“Hãy dạy như lửa đang cháy trên tóc của bạn”

Tôi biết đến cuốn sách này từ sự giới thiệu của anh CEO của tôi tại KMS 5-7 năm trước. Quá ấn tượng với nội dung cũng như sự áp dụng vào thực tế đối với việc nuôi dạy con trẻ, cũng như bức xúc về một “cái thiếu” của nền giáo dục tại Việt Nam, tôi đã nhen nhóm ý định dịch Việt và tìm cách xuất bản, phổ biến rộng rãi các chia sẻ này của Rafe đến mọi người, đặc biệt là các bố, mẹ. Vâng, các bố và mẹ. Vì công việc giáo dục con cái chắc chắn không thể chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Mà chính các bố và mẹ cần phải tham gia vào tiến trình đó chặt chẽ. Với những kiến thức và các câu chuyện thực tế được chia sẻ từ lớp học của Rafe, tôi tin rằng các bố và mẹ sẽ có đủ sự hiểu biết và các nguyên tắc thiết yếu để có thể phát triển, tạo điều kiện cho con cái chúng ta phát triển, lớn lên một cách tự tin nhất, hạnh phúc nhất.

Sự thật là tiến trình dịch thuật diễn ra rất chậm chạp với nhiều lý do khác nhau. Cho đến chương 4 thì việc dịch tạm thời bị “treo” mà không biết khi nào sẽ tái khởi động.

Rồi vào mấy ngày trước, tình cờ tôi thấy được mẩu tin trên Facebook báo rằng đã có người dịch và xuất bản cuốn sách này. Quá vui mừng cho dù bản thân không hoàn thành dự án đặc biệt này, nhưng biết được có người đã hoàn thành nó. Tôi xin chia sẻ những phần tôi đã dịch qua (đang ở trạng thái “nháp”, chưa được chỉnh sửa, review) để các bố, mẹ có thể tham khảo trước về nội dung. Nếu sau khi đọc xong, các bố, mẹ bị thuyết phục bởi nội dung đọc được, các bố, mẹ có thể mua sách tại đây nhé: https://ames.edu.vn/day-tre-bang-ca-trai-tim.

Happy parenting! Hãy cho con chúng ta sự tự tin thông qua cách suy nghĩ đúng để có thể thoải mái đối diện với muôn vàn thử thách trên cuộc đời này.

 

 

 

Hãy dạy như lửa đang cháy trên tóc của bạn

Phương pháp giảng dạy và sự điên cuồng ở phòng học số 56

Tác giả: Rafe Esquith – Người thắng giải Giải thưởng Giáo viên nước Mỹ

Dịch bởi: Việt Hùng

 

 

“Dành cho Hobart Shakespeareans, người thầy giỏi nhất của tôi … và cho Barbara.” – Rafe Esquith

 

 

“Tôi xin dành tặng đến Thầy giáo Nguyễn Hữu Bi, nhà giáo dục Việt Nam, nội dung tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt của cuốn sách đặc biệt này.” – Việt Hùng

 

 

 

Mở đầu: Lửa cháy trong lớp học

 

Đó là một cảm giác lạ thường để viết cuốn sách này. Tôi “đau đớn” nhận ra rằng tôi không phải là một siêu nhân. Tôi đang làm một việc giống như hàng ngàn giáo viên tận tuỵ khác, những người cố gắng tạo nên một sự khác biệt. Như là một giáo viên thực thụ, tôi thất bại liên miên. Tôi không được ngủ đủ thời gian. Tôi thức dậy nằm trên giường hàng giờ vào buổi sớm mai, khắc khoải về một học sinh mà tôi không tiếp cận được. Là một giáo viên có thể sẽ là “đau đớn”.

 

Gần một phần tư thế kỷ, tôi đã sống phần lớn thời gian trong một phòng học nhỏ, dột ẩm ở trung tâm thành phố Los Angeles. Do bởi một chút tài năng và rất nhiều may mắn, tôi đã có được một số công nhận cho công việc của tôi. Không một ngày nào trôi qua mà tôi không cảm giác bị tràn ngập bởi những sự chú ý.

 

Tôi nghĩ rằng không có cuốn sách nào có thể nắm bắt được Hobart Shakespeareans. Tuy nhiên, chắc chắn có thể chia sẻ một số thứ tôi đã học được trong những năm tháng đã giúp tôi trưởng thành như là một giáo viên, một người làm cha mẹ, và như là một con người. Gần 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, 48 tuần một năm, các học sinh lớp năm của tôi và tôi chen chúc vào một không gian chật hẹp ghê gớm, mải mê trong thế giới của Shakepeare, đại số học, và nhạc rock ‘n’ roll. Trong thời gian còn lại của năm, lũ trẻ và tôi ở trên đường cho những chuyến đi. Trong khi vợ của tôi tin rằng tôi là một người lập dị, các bạn tốt của tôi lại không nhẹ nhàng như thế, họ dán nhãn cho tôi “viễn vông bậc nhất” và “được chứng nhận là tệ nhất”.

 

Tôi không yêu cầu có được tất cả những câu trả lời; ở thời gian mà tôi không cảm thấy cần, nếu tôi có thể tiếp cận được càng nhiều học sinh khi tôi có thể thành công với chúng. Ở đây, tôi chỉ chia sẻ một số ý tưởng mà tôi đã trải nghiệm và thấy hữu ích. Một số chỉ đơn giản là hợp lý một cách bình thường, và một số khác hơi điên rồ một chút. Nhưng chắc chắn có một phương pháp cho sự điên rồ này. Tôi hy vọng các bậc cha mẹ và các giáo viên ngoài kia sẽ đồng ý với tôi rằng văn hoá của chúng ta là một thảm hoạ. Trong một thế giới xem các vận động viên nổi tiếng và các ngôi sao nhạc nhẹ nổi tiếng quan trọng hơn các nhà khoa học nghiên cứu và các anh lính cứu hoả, thực tế đã trở thành không thể phát triển các cá nhân tử tế và tài giỏi. Và mặc dù như vậy, chúng tôi đã tạo nên một thế giới khác trong phòng 56. Một thế giới mà nghị lực đóng vai trò quan trọng, sự làm việc cật lực được tôn trọng, sự khiêm tốn được đánh giá cao, và sự hỗ trợ cho những người xung quanh là vô điều kiện.

 

Có lẽ khi các ba mẹ và các giáo viên thấy điều này và khi nhận ra rằng các học sinh của tôi và tôi không có điều gì đặc biệt, họ sẽ áp dụng được một vài ý tưởng từ con tim của họ.

 

Tôi cảm thấy buồn khi biết nhiều giáo viên giỏi và các bố mẹ đã đầu hàng những thế lực làm mất hết các sự xuất sắc tiềm năng của con cái của họ. Những điều xấu xa ở khắp mọi nơi. Những người có lòng quan tâm sâu sắc thường cảm thấy bị phiền tâm bởi các nhà chính trị và cầm quyền thờ ơ hoặc thiếu khả năng. Sự mong đợi cho con trẻ thường được hạ thấp một cách kỳ cục. Phân biệt chủng tộc, nghèo khổ, và sự ngu dốt thường bao trùm trong sân trường. Cộng vào hỗn hợp này là các học sinh bạc bẽo, và ngay cả những người có tinh thần khắt khe nhất trong nghề dạy học, và những linh hồn cứng rắn nhất cũng có thể bị đè nát. Mỗi một sự đè nát này thường đồng nghĩa với một tiềm năng của con trẻ sẽ không được phát triển.

 

Tôi đã may mắn có được một khoảnh khắc kỳ cục trong phòng học mà theo nghĩa đen thắp sáng con đường ra khỏi bóng tối trong tôi. Nhiều năm trước, mệt mỏi và thất vọng, tôi đã dành một vài tuần tìm kiếm linh hồn của mình và làm một chuyện mà tôi hiếm khi làm – Tôi đã hỏi tôi rằng liệu việc dạy học có đáng để làm không? Một tổ hợp của những điều tiêu cực kể trên đã đánh gục tôi, và tôi đã thực sự gục ngã trước lời buộc tội.

 

Nhưng bằng một lý do nào đó, khi tôi ngập tràn trong cảm giác tội lỗi, cảm thấy thương tiếc cho bản thân, tôi đã dành một ngày, chú ý nhiều hơn tới một em học sinh trong lớp mà tôi rất thích. Cô bé là một trong những đứa bé luôn là người được lựa chọn cuối cùng cho nhóm, một cô bé lặng lẽ có vẻ như chấp nhận ý tưởng rằng cô bé sẽ không bao giờ là người đặc biệt. Tôi đã quyết đoán để cố gắng thuyết phục cô bé rằng cô bé ấy sai.

 

Tôi đang giữa tiết dạy môn Hoá học, và các học sinh đang thích thú làm việc với các đèn cồn. Nhưng cô bé không thể làm cho bấc đèn của nó cháy được. Cả lớp muốn tiếp tục với dự án của chúng, nhưng tôi đã đề nghị cả lớp đợi. Tôi đã không để cô bé rớt lại đằng sau, ngay cả khi nó đề nghị cho cả lớp tiếp tục và đừng lo lắng bận tâm đến nó.

 

Thông thường thì tôi không can thiệp vào các thử nghiệm khoa học, bởi vì thất bại là một phần của quá trình học. Tuy nhiên lần này chỉ đơn giản là vấn đề do lỗi thiết bị; không có gì liên quan đến các nguyên tắc hoá học mà các em đang khám phá trong buổi sáng hôm đó. Tôi cần phải can thiệp vào. Cô học trò bé nhỏ dàn dụa nước mắt, và tôi cảm thấy hổ thẹn với bản thân nếu có bao giờ cảm thấy đầu hàng. Đột nhiên, sự buồn bã của cô bé trở nên quan trọng hơn tất cả.

 

Các vận động viên thường nói đến cụm từ “vào trong vùng”, khi họ quên đi đám đông và áp lực và chỉ thấy trái bóng. Nó cũng xảy ra ở các lãnh vực khác một cách tương tự. Trong khoảnh khắc đó, một điều duy nhất là quan trọng trong tôi là cô bé cần phải có một thí nghiệm thành công. Cô bé sẽ trở về nhà trong ngày hôm đó với một nụ cười tươi trên khuôn mặt. Tôi cúi xuống sát bấc chiếc đèn cồn của cô bé. Vì một lý do nào đó, bấc đèn không đủ dài – Tôi đã rất khó để nhận ra điều đó. Tôi dí mắt sát nhất có thể, và với một que diêm tôi cố gắng chạm tới nó. Tôi đã quá gần tới que diêm đến nổi tôi có thể cảm nhận được ngọn lửa khi tôi có gắng thắp ngọn đèn. Tôi đã quyết tâm làm cho chiếc đèn hoạt động. Và nó đã bắt đầu hoạt động. Bấc đèn bắt lửa, và tôi ngước lên hân hoan tìm nụ cười mà tôi mong đợi trên khuôn mặt cô bé.

 

Thay vào đó, cô bé cho tôi một cái nhìn kỳ lạ và bắt đầu la hét trong hoảng sợ. Các học sinh khác cũng bắt đầu la hét. Tôi đã không hiểu tại sao tất cả chúng chỉ tay vào tôi, cho đến khi tôi nhận ra rằng trong khi tôi thắp đèn, lửa đã bắt vào tóc của tôi; âm ỉ cháy và làm lũ trẻ hoảng sợ. Nhiều đứa chạy đến bên tôi và đánh vào đầu tôi. Nói về việc một giấc mơ thành sự thật – lũ học trò phải đánh vào đầu giáo viên của chúng và nói rằng chúng đang cố gắng giúp đỡ ông ấy.

 

Một vài phút sau, mọi thứ trở lại bình thường và thí nghiệm lại được tiếp tục. Tôi cảm thấy (và trông như) một thằng ngốc. Tuy nhiên đó là lần đầu tiên trong tuần tôi đã cảm thấy tuyệt vời được là một giáo viên. Tôi đã có thể bỏ qua tất cả những thứ khó chấp nhận được mà một giáo viên phải đương đầu. Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm được để giúp đỡ cho một học sinh. Tôi đã không làm nó một cách đặc biệt tốt, nhưng tôi đã bỏ ra nhiều nỗ lực. Tôi tự nhủ với bản thân rằng nếu tôi đã quá thích việc dạy đến nổi không nhận ra tóc đang bắt lửa thì điều đó có nghĩa rằng tôi đang đi theo một hướng đúng cho mình. Từ giây phút đó, tôi quyết định sẽ luôn dạy như khi tóc tôi bắt lửa.

 

Có quá nhiều kẻ bất tài trong ngành giáo dục. Họ dạy một vài năm, đưa ra một số khẩu hiệu khôn khéo, xây trang web của họ, và trở thành gánh xiếc lớp học. Trong xã hội mì ăn liền này, những giải pháp đơn giản cho các vấn đề phức tạp quá thường xuyên được đề cao. Chúng ta có thể làm tốt hơn. Tôi hy vọng những ai đọc cuốn sách này nhận ra rằng một thành quả xuất sắc thật sự sẽ cần sự hy sinh, những sai lầm, và một lượng lớn công sức cần bỏ ra. Nên nhớ rằng, không có một đường tắt nào ở đây cả.

 

Không có nơi nào giống ở nhà cả

 

Làm thế nào phòng số 56 tạo dựng được một nơi trú ẩn an toàn và cung cấp cho những đứa trẻ chỗ che chở cho chúng trước cơn bão cuộc đời

 

 

 

Hãy cho tôi một sự thật

 

Một vài bố mẹ muốn một trong các giáo viên phải vào tù. Tôi bị triệu tập từ phòng của tôi bởi một bà mẹ, người đã biết tôi vài năm nay. Một số bố mẹ yêu cầu phải sa thải người giáo viên đó. Tôi đã lắng nghe những lời than phiền của họ và cố gắng làm họ bình tĩnh trở lại. Tôi đã làm tốt nhất có thể để bảo vệ cho người giáo viên đó (người mà các ông bố bà mẹ đang rất giận dữ), nhưng điều đó không dễ dàng.

 

Alex là một học sinh lớp 3 với một cái ba lô lộn xộn. Thực tế là nó còn hơn cả hỗn độn, với một mớ hỗ lốn giấy tờ nhàu nát, bìa cứng, và kẹo. Đây là một cơ hội để cho giáo viên của thằng bé dạy nó một bài học có giá trị. Thay vào đó, anh ấy bắt đầu bằng việc la mắng Alex và xổ cái ba lô của Alex ra khắp bàn của đứa trẻ trước sự chứng kiến của toàn bộ học sinh trong lớp. Sau đó, anh ấy gọi một học sinh đi lấy máy chụp hình trong xe của anh ấy. Anh ấy đã chụp lại hình ảnh của mớ hỗn độn trên bàn và nói với Alex rằng thằng bé nên treo cái hình đó vào đêm tiệc “Back-to-school” để các bố mẹ biết nó là một thằng bé ngớ ngẩn đến độ nào. Sau đó, người giáo viên đó thêm vào một đề nghị cuối cùng: Anh ấy bảo các bạn học của Alex rằng, từ đây cho đến cuối ngày, nếu chúng có rác cần bỏ thì quẳng vào bàn Alex, thay vì vào thùng rác.

 

Và giờ đây, ba mẹ của Alex đang ở trong phòng tôi, yêu cầu ban giám hiệu xử lý.

 

Sau một hồi nỗ lực hết sức, tôi đã thuyết phục được họ bình tĩnh và xin họ để thầy hiệu trưởng của chúng tôi xử lý sự việc. Người giáo viên đó cần có được cơ hội để giải thích những hành động của anh ấy, mặc dù rõ ràng rằng hành vi của anh ấy là tàn nhẫn và đã làm nhục đứa trẻ, mà không một giải thích nào có thể bào chữa được.

 

Vài ngày sau đó, sau nhiều buổi họp với thầy hiệu trưởng, anh chàng giáo viên trẻ đó xuất hiện từ văn phòng, mặt vẫn còn vệt nước mắt với điệu bộ suy sụp hối lỗi. Tuy nhiên, anh ấy đã gặp tôi và biện hộ một cách cay đắng cho hành động của anh ấy. “Nhưng tôi đã đúng. Điều tôi làm có tác dụng … Bây giờ, ba lô của Alex đã ngăn nắp hơn.” Và tôi nhận ra rằng thảm hoạ thực sự chính là việc viên giáo viên đã bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời. Anh ấy đã có cơ hội để giúp Alex học giá trị của việc ngăn nắp và trở thành một học sinh tốt hơn. Thay vào đó, anh ấy đã mãi mãi ghi dấu như là một con quỉ tàn nhẫn trong mắt của Alex và bạn học của nó. Sẽ cần nhiều tháng để có thể chữa lành giây phút tai hại đó, và người giáo viên đã không thể hiểu được sự hư hại mà anh ấy đã gây ra.

 

Vấn đề lớn hơn ở đây là nhiều giáo viên quá tuyệt vọng trong việc giữ lớp học của họ ngăn nắp đến độ họ sẽ làm mọi cách có thể để có thể duy trì nó. Điều này là dễ hiểu – cách suy nghĩ “kết quả cuối cùng sẽ chứng minh mọi điều” trở thành trọng tâm của rất nhiều giải thích vì sao các em học sinh bị hành xử theo kiểu này. Với một số tình huống hầu như bất khả kháng mà các giáo viên phải đối mặt hiện nay, điều này có vẻ hợp lý.

 

Nhưng chúng ta cần phải trung thực ở đây. Điều này có thể giải thích được. Cách làm như trên có thể hiệu quả. Nhưng nó không phải là một cách dạy tốt. Chúng ta có thể làm tốt hơn.

 

Tôi hiểu điều này vì tôi đã trong hoàn cảnh đó. Tôi đã lâm vào cùng cái bẫy đó. Sự thật giản đơn là hầu hết các lớp học ngày nay được quản lý bởi một nguyên do duy nhất: sự sợ hãi.

 

Giáo viên sợ bị xấu mặt, sợ bị ghét bỏ, không được lắng nghe, mất kiểm soát. Học sinh còn sợ hãi hơn: sợ bị la mắng và làm nhục, sợ bị trông ngốc nghếch trước mặt bạn bè, sợ điểm xấu, sợ cơn tam bành của cha mẹ. John Lennon đã đúng trong bài hát “Working Class Hero”, khi ông ấy hát về việc “bị tra tấn và sợ hãi… trong 20 năm kỳ cục”.

 

Đây là vấn đề làm đen tối tất cả mọi người khác trong thế giới giáo dục. Đó là vấn đề quản lý lớp học.

 

Nếu lớp học của bạn không được trật tự, không có điều gì tốt đẹp sẽ đi theo. Sẽ không có việc học tập. Mấy đứa trẻ sẽ không đọc, viết, và tính toán tốt hơn. Chúng sẽ không tiến bộ trong kỹ năng suy luận. Cá tính không thể được xây dựng. Những công dân tốt sẽ không được nuôi dưỡng.

 

Có nhiều hơn một cách để có thể điều hành một lớp học thành công – từ việc áp dụng triết lý của Thoreau đến triết lý của Mussolini. Trong 25 năm qua, qua thực tế tôi đã thử mọi cách để xử lý với các hành vi thường có vẻ điên loạn trong một môi trường học đường mà việc chấp nhận vẽ bậy trên tường và tè lai láng trên nền phòng vệ sinh là việc bình thường.

 

Các vị khách ghé thăm phòng 56 không bao giờ ra về với việc ấn tượng nhất với khả năng học thuật của học sinh trong lớp, phong cách mà tôi dạy học, hoặc sự tài giỏi trong việc trang trí trên tường lớp học. Họ ra về, lúc lắc đầu về một việc khác: văn hoá của lớp học. Đó là một sự điềm tĩnh. Đó là một sự lễ phép đến không thể tin được. Đó là một ốc đảo. Nhưng một điều gì đó còn thiếu ở đây. Một cách châm biếm, phòng 56 là một nơi chốn đặc biệt không phải bởi vì những điều nó có, mà bởi chính bởi vì điều nó thiếu: sự sợ hãi.

 

Trong những năm đầu đi dạy của tôi, tôi đã thực sự lên kế hoạch để đe doạ học sinh trong ngày đầu đến trường. Tôi đã muốn chắn chắn một việc: chúng cần biết tôi là ông chủ ở trường. Một vài đồng nghiệp của tôi cũng làm những điều tương tự, và chúng tôi chia sẻ với nhau những thành công trong việc làm cho những đứa trẻ trở nên trật tự. Những lớp học khác thì không điều khiển được tình huống, và chúng tôi đã ngốc nghếch chúc mừng nhau về những lớp học yên lặng của chúng tôi, những đứa trẻ có trật tự, và những ngày trôi qua êm thấm.

 

Cho đến một ngày vào nhiều năm trước, tôi đã xem được một đoạn video tuyệt vời giới thiệu một người giáo viên đặc biệt, người đã kể một câu chuyện về con trai ông ấy và đội Boston Red Sox. Ông ấy được thừa kế một trái bóng bầu dục vô giá, được ký bởi tất cả cầu thủ đội bóng Sox huyền thoại năm 1967. Khi đứa con trai nhỏ bé của ông ấy đề nghị chơi bắt bóng với ông ấy, tất nhiên ông ấy đã bảo đứa bé không bao giờ được sử dụng trái bóng đặc biệt. Khi thằng bé hỏi tại sao, người giáo viên nhận ra rằng Carl Yastrzemski, Jim Lonborg, và toàn bộ những cầu thủ còn lại của đội bóng 1967 không có ý nghĩa gì đặc biệt đối với cậu con trai. Tuy nhiên, thay vào việc mất thời gian để giải thích, ông ấy chỉ đơn giản bảo thằng bé rằng họ không thể sử dụng trái bóng “bởi vì nó được ghi đầy trên toàn bộ bề mặt trái bóng.”

 

Một vài ngày sau đó, thằng bé lại rủ ba nó chơi bắt bóng. Khi ba nó nhắc nhở nó lần nữa rằng họ không thể sử dụng trái bóng với các chữ ký trên đó, thằng bé đã thông báo với bố rằng, nó đã giải quyết vấn đề: Nó đã liếm sạch hết tất cả các chữ ký.

 

Tất nhiên là ông bố đã hầu như sẳn sàng để trừng phạt đứa con của ông ấy. Nhưng sau khi cân nhắc, ông ấy nhận ra rằng thằng bé đã không làm gì sai cả. Và kể từ ngày đó, người giáo viên đã mang theo trái bóng không chữ ký với ông ấy tới mọi nơi mà ông ấy tới. Điều đó nhắc nhở ông ấy rằng, khi dạy dỗ hay làm công việc làm bố, làm mẹ, bạn phải luôn cố gắng nhìn sự việc dưới góc nhìn của con trẻ và không bao giờ sử dụng sự sợ hãi như là một đường tắt cho giáo dục con cái.

 

Một cách đáng buồn như những gì đang xảy ra, tôi phải thừa nhận rằng rất nhiều đứa trẻ trong lớp của tôi hành xử như hiện tại là bởi vì chúng sợ hãi. Ồ, rất nhiều em thích lớp học và một vài em đã học được tất cả các bài học tuyệt với. Nhưng tôi còn muốn hơn thế nữa. Chúng tôi đã dành quá nhiều thời gian để nâng cao điểm đọc và điểm toán. Chúng tôi thúc đẩy học sinh chúng tôi chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn. Liệu chúng tôi có nên giúp chúng trở thành những con người tốt hơn? Thực ra, trong những năm sau này, tôi đã nhận ra rằng bằng cách cải thiện văn hoá lớp học của tôi, những thách thức thường gặp kia sẽ được giải quyết dễ dàng hơn rất nhiều. Sẽ không dễ dàng để tạo ra một lớp học không có sự sợ hãi. Có thể mất vài năm để làm điều này. Nhưng nó xứng đáng công sức bỏ ra. Đây là bốn điều tôi làm để chắc chắn lớp học của tôi là nơi chốn của những thành tích học tập xuất sắc mà không cần đến sự đe doạ để giữ lũ trẻ trong trật tự.

 

 

 

Thay thế sự sợ hãi bằng niềm tin

Vào ngày đầu tiên đến trường, trong vòng hai phút đầu tiên, tôi thảo luận vấn đề này với lũ trẻ. Trong khi hầu hết các lớp học đều dựa trên sự sợ hãi, lớp học của chúng tôi dựa trên niềm tin. Lũ trẻ nghe những từ ngữ đó và thích chúng, nhưng đó chỉ là từ ngữ. Chính hành động sẽ giúp lũ trẻ thấy rằng tôi không chỉ nói, mà tôi còn hành động theo đúng những gì đã nói.

 

Tôi sử dụng ví dụ sau với học sinh vào ngày đầu tiên của chúng. Hầu hết mọi người đã tham gia vào trò chơi niềm tin, trong đó một người sẽ ngã về phía sau và được đỡ bởi một người chơi khác. Ngay cả khi việc đỡ bạn thành công 100 lần liên tiếp, niềm tin vẫn sẽ bị phá vỡ mãi mãi, nếu anh bạn phía sau để bạn ngã xuống lần kế tiếp như là một trò đùa. Ngay cả nếu anh bạn ấy thề rằng anh ấy xin lỗi và rằng sẽ không bao giờ để bạn ngã một lần nữa, bạn sẽ không bao giờ ngã về phía sau một lần nữa mà không có mầm mống của sự hoài nghi. Các học sinh của tôi được học ngay vào ngày đầu tiên rằng một niềm tin tan vỡ là không thể sửa lại được.

 

Mọi thứ khác thì có thể sửa lại được. Không làm bài tập về nhà kịp? Chỉ cần nói với tôi, chấp nhận sự việc rằng bạn đã có lỗi, và chúng ta tiếp tục bước tới. Bạn đã làm hư một cái gì đó? Điều này xảy ra; chúng ta có thể giải quyết nó. Nhưng phá vỡ niềm tin của tôi thì các nguyên tắc sẽ thay đổi. Mối quan hệ của chúng ta sẽ ổn, nhưng sẽ không bao giờ giống như trước đây nữa. Tất nhiên là mấy đứa nhỏ sẽ có một vài lần phá vỡ niềm tin, và chúng nên được cho cơ hội để giành lại niềm tin. Nhưng nó sẽ cần một thời gian dài. Mấy đứa trẻ tự hào về niềm tin mà tôi dành cho chúng, và chúng sẽ không muốn đánh mất điều đó. Hiếm khi chúng muốn điều đó xảy ra, và hàng ngày tôi đảm bảo rằng tôi xứng đáng niềm tin mà tôi đã yêu cầu từ chúng.

 

Tôi trả lời tất cả những câu hỏi. Không một chút vấn đề nào nếu chúng đã được hỏi trước đây. Không một chút vấn đề nào nếu tôi đang mệt. Bọn trẻ cần thấy rằng tôi thiết tha muốn chúng hiểu biết, và sẽ không bao giờ làm phiền tôi khi chúng chưa hiểu ra một vấn đề nào đó. Trong một cuộc phỏng vấn, một học sinh tên là Alan đã nói với phóng viên rằng: “Năm ngoái, tôi đã cố hỏi giáo viên của tôi một câu hỏi. Cô ấy trở nên giận dữ và bảo: ‘Chúng ta đã đi qua vấn đề này. Em đã chẳng lắng nghe tí nào!’ Nhưng tôi đã lắng nghe! Tôi đã chẳng hiểu nó! Rafe sẽ lặp lui lặp tới một vấn đề gì đó 500 lần cho đến khi tôi hiểu.”

 

Chúng ta, các bậc bố mẹ và giáo viên, thường điên đầu vì lũ trẻ mọi lúc, và thường là vì một lý do tốt. Tuy nhiên, bạn không bao giờ trở nên nản lòng khi một học sinh không hiểu một điều gì đó. Phản ứng tích cực và kiên nhẫn của chúng ta đối với các câu hỏi xây dựng một niềm tin tức thì và kéo dài giúp vượt qua được sự sợ hãi.

 

 

 

 trẻ tin vào chúng ta, nên chúng ta cần trở nên đáng được tin cậy

Quá nhiều lần, người lớn hứa với lũ trẻ về một phần thưởng cho một hành vi tốt. Bản thân điều này là một vấn đề sẽ được thảo luận trong chương kế tiếp, nhưng vấn đề sẽ trầm trọng hơn khi người lớn phá vỡ lời hứa của họ.

 

Tôi biết một giáo viên rất được kính trọng, người mà một lần đã bảo với lớp của cô ấy, vào ngày đầu tiên nhập học rằng vào cuối năm học cô ấy sẽ đem cả lớp đi một chyến chơi xa thú vị. Hầu như mọi ngày, khi học sinh không hành xử đúng mực, chúng sẽ bị đe doạ bằng việc không cho tham gia chuyến đi đặc biệt đó. Nhiều học sinh còn chịu làm thêm bài tập để đảm bào chúng sẽ được cho tham gia chuyến đi. Vào tuần cuối cùng của năm học, người giáo viên thông báo với lũ trẻ rằng cô ấy sẽ chuyển đến nơi khác sinh sống và không thể đem chúng đi như đã hứa. Tôi ước gì cô ấy có thể ở lại thêm đủ lâu để nghe các lời chỉ trích cay đắng của các học sinh của cô ấy. Sự bội ước này không chỉ làm hư hại tất cả những gì tốt đẹp mà cô ấy đã làm cho lũ trẻ trong năm đó, mà còn làm tổn hại rất nhiều em trong trường và những người lớn khác. Tôi không thể đổ lỗi cho chúng. Một niềm tin bị phá vỡ cần phải được tránh bằng mọi giá.

 

Các bố mẹ và giáo viên phải giải quyết việc này. Nếu tôi bảo lũ trẻ rằng chúng ta sẽ bắt đầu một dự án nghệ thuật đặc biệt vào ngày thứ 6, tôi phải giữ lời, cho dù nếu nó có nghĩa rằng tôi phải chạy ra một cửa hàng 24 giờ Home Depot vào lúc 4h sáng để mua thêm gỗ và bàn chải sơn. Luôn đáng tin cậy là cách tốt nhất để xây dựng niềm tin. Chúng ta không cần giảng giải với lũ trẻ về việc làm sao chúng ta giữ lời được hứa; hãy để chúng thấy rằng chúng có thể tin tưởng chúng ta. Đây có thể là một câu nói rập khuôn, nhưng hành động của chúng ta thực sự nói tốt hơn lời nói của chúng ta.

 

Một phần thưởng thú vị ở đây là nếu niềm tin đã được thiết lập, lũ trẻ sẽ thông hiểu hơn rất nhiều nếu vào một dịp hiếm có, chúng ta phải hoãn lại một hoạt động đã được hứa trước đó.

 

 

Kỷ luật phải hợp lý

Bạn cần phải duy trì trật tự trong lớp học của bạn. Tuy nhiên, đừng bao giờ quên sự thật căn bản này về kỷ luật: Lũ trẻ không phiền lòng bởi một giáo viên cứng rắn, nhưng chúng sẽ xem thường một giáo viên không công bằng. Sự trừng phạt phải phù hợp với lỗi phạm phải, và chuyện này quá thường xuyên không xảy ra. Khi lũ trẻ thấy bạn không công bằng, bạn đã đánh mất chúng.

 

Qua nhiều năm, lũ trẻ kể lại với tôi về việc chúng cáu kỉnh với các trừng phạt phi lý và các hệ quả không hợp lý. Thường sẽ như thế này: Một học sinh quá khích trong lớp; người giáo viên quyết định toàn bộ lớp sẽ không chơi bóng vào buổi chiều hôm đó. Lũ trẻ sẽ phải chấp nhận điều đó, nhưng chúng cũng căm ghét điều đó. Nhiều đứa nghĩ trong đầu “Kenny cướp nhà băng, tại sao tôi phải đi tù?” Một ví dụ cổ điển khác: John không làm bài tập toán; sự trừng phạt dành cho nó là không được học môn nghệ thuật trong buổi chiều, hoặc phải ngồi ghế trong giờ giải lao. Không có một sự liên hệ nào ở đây cả.

 

Ở phòng 56, tôi cố gắng làm cho các hoạt động rất hứng thú để khiến việc trừng phạt tồi tệ nhất cho các hành xử không đúng mực chính là việc không cho chúng tham gia các hoạt động mà sự hành xử không đúng mực của chúng xảy ra. Nếu một học sinh hành xử không đúng trong một thí nghiệm khoa học, tôi chỉ đơn giản bảo đứa trẻ rằng: “Jason, em không sử dụng đúng các vật liệu khoa học, nên em vui lòng đứng ra ngoài nhóm. Em có thể quan sát thí nghiệm, nhưng em không tham gia. Em sẽ có một cơ hội khác vào ngày mai.” Nếu đứa trẻ không hỗ trợ tốt trong một trận bóng bầu dục, nó sẽ được đề nghị ngồi trên băng ghế. Điều này là hợp lý, và tôi sẽ chắc chắn rằng khi một đứa trẻ hành xử đúng mực, nó sẽ được cho phép vào sân sau đó.

 

Một vài năm trước, nhóm Hobart Shakespeareans của tôi – một nhóm các diễn viên hài kịch trẻ tập hợp từ các học sinh của các lớp khác nhau – những học sinh đã làm việc với tôi mỗi ngày, sau giờ học, đã đề nghị tôi cho diễn ở một trong những địa điểm uy tín nhất tại Los Angeles. Chúng có thể mất 2 giờ học cho buổi biểu diễn này. Tất cả các giáo viên của lũ trẻ, ngoại trừ một người, đã rộn ràng sung sướng vì việc học sinh của họ có được cơ hội này. Người duy nhất phản đối chính là người giáo viên đã không bao giờ muốn học sinh của anh ấy tham gia ban nhạc hay dàn đồng ca. Bạn chắc hẳn đã gặp loại người này: Anh ấy tin rằng học sinh của anh ấy chỉ có thể học được từ anh ấy. Trong trường hợp này, cuối cùng thì các em học sinh cũng thắng thế, bố mẹ của chúng yêu cầu để chúng được phép diễn. Nhưng khi trở lại trường chúng sẽ phải viết câu nói sau 100 lần một ngày trong suốt một tuần: “ Trong tương lai tôi sẽ có những lựa chọn có trách nhiệm hơn về sự giáo dục của tôi.” Vào cuối tuần, mấy đứa trẻ ghê tởm với hành động không hợp lý này của người giáo viên, và điều này đã ngăn chúng lắng nghe bất cứ thứ gì anh ấy dạy cho đến hết năm học (ngay cả nếu đó là một điều gì đó đáng để lắng nghe). Anh ấy đã không công bằng. Cuộc chơi kết thúc. Nhiệm vụ đã không được hoàn thành.

 

 

Bạn là một hình mẫu

Đừng bao giờ quên rằng lũ trẻ quan sát bạn liên tục. Chúng sẽ mô hình bản thân chúng theo bạn, và bạn phải là người mà chúng muốn trở thành trong tương lai. Tôi muốn các học sinh của tôi tử tế và làm việc chăm chỉ. Điều đó có nghĩa rằng tốt hơn hết tôi phải là một con người tử tế nhất và làm việc chăm chỉ nhất mà chúng đã từng gặp. Đừng bao giờ nghĩ đến việc cố đánh lừa lũ trẻ. Chúng quá thông minh để biết mọi việc.

 

Nếu bạn muốn học sinh của bạn tin vào bạn, điều đó cần sự quan tâm và nỗ lực nhất quán từ phía bạn. Một số học sinh của tôi cười cay đắng về một giáo viên mà chúng đã từng có. Chúng thảo luận về cô ấy một cách khách quan nhất. Cô ấy thường tới lớp trễ. Cô ấy không nhận ra điều đó, nhưng cô ấy đã đánh mất chúng. Tại sao chúng phải lắng nghe những bài học của cô ấy khi sự trễ nải của cô ấy bảo chúng rằng chúng không là gì quan trọng đối với cô ấy? Khi cô ấy dạy lũ trẻ, chúng cười và gật gù. Nhưng ở bên trong, chúng đang suy nghĩ: “Screw you, lady” (bạn có thể đoán được từ này, ngay cả nếu bạn không biết tiếng Anh).

 

Người giáo viên này liên tục nói chuyện trên điện thoại di động của cô ấy. Ngay cả khi lũ trẻ đang được đem đi chơi một nơi nào đó, “nhà lãnh đạo” không biết sợ là gì của chúng dẫn đầu lảm nhảm trên điện thoại. Tất nhiên là có những trường hợp khẩn cấp trong gia đình và tình huống mà cô ấy cần phải nói chuyện, nhưng người phụ nữ này đang “tám” chuyện với bạn trai của cô ấy. Cũng là cô ấy, người đã nghĩ rằng cô ấy đang mua sắm trực tuyến một cách bí mật trong khi các học sinh của cô ấy làm bài tập khoa học. Cô ấy tin rằng lũ trẻ không biết cô ấy đang làm gì. Cô ấy đã sai lầm lớn.

 

Có hàng ngàn khoảnh khắc trong ngày dạy học để có thể làm gương cho lũ trẻ, nhưng một số khoảnh khắc đó là các cơ hội đang đợi để được nắm lấy. Trong những năm còn trẻ, tôi đã có những ngày như là một giáo viên trẻ với cái ba lô của trẻ con. Hành vi của tôi không bao giờ là cực đoan, nhưng tôi sẽ trở nên giận dữ và thất vọng. Tôi đã sai khi đã như vậy. Tôi đã không học được rằng nếu bạn trở nên giận dữ bởi vì một vài thứ nhỏ nhặt, những vấn đề lớn sẽ không bao giờ được xử lý. Là một hình mẫu, các học sinh cần chúng ta là những người ủng hộ, không phải là những kẻ bạo chúa. Tôi đã đóng vai trò kẻ độc tài đủ lâu khi còn là một giáo viên trẻ để hiểu được sự vô ích của vai trò đó.

 

Nhưng đó là sự tuyệt diệu của công việc: Bạn có thể học từ những sai lầm của bạn. Bạn có thể trở nên tốt hơn. Trong tiến trình này, bạn có thể sẽ gặp phải những khoảnh khắc quí giá có thể cho phép học sinh của bạn vút bay lên cao hơn những gì chúng đã có thể nghĩ đến. Tôi đã có một trong những khoảnh khắc đó chỉ mới gần đây.

 

Lisa là một cô học sinh rất dễ thương trong lớp của tôi, cô bé đang đánh vật với tất cả công việc học tập của nó. Con bé không phải là đứa giỏi nhất trong lớp, và nó có một người bố nóng giận nếu tôi viết vào tập của Lisa rằng tôi thấy con bé có thể làm tốt hơn.

 

Một ngày nọ khi tôi đang đi lòng vòng trong lớp, thu các bài tập về nhà. Các học sinh được yêu cầu phải hoàn thành một bài tập ô chữ đơn giản về ông đầu bếp Crazy Horse, nhưng Lisa đã không tìm được tờ bài tập của con bé. Đó là vào thời điểm đầu năm, và cô bé đã tuyệt vọng muốn làm tốt mọi việc. Tôi đã quan sát khi con bé giận dữ tìm kiếm những tập vở trên bàn nó. Biết rằng tôi đang ở đằng sau, con bé tiếp tục tìm kiếm trong tuyệt vọng trang bài tập bị mất:

Rafe: Lisa?

Lisa: Thưa thầy, cho em một giây thôi ạ. Em có tờ bài tập. Em đã làm bài tập. Vui lòng…

Rafe: (nhẹ nhàng) Lisa?

Lisa: Xin thầy vui lòng… Em thực sự đã làm bài tập (trong lúc vẫn tiếp tục điên cuồng tìm kiếm)

Rafe: (nói như hát) Liiiisaaa?

Lisa: (dừng việc tìm kiếm vô ích và ngước mắt lên) Dạ?

Rafe: Thầy tin em.

Lisa: (im lặng – một cái trợn mắt nghi ngờ)

Rafe: Thầy tin em.

Lisa: Thực sao?

Rafe: (một cách nhẹ nhàng với một nụ cười) Tất nhiên là thầy tin em, Lisa. Thầy tin là em đã làm bài tập. Nhưng em biết sao không?

Lisa: Thưa thầy là gì ạ?

Rafe: Thầy nghĩ là chúng ta có một vấn đề lớn hơn ở đây.

Lisa: (một cách ngoan ngoãn, sau một hồi dừng lại suy nghĩ) Em đã không ngăn nắp?

Rafe: Chính xác. Em cần ngăn nắp hơn. Điều đó hoàn toàn chính xác. Em thấy sao nếu bây giờ em chọn hai bạn mà em tin tưởng.

Lisa: Lucy và Joyce.

Rafe: Được rồi. Sau buổi ăn trưa hôm nay, em thấy sao nếu với sự giúp đỡ của các bạn để sắp xếp lại các tập vở của em? Được không?

Lisa: (hết lo âu) Dạ được…

 

Đây là những cơ hội để nắm lấy. Tất nhiên bạn thất vọng, nhưng bạn có thể biến những khoảnh khắc xấu tiềm năng này trở thành những khoảnh khắc có giá trị. Trong chỉ một vài phút, tôi đã biến chuyển từ một cơn ác mộng tiềm năng của Lisa trở thành người thầy giáo và người bạn tin cậy của con bé. Lớp học, quan sát tất cả mọi hành động của tôi, đã thấy tôi là một người hợp lý. Đây là những khoảnh khắc để bạn xây dựng niềm tin.

 

Lisa đã không bao giờ bỏ lỡ một bài tập về nhà nào nữa trong năm.

 

Thực tế là khó khăn hơn để đi theo con đường này. Bạn có thể chĩa súng vào lũ trẻ và chúng sẽ lắng nghe bạn, nhưng đó có phải là tất cả những gì bạn muốn? Bây giờ tôi biết nhiều hơn rồi. Bằng cách tạo dựng một nơi trú ẩn chắc chắn nhưng thân thiện, lũ trẻ sẽ có cơ hội để lớn lên trở thành những con người tự tin và hạnh phúc. Điều này là không dễ dàng, và không phải tất cả lũ trẻ sẽ dành được niềm tin kiểu như vậy. Một số sẽ lừa dối sự tự tin của bạn. Tuy nhiên nếu chúng ta muốn những thứ tốt đẹp cho lũ trẻ, chúng ta phải cho chúng thấy chúng ta tin tưởng rằng những điều tốt đẹp là có thể. Cố gắng mọi cách để xoá bỏ sự sợ hãi trong lớp học của bạn. Hãy công bằng. Hãy hợp lý. Bạn sẽ trưởng thành trong vai trò của người giáo viên, và các học sinh của bạn sẽ làm cả bạn và chính bản thân lũ trẻ ngạc nhiên khi chúng thành công ở nơi trú ẩn an toàn mà bạn đã xây dựng.

 

Hãy tin tôi.

 

Tìm kiếm cấp độ VI

 

 

Với kinh nghiệm, sự kiên nhẫn, và các bài học có được từ thất bại, bạn có thể tạo được một lớp học dựa trên niềm tin. Học sinh biết bạn công bằng. Bạn là người có thể tin cậy. Lũ trẻ biết rằng với bạn bên cạnh, chúng an toàn và sẽ học được một điều gì đó. Một lớp học dựa trên niềm tin và sự thiếu vắng của nỗi sợ hãi là một nơi chốn tuyệt vời cho lũ trẻ học tập.

 

Tuy nhiên, một nền tảng của niềm tin không phải là một kết quả cuối. Nó cũng không phải là nền tảng trung gian; nó chỉ là một bước khởi đầu tốt đẹp. Chúng ta đã thấy câu chuyện như thế này lặp đi lặp lại: Một lớp học với các học trò học tốt với một giáo viên tốt, và một ngày nọ người giáo viên nghỉ ốm hay phải dự một cuộc họp nào đó. Một giáo viên khác thay thế, và lớp học mà trước đó hoạt động rất tốt trở thành một cảnh trong phim Ngôi nhà của động vật.

 

Đáng buồn thay, tôi đã gặp những giáo viên kiểu này, những người tự hào về điều đã xảy ra. Họ nghĩ rằng điều đó nói lên rằng họ là những giáo viên tuyệt vời – rằng họ có thể kiểm soát được lũ trẻ mà những giáo viên khác không thể. Gần đây, tôi đã nghe một giáo viên khoe khoang: “Học sinh của tôi chỉ đi xem phim với tôi. Chúng nói là không ổn nếu không có tôi ở cạnh.” Đây là một giáo viên người đã quên mất rằng chúng ta có thể dẫn dắt lớp học, nhưng chính lũ trẻ sẽ quyết định nếu lớp học là xuất sắc hay tầm thường.

 

Trong nhiều năm, tôi đã thử nhiều cách khác nhau để phát triển một văn hoá lớp học trong đó học sinh hành xử đúng mực vì tất cả những lý do đúng đắn. Chỉ một điều này bản thân đã là một mục tiêu lớn. Với một môi trường học đường mà lũ trẻ tè lênh láng trong phòng tắm, viết bậy trên bàn, và thực sự là chúng không muốn đi học chút nào, thật là khó khăn để tìm được một ngôn ngữ chung để phát triển đạo đức.

 

Và sau đó tôi đã tìm thấy lời giải. Hầu hết các thắng lợi trong giáo dục đến từ kết quả của nhiều năm công sức khó khăn và vất vả. Có một số rất ít “ơ-rê-ca” trong công tác giáo dục, khi mà bạn có tia sáng đến trong đầu và bạn biết cần phải làm gì. Trong một buổi tối tuyệt vời, điều đó đã xảy đến với tôi.

 

Tôi đang soạn giáo án cho cuốn sách tôi yêu thích, To Kill a Mockingbird (Giết con chim nhại), và đang đọc một hướng dẫn học tập trong đó phân tích các nhân vật theo mô hình phát triển suy nghĩ sáu cấp độ của Lawrence Kohlberg. Tôi rất thích mô hình này. Sáu cấp độ đơn giản và dễ hiểu, và quan trọng nhất là có thể được áp dụng một cách hoàn hảo để dạy lũ trẻ chính xác như cách tôi đã muốn chúng học. Tôi nhanh chóng tích hợp mô hình sáu cấp độ này vào lớp của tôi, và cho đến hôm này chúng là chất keo dính tất cả mọi thứ lại với nhau. Niềm tin luôn luôn là nền tảng, nhưng mô hình sáu cấp độ là các khối xây dựng cơ bản giúp học sinh của tôi trưởng thành trong vị trí của một học sinh cũng như trong vị trí của một con người. Tôi cũng đã sử dụng mô hình sáu cấp độ này để giáo dục các con của tôi, và tôi cực kỳ tự hào về kết quả đạt được.

 

Tôi dạy cho các học sinh của tôi về 6 cấp độ này trong ngày đầu tiên đến lớp. Tôi không mong muốn lũ trẻ thực sự áp dụng mô hình này vào các hành xử của chúng ngay lập tức. Không giống như những phương pháp đơn giản khác bảo chúng ta rằng: “Nếu bạn làm theo 27 nguyên tắc này, bạn cũng có thể có một đứa trẻ thành công”, mô hình 6 cấp độ sẽ cần công sức của cả một đời người. Chúng là một bản đồ chỉ đường tuyệt vời, và tôi liên tục bị ngạc nhiên khi thấy các học sinh của tôi phản ứng rất tốt trước mô hình này.

 

Cấp độ I. Tôi không muốn bị rắc rối

 

Hầu hết học sinh được dạy ngay từ giây phút đầu tiên chúng vào trường để làm người hành xử ở cấp độ I. Trên thực tế, tất cả các hành xử của chúng được dựa trên sự việc rằng chúng muốn tránh phiền phức. “Im lặng!”, chúng bảo nhau. “Giáo viên đang tới!” Chúng làm bài tập để khỏi bị phiền phức. Chúng đi vào hàng để giữ cho giáo viên hài lòng. Chúng lắng nghe trong lớp để duy trì thái độ của giáo viên với chúng. Và chúng ta, các giáo viên và bố mẹ củng cố thêm điều này liên tục bằng cách chắc chắn rằng lũ trẻ sẽ gặp rắc rối nếu chúng không ngay hàng, thẳng lối. Thực tế là đại loại như thế này: “Đợi cho đến khi bố con về đây.”

 

Nhưng liệu đây có phải là một lối giảng dạy tốt? Suy nghĩ cấp độ I dựa trên sự sợ hãi. Mục tiêu cuối cùng là chúng ta mong con cái chúng ta hành xử đúng không phải vì chúng sợ bị trừng phạt, mà bởi vì chúng tin điều chúng làm là đúng.

 

Trong ngày đầu đến lớp, lũ trẻ nhanh chóng thú nhận rằng chúng đã trải qua hầu hết cuộc sống của chúng ở cấp độ I. Tất nhiên, có một số đã tiến lên, tuy nhiên tất cả lũ trẻ đều thừa nhận rằng “không dính vào rắc rối” vẫn là quyền lực hướng dẫn các hành vi của chúng. Hãy nhớ lại thời thơ ấu của bạn. Mấy người trong chúng ta thực sự hoàn thành bài tập về nhà (đặc biệt là những bài tập không cần động não nhiều) bởi vì đó là điều đúng đắn mà chúng ta cần làm? Thường xuyên là như thế, không phải là chúng ta đã chỉ có gắng để không gặp rắc rối?

 

Tôi nhớ sâu sắc năm đầu tiên tôi đi dạy. Vào một ngày nọ, tôi dự một buổi họp dạy môn toán, và lớp của tôi đã “sụp đổ” khi tôi không có đó. Trong lần kế tiếp tôi có việc phải ra khỏi lớp, tôi đã muốn chắc chắn rằng lũ trẻ không làm tôi xấu mặt một lần nữa. Tôi đã dữ tợn đảm bảo với chúng rằng ai không nghe lời giáo viên dạy thế hoặc không làm bài tập thì sẽ lãnh đủ hậu quả khi tôi trở lại lớp. Điều này đã có tác dụng trên bề mặt, nhưng lũ trẻ thì đã không học được điều gì cả, ngoại trừ sợ hãi sự giận dữ và uy lực của tôi. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra rằng, chiến lược này thực sự không hiệu quả. Cũng giống như nhiều cựu giáo viên khác, tôi đã xấu hổ khi nghĩ về sự ngu dốt của mình trong những năm đầu tiên đi dạy.

 

Bây giờ, vào ngày đầu tiên đến lớp, tôi bắt đầu một mối quan hệ như là một cộng sự với lũ trẻ. Sau khi tôi yêu cầu niềm tin của chúng và đảm bảo rằng chúng có được sự tin cậy từ tôi, tôi sẽ yêu cầu chúng từ bỏ lối suy nghĩ cấp độ I lại đằng sau. Chúng sẽ không đi tới đâu cả trong cuộc đời của chúng, nếu động lực chính của chúng đã bị hướng dẫn quá sai như vậy. Và tôi chắc chắn sẽ không lặp lại lỗi lầm ủng hộ cho suy nghĩ cấp độ I thêm một lần nào nữa.

 

 

Cấp độ II. Tôi muốn được phần thưởng

Cuối cùng thì các học sinh bắt đầu ra các quyết định dựa trên những lý do không phải là để tránh bị rắc rối. Nhưng những giáo viên đặc biệt xấu hổ trong việc ép buộc những gì xảy ra trong lớp học của chúng ta lại được nhận diện như là những người suy nghĩ cấp độ II. Tôi đoán là nhiều người trong chúng ta đã đọc B. F. Skinner trong trường đại học. Chúng ta học được rằng, nếu lũ trẻ được thưởng bởi vì một hành vi tốt, chúng sẽ có xu hướng lặp lại hành vi mà chúng ta xem là chấp nhận được. Tất nhiên là điều này có hiệu quả nhất định nào đó. Cho dù phần thưởng là kẹo, đồ chơi, hoặc có nhiều thời gian chơi thể thao hơn, một củ cà rốt đung đưa có thể là một lý do hiệu quả cho hành vi tốt.

 

Tôi có dịp ghé thăm một lớp trung học mà ở đó giáo viên sử dụng suy nghĩ cấp độ II để khuyến khích học sinh của họ hoàn thành bài tập. Một giáo viên lịch sử tôi gặp đã cho các lớp của anh ấy thi đua lẫn nhau xem lớp nào có thể làm được bài tập nhiều nhất. Lớp thắng cuộc sẽ nhận được phần thưởng vào cuối năm học. Rõ ràng là người giáo viên này đã quên mất rằng chính kiến thức lịch sử nên được xem là phần thưởng. Khi tôi nói chuyện với lớp đã làm được nhiều bài tập nhất, tôi nhận ra rằng lũ trẻ xuất sắc trong việc hoàn thành bài tập và nộp bài, nhưng sự hiểu biết về lịch sử của chúng bị giới hạn một cách bất ngờ.

 

Trong những năm mới đi dạy, tôi đã ngớ ngẩn đồng ý với triệu chứng phần thưởng này, bởi vì nó “hiệu quả”. Nếu tôi cần phải vắng mặt trong lớp và sợ rằng lũ trẻ sẽ cho giáo viên dạy thế một buổi học tệ hại, tôi biết cách để xử lý tình huống đó: Tôi sẽ bảo lũ trẻ rằng nếu tôi nhận được báo cáo tốt từ giáo viên của chúng, lũ trẻ sẽ có được một buổi tiệc bánh pizza vào ngày thứ 6. Ngày hôm sau, tôi trở lại và sẽ nhận được một ghi chú tốt từ giáo viên dạy thế. Điều này đã cho phép tôi sai lầm tin rằng tôi đang làm một việc tốt cho học sinh của tôi. Nên nhớ rằng, điều này chắc chắn tốt hơn việc đe doạ chúng, và lũ trẻ sẽ “thích” tôi hơn. Tốt, thật là dễ dàng đối với tôi. Tôi còn trẻ và chưa có kinh nghiệm.

 

Các bậc cha mẹ cũng cần phải biết về việc khuyến khích suy nghĩ cấp độ II. Sẽ là tốt khi thưởng cho đứa bé một ít tiền khi nó làm việc vặt trong nhà. Đó là cách các hệ thống tư bản vận hành – bạn được trả công để làm công việc của bạn. Tuy nhiên, sự nguy hiểm cũng chính là việc cho lũ trẻ quà hoặc tiền để hành xử đúng mực. Chúng ta cần cho lũ trẻ biết rằng các hành vi đúng mực là được mong đợi, không phải chỉ là được thưởng.

 

Sự thưởng phạt như vậy là phổ biến trong các lớp học trên toàn quốc. Là một người đứng đầu chiến tuyến dạy học hàng ngày, tôi rất hiểu rằng làm cho lũ trẻ hành xử đúng mực là một trong những công việc khó khăn nhất trên thế giới. Tất cả chúng ta đều làm việc quá nhiều giờ, và nếu một bài tập về nhà đổi lấy một ngôi sao vàng có thể làm cho lũ trẻ làm bài tập, điều đó chắc hẳn đủ tốt cho rất nhiều người. Nhưng nó không còn đủ tốt cho tôi.

 

Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta có thể làm tốt hơn nữa.

 

Cấp độ III. Tôi muốn làm hài lòng một ai đó

Khi bắt đầu lớn lên, lũ trẻ học để làm những việc mà người khác sẽ hài lòng: “Nhìn nè mẹ, cái này có được không?” Chúng cũng làm điều tương tự với các giáo viên của chúng, chủ yếu với các giáo viên uy tín hoặc nổi tiếng. Chúng ngồi thẳng và hành xử theo cách mà chúng ta sẽ hy vọng chúng sẽ làm. Nhưng chúng làm điều đó tất cả vì những lý do không đúng.

 

Các giáo viên trẻ đặc biệt nhạy cảm tới hiện tượng này (và ở đây, tôi đang nói về trải nghiệm cá nhân). Khi lũ trẻ muốn làm bạn hài lòng, điều đó khiến cái tôi của chúng gặp phải một cái xóc nảy lên. Thật tốt khi có các học sinh hưởng ứng những gì bạn nghĩ là đáng tôn trọng, khi có các học sinh nhảy lên, khi bạn nói chúng nhảy lên.

 

Ví dụ, khi một giáo viên trở về lớp sau một ngày nghỉ dạy, một điều gì đó vui nhưng theo một cách đáng buồn đã xảy ra. Người giáo viên dạy thế đã để lại một mẩu ghi chú và người giáo viên trở về đã vui mừng biết rằng lớp học đã hành xử tốt, nhưng có một học sinh, tên là Robert, đã rất tuyệt. Cậu bé giúp điều hành lớp học. Cậu bé đã chỉ cho giáo viên dạy thế nơi tất cả mọi thứ được cất giữ. Cậu bé là một trợ giảng. Tuy nhiên, phần mỉa mai là ở đây. Người giáo viên đã quá tự hào về Robert đến nổi anh ấy đã thưởng cho học sinh đặc biệt này một phần thưởng – có lẽ là một số điểm cộng thêm cho một bài kiểm tra hoặc một ít kẹo. Robert đã từ chối điều đó. Cậu bé đã không làm điều này để được thưởng. Cậu bé đã nghĩ vượt lên trên cả việc được thưởng. Cậu bé đã làm việc này cho người giáo viên. Cậu bé tự hào về nó. Và người giáo viên cũng tự hào về cậu bé, bởi vì anh ấy có một đứa trẻ tôn sùng anh ấy. Cả hai người đều tự hào về nhau và cảm thấy tuyệt vời.

 

Tất nhiên là tốt khi Robert đã làm một việc tốt, và là tuyệt vời khi cậu bé làm điều này để làm hài lòng giáo viên của nó. Điều này tốt hơn rất nhiều so với hầu hết tình trạng của các lớp học khác. Chúng ta có thể mở nhạc và Lulu có thể hát: “Gửi tới Ngài với một sự thương yêu.” Nhưng chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn nữa. Đây là một điểm mà tôi đồng thời trêu chọc và thách thức những học sinh của tôi. Các em có đánh răng các em bởi vì tôi? Các em có buộc dây giày của các em bởi vì tôi? Bạn có thấy điều đó nghe ngốc nghếch không? Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ vẫn sử dụng hết ngày của chúng để làm giáo viên của chúng hài lòng.

 

Ước mong làm được điều này đối với cha mẹ chúng thậm chí còn là một áp lực lớn hơn. Nhiều đứa trẻ quá tuyệt vọng để làm bố mẹ chúng hài lòng đến nổi chúng chọn cả trường đại học và ngành học để làm cho bố mẹ chúng vui lòng. Những đứa trẻ này sẽ trưởng thành và trở thành những con người thất vọng, những người sẽ ghét công việc của họ và không thể hiểu được lý do vì sao họ quá không hài lòng với cuộc sống của họ.

 

À, mà ít ra thì chúng cũng đã có gắng làm hài lòng một ai đó.

 

Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa.

 

Cấp độ IV. Tuân thủ các nguyên tắc

Hiện nay, suy nghĩ cấp độ IV rất phổ biến. Với quá nhiều đứa trẻ hành xử kém, hầu hết giáo viên được dạy với việc thiết lập luật pháp vào ngày đầu tiên vào lớp. Nên nhớ rằng, điều quan trọng là lũ trẻ phải biết luật lệ. Những giáo viên giỏi dành thời gian giải thích “vì sao” cho một số nguyên tắc nhất định, và nhiều giáo viên sáng tạo còn cho các học sinh của họ tham gia vào việc xây dựng các qui tắc / luật lệ của lớp học. Theo lý thuyết, những đứa trẻ tham gia vào việc xây dựng các luật lệ trong lớp học sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc tuân theo các luật lệ đó. Điều này một phần nào đó là đúng.

 

Tôi đã thấy nhiều lớp học mà ở đó các nguyên tắc được dán trên tường. Có những biểu đồ được vẽ vội vã nghệch ngoạc bởi một giáo viên với quá nhiều việc để làm và các biểu đồ khác mà chắc chắn sẽ gây ấn tượng tới hội đồng quản trị của một công ty trong danh sách Fortune 500. Tôi đã thấy những nguyên tắc hợp lý (ví dụ như không đánh nhau) và những nguyên tắc không hợp lý một chút nào (ví dụ như không được cười). Sự thật là những lớp khác nhau có những luật lệ khác nhau mà điều đó có thể là tốt – vì điều đó dạy học sinh việc sửa đổi / thích nghi với một tình huống mới trong một môi trường mới.

 

Tôi không có vấn đề gì với các nguyên tắc cả. Rõ ràng là lũ trẻ cần phải học về các giới hạn và các mong muốn về hành vi. Tôi chắc chắn không phải là một người theo chủ trương vô chính phủ. Và khi tôi trở về từ cái hôm phải đi dự buổi họp phát triển nhân lực, tôi có nên vui mừng rằng Robert đã hành xử tốt đối với người giáo viên dạy thế không? Tôi đã quá sung sướng. Điều này đã đặt Robert vào con đường đúng để dẫn tới thành công và đi trước quá xa so với các bạn bè bình thường của thằng bé. Điều đó nói với tôi rằng Robert biết các nguyên tắc (không phải tất cả lũ trẻ biết điều này), và nó đã sẳn sàng để thực hiện chúng. Nếu Robert và lớp của cậu bé ở suy nghĩ cấp độ IV, chúng sẽ làm tốt hơn hầu như tất cả các lớp học khác. Người ta có thể kết luận rằng những kết quả tốt này chứng tỏ các biện pháp là tốt. Nhưng nếu chúng ta muốn lũ trẻ của chúng ta nhận được một nền giáo dục có ý nghĩa, chúng ta có thực sự muốn Robert làm những việc này bởi vì Nguyên tắc số 27 nói rằng nó nên làm như vậy?

 

Tôi đã gặp một giáo viên có một cách dạy thú vị để học sinh của anh ấy nói lời: “Cảm ơn”. Một trong những nguyên tắc của anh ấy yêu cầu nếu người giáo viên cho bạn một thứ gì đó – một cái máy tính bỏ túi hoặc một trái bóng bầu dục hoặc một thanh kẹo – bạn có ba giây để xác nhận sự tử tế của anh ấy bằng cách nói: “Cảm ơn thầy”. Nếu bạn không làm việc này, món quà sẽ được lấy lại ngay lập tức.

 

Và điều này có hiệu quả. Lũ trẻ nói cảm ơn ngay tức khắc. Vấn đề duy nhất là chúng đã không có một sự biết ơn thực sự cho món quà mà chúng nhận được. Chúng hầu như chỉ tuân theo một nguyên tắc. Cũng như vậy, “bài học” đã không đi theo qua các phần khác của cuộc đời của lũ trẻ. Một đêm nọ tôi đã đem mấy học sinh này đi xem một vở kịch, và chúng đã không tử tế hơn hay kém những đứa trẻ khác trong rạp hát. Chúng đã không cảm ơn những người chỉ chỗ đã đưa tờ chương trình cho chúng và giúp chúng tìm chỗ ngồi của chúng, và chúng đã không cảm ơn những người đã phục vụ nước uống cho chúng trong giờ nghỉ giải lao. Nguyên tắc trong lớp chỉ có thế – là cách để hành xử với một giáo viên.

 

Điều này cũng đáng để suy nghĩ: bao nhiêu con người xuất sắc sẽ bị xoá bỏ khỏi các cuốn sách lịch sử, nếu họ không bao giờ nhắm tới suy nghĩ cao hơn cấp độ IV? Tôi dạy học sinh của tôi rằng trong khi nguyên tắc là cần thiết, rất nhiều các anh hùng vĩ đại nhất của chúng ta trở thành anh hùng bởi vì không tuân theo nguyên tắc. Chúng ta có một ngày lễ quốc gia cho ngài Martin Luther King Jr., và người Mỹ xuất sắc này đã không đạt tới điều này nếu ông ấy chỉ dừng lại ở suy nghĩ cấp độ IV. Ngài Gandhi đã không tuân theo nguyên tắc, và quí bà Rosa Parks cũng không. Các lãnh đạo tầng lớp lao động đã phá bỏ nguyên tắc để giúp đỡ công nhân. Cám ơn trời đất rằng những con người như Thoreau, Malcom X, và Cesar Chavez đã táo bạo suy nghĩ vượt lên trên suy nghĩ cấp độ IV. Những người đặc biệt trong suốt chiều dài lịch sử đã làm điều này, và nếu chúng ta muốn con cái chúng ta có thể chạm tới những đỉnh cao đó, chúng cần biết về các nguyên tắc, nhưng cần nhìn xa hơn cái biểu đồ được vẽ trên tường. Sẽ có lúc không có biểu đồ ở đó. Quan trọng hơn là sẽ có lúc biểu đồ cũng sai luôn.

 

Cấp độ IV là một nơi chốn tốt, nhưng chúng ta cần phải cố gắng để còn tốt hơn nữa.

 

Cấp độ V. Tôi quan tâm đến người khác

Cấp độ V là cấp độ tinh tế hơn cho cả trẻ con và người lớn. Nếu chúng ta có thể giữ lũ trẻ đạt được một tình trạng cảm thông đến những người xung quanh chúng, chúng ta chắc chắn đạt được một thành quả lớn.

 

Cứ tưởng tượng một thế giới của những người suy nghĩ cấp độ V. Chúng ta sẽ không bao giờ phải nghe một thằng ngốc trên xe buýt quát tháo vào điện thoại di động. Sẽ không có ai cắt ngang qua mặt chúng ta khi chúng ta đang lái xe hay đang xếp hàng để xem phim. Các hàng xóm ồn ào sẽ không bao giờ làm phiền giấc ngủ của chúng ta trong khách sạn lúc 2h sáng. Sẽ là một thế giới tuyệt vời, thực đúng như vậy.

 

Sau nhiều năm cố gắng truyền tải ý tưởng này đến các học sinh của tôi, cuối cùng tôi có thể thành công bằng cách giới thiệu chúng cuốn Atticus Finch và To Kill a Mockingbird. Ở một đoạn trong tiểu thuyết, Atticus đưa cho con gái ông ấy, Scout, một lời khuyên minh hoạ một cách hoàn hảo suy nghĩ cấp độ V: “Con sẽ không bao giờ thực sự hiểu được một người cho đến khi con xem xét sự việc dưới quan điểm của người đó… cho đến lúc con leo vào được bên trong con người của anh ấy và đi lại ở trong đó.” Nhiều học sinh của tôi tiếp nhận lời khuyên này vào trong tim của chúng trước khi ý tưởng này bắt đầu có hiệu lực. Không lâu sau đó, hầu như tất cả các học sinh của tôi trở nên cực kỳ quan tâm đến những người khác. Với Atticus Finch dẫn dắt, tôi học được rằng những câu nói cổ thực sự đúng. Sự tử tế thực sự có thể lây nhiễm.

 

Trong những năm này, tôi nhận được các mẩu giấy cảm ơn đặc biệt từ những người giáo viên dạy thế của tôi. Họ ngạc nhiên rằng học sinh của tôi có thể thay đổi âm lượng giọng nói của chúng trong suốt ngày học. Khi một giáo viên hỏi chúng tại sao chúng nói thầm, lũ trẻ đã nói với anh ấy rằng chúng không muốn làm phiền những học sinh ở phòng kế bên. Khi người giáo viên nói rằng anh ấy nóng quá, nhiều đứa trẻ đã lấy nước lạnh đóng chai mà chúng biết là được trữ trong cái tủ lạnh nhỏ của chúng tôi.

 

Các nhân viên khách sạn cũng lưu ý rằng học sinh của tôi là những đứa trẻ hành xử một cách tử tế và tốt nhất mà họ đã từng gặp. Trên máy bay, phi công thông báo rằng nhóm Hobart Shakespeareans đang ở trên máy bay, và mọi người trên máy bay khen ngợi cử chỉ yên lặng và cách xử sự tuyệt vời của chúng. Tôi đã rất hạnh phúc và tự hào là giáo viên của bọn trẻ.

 

Nhưng… Bạn có thể đoán được điều tôi sắp nói. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn nữa. Khi thấy một vài việc khiến tôi hạnh phúc còn hơn là bắt gặp một bạn trẻ người đã đạt tới cấp độ V, tôi muốn học sinh của tôi đạt tới đỉnh cao hơn thế nữa. Đối với một giáo viên, không có bài tập nào khó hơn điều này. Nhưng sự thật là khó khăn không có nghĩa là chúng ta không nên thử nó. Nó có thể xảy ra, và khi nó xảy ra, sự tưởng thưởng tôi cảm nhận được sẽ bù lại cho tất cả các sự ú tim, nhức đầu và tờ séc khiêm tốn mà tôi nhận được bởi thế giới giáo dục điên cuồng.

 

Tôi biết chúng ta có thể làm tốt hơn bởi vì tôi đã thấy điều đó xảy ra.

 

Cấp độ VI. Có một bộ qui tắc cá nhân và tôi tuân thủ nó (cấp độ Atticus Finch)

Hành xử cấp độ VI là khó nhất để đạt được và cũng là khó nhất để dạy. Điều này bởi vì bộ qui tắc cá nhân cho hành vi nằm ở bên trong tâm hồn của cá nhân đó. Nó cũng bao gồm một liều lượng đáng kể của sự khiêm tốn. Tổ hợp này khiến nó trở nên hầu như không thể làm mẫu; theo định nghĩa, hành vi cấp độ VI không thể được dạy qua lời nói: “Hãy xem những gì tôi đang làm. Đó là những gì bạn cần hành xử.” Theo một cách nào đó, nó giống như một cái catch-22 (Catch-22: là một tình huống nghịch lý từ đó một cá nhân không thể trốn thoát vì những qui tắc mâu thuẫn. Catch-22 thường là kết quả từ các nguyên tắc, luật lệ, hoặc thủ tục mà một cá nhân phải lệ thuộc vào nhưng không kiểm soát được. Một nghĩa rộng của thuật ngữ này là những người tạo ra Catch-22 đã tạo ra những qui tắc không bị bó buộc để chứng minh và che đậy sự lạm dụng quyền lực của họ).

 

Tôi dạy học sinh của tôi về cấp độ VI theo nhiều cách. Bởi vì tôi không thể thảo luận trực tiếp về bộ qui tắc cá nhân của chính tôi, tôi cố gắng giúp đỡ lũ trẻ nhận diện chúng thông qua những người khác. Có nhiều cuốn sách và bộ phim xuất sắc về các cá nhân cấp độ VI. Sẽ là một điều thú vị cho các bố mẹ và giáo viên tìm thấy những người suy nghĩ cấp độ VI này – họ có mặt khắp mọi nơi khi bạn bắt đầu tìm kiếm. Tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài nhân vật mà tôi yêu thích.

 

Mỗi năm các học sinh lớp năm của tôi đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng A Separate Peace được viết bởi John Knowles. Người hùng trong cuốn sách, Phineas, là một vận động viên đặc biệt và là một người suy nghĩ cấp độ VI. Vào một ngày nọ, anh ấy đang ở hồ bơi và để ý thấy rằng kỷ lục cấp trường trong cuộc thi bơi không phải do thành viên lớp anh ấy nắm giữ. Mặc dù anh ấy chưa bao giờ được đào tạo là một vận động viên bơi, anh ấy nói với bạn của anh ấy, Gene, rằng anh ấy nghĩ rằng anh có thể phá vỡ kỷ lục của trường. Phineas nhanh nhẹn đứng lên, đến bục xuất phát, và đề nghị bạn của anh ấy giúp đo thời gian với một cái đồng hồ bấm giờ. Một phút sau, Gene sốc khi thấy rằng Phineas đã phá vỡ kỷ lục. Nhưng Gene thất vọng vì không có ai thấy điều này để có thể ghi nhận chính thức kỷ lục. Anh ấy lên kế hoạch để mời các tờ báo địa phương và để Phineas lập lại kỷ lục vào ngày hôm sau trong sự có mặt của người bấm giờ chính thức và các phóng viên. Phineas từ chối, và bảo Gene đừng nói với ai về thành quả của anh ấy. Anh ấy đã muốn phá kỷ lục và anh ấy đã làm được điều đó. Gene chết lặng trong ngạc nhiên, nhưng các học sinh của tôi thì không. Chúng có một ngôn ngữ để diễn đạt và hiểu tính cách của nhân vật Phineas.

 

Hoặc lấy trường hợp của Bernard, thằng bé sống cạnh Willy Loman và gia đình của anh ấy trong vở kịch Dead of a Salesman của tác giả Arthur Miller. Bernard liên tục quấy rối những đứa trẻ nhà Willy trong trường và việc học hành và bị xem như là một con mọt sách. Ở phần sau đó trong vở kịch, khi Willy tuyệt vọng cố gắng để hiểu ra những thất bại của anh ấy và của những đứa con của anh ấy thì Bernard xuất hiện một cách vội vàng. Anh ấy là một luật sư và có một vụ án. Khi anh ấy vội vã ra đi, bố của Bernard nói rằng vụ án đó sẽ được xử ở Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ. Khi Willy ngạc nhiên rằng Bernard đã không đề cập gì đến việc quan trọng này, bố của Bernard đã nói với Willy: “Nó không cần phải nói điều đó. Nó đang làm điều đó.”

 

Qua các ví dụ này, tôi cố gắng hết sức mình để chiến đấu với các kênh tivi như ESPN và MTV, mà ở đó, dáng điệu, việc nói xấu, và phong cách “Tôi là vua của thế giới này” là qui chuẩn. Tôi cố gắng cho lũ trẻ biết điều này theo một cách khác trong yên lặng.

 

Tôi cũng sử dụng những cuốn phim đề cao các nhân vật suy nghĩ cấp độ VI. Một trong những nhân vật đó là Will Kane, viên cảnh sát trong phim High Noon, được thể hiện xuất sắc bởi tài tử Gary Cooper. Mấy tay súng đến để giết ông ấy, và mọi người trong thị trấn muốn Kane trốn đi, nhưng vì các lý do khác nhau. Một vài người mong muốn mấy tay súng cao bồi kiểm soát thị trấn để việc kinh doanh sẽ tốt hơn. Viên phó cảnh sát muốn Kane rời đi vì ông ấy muốn chiếm công việc của Kane. Vợ của Kane, một tín đồ phái giáo hữu, muốn ông ấy chạy trốn khỏi cuộc đấu súng vì lý do tôn giáo. Nhưng Kane phải ở lại. Đó là bởi vì ông ấy là ông ấy. Và ngay cả khi ông ấy bị bỏ rơi bởi tất cả mọi người, khi mạng sống của ông ấy bị nguy hiểm, ông ấy vẫn tuân thủ đúng bộ qui tắc giá trị của ông ấy. Đó là một yêu cầu khó để đòi hỏi từ lũ trẻ, nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn yêu cầu điều đó từ chúng.

 

Đối với tôi, ví dụ hay nhất về người suy nghĩ cấp độ VI trên màn ảnh là nhân vật do Morgan Freeman đóng trong phim Red in The Shawshank Redemption. Tôi rất hiểu rằng hầu như lũ trẻ ở trường trung học cơ sở chưa sẳn sàng để xem phim người lớn, nhưng phòng 56 là một nơi chốn đặc biệt và chúng tôi xem nó sau giờ học hàng năm. Red đang ở tù, cho một bản án chung thân về tội giết người. Mỗi một 10 năm hoặc cỡ đó, ông ấy xin tha có điều kiện. Ông ấy phải đối diện với hội đồng xét tha tù một số lần trong phim, và mỗi lần như vậy ông ấy nói với hội đồng rằng ông ấy đã thay đổi. Lời thỉnh cầu của ông ấy luôn bị từ chối. Nhưng trong một cảnh thú vị, sau khi trải qua hầu hết cuộc đời của ông trong tù, Red đã tìm thấy được tiếng nói của ông ấy. Ông ấy nói với hội đồng xét tha tù rằng ông ấy không biết cải tạo có nghĩa là gì, ít ra là theo cách hiểu của hội đồng. Khi ông ấy được hỏi nếu ông ấy cảm thấy hối hận cho những gì ông ấy đã gây ra, ông ấy nói rằng ông ấy hối hận. Nhưng ông ấy nói điều đó không phải bởi vì đó là điều họ mong muốn được nghe hay không phải bởi vì ông ấy ở trong tù, mà bởi vì ông ấy thực sự cảm thấy hối hận. Ông ấy đã trưởng thành trở thành một người hiểu chính bản thân ông ấy và đạt tới cấp độ VI. Ông ấy không đặt nền tảng hành động của ông ấy dựa trên sự sợ hãi, hoặc là một mong muốn để làm hài lòng ai đó, hoặc dựa trên các nguyên tắc. Ông ấy có các nguyên tắc riêng của ông ấy. Và ông ấy được thả ra khỏi tù.

 

Nếu bạn nghi ngờ về việc cố gắng đưa lũ trẻ đến cấp độ suy nghĩ này, tôi sẽ không đổ lỗi cho bạn. Bất cứ một giáo viên nào chân thành và có hoài bão với việc anh ấy làm đều có thể đem đến cho bản thân anh ấy những thất bại to lớn và những thất vọng làm tan vỡ trái tim. Cách đây ít lâu, hai học sinh cũ của tôi trở lại trường. Chỉ một vài năm trước, chúng đã luôn mỉm cười trong lớp của tôi. Chúng đã tham gia các hoạt động ngoại khoá và diễn kịch Shakespeare. Tôi đã đem chúng đi du lịch tới thủ đô Washington, núi Rushmore, Grand Tetons, và công viên quốc gia Yellowstone; tôi có một album ảnh của hai thằng bé với những nụ cười và những khoảnh khắc tuyệt vời. Tôi vẫn còn giữ mẩu giấy cảm ơn mà chúng đã viết cho tôi khi tốt nghiệp lớp. Cả hai đã hứa sẽ tiếp tục tử tế và học hành chăm chỉ. Tuy nhiên, chúng đã trở lại trường chúng tôi vào một buổi chiều với bom khói. Chúng chạy qua các hội trường và quẳng bom vào lớp học, phá huỷ tài sản. Chúng cũng nổ bom trên những chiếc xe của giáo viên. Xe của tôi là chiếc đầu tiên mà chúng đã chọn. Trong nhiều tuần, tôi đã không ngủ được ngon giấc, cố gắng hiểu xem làm thế nào mà chúng đã trở nên như vậy trong một quãng thời gian quá ngắn.

 

Nhưng đó sẽ vẫn là công việc tôi làm. Đó là công việc của tất cả các giáo viên tốt và bố mẹ tốt vẫn làm. Chúng tôi đòi hỏi nhiều từ con trẻ và cố gắng làm tốt nhất mà chúng tôi có thể. Chúng tôi cần nâng cao sự mong đợi cho những đứa trẻ bởi vì có quá nhiều đứa trẻ đang hành xử quá tệ. Chúng tôi không thể cho phép các hành vi không sửa chữa được làm thấp đi tiêu chuẩn của chúng tôi. Tôi từ chối trở lại và nói một học sinh làm điều gì đó bởi vì tôi đã bảo nó thế. Tôi sẽ không tự đánh lừa bản thân để tin rằng nếu một học sinh kính trọng tôi là tôi đã hoàn thành một điều gì đó to lớn. Tôi không thể làm điều đó.

 

Một vài năm trước, tôi có việc phải nghỉ dạy một ngày để nói chuyện với một nhóm các giáo viên đến từ tiểu bang khác. Như thông lệ của tôi, tôi đã báo trước với lớp và không nói gì về hậu quả nếu chúng xử sự tệ với giáo viên dạy thế. Tôi cũng đã không hứa có bất cứ phần thưởng nào nếu chúng hành xử tốt. Tôi chỉ nói rằng tôi sẽ nhớ chúng và sẽ đi dạy lại vào ngày sau đó, sau buổi nói chuyện.

 

Khi tôi trở về, tôi thấy một mẫu giấy từ giáo viên dạy thế với kết quả là những học sinh của tôi tuyệt vời. Tôi liếc nhanh mẫu giấy và chuẩn bị cho ngày dạy của chúng tôi. Chừng một tiếng sau, trong giờ toán, lũ trẻ đang làm bài một cách yên lặng với một số bài tập phân số. Có tiếng gõ cửa phòng học của tôi, và một người phụ nữ thấp bé bước vào, dắt trong tay đứa con trai sáu tuổi của cô ấy. Cô ấy nói tiếng Tây Ban Nha và hỏi nếu cô ấy có thể nói chuyện với tôi. Một điều gì đó đã xảy ra với đứa con trai bé nhỏ của cô ấy, một học sinh lớp một, vào ngày trước đó. Trên đường đi học về, thằng bé đã bị đánh và bị cướp ba lô của nó. Khi điều này xảy ra, những học sinh khác, giống như thường xảy ra với những trường hợp như thế này, chỉ xem hoặc tiếp tục bước đi về nhà. Nhưng một cô gái bé nhỏ trong khi đi ngang qua đã đỡ thằng bé dậy từ vỉa hè, đem nó tới một vòi nước, rửa ráy sạch sẽ cho thằng bé, và đem thằng bé về nhà để chắc chắn rằng thằng bé về nhà một cách an toàn. Mẹ thằng bé đã đi lòng vòng quanh trường trong buổi sáng hôm đó cố gắng tìm cô bé đã giúp con trai cô ấy. Cô ấy muốn cảm ơn cô bé.

 

Tôi hỏi lớp tôi xem có ai biết việc này không? Không ai biết cả. Vì đã vắng mặt ngày hôm trước, tôi không có một manh mối nào cho sự việc. Tôi đề nghị bà mẹ đi hỏi thêm một số lớp khác và cố gắng an ủi cậu con trai bé nhỏ của cô ấy bằng việc bảo cậu bé nhớ rằng trong khi có những đứa trẻ rất tệ hại trên thế giới này, cũng sẽ có những người tốt sẽ giúp cậu bé. Hai mẹ con rời khỏi lớp học và tiếp tục cuộc tìm kiếm của họ.

 

Khi tôi đóng cửa, tôi đã lưu ý rằng hầu như mọi học sinh đang nói chuyện với nhau, đoán xem đứa du côn nào trong trường đã gây ra vụ này – một số đứa có vẻ như là có khả năng hơn mấy đứa khác. Trong số 32 học sinh trong lớp tôi, 31 em tham gia vào cuộc thảo luận. Riêng Brenda vẫn cứ tiếp tục làm bài tập toán, đầu cúi sát xuống tập vở. Tôi đã chú ý việc này bởi vì Brenda ghét môn toán. (Cô bé là một người đọc phi thường, và đã từng trêu tôi rằng tôi cứ cố gắng hết sức có thể, nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể thuyết phục cô bé về sự tuyệt diệu của môn đại số).

 

Tôi nhìn chằm chằm vào cô bé khi nó đang cắm cúi với những bài tập toán ở góc dưới trong phòng học. Và trong khoảng khắc ngắn ngủi cô bé ngước lên, không biết rằng tôi đang chăm chú nhìn. Cô bé ngước lên bởi vì cô bé có một bí mật và muốn xem thử có ai biết điều đó không. Tôi đã không biết cho đến khi ánh mắt hai thầy trò chạm nhau trong một phần nhỏ của giây. Mắt co lại, cô bé cho tôi một cái lắc đầu nghiêm trọng ý nói rằng tôi không nên để ý đến việc người khác. “Đừng hỏi em điều gì cả và đừng có một kết luận nào về suy nghĩ của thầy cả”, nét mặt cô bé nói với tôi như vậy trước khi cúi xuống và tiếp tục làm bài.

 

Đó là Brenda. Cô bé đã giúp cậu bé, nhưng việc giấu mặt của cô bé đã thất bại bởi người mẹ và cái liếc nhanh của tôi. Tôi yêu cầu những học sinh khác trở lại với bài tập và tiếp tục công việc dạy dỗ của tôi. Những giây phút còn lại trong ngày trở nên lờ mờ. Brenda đã đạt tới cấp độ VI và không có ai biết điều đó. Cô bé và tôi đã có mối liên hệ rất gần nhau trong những năm tiếp theo, nhưng chúng tôi đã không bao giờ bàn lại chuyện ngày hôm đó.

 

Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể làm tốt hơn điều này – đào tạo những học sinh suy nghĩ ở cấp độ VI.

 

Phương pháp

Một số ý tưởng đơn giản để nâng cao việc phát triển con trẻ

 

 

 

 

Đọc cho cuộc đời của bạn

 

Đó là vào lúc 2h chiều vào một ngày thứ 3, điều đó có nghĩa là tôi còn phải chịu đựng bị tra tấn từ 1 đến 2 giờ nữa. Không, không phải kẹp tay và căng da, mà còn tệ hơn nữa. Đó là thời gian của buổi họp giáo viên hàng tuần. Trong nhiều năm qua, tôi đã cố diễn tả cho những người ngoài cuộc hiểu sự khủng khiếp của những buổi họp này. Dạo gần đây, một giáo viên đồng nghiệp và là một người bạn của tôi đã giúp tôi làm cho bản chất của những buổi họp của này trở nên có thể hiểu được bởi những người khác. Anh ấy đang đấu tranh với căn bệnh ung thư, và điều trị hoá trị sẽ xảy ra mỗi thứ 3 hàng tuần, sau buổi họp. Anh ấy đã nói với tôi rằng anh ấy mong chờ để được hoá trị bởi vì, anh ấy nói, sau buổi họp, “điều tồi tệ nhất đã đi qua!”

 

Tôi đã chịu đựng qua nhiều buổi họp giáo viên hàng tuần trong những năm qua cho đến nay, và cũng giống như những giáo viên khác, tôi đã thử nhiều cách khác nhau để giảm nhẹ sự khó chịu. Các giáo viên đồng nghiệp của tôi và tôi đã trở thành bậc thầy của nghệ thuật đóng kịch giả vờ làm cho ra vẻ như rất quan tâm, khi một thành viên quản lý nào đó của “Bộ sự thật của Orwell” thông báo về các tin tức sai lệch. Một ngày nọ, tôi gần như đến mức quá khó chịu và lên cơn. Tôi không hổ thẹn khi phải thú nhận điều này. Thượng nghị sĩ John McCain, người đã sống sót sau thời gian bị giam giữ trong chiến tranh Việt Nam, đã không thể chịu đựng được sự tra tấn mà chúng tôi phải chịu đựng trong những buổi họp này.

 

Bạn thấy đấy, kỹ năng đọc của lũ trẻ trong trường của chúng tôi không tốt lắm. Chúng không thích việc đọc. Tại thời điểm tôi đang viết những dòng này, 78% trẻ em Latin trong trường của chúng tôi không thành thạo việc đọc, dựa theo kết quả các bài kiểm tra chuẩn của tiểu bang tại trường của tôi. Điều này có nghĩa một trong hai điều sau: Hoặc chúng tôi đã có những đứa trẻ ngốc nghếch nhất trên hành tinh này, hoặc chúng tôi đã thất bại dạy dỗ chúng. Xin vui lòng tin tôi khi tôi nói với bạn rằng phần lớn các học sinh của chúng tôi có khả năng một cách hoàn hảo để học đọc. Không ai muốn thừa nhận việc này, nhưng một sự ém nhẹm thông tin có hệ thống về sự không hiệu quả của giáo dục đã giữ những đứa trẻ này trên những băng chuyền của sự thất học.

 

Để đấu tranh với vấn đề này, chúng tôi bây giờ đã có “những huấn luyện viên đọc” ở trường. Hầu hết các “chuyên gia” này là các cựu giáo viên trong lớp, những người đã chưa bao giờ đạt được nhiều thành quả với những học sinh của họ. Trong một buổi họp phát triển giáo viên, một giám sát của các huấn luyện viên đọc này đi vào và truyền cảm hứng cho chúng tôi để giúp em Johnny đọc. Cô ấy mỉa mai một cách nghiêm trang khi bắt đầu bài nói của cô ấy bằng cách đưa lên cao một cuốn sách lớn, được kẹp giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ của cô ấy, như thể đó là một cái gì tởm lợm lắm. Cô ấy cười một nụ cười ranh mãnh và nói với chúng tôi rằng: “Tất cả chúng ta đều biết học sinh của chúng ta sẽ không bao giờ muốn đọc một cuốn sách mập và to như thế này.” Cuốn sách mà cô ấy cầm với một sự mỉa mai là cuốn The Grapes of Wrath của tác giả John Steinbeck, một cuốn sách đã đạt giải Pulitzer bởi một tác giả đã đạt giải Nobel.

 

Dạy lũ trẻ đọc tốt và giúp chúng phát triển một đam mê cho việc đọc nên là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Mọi người có vẻ như hiểu điều này. Nhiều triệu đôla đã được sử dụng cho sách và các tài liệu đọc khác, các nhân vật nổi tiếng và ngôi sao đã có những công bố công khai về dịch vụ, và hàng ngàn giờ được sử dụng để huấn luyện các giáo viên. Các tiến sĩ ở các công ty xuất bản nói với chúng tôi rằng các học sinh của chúng tôi đang khá hơn, nhưng những con người trung thực thì đơn giản biết rằng thực tế không phải là như thế. Những giáo viên băn khoăn về việc này đã học cách không gióng lên tiếng nói của họ về việc này, bởi vì những công ty sách giáo dục quyền lực đã cẩn thận chuẩn bị những câu trả lời cho bất cứ ai chỉ ra rằng “hoàng đế không có quần áo”. Những giáo viên trẻ sợ bị o ép bởi các quan chức mà sứ mệnh thực sự của họ là làm sao để bán được những sản phẩm của họ. Trong khi các dịch vụ cung cấp bài kiểm tra cạnh tranh nhau để cào xới hàng triệu đôla, các cơ quan giáo dục quận căng thẳng chờ đợi kết quả kiểm tra. Năm này sang năm khác, hầu hết các học sinh đã không trở thành những người đọc một cách đam mê cho cuộc đời của chúng.

 

Điều này khá phức tạp. Có rất nhiều sự đổ lỗi lẫn nhau trong việc này. Tuy nhiên, mượn trích đoạn từ một cuốn sách “mập”, “bự” khác đã được giải Pulitzer, thì nó như thế này, các học sinh của chúng ta là nạn nhân của đại loại là “liên minh của những người ngu dốt”. Các lực lượng quyền lực của sự tầm thường đã ngăn cản một cách hoàn hảo lũ trẻ khỏi việc học cách để đam mê đọc sách. Các lực lượng này bao gồm tivi, trò chơi điện tử, các sự dạy dỗ kém cỏi, sự nghèo đói, và một sự thiếu thốn chung các hướng dẫn từ người lớn.

 

Tôi không hề quên các thách thức mà những người đứng đầu tâm huyết phải đối mặt. Các giáo viên mà họ giám sát thường thờ ơ hoặc không có khả năng hoặc cả hai. Kết quả là, quận đã phải chuyển sang chia sẻ các sách luyện đọc buồn tẻ và ra lệnh cho tất cả các giáo viên dạy cùng một tài liệu ở cùng một tốc độ cho tất cả các học sinh. Chúng tôi được yêu cầu phải theo đúng kịch bản. Những hướng dẫn đó đi kèm với các nguyên tắc và hành động một cách máy móc, với mục tiêu đảm bảo giáo viên đang đi theo chương trình. Tất nhiên là nhiều giáo viên kém cỏi hưởng lợi được từ những cách làm này. Nhưng các giáo viên giỏi thì không. Chúng tôi đã không còn được đòi hỏi để giới thiệu đến học sinh những tác phẩm đầy năng lượng và thách thức của văn học. Chúng tôi bị trừng phạt bởi vì sự kém cỏi của một số giáo viên. Tuy nhiên, người thua cuộc lại là những đứa trẻ.

 

Không ai có thể có được tất cả các câu trả lời. Không phải tất cả học sinh của tôi phát triển được đam mê đọc sách. Nhưng tất cả chúng được cải thiện và hầu hết lũ trẻ có một năm học thú vị với việc đọc sách cùng với tôi. Một số em sẽ bị đánh gục bởi những lực lượng như tôi đề cập ở trên khi chúng rời lớp học, nhưng nhiều em trở nên thích đọc sách trong cả cuộc đời của chúng. Dưới đây là một số chiến lược mà tôi đã sử dụng ở phòng 56. Tôi hy vọng bạn sẽ tìm thấy một hoặc hai ý tưởng mà có thể hữu ích trong việc giáo dục các học sinh của bạn hay điều hành lớp học của bạn.

 

 

Một sự tập trung khác đi

Trường học đã mất dấu về việc vì sao chúng ta đọc. Giống như nhiều cộng đồng trường học khác, các trường trong quận Los Angeles sử dụng các chương trình đọc cơ sở có kịch bản để dạy các học sinh việc đọc. Liếc nhanh danh sách các mục tiêu đọc của quận sẽ giải thích được lý do tại sao học sinh không thấy các tài liệu này hứng thú. Những mục tiêu luôn tập trung vào sự lưu loát, hiểu, và những mục tiêu cần thiết khác, nhưng chúng được yêu cầu lờ mờ một cách chết người. Tôi chưa hề thấy các mục tiêu đọc của quận mà trong đó các từ như niềm vui, đam mê hoặc hứng thú đứng hàng đầu trong danh sách. Tôi nghĩ chúng nên là như vậy.

 

Đây là những lý do tại sao người ta đọc, và chúng ta đã mất dấu các sự thật này. Tôi đọc mỗi ngày, và nó không phải bởi vì một bài kiểm tra sắp xảy ra hoặc bởi vì tôi muốn các bảng điểm thành quả của tôi được in ra giấy để chứng tỏ rằng trường của tôi được cải thiện. Tôi đọc bởi vì tôi muốn đọc. Bạn bè chia sẻ với tôi những cuốn sách mới mà họ thích và mong muốn nghe bình luận của tôi. Tôi đọc thấy những cuốn sách hay trên báo, nghe nói về những cuốn sách hay trên radio, hoặc nghe lóm những người không quen thảo luận các cuốn sách yêu thích của họ ở chốn công cộng. Tôi cũng giống như cách của một đứa trẻ. Tôi không phải là một thiên tài, nhưng tôi là một người đọc cừ khôi một cách hợp lý, và không bao giờ khi là một đứa trẻ bị bắt phải làm hàng ngàn giờ kiểm tra đọc để đánh giá sự tiến bộ về khả năng đọc của tôi. Tôi đã sử dụng hàng ngàn giờ đó để đọc những cuốn sách hay. Những cuốn sách đó lại khiến cho tôi thôi thúc tìm thêm sách để đọc. Sự khao khát các tác phẩm văn học và những chuyến đi đến thư viện là một sự đánh giá hiệu quả hơn cho sự tiến bộ của tôi hơn bất cứ một bài kiểm tra được chuẩn hoá nào.

 

Các học sinh lớp năm của tôi cười bởi vì chúng tạo ra bài kiểm tra đọc của riêng chúng bao gồm với chỉ ba câu hỏi. Theo chúng thì độ chính xác của bài kiểm này để đánh giá sự thành thạo về khả năng đọc của chúng hơn hẳn bất cứ các bài kiểm tra nào được thiết kế bởi các dịch vụ kiểm tra.

  1. Bạn đã bao giờ bí mật đọc dưới bàn trong lớp học bởi vì giáo viên quá chán và bạn quá hào hứng để đọc xong cuốn sách bạn đang đọc?
  2. Bạn đã bao giờ bị la bởi vì mải đọc tại bàn ăn tối?
  3. Bạn đã bao giờ bí mật đọc dưới chỗ trốn trong nhà, sau khi được yêu cầu đi ngủ?

 

Các học sinh của tôi và tôi đồng ý rằng nếu một đứa trẻ trả lời Có với cả ba câu hỏi trên thì cậu bé hay cô bé đó được sinh ra để trở thành một người đọc cho cuộc đời của nó.

 

Tôi muốn học sinh của tôi yêu thích việc đọc. Đọc không phải là một vấn đề. Đọc là một nền tảng của cuộc đời, một hoạt động mà những người cam kết với thế giới này luôn làm. Thường thì rất khó để thuyết phục những bạn trẻ về sự thật này, trong thế giới mà chúng lớn lên. Nhưng điều này là có thể, và khi bạn cân nhắc đến kết quả, nỗ lực này đáng được bỏ ra. Nếu một đứa trẻ sắp lớn lên để trở thành một người trưởng thành đặc biệt thực sự – một người có suy nghĩ, luôn cân nhắc đến các quan điểm khác, có một đầu óc cởi mở, và sở hữu khả năng thảo luận những ý tưởng lớn với những người khác – thì đam mê việc đọc là một nền tảng thiết yếu.

 

 

Người lớn là người hướng dẫn

Trong một lần đi thủ đô Washington gần đây, lớp của tôi và tôi ăn trưa tại Bảo tàng Lịch sử Mỹ Smithsonian. Khu vực ăn của bảo tàng có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Đó là một nơi tốt cho lũ trẻ ăn với các thức ăn bổ ích cho sức khoẻ và nghỉ ngơi cho lại sức trước khi tiếp tục đi tham quan bảo tàng.

 

Một cậu bé tuyệt vời có tên là Timmy đã không được khoẻ vào ngày hôm đó. Đêm trước, Timmy phải thức suốt đêm nôn mửa và tiêu chảy. Tuy nhiên vào buổi sáng, Timmy vẫn cảm thấy đủ mạnh để đi tham quan bảo tàng, và thực sự cậu bé có vẻ đang hồi phục. Khi chúng tôi bước vào khu vực bán đồ ăn để ăn trưa, tôi gọi Timmy sang một bên.

 

Rafe: Em cảm thấy sao rồi?

Timmy: Hơi yếu một chút, nhưng em ổn, Thầy ạ.

Rafe: Tốt. Thầy nghĩ là em biết em cần phải cẩn thận về những gì em sẽ ăn.

Timmy: Thầy thấy như thế nào thì được?

Rafe: À, không soda vào ngày hôm nay, Timmy. Chỉ ăn những thứ ôn hoà như: súp, rau, và bánh mỳ cho đến khi em hồi phục 100%, được không?

Timmy: Okay!

 

Tôi quan sát các học sinh của tôi lấy khay và bắt đầu lựa chọn thức ăn. Một vài em lấy gà, một vài em lấy bánh pizza, và có một vài em chọn xà lách. Tôi đã phải bật cười khi thấy Timmy bỏ qua tất cả các hàng đợi và lấy một cái bánh sôcôla hạnh nhân rất lớn trên khay của cậu bé bên cạnh hai cái bánh ngọt sôcôla mà Timmy đã chọn. Tôi chặn cậu bé ở chỗ để đồ uống ướp lạnh, nơi Timmy vươn tay lấy sôcôla sữa. Lúc đó Timmy là một cậu bé sáng dạ tuyệt vời và tôi thích có cậu bé trong lớp. Nhưng cậu bé mới 10 tuổi. Cậu bé cần được hướng dẫn. Tôi đã lấy hết mớ đồ ăn tạp nhạp khỏi tay cậu bé và giúp cậu bé có những lựa chọn khôn ngoan hơn. Timmy cảm thấy khoẻ hơn ngay sau đó và đã có một ngày tốt đẹp.

 

Trẻ con, ngay cả với những em sáng dạ, cần sự hướng dẫn. Cho dù chúng đang lựa chọn thức ăn hay tác phẩm văn học, lũ trẻ cần sự lãnh đạo của chúng ta để giúp chúng tìm thấy một con đường đi đúng đắn.

 

Tôi không khéo léo hay nhanh trí hơn các học sinh của tôi. Nhưng tôi biết nhiều hơn những gì chúng biết bởi vì tôi già hơn chúng. Tôi biết những cuốn sách cực hay mà chúng có thể chưa biết. Công việc của tôi như là một cố vấn của chúng để đặt những cuốn sách đó vào tay của chúng. Bởi vì lũ trẻ tin tưởng tôi, chúng có khả năng thử đọc các cuốn sách tôi đề nghị nhiều hơn. Nếu một trong số các học sinh của tôi là người hâm mộ Harry Potter, thì sẽ dễ dàng để giới thiệu cậu bé những cuốn sách hay khác ở thể loại viễn tưởng. Niềm vui của việc nghe thấy một trong mấy em học sinh phá lên cười lớn khi đọc cuốn The Phantom Tollbooth hoặc hỏi nếu cô bé có thể mượn phần kế tiếp của cuốn The Chronicles of Narnia vẫn còn đọng lại trong tôi những rộn ràng cảm xúc. Tôi ấm áp lên quan sát các em cố gắng hiểu tập này này đến tập khác của cuốn Alice in Wonderland. Chia sẻ niềm vui của một tác phẩm văn học hay có thể là nền tảng cho mối liên hệ giữa một người trưởng thành và một đứa trẻ. Thông qua văn học, những đứa trẻ bắt đầu thấy thế giới này một cách khác đi, để cởi mở đầu óc của chúng cho các ý tưởng mới, để bắt đầu hành trình tới “đại lộ” của những sự xuất sắc. Để hoàn chỉnh phép ẩn dụ này: “Reading nothing but basal readers often leads to a dead end.” <— Cái này dịch chưa được :).

 

Hiếm khi tôi sử dụng sách nói trên đĩa CD. Tôi lưu ý rằng lũ trẻ đặc biệt thu hút bởi hai cuốn sách nói sau: The Autobiography of Malcome X (được đọc bởi nam diễn viên Joe Morton) và Anne Frank: The Diary of a Young Girl (được đọc bởi Winona Ryder). Mỗi một cuốn hồi ký cổ điển này được kể bởi một người đầu tiên, và lắng nghe một giọng đọc chuyên nghiệp kể chuyện giúp thu hút lũ trẻ. Với một vài cuốn sách nào đó, phương thức này hiệu quả hơn là cho các học sinh chia nhau đọc các phần khác nhau.

 

Tuy nhiên, có một sự nguy hiểm ở đây. Tôi đã thấy những giáo viên bật sách nói trên CD và “nghỉ ngơi”. Việc này tương tự với việc sử dụng tivi như là một người giữ trẻ. Giáo viên cần phải là một “bậc thầy” để sử dụng sách nói một cách hiệu quả. Một giáo viên tốt luôn dừng CD ở nhiều đoạn, hoặc để chắc chắn lũ trẻ hiểu một điểm nào đó hoặc để dẫn dắt thảo luận về một vấn đề cốt yếu nào đó. Điều này đặc biệt quan trọng khi lắng nghe một đề tài khó. Sẽ cần phải thực hành cho việc này; dừng lại quá thường xuyên sẽ làm mất sự tập trung và thích thú của học sinh. Tôi luôn sẵn trong đầu những chỗ cần ngừng CD, và tôi kiểm soát các học sinh của tôi kỹ càng để đảm bảo chúng hiểu những gì chúng đang lắng nghe.

 

 thư viện

Cha mẹ cần đem con cái đến thư viện. Trong nhiều gia đình, điều này đã trở thành một hoạt động đang mất dần đi. Với sự tăng trưởng của việc mua sắm qua Internet, càng có nhiều đứa trẻ đặt hàng mua sách trực tuyến. Thật tuyệt vời rằng lũ trẻ đang đặt hàng mua sách, nhưng điều đó không có cùng ý nghĩa với việc tới thư viện. Chúng ta đang cố gắng thiết lập một tập hợp các giá trị trong lũ trẻ của chúng ta; và sẽ hữu ích khi chúng được bao quanh bởi những con người khác cùng chia sẻ đam mê đọc sách. Ở thư viện, lũ trẻ có thể tìm kiếm và có những khám phá mà không thể xảy ra trên kho sách trực tuyến; cùng lúc đó chúng có thể tương tác với các độc giả ở mọi lứa tuổi, thay vì chỉ mở một gói hàng xuất hiện ở hộp thư của chúng. Ngày nay, những đứa trẻ đọc sách thường bị chế giễu bởi các đứa trẻ không hiểu biết khác. Nhưng khi một đứa bé tới thư viện mỗi tuần nghe rằng: “Không ai còn đọc sách nữa”, cậu bé biết rằng điều đó là không đúng. Cậu bé có thể tự suy nghĩ với bản thân rằng: “Có thể không ai bạn biết còn đọc sách nữa, anh bạn, nhưng tôi biết anh bạn sai rồi.” Cách tốt nhất để chiến đấu với sự thờ ơ đọc sách bao quanh lũ trẻ của chúng ta là đem chúng đến những nơi mà sự thông minh, sự nhiệt tình, và niềm vui của việc đọc là các thủ tục chuẩn mực. Thư việc là nơi tốt nhất để bắt đầu.

 

Nhưng công việc của chúng ta chưa xong khi chúng ta bước vào cửa thư viện. Người lớn phải hành động để hướng dẫn. Một ngày nọ, các học sinh của tôi và tôi đang ở trong thư viện trường khi một nhóm khoảng 20 học sinh lớp năm khác ồn ào đi vào. Tôi ngước lên và thấy chúng không có ai đi kèm.

 

Nhóm học sinh đó ở lại thư viện khoảng chừng 30 phút. Một số lên Internet và xem các trang web không liên quan gì đến việc đọc. Một số ngồi đó và nói chuyện với bạn. Những em khác thì tìm kiếm sách mà không có ai kèm cặp hoặc hướng dẫn. Cũng giống như nhiều khoảnh khắc tệ hại khác, đây chính là khung cảnh của một cơ hội bị bỏ lỡ. Ở đây, các học sinh mất đi một dịp để tìm thấy những cuốn sách có thể giúp chúng khám phá sự vui thú của việc đọc sách. Thay vào đó, hầu hết trở lại lớp với những cuốn sách mà chúng đã đọc rồi hoặc không có cuốn nào trên tay cả. Giáo viên của chúng vẫn đang nói chuyện trên điện thoại khi chúng trở lại lớp. Thời khoá biểu trong phòng học của chúng ghi chú rằng lũ trẻ đã đến thư viện.

 

Lựa chọn tác phẩm văn học

Có nhiều cách để tìm các tuyệt phẩm văn học cho lũ trẻ. Tất nhiên, cách dễ nhất là chia sẻ những cuốn sách bạn thích và tiếp tục tận hưởng. Nhưng nếu bạn đang tìm một chỗ để bắt đầu thì hãy gõ vào từ khoá “giải thưởng Newbery” trên Google và xem xét kỹ danh sách những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời đã đạt giải trong những năm qua. Tôi chưa thấy một học sinh trường phổ thông cơ sở nào lại không khám phá ra sự thích thú của việc đọc sau khi được giới thiệu những tác phẩm kinh điển như Bridge to Terabihia, The Westing Game, hoặc Number the Stars.

 

Một danh sách của những tác phẩm thắng giải Caldecott là một khởi đầu tốt để bắt đầu, khi tìm kiếm các cuốn sách cho những độc giả trẻ. Những người thủ thư ở thư viện có tất cả các danh sách mà cả cha mẹ và giáo viên có thể sử dụng để bắt đầu việc tìm kiếm những cuốn sách mà sẽ được nhớ mãi bởi lũ trẻ.

 

Bạn có thể là một giáo viên phổ thông cơ sở rơi vào tình huống cơ quan giáo dục quận bắt buộc bạn phải sử dụng những bài đọc cơ sở kinh khủng mà không khuyến khích đọc những tuyệt phẩm văn học một cách trọn vẹn. Nhiều công ty cung cấp các tài liệu đọc sai lầm khi nói rằng là không cần thiết đọc toàn bộ những cuốn sách bởi vì có các đoạn mẫu của những đoạn văn xuôi hay trong các chương sách trong các cuốn sách giáo khoa của họ. Họ không muốn các giáo viên trong lớp đọc các tác phẩm văn học với các học sinh bởi vì làm như vậy có thể đồng nghĩa với việc các trường học sẽ dừng đặt hàng không đếm xuể của phần thêm vào và các phiên bản mới và được cải thiện của các bộ sưu tập của chính bản thân công ty họ.

 

Luận điểm cho rằng việc bỏ một số phần của các tác phẩm văn học vào trong các độc giả căn bản là đủ tốt cho lũ trẻ của chúng ta thực là đáng để cười. Chỉ mới năm ngoái, tôi đã chứng kiến những kết quả của chiến lược này. Trường của chúng tôi sử dụng một cuốn sách giáo khoa mà các tập hợp của nó bao gồm một trích đoạn của Anne Frank: The Diary of a Young Girl. Một giáo viên trẻ trong trường cố gắng để làm một việc đúng đắn. Biết rằng Anne Frank là một phần quan trọng, anh ấy đã lấy một bộ sách cho lớp và bảo lũ trẻ đọc cuốn sách trong kỳ nghỉ đông và sẳn sàng cho bài kiểm tra khi chúng đi học lại. Kết quả là một thảm hoạ. Các học sinh quá nhỏ để hiểu bất cứ thứ gì trong cuốn sách. Chúng đã không được chia sẻ thông tin nền tảng của Chiến tranh thế giới thứ II và không thể tìm được ngay cả nước Hà Lan trên bản đồ. Dường như rằng những từ viết tắt và từ ngữ có thể hiểu được như BBC và “kinh nguyệt” sẽ “tắt” ngay kể cả với những học sinh siêng năng nhất của người giáo viên này.

 

Đây là ví dụ tệ hại nhất về những gì có thể xảy ra khi những bạn đọc căn bản, những ý định tốt, kèm với sự hướng dẫn kém cỏi được kết hợp với nhau: Lũ trẻ không chỉ không tôn trọng những biên niên sử này, mà còn phát triển một sự ghét bỏ mãnh liệt về những tác phẩm này. May mán thay, bằng sự kiên nhẫn tôi đã có thể tháo gỡ được sự thiệt hại này và cho các em học sinh thấy vì sao câu chuyện của Anne sẽ sống mãi. Nhưng sẽ tốt hơn nếu những đứa trẻ này đã được hướng dẫn qua tác phẩm quan trọng này một cách có ý nghĩa ngay từ lúc ban đầu không?

 

Tôi sẽ không khuyên các giáo viên trẻ chống lại quyền năng đó. Kết quả duy nhất của sự thúc đẩy hợp lý của bạn cho văn học sẽ là phải có các nhà quản lý và người kèm trong phòng học của bạn, xen vào với các nỗ lực xứng đáng của bạn để làm cho lũ trẻ đọc. Thay vì tiêu phí năng lượng cho việc phản đối, mà không thể chiến thắng, hay tham gia trò chơi và theo các kế hoạch của trường. Nhưng tất cả không bị mất. Thách thức là việc tìm ra các khoảng thời gian khác trong ngày để đọc những cuốn sách tuyệt vời. Thiết lập một câu lạc bộ sách trong giờ ăn trưa của bạn hoặc sau giờ học. Tất nhiên, điều này sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian, và thật là ngớ ngẩn khi nói rằng một giáo viên trẻ cần làm thêm ngoài giờ và đấu tranh với tệ quan liêu để cho phép các học sinh của cô ấy đọc các tác phẩm văn học vĩ đại. Nhưng khi người ta xem xét sự được mất của việc này, không có giá nào là quá cao cả.

 

 

 

Nhiều giáo viên sẽ yêu thích đọc tác phẩm văn học với các học sinh của họ nhưng sẽ có một vài học sinh gặp khó khăn với công việc đầy thách thức này. Sợ hãi với ý nghĩ một em học sinh nào đó bị bỏ lại đằng sau, các giáo viên thường sử dụng những tài liệu đọc dễ dàng hơn để giúp các em này cảm thấy rằng chúng đang thành công. Kết quả là những học sinh có khả năng và xuất sắc bị nhàm chán trong đầu óc của chúng, đợi chờ những em khác theo kịp.

 

Ở đây, tôi sử dụng một chiến lược 2 nhánh. Trước hết, bằng cách liên tục giải thích các tài liệu, tôi có thể giữ các học sinh đang gặp khó khăn có thể theo kịp tốc độ. Tôi chuẩn bị trước các đoạn đặc biệt đơn giản cho các học sinh mới bắt đầu đọc. Tôi tạo thành công cho các em ngay cả trước khi bài học bắt đầu. Chúng sẽ có được sự tự tin mỗi ngày bởi vì chúng đọc trước mặt các bạn, những em không bao giờ cười khi chúng gặp khó khăn, và tìm thấy bản thân tiến bộ nhanh hơn những tiến bộ chúng có trong quá khứ. Khi tôi giao bài tập viết luận, tôi ở đó để giúp đỡ các học sinh trả lời các câu hỏi và cải thiện kỹ năng viết của chúng.

 

Phần thứ hai của chiến lược đọc của tôi là cho riêng mỗi một em đọc các cuốn sách tương ứng với mức độ khả năng đọc của các em. Mỗi tháng, chúng sẽ viết báo cáo về những cuốn sách chúng đọc. Hoạt động này sẽ được trình bày chi tiết hơn trong chương 4.

 

Bằng cách hướng dẫn các học sinh và giúp đỡ chúng vượt qua sự thiếu tự tin của chúng, tôi giúp đỡ được ngay cả những học sinh có thành tích kém nhất lấy lại được sự tự tin. Chúng được thách thức trong một môi trường thúc đẩy cho sự xuất sắc kết hợp thông qua việc nuôi dưỡng và những người hướng dẫn tích cực. Năm ngoái, tất cả các học sinh của tôi, những em đã đến với tôi với đánh giá “xa dưới căn bản”, đã vượt qua các bài kiểm tra đọc căn bản vào cuối năm.

 

Những giáo viên trường trung học cơ sở và trung học

Một trong những nhận thức sai lầm mà giới trẻ có vào ngày nay là việc đọc là cái gì đó chúng ta chỉ học trong lớp học tiếng Anh. Quan điểm này là ngớ ngẩn và cần phải được chặn lại. Tôi đã tìm thấy một cách tốt nhất để làm việc này là cho tất cả các giáo viên khởi tạo những câu lạc bộ sách. Chỗ nào viết rằng các giáo viên toán hoặc các bộ môn khoa học không nên là các hình mẫu đọc sách cho các học sinh của họ?

 

Tôi đã thấy nhiều giáo viên khoa học, lịch sử, và vật lý tuyệt diệu điều hành những câu lạc bộ sách. Họ lựa chọn những cuốn sách hay và cho tất cả lũ trẻ trong những lớp khác nhau của họ lựa chọn để đọc những cuốn sách ấy. Hầu hết các câu lạc bộ sách này có các buổi họp được hẹn trước, thường là trong giờ ăn trưa hoặc sau giờ học. Sau khi hoàn thành một chương, cả nhóm gặp nhau để thảo luận về chương đó. Các học sinh tham gia một cách tự nguyện, nên giáo viên sẽ làm việc với những bạn trẻ nhiệt tình. Lũ trẻ gặp được các bạn cùng suy nghĩ và sở thích từ những lớp khác, những bạn mà chúng có thể không biết được nếu không có hoạt động này. Tình bạn được thiết lập. Giáo viên gần gũi với các học giả trẻ trong một môi trường khác đi, trong đó làm mạnh lên mối liên hệ giữa giáo viên và học sinh trong lớp học. Đây là một cách hoành tráng cho tất cả mọi người tham gia để dành ra một vài tiếng một tuần. Mọi người đều chiến thắng. Đó là một việc đọc bởi vì tất cả những lý do chính đáng cho nó.

 

Các ba mẹ cũng có thể làm việc này ở nhà. Một vài gia đình có giờ đọc sách gia đình, trong khi các gia đình khác yêu cầu mọi người đọc, ví dụ, chương 2 của cuốn sách Great Expectations (Những mong đợi vĩ đại) vào tối thứ 5. Con cái của chúng ta cần có người lớn liên tục đọc vào thảo luận sách với chúng. Chúng ta cần là những người mà chúng ta muốn con cái của chúng ta trở thành sau này.

 

Đánh giá

Hầu hết các ba mẹ và giáo viên đồng ý rằng khi một kỹ năng được dạy, cần có sự đánh giá để hiệu quả đạt được. Thảo luận về vấn đề này không bao giờ là đủ. Làm sao chúng ta có thể kiểm tra việc hiểu khi lũ trẻ đang đọc những tác phẩm văn học hay?

 

Cả cha mẹ và giáo viên có thể vào trang web www.learninglinks.com. Công ty này đưa ra một chuỗi các hướng dẫn học tập được gọi là Novel-ties, mà tôi thấy là tuyệt vời để bổ sung cho việc đọc. Tôi cần lưu ý rằng những công ty khác cũng có các hướng dẫn tương tự. Hướng dẫn Novel-ties bao gồm hàng trăm đầu sách của rất nhiều tác giả, từ Beverly Cleary cho đến Mark Twain. Mỗi một bài hướng dẫn đưa ra những bài học từ vựng từ chương này sang chương khác để dạy nhưng từ mới và giúp các học sinh hiểu rõ hơn cuốn sách mà chúng đang đọc. Các học sinh được đề nghị sử dụng các từ mới trong những tình huống tương tự và những trò chơi từ ngữ khác để nắm bắt được những kiến thức mới. Học sinh cũng sẽ viết bài luận và trả lời các câu hỏi đọc hiểu liên quan đến cuốn sách.

 

Là một người cha và một người giáo viên, thời gian của tôi bị giới hạn một cách không thể tin được. Với thời khoá biểu của tôi, tôi không thể chuẩn bị hàng tá những câu hỏi đọc hiểu cho mỗi một chương sách tôi đọc với học sinh của tôi. Novel-ties giải quyết vấn đề này. Chúng được tổ chức tốt và, điều quan trọng nhất, đạt tới những mức độ cao nhất của việc hiểu. Chúng không bao giờ làm hạ thấp đi giá trị của những cuốn sách. Bằng cách sử dụng những cuốn sách từ vựng này, các học sinh của tôi trở thành những độc giả tốt hơn, những người viết tốt hơn, và những nhà tư duy tốt hơn.

 

Tạo những hoạt động thích hợp

Tôi liên tục ngạc nhiên nghe về hàng tá lý do vì sao các học sinh đọc những gì chúng đang đọc: “Giáo viên của em ra yêu cầu đó bởi vì nó nằm trong danh sách.” “Có những câu hỏi trong bài kiểm tra sẽ liên quan đến cuốn sách này.” “Em cần đọc cuốn này để vượt qua môn học này.” Tất cả những câu trả lời quá quen như vậy đi xa khỏi những điều kiện tại sao chúng ta muốn con cái chúng ta trở thành người có khả năng đọc.

 

Giới trẻ, những người đọc theo sở thích, có thể thấy được các liên kết với thế giới chung quanh chúng và cuối cùng lớn lên để hiểu biết bản thân chúng ở những mức độ mà chúng không bao giờ nghĩ là có thể xảy ra. Chúng tạo nên các mối liên quan giữa các nhân vật và tình huống mà chúng có thể tạo cho chúng những quyết định của bản thân chúng. Khi các học sinh 10 tuổi của tôi diễn 2 phần của vở kịch Henry IV vào một đêm nọ, nhiều câu hỏi hoài nghi về khả năng của chúng có thể tìm thấy ý nghĩa của sự hài hước của hoàng tử Hal và Falstaff. Lũ trẻ biết hơn ai hết. Khi nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc chiến đấu của hoàng tử Hal để tìm danh dự trong một thế giới hèn hạ, chúng đã học được một điều về cách làm sao chúng giải quyết được những khó khăn của chúng trong quán cafe tự phục vụ hoặc trên sân trường.

 

Trong vòng một năm sau, tuyệt phẩm văn học đó không được làm phim hoặc được diễn trên sân khấu địa phương. Các cha mẹ và thầy cô mong thấy được những sự thích nghi đó, là sự tận hưởng tuyệt vời nhất của việc thích nghi với việc đọc tác phẩm. Nếu chúng ta có thể hướng dẫn học sinh đi vào một đoạn phim hoặc vở kịch của những đoạn tác phẩm chúng đã đọc, điều đó có thể dẫn tới một cuộc thảo luận về việc sản xuất phim gần như thế nào trong tầm trải nghiệm của chúng qua việc đọc. Trong những năm gần đây, phim về các tác phẩm Chúa tể những chiếc nhẫn, Biên niên kỷ Narnia, Của những con chuột và những người đàn ông, và rất nhiều tác phẩm văn học vĩ đại khác đã được dựng. Những nhà hát địa phương cho ra những vở kịch của các nhà biên kịch từ Oscar Wilde đến William Inge đến August Wilson. Khi những đứa trẻ đọc những cuốn sách, biết rằng chúng cũng sẽ xem những tác phẩm được chuyển thể trên màn hình hoặc trên sân khấu và sẽ được yêu cầu để so sánh hai trải nghiệm, chúng sẽ theo đuổi việc đọc với nhiều sự đam mê và hăng hái hơn nhiều so với chỉ cho một mục đích là qua được bài kiểm tra. Đây nên là mục tiêu cho những đứa trẻ của chúng ta.

 

 

Những nụ cười và những giọt nước mắt

Chúng ta, các bậc cha mẹ và thầy cô, phải nhớ rằng bất chấp nền văn hoá của chúng ta như thế nào, vẫn có thể phát triển những độc giả là người mê sách suốt đời. Rất nhiều học sinh của tôi là những bằng chứng sống cho việc này. Nhưng trong thời đại của TV, DVD, trò chơi điện tử, và Internet, có lẽ đây là thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, sự thật này nhất định không nên làm chúng ta nản lòng. Như Shakespeare đã viết trong cuốn Đo đạc cho việc đo đạc (Measure for Measure):

Sự nghi ngờ của chúng ta là những kẻ phản bội,

Và làm cho chúng ta mất đi những gì tốt đẹp mà có lẽ chúng ta sẽ thắng

Do sợ hãi không dám thử và cố gắng

 

Nếu chúng ta cố gắng, chúng ta có thể có một học sinh như trường hợp cậu học sinh Luis. Cũng giống như nhiều học sinh khác của tôi, Luis tình nguyện tham gia lớp học thứ bảy mà tôi dạy cho các học sinh cũ, những em còn nhớ Phòng 56 và muốn giữ nơi ẩn náu này như là một phần cuộc sống của chúng. Những đứa trẻ trung học và trung học cơ sở này luyện thi SAT, đọc các tác phẩm văn học, và chuẩn bị cho chặng đường đại học.

 

Vào một thứ bảy, khi chúng tôi đang đọc một vở kịch cổ điển của Loraine Hansberry có tên là Nho khô trong nắng (Raisin in the Sun). Và trong vài tuần tới chúng tôi sẽ tham dự một lễ hội kịch Shakespeare ở Ashland, tiểu bang Oregon, nơi mà chúng tôi sẽ xem kịch của Hansberry và nhiều tác giả khác, và tôi muốn đám trẻ được chuẩn bị tốt. Tôi đã dành thời gian để tìm những bản copy của vở kịch và hướng dẫn lũ trẻ đọc qua trong khi cung cấp ngữ cảnh cho chúng biết những vở kịch này đã làm thay đổi diện mạo của sân khấu Mỹ như thế nào. Khi đọc đến những dòng cuối của vở kịch, nhiều đứa thở ra với sự vui sướng và thoả mãn khi hoàn thành xong một tuyệt phẩm. Nhưng Luis ngồi đó với những giọt nước mắt lăn xuống cằm. Không ai cười Luis khi đứa trẻ 14 tuổi này nấc lên trong thổn thức. Khi Luis bình tĩnh lại, tôi đã hỏi thằng bé điều gì làm nó xúc động quá sâu sắc về vở kịch. Câu trả lời của Luis thật đơn giản. “Em khóc,” nó nói, “vì đây là gia đình của em.”

 

Luis là một độc giả mê đọc. Nó kết nối với câu chuyện. Nó hiểu. Nó có thể nghiền ngẫm các ý tưởng lớn và có các liên tưởng thích hợp đến những trải nghiệm cá nhân của nó. Rất có thể rằng nhiều năm sau này, sẽ có một đứa trẻ khác đọc một tác phẩm mà chính Luis sẽ là tác giả.

 

Đó là điều tôi thực sự tin. Nếu những đứa trẻ được phát triển niềm đam mê đọc sách, chúng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Mục tiêu đó không được liệt kê ra trong bất kỳ chuẩn mực nào trong chương trình cấp tiểu bang của chúng ta. Bài kiểm tra đọc có thể bắt đầu với những khung điểm chuẩn hoá, nhưng cuối cùng thì chúng ta cần phải đo được khả năng đọc của những đứa trẻ bằng chính bởi số lượng nụ cười và nước mắt khi những dòng chữ được đọc ngấu nghiến trong quá trình học. Những nụ cười và những giọt nước mắt có lẽ sẽ không được liệt kê trong mục tiêu chương trình đọc của tiểu bang, nhưng chúng sẽ là khung chuẩn trong phòng 56. Những đứa trẻ này sẽ đọc cho cuộc đời của chúng.

 

Viết

 

Nói chung, học sinh ngày nay là những người làm văn kém cỏi, và thực ra cũng không cần phải tự hỏi điều này. Với việc kết hợp của nhiều thứ như thiếu thực hành, dạy dỗ không đến nơi đến chốn, nhắn tin qua tin nhắn điện thoại, trao đổi qua thư điện tử, và một văn hoá thực dụng cổ xuý việc “mù chữ”, nên sẽ không phải là một sự ngạc nhiên rằng hầu hết học sinh không thể viết được ngay cả một đoạn văn liền lạc, chứ đừng nói đến bài luận hoặc một bản báo cáo. Hãy xem những dữ liệu dưới đây:

 

1982 Trong năm đầu tiên đi dạy của tôi, trường cung cấp cho lớp của tôi những cuốn sách ngữ pháp rất đẹp. Chúng có cấu trúc tốt và khá kỹ càng. Các giải thích và ví dụ rõ ràng. Đến cuối năm, những đứa trẻ chắc chắn có được một hiểu biết vững vàng về những phần khác nhau cần có trong một bài diễn thuyết, cấu trúc câu, và những đoạn văn viết hay. Thêm vào đó, nhiều giáo viên xuất sắc khác giới thiệu tôi về một dự án được đặt tên là Tác giả trẻ, đem đến cơ hội được viết cho mọi đứa trẻ trong quận Los Angeles Unified School District. Trong suốt năm học, các học sinh viết, minh hoạ, và kết nối các câu chuyện tuyệt vời lại với nhau. Những cuốn sách này sau đó sẽ được trình bày tại hội thảo ở một trường cao đẳng địa phương, ở đó có hàng ngàn sinh viên đến vào một ngày thứ Bảy để thưởng thức sách. Các giải thưởng sẽ được tặng cho các tác phẩm hay nhất.
1990 Trường đặt mua sách mới cho những môn khác nhau. Vào buổi họp giáo viên, nhiều giáo viên giỏi chỉ ra rằng những cuốn sách ngữ pháp của chúng tôi đã cũ, sờn rách sau 8 năm sử dụng. Có lẽ, cần đặt mua những cuốn mới, giống như việc đặt mua sách cho các môn khác như Toán và Khoa học. Tuy nhiên, không một cuốn sách ngữ pháp nào được đặt mua sau đó. Cùng thời điểm đó, chương trình Tác giả trẻ cũng bị huỷ bỏ. Chương trình lấy mất quá nhiều thời gian của những người tổ chức. Các trường học được khuyến khích tổ chức những ngày Tác giả trẻ bởi chính bản thân các trường.
1994 Lãnh đạo trường của tôi không hài lòng với Ngày Tác giả trẻ của trường tôi. Một vài giáo viên không yêu cầu lớp của họ viết sách. Những giáo viên khác thì sử dụng sách của những năm trước. Chúng tôi tham dự buổi họp phát triển năng lực mà trong đó những giáo viên lớn tuổi chia sẻ với những giáo viên mới làm cách nào để tạo ra những cuốn sách Tác giả trẻ một cách hứng thú.
1997 Quận trở nên bị ám ảnh hơn bình thường với việc thực hiện các bài kiểm tra chuẩn. Giáo viên thì bị quá tải với những ngày kiểm tra. Các nhà giáo dục sẽ mất khoảng 30 ngày trong tổng số 163 ngày làm việc để ra bài kiểm tra cho quận và tiểu bang. Những giáo viên rên rỉ theo một cách chúng ta có thể hiểu được: “Làm sao tôi có thể dạy khi tôi không có được thời gian để day?”
1998 Trong cuộc họp giáo viên, giáo viên bỏ phiếu để huỷ bỏ Ngày Tác giả trẻ. Thay vào đó, mỗi đứa trẻ sẽ viết một cuốn sách Tác giả trẻ và chia sẻ tác phẩm đó với cha mẹ của chúng vào đêm Trở lại trường. Trong buổi họp này, những hoạt động khác trong trường cũng bị huỷ bỏ: hội chợ khoa học, chú ong đánh vần, chú ong địa lý, và những buổi lễ kỷ niệm Dr. King. Ít ra, các giáo viên vẫn có những cuốn sách ngữ pháp tuyệt vời, cũ rích và rách nát.
2000 Trường của chúng tôi triển khai một chuỗi bài học đọc cơ bản mới. Chúng tôi nhận hai huấn luyện viên đọc để hỗ trợ các giáo viên. Một trong những nhiệm vụ của các huấn luyện viên này là bỏ đi các cuốn sách ngữ pháp khỏi lớp học. Giáo viên được chỉ thị rằng họ có thể dạy ngữ pháp gói gọn trong các tài liệu mới. Các giáo viên than phiền rằng trong khi các bài đọc mới có đề cập đến các phần khác nhau của một bài diễn thuyết và cấu trúc câu, những cuốn sách ngữ pháp cũ sâu sắc hơn nhiều. Các giáo viên được đề nghị phải bỏ những cuốn sách ngữ pháp cũ. Chúng tôi đã hỏi nếu chúng tôi có thể sử dụng các cuốn sách ngữ pháp cũ này như là những tài liệu bổ sung cho các cuốn sách giáo khoa trong trường được không? Điều này không được cho phép. Những giáo viên trẻ trả lại những cuốn sách trong bối rối. Một số giáo viên lớn tuổi khác khôn khéo giấu những cuốn sách cũ hoặc chia sẻ chúng với những giáo viên khác và dạy những học sinh của họ kiến thức ngữ pháp sâu sắc này một cách bí mật.
2001 Vào một buổi họp phát triển năng lực, chúng tôi học được một điều mới về việc dạy đọc và viết: Khi chúng tôi chấm điểm các bài tập viết bắt buộc theo qui định của quận, chúng tôi không được đếm các từ viết sai như là những lỗi. Bằng cách này, chúng tôi được giả định có được một đánh giá “chính xác” hơn tiến trình phát triển của học sinh.
2003 Như là một phần của chuỗi bài đọc và ngôn ngữ căn bản mới, học sinh được yêu cầu phải làm bài kiểm tra 6 tuần một lần trong đó chúng đứng bên cạnh giáo viên và đọc lớn 2 đoạn văn một cách nhanh nhất mà chúng có thể làm. Nhiều giáo viên đặt câu hỏi về lý do đằng sau điều này, và chỉ ra rằng trong cuộc đời của chính chúng ta, chúng ta không bao giờ phải đọc lớn tiếng trong tốc độ. Tuy nhiên, những biểu đồ vẫn được dán lên trên tường của trường để ghi nhận sự thi đấu giữa các lớp khác nhau và kết quả được lưu giữ để biết ai là người đọc nhanh nhất.
2004 Sau ba năm sử dụng chuỗi đọc cơ sở mới này, điểm đọc của trường chúng tôi không được cải thiện lên. Mà thực ra, trong nhiều lãnh vực, chúng đi xuống. Điểm đọc của khối lớp ba của chúng tôi thật thảm hại.

 

Trong ba năm, chúng tôi đã được chỉ thị hàng tuần rằng chìa khoá của việc đọc là sự lưu loát. Chúng tôi bây giờ được thông báo bởi “Bộ Sự Thật”, ý là các huấn luyện viên đọc viết, rằng chúng tôi đã sai khi đặt quá nhiều trọng tâm vào những bài kiểm tra lưu loát. Nó luôn phải là bài kiểm tra đọc hiểu, đó mới là bài kiểm tra quan trọng. Chúng tôi được bảo không nên lo lắng về những sai lầm trong những buổi họp đã qua. Những biểu đồ lưu loát được bỏ đi trong trường. Hừm… Vâng, các đồng chí, chúng ta đã không bao giờ có chiến tranh?!

 

Vào cuối năm, học sinh được yêu cầu làm một bài kiểm tra viết của một quận khác. Chúng sẽ viết về một đề tài mà sẽ làm cho chúng chán nản đến ngớ ngẩn. Sẽ mất hai ngày để hoàn thành. Người giáo viên có nhiệm vụ giao bài đã giao bài kiểm tra đến lớp học của tôi. Chúng đã được chuyển đến với ghi chú sau từ anh ấy: “Hear our you’re exams, Rafe. Their due Friday” (Ghi sai chính tả, đánh vần, ngữ pháp).

 

Chúng ta, giáo viên và phụ huynh, cần phải tìm giải pháp cho chúng ta. Bất chấp khó khăn và trở ngại, chúng ta cần tìm chiến lược và các hoạt động để giúp con em chúng ta trở thành những người viết giỏi hơn. Francis Bacon đã viết: “Đọc làm bạn trở thành một người đầy đủ, hội thảo giúp bạn sẳn sàng, và viết giúp bạn chính xác.” Tôi muốn các học sinh của tôi có thể diễn đạt được chính bản thân chúng một cách chính xác. Tôi muốn chúng viết tốt không phải vì các bài kiểm tra, mà bởi vì viết tốt sẽ giúp cho toàn bộ cuộc sống trước mắt cũng như sau này của chúng, cho dù chúng xin vào học cao đẳng hay xin việc. Sau đây là 4 điểm tôi dạy học trò của tôi để cải thiện khả năng viết của chúng.

 

Bước I. Khởi động: Ngữ pháp

 

Ngày học của chúng tôi chính thức bắt đầu lúc 8 giờ sáng. Mặc dầu đa số học sinh lớp của tôi tình nguyện bắt đầu sớm hơn giờ này, tất cả mọi học sinh của tôi chắc chắn đã vào chỗ ngồi vào lúc 8 giờ. Bài tập ngữ pháp đã sẳn sàng trên bảng và những cuốn vở bài tập đã ở trên bàn của chúng (những cuốn sách ngữ pháp thì đã bị tịch thu, nhưng lại rất dễ tìm thấy các vở bài tập ngữ pháp ở cửa hàng cung cấp giáo cụ cho giáo viên).

 

Mỗi một buổi sáng được bắt đầu với bài tập ngữ pháp. Các học sinh được yêu cầu phân biệt những danh từ đúng hoặc chọn dạng động từ đúng cho một câu. Trước khi điểm danh, trước khi bài tập về nhà được thu, trước khi lũ trẻ có một cơ hội bị phân tán tư tưởng, chúng làm bài tập ngữ pháp. Tôi dành một chốc để chúc lũ trẻ có một buổi sáng tốt lành và bảo rằng chúng ta sẽ có một ngày thú vị đã được lên kế hoạch, nhưng vào lúc 8 giờ 1 phút, chúng tôi đã học hành chăm chỉ trong khi những học sinh lớp khác thơ thẩn cạnh cửa phòng của chúng tôi. Chúng tôi không lãng phí thời gian trong Phòng 56. Ngay cả một vài phút phung phí ngay đầu giờ học cũng có thể cộng dồn thành 20 hay 30 giờ cho cả năm. Những đứa trẻ của chúng tôi không thể có được sự lãng phí đó.

 

Chúng học hành chăm chỉ vì ba lý do. Thứ nhất, nhiều học sinh đến và thích thú với môn ngữ pháp. Tất cả học sinh của tôi nói tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai, và chúng nhận thức tầm quan trọng của việc viết ngôn ngữ mới của chúng một cách đúng đắn. Chúng nhìn thấy bản thân chúng tiến bộ và bởi vì chúng cảm thấy thoải mái trong Phòng 56, chúng không lo lắng về việc mắc phải lỗi trong khi học. Chúng biết rằng không ai sẽ cười chúng hoặc la mắng chúng.

 

Lý do thứ hai là để tránh làm bài tập ở nhà. Trong lớp học, lũ trẻ được cho 30 phút để trả lời 20 câu hỏi. Sau khi tôi dạy kỹ năng trong khoảng 5 phút, và kiểm tra để chắc chắn rằng chúng hiểu, lũ trẻ có chừng 20 phút để hoàn thành các câu hỏi. Bất cứ câu hỏi nào còn lại sẽ trở thành bài tập ở nhà, nên chúng kinh nghiệm được rằng tốt hơn hết là hoàn thành bài tập trong lớp. Ở đây, chúng có bạn và thầy giáo để giải đáp khi có câu hỏi, và lớp học luôn có ích để có thể hoàn thành bài tập một cách chất lượng hơn là ở nhà, với các anh chị em la hét và TV bật lên ồn ào.

 

Điều quan trọng hơn cả, lũ trẻ muốn làm bài tập vì cái mà chúng tôi gọi là “Dreaded Rewrite” (Sự viết lại kinh hãi). Ý tưởng này phát xuất từ việc nghe thấy các học sinh lớp trước than phiền rằng trong hầu hết các lớp, khi chúng nộp bài tập của bất cứ môn gì, một trong 3 việc sẽ xảy ra: Bài tập được trả lại với điểm tốt, điểm kém, hoặc thường là không được trả lại luôn. Trong Phòng 56, thay vì nhận điểm kém, các học sinh của tôi được yêu cầu rằng hoặc chúng phải làm được ít nhất 90% hoặc hơn các bài tập ngữ pháp, hoặc chúng phải làm bài lại. Chúng không bị trừng phạt hoặc ghét bỏ hoặc bất cứ những thứ gì như thế. Chúng đơn giản chỉ phải làm bài tập lại cho đến khi chúng nắm vững kỹ năng. Vào thời điểm mới bắt đầu năm học, thực tế xảy ra là mỗi một học sinh làm lại bài tập ngữ pháp hàng ngày. Đến tuần thứ hai, chỉ có 2 hoặc 3 học sinh cần phải làm lại bài tập ngữ pháp mỗi ngày. Sự viết lại kinh hãi làm cho lũ trẻ hiểu rằng Phòng 56 là một nơi nghiêm túc và chúng sẽ lắng nghe, cố gắng chăm chỉ, đặt câu hỏi, và hoàn thành mọi việc đúng đắn ngay từ thời điểm đầu tiên.

 

Vào buổi sáng kế tiếp, khi những học sinh làm bài tập ngữ pháp mới, các em chấm điểm của tôi đến và thu các bài tập hôm trước. Vào thời gian nghỉ giữa giờ, những em chấm điểm nhanh chóng và chính xác chấm bài và chuẩn bị một danh sách các Sự viết lại kinh hãi. Danh sách được dán lên trước lớp và được chào mừng bởi những tiếng thở dài ngán ngẫm hoặc tiếng khóc sung sướng của nhiều học sinh đã làm bài đúng. Đoạn thích nhất của tôi là một vài phút sau đó, sau khi vui mừng hoặc thất vọng đã trôi qua, khi các học sinh đã nắm vững kỹ năng ngồi bên cạnh những em chưa nắm vững, giúp đỡ chúng với những vấn đề mà chúng đã sai và động viên chúng để hoàn thành bài tập vào buổi tối và vào ngày hôm sau.

 

 

Leave a Reply