Tôi thường có những buổi nói chuyện với người quen và bạn bè. Và trong rất nhiều các buổi nói chuyện đó, mọi người muốn tìm một lời khuyên cho cuộc sống có phần bế tắc và đau khổ của họ.
Trong một lần trò chuyện như thế, bạn của tôi cố gắng yêu cầu tôi xem có thể chỉ chỗ nào cô ấy đã sai trong hoàn cảnh của cô ấy. Thực tế mà nói, tôi cũng chỉ là một con người bình thường cùng với hỉ, nộ, ái, ố. Tôi cũng phải luôn tự mình xử lý các vấn đề của bản thân. Chắc chắn rằng, ai cũng có vấn đề của riêng mình, muôn hình vạn trạng. Nên nếu ai đó yêu cầu làm việc như trên, thực sự tôi cảm thấy khó để trả lời được thấu đáo. Tôi cũng chẳng giỏi giang gì trong việc đánh giá người khác :).
Trong cuộc trò chuyện trên, bạn của tôi cũng đã ở tuổi 40, tạm gọi là được nửa cuộc đời rồi. Và lời đáp của tôi đến bạn rằng, có lẽ không cần phải chỉ ra cái nào sai, cái nào đúng, ai sai ai đúng làm chi nữa. Nếu những gì bạn làm là đúng, là hợp lý, là thuận với tự nhiên thì chắc chắn rằng đến thời điểm này, hơn nửa cuộc đời rồi, bạn sẽ càng ngày càng thấy bớt đi phần đau khổ và phiền muộn. Thực tế là bạn ngày càng thấy mình bế tắc và đau khổ. Nên có thể kết luận chắc chắn rằng, có cái gì đó đã sai, đã không đúng. Điều đó là chắc chắn rồi. Và nếu bạn cứ tiếp tục hành động, suy nghĩ và nói năng như thế thì có lẽ kết quả cũng chẳng có gì khác đi hơn so với 40 năm vừa qua. Bạn cần phải thay đổi. Thay đổi trong suy nghĩ, hành động và lời nói.
Nếu bạn tìm thấy bản thân mình cũng tương tự như trong hoàn cảnh trên, bạn bế tắc, dù rằng bạn nghĩ là bản thân đã không có gì sai, hãy suy nghĩ lại. Hãy thay đổi. Thay đổi chắc chắn không dễ dàng gì, nhưng chỉ có cách đó thì mới có thể giúp bạn thoát ra khỏi khổ đau. Phật pháp là một pháp môn đặc biệt cho vấn đề này, pháp môn để vượt thoát khổ đau, để tự do vượt lên trên sự đau khổ. Và bạn luôn có thể bắt đầu từ chính bản thân mình, không cần đi tìm kiếm đâu xa xôi.
Bạn còn nghi ngờ phải không? Tặng bạn thêm bài này để tham khảo: Nổi loạn và tự do. Trong bài này, Ngài Sayadaw U. Jotika có chia sẻ một lời dạy của Đức Phật, cùng với lời giải thích của Ngài.
“Bản thân bạn chính là nơi nương tựa của chính bạn. Bằng cách đào tạo bản thân và thiết lập một kỷ luật tốt cho bản thân, bạn có thể đạt được sự nương tựa vào chính bản thân mình” – Lời dạy của Đức Phật