làm gì sai. Em cũng ngủ ngon, em cũng ko làm gì mà trái đạo đức. Hoặc cũng có thể cùng 1 sự việc mà em đã làm nhưng em và người thân của em lại có cách nhìn nhận khác nhau, từ việc nhìn nhận khác đó nên nó trở thành những điều không hài lòng và trách móc em.
Cho em hỏi là làm sao em có thể bỏ qua được những lời nhận xét ấy cứ lãng vãng trong đầu em ạ.
Rất mong nhận được phản hồi của anh ạ.

Tôi chia sẻ phần trả lời và hy vọng có thể mang lại những đề nghị hữu ích đến các bạn.

Hello em!

Việc này thì cũng thường gặp và ai cũng gặp. Kể cả một con người vĩ đại như Đức Phật thì vẫn có nhiều kẻ ganh ghét, nói xấu trước mặt cũng như sau lưng. Nên đó là lẽ thường ở cuộc sống mà chúng ta không thể tránh được. Không có cách gì tránh được. Đằng nào thì cũng có người sẽ không cùng quan điểm với chúng ta, không đủ thông tin và không hiểu về chúng ta, dẫn đến việc họ có những đánh giá, nhận xét sai lầm về chúng ta. Họ có thể nói trước mặt hoặc sau lưng chúng ta. Chẳng thể nào kiểm soát được. Mà nếu không thể kiểm soát và thay đổi được thì tốt nhất là chúng ta nên tập trung vào việc khác. Nguyên tắc là như vậy. Nhưng thực tế là chúng ta vẫn bị những đánh giá và phán xét của người khác làm phiền. Mà nếu không khéo, nó lại ảnh hưởng tiêu cực, cực đoan đến cuộc sống của mình. Để “xử lý” việc này thì cần thời gian, cần rèn luyện. Mấu chốt là nếu em càng trưởng thành hơn (thông qua việc trải nghiệm các khó khăn như thế này và rút ra các bài học từ việc trải nghiệm đó) thì em lại càng nhẹ nhàng, dễ dàng và hiệu quả hơn trong việc đối trị với những thử thách tương tự, khi gặp lại. Việc này, chúng ta chỉ giải quyết ở trong tâm mình. Ở đây, anh chia sẻ một vài ý và đề nghị và hy vọng em có thể áp dụng được.

  • Câu chuyện của Ngài Ajahn Chah: Anh nhớ trong các mẩu chuyện ngắn về các lời dạy của Ngài Ajahn Chah (một vị thiền sư nổi tiếng của Thái Lan) có một mẩu chuyện đại loại là: “Nếu ai gọi bạn là con chó, bạn chỉ cần ngoảnh mặt lại xem sau lưng có cái đuôi nào không? Nếu không có thì xong chuyện rồi. Chúng ta không cần suy nghĩ gì thêm nữa.” Nếu ai có các đánh giá phán xét mình thì chỉ có hai trường hợp có thể xảy ra: Nếu những gì người ta nói là đúng, thì mình cần thành thật với bản thân, nhận lỗi, cảm ơn và chỉnh sửa bản thân. Nếu những gì người ta nói là không đúng thì kết thúc câu chuyện ở đó mà thôi. Và đây là trường hợp của em. Mặc dù muốn kết thúc, nhưng không được, vẫn phiền lòng. Và đó chính là thử thách em cần phải vượt qua để trưởng thành lên hơn. Em cần phải vượt lên trên cả những nhận xét và định kiến sai lầm này của người khác dành cho em.
  • Nếu em có thể tránh mặt được người nói xấu em do cũng chẳng liên quan gì nhiều trong cuộc sống thì anh nghĩ là cứ mặc kệ họ thôi. Có lẽ, trường hợp của em thì lại phải có những tương tác thường xuyên hơn với người nói xấu về em, do những mối quan hệ nhất định trong cuộc sống. Nếu vậy thì anh nghĩ rằng, cách tốt nhất là em cần chuẩn bị kỹ càng thông điệp và khéo léo chọn thời gian để trao đổi thẳng thắn nhất với người thân của em về việc này. Quan điểm bất đồng vốn dĩ không phải là vấn đề, miễn sao không vi phạm đạo đức thì chẳng có gì là sai cả. Nên em cần một lời trao đổi thẳng thắn và rõ ràng với người thân của em về việc khác biệt trong quan điểm, nhưng họ cần dừng lại những phát ngôn mang tính đánh giá 1 chiều. Đó là cách giải quyết nhanh và hiệu quả nhất, khi trao đổi được trực tiếp một cách hợp tình hợp lý. Em nên cho họ biết rằng em có nghe những lời không hay mà họ nói về em như thế này, như thế này, và em cần họ nói chuyện thẳng thắn với em để tránh những hiểu lầm và để cải thiện mối quan hệ, chứ không nên kéo dài các nhận xét một chiều như thế để dần dần mối quan hệ trở nên căng thẳng, đổ vỡ trong gia đình. 
  • Thông điệp trọn vẹn thường có bốn phần: (1) Em nghe / thấy gì (theo khách quan mà không kèm theo sự đánh giá riêng của em), (2) Theo suy nghĩ và hiểu biết của em thì em nhận định như thế nào, (3) Cảm xúc của em như thế nào, và (4) Yêu cầu em đặt ra để cải thiện tình hình là gì.
  • Ví dụ như trường hợp của em thì em có thể chuẩn bị như sau: “(1) Con nghe anh A, chị B chia sẻ lại với con là chú nghĩ rằng con như thế này, như thế nọ. (2) Có lẽ do chú không cùng quan điểm với con về việc này (hoặc chú không có đủ thông tin) nên chú mới nhận xét như vậy. Mỗi người thường sẽ có những quan điểm sống khác nhau, không dứt khoát cần phải giống nhau. Nhưng nếu chú cứ tiếp tục đánh giá, nhận xét một chiều như thế này thì nó tạo ra những khoảng cách lớn giữa chú và con cũng như sẽ làm cho quan hệ chú cháu xấu đi. (3) Những gì xảy ra gần đây do các nhận xét một chiều của chú đối với con làm cho con rất căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống. (4) Nên con cần ngồi lại với chú để làm rõ vấn đề này và hy vọng chú cháu có thể làm rõ, giải quyết được khúc mắc này nhằm tránh sự căng thẳng và đổ vỡ trong quan hệ giữa chú và con.
  • Hy vọng em có thể giải quyết được thông qua trao đổi trực tiếp và thẳng thắn như vậy. Còn nếu không thể trao đổi được trực tiếp bằng đối thoại, thì em vẫn có thể ghi thư cho đầy đặn và chi tiết. Hoặc email như em đang email anh.
  • Cuối cùng đi nữa, trong trường hợp của em, đó là những mối quan hệ em cần duy trì, nên mới cần đi giải thích, nói chuyện. Còn nếu là những mối quan hệ không cần phải duy trì thì em chẳng cần phải làm gì. Thời gian sẽ tự trả lời mà thôi. Có câu như thế này do Sư Ông của anh, Ngài U Jotika dạy: “Chừng nào chúng ta còn đánh giá, đo lường người khác bằng tiêu chuẩn của mình và chừng nào chúng ta còn tự đánh giá mình bằng các tiêu chuẩn của người khác: chừng đó chúng ta sẽ còn luôn luôn đau khổ”. Em có thể nói chuyện với người thân của em hoặc không. Nhưng không nên để các đánh giá đó ảnh hưởng quá nhiều đến em.
  • Trong trường hợp không nói chuyện được, em thử làm cách này: Mỗi ngày, em đánh số thứ tự mỗi khi em bị phiền lòng bởi các đánh giá đó, mỗi khi em nhớ ra. Ngày đầu, em có thể đếm được đến 40-50 lần bị làm phiền trong suy nghĩ như vậy. Ngày thứ hai, thường sẽ ít hơn, tầm 30 chẳng hạn. Rồi em sẽ từ từ thấy rằng, các ý nghĩ phiền não đó sẽ bớt đi khi nào không hay và trở nên khá nhẹ nhàng. Có khi chỉ còn 1-2 lần trong ngày. Và em không bị quá căng thẳng và phiền lòng nữa. “Cái gì rồi cũng qua thôi” đó là câu thần chú trong cuộc sống này.

Em tham khảo thêm bài giảng của Thầy anh, Sư Tâm Pháp, về tâm đánh giá ở đây nhé: https://sutamphap.com/thuyet-phap/tam-danh-gia/. Hy vọng nó có thể đưa ra cho em được thêm nhiều gợi ý.
Gud luck!

VH

Leave a Reply