Tản mạn ngày Tết Việt

Trong quán cà phê cạnh nơi rửa xe vào dịp Tết, trong khi đang chờ xe được “làm đẹp” cho năm mới, tôi nghe lỏm được câu chuyện ở những bàn bên cạnh. Đó là một quán cafe thuộc tầng trung lưu, với chỗ ngồi chỉn chu ở thành phố Huế mộng mơ, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Câu chuyện mà tôi nghe được khi mọi người đang tất bật chuẩn bị đón Tết khiến tôi suy nghĩ. Đó là các câu chuyện về việc nợ, trả nợ, ngân hàng “xử lý” khi không trả được nợ đã quá hạn, … Toàn là xoay quanh những câu chuyện như vậy. Tôi đã giật mình khi “bị động” nghe được những câu chuyện căng thẳng và đáng buồn vào những ngày cuối năm như thế – thời điểm đặc biệt trong năm, thời điểm dành cho gia đình, thời điểm dành cho yêu thương.

Tết cổ truyền hay Tết Âm lịch luôn là một dịp đặc biệt của người Việt bao đời nay. Đó là những phút giây quí báu trong năm của mọi gia đình. Cùng với tuổi tác, việc “hưởng” Tết của tôi cũng ngày một thay đổi. Những phút giây rộn ràng của ngày còn bé thơ trong áo mới, mong chờ được lì xì dần dần được thay thế bởi nhiều hơn với sự ấm áp trong các mối quan hệ với người thân và bạn bè dành cho nhau trong ngày Tết đến, Xuân về. Càng ngày, tôi càng có một cái Tết đơn giản hơn, nhưng lạ thay tôi lại càng thấy hạnh phúc hơn. Và vào thời điểm đó, khi nghe “lỏm” được những câu chuyện buồn trước Tết trong quán cafe, tôi nghĩ rằng tôi nên chia sẻ các suy nghĩ của tôi.

Những ngày cuối năm căng thẳng

Cứ mỗi dịp Tết sắp về, điều tôi thường thấy là hai chữ “tất bật” ở khắp mọi nơi.

Tất bật hoàn thiện xong căn nhà mới cho kịp đón Tết. Kết quả là bao nhiêu căng thẳng “kéo đến” cho chủ nhà cũng như nhà thầu. Chạy tiến độ. Chắc chắn rằng, do sự gấp gáp vì Tết, có nhiều việc sẽ chỉ làm cho xong chứ không phải làm cho đảm bảo chất lượng. Hệ quả là sau Tết, lại phải “lôi” ra, sửa lại. Tốn kém. Mà thực tế là do “tất bật” ở khắp mọi nơi, nên để hoàn thành được xây dựng cho kịp Tết luôn luôn là đắt đỏ. Tất cả nhân công, vật tư, … đều rơi vào tình trạng căng thẳng khi cận Tết. Liệu có thể làm khác đi?

Tất bật hoàn thành chỉ tiêu vào dịp cuối năm. Đa phần tôi thấy đây là hiện tượng nói chung. Và kết quả tôi có thể thấy là nhiều anh, chị chẳng có được thời gian để mà chuẩn bị Tết. Họ kiệt sức ngay trước thềm của Tết. Và mọi người có thể hình dung được, họ sẽ càng kiệt sức hơn sau mấy ngày Tết, do phải gồng mình để làm các bổn phận ngày Tết. Liệu có lựa chọn nào tốt hơn?

Tất bật mua sắm Tết. Kết quả là vật giá leo thang. Bởi vì cầu sẽ luôn vượt cung vào dịp Tết trước Tết. Những mặt hàng bình thường cũng có thể trở nên đắt hơn vào dịp trước Tết. Còn những mặt hàng đặc trưng ngày Tết thì khỏi phải bàn. Luôn luôn phải “có tiền”, “thật nhiều tiền”, thì mới có thể sắm sửa được cho “ra hồn”. Và hệ luỵ của những việc này là những sự việc “phản cảm”. Ví dụ như tình trạng chờ đến chiều ngày 30 mới đi chợ hoa để có thể có hoa rẻ. Rồi gần đây là tình trạng người bán hoa Tết không chịu bán giá rẻ vào những phút cuối. Họ quyết định “đập” chậu, “bẻ” cây, chứ không bán rẻ, không cho không.

Vấn đề nguy hiểm hơn có lẽ là việc sự “tất bật” này có tính lây lan, truyền nhiễm rất mạnh. Và kết quả cuối cùng chỉ có thể là sự “rối loạn” không chỉ cho bản thân mà cho cả mọi người xung quanh. Có lựa chọn nào tốt hơn không?

Làm cả năm “chỉ để xài” vài ngày Tết

Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân đằng sau sự tất bật này là tâm lý cho bằng mặt với người. Bởi vì Tết là dịp tụ họp, dăm điều, bảy chuyện, cập nhật từ khắp mọi nơi, trong nhà ra ngoài ngõ, người thân cũng như bạn bè. Và thật sự là “xấu hổ” nếu như bản thân chẳng có gì để “khoe”. Một sự so sánh có vẻ như hợp lý, nhưng lại chứa đựng quá nhiều căng thẳng và vất vả.

Một hệ quả có vẻ khôi hài là đôi khi, mọi người cố gắng để “chi tiền” cho một món hàng quá mức cần thiết, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng lại chiếm thật nhiều phần trong tài chính thu được của cả một năm.

Điều nguy hiểm hơn là nhiều người còn “xài” quá với mức mà họ có thể làm ra để chi tiêu cho dịp Tết, để bằng mặt với người ta. “Thói quen” tai hại này không chỉ dừng ở dịp Tết mà còn có thể kéo dài ra hết thời gian còn lại của năm. Làm 1, nhưng xài 2 để có bộ mặt. Và trong giây phút tôi nghe lỏm được các câu chuyện rải rác trong quán cafe, tim tôi loạn nhịp khi mường tượng ra toàn bộ câu chuyện đã có thể xảy ra.

Cuối cùng thì ý nghĩa của ngày Tết là gì?

Vậy thì cuối cùng ý nghĩa của Tết là gì? Cần trả lời câu hỏi này để có thể giải quyết vấn đề ở gốc rễ. Rõ ràng Tết không phải là thời gian để so sánh sự thành công của bản thân và những người thân, bạn bè. Càng không nên là thời gian của căng thẳng, của tất bật.

Theo tôi, Tết là một khoảng lặng cần thiết về tâm linh cho mọi người, khi mỗi một chúng ta cần tìm về với những gì chúng ta gọi là thương yêu. Đó chính là gia đình, người thân, và bạn bè. Khoảng lặng này là cần thiết cho cả cộng đồng, để mọi người có thể có thời gian sống chậm lại, biết trân trọng những mối quan hệ, những con người mà chúng ta biết đến trong cuộc đời này. Và chúng ta cần có các hoạt động phù hợp để có thể thư giãn, nghỉ ngơi, để “ăn mừng”, cùng tận hưởng những phút giây bình yên bên người thân và bạn bè. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là cần tìm cho bản thân một sự nghỉ ngơi có ý nghĩa trong thời điểm tâm linh đặc biệt này.

Nếu quả thật là như vậy thì những việc như trên chẳng có gì liên quan tới sự căng thẳng trong mua sắm, hoàn thành, và tất bật mà chúng ta thường thấy khi Tết về. Điểm mấu chốt là chúng ta cần để ý và chuẩn bị trong suốt năm, chứ không phải chỉ tập trung vào một thời điểm ngắn ngủi cuối cùng. Bởi vì, chúng ta sẽ rất tốn kém và chắc chắn không đủ thời gian để tận hưởng một cách trọn vẹn thời khắc ý nghĩa được gọi là Tết này.

Nên ăn Tết hiện đại như thế nào?

Với một U50 như tôi, qua tháng năm, dần dần tôi đã thay đổi cách “hưởng” Tết. Theo truyền thống thì ở Huế, phong tục lễ nghi trong dịp Tết còn khá “nặng nề”. Những năm đầu, khi về nhà ăn Tết, tôi thường đùa rằng Tết có nghĩa là “cúng” và “đốt” (hoá vàng mã), lặp lại như vậy tầm 5-6 lần là xong Tết. Và thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, vì cứ “tất bật” cúng và đốt.

Giờ đây, tôi đã giảm bớt được khá nhiều các thủ tục mang tính “truyền thống”. Tôi chỉ duy trì những gì là đơn giản nhất trong phong tục cổ xưa này. Ít nhất là một nửa: chỉ làm mâm cơm để cúng ông, bà tổ tiên, mà không hoá vàng mã. Mâm cúng và các vật phẩm trên các bàn thờ, trang thờ trong nhà cũng đơn giản hơn, chỉ bao gồm các vật phẩm khô, hoa và quả.

Điều lớn hơn mà tôi thay đổi đó chính là việc tôi không còn xem Tết … là Tết nữa. Khi tôi cảm nhận được một sự thật rằng, con người ta, kể cả bản thân tôi, ai rồi cũng sẽ phải chết. Và sự thật kế tiếp là chúng ta chẳng có thể chắc chắn được khi nào nó sẽ xảy ra. Có ai chắc rằng ngày mai chúng ta còn sống? Như một lời nhắc nhở tôi học được từ Thầy của tôi: “Ngày mai hay kiếp sau, không biết cái nào sẽ đến trước?”. Quả thật là như vậy. Và nếu thật sự là như vậy, ngày nào tôi còn sống chính là ngày tôi xem như được sinh ra lại trên cõi đời này, là ngày sinh nhật của tôi. Và cũng như thế, ngày nào cũng là Tết đối với tôi.

Với lối suy nghĩ như vậy thì ngày nào tôi cũng có thể “chúc mừng năm mới”. Nhà cửa thì luôn cần được ngăn nắp, sạch sẽ chứ không phải đến Tết mới tươm tất. Bởi vì tôi có thể “ăn mừng” xuyên năm, nên khi Tết về, tôi không quá quan trọng trong việc mua sắm.

Các việc tất bật gần Tết thì tôi đề nghị mọi người nên chuẩn bị, để ý và nên lên kế hoạch để hoàn thành trước dịp Tết “tất bật”, vừa tiết kiệm hơn, trọn vẹn hơn, lại chất lượng hơn. Ví dụ như việc xây nhà. Nếu nhắm Tết chưa xong thì cứ tận hưởng Tết trước, rồi sau Tết lại hoàn thành. Rồi Tết năm tới, bạn được trọn vẹn tận hưởng trong ngôi nhà mới. Chẳng có điều gì sai với việc đó cả. Không cần áp lực cho bản thân khi mùa Tết về, để rồi lại căng thẳng và tốn kém.

Với lối suy nghĩ trên thì không có nghĩa là tôi không tận hưởng được vào dịp Tết. Mà ngược lại, tôi nghĩ rằng tôi “tận hưởng” được nhiều hơn mọi người. Bởi vì tôi thật sự có thời gian làm những việc tôi cho là quan trọng trong dịp Tết. Tôi có thể cho phép mình có được những phút giây thư giãn, sâu lắng cho riêng bản thân mình. Tôi có thể chủ động dành thời gian để ở bên cạnh những con người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của tôi và của gia đình tôi. Những phút giây quây quần bên nhau khi đi viếng mộ. Thắp nén hương, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân. Những phút giây đầm ấm bên mâm cơm với những người thân, bạn bè. Những hình ảnh, những nụ cười được ghi lại, đánh dấu cho một thời khắc đặc biệt trong năm. Một điều đặc biệt khác là bởi vì ngày nào cũng là năm mới đối với tôi, nên tôi đã không còn sự nôn nao khi chờ Tết đến, dù vẫn hoà mình được vào niềm vui với mọi người. Tôi cũng không có sự nuối tiếc khi Tết đang qua đi. Tôi còn nhiều, quá nhiều năm mới đang ở trước mặt.

Các bạn có thể thấy rằng, nếu có thể “ăn mừng” Tết cả năm như vậy thì chúng ta có thể tránh được rất nhiều sự căng thẳng và “tất bật” vào dịp Tết. Và dứt khoát cần tự nhắc nhở mình không nên so sánh và duy trì tư tưởng “cho bằng mặt với người”. Hãy là chính mình. Cần tự tin để là chính mình nhé. Và nếu vậy, bạn có thể đặt ưu tiên để “đầu tư” vào các mối quan hệ quan trọng đối với cuộc sống của bạn vào dịp Tết về. Và đặc biệt, cần “tranh thủ” để có thể tìm cho bản thân một nơi chốn để nghỉ ngơi, thư giãn trong dịp Tết. Điều đó chắc chắn là quan trọng đối với bất cứ ai.

Một lưu ý cuối cùng đáng để chia sẻ đó là căn bệnh trầm cảm hiện nay đã là một trong những căn bệnh hàng đầu của xã hội hiện đại, gây tàn tật cũng như là một sát thủ thầm lặng (kết luận chính thức từ Tổ chức y tế thế giới – WHO). Nên, việc tìm về được một nơi chốn “an yên” cho tâm mình trong dịp Tết lại càng là việc quan trọng. Chốn “an yên” đó rõ ràng chẳng liên quan gì đến vẻ bên ngoài, ngôi nhà hoặc trang phục bạn mang trên người. Nó chẳng liên quan gì đến việc phải cho “bằng mặt với nhà người”. Nó nằm ở bên trong tâm bạn, nó nằm ở trong các mối quan hệ quan trọng mà bạn có trên cuộc đời này. Hãy “biến” cái Tết của bạn trở thành một cái Tết đầy ý nghĩa trên phương diện đó. Hãy biến cuộc sống của bạn trở thành “không có Tết” nữa.