Sức khoẻ và ăn kiêng

Ở tầm U50 hiện nay, sau khi chứng kiến cũng như trực tiếp trải nghiệm kha khá về sự sống và cái chết, về bệnh tật, về sự chữa lành, tôi càng thấm thía chữ “healthcare”.

Nguyên gốc của chữ “healthcare” là chăm sóc sức khoẻ. Khi dịch Việt, chúng ta nhiều khi dùng chung chung là y tế. Nhưng như vậy thì nó đánh mất ý nghĩa của chữ “chăm sóc sức khoẻ”. Bởi vì, nếu bạn thật sự quan tâm đến sức khoẻ của bản thân và chăm sóc sức khoẻ cho bản thân thì mọi việc không phải bắt đầu từ y tế, mà mọi việc bắt đầu từ hiểu biết về sức khoẻ, và sau đó là các phương thức rèn luyện và chuẩn bị để phòng ngừa. Hay đúng hơn là thay đổi các thói quen, cách sống, cách ăn uống sao cho phù hợp với tự nhiên, với cơ thể, nhằm duy trì và xây dựng cho bản thân một sức khoẻ tốt. Đó chính là gốc rễ của việc ngăn ngừa bệnh tật. Bởi bệnh tật sẽ “không thích” những người có thân và tâm khoẻ mạnh.

Khi nói đến chăm sóc sức khoẻ, chúng ta cần đặt trọng tâm vào việc phòng bệnh, phòng ngừa, chứ không phải là chữa bệnh. Chữa bệnh là nhiệm vụ trọng yếu của ngành y tế hiện nay, bởi vì tôi thấy y tế vẫn chỉ loay hoay với việc “sickcare” nhiều hơn là việc giáo dục, cổ xuý mọi người có một phương cách để giữ gìn sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật.

Tôi có chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản về việc xây dựng và duy trì sức khoẻ vài năm trước. Các bạn có thể tham khảo bài viết ở đây: Làm sao để có được và duy trì sức khoẻ? Bạn cũng có thể tham khảo đoạn cuối của bài Cancer-Free để có thể tự kiểm tra nếu bạn đang có một thân và tâm khoẻ mạnh.

Tôi chia sẻ thêm một trải nghiệm trước khi kết thúc bài viết này. Tôi đã chứng kiến nhiều người mắc bệnh nan y mà các bệnh viện và phương pháp y học phương Tây đã bó tay, trả về. Một trong những lựa chọn còn lại và ít ỏi là điều trị bằng Đông y. Những ai đã từng có trải nghiệm về điều trị bệnh trong Đông y thì chắc hẳn đều nắm được một vài điểm chung chung như sau:

  • Đông y chú trọng điều trị về gốc bệnh, mà chủ yếu là từ tim và gan.
  • Việc điều trị Đông y thường không phù hợp với các bệnh mang tính cấp.
  • Việc điều trị Đông y sẽ cần nhiều thời gian hơn nhiều, thậm chí rất nhiều so với uống thuốc Tây y. Nên cần đầu tư nhiều công sức và thời gian hơn khi cần phải điều trị bằng Đông y.
  • Trong khi Tây y có thể giúp kết thúc triệu chứng bệnh nhanh, những tác dụng phụ lên gan, thận, tim, … của thuốc Tây y là đáng kể, và cần cẩn trọng.

Trong bài viết này, tôi không có ý tranh luận Đông y hay Tây y tốt hơn. Tôi nghĩ rằng điều đó tuỳ thuộc vào sự phù hợp theo hoàn cảnh của mỗi người, cũng như bệnh tật của mỗi người. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng việc điều trị theo Đông y lành tính hơn do các dược chất chủ yếu là thảo dược và việc chẩn trị, chữa trị cũng đã được đúc kết từ mấy ngàn năm nay. Do đó, bệnh tật được chữa lành từ gốc rễ cũng như các tác dụng phụ của thuốc được tối thiểu.

Đối với các ca bệnh bất khả kháng như trên, khi bệnh viện và Tây y đã trả về thì nên thử tìm đến một vị Thầy Đông y đáng tin cậy để … “còn nước còn tát”. Tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện diệu kỳ về năng lực của Đông y. Nhưng đó cũng không phải là ý mà tôi muốn nói đến ở đây.

Trong câu chuyện trên, sau khi đã bị từ chối bởi bệnh viện và đã tìm được đến vị thầy Đông y đáng tin cậy, mặc dù vị thầy tự tin rằng bệnh có thể được điều trị và chữa lành, nhưng sau cuối, người bệnh đã từ chối uống thuốc để chữa bệnh. Lý do là vì không theo chế độ ăn kiêng được. Tôi đã quá bối rối khi biết được điều đó. Vậy cuối cùng “bệnh tật, sức khoẻ” hay việc “ăn uống” có độ ưu tiên cao hơn?

Có vẻ như nhiều người đặt việc ăn uống có ưu tiên cao hơn bệnh tật và sức khoẻ nhiều. Và đó cũng là lý do cốt lõi vì sao họ lại mang phải những căn bệnh nan y khi tuổi già đến. Đó là điều dễ hiểu. Hoạ từ miệng mà ra mà thôi, từ miếng ăn chúng ta ăn vào hàng ngày. Và nếu xét về góc độ phòng bệnh cũng như tự xây dựng cho bản thân một sức khoẻ tốt, việc ăn uống đúng (mà theo một nghĩa nào đó là ăn kiêng – bởi vì chúng ta sẽ phải loại bỏ nhiều món ngon miệng chúng ta hay ăn hàng ngày) là việc ưu tiên hàng đầu.

Bạn có đang ăn uống đúng đắn, có lợi cho sức khoẻ không? Hay bạn đang ăn để thoả mãn vị giác, khứu giác? Bạn lựa chọn như thế nào thì nên sẳn sàng để đón nhận một kết quả tương ứng.

Leave a Reply