Lãnh đạo, văn hoá doanh nghiệp và thành công?

Vừa rồi, tôi nhận được một câu hỏi khá thú vị liên quan đến các thử thách khi lãnh đạo đội ngũ nhân sự với các độ tuổi khác nhau từ ngoài 20 cho đến 50-60. Điều ngạc nhiên là tôi thấy rằng có vẻ như mọi người đang làm cho sự việc thêm phức tạp khi cố gắng tìm xem có những thách thức nào to lớn hơn, ngoài các thách thức vẫn thường gặp? “Còn gì khác nữa không, còn gì nữa không?”

Theo kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của tôi trong quá trình xây dựng và phát triển KMS Technology Vietnam từ 0 – 1000 người, trong vòng 10 năm trước, tôi thấy rằng thử thách lớn nhất mà chúng ta thường gặp là không làm tốt những bước cơ bản, không làm tốt những gì là cốt lõi, là cơ bản nhất. Hệ quả là chúng ta càng ngày càng gặp vô số những thách thức lớn hơn ở trên ngọn. Và nếu không khéo, chúng ta lại tiếp tục loay hoay giải quyết ở phần ngọn với những phương pháp, mỹ từ, thuật ngữ đao to búa lớn, mà vẫn không quay về giải quyết vấn đề ở tại cốt lõi.

Điều quan trọng và cũng là thách thức lớn nhất là chúng ta cần phải làm đúng ngay từ đầu. Tôi là một fan của nguyên lý “làm việc đơn giản”. Và tôi đã chia sẻ khá chi tiết những điều cơ bản và đơn giản dành cho các nhà quản lýlãnh đạo trong thời gian gần đây (các bạn có thể tham khảo cụ thể trong các bài đăng trước đây). Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ ghi ngắn gọn lại xem: Vậy những thứ cơ bản, những thứ cốt lõi đó trong kỹ năng lãnh đạo là gì? Và các bạn sẽ thấy nó không phức tạp, không dài dòng như mình tưởng tượng. Tuy nhiên, để làm được những thứ đơn giản đó lại cần rất nhiều nỗ lực, kiên trì, quyết đoán.

Điều trước tiên là định nghĩa về kỹ năng lãnh đạo. Ngắn gọn thì tôi rất đồng ý với định nghĩa của một tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực lãnh đạo, John Maxwell, với rất nhiều đầu sách best seller về đề tài lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi có thêm 1 chữ vào định nghĩa từ John Maxwell:

“Lãnh đạo là khả năng tạo ra ảnh hưởng một cách tích cực lên những người xung quanh.”

Trong định nghĩa của John không có chữ “tích cực”, dù rằng tôi nghĩ John bao hàm sự tích cực trong việc ảnh hưởng người khác. Vì chỉ có ảnh hưởng tích cực mới có thể mang tính ý nghĩa và lâu dài thôi.

Từ khoá chính ở đây là “ảnh hưởng”. Bạn không cần chức danh để có thể ảnh hưởng (tích cực cũng như tiêu cực) đến những người xung quanh. Nên chắc chắn rằng bạn luôn có thể rèn luyện và thực hành để cải thiện khả năng lãnh đạo của bạn mà không cần đến một chức danh, vị trí cụ thể nào. Bạn chỉ cần biết cách gia tăng ảnh hưởng đến những người xung quanh trong cách làm việc của họ cũng như cách mọi người cùng đồng thuận và thực hiện các quyết định chung của nhóm. Chỉ đơn giản như vậy thôi.

Vậy, bạn gia tăng ảnh hưởng của bạn đến người khác bằng cách nào? Niềm tin, đó là mấu chốt. Niềm tin của mọi người dành cho bạn càng lớn thì mọi người càng chịu lắng nghe những gì bạn nói. Và niềm tin bền vững thì chỉ đi cùng với những mối quan hệ tích cực. Bạn cần phải đầu tư để xây dựng các mối liên kết, các mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp và những người xung quanh bạn. Để từ đó có thể xây dựng được niềm tin từ họ. Chỉ đơn giản vậy thôi. Niềm tin và các mối quan hệ tích cực ví như cỗ xe ngựa song hành đi với nhau. Niềm tin đến từ mối quan hệ và ngược lại. Và mọi thứ bắt đầu từ những thông điệp, tín hiệu bạn gửi đến mọi người đều đặn mỗi ngày thông qua 3 ngõ chính: suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn.

Dù bạn có muốn hay không thì mọi người vẫn quan sát và đánh giá bạn thông qua hành động, suy nghĩ và lời nói mà bạn thể hiện hàng ngày. Hay nói một cách khác, mỗi một hành động, suy nghĩ và lời nói của bạn tự thân nó đã là một thông điệp bạn gửi đến những người xung quanh. Và tuỳ vào giá trị cũng như chất lượng của các suy nghĩ, hành động và lời nói đó mà những người xung quanh có thể tôn trọng bạn hơn, tin tưởng bạn hơn, lắng nghe bạn hơn, hay là ngược lại. Mấu chốt là ở đó.

Nên bạn luôn cần phải tỉnh táo trong mỗi một suy nghĩ, hành động và lời nói của mình. Suy nghĩ, hành động và lời nói cần phải nhất quán, cho dù người khác có biết đến hay không. Nhất quán cần dựa trên nền tảng đạo đức và hướng thiện. Hướng thiện nghĩa là không làm hại ai, kể cả chính mình. Và thường thì phạm trù đạo đức và hướng thiện rất rộng, khó có thể quy định được tường minh. Nên tôi đề nghị sử dụng cụm từ “người đàng hoàng”. “Người đàng hoàng” thì dễ để định nghĩa hơn. Bạn chỉ cần làm sao để khi đêm về, có thể ngủ yên giấc mà không có sự hối hận, ăn năn, cảm giác tội lỗi, thì chắc chắn là bạn đã sống đàng hoàng trong ngày. Sự nhất quán của hành động, suy nghĩ và lời nói dựa trên nền tảng “người đàng hoàng” này chính là chữ chính trực (integrity) mà trong văn hoá phương Tây thường nói đến.

Nếu suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn không nhất quán (ví như: nói một đường – làm một nẻo, hay nghĩ một đường – nói một nẻo) thì chắc chắn những người xung quanh bạn sẽ bối rối, sẽ không hiểu bạn muốn gì và động cơ đằng sau suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn là gì. Nếu không hiểu, con người ta thường hay đưa ra các giả định. Và các giả định đó, không may thường lại mang tính tiêu cực, đồn đoán, không thật. Kết quả cuối cùng là mọi người khó có thể đặt niềm tin vào bạn và cũng đồng nghĩa với việc khó có thể có một mối quan hệ tích cực đối với bạn.

Ngược lại, nếu suy nghĩ, hành động và lời nói của bạn liên tục nhất quán và đàng hoàng, nghĩa là nếu bạn nói bạn làm gì thì bạn thực sự trọn vẹn, tận tâm làm việc đó, hoặc những lời nói và hành động của bạn thể hiện đúng suy nghĩ bạn có trong đầu thì dần dần, sau một thời gian quan sát, mọi người chắc chắn sẽ có nhiều niềm tin vào bạn hơn, họ sẽ bắt đầu có nhiều sự tôn trọng ở nơi bạn hơn. Các mối quan hệ chắc chắn sẽ từ đó khăng khít, tích cực hơn. Và trên nền tảng của niềm tin và một mối quan hệ tích cực thì việc bạn có thể ảnh hưởng đến người khác là tự nhiên, là chắc chắn. Đó chính là khả năng lãnh đạo rồi.

Như vậy, chỉ từ một định nghĩa cơ bản về khả năng lãnh đạo, bạn hoàn toàn có thể biết mình cần làm gì để tăng trưởng khả năng lãnh đạo của bản thân, một cách đơn giản, chắc chắn và bền vững nhất. Điều cơ bản đầu tiên trong việc phát triển kĩ năng lãnh đạo chính là duy trì suy nghĩ, hành động và lời nói nhất quán và đàng hoàng. Liên tục và liên tục như vậy.

Điều cơ bản thứ hai mà tôi nghĩ là mấu chốt, là quan trọng chính là các giá trị cơ bản mà một nhà lãnh đạo cần duy trì cho bản thân mình. Giá trị đầu tiên là sự chính trực như tôi chia sẻ ở trên. Giá trị thứ hai là sự cởi mở: bạn cần duy trì một tinh thần và thái độ cởi mở đối với cuộc sống này. Bạn có được sự cởi mở khi bạn chấp nhận rằng những gì bạn biết về thế giới này thật là nhỏ nhoi. Cái tôi của chúng ta thường đề cao giá trị của bản thân, muốn mình là hoàn hảo, là biết nhiều thứ (nếu không phải là mọi thứ). Tuy nhiên, nếu bạn thực sự bén nhạy và thành thực với bản thân thì rõ ràng là những gì chúng ta biết về cuộc sống, về tự nhiên, về mọi thứ rất là nhỏ nhoi. Bởi vì nếu không phải là như vậy thì chúng ta đã có thể xử lý được hầu hết mọi thử thách xảy đến trong cuộc sống của chúng ta.

Khi bạn hiểu ra và chấp nhận sự thật là chúng ta nhỏ bé, bạn sẽ dễ dàng có được một tinh thần và thái độ cởi mở để có thể tự mình mở mang thêm kiến thức mỗi ngày thông qua việc lắng nghe và học hỏi từ những người xung quanh, học hỏi từ những hiện tượng và sự việc xảy đến với chúng ta hàng ngày. Đó là quá trình tự phát triển bản thân mình lên một tầm cao mới. Và việc liên tục học hỏi này chính là nền tảng để bạn có thể sáng tạo hơn, làm việc hiệu quả hơn.

Một khía cạnh khác của sự cởi mở chính là việc nhận ra được rằng, mỗi một chúng ta sinh ra ở cuộc đời này là duy nhất, là quá khác nhau. Chúng ta có một vài điểm mạnh và rất nhiều nhược điểm. Và đó là lý do chúng ta cần những người xung quanh bổ trợ những điểm khiếm khuyết của chúng ta, để cùng nhau có thể làm được một điều gì đó ý nghĩa và tốt đẹp hơn trong công việc, trong cuộc sống. Đây chính là nền tảng của sự tôn trọng. Tôn trọng sự khác biệt và biết ơn những “phần bù” của mình.

Và giá trị cốt lõi cuối cùng mà một nhà lãnh đạo cần phải duy trì chính là sự quan tâm, chăm sóc. Đó là nhu cầu cơ bản của bất cứ một ai. Và đừng quên rằng không những bạn cần có sự quan tâm, chăm sóc đúng mực đến những người xung quanh, mà bạn còn cần phải đầu tư để quan tâm và chăm sóc chính bản thân bạn một cách đúng mực.

Một cách ngắn gọn thì khả năng lãnh đạo đến từ niềm tin và các mối quan hệ tích cực bạn xây dựng được đối với đồng nghiệp. Niềm tin và các mối quan hệ bền vững được xây dựng dựa trên việc liên tục duy trì sự nhất quán trong hành động, suy nghĩ, và lời nói một cách đàng hoàng. Và cuối cùng là các hành động, suy nghĩ và lời nói của các bạn cần liên tục thể hiện sự chính trực, sự cởi mở, sự sáng tạo, sự tôn trọng, sự quan tâm và chăm sóc đến những người xung quanh.

Chỉ đơn giản như vậy thôi, tôi nghĩ thế. Và các bạn có thể áp dụng để lãnh đạo đối với mọi độ tuổi. Chẳng có gì khác biệt cả. Có lẽ thử thách lớn nhất là các bạn không thực hiện những điều cơ bản này một cách đúng đắn và trọn vẹn. Và từ đó, nhiều vấn đề nảy sinh bởi vì sự không nhất quán trong hành xử của bạn, trong vai trò một nhà lãnh đạo.

Một ví dụ cụ thể là các đội nhóm thường có ngân sách để tổ chức các cuộc outing để củng cố các mối quan hệ trong nhóm. Việc lâu lâu mới có một chuyến dã ngoại như vậy chỉ mang tính củng cố các mối quan hệ, chứ nó không thể là việc xây dựng các mối quan hệ. Các mối quan hệ được xây dựng dựa trên các suy nghĩ, hành động và lời nói cụ thể hàng ngày của bạn và các thành viên trong nhóm. Nó có được đúng mực không, có chính trực không, có cởi mở không, có tôn trọng không, có mang tính quan tâm không? Việc xây dựng các mối quan hệ là việc làm mang tính thường xuyên, chứ không phải chỉ xảy ra trong các dịp đặc biệt như trong các chuyến dã ngoại. Theo quan sát, tôi thấy có các anh chị lãnh đạo do bận rộn nên không đầu tư được thời gian để có thể giao tiếp, tiếp xúc và nói chuyện với các đồng nghiệp thân cận của mình. Nhưng lại có ý tốt là chú ý tổ chức các cuộc dã ngoại nhằm củng cố các mối quan hệ. Theo tôi, điều đó là không đủ và không thể dẫn đến kết quả cuối cùng là sự gắn bó đội nhóm được. Bởi thông điệp mà mọi người nhận được không phải chỉ gói gọn trong buổi dã ngoại. Mà nó cần được duy trì, nhấn mạnh xuyên suốt và kéo dài. Các buổi dã ngoại chỉ mang tính truyền cảm hứng và củng cố mà thôi.

Hãy cẩn thận! Vì chỉ với một sự cố đội nhóm thiếu gắn bó thôi cũng đủ làm nền tảng cho biết bao nhiêu vấn đề trong công việc: thiếu sự tin cậy lẫn nhau, đề phòng lẫn nhau, không mở hết lòng để cống hiến, đóng kín để bảo vệ quyền lợi của mình một cách ích kỉ, … Vô vàn thứ tiêu cực mà bạn chắc chắn không muốn có trong đội nhóm và công ty của mình. Và tất cả chỉ bắt đầu bởi một thứ cơ bản: không gắn kết do không có niềm tin và các mối quan hệ khắng khít trong đội nhóm và công ty.

Nếu tôi phải thách thức bạn để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, tôi sẽ chỉ thách thức bạn làm cho đúng những điều cơ bản trên. Và chúng khá ngắn gọn để quan sát và đánh giá liệu các bạn có đang làm tốt hay không.

Nếu bạn là một nhà lãnh đạo chính trực, cởi mở, tôn trọng, sáng tạo và quan tâm như trên thì tôi tin chắc rằng bạn cũng sẽ thu hút những người cùng tôn trọng các giá trị này. Các thành viên trong nhóm của các bạn có thể có những điểm mạnh khác nhau để tạo nên một siêu đội nhóm, nhưng chất keo gắn kết các bạn lại với nhau chính là việc tôn trọng và thực hành các giá trị cơ bản này. Bắt nguồn từ đó, các bạn sẽ xây dựng được một văn hoá đội nhóm tích cực và ở qui mô lớn hơn sẽ là một văn hoá doanh nghiệp tích cực. Tất cả những điều tốt đẹp đó đều dựa trên 5 điều cơ bản này, tôi nghĩ thế. Và nếu các bạn tìm hiểu bất cứ một văn hoá doanh nghiệp nào mang tính tiêu biểu (thường là câu chuyện văn hoá của các doanh nghiệp lớn và thành công trên thế giới), tôi tin chắc rằng cho dù cách diễn đạt và mô tả văn hoá của doanh nghiệp đó như thế nào thì nó không thể vượt qua 5 giá trị cơ bản mà tôi đề nghị ở trên. Những ai hiểu được điều này sẽ biết được nên tập trung ở đâu để xây dựng và duy trì cho đội nhóm của mình hoặc doanh nghiệp của mình một văn hoá mang tính tích cực và đó cũng chính là thế mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

KMS Technology Vietnam, công ty mà tôi đồng sáng lập vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, có một danh tiếng nổi trội trên thị trường là hai chữ “nhân văn”. Tôi biết vì sao chúng tôi có được danh tiếng đó. Đó là vì chúng tôi nghiêm túc và không ngừng tôn trọng cũng như thực hành các giá trị của chính trực, cởi mở, tôn trọng, sáng tạo và quan tâm. Đó chính là nền tảng của một doanh nghiệp vượt trội với các thành tích vượt trội. Điều đó chắc chắn bao hàm hai chữ thành công. Tôi tin là như vậy.

Tóm lại, hãy làm đúng ngay từ đầu, từ những điều cơ bản nhất. Đó chính là thử thách lớn nhất trong việc lãnh đạo, xây dựng văn hoá, tạo dựng thành công cho doanh nghiệp. Hy vọng các bạn có thể nhận ra một điều tuyệt vời rằng cả ba thành quả (lãnh đạo hiệu quả, văn hoá doanh nghiệp tích cực, và thành công của doanh nghiệp) đều đến từ cùng một vài điều cơ bản chung mà thôi. Đó là niềm tin, các mối quan hệ tích cực, sự chính trực, cởi mở, sáng tạo, tôn trọng và quan tâm. Chúc các bạn thành công.

Leave a Reply