[TTTPG] I.6. Chánh niệm về hơi thở (ānāpāna-sati)

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Nghe trên Youtube

Nghe trên Soundcloud

Nghe trên Spotify

Vì nhiều lý do khác nhau, có thể có những thiền sinh thích chọn hơi thở làm đề mục chính của chánh niệm hơn. Mục tiêu nhắm đến của họ có thể là để đạt được các tầng định hoặc để trực tiếp phát triển tuệ giác. Các hướng dẫn ngắn gọn về pháp hành “Chánh niệm về hơi thở” (ānāpāna-sati, hay ngắn gọn gọi là quán niệm hơi thở) được thêm vào đây nhằm hỗ trợ những thiền sinh này. Pháp hành này được đặt cơ sở trên phần tương ứng trong bản kinh Tứ Niệm Xứ. Ngoài ra, còn có một pháp hành thay thế khác bắt đầu bằng việc đếm hơi thở được mô tả trong cuốn Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga).

Như đã đề cập ở trên, đối với pháp hành quán niệm hơi thở, tư thế ngồi hoa sen (kiết già) với hai chân bắt chéo là thích hợp hơn, mặc dù nó hoàn toàn không cần thiết. Chúng tôi cũng đã có cảnh báo rằng, đừng can thiệp vào hơi thở dưới bất cứ hình thức nào. Trong các pháp hành Phật giáo, không được giữ hay dừng hơi thở, không cố ý thở sâu hay cố gắng ép hơi thở vào một nhịp điệu thời gian nhất định nào cả. Nhiệm vụ duy nhất ở đây là theo dõi dòng chảy tự nhiên của hơi thở một cách chánh niệm và liên tục mà không có một sự ngắt quãng nào hoặc không có sự ngắt quãng nào mà không được ghi nhận. Vị trí mà thiền sinh nên tập trung chú ý là ở đầu mũi, nơi luồng không khí của hơi thở đi vào, đi ra, và vị ấy không nên rời vị trí quan sát đó. Bởi vì, thiền sinh có thể dễ dàng kiểm tra hơi thở vào ra ở vị trí đó. Ví dụ, thiền sinh không nên theo dõi hơi thở trên đường đi của nó xuống cơ thể và quay trở lại. Bởi vì, điều này sẽ làm chệch hướng sự chú ý, khi nó được chuyển hướng qua nhiều giai đoạn trong suốt “toàn bộ hành trình” của hơi thở. Nơi mà thiền sinh có thể cảm nhận một cách rõ ràng tác động của hơi thở có thể bị xê dịch qua lại chút ít. Nó có thể thay đổi giữa hai lỗ mũi. Và cũng có thể có những khác biệt nhất định cho từng cá nhân, tuỳ theo chiều dài và rộng của lỗ mũi. Ngoài việc ghi nhận các sự xê dịch và những sự khác biệt này, thiền sinh không nên quan tâm thêm đến chúng nữa, thay vào đó chỉ chú ý đến chính hơi thở, ở bất cứ nơi nào nó trở nên rõ ràng nhất một cách liên tục.

Mặc dù chánh niệm (sự chú ý) được giữ ở vị trí quán sát của nó, nhưng do áp suất nhẹ của không khí, ít nhiều sẽ vẫn có một nhận thức rõ rệt về luồng hơi thở đi qua cơ thể. Tuy nhiên, thiền sinh không nên đặt sự chú ý trực tiếp lên nó. Điều tương tự cũng xảy ra với cái nhìn, mặc dù được tập trung vào một đối tượng xác định, nhưng mắt cũng sẽ bao gồm trong tầm nhìn của nó một số đối tượng lân cận. Cũng giống như vậy, chánh niệm có một phạm vi mở rộng nhất định vượt ra ngoài tâm điểm mà nó đã chọn. Có một ví dụ rất thích hợp cho việc này trong kinh điển Phật giáo cổ xưa: Nếu một người cưa một khúc gỗ, sự chú ý của vị ấy sẽ tập trung vào “điểm tiếp xúc” giữa lưỡi cưa và khúc gỗ. Cùng lúc, vị ấy cũng sẽ ý thức được sự di chuyển của lưỡi cưa đến và đi khỏi điểm tiếp xúc, tuy nhiên sẽ không đặt một sự chú ý đặc biệt đến điều này.

Thiền sinh mới thường phạm sai lầm là quá căng thẳng hoặc lúng túng, khi lần đầu tiên hướng sự chú ý của mình vào hơi thở. Nếu vị ấy làm việc này như là một cú thúc mạnh bất thình lình ở bên trong hoặc như thể vồ lấy một con mồi thì anh ấy sẽ hoàn toàn mất kết nối với tiến trình hô hấp vi tế.

Sau khi kết thúc sự quán tưởng ban đầu hay các hơi thở vào-ra lúc ban đầu, thiền sinh cần bình tĩnh hướng sự chú ý của mình vào luồng hơi thở tự nhiên và đi cùng với nó, tham gia vào nhịp điệu đều đặn của nó. Không cần phải có một hành động ý chí mạnh mẽ kiểu như: “Bây giờ tôi sẽ nắm lấy hơi thở!”. Nó sẽ chỉ cản trở việc hành thiền mà thôi.

Trong bản kinh Tứ Niệm Xứ, đoạn kinh liên quan đến việc này đã dạy như sau: “Thở vào một hơi dài (ngắn), vị ấy biết rằng: ‘Tôi thở vào một hơi dài (ngắn).’” Điều này không có nghĩa rằng thiền sinh nên cố tình kéo dài (làm sâu hơn) hay rút ngắn hơi thở lại, mà là vị ấy chỉ cần ghi nhận rằng: Hơi thở dài hơn hay ngắn hơn một cách tương đối ở thời điểm quán sát. Một cách tự nhiên, thiền sinh sẽ ý thức được những sự khác biệt này trong tiến trình hô hấp cũng như nhiều chi tiết khác, sau khi đã làm quen với việc thận trọng hướng sự chú ý vào hơi thở. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các loại nhận thức khác, ví dụ như các đối tượng thị giác; việc liên tục quan sát một cách kỹ càng hơn sẽ tiết lộ nhiều sự thật mà mọi người thường không chú ý hoặc không ghi nhận được, nếu chỉ nhìn lướt qua.

Vào thời gian đầu khi mới hành thiền, bằng cách thực hành đều đặn và siêng năng, việc đầu tiên thiền sinh cần làm là xây dựng khả năng duy trì sự chú tâm vào luồng hơi thở trong một khoảng thời gian ngày càng dài hơn mà không bị gián đoạn, hoặc không có sự gián đoạn nào mà không được ghi nhận. Khi thiền sinh có thể duy trì sự tập trung trong khoảng 20 phút một cách tương đối dễ dàng thì vị ấy có thể ghi nhận được nhiều hơn các chi tiết của tiến trình đang quan sát. Khi đó, sự việc sẽ trở nên rõ ràng hơn mà ngay cả một khoảnh khắc thoáng qua của hơi thở cũng sẽ được mở rộng ra về mặt thời gian với các chuyển động rõ rệt ở thời điểm bắt đầu, ở giữa và ở thời điểm kết thúc của hơi thở. Các quan sát thu được như vậy báo trước một sự tăng trưởng hơn nữa trong pháp hành.

Giờ đây, thiền sinh có thể nhận thấy rằng, mức độ chánh niệm của mình không rõ ràng và nhạy bén giống như nhau trong ba giai đoạn của một hơi thở.  Chẳng hạn như, sự chậm chạp sau khi chú ý đến giai đoạn cuối của một hơi thở có thể khiến tâm mình bỏ lỡ giai đoạn đầu tiên của hơi thở tiếp theo, tâm không đủ nhanh để có thể tập trung lại ngay lập tức. Hoặc là do bởi lo lắng để không bỏ lỡ phần đầu của hơi thở kế tiếp, thiền sinh có thể đã vô tình bỏ qua giai đoạn cuối của hơi thở trước đó. Đây là minh hoạ cho lời cảnh báo về pháp hành được áp dụng khắp nơi trong kinh điển Phật giáo rằng: “Không để bị tụt lại ở phía sau mà cũng không vượt quá lằn ranh”.

Việc nhận thấy được các khác biệt vi tế của hiện tượng trong sự tỉnh giác và sáng suốt của sự chú ý có thể được xem là một bước thành công trong việc phát triển chánh niệm và định tâm. Thông qua các quan sát này, thiền sinh cũng sẽ có được một hiểu biết hữu ích về chính bản thân mình. Điều này sẽ giúp vị ấy điều chỉnh khuynh hướng tinh thần của mình, nhằm có được những nỗ lực cân bằng để có thể tránh được cả sự uể oải lẫn căng thẳng.

Song song với việc ghi nhận những biến động trong lúc thực hành chánh niệm, thiền sinh cũng sẽ nảy sinh ước muốn và nỗ lực khắc phục các thiếu sót của mình. Vị ấy sẽ cố gắng giữ chánh niệm ở mức độ đồng đều trong cả ba giai đoạn của hơi thở. Khi đã thành công trong việc đó, thiền sinh sẽ thực hành bài tập thứ ba được dạy trong bản kinh: “Cảm nhận toàn toàn thân, tôi sẽ hít vào, thở ra”.

Nỗ lực nhân đôi này, theo dõi chuỗi hơi thở liên tục mà không bị ngắt quãng và đặt sự chú ý đều nhau lên toàn bộ các giai đoạn của hơi thở, có thể để lại vết tích căng thẳng hoặc rung chấn trong quá trình thở cũng như trong cái tâm đang quan sát. Điều này sẽ được ghi nhận khi mức độ tỉnh giác tăng lên. Một lần nữa, ẩn tàng trong sự quán sát đó, sẽ có mong muốn và nỗ lực nhằm mang lại sự định tĩnh cao hơn nữa cho cả tiến trình thở cũng như các tiến trình tâm liên quan. Đây là giai đoạn thực hành thứ tư và cũng là giai đoạn cuối cùng như được dạy trong bản kinh: “An tịnh thân hành, tôi sẽ hít vào, thở ra.”

Tuy nhiên, thiền sinh cần phải thực hành kiên trì cho đến khi sở hữu được một cách khá chắc chắn tất cả các giai đoạn này và có thể thể nhập vào các giai đoạn này một cách tương đối dễ dàng. Nếu đạt được điều đó, thiền sinh có thể mong đợi các tiến triển tiếp theo.

Cũng ở tại thời điểm “an tịnh thân hành” này mà hai nhánh chính của thiền Phật giáo (thiền định – samatha và thiền tuệ – vipassanā) tạm thời tách ra làm đôi.

Nếu thiền sinh mong muốn chứng đắc các tầng thiền an chỉ định thông qua việc đi sâu vào các tầng định, vị ấy cần tiếp tục tiến trình làm an tịnh hơi thở, làm cho hơi thở trở nên ngày càng vi tế hơn và làm cho tiến trình thở ngày càng mượt mà hơn. Mặc dù thiền sinh cần đảm bảo rằng chánh niệm bao trùm cả ba giai đoạn của hơi thở, vị ấy không nên có một sự chú ý đặc biệt nào đến chúng. Bất cứ một sự quan sát hoặc thẩm xét mang tính phân biệt cũng sẽ trở thành một chướng ngại ở đây. Khi hướng đến các tầng định, thiền sinh nên đi theo dòng chuyển động nhấp nhô của hơi thở. Cứ tiếp tục thực hành một cách cần mẫn như vậy, định tâm sẽ tăng trưởng và đến một thời điểm nào đó, các hình ảnh đơn giản trong tâm (nimitta) có thể sẽ xuất hiện, chẳng hạn như là một ngôi sao, báo hiệu sự thể nhập hoàn toàn vào tâm định. Tuy nhiên, những hình ảnh hoặc ảo tưởng phức tạp và khác nhau ở trong tâm này không phải là dấu hiệu của sự tiến bộ. Chúng chỉ nên được ghi nhận và loại bỏ một cách tỉnh táo.

Trong pháp hành trọn ngày hoặc nửa ngày nhằm thể nhập vào các trạng thái thiền an chỉ định, chánh niệm nên có mặt xuyên suốt, nhưng chỉ ở một mức độ rất chung chung, mà không cần quá chú ý đến chi tiết. Ví dụ, thiền đi cần phải được thực hành một cách chánh niệm, nhưng không phân chia thành các giai đoạn như khi thực hành trong pháp hành thiền tuệ. Khi phải xem xét một cách kỹ lưỡng các chi tiết, tâm sẽ trở nên quá bận rộn và quan tâm đến quá nhiều đối tượng. Trong khi, mục tiêu ở đây lại là sự hợp nhất và tĩnh lặng của tâm trí.

Nhưng nếu sau khi đã đạt đến thời điểm “an tịnh thân hành” và thiền sinh muốn đi thẳng vào con đường tuệ giác thì vị ấy nên đặt sự chú ý rõ ràng đến từng giai đoạn đơn lẻ của hơi thở, đặc biệt là giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Các đề mục phụ và tổng quát của chánh niệm cũng cần phải được chú ý một cách kỹ lưỡng, như đã giải thích ở các phần trước. Như vậy, chỉ với một sự thay đổi nhỏ ở trong tâm khi chú ý sẽ tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa hai phương pháp phát triển định và tuệ.

Trong thiền tuệ, khi thiền sinh đã đạt được một mức độ kỹ năng nhất định đến giai đoạn tĩnh lặng thì theo lẽ tự nhiên, vị ấy sẽ ý thức được một thực tế rằng, có hai tiến trình liên quan ở đây: Tiến trình vật lý (rūpa) của hơi thở hoặc chuyển động của bụng và tiến trình tâm (nāma) — tâm hay biết biết về hơi thở hoặc sự chuyển động của bụng. Mặc dù về mặt lý thuyết thì điều này là khá rõ ràng, nhưng trước khi đạt đến được một mức độ định tâm nhất định, tâm sẽ quá quan tâm đến đối tượng của sự nhận biết mà không ý thức được hoạt động của chính nó. Nếu nhận thức về hai tiến trình này đã trở nên mạnh mẽ do bởi việc thực hành lặp đi lặp lại thì chúng sẽ xuất hiện thường xuyên như là một cặp đôi tiến trình của hiện tượng vật lý và tâm: Thở, nhận biết; thở, nhận biết;…

Khi tiếp tục nỗ lực thực hành, đến một thời điểm, giai đoạn kết thúc của một hơi thở hoặc sự chuyển động ở bụng sẽ trở nên nổi bật một cách rất mạnh mẽ, trong khi các giai đoạn khác lùi lại ở phía sau nền. Lằn ranh phân chia giữa phần cuối của một hơi thở hoặc chuyển động và phần đầu của hơi thở kế tiếp sẽ trở nên rất rõ ràng. Và sự diệt đi (của hơi thở hoặc các chuyển động) sẽ tự khắc sâu vào tâm trí của thiền sinh. Một lần nữa, ở thời điểm này, thiền sinh có thể mong đợi có được các tiến bộ xa hơn nữa.

Hai giai đoạn này, cặp đôi tiến trình và sự chiếm ưu thế của giai đoạn kết thúc, là sự phát triển tự nhiên của thiền chánh niệm. Chúng không thể mang “ý chí” trong đó, khi tiến trình được quan sát đang diễn ra. Bởi vì, điều đó có nghĩa là sự chú ý đã bị gián đoạn. Những sự quan sát này là kết quả chính thống của một sự thực hành cần mẫn. Khi hướng dẫn trên thiền đường, thiền sư sẽ không nói về các giai đoạn mà vị đệ tử chưa đạt được. Nhưng ở đây, chúng được chia sẻ nhằm đưa ra một vài cột mốc hoặc tiêu chí của sự tiến triển trong thiền cho một thiền sinh không có vị thầy của riêng mình. Mặc dù sự hướng dẫn của một vị thầy kinh nghiệm là thích hợp hơn, một thiền sinh nghiêm túc vẫn có thể đạt được tiến triển tốt trong nỗ lực đơn độc của mình, nếu vị ấy thận trọng và nghiêm túc trăn trở về việc thực hành của chính mình.

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúcChúng ta đang sống vì điều gì?Sự cho đi và Tình thương yêu“Lấy tâm mình làm bạn của chính mình”
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

3 thoughts on “[TTTPG] I.6. Chánh niệm về hơi thở (ānāpāna-sati)

Leave a Reply