Tôi xin đăng lại một bài viết đầy cảm xúc của một đồng nghiệp của tôi tại KMS, sau một chuyến đi thiện nguyện tới Bù Đăng, Bình Phước. Mong các bạn tiếp tục khoẻ mạnh và tiếp tục hỗ trợ các dự án thiện nguyện tại KMS.
Cảm ơn tác giả Brooch Lee.
Các bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây với các phản hồi.
Tôi đã tham gia rất nhiều chương trình từ thiện của công ty, của chùa, của hội từ thiện….từ những ngày còn rất bé. Tôi ý thức được rằng hạnh phúc hiện tại mình đang có chính là quà tặng của trời đất dành tặng ta khi ta trao đi những tình yêu thương tới mọi người mà không cần được đáp trả. Ngày hôm nay, được ngồi trong mái nhà lành lặn, nệm êm, chăn ấm, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại chuyến từ thiện chỉ mới hôm qua thôi.
Sau giờ tan ca buổi chiều của ngày thứ 6 (21/6/2013), chúng tôi – những tình nguyện viên của công ty KMS Technology không ai bảo ai đã tập trung rất đông đủ tại sảnh của Cộng Hòa office. Mặt dù vẫn còn í ới gọi điện thoại cho nhau những thành viên còn làm báo cáo cuối ngày của công việc để sẵn sàng cho chuyến từ thiện, những thành viên phải đưa mẹ đi khám bướu vẫn cố gắng trở về để tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa này. Ai cũng có những mối lo toan riêng nhưng đều đành phải gác lại để năng lượng cho chuyến đi được đẩy lên cao nhất.
6pm xe chúng tôi cũng bắt đầu lăn bánh tiến về chùa Phổ Quang, Bù Đăng, Bình Phước. Chúng tôi được chủ xị Uyen Hoang cấp phát mỗi người 1 cây kèn (ổ bánh mì) để chóng đói cho chuyến đi dài 170 cây số. Tất cả anh em trong đoàn chúng tôi đều rất háo hức cho chuyến đi từ thiện lần này. Chị Hạnh Trương – người đi xe rất dở – đã tranh thủ phổ biến công việc ngày mai cho mọi người trước khi tinh thần bị xuống dốc vì say xe. Mặt dù vậy chị cũng đã lên tinh thần cho mọi người bằng những tràng cười qua câu chuyện “Bắt Sâu Răng”. Xe chúng tôi bon bon trên đường trong cơn mưa rào rả rít, nước ngập đầy đường, nước bắn tung tóe lên thành xe nghe ào ào của địa phận tỉnh Bình Dương. Mặc dù thế vẫn không làm ngăn cản bước chân của đoàn chúng tôi. Chúng tôi kết hợp với 1 đoàn y bác sĩ hẹn gặp nhau ở Tỉnh Lộ 14, tx Đồng Xoài. Rồi con đường huyết mạch nối các tỉnh đồng bằng với Tây Nguyên cũng đã hiện ra. Con đường huyết mạch ấy sau bao nhiêu năm vẫn chưa được cải thiện. Ổ gà, ổ voi, sóng trâu, không có 1 ánh đèn đường gây trở ngại cho bác tài đã nhiều phen thắng gấp khiến cho những thùng quà, thùng sữa cứ thi nhau đổ ập lên người các anh ngồi ở băng cuối. Các anh luôn phải giơ hai tay lên như đầu hàng để chuẩn bị sẳn sàng cho những lần thắng gấp như thế trong suốt hành trình kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ. Chúng tôi đã nghỉ giữa chặng để xả….stress nhưng cây xăng thứ nhất, rồi cây xăng thứ 2, cây xăng thứ 3…đều không có WC công cộng. Chúng tôi đã phải đi nhờ nhà dân. Nhưng nói thật, toilet nhà dân ở đây cũng chỉ là 4 tấm bạc bao quanh, hoàn toàn….không có nóc. Chúng tôi lại được dịp….hứng gió trời. Nghe cứ như tôi đang kể chuyện có phải không? Nhưng đây là sự thật, có đi xa mới biết dân mình còn khổ lắm. Rồi chúng tôi lại tiếp tục trên con đường mà cảm giác Gangnam Style (nhảy ngựa) khiến chúng tôi không tài nào chợp mắt trong hành trình khá dài cách nơi chúng tôi đến khoảng chừng 20 cây số nữa.
11:20 pm chúng tôi đã có mặt tại Phổ Quang tự, Bù Đăng, Bình Phước. Tăng ni Phật tử ở đây cũng không hề chợp mắt để chờ đón phái đoàn chúng tôi. Anh em tình nguyện viên bắt đầu khuân dở hàng hóa để lại chùa chuẩn bị cho công việc ngày mai. Mỗi người 1 tay, việc khuân vác đã hoàn tất. Tất cả chúng tôi được nhà chùa thếch đãi món chè đậu bắp tuy đã nguội (có lẽ được nấu từ rất sớm) nhưng đều làm ấm lòng những tình nguyện viên đang đói rã như chúng tôi sau chuyến đi dài.
Lên xe trở về nhà nghỉ, chúng tôi vội vả cất đồ đạc rồi lên xe lần nữa để ra chợ kiếm gì ăn lót lòng sau chuyến đi. Quán xá đều tắt đèn, mỗi khi nhìn thấy ánh đèn xa xa, chúng tôi đều ồ lên hi vọng quán còn mở cửa. Nhưng vừa tới nơi, ánh đèn cũng vừa tắt. Bao tiếc nuối, thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt đói lã của mọi người trên xe. Ông trời không phụ lòng người, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được quán ăn ngay bến xe của Bù Đăng, khuôn mặt hăm hở của mọi người bắt đầu được khoát lên thay cho gương mặt bí xị, thất vọng ban nãy. May quá, cuối cùng chúng tôi cũng được ăn tối vào lúc chuyển giao ngày mới.
Về lại nhà nghỉ, chúng tôi nhận phòng rồi thay phiên nhau vệ sinh cá nhân. Lúc ngã lưng xuống giường cũng là lúc đồng hồ điểm 1:30 am. Tôi thiếp đi lúc nào không biết sau chuyến đi dài. Ngày mới cũng đã lên, âm thanh mà từ rất lâu tôi mới được nghe lại kể từ khi tôi bước chân vào SG. “Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam…” rồi tiếng đàn theo sau đó. Ôi, cái âm thanh quen thuộc gọi tôi dậy mỗi ngày đến trường nay sao bỗng thân thuong quá. Phố núi chào chúng tôi bằng những sương mù ban sớm, mây giăng ngập lối, rồi cái se lạnh của buổi sương sớm mai khiến chúng tôi không muốn rời chăn ấm của mình. 5:45 am chúng tôi lên xe để quay lại chùa chuẩn bị cho công tác từ thiện của mình.
Chùa chào đón chúng tôi bằng những món chay thịnh soạn, bánh tét, bánh bèo, bún riêu. Ôi, thiệt là hấp dẫn. Chúng tôi còn chưa kịp thưởng thức xong bữa sáng của mình, bệnh nhân đã bắt đầu kéo đến sân chùa. 6:15 a Thịnh – tổ trật tự đã nuốt vội món bún riêu của mình rồi vội vả bước ra để đón tiếp bà con trong tinh thần tràn đầy năng lượng. Chúng tôi, không ai bảo ai cũng vội vã kết thúc bữa sáng để bắt đầu nhiệm vụ.
Tổ tiếp nhận, Quang Tuấn Anh, chị Phuong Kieu, và 1 thành viên nữa tôi chưa kịp…nhớ tên 🙁 . Mọi người bắt tay vào làm việc lúc 7:00am. Từng người được hỏi tên, tuổi, địa chỉ…lấy số thứ tự rồi được chuyển sang tổ xổ giun (gồm tôi và anh Đức Lê). Công việc của tôi và anh cũng khá nhẹ nhàng, chỉ cần hỏi “Trong 6 tháng qua anh/chị/em/ông/bà/cô/chú có được uống thuốc xổ giun/xổ lãi chưa ạ?” Câu trả lời chúng tôi nhận được từ họ thì ôi thôi muôn vàn câu trả lời khác nhau. “Dạ thưa bác sĩ tôi đau lưng, đau đầu, ăn uống không ngon miệng…” , ” Dạ thưa bác sĩ, tôi uống và chích thuốc ngừa thai rồi nên ko có thai được đâu” vì viên thuốc chúng tôi cho họ uống nhìn rất giống thuốc ngừa thai, với lại thuốc này dược tính của nó có ảnh hưởng đến phụ nữ có thai, đang cho con bú, em bé dưới 1 tuổi và phụ nữ nghi ngờ có thai. Cũng chính vì lẽ đó mà chúng tôi cũng không quên hỏi “Chị có đang nghi ngờ có thai không?” Chúng tôi hỏi nhiều đến mức liệu luôn “Anh có đang nghi ngờ có thai không?” :))
Những tổ khác hoạt động thế nào tôi không được biết, vì tôi ngồi chết dí ở bộ phận của mình để túc trực tiếp nhận bệnh nhân trước khi được chuyển giao sang bộ phận đo huyết áp. Cũng chính nơi đây tôi mới có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người với nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Các bà mẹ trên thế giới dù không đẹp nhưng tình yêu họ dành cho con luôn là tình yêu đẹp nhất, hoàn hảo nhất mà họ có.
“Con à, con mấy tuổi rồi?” Đứa bé nhìn thấy tôi, nó òa khóc làm tôi hồn vía lên mây không biết phải làm như thế nào vói nó. Cha nó nói gì với nó, nó không những không nín mà khóc lớn hơn. Nó lùi lại mấy bước đứng giữa sân và khóc thét khi cha nó nhét vào miệng nó viên thuốc xổ giun mà tôi đưa cho. Đên giờ phút này tôi cảm thấy ngôn ngữ mẹ đẻ của mình (tiếng Việt) hoàn toàn vô dụng trên chính quê hương của mình. Rồi thằng bé không biết vì sợ hãi hay vì lý do gì mà nó đứng tè ngay giữa sân. Mọi người đều nhìn nó rồi không nhịn được cười. Anh Đức được dịp chọc ghẹo tôi “Nhìn cái mặt em hắt ám quá, làm thằng nhỏ té đái luôn rồi kìa :))” không lẽ mặt mình đáng sợ vậy sao ta???
“Cô à, tôi có thể xin thuốc về cho đứa con 9tuổi đang bệnh nặng nằm nhà không?” – “Sao dì không đưa bé ra đây để các y bác sĩ khám chữa bệnh cho cháu?” – “Tôi đâu có biết, sáng nay đi chợ sớm, nghe bà con kháo nhau có đoàn từ thiện về khám chữa bệnh miễn phí, tôi vội đu theo xe để đến được đây đó” – “Nhà dì có xa lắm không?” – “Xa lắm, đi xe đò 3 tiếng mới tới, tui đi từ 4h sáng mới tới được đây đó” – “Vậy có hàng xóm nào gần nhà, nhờ đưa bé ra đây được không?” – “Chắc là không, tui ở trong sóc xa lắm mới có 1 căn nhà, tui đi thế này là bỏ thằng nhỏ nằm nhà 1 mình rồi đấy…” nói tới đây, bà mẹ trẻ nghẹn ngào nước mắt, tôi cũng không kềm được cảm xúc nghèn nghẹn trong tim mình. Các bà mẹ trên thế giới dù không đẹp nhưng tình yêu họ dành cho con luôn là tình yêu đẹp nhất, hoàn hảo nhất mà họ có.
“Chị à, em có thể xin thêm vài viên thuốc để dành đau bụng uống không? Em cứ hay đau bụng hàng tháng…” – “Không em, thuốc này là thuốc xổ lãi, 6tháng mới được uống 1 lần, không có tác dụng trị đau bụng” câu hỏi ngô nghê của họ khiến tôi nghĩ, đúng là truyền thông rất mạnh nhưng không phải vùng nào cũng tiếp xúc được truyền thông để có thể hiểu rõ về vấn đề cá nhân của chính bản thân họ.
“Cà Rang sinh năm 2005 nên là anh, Cà Ri sinh năm 2004 nên là em. Tui đi chợ, tui biết số 5 lớn hơn số 4 mà” Mãi lo kiếm cái ăn, cái mặc nên tuổi của con mình cũng không nhớ. Học hành đối với họ là chuyện quá xa vời. Họ biết so sánh những con số như thế là quá giỏi rồi.
“Cô à, bé nhà tôi nó bị liệt 2 chân từ bé. Nó có được khám chữa bệnh không cô?” – “Dạ, tất nhiên là có, bé cũng sẽ được thăm khám chữa bệnh như bao nhiều người khác” Nước mắt vỡ òa trên khuôn mặt suốt đời bế con trên tay của người mẹ lại 1 lần nữa khiến tôi rơi nước mắt. Họ sợ con họ vốn thiệt thòi rồi, nên cũng sợ không được khám chữa bệnh như bao nhiêu đứa trẻ khác. Họ sợ cuộc đời còn lắm bất công.
…
Rồi chương trình từ thiện của chúng tôi cũng kết thúc tốt đẹp. 347 toa thuốc là tổng số bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám trong buổi sáng ngày hôm đó. 3 tấn rưỡi gạo vào 350 phần quà mà chúng tôi trao tặng chỉ là những con số. Con số rất nhỏ trong vô vàn những mảnh đời còn lắm éo le trên mảnh đất này.
Chúng tôi lại được thưởng thức bữa cơm trưa tại chùa. Dùng bữa xong, 1 người đàn ông với chiếc xe đạp cũ, tay chống nạn với 1 chân giả chỉ là miếng thiếc quấn thành ống nhưng vẫn không đủ dài bằng chân thật đến gặp 1 trong các bác sĩ để xin được khám chữa bệnh. Vị bác sĩ đã từ chối vì thuốc đã được cấp phát gần hết, các thiết bị thăm khám cũng được cất kỹ. Ông lão đành quay bước ra về mà nỗi buồn còn vương trong đáy mắt. Trên chiếc xe đạp cũ, ông lão nặng nề đạp chiếc xe cũ kỹ với đôi chân không nguyên vẹn. Còn đó những con người cần lắm sự giúp đỡ của chúng ta. Còn đó những con người mà kiến thức của họ chỉ đủ để họ trả tiền mua mớ rau hay con cá. Còn đó những mảnh đời mà miếng ăn, cái mặc đã đủ khiến họ mệt mỏi với cuộc sống cơm áo gạo tiền, lo cho sức khỏe là thứ gì đó quá xa xỉ đối với họ. Còn đó những bàn tay cần lắm 1 bàn tay…
Chúng tôi lên lên xe trở về SG trong cơn mưa chiều xối xả, ướt nước. Mưa rơi, hay trời khóc thương cho những mảnh đời bất hạnh, hay khóc vì cảm ơn lòng tốt của những con người còn có tấm lòng như Tuệ Tâm hay đoàn tình nguyện viên như chúng tôi. Không 1 ai trong chúng tôi có câu trả lời nhưng tôi tin chắc, sau chuyến đi này mọi người trong chúng tôi biết yêu thương nhau hơn, biết nhường cơm sẻ áo cho những mảnh đời cần lắm những tim yêu.