Site icon Viet Hung

[TTTPG] III.1. Trích dẫn từ Kinh Điển Pāli

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Bản chất và mục đích của Tứ Niệm Xứ

1. Con đường độc nhất (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 18)

Một thời Đức Thế Tôn trú tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, tại cây bàng ajapàla, khi vừa mới thành đạt đạo quả. Trong khi Đức Thế Tôn chăm chú và độc cư, tư tưởng như sau khởi lên: “Đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu, ưu, đoạn diệt đau khổ, đạt đến chánh đạo, chứng ngộ Niết-bàn, được gọi là Tứ Niệm Xứ.” 

Thế nào là bốn? Này các Tỳ-khưu, ở đây, vị Tỳ-khưu sống quán thân trên thân, … sống quán thọ trên các thọ, … sống quán tâm trên tâm, … sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham lam và đau khổ ở đời.

Rồi Phạm thiên Sahampati với tâm của mình biết được tâm ý Đức Thế Tôn, ví như một người mạnh khoẻ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, vị ấy đi đến từ cõi Phạm thiên và hiện ra trước mặt Đức Thế Tôn. Rồi Phạm thiên Sahampati đắp y thượng vào một bên vai, chắp tay hướng đến Đức Thế Tôn và bạch rằng: “Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, … được gọi là Tứ Niệm Xứ …”

Phạm thiên Sahampati thuyết như vậy. Nói như vậy xong, Phạm thiên Sahampati lại nói thêm:

“Thấy con đường độc nhất,

Ðưa đến đoạn tận sanh.

Bậc lân mẫn chúng sanh,

Biết được con đường ấy.

Chính với con đường này,

Trước đã từng vượt qua,

Tương lai sẽ vượt qua,

Nay vượt khỏi bộc lưu.”

Dựa theo bản kinh này, nhận thức đầu tiên của Đức Phật về Con đường chánh niệm giải thoát xuất hiện từ thời điểm ngay sau khi Ngài giác ngộ. Dựa theo Mahā-Vagga của Vinaya-Piṭaka (Tạng Luật), Đức Phật đã trải qua bảy tuần đầu tiên sau khi giác ngộ gần cây bồ đề. Trong tuần thứ năm và thứ bảy, Ngài trú lại dưới một cái cây được gọi là Cây sung “Những người chăn dê” (ajapāla-nigrodha), bởi vì những người chăn gia súc thường ngồi dưới tán cây đó. Bản kinh này đề cập đến địa điểm và thời điểm này.

2. Hãy là nơi nương tựa của chính mình (Trường Bộ Kinh, 16)

Mùa mưa cuối cùng trước khi Đức Phật nhập diệt, Ngài trú lại trong một ngôi làng nhỏ tên là Beluva. Xúc động bởi mong muốn của chư vị Tỳ-khưu ở các nơi khác muốn được có cơ hội đảnh lễ lần cuối trước khi Ngài nhập diệt, Đức Phật đã khắc chế bệnh trạng bằng ý chí sắt đá của mình. Ngài đứng lên từ giường bệnh và đi đến ngồi ở một nơi râm mát. Ở đó, vị đệ tử trung thành nhiều năm của Ngài, Tôn giả Ānanda đã đến gần Ngài và bày tỏ niềm hoan hỉ khi thấy sự hồi phục của Thế Tôn và tỏ ra yên chí được biết rằng Đức Phật sẽ không ra đi trước khi có lời khuyên nhủ đến Giáo hội. Nhưng Đức Phật đã dạy rằng: “Này Ānanda, có chuyện gì vậy? Giáo hội các đệ tử còn mong đợi gì nữa ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy Giáo pháp mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chân lý, Như Lai không khi nào có một bàn tay nắm lại của một ông thầy. Có người nghĩ rằng: ‘Chính ta sẽ lãnh đạo Giáo hội các Tỳ-khưu’, hoặc ‘Giáo hội chư Tỳ-khưu sẽ tùy thuộc nơi ta’, hoặc ‘chính Đức Phật phải dạy điều gì có liên quan đến Giáo hội.’

Sau khi thêm một vài lời dạy, Ngài đã có một phát biểu trang trọng và đanh thép, chứa đựng một sự nhấn mạnh và tầm quan trọng đặc biệt, như được tóm tắt ngắn gọn ở đây:

“Vậy, này Ānanda, hãy tự coi chính con là hải đảo (chỗ ẩn náu) của con, chính con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nơi nương tựa ở bên ngoài. Hãy xem Giáo pháp là hải đảo của con. Giáo pháp là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nơi nương tựa ở bên ngoài.

Và này Ānanda, một vị Tỳ-khưu phải sống cách nào như coi chính mình là hải đảo, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nơi nương tựa ở bên ngoài? Làm cách nào để Giáo pháp là hải đảo, là chỗ nương tựa của vị ấy, không một điều nào khác?

Đây này, Ānanda, vị Tỳ-khưu chăm chú sống quán thân trên thân, … sống quán thọ trên các thọ, … sống quán tâm trên tâm, … sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham lam và đau khổ ở đời.

Bằng cách đó, này Ānanda, một vị Tỳ-khưu sẽ là hải đảo, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nơi nương tựa ở bên ngoài. Bằng cách đó, Giáo pháp là hải đảo, là chỗ nương tựa của vị ấy, không một điều nào khác.

Dầu ngay trong hiện tại hay sau khi Như Lai nhập diệt, người nào sống đúng theo như vậy, xem chính mình là hải đảo của mình, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nơi nương tựa ở bên ngoài, những vị Tỳ-khưu ấy sẽ đứng hàng đầu trong những người sống hoàn toàn theo Giới luật.

Theo các bản cổ văn thì sự kiện này xảy ra khoảng mười tháng trước khi Đức Phật viên tịch. Trong vòng mười tháng này, hai vị đại đệ tử của Ngài, Đức Sāriputta (Xá-Lợi-Phất) và Đức Moggallāna (Mục-Kiền-Liên) cũng viên tịch. Khi tin tức Đức Sāriputta qua đời được trình báo đến Đức Phật, Ngài lại ban lời chỉ dạy như trên. Như vậy, các bản trích dẫn kinh (1) và (2) ở trên cho thấy, Tứ Niệm Xứ xuất hiện ở phần đầu và phần kết thúc sự nghiệp của Đức Phật.

3. Sự tiếp tục lâu dài của Giáo pháp (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 22)

Một thời tôn giả Ānanda và tôn giả Bhadda sống tại Pāṭaliputta, trong Tu viện Con gà trống. Vào buổi tối, từ nơi ẩn cư đứng dậy, tôn giả Bhadda đến gặp tôn giả Ānanda. Sau khi chào hỏi thân thiện và lịch sự, vị ấy hỏi: “Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?”

“Lành thay, lành thay, này Hiền giả Bhadda! Hiền thiện thay, này Hiền giả Bhadda, là trí tuệ của Hiền giả! Hiền thiện là biện tài của Hiền giả! Chí thiện là câu hỏi của Hiền giả! Có phải như vầy, này Hiền giả Bhadda, là câu hỏi của Hiền giả: ‘Này Hiền giả Ananda, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp không có tồn tại lâu dài? Do nhân gì, do duyên gì, này Hiền giả Ananda, khi Như Lai nhập Niết-bàn, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?’.  Này Hiền giả, nếu Tứ Niệm Xứ không được trau dồi và không được tu tập thường xuyên, thì Diệu pháp sẽ không tiếp tục được lâu dài sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn. Nhưng này huynh, nếuTứ Niệm Xứđược trau dồi và được tu tập thường xuyên, thì Diệu pháp sẽ tiếp tục lâu dài sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn.”

4. Một con người vĩ đại (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 11)

Tại Sāvatthi, Đức Sāriputta đi đến bên Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên, và bạch với Đức Thế Tôn như sau:

“Một con người vĩ đại, một con người vĩ đại – đó là cách người ta nói. Bạch hoá Đức Thế Tôn, như thế nào là một con người vĩ đại?”

Với tâm thoát, này Sāriputta, ta tuyên bố, vị ấy là một con người vĩ đại. Không có tâm giải thoát, vị ấy không phải là một con người vĩ đại.

Này Sāriputta, vậy thế nào là tâm giải thoát? Đây này Sāriputta, vị Tỳ-khưu sống quán thân trên thân, … sống quán thọ trên các thọ, … sống quán tâm trên tâm, … sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham lam và đau khổ ở đời. Khi vị ấy an trú, quán pháp trên các pháp, tâm được ly tham, được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Như vậy, này Sàriputta, là tâm giải thoát. Với tâm giải thoát, này Sàriputta, ta tuyên bố, vị ấy là một con người vĩ đại. Không có tâm giải thoát, vị ấy không phải là một con người vĩ đại.”

5. Phẩm tính kỳ diệu và tuyệt vời (Trung Bộ Kinh, 123)

Này Ānanda, con cũng có thể ghi nhớ phẩm tính kỳ diệu và tuyệt vời này của Đấng Toàn Hảo: Vị ấy hay biết các cảm thọ sinh khởi ở bên trong mình, hay biết chúng tiếp tục xảy diễn, và hay biết chúng diệt đi; Vị ấy hay biết các nhận thức sinh khởi bên trong mình, hay biết chúng tiếp tục xảy diễn, và hay biết chúng diệt đi. Này Ānanda, con có thể ghi nhớ đó là phẩm tính kỳ diệu và tuyệt vời của Đấng Toàn Hảo.

6. Chỗ quy tựa (Tương Ưng Bộ Kinh, 48, 42)

Này Bà-la-môn, có năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau. Thế nào là năm? Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn. Này Bà-la-môn, năm căn này, đối cảnh khác nhau, hành cảnh khác nhau, chúng không dung nạp hành cảnh đối cảnh của nhau, ý làm chỗ quy tựa cho chúng, ý dung nạp hành cảnh đối cảnh của chúng.

“Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho ý?”

Này Bà-la-môn, niệm là chỗ quy tựa cho ý.

“Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho niệm?”

Này Bà-la-môn, giải thoát là chỗ quy tựa cho niệm.

“Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì làm chỗ quy tựa cho giải thoát?”

Này Bà-la-môn, Niết-bàn là chỗ quy tựa cho giải thoát.

“Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cái gì là chỗ quy tựa cho Niết-bàn?”

Này Bà-la-môn, câu hỏi đi quá xa (ajjhaparam) không thể nắm được chỗ tận cùng của câu hỏi. Này Bà-la-môn, Phạm hạnh được sống để thể nhập Niết-bàn, Phạm hạnh lấy Niết-bàn làm mục đích, lấy Niết-bàn làm cứu cánh.”

7. Pháp hành cho tất cả mọi người (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 4)

Một thời Đức Thế Tôn trú ở một ngôi làng của các Bà-la-môn, tại Sālā của người Kosala. Tại đó, Ngài dạy các vị Tỳ-khưu như sau:

Những ai mới xuất gia, xuất gia chưa lâu, đã xuất gia nhưng mới biết đến Giáo pháp và Giới luật này, các vị ấy nên được khuyến khích, được giới thiệu và được củng cố trong việc tu tập bốn niệm xứ. Vậy bốn xứ đó là gì?

Hãy đến đây, này các Tỳ-khưu, hãy sống quán thân trên thân, nhiệt tâm và tỉnh giác, theo đuổi một mục đích duy nhất với cái tâm thanh thản, an định và tập trung để tuệ tri thân này như nó thật là.

Sống quán thọ trên thọ, … để tuệ tri các cảm thọ này như nó thật là. Sống quán tâm trên tâm, … để tuệ tri tâm này như nó thật là. Sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm và tỉnh giác, theo đuổi một mục đích duy nhất với cái tâm thanh thản, an định và tập trung để tuệ tri các pháp này như nó thật là.

Cũng như vậy, những Tỳ-khưu đã nhập dòng thánh nhưng chưa đạt được mục tiêu An lạc tối thượng và đang nỗ lực để đạt đến đó, các vị ấy cũng chăm chú nhiệt tâm và tỉnh giác, theo đuổi một mục đích duy nhất với cái tâm thanh thản, an định và tập trung sống quán thân trên thân để có được tuệ giác sâu sắc về thân; sống quán thọ trên các cảm thọ để có được tuệ giác sâu sắc về cảm thọ; sống quán tâm trên các tâm có được tuệ giác sâu sắc về tâm; sống quán pháp trên các pháp, để có được một sự hiểu biết đầy đủ về các đối tượng của tâm.

Cũng như vậy, những Tỳ-khưu là bậc Thánh (A-la-hán), vô lậu, đã sống đời sống Phạm hạnh cho đến cùng, đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, trút bỏ gánh nặng, đạt được mục đích, đoạn diệt các kiết sử, và đã được giải thoát trong trí tuệ toàn hảo, các vị ấy cũng vậy, chăm chú nhiệt tâm và tỉnh giác, theo đuổi một mục đích duy nhất với cái tâm thanh thản, an định và tập trung sống quán thân trên thân, không còn bị trói buộc bởi thân; sống quán thọ trên các cảm thọ, không còn bị trói buộc bởi cảm thọ; sống quán tâm trên các tâm, không còn bị trói buộc bởi tâm; sống quán các đối tượng của tâm trên các đối tượng của tâm, không còn bị trói buộc bởi các đối tượng của tâm.

“Và như vậy, những ai mới xuất gia, xuất gia chưa lâu, đã xuất gia nhưng mới biết đến Giáo pháp và Giới luật này, các vị ấy nên được khuyến khích, được giới thiệu và được củng cố trong việc tu tập Tứ Niệm Xứ.

8. Tứ Niệm Xứ, tiêu chuẩn của sự thành tựu Đạo quả (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 26-27)

Một thời Đức Sāriputta (Xá-Lợi-Phất) nói với Đức Anuruddha: “Này huynh Anuruddha, mọi người bàn về vị Tỳ-khưu đã nhập dòng Thánh và đang tiếp tục huấn luyện nâng cao tâm mình. Vị ấy sẽ tiếp tục huấn luyện nâng cao như thế nào?

“Vị ấy sẽ tiếp tục phát triển từng phần bốn nền tảng của chánh niệm, này người anh em.”

“Này huynh Anuruddha, mọi người lại bàn về vị Tỳ-khưu đã thành tựu Thánh quả cao nhất. Vị ấy sẽ tiếp tục huấn luyện tâm mình như thế nào?

“Này người anh em, với sự phát triển toàn hảo của bốn nền tảng của chánh niệm, vị ấy đã vượt qua sự huấn luyện tâm mình.”

9. Những lời dạy đầy uy lực (Tương Ưng Bộ Kinh, 52, 9)

Một thời Đức Anuruddha và Đức Sāriputta trú lại gần Vesalī, tại khu rừng của Ambapāli. Vào một buổi tối, Đức Sāriputta rời khỏi nơi ở của mình đến gặp Đức Anuruddha. Sau khi chào hỏi thân thiện và lịch sự, Đức Sāriputta hỏi Đức Anuruddha như sau: “Thưa Hiền giả Anuruddha, các căn của Hiền giả trong sáng, thanh tịnh, sắc mặt được sáng suốt. Tôn giả Anuruddha nay trú nhiều sự an trú gì?”

“Thưa Hiền giả, nay tôi an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

Ở đây, thưa Hiền giả, tôi trú, quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Thưa Hiền giả, nay tôi an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ.

Thưa Hiền giả, vị Tỳ-khưu nào là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích đã đạt tới, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí, giải thoát; vị ấy an trú nhiều với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ này.”

“Thật lợi ích cho chúng tôi, thưa Hiền giả! Thật khéo lợi ích cho chúng tôi, thưa Hiền giả! Chúng tôi đối mặt với Tôn giả Anuruddha, đã được nghe tiếng nói như ngưu vương.”

10. Vững chãi (Tương Ưng Bộ Kinh, 52, 8)

Một thời Đức Anuruddha trú tại Sāvatthi, trong ngôi nhà gần cây Salalā. Ở đó, Ngài hỏi các vị Tỳ-khưu như sau: “Hỡi các huynh đệ, sông Hằng đây chảy về phía Đông, được uốn cong về phía Đông, được hướng về phía Đông. Bây giờ, giả sử có một một nhóm đông người đến gần, mang theo thú nuôi cùng rổ giỏ, và bảo rằng: ‘Chúng ta sẽ khiến dòng sông này, sông Hằng, chảy về phía Tây, uốn nó cong về phía Tây, hướng nó về phía Tây.’ Này các huynh đệ, mọi người thấy thế nào? Liệu nhóm đông người này có thể thực sự làm cho sông Hằng chảy về phía Tây, uốn nó cong về phía Tây, hướng nó về phía Tây được chăng?”

“Thật sự là không thể, thưa huynh.”

“Tại sao lại không thể?”

“Thưa huynh, sông Hằng chắc chắn chảy về phía Đông, được uốn cong về phía Đông, được hướng về phía Đông. Không thể khiến nó chảy về phía Tây, uốn nó cong về phía Tây và hướng nó về phía Tây, dù cho bất kể bao nhiêu mệt mỏi và đau đớn mà nhóm đông người này bỏ công ra.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, nếu một vị Tỳ-khưu đã tu tập và thường xuyên thực hành Tứ Niệm Xứ, và vị ấy lại được bao quanh bởi các vị vua và các vị bộ trưởng, bởi bạn bè, người quen và họ hàng của vị ấy. Rồi người ta dâng lên của cải, nài nỉ vị ấy: ‘Hãy đến đây, người tôi yêu quý. Bạn muốn gì với những cái y áo màu vàng này? Tại sao bạn lại đi, về với một cái đầu cạo trọc? Hãy đến đây, trở về với cuộc sống cư sĩ nơi bạn có thể tận hưởng kho báu của mình và làm việc thiện!’

Nhưng, này các huynh đệ, liệu một vị Tỳ-khưu đã tu tập và thường xuyên thực hành Tứ Niệm Xứ có từ bỏ việc huấn luyện tâm mình để trở lại với trạng thái thấp kém hơn không? Điều này là không thể. Và tại sao lại là không thể? Nếu tâm đã đi về hướng buông bỏ trong một thời gian dài, được uốn cong về sự buông bỏ, và được định hướng về sự buông bỏ, cái tâm đó không thể quay trở lại trạng thái thấp kém hơn được nữa.”

11. Bất tử (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 37)

“Có bốn Niệm Xứ, này các Tỳ-khưu. Bốn xứ đó là gì?

Ở đây, một vị Tỳ-khưu sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham lam và đau khổ ở đời. Khi sống quán thân trên thân như vậy, mọi ham muốn về thân của vị ấy được từ bỏ. Nhờ sự từ bỏ các ham muốn ấy mà vị ấy đạt đến sự bất tử.

Vị ấy sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham lam và đau khổ ở đời. Khi sống quán thọ trên thọ như vậy, mọi ham muốn về cảm thọ của vị ấy được từ bỏ. Nhờ sự từ bỏ các ham muốn ấy mà vị ấy đạt đến sự bất tử.

Vị ấy sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham lam và đau khổ ở đời. Khi sống quán tâm trên tâm như vậy, mọi ham muốn về tâm của vị ấy được từ bỏ. Nhờ sự từ bỏ các ham muốn ấy mà vị ấy đạt đến sự bất tử.

Vị ấy sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham lam và đau khổ ở đời. Khi sống quán pháp trên các pháp như vậy, mọi ham muốn về các đối tượng trong tâm của vị ấy được từ bỏ. Nhờ sự từ bỏ các ham muốn ấy mà vị ấy đạt đến sự bất tử.”

12. Các lậu hoặc (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 50)

“Này các Tỳ-khưu, có ba loại lậu hoặc (vết nhơ): dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu.

Này các Tỳ-khưu, để đoạn trừ ba loại lậu hoặc này, cần phải tu tập Tứ Niệm Xứ.”

13. Quá khứ và tương lai (Trường Bộ Kinh, 29)

“Để từ bỏ và vượt qua những biện luận liên quan đến quá khứ và tương lai, này các Tỳ-khưu, cần phải tu tập Tứ Niệm Xứ.”

14. Vì lợi ích của chính mình (Tăng Chi Bộ Kinh, 4, 17)

“Vì lợi ích của chính mình, này các Tỳ-khưu, nên canh giữ tâm bằng chánh niệm tỉnh giác, và điều này là bởi vì bốn lý do sau:

‘Nguyện cho tâm tôi không nuôi dưỡng tham dục đối với bất cứ thứ gì dẫn đến tham dục!’ — Vì lý do này, chánh niệm tỉnh giác cần là phương tiện bảo vệ tâm, vì lợi ích của chính mình.

‘Nguyện cho tâm tôi không nuôi dưỡng sân đối với bất cứ thứ gì dẫn đến sân!’ — Vì lý do này, chánh niệm tỉnh giác cần là phương tiện bảo vệ tâm, vì lợi ích của chính mình.

‘Nguyện cho tâm tôi không nuôi dưỡng si đối với bất cứ thứ gì dẫn đến si!’ — Vì lý do này, chánh niệm tỉnh giác cần là phương tiện bảo vệ tâm, vì lợi ích của chính mình.

‘Nguyện cho tâm tôi không bị mê đắm bởi bất cứ điều gì dẫn đến mê đắm!’ — Vì lý do này, chánh niệm tỉnh giác cần là phương tiện bảo vệ tâm, vì lợi ích của chính mình.

Này các Tỳ-khưu, bây giờ, khi tâm của vị ấy không còn nuôi dưỡng tham dục đối với những thứ dẫn đến tham dục, do bởi vị ấy đã tự do thoát khỏi tham dục; khi tâm của vị ấy không còn nuôi dưỡng sân giận đối với những thứ dẫn đến sân giận, do bởi vị ấy đã tự do thoát khỏi sân giận; khi tâm của vị ấy không còn nuôi dưỡng si đối với những thứ dẫn đến si, do bởi vị ấy đã tự do thoát khỏi si; khi tâm của vị ấy không bị mê đắm bởi bất cứ điều gì dẫn đến mê đắm, do bởi vị ấy đã tự do thoát khỏi mê đắm, thì vị Tỳ-khưu ấy sẽ không dao động, không rung chuyển hay run sợ, vị ấy sẽ không bị khuất phục trước sợ hãi, cũng như sẽ không chấp nhận quan điểm của các vị ẩn sĩ khác.”

15. Sự bảo vệ đúng đắn (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 19)

Một thời Đức Thế Tôn trú tại xứ Sumbha, ở một thị trấn của người Sumbha, tên là Sedaka. Ở đó, Ngài dạy các Tỳ-khưu như sau: “Cách đây rất lâu, có một diễn viên nhào lộn biểu diễn với một cây sào tre. Dựng cây sào tre của mình lên, vị ấy nói với cô gái học việc Medakathalikā của mình rằng: ‘Hãy đến đây, này Medakathalikā thân mến. Hãy leo lên cây sào và đứng trên vai của thầy!’—‘Vâng, thưa thầy’, cô ấy nói và làm theo lời dạy. Và rồi vị diễn viên nhào lộn lại bảo: ‘Bây giờ, này Medakathalikā thân yêu, hãy bảo vệ thầy thật tốt, và thầy sẽ bảo vệ trò. Như vậy, trông chừng lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau, chúng ta sẽ thể hiện kỹ năng của mình, kiếm sống và sẽ xuống khỏi sào tre một cách an toàn.’

Nhưng Medakathalikā, cô gái học việc, nói rằng: ‘Không nên như vậy, thưa thầy! Thưa thầy, thầy nên tự bảo vệ mình; và trò cũng vậy, sẽ tự bảo vệ trò. Như vậy, tự canh gác, tự bảo vệ, chúng ta sẽ thể hiện kỹ năng của mình, kiếm sống và sẽ xuống khỏi sào tre một cách an toàn.’”

“Đó là con đường đúng đắn”, Đức Thế Tôn nói và dạy tiếp như sau: “Đúng như cô học việc đã nói: ‘Tôi sẽ tự bảo vệ mình’, nghĩa là Tứ Niệm Xứ cần được thực hành theo cách đó. ‘Tôi sẽ bảo vệ những người khác’, Tứ Niệm Xứ cần được thực hành theo cách đó. Bảo vệ mình là bảo vệ người khác; bảo vệ người khác là bảo vệ chính mình.

Và làm thế nào để một người, trong khi bảo vệ chính mình, bảo vệ những người khác? Bằng cách thực hành thiền Tứ Niệm Xứ lặp đi lặp lại và thường xuyên.

Và làm thế nào để một người, khi bảo vệ người khác, lại bảo vệ được chính mình? Bằng sự kiên nhẫn và chịu đựng, bằng một cuộc sống bất bạo động và vô hại, bằng tâm từ và lòng bi mẫn.

‘Tôi sẽ tự bảo vệ mình’, Tứ Niệm Xứ cần được thực hành theo cách đó. ‘Tôi sẽ bảo vệ những người khác’, Tứ Niệm Xứ cần được thực hành theo cách đó. Bảo vệ mình là bảo vệ người khác; bảo vệ người khác là bảo vệ chính mình.”

16. Người chủ nhà đau ốm (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 29)

Gia chủ Sirivaḍḍha tại Rājagaha, là một Phật tử, mắc phải một căn bệnh trầm trọng, và ông đã gửi lời thỉnh cầu tôn giả Ānanda đến thăm. Theo lời thỉnh cầu đó, tôn giả Ānanda đã tự mình đến nhà người bệnh và hỏi gia chủ Sirivaḍḍha như sau:

17. Một Tỳ-khưu đau ốm (Tương Ưng Bộ Kinh, 52, 10)

Một lần nọ, khi tôn giả Anuruddha đang sống gần Sāvatthi thì bị ốm và đau đớn, mắc phải một chứng bệnh trầm trọng. Vào lúc ấy, một số vị Tỳ-khưu đến thăm tôn giả Anuruddha và thưa với Ngài như sau:

18. Trưởng lão Uttiya (Trưởng Lão Tăng Kệ, 30)

Khi bệnh tật đến, chánh niệm của tôi khởi lên:

“Bệnh tật đã gọi, không có thời gian cho sự lười biếng!”

19. Từ ràng buộc đến tự do (Tương Ưng Bộ Kinh, 2, 7)

Ngay trong những ràng buộc của cuộc sống, giáo pháp có thể được tìm thấy

Điều đó dẫn đến Niết-bàn, đoạn tận bệnh tật:

Nó được tìm thấy bởi những người chiến thắng bằng chánh niệm;

Tâm của họ đạt đến một sự tập trung toàn hảo.

20. Thành tựu của giải thoát (Trưởng Lão Tăng Kệ, 100)

Được huấn luyện đầy đủ và vững chắc trong chánh tinh tấn,

Với chánh niệm trên các xứ của chính mình,

Nếu một người đạt được thành tựu của giải thoát như vậy,

Con người không một vết ô uế ấy sẽ không bao giờ tái sinh nữa.

21. Hay biết về hiện tại (Trung Bộ Kinh, 13)

Đừng nhớ lại những điều đã qua,

Và đừng để tương lai ấp ủ những hy vọng.

Quá khứ đã bị bỏ lại phía sau,

Tương lai thì vẫn chưa đến.

Nhưng những ai sáng suốt sẽ thấy được,

Hiện tại đang ở đây và ngay tại thời điểm này,

Một người khôn ngoan như vậy nên khao khát thành tựu được

Những điều không bao giờ có thể bị mất đi và cũng không bao giờ bị lung lay.

22. Tích luỹ (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 5)

“‘Một đống bất thiện’ là phát biểu một cách đúng đắn về năm chướng ngại. Bởi vì, chúng thực sự là toàn bộ tích luỹ của bất thiện. Năm chướng ngại đó là gì? Tham muốn dục lạc, sân giận, trạo cử, hôn trầm và nghi ngờ.

‘Một đống thiện pháp’ là phát biểu một cách đúng đắn về Tứ Niệm Xứ. Bởi vì, chúng thực sự là toàn bộ tích lũy thiện pháp.”

23. Món quà của tình bạn (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 48)

“Này các Tỳ-khưu, những ai mà các ngươi có thiện cảm, thích hợp để lắng nghe các ngươi — bạn bè và người đồng hành, bà con họ hàng — họ nên được khuyến khích, giới thiệu và an trú trong Tứ Niệm Xứ.”

24. Hữu ích ở khắp mọi nơi (Tương Ưng Bộ Kinh, 46, 23)

“Ta tuyên bố, này các Tỳ-khưu, chánh niệm hữu ích ở khắp mọi nơi.”

Những bước đầu tiên

25. Các trở ngại (Tăng Chi Bộ Kinh, 6, 118)

“Này các Tỳ-khưu, nếu không từ bỏ sáu điều này thì không thể chăm chú sống quán thân trên thân … quán thọ trên cảm thọ … quán tâm trên tâm … quán pháp trên các pháp được? Đó là sáu điều gì?

Thích hoạt động; thích nói chuyện; thích ngủ; thích hội nhóm; thiếu tự chế; ăn uống thái quá.”

26. Sự tiến triển từng bước (Tương Ưng Bộ Kinh, 46, 6)

Một thời Đức Thế Tôn trú gần Sāketa, trong vườn nai của Añjanavana. Lúc bấy giờ, du sĩ Kundaliya — một nhà tu khổ hạnh đi đến đó, và sau khi trao đổi những lời chào hỏi thân thiện và lịch sự với Thế Tôn, du sĩ ngồi sang một bên. Rồi vị ấy bạch với Thế Tôn như sau: “Tôi có thói quen đến thăm công viên ở các tu viện và đi gặp gỡ, thưa Ngài. Sau bữa ăn sáng, tôi có thói quen đi từ tu viện này sang tu viện khác, từ công viên này sang công viên khác. Ở đó, tôi gặp một số tu sĩ và các vị Bà-la-môn tham gia vào các cuộc thảo luận, chỉ vì họ nghĩ rằng tranh luận và chỉ trích là có lợi ích. Bây giờ, tôi xin hỏi tôn giả Gotama xem điều gì là có lợi ích?”

27. Sự khởi đầu (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 15)

Tại Sāvatthi, một thời Tôn giả Bāhiya đi đến gặp Đức Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, vị ấy thưa với Thế Tôn như sau: “Bạch Thế Tôn, thật là tốt lành nếu Thế Tôn có thể giải thích giáo lý cho con một cách ngắn gọn, để sau khi nghe giáo huấn, con có thể sống độc cư, ẩn dật, nhiệt thành và quyết tâm.”

Này Bāhiya, trước tiên con nên tịnh hoá sự khởi đầu của tất cả những điều lợi ích. Và khởi đầu của tất cả những điều lợi ích là gì? Giới hạnh đã được tịnh hoá cùng với sự hiểu biết đúng đắn. Khi giới hạnh của con rất thanh khiết và hiểu biết của con đúng đắn, thì này Bāhiya, được sự hỗ trợ và trợ giúp của giới hạnh, con có thể tu tập Tứ Niệm Xứ.

Này Bāhiya, và nếu như vậy, với sự hỗ trợ và trợ giúp của giới hạnh trong khi con tu tập Tứ Niệm Xứ, thì dù đêm tối hay bình minh đến với con, con sẽ chắc chắn chỉ thành tựu được sự tăng trưởng trong những điều lợi ích, mà không trở nên xấu đi.

Tôn giả Bāhiya hoan hỉ và hài lòng bởi lời dạy của Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ra đi.

Rồi tôn giả Bāhiya sống độc cư, ẩn dật, nghiêm túc, nhiệt tâm và quyết tâm. Với mục tiêu vì lợi ích của những người con cao thượng đi xuất gia, từ bỏ gia đình, là sự hoàn hảo cao nhất của đời sống thánh thiện, vị ấy đã sớm trực tiếp hay biết sự toàn hảo cao nhất này trong chính cuộc sống này, thu được thành tựu cho chính mình. “Đoạn diệt tái sinh, cuộc sống thánh thiện đã được trọn vẹn, công việc đã được hoàn thành, không còn công việc nào còn lại nữa”, vị ấy hay biết như vậy.

Như vậy, tôn giả Bāhiya đã trở thành một trong các vị A-la-hán.

28. Mục đích của Giới (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 21)

Hướng dẫn chung cho pháp hành

29. Hướng dẫn cho Bāhiya (Kinh Phật Tự Thuyết, I, 10)

“Như vậy, này Bāhiya, con nên rèn luyện bản thân như sau: ‘Trong cái thấy chỉ có cái thấy; trong cái nghe chỉ có cái nghe; trong cảm nhận (như mùi, vị hoặc xúc giác) chỉ có cảm nhận; trong suy nghĩ chỉ có suy nghĩ.’”

30. Hành thiền có hướng tâm và hành thiền không có hướng tâm (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 10)

Tại Sāvatthi, vào một buổi sáng, tôn giả Ānanda đắp y, cầm bát và đi đến một ni viện. Khi đến nơi, Ngài ngồi xuống chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Các Tỳ-khưu-ni đến gần và đảnh lễ tôn giả Ānanda một cách kính cẩn, rồi ngồi xuống một bên và thưa với tôn giả như sau:

Và rồi tôn giả Ānanda thuyết một bài pháp hướng dẫn, khuyến khích, khích lệ và làm hoan hỷ chư Tỳ-khưu-ni. Sau đó, Ngài đi khất thực ở Sāvatthi, trở về và dùng bữa. Rồi Ngài đi đến gặp Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ bậc Đạo sư một cách cung kính, Ngài ngồi xuống một bên và kể về chuyến viếng thăm ni viện của mình. Và Thế Tôn đã dạy như sau: “Đúng vậy, này Ānanda. Đúng vậy, này Ānanda. Quả thật, bất cứ Tăng Ni nào có tâm an trú trong Tứ Niệm Xứ, thì có thể mong đợi rằng họ sẽ thành tựu được các kết quả to lớn, dần dần tăng lên.

Vậy bốn xứ là gì? Ở đây, vị Tỳ-khưu chăm chú sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, chế ngự tham lam và đau khổ ở đời. Trong khi vị ấy chăm chú sống quán thân trên thân như vậy, sẽ có khởi lên bên trong vị ấy, với thân như là đối tượng, sự phấn khích của thân hay sự uể oải của tâm; hoặc tâm của vị ấy bị phân tán do bởi những thứ bên ngoài. Này Ānanda, vị Tỳ-khưu ấy nên hướng các suy nghĩ của mình đến bất kỳ đối tượng nào tạo nên lòng tin. Khi đã làm được như vậy, niềm vui sẽ khởi lên bên trong vị ấy. Trong một cái tâm hân hoan, hỷ lạc sẽ sanh khởi. Trong một cái tâm có hỷ lạc, sự định tĩnh ở bên trong sẽ xuất hiện. Ai tĩnh lặng trong tâm, sẽ cảm thấy hạnh phúc; và tâm hỷ sẽ đạt định. Bây giờ, vị ấy suy xét: ‘Mục đích mà ta hướng tâm (đến một nơi khác) nay đã hoàn thành. Bây giờ, chẳng lẽ ta không nên quay lưng lại với nó?’ Rồi vị ấy quay đi, không còn suy nghĩ và suy xét. ‘Ta nay tự do khỏi các nghiền ngẫm và suy xét, chánh niệm trong tâm và hạnh phúc”. Vị ấy hay biết như vậy.

Hơn nữa, này Ānanda, một vị Tỳ-khưu chăm chú sống quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp. Trong khi vị ấy chăm chú sống như vậy,, sẽ có khởi lên bên trong vị ấy, với thọ… với tâm … hoặc với pháp như là đối tượng, sự phấn khích của thân hay sự uể oải của tâm; hoặc tâm của vị ấy bị phân tán do bởi những thứ bên ngoài. Này Ānanda, vị Tỳ-khưu ấy nên hướng các suy nghĩ của mình đến bất kỳ đối tượng nào tạo nên lòng tin. Khi đã làm được như vậy, niềm vui sẽ khởi lên bên trong vị ấy. Trong một  cái tâm hân hoan, hỷ lạc sẽ sanh khởi. Trong một cái tâm có hỷ lạc, sự định tĩnh ở bên trong sẽ xuất hiện. Ai tĩnh lặng trong tâm, sẽ cảm thấy hạnh phúc; và tâm hỷ sẽ đạt định. Bây giờ, vị ấy suy xét: ‘Mục đích mà ta hướng tâm (đến một nơi khác) nay đã hoàn thành. Bây giờ chẳng lẽ ta không nên quay lưng lại với nó sao?’ Rồi vị ấy quay đi, không còn suy nghĩ và suy xét. ‘Ta nay tự do khỏi các nghiền ngẫm và suy xét, chánh niệm trong tâm và hạnh phúc”. Vị ấy hay biết như vậy.

Này Ānanda, đó là hành thiền có hướng tâm.

Và này Ānanda, vậy thế nào là hành thiền không có hướng tâm?

Này Ānanda, nếu tâm của một vị Tỳ-khưu không bị hướng ra phía bên ngoài, vị ấy hay biết: ‘Tâm tôi không hướng ra bên ngoài.’ Và rồi vị ấy hay biết thêm: ‘Trong (các giai đoạn tu tập) trước đây và sau này, tâm tôi không còn chướng ngại, tự do, không phóng dật’. Rồi vị ấy lại hay biết thêm nữa: ‘Tôi chăm chú sống quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham lam và đau khổ ở đời. Và tôi hạnh phúc.’

Này Ānanda, đó là hành thiền không định hướng.

Như vậy, Ānanda, ta đã dạy cho con cách hành thiền có định hướng và hành thiền không định hướng. Điều mà một bậc thầy có thể làm cho các đệ tử của mình là chúc họ những điều tốt lành từ lòng từ bi và cảm thông, là điều mà ta đã làm cho con. Này Ānanda, đây là những gốc cây và các cốc thất độc cư! Hãy hành thiền, Ānanda! Đừng lơ là, kẻo hối hận về sau! Đây là mệnh lệnh của ta dành cho con.”

Các giải thích về bản kinh

31. Quán niệm về các nhân tố tạo nên sự sinh khởi … (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 42)

“Này các Tỳ-khưu, ta sẽ chỉ cho các con sự sinh khởi và đoạn diệt trong Tứ Niệm Xứ. Hãy lắng nghe lời của ta!

Này các Tỳ-khưu, nguồn gốc của thân này là gì? Do có chất dinh dưỡng mà có cái thân này.

Nếu dừng cung cấp dinh dưỡng thì cái thân này sẽ đoạn diệt.

Do sự sinh khởi các ấn tượng từ các giác quan mà sinh khởi các cảm thọ. Nếu chấm dứt các ấn tượng từ các giác quan thì sẽ chấm dứt các cảm thọ.

Do sự sinh khởi của các tiến trình thân—tâm mà có sự sinh khởi của hay biết. Nếu chấm dứt sự sinh khởi các tiến trình thân—tâm thì sẽ chấm dứt sự hay biết.

Do sự sinh khởi của chú ý mà có sự sinh khởi của các đối tượng trong tâm. Nếu chấm dứt sự chú ý thì sẽ chấm dứt không có các đối tượng trong tâm.”

32. Vị ấy chăm chú an trú ở bên trong mìmh – I (Trường Bộ Kinh, 18)

Đức Brahmā Sanaṃkumāra nói với các vị chư thiên Tāvatiṃsa như sau: “Các vị chư thiên Tāvatiṃsa tôn kính nghĩ gì về điều đó? Chẳng phải Đấng Thế Tôn, là bậc biết, bậc thấy, bậc Thánh và bậc Toàn giác, đã tuyên thuyết một cách khéo léo về Tứ Niệm Xứ, để đạt được những điều lợi ích hay sao? Và bốn xứ đó là gì? Ở đây, một vị Tỳ-khưu sống quán thân trên thân ở bên trong mình. Trong khi chăm chú an trú như vậy, vị ấy rất định tĩnh và trong sáng. Khi định tĩnh và trong sáng như vậy, trong vị ấy sẽ gợi lên kiến ​​​​thức và cách nhìn liên quan đến cơ thể của những người khác, ở bên ngoài vị ấy. (Và điều tương tự những vậy cũng được áp dụng để thực hành đối với thọ, tâm và pháp).

33. Vị ấy chăm chú an trú ở bên trong mình – II (Bộ Phân Tích, Vi Diệu Pháp)

Làm thế nào để một Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán thân trên thân ở bên trong mình? Ở đây, vị Tỳ-khưu quán xét thân mình, từ lòng bàn chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, được bao bọc bởi lớp da và đầy những thứ dơ bẩn (bất tịnh), vị ấy suy nghĩ như sau: “Trong thân này có tóc trên đầu,…, dịch khớp, nước tiểu.” Sau đó, vị ấy hành thiền với đề mục này, phát triển nó, chú ý đến nó thường xuyên và thiết lập nó một cách vững chắc ở trong tâm mình. Sau khi đã thực hành như vậy, vị ấy hướng tâm của mình đến một cơ thể ở bên ngoài vị ấy.

Và thế nào là một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán thân trên thân ở bên ngoài thân mình? Ở đây, vị Tỳ-khưu quán xét về một cái thân ở bên ngoài vị ấy: “Trong thân vị ấy có: tóc trên đầu,…” Sau đó, vị ấy hành thiền với đề mục này, phát triển nó, chú ý đến nó thường xuyên và thiết lập nó một cách vững chắc trong tâm mình. Sau khi đã thực hành như vậy, vị ấy hướng tâm đến cơ thể ở cả bên trong và bên ngoài.

Và thế nào là một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán thân trên thân ở cả bên trong lẫn bên ngoài (thân mình)? Ở đây, vị Tỳ-khưu quán xét thân ở cả bên trong và bên ngoài, rằng: “Trong thân này có: tóc trên đầu,…” Như vậy, vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán thân trên thân, cả bên trong lẫn bên ngoài. (Và điều tương tự những vậy cũng được áp dụng để thực hành đối với thọ, tâm và pháp).

34. Bảy khía cạnh quán niệm của Tứ Niệm Xứ (Đạo Vô Ngại Giải – Paṭisambhidāmagga, 28. Luận về các nền tảng của quán niệm – Saṭipaṭṭhānakathā)

Thế nào là một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán xét thân trên thân?

Ở đây, vị ấy chăm chú quán xét hiện tượng vật chất ‘đất’ ở trong thân (paṭhavi-kāya) trong bảy khía cạnh sau: (1) là vô thường và không thường còn; (2) là đau đớn và không dễ chịu; (3) là vô ngã và không có một cái ngã nào; (4) vị ấy quay đi và không hài lòng về điều đó; (5) vị ấy xả ly và không tham dục; (6) vị ấy làm cho nó chấm dứt và không sinh khởi; (7) vị ấy từ bỏ không nắm bắt. Quán xét chúng là vô thường, vị ấy từ bỏ ý niệm thường còn; quán là khổ, vị ấy từ bỏ ý niệm lạc; quán xét là vô ngã, vị ấy từ bỏ ý niệm về ngã, có cái tôi; bằng cách quay lưng, vị ấy từ bỏ niềm vui; nhờ xả ly, vị ấy từ bỏ tham; bằng cách tạo ra sự chấm dứt, vị ấy từ bỏ nguồn gốc, sự sinh khởi; bằng cách buông bỏ, vị ấy từ bỏ bám chấp.

Vị ấy sống quán xét thân trong bảy khía cạnh ấy.

Thân là sự thiết lập ‘nền tảng’, không phải là ‘chánh niệm’; nhưng chánh niệm lại vừa là sự thiết lập ‘nền tảng’ cũng lại là ‘chánh niệm’. Với chánh niệm và hiểu biết như vậy, vị ấy sống quán xét thân. Vì vậy, nó được gọi là “nền tảng của chánh niệm bao gồm việc sống quán thân trên thân” (kāye-kāyānupassanā-satipaṭṭhāna).

Lại nữa, vị ấy chăm chú quán xét các hiện tượng vật chất khác ở trong thân như “nước”, hơi nóng, không khí, tóc trên đầu và thân, da ở phần thân trên và thân dưới, thịt, máu, gân, xương, tủy là vô thường và không thường còn. Vị ấy quán chúng là đau khổ … (tiếp tục như trên cho đến) … Vì vậy, nó được gọi là “nền tảng của chánh niệm bao gồm việc sống quán thân trên thân”.

Thế nào là một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán xét thọ trên các cảm thọ?

Ở đây, vị ấy chăm chú quán xét các cảm thọ dễ chịu, khó chịu và trung tính là vô thường và không thường còn; quán xét như vậy cho những cảm giác sinh khởi từ các ấn tượng của thị giác, từ các ấn tượng của âm thanh, từ các ấn tượng của mùi, từ các ấn tượng của vị giác, từ các ấn tượng của xúc giác và từ các ấn tượng của tâm trí. Vị ấy quán xét chúng là khổ đau chứ không phải là lạc thú; là vô ngã và không có một cái tôi; vị ấy quay đi và không thích thú chúng nữa; vị ấy xả ly và không tham dục; vị ấy làm cho nó chấm dứt và không sinh khởi; vị ấy từ bỏ không nắm bắt.

Quán xét chúng là vô thường, vị ấy từ bỏ ý niệm thường còn; quán là khổ, vị ấy từ bỏ ý niệm lạc; quán xét là vô ngã, vị ấy từ bỏ ý niệm về ngã, có cái tôi; bằng cách quay lưng, vị ấy từ bỏ niềm vui; nhờ xả ly, vị ấy từ bỏ tham; bằng cách tạo ra sự chấm dứt, vị ấy từ bỏ nguồn gốc, sự sinh khởi; bằng cách buông bỏ, vị ấy từ bỏ bám chấp.

Vị ấy sống quán xét thọ trong bảy khía cạnh ấy.

Cảm thọ là sự thiết lập ‘nền tảng’, không phải là ‘chánh niệm’; nhưng chánh niệm lại vừa là sự thiết lập ‘nền tảng’ cũng vừa là ‘chánh niệm’. Với chánh niệm và hiểu biết như vậy, vị ấy sống quán xét thọ. Vì vậy, nó được gọi là ‘nền tảng của chánh niệm bao gồm việc sống quán xét thọ trên các cảm thọ’.

Thế nào là một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán xét tâm trên tâm?

Ở đây, vị Tỳ-khưu quán xét tâm tham và tâm vô tham là vô thường và không thường còn; quán xét như vậy đối với tâm sân và tâm vô sân… (tiếp tục như trong kinh); vị ấy quán xét nhãn thức, nhĩ thức, khứu giác, vị giác, xúc giác và ý thức là vô thường và không thường còn. Và đối với mỗi một đề mục đó, vị ấy tiếp tục quán xét chúng là đau đớn và không dễ chịu; là vô ngã và không có một cái ngã nào; vị ấy quay đi và không hài lòng về điều đó; vị ấy xả ly và không tham dục; vị ấy làm cho nó chấm dứt và không sinh khởi; vị ấy từ bỏ không nắm bắt. Quán xét chúng là vô thường, vị ấy từ bỏ ý niệm thường còn; quán là khổ, vị ấy từ bỏ ý niệm lạc; quán xét là vô ngã, vị ấy từ bỏ ý niệm về ngã, có cái tôi; bằng cách quay lưng, vị ấy từ bỏ niềm vui; nhờ xả ly, vị ấy từ bỏ tham; bằng cách tạo ra sự chấm dứt, vị ấy từ bỏ nguồn gốc, sự sinh khởi; bằng cách buông bỏ, vị ấy từ bỏ bám chấp.

Vị ấy sống quán xét tâm trong bảy khía cạnh ấy.

Tâm là sự thiết lập ‘nền tảng’, không phải là ‘chánh niệm’; nhưng chánh niệm lại vừa là sự thiết lập ‘nền tảng’ cũng vừa là ‘chánh niệm’. Với chánh niệm và hiểu biết như vậy, vị ấy sống quán xét tâm. Vì vậy, nó được gọi là ‘nền tảng của chánh niệm bao gồm việc sống quán xét tâm trên tâm’.

Thế nào là một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán xét đối tượng của tâm (pháp) trên các đối tượng của tâm (các pháp)?

Ở đây, vị Tỳ-khưu quán xét các hiện tượng còn lại, ngoại trừ các hiện tượng thuộc thân, thọ, tâm (nghĩa là ý thức) là vô thường chứ không phải là thường còn. Vị ấy quán xét chúng là đau đớn và không dễ chịu; là vô ngã và không có một cái ngã nào; vị ấy quay đi và không hài lòng về điều đó; vị ấy xả ly và không tham dục; vị ấy làm cho nó chấm dứt và không sinh khởi; vị ấy từ bỏ không nắm bắt. Quán xét chúng là vô thường, vị ấy từ bỏ ý niệm thường còn; quán là khổ, vị ấy từ bỏ ý niệm lạc; quán xét là vô ngã, vị ấy từ bỏ ý niệm về ngã, có cái tôi; bằng cách quay lưng, vị ấy từ bỏ niềm vui; nhờ xả ly, vị ấy từ bỏ tham; bằng cách tạo ra sự chấm dứt, vị ấy từ bỏ nguồn gốc, sự sinh khởi; bằng cách buông bỏ, vị ấy từ bỏ bám chấp.

Vị ấy sống quán xét các đối tượng của tâm trong bảy khía cạnh ấy.

Các đối tượng của tâm là sự thiết lập ‘nền tảng’, không phải là ‘chánh niệm’; nhưng chánh niệm lại vừa là sự thiết lập ‘nền tảng’ cũng vừa là ‘chánh niệm’. Với chánh niệm và hiểu biết như vậy, vị ấy sống quán xét các đối tượng của tâm. Vì vậy, nó được gọi là ‘nền tảng của chánh niệm bao gồm việc sống quán xét đối tượng của tâm trên các đối tượng của tâm’.

Quán thân

35. Nếu thân không được làm chủ… (Trung Bộ Kinh, 36) 

Nếu không làm chủ được thân (bằng thiền tập; abhāvita – không hành thiền), thì không thể làm chủ được tâm. Nếu làm chủ được thân, sẽ làm chủ được tâm.

36. Chỉ có một thứ, này Tỳ-khưu… (Tăng Chi Bộ Kinh, 1, 21)

Này các Tỳ-khưu, có một thứ, nếu được trau dồi và thực hành thường xuyên sẽ dẫn đến tri giác sâu sắc về một sự cấp bách, … dẫn đến an lạc tối thượng, … dẫn đến đến chánh niệm và tỉnh giác, … dẫn đến thành tựu chánh kiến ​​và tri kiến, … dẫn đến hạnh phúc ở đây và ngay tại thời điểm này, … dẫn đến chứng ngộ giải thoát bằng trí tuệ và thánh quả (arahatta-phala): đó là chánh niệm về thân.

37. Kinh Thân hành niệm (Trung Bộ Kinh, 119)

Như vậy, tôi đã nghe được rằng. Một thời, Đức Thế Tôn trú tại Sāvatthi, ở Kỳ Viên Tự, trong tịnh xá của ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, một số vị Tỳ-khưu đi khất thực trở về, sau bữa ăn, đã tụ họp lại ở sảnh đường. Khi đó, có một cuộc đối thoại giữa một vài vị Tỳ-khưu như sau: “Thật kỳ diệu, này hỡi các huynh đệ, thật phi thường, khi Đức Thế Tôn, bậc hiểu biết, bậc thấy, bậc Thánh, bậc Toàn giác, đã mô tả rằng chánh niệm về thân này sẽ là thành tựu vĩ đại, sẽ là sự thuận lợi vĩ đại.” Đến đây, cuộc trò chuyện của các vị ấy bị gián đoạn. Thế Tôn sau khi rời chỗ ẩn cư vào buổi tối, đã đi đến sảnh đường và ngồi xuống nơi chỗ ngồi được soạn sẵn cho Ngài. Khi đã ngồi như vậy, Ngài hỏi các Tỳ-khưu: “Này các Tỳ-khưu, các con đang ngồi đây nói về chuyện gì? Câu chuyện đối thoại mà các con bị làm gián đoạn là gì?”

Kế tiếp, như được dạy ra trong kinh, các phần quán niệm về các oai nghi của thân, về chánh niệm và tỉnh giác, sự nhơ bẩn của thân, và quán niệm xác chết, mỗi phần được theo sau bởi đoạn trên: “Người nào sống tha thiết, nhiệt thành…”

Đấng Thế Tôn đã dạy như vậy. Trong lòng hân hoan, các vị Tỳ-khưu hoan hỉ nhận lời dạy của Đấng Thế Tôn.

38. Trích từ các câu kệ của Ngài Ānanda (Trưởng Lão Tăng Kệ, 1035)

Người huynh trưởng đã qua đời, Bậc Đạo sư cũng đã ra đi.

Bây giờ, không có tình bạn nào tương đương với điều này: Chánh niệm về thân.

39. Kinh Quán niệm hơi thở (Trung Bộ Kinh, 118)

“… Này các Tỳ-khưu, nếu chánh niệm về hơi thở được trau đồi và thường xuyên thực hành, điều đó sẽ mang lại những thành tựu và lợi ích to lớn. Nếu chánh niệm về hơi thở được trau dồi và thực hành thường xuyên, điều đó sẽ mang lại sự hoàn hảo cho pháp hành Tứ Niệm Xứ. Nếu pháp hànhTứ Niệm Xứ được trau dồi và thực hành thường xuyên, điều đó sẽ mang đến sự viên mãn cho bảy chi phần giác ngộ (Thất giác chi). Nếu bảy chi phần giác ngộ được trau dồi và thường xuyên thực hành, điều đó sẽ mang lại trí tuệ và giải thoát viên mãn.

Và bằng cách nào mà nếu được trau dồi và thực hành thường xuyên thì chánh niệm về hơi thở mang lại được những thành tựu và lợi ích lớn lao?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu đi vào rừng, đến một gốc cây, hoặc đến một chỗ đất trống, ngồi bắt chéo chân, giữ thân thẳng và chánh niệm tỉnh giác. Hoàn toàn chánh niệm vị ấy hít vào, hoàn toàn chánh niệm vị ấy thở ra.

I. Niệm xứ đầu Tiên (Quán thân)

1. Hít vào một hơi dài, vị ấy biết: ‘Tôi hít vào một hơi dài’. Thở ra một hơi dài, vị ấy biết: ‘Tôi thở ra một hơi dài.’

2. Hít vào một hơi ngắn, vị ấy biết: ‘Tôi hít vào một hơi ngắn’. Thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết, ‘Tôi thở ra một hơi ngắn.’

3. ‘Cảm nhận toàn bộ hơi thở, tôi sẽ hít vào.’ Vị ấy huấn luyện mình như vậy. ‘Cảm nhận toàn bộ hơi thở, tôi sẽ thở ra.’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

4. ‘An tịnh hơi thở, tôi sẽ hít vào.’ Vị ấy huấn luyện mình như vậy. ‘An tịnh hơi thở, tôi sẽ thở ra.’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

II. Niệm xứ thứ hai (Quán thọ)

5. ‘Cảm nhận hỷ lạc, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện mình như vậy.

6. ‘Cảm nhận hạnh phúc, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

7. ‘Cảm nhận các hoạt động của tâm, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

8. ‘An tịnh các hoạt động của tâm, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

III. Niệm xứ thứ ba (Quán tâm)

9. ‘Cảm nhận tâm mình, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

10. ‘Hân hoan trong tâm, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

11. ‘An định tâm mình, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

12. ‘Với tâm giải thoát, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

IV. Niệm xứ thứ tư (Quán pháp, các đối tượng của tâm)

13. ‘Quán xét vô thường, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

14. ‘Quán xét sự vô tham, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

15. ‘Quán xét sự đoạn diệt, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

16. ‘Quán xét sự buông bỏ, tôi sẽ hít vào (tôi sẽ thở ra).’ Vị ấy huấn luyện bản thân mình như vậy.

Này các Tỳ-khưu, nếu được trau dồi và thường xuyên tu tập như vậy, thì chánh niệm về hơi thở sẽ đem lại thành tựu và lợi ích lớn lao.

Hoàn thiện các nền tảng của chánh niệm (Tứ Niệm Xứ)

Và tu tập như thế nào, trau dồi như thế nào, thường xuyên thực hành như thế nào để chánh niệm về hơi thở dẫn đến thành tựu viên mãn, hoàn thiện các nền tảng của chánh niệm (Tứ Niệm Xứ)?

I. Bất cứ khi nào vị Tỳ-khưu hít vào và thở ra một hơi thở dài hoặc ngắn một cách chánh niệm; hoặc khi vị ấy đang huấn luyện bản thân mình hít vào, thở ra trong lúc cảm nhận được chức năng trên thân (của hơi thở); hoặc trong lúc an tịnh chức năng trên thân (của hơi thở), này các Tỳ-khưu, lúc đó vị ấy chăm chú an trú sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, và chánh niệm; chế ngự được tham lam và đau khổ ở đời. Vì vậy, này các Tỳ-khưu, ta tuyên bố rằng hơi thở vào và ra là một trong những tiến trình của thân.

II. Bất cứ khi nào vị Tỳ-khưu huấn luyện bản thân mình hít vào và thở ra trong lúc cảm nhận được trạng thái hỷ lạc; hoặc trong lúc cảm nhận được hạnh phúc; hoặc trong lúc cảm nhận được các chức năng của tâm; hoặc trong lúc an tịnh các chức năng của tâm, này các Tỳ-khưu, lúc đó vị ấy chăm chú an trú sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, và chánh niệm, chế ngự được tham lam và đau khổ ở đời. Vì vậy, ta tuyên bố rằng sự chú ý trọn vẹn vào hơi thở vào và ra là một trong những cảm thọ.

III. Bất cứ khi nào vị Tỳ-khưu huấn luyện bản thân mình hít vào và thở ra, trong lúc cảm nhận được tâm mình; hoặc trong lúc tâm trí hân hoan; hoặc trong lúc tâm trí định tĩnh; hoặc trong lúc tâm trí giải thoát, lúc đó vị ấy chăm chú an trú sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, chế ngự được tham lam và đau khổ ở đời. Với những ai thiếu chánh niệm và tỉnh giác, ta tuyên bố rằng những người ấy không thể phát triển chánh niệm về hơi thở.

IV. Bất cứ khi nào vị Tỳ-khưu huấn luyện bản thân mình hít vào và thở ra, trong lúc quán xét về vô thường, sự ly tham, sự đoạn diệt hoặc sự buông bỏ, lúc đó vị ấy chăm chú an trú sống quán đối tượng của tâm trên các đối tượng của tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, chế ngự được tham lam và đau khổ ở đời. Sau khi đã thấy được việc từ bỏ tham lam và đau khổ một cách trí tuệ, vị ấy nhìn mọi thứ với một với tâm xả hoàn toàn.

Này các Tỳ-khưu, nếu chánh niệm về hơi thở được trau dồi và thường xuyên thực hành như vậy, thì sẽ dẫn đến thành tựu viên mãn và hoàn thiện các nền tảng của chánh niệm (Tứ Niệm Xứ).

Và làm thế nào mà trau dồi và thực hành thường xuyên pháp hành Tứ Niệm Xứ dẫn đến thành tựu viên mãn bảy chi phần giác ngộ?

Bất cứ khi nào một vị Tỳ-khưu chăm chú an trú sống quán thân, thọ, tâm và pháp, nhiệt tâm … chánh niệm trong sáng sẽ được thiết lập ở bên trong vị ấy. Và khi chánh niệm trong sáng đã được thiết lập ở bên trong vị ấy, vào lúc đó, niệm giác chi sẽ được khởi lên bên trong vị ấy; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển niệm giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển niệm giác chi.

An trú trong chánh niệm như vậy, vị ấy sáng suốt nghiên cứu, khảo sát và xem xét kỹ lưỡng các đối tượng tương ứng; và trong khi thực hiện việc đó, trạch pháp giác chi (khảo sát thực tại) sẽ được khởi lên bên trong vị Tỳ-khưu; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển trạch pháp giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển trạch pháp giác chi.

Trong khi vị ấy nghiên cứu thực tại một cách khôn ngoan, khảo sát và xem xét kỹ lưỡng các đối tượng như vậy, thì năng lượng không ngừng sẽ được khơi dậy bên trong vị ấy. Và khi năng lượng không ngừng được khởi phát bên trong vị Tỳ-khưu, vào lúc đó, tinh tấn giác chi sẽ được khởi lên bên trong vị ấy; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển tinh tấn giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển tinh tấn giác chi.

Rồi bên trong vị ấy, có một năng lượng hỷ siêu thế sinh khởi. Và khi năng lượng hỷ siêu thế sinh khởi ở bên trong mình, vào lúc đó, hỷ giác chi sẽ được khởi lên bên trong vị ấy; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển hỷ giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển hỷ giác chi.

Khi thân và tâm của vị ấy tràn ngập hỷ, nó sẽ trở nên tĩnh lặng. Và khi thân và tâm của vị ấy tràn ngập hỷ, khi nó trở nên yên bình, vào lúc đó khinh an giác chi sẽ được khởi lên bên trong vị ấy; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển khinh an giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển khinh an giác chi.

Khi khinh an và hạnh phúc, tâm của một người sẽ trở nên định tĩnh. Và khi tâm của một vị Tỳ-khưu khinh an và hạnh phúc, khi nó trở nên định tĩnh, vào lúc đó, định giác chi sẽ được khởi lên ở bên trong vị ấy; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển định giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển định giác chi.

Với tâm được định tĩnh như vậy, vị ấy nhìn (mọi việc) với một sự bình thản hoàn hảo. Và khi nhìn mọi việc một cách bình thản hoàn hảo bằng một cái tâm định tĩnh, vào lúc đó, xả giác chi sẽ được khởi lên ở bên trong vị ấy; vào lúc đó, vị Tỳ-khưu phát triển xả giác chi; vào lúc đó, vị ấy đạt được sự viên mãn trong việc phát triển xả giác chi.

Khi Tứ Niệm Xứ được trau dồi và thực hành thường xuyên như vậy, nó sẽ mang lại sự viên mãn của bảy chi phần giác ngộ.

Và làm thế nào khi trau dồi và thực hành thường xuyên bảy chi phần giác ngộ sẽ mang lại sự viên mãn cho trí tuệ và giải thoát?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu tu tập phát triển các chi phần giác ngộ bao gồm niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi và xả giác chi, dựa trên sự buông bỏ, dựa trên sự ly tham, dựa trên sự đoạn diệt, kết quả sẽ đưa đến sự xả ly.

Nếu Bảy chi phần giác ngộ được trau dồi và thực hành thường xuyên như vậy, nó sẽ mang lại thành tựu viên mãn cho trí tuệ và giải thoát.”

Đấng Thế Tôn đã dạy như vậy. Hân hoan trong lòng, các Tỳ-khưu hoan hỉ nhận lời dạy của Thế Tôn.

40. Chánh niệm về hơi thở (Tương Ưng Bộ Kinh, 44, 9)

“Nếu được trau dồi và thực hành thường xuyên, định tâm đạt được nhờ chánh niệm về hơi thở là an lạc và siêu phàm, một trạng thái tâm thuần khiết và hạnh phúc khiến cho những ý nghĩ tội lỗi và bất thiện lập tức chấm dứt và biến mất, bất cứ khi nào chúng khởi lên.”

41. Chết trong chánh niệm (Trung Bộ Kinh, 62)

Này Rāhula, nếu chánh niệm về hơi thở đã được trau dồi và thường xuyên thực hành, thì ngay cả hơi thở vào và hơi thở ra cuối cùng cũng trôi qua một cách có ý thức, không phải vô ý thức.

Tỉnh giác

Bốn tư thế

42. Tu tập để giác ngộ (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, 110)

“Trong khi đang đi, đứng, ngồi, hay nằm sau khi tỉnh dậy, nếu có một suy nghĩ tham, sân, hay si khởi lên bên trong người một vị Tỳ-khưu mà vị ấy nhẫn nại chịu đựng nó, không bác bỏ, không đẩy đuổi, và không loại bỏ nó, không đoạn diệt nó, một vị Tỳ-khưu sống như vậy là thường xuyên thiếu tinh tấn nỗ lực, là đáng xấu hổ về đạo đức, được gọi là lười biếng và không có nghị lực.

Trong khi đang đi, đứng, ngồi, hay nằm sau khi tỉnh dậy, nếu có một suy nghĩ tham, sân, hay si khởi lên trong người một vị Tỳ-khưu, mà vị ấy không khoan dung với nó, bác bỏ, đẩy đuổi, và loại bỏ nó, đoạn diệt nó, một vị Tỳ-khưu sống như vậy là thường xuyên tinh tấn nỗ lực, là biết xấu hổ về mặt đạo đức, được gọi là mạnh mẽ và kiên quyết.

Khi đi, đứng, ngồi hay nằm,

Người nào giữ trong lòng những ý nghĩ xấu xa hay trần tục,

Bị chúng mê hoặc, vị ấy đi theo con đường đi xuống;

Vị ấy sẽ không bao giờ có thể đạt được giác ngộ tối thượng.

Nhưng người nào vượt qua được những ý nghĩ xấu xa này,

Trong khi đi, đứng, ngồi hoặc nằm;

Người nào tìm thấy niềm vui trong sự tĩnh lặng tâm như vậy,

Vị ấy chắc chắn sẽ đạt được sự giác ngộ tối thượng.”

43. Tu tập trong sự quyết đoán và tuệ giác (Kinh Phật Thuyết Như Vậy, 111)

“Hãy tận tuỵ an trú trong giới hạnh, này hỡi các Tỳ-khưu, hãy tận tụy an trú trong giới luật của Tăng đoàn và được thu thúc bởi giới luật! Sự viên mãn nằm ở đạo đức và hành vi của vị Tỳ-khưu! Thấy được sự nguy hiểm với ngay cả một sự phạm giới nhỏ bé nhất, Tỳ-khưu nên rèn luyện bản thân theo các giới luật mà vị ấy đã chấp nhận! Nhưng nếu một vị Tỳ-khưu sống như vậy, kế tiếp vị ấy nên làm gì?

Nếu vị Tỳ-khưu trong khi đi, đứng, ngồi, hay nằm, tự do thoát khỏi tham và sân, khỏi hôn trầm, khỏi trạo cử, đã buông bỏ mọi hoài nghi, thì vị ấy đã trở nên mạnh mẽ và không gì lay chuyển được; chánh niệm của vị ấy tỉnh giác và trong sáng; cơ thể của vị ấy an định và không bị kích động; tâm trí của vị ấy định tĩnh và tự chủ.

Vị Tỳ-khưu nào sống như vậy, luôn nỗ lực hết mình và không hổ thẹn về đạo đức, được gọi là tinh tấn và cương quyết.

Kiểm soát khi đi, đứng, ngồi và nằm,

Kiểm soát khi co, duỗi chân tay,

Người quan sát cẩn thận thế giới xung quanh mình:

Vị ấy biết các uẩn sinh và diệt như thế nào.

Vị ấy sống như vậy với tâm nhiệt thành

Và thái độ điềm tĩnh, không bồn chồn,

Vị ấy rèn luyện bản thân mình trong sự tĩnh lặng của tâm trí,

Với sự kiên định và kiên trì

Vị Tỳ-khưu ấy được gọi là ‘một con người kiên quyết bất tận’”.

44. Sự tu tập của Bồ-tát (Trung Bộ Kinh, 4)

“Trước khi hoàn toàn giác ngộ, khi ta chưa chứng ngộ hoàn toàn, vẫn còn là một Bồ-tát, ta có suy nghĩ như thế này: ‘Sẽ như thế nào nếu ta sống ở những nơi kỳ lạ và đáng sợ, gần những ngôi đền và lăng mộ, trong rừng, dưới tán cây, vào những đêm đặc biệt quan trọng, ngày thứ mười bốn, ngày thứ mười lăm hoặc ngày thứ tám của mỗi nửa tháng?’ Có lẽ như vậy thì ta mới có thể biết được nỗi sợ hãi và kinh hoàng đó là như thế nào. Và sau một thời gian, vào những đêm đặc biệt quan trọng, vào ngày thứ mười bốn, ngày thứ mười lăm hoặc ngày thứ tám của mỗi nửa tháng, ta đến sống ở gần những ngôi đền và lăng mộ, trong rừng và dưới tán cây. Trong khi ta ở đó, đôi khi một con hươu sẽ đến gần, một con công sẽ làm gãy một cành cây hoặc gió sẽ thổi xào xạc qua một đám lá. Khi đó, ta nghĩ rằng: ‘Có phải là nỗi sợ hãi và kinh hoàng đang đến không?’ Nhưng rồi ta suy xét: ‘Tại sao ta phải chờ đợi nỗi sợ hãi đó? Chẳng phải là tốt hơn nếu ta xua tan nỗi sợ hãi và kinh hoàng đó trong chính tình thế mà nó đến gặp ta hay sao?’ Rồi nỗi sợ hãi và kinh hoàng ập đến khi ta đi (kinh hành) lui, tới. Ngay sau đó, ta không đứng, không ngồi, cũng không nằm xuống cho đến khi xua tan được nỗi sợ hãi và kinh hoàng đó, ngay trong lúc đi tới, đi lui. Sau đó, nỗi sợ hãi và kinh hoàng lại đến khi ta đang đứng. Và ta không đi, không ngồi, cũng không nằm xuống, cho đến khi ta đã xua tan được nỗi sợ hãi và kinh hoàng đó, ngay trong khi đang đứng. Sau đó, nỗi sợ hãi và kinh hoàng lại đến trong khi ta đang ngồi. Và ta không đi, không đứng, cũng không nằm xuống cho đến khi ta đã xua tan được nỗi sợ hãi và kinh hoàng đó, ngay trong khi đang ngồi. Sau đó, nỗi sợ hãi và kinh hoàng lại ập đến khi ta đang nằm. Và ta không đi, không đứng, cũng không ngồi xuống cho đến khi xua tan được nỗi sợ hãi và kinh hoàng đó, ngay trong khi ta đang nằm.”

45. Tỉnh giác trong bất kỳ tư thế nào (Trung Bộ Kinh, 122)

“Nếu tâm của một vị Tỳ-khưu khởi lên mong muốn đi tới đi lui, vị ấy sẽ đi tới đi lui với ý nghĩ như thế này: ‘Trong khi ta đang đi tới đi lui, tham lam, đau khổ và những ý nghĩ xấu xa, bất thiện khác sẽ không xâm nhập vào tâm ta!’ Vị ấy có được sự tỉnh giác rõ ràng như vậy.

Nếu tâm của một vị Tỳ-khưu khởi lên mong muốn đứng lên, ngồi xuống hay nằm xuống, thì vị ấy sẽ đứng lên, ngồi xuống hay nằm xuống với ý nghĩ như thế này: ‘Khi ta đang đứng (ngồi hay nằm), tham lam, đau khổ và những ý nghĩ xấu xa, bất thiện khác sẽ không xâm nhập vào tâm ta!’ Vị ấy có được sự tỉnh giác rõ ràng như vậy.”

46. Tỉnh giác khi nói năng (Trung Bộ Kinh, 122)

“Nếu tâm của một vị Tỳ-khưu khởi lên mong muốn nói chuyện (với ai đó), vị ấy nên nghiền ngẫm như sau: ‘Ta sẽ không tham gia vào các câu chuyện tầm thường, thế tục và vô ích; điều đó không dẫn đến sự buông bỏ, vô tham, đoạn diệt, tĩnh lặng, tri thức trực tiếp, giác ngộ, Niết-bàn;  cụ thể là nói chuyện về các vị vua, kẻ trộm, bộ trưởng, quân đội, nạn đói và chiến tranh; về ăn, uống, y phục, và chỗ ở; về vòng hoa, nước hoa, người thân, xe cộ, làng mạc, thị trấn, các thành phố và quốc gia; về phụ nữ và rượu, chuyện thị phi ở ngoài đường và bên giếng, chuyện về tổ tiên, đủ thứ các chuyện lặt vặt, chuyện kể về nguồn gốc của thế giới và biển cả, chuyện về sự vật là như thế này thế khác, và những vấn đề tương tự.’ Vị ấy có sự tỉnh giác rõ ràng như vậy.

‘Nhưng những câu chuyện hữu ích để dẫn đến một cuộc sống nghiêm khắc, có ích cho một tinh thần minh mẫn, dẫn đến việc hoàn toàn buông bỏ, vô tham, đoạn diệt, tĩnh lặng, tri thức trực tiếp, giác ngộ và Niết-bàn; đó là bàn về sự biết đủ, sự mãn nguyện, độc cư, ẩn dật, tinh tấn, giới hạnh, định tâm, tuệ giác, giải thoát và về tri thức và tri kiến mà sự giải thoát mang lại — ta sẽ tham gia vào những cuộc nói chuyện đó.’ Vị ấy có sự tỉnh giác rõ ràng như vậy.”

47. Tỉnh giác khi nhìn (Tăng Chi Bộ kinh, 8, 9)

“Này các Tỳ-khưu, khi nói về Nanda, người ta có thể nói rằng vị ấy thuộc một gia đình tốt, rằng ông ấy mạnh mẽ, điển trai và rất đam mê. Này các Tỳ-khưu, nếu Nanda không thu thúc lục căn (canh giữ sáu cửa giác quan), ăn uống không điều độ, không gieo trồng sự tỉnh táo, không có chánh niệm và tỉnh giác, thì ông ấy không thể sống đời phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh được.

Bây giờ, này các Tỳ-khưu, đây là cách Nanda canh giữ sáu cửa giác quan: Nếu Nanda phải nhìn về hướng Đông, ông ấy sẽ chỉ làm như vậy sau khi đã suy xét kỹ lưỡng mọi thứ trong tâm rằng: ‘Trong khi tôi đang nhìn về hướng Đông, liệu rằng sẽ không có tham lam và đau khổ, cũng như không có những ý tưởng tội lỗi và bất thiện nào khác xâm nhập vào tâm trí của tôi?’ Ông ấy có sự tỉnh giác rõ ràng như vậy.

Nếu ông ấy phải nhìn về hướng Tây, Nam hoặc Bắc, hoặc phải nhìn lên, nhìn xuống, hoặc nhìn về một hướng trung gian nào đấy, thì ông ấy cũng sẽ chỉ làm như vậy sau khi đã suy xét kỹ lưỡng mọi thứ trong tâm rằng: “Trong khi tôi đang nhìn về hướng Tây, Nam, hay Bắc, liệu rằng sẽ không có tham lam và đau khổ, cũng như không có những ý tưởng tội lỗi và bất thiện nào khác xâm nhập vào tâm trí của tôi?” Ông ấy có sự tỉnh giác rõ ràng như vậy.

Bây giờ, này các Tỳ-khưu, đây là chánh niệm và tỉnh giác của Nanda: Với một sự nhận biết hoàn toàn, các cảm giác sinh khởi trong Nanda, với một sự nhận biết hoàn toàn, chúng tiếp tục diễn ra, với một sự nhận biết hoàn toàn, chúng chấm dứt. Với một sự nhận biết hoàn toàn, nhận thức phát sinh trong Nanda, với một sự nhận biết hoàn toàn, chúng tiếp tục diễn ra, với một sự nhận biết hoàn toàn, chúng chấm dứt. Với một sự nhận biết hoàn toàn, những suy nghĩ nảy sinh trong Nanda, với một sự nhận biết hoàn toàn, chúng tiếp tục diễn ra, với một sự nhận biết hoàn toàn, chúng chấm dứt. Này các Tỳ-khưu, đó là chánh niệm và tỉnh giác của Nanda.”

Quán thọ

48. Bằng cách nào để hiểu các cảm thọ? (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 49)

“Này các Tỳ-khưu, có ba loại cảm thọ: Lạc thọ, khổ thọ và xả thọ.

Này các Tỳ-khưu, để hiểu biết đầy đủ về ba loại cảm thọ này, phải tu tập pháp hành Tứ Niệm Xứ.”

49. Buông bỏ (Tương Ưng Bộ Kinh, 36, 3)

“Này các Tỳ-khưu, trong các lạc thọ (cảm giác dễ chịu), tâm tham nên được buông bỏ; trong các khổ thọ (cảm giác khó chịu), tâm sân nên được buông bỏ; trong những các xả thọ (cảm giác trung tính), tâm si (mê mờ) nên được buông bỏ.

Nếu một Tỳ-khưu đã buông bỏ được tâm tham trong các lạc thọ, tâm sân trong khổ thọ, và tâm si trong các xả thọ, thì vị ấy được gọi là người đã được giải thoát khỏi các tà kiến, vị ấy đã thấy biết một cách rõ ràng. Vị ấy đã cắt đứt ái dục, cắt đứt các kiết sử, và nhờ vào việc diệt trừ ngã mạn, vị ấy chấm dứt khổ đau.

Nếu một người cảm thấy niềm vui, nhưng không biết bản chất của cảm giác,

Mà hướng về tham lam, thì vị ấy sẽ không tìm thấy sự giải thoát.

Nếu một người cảm thấy đau đớn, nhưng không biết bản chất của cảm giác,

Mà hướng về hận thù, thì vị ấy sẽ không tìm thấy sự giải thoát.

Và ngay cả cảm giác trung tính vốn là bình yên

Đấng Trí Tuệ đã tuyên bố rằng,

Nếu vị ấy dính mắc vào nó,

Thì vị ấy sẽ không giải thoát được khỏi vòng bệnh tật (trong tâm).

Nhưng nếu một Tỳ-khưu nhiệt tâm và không lơ là,

Thực hành chánh niệm và tỉnh giác,

Vị ấy sẽ xuyên thấu vào bản chất của mọi cảm giác.

Và khi làm được như vậy trong chính cuộc đời này,

Vị ấy sẽ được giải thoát khỏi mọi lậu hoặc, khỏi mọi cấu uế.

Trưởng thành trong kiến ​​thức, vững chắc trong con đường của pháp,

Đến khi thọ mạng của vị ấy chấm dứt, khi thân thể này tan rã,

Mọi thước đo và khái niệm sẽ được vượt qua.”

50. Các cảm thọ, ở bên trong và ở bên ngoài … (Tương Ưng Bộ Kinh, 36, 2)

“Dù là cảm giác dễ chịu, đau đớn, hay trung tính,

Cảm thọ của chính mình hay của người khác, mọi loại cảm thọ,

Vị ấy hay biết chúng như là có hại, dối trá, và phù du.

Nhận thức được tác động lặp đi lặp lại của chúng và sự đoạn diệt của chúng,

Vị ấy sẽ thành tựu được sự buông bỏ các cảm xúc, giải thoát khỏi mọi tham đắm vào cảm xúc.”

51. Thẩm xét cảm thọ một cách chánh niệm (Tương Ưng Bộ Kinh, 36, 7)

Một thời Đức Thế Tôn trú tại Vesāli, ở khu rừng lớn, trong ngôi nhà có đầu hồi. Vào buổi tối, Thế Tôn từ nơi ở đứng dậy, tự mình đến phòng bệnh và ngồi xuống chỗ ngồi đã được chuẩn bị sẵn. Ngồi ở đó, Ngài dạy các Tỳ-khưu như sau:

“Này các Tỳ-khưu, một cách chánh niệm và tỉnh giác, vị Tỳ-khưu nên dành thời gian của mình để nhận thức thấu đáo về chánh niệm và tỉnh giác! Đây là mệnh lệnh của ta dành cho các con!

Nếu một Tỳ-khưu chánh niệm và tỉnh giác, nhiệt tâm, nghiêm túc, cương quyết như vậy, khi trong mình có một lạc thọ khởi lên, vị ấy hay biết rằng: ‘Hiện đang có một lạc thọ đã khởi lên trong ta. Nó xảy ra là do có điều kiện, không phải là không có điều kiện. Nó được điều kiện hoá bởi điều gì?  Ngay cả thân này cũng được điều kiện hoá. Và thân này quả thật là vô thường, được ghép lại với nhau (từ những phần khác nhau), được sinh khởi tuỳ theo duyên. Nếu lạc thọ này được điều kiện hoá bởi cái thân này mà các bộ phận liên quan đến cái thân này là vô thường, được ghép lại với nhau, được sinh khởi tuỳ theo duyên, thì liệu một cảm thọ dễ chịu như vậy có thể nào thường còn?’

Đối với cả thân này và cảm thọ lạc, vị ấy chăm chỉ an trú quán xét sự vô thường, quán xét tính chất phù du, quán xét sự buông bỏ, quán xét sự đoạn diệt, quán xét sự xả ly. Với người nào chăm chú an trú quán xét như vậy thì tâm tham đối với thân và các cảm thọ lạc sẽ tiêu tan.

Nếu có một khổ thọ khởi lên ở bên trong mình, vị ấy hay biết rằng: ‘Hiện đang có một khổ thọ đã khởi lên bên trong ta. Nó xảy ra là do có điều kiện, không phải là không có điều kiện. Nó được điều kiện hoá bởi điều gì? Ngay cả thân này cũng được điều kiện hoá. Và thân này quả thật là vô thường, được ghép lại với nhau (từ những phần khác nhau), được sinh khởi tuỳ theo duyên. Nếu khổ thọ này được điều kiện hoá bởi cái thân này mà các bộ phận liên quan đến cái thân này là vô thường, được ghép lại với nhau, được sinh khởi tuỳ theo duyên, thì liệu một cảm thọ khổ như vậy có thể nào thường còn?’

Đối với cả thân và khổ thọ này, vị ấy chăm chỉ an trú quán xét sự vô thường, quán xét tính chất phù du, quán xét sự buông bỏ, quán xét sự đoạn diệt, quán xét sự xả ly. Với người nào chăm chú an trú quán xét như vậy thì tâm tham đối với thân và các khổ thọ sẽ tiêu tan.

Nếu có một cảm thọ trung tính (xả thọ) khởi lên ở bên trong mình, vị ấy hay biết rằng: ‘Hiện đang có một cảm thọ trung tính đã khởi lên bên trong ta. Nó xảy ra là do có điều kiện, không phải là không có điều kiện. Nó được điều kiện hoá bởi điều gì? Ngay cả thân này cũng được điều kiện hoá. Và thân này quả thật là vô thường, được ghép lại với nhau (từ những phần khác nhau), được sinh khởi tuỳ theo duyên. Nếu cảm thọ trung tính này được điều kiện hoá bởi cái thân này mà (bộ phận liên quan đến cảm thọ đó) là vô thường, được ghép lại với nhau, được sinh khởi tuỳ theo duyên, thì liệu một cảm thọ trung tính như vậy có thể nào thường còn?’

Đối với cả thân và xả thọ này, vị ấy chăm chỉ an trú quán xét sự vô thường, quán xét tính chất phù du, quán xét sự buông bỏ, quán xét sự đoạn diệt, quán xét sự xả ly. Với người nào chăm chú an trú quán xét như vậy thì tâm tham đối với thân và các xả thọ sẽ tiêu tan.

Nếu vị ấy kinh nghiệm được lạc thọ, vị ấy hay biết rằng nó là vô thường; vị ấy hay biết rằng, nó không phải là để bị dính mắc vào; vị ấy hay biết rằng, nó không phải là để bị mê đắm vào. Nếu vị ấy kinh nghiệm được một khổ thọ, … một xả thọ, vị ấy hay biết rằng nó là vô thường; vị ấy hay biết rằng, nó không phải là để bị dính mắc vào; vị ấy hay biết rằng, nó không phải là để bị mê đắm vào.

Nếu vị ấy kinh nghiệm được một lạc thọ, vị ấy cảm nhận nó theo cách của một người không bị trói buộc bởi nó. Nếu vị ấy kinh nghiệm được một khổ thọ, vị ấy cảm nhận nó theo cách của một người không bị trói buộc bởi nó. Nếu vị ấy kinh nghiệm được một xả thọ, vị ấy cảm nhận nó theo cách của một người không bị trói buộc bởi nó. 

Khi có các khổ thọ gây nguy hiểm cho thân của mình, vị ấy hay biết rằng: ‘Ta đang có khổ thọ gây nguy hiểm cho thân mình.’ Khi có các khổ thọ gây nguy hiểm cho cuộc sống của mình, vị ấy hay biết rằng: ‘Ta đang có khổ thọ gây nguy hiểm cho cuộc sống của mình.’ Và vị ấy hay biết rằng: ‘Sau khi thân hoại mạng chung, khi thọ mạng chấm dứt, tất cả những cảm thọ không thoả mãn này sẽ phải dừng lại, ngay tại đây.’

Giống như ngọn đèn cháy được nhờ dầu và bấc, nếu hết dầu và bấc, đèn sẽ tắt vì thiếu thứ nuôi dưỡng ngọn lửa. Tương tự như vậy, một vị Tỳ-khưu hay biết rằng: ‘Sau khi thân hoại mạng chung, khi thọ mạng chấm dứt, tất cả những cảm thọ không thoả mãn này sẽ phải dừng lại, ngay tại đây.’”

Quán niệm về các trạng thái tâm

52. Giáo pháp có thể trông thấy được (Tương Ưng Bộ Kinh, 35, 70)

Một thời Tôn giả Upavāna đi đến gặp Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi như vậy, Ngài thưa với Thế Tôn như sau:

“Mọi người nói về ‘Giáo pháp có thể trông thấy được’. Bạch Đức Thế Tôn, Giáo pháp có thể trông thấy được ở đây và bây giờ, có kết quả tức thời, với lời mời gọi ‘hãy đến và thấy’, hướng về phía trước, có thể kinh nghiệm trực tiếp được bởi người trí như thế nào?”

Ở đây, này Upavāna, khi đã thấy sắc (hình dáng) bằng mắt, vị Tỳ-khưu hay biết về sắc và ý thức được về sự ham muốn của mình đối với sắc. Đối với sự ham muốn về sắc đang hiện diện ở nơi mình, vị ấy hay biết rằng: ‘Trong tôi có sự ham muốn các sắc.’ Nếu một vị Tỳ-khưu thấy sắc bằng đôi mắt của mình, hay biết về sắc và ý thức được về lòng ham muốn của mình đối với sắc, hay biết rằng lòng ham muốn về sắc có mặt ở bên trong vị ấy, thì này Upavāna, bằng cách như vậy, Giáo pháp có thể trông thấy được ở đây và bây giờ, có kết quả tức thời, với lời mời gọi ‘hãy đến và thấy’, hướng về phía trước, có thể kinh nghiệm trực tiếp được bởi người trí.

Lại nữa, này Upavāna, khi vị Tỳ-khưu nghe được một âm thanh bằng tai … ngửi được một mùi hương bằng mũi … nếm được một vị bằng lưỡi … cảm nhận được một cảm giác trên thân … nhận thức được một đối tượng của tâm trí (ý tưởng) bằng cái tâm của mình, vị ấy hay biết về đối tượng và ý thức được về lòng ham muốn của mình đối với đối tượng đó. Đối với sự ham muốn về đối tượng của tâm trí đang hiện diện ở nơi mình, vị ấy hay biết rằng: ‘Trong tôi có sự ham muốn các đối tượng của tâm trí.’ Nếu một vị Tỳ-khưu nhận thức được một đối tượng tâm trí bằng cái tâm của mình, hay biết về đối tượng đó và ý thức được về lòng ham muốn của mình đối với đối tượng đó, hay biết rằng lòng ham muốn về các đối tượng tâm trí đang có mặt ở bên trong vị ấy, thì này Upavāna, bằng cách như vậy, Giáo pháp có thể trông thấy được ở đây và bây giờ, có kết quả tức thời, với lời mời gọi ‘hãy đến và thấy’, hướng về phía trước, có thể kinh nghiệm trực tiếp được bởi người trí.

Ở đây, này Upavāna, lại có một vị Tỳ-khưu, người thấy sắc bằng đôi mắt của mình, hay biết về sắc và ý thức rằng, (ở bên trong vị ấy) không có ham muốn đối với sắc. Đối với sự vắng mặt của tham muốn về sắc ấy, vị ấy hay biết rằng: ‘Trong tôi không có ham muốn về các sắc’. Nếu một vị Tỳ-khưu thấy sắc bằng đôi mắt của mình, hay biết về sắc và ý thức rằng không có ham muốn đối với sắc, hay biết rằng không có ham muốn đối với các sắc đang có mặt nơi vị ấy, thì này Upavāna, bằng cách như vậy, Giáo pháp có thể trông thấy được ở đây và bây giờ, có kết quả tức thời, với lời mời gọi ‘hãy đến và thấy’, hướng về phía trước, có thể kinh nghiệm trực tiếp được bởi người trí.

Lại nữa, này Upavāna, một vị Tỳ-khưu nghe được một âm thanh bằng tai … ngửi được một mùi hương bằng mũi … nếm được một vị bằng lưỡi … cảm nhận được một cảm giác trên thân … nhận thức được một đối tượng của tâm trí (ý tưởng) bằng cái tâm của mình, vị ấy hay biết về đối tượng và ý thức rằng, (ở bên trong vị ấy) không có ham muốn đối với đối tượng đó. Đối với sự vắng mặt của tham muốn về các đối tượng của tâm trí, vị ấy hay biết rằng: ‘Trong tôi không có ham muốn các đối tượng của tâm trí.’ Nếu một vị Tỳ-khưu nhận thức được một đối tượng của tâm trí bằng cái tâm của mình, hay biết về đối tượng đó và ý thức rằng không có sự ham muốn về đối tượng đó, hay biết rằng không có lòng ham muốn về các đối tượng của tâm trí đang có mặt ở bên trong vị ấy, thì này Upavāna, bằng cách như vậy, Giáo pháp có thể trông thấy được ở đây và bây giờ, có kết quả tức thời, với lời mời gọi ‘hãy đến và thấy’, hướng về phía trước, có thể kinh nghiệm trực tiếp được bởi người trí.

53. Vượt ra ngoài cả đức tin (Tương Ưng Bộ Kinh, 35, 152)

Tứ Niệm Xứ kết hợp với các phương pháp tu tập khác

54. Tính chính thống của Giáo pháp (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 12)

Trình tự: Vượt qua năm triền cái (năm chướng ngại) – Tứ Niệm Xứ – Bảy chi phần giác ngộ

Một thời Đức Thế Tôn trú tại Nālandā, trong Vườn Xoài của Pāvārika. Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến, cung kính đảnh lễ Thế Tôn, và ngồi xuống một bên.

Ngồi như vậy, Ngài bạch với Đức Thế Tôn như sau:

55. Thất bại và Thành tựu (Tương Ưng Bộ Kinh, 52, 1)

Trình tự:  Tứ Niệm Xứ — ‘Quyền năng của Bậc thánh’

Một thời, trong khi đang độc cư, ở ẩn, Tôn giả Anuruddha suy nghĩ như sau:“Những ai thất bại trong pháp hành Tứ Niệm Xứ, thì cũng sẽ thất bại trên con đường cao thượng dẫn đến sự đoạn diệt khổ đau. Những ai thành tựu trong pháp hành Tứ Niệm Xứ, thì cũng sẽ thành tựu trên con đường cao thượng dẫn đến sự đoạn diệt khổ đau.”

Bấy giờ, Ngài Đại trưởng lão Moggallāna (Mục Kiền Liên) đọc được những suy nghĩ của Tôn giả Anuruddha. Và rồi giống như một người đàn ông lực lưỡng có thể dễ dàng duỗi cánh tay đang co, hay gập cánh tay đang duỗi của mình, Ngài nhanh chóng xuất hiện trước mặt Tôn giả Anuruddha, và hỏi vị ấy như sau:

Cùng với một cách như vậy, vị ấy chăm chú an trú quan niệm các nhân tố tạo nên sự sinh khởi, … trong các cảm thọ … trong tâm … trong các đối tượng của tâm, ở bên trong mình, …

56. Định tâm được phát triển đúng đắn (Tăng Chi Bộ Kinh, 8, 63)

Trình tự: Bốn trạng thái siêu thế – các tầng định – các tầng tuệ giác

Này hỡi Tỳ-khưu, các con nên tu tập bản thân mình như vậy: ‘Tâm ta sẽ an trụ vững vàng ở bên trong, và những ý nghĩ xấu xa, bất thiện khởi lên sẽ không nắm giữ được tâm của ta!’

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm con trở nên vững chắc, an trụ vững vàng ở bên trong, và những ý nghĩ xấu xa, bất thiện khởi lên không nắm giữ được tâm của con, thì các con nên tu tập thêm như sau: ‘Tâm từ, sự giải thoát của tâm cần được gieo trồng ở bên trong tôi và được thực hành thường xuyên. Chúng cần trở thành phương tiện (để thu được sự tiến bộ trong tâm), cần được sở hữu một cách vững chắc ở trong tâm của tôi, và cần được củng cố, làm cho vững chắc và hoàn thiện!’ Này hỡi Tỳ-khưu, các con nên tu tập như vậy.

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì con có thể phát triển định này cùng với niệm tưởng và các suy nghĩ liên miên; hoặc không có niệm tưởng (mới), mà chỉ có các suy nghĩ liên miên; hoặc không có cả niệm tưởng lẫn các suy nghĩ liên miên; hoặc con có thể phát triển định này cùng với hỉ; hoặc không có hỉ; hoặc cùng với lạc; hoặc cùng với xả.

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì con cần tu tập chính bản thân mình như sau: ‘Tâm từ…. hỷ… xả, sự giải thoát tâm trí, cần được gieo trồng ở bên trong tôi và cần được thực hành thường xuyên, để nó trở thành phương tiện (của sự tiến bộ tâm linh) và được sở hữu một chắc chắn trong tâm trí của tôi, và cần được làm vững chắc, củng cố và hoàn thiện!’ Này hỡi Tỳ-khưu, các con nên tu tập chính bản thân mình như vậy.

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì con có thể phát triển nó cùng với niệm tưởng và các suy nghĩ liên miên;… (như trên).

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì con cần tu tập chính bản thân mình như sau: ‘Tôi sẽ chăm chú an trú sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, vượt qua tham lam và đau khổ ở đời.’

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì con có thể phát triển nó cùng với niệm tưởng và các suy nghĩ liên miên; … (như trên).

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì con cần tu tập chính bản thân mình như sau: ‘Tôi sẽ chăm chú an trú sống quán thọ … quán tâm … quán pháp.” …

Này hỡi Tỳ-khưu, nếu tâm định này đã được con tu tập, được trau dồi kỹ càng, thì này hỡi Tỳ-khưu, ở bất cứ nơi đâu con đi, con sẽ đi một cách dễ dàng; bất cứ nơi đâu con đứng, con sẽ đứng một cách dễ dàng; bất cứ nơi đâu con ngồi, con sẽ ngồi một cách dễ dàng; bất cứ nơi đâu con nằm, con sẽ nằm xuống một cách dễ dàng.”

Và vị Tỳ-khưu đó, sau khi được Thế Tôn chỉ dạy bằng lời khuyến khích này, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn một cách cung kính, đi lùi ở phía bên phải của Ngài, rồi đi ra. Và vị Tỳ-khưu ấy sau đó sống độc cư, ẩn dật, nghiêm túc, nhiệt thành và quyết tâm. Hướng tới mục đích của việc xuất gia của những người con trai cao quý — đó là sự toàn thiện cao nhất của đời sống phạm hạnh, ngay trong cuộc sống này, vị ấy sớm trực tiếp thành tựu, tự mình nhận ra điều đó: “Tái sinh đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh thiêng liêng đã được sống, nhiệm vụ đã hoàn thành, và không còn gì nữa sau đó”, vị ấy hay biết như vậy. Và như vậy, vị Tỳ-khưu này đã trở thành một trong những vị A-la-hán.

57. Từng bước tu tập (Trung Bộ Kinh, 125)

Các bước đầu tiên trong trình tự Từng bước tu tập bao gồm: 1. Đức hạnh, 2. Thu thúc các căn, 3. Tiết chế trong ăn uống, 4. Tỉnh táo (giảm ngủ). Sau khi đối trị với những vấn đề trên, kinh văn tiếp tục các giai đoạn kế tiếp như sau: 5. Chánh niệm và tỉnh giác, 6. Đoạn trừ năm triền cái, 7. Tứ niệm xứ, 8. Các tầng định (jhāna).

Khi vị Thánh đệ tử đã gieo trồng được sự tỉnh táo, Bậc Toàn Giác chỉ dẫn thêm cho vị ấy như sau: “Hãy đến đây, này hỡi Tỳ-khưu, hãy trang bị cho mình chánh niệm và tỉnh giác! Hãy là người hành động với tỉnh giác khi đi về phía trước cũng như khi đi lùi lại đằng sau; khi nhìn thẳng cũng như khi nhìn ra chỗ khác, khi co cũng như khi duỗi (chân tay); khi mặc y và bưng bát khất thực, khi ăn, uống, nhai và nhấm nháp; trong việc tuân theo tiếng gọi của tự nhiên; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói và im lặng, hãy là người hành động với tỉnh giác!

Khi vị thánh đệ tử đã trang bị được chánh niệm và tỉnh giác cho bản thân mình, Bậc Toàn Giác chỉ dẫn thêm cho vị ấy như sau: “Hãy đến đây, này hỡi Tỳ-khưu! Hãy đến sống ở một nơi tách biệt; trong một khu rừng, dưới một gốc cây, trên một ngọn đồi, trong một khe đá, một hang núi, trong một nghĩa địa, một bụi cây trong rừng, một bãi đất trống, hay trong một túp lều rơm (nơi đồng ruộng)!” Vị Tỳ-khưu sau đó sống ở những nơi tách biệt, thanh vắng như vậy, và khi xong bữa ăn sau khi đi khất thực trở về, vị ấy ngồi xuống, bắt chéo chân, giữ thân thẳng cùng với chánh niệm và tỉnh giác. Từ bỏ tham dục thế tục, vị ấy sống với tâm không tham dục; vị ấy tẩy sạch tâm mình khỏi tham dục. Từ bỏ tật đố sân hận đối với thế gian, vị ấy sống với tâm không sân hận, thân thiện và từ bi đối với tất cả chúng sinh; vị ấy tẩy sạch tâm mình khỏi tật đố của sân hận. Từ bỏ hôn trầm, vị ấy sống với tâm không hôn trầm, an trú trong ánh sáng, chánh niệm và tỉnh giác; vị ấy tẩy sạch tâm mình khỏi sự lười biếng và uể oải. Từ bỏ trạo cử, vị ấy sống với tâm không xao động, vị ấy sống với một cái tâm bình an; vị ấy tẩy sạch tâm mình khỏi trạo cử và lo lắng. Từ bỏ sự hoài nghi (về con đường), vị ấy bỏ lại sự hoài nghi lại ở phía sau, và không còn hoài nghi gì nữa về thiện pháp; vị ấy tẩy sạch tâm mình khỏi sự hoài nghi.

Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái làm ô nhiễm tâm và làm suy yếu sự hiểu biết, vị ấy sống quán thân trên thân… quán thọ trên các cảm thọ… quán tâm trên tâm… quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác và chánh niệm, chế ngự tham lam và đau khổ ở đời.

Giả sử có một người huấn luyện voi đóng một cây cột chắc chắn xuống đất, và vị ấy buộc cổ một con voi rừng vào đó, để điều phục hành vi hoang dã của voi, để làm dịu bớt mong muốn trở về rừng của voi, cũng như để làm dịu bớt sự lo lắng, mệt mỏi và nóng nực của cuộc sống trong rừng, để khiến cho voi hòa nhập với cuộc sống làng quê, để huấn luyện voi cách cư xử dễ chịu với mọi người.

Tương tự như vậy, pháp hành Tứ Niệm Xứ đối với vị thánh đệ tử là sự cột chặt tâm của vị ấy, để điều phục các hành vi thế tục ở bên trong vị ấy, điều phục các ham muốn thế tục ở bên trong vị ấy, điều phục các lo lắng, mệt mỏi và sự nóng nảy thế tục ở bên trong người của vị ấy; để vị ấy đạt đến chánh đạo: nhằm chứng ngộ Niết-bàn.

Sau đó, Bậc Toàn Giác tiếp tục chỉ dẫn thêm cho vị Thánh đệ tử như sau: “Hãy đến đây, này hỡi Tỳ-khưu! Hãy sống quán thân trên thân, và đừng nghĩ đến các ý niệm liên quan đến ham muốn dục lạc! Hãy sống quán thọ trên các cảm thọ, và đừng nghĩ đến các ý niệm liên quan đến ham muốn dục lạc! Hãy sống quán tâm trên tâm, và đừng nghĩ đến các ý niệm liên quan đến ham muốn dục lạc! Hãy sống quán pháp trên các pháp, và đừng nghĩ đến các ý niệm liên quan đến ham muốn dục lạc!

Kế đến, sau khi an định được các niệm tưởng và các suy nghĩ liên miên, vị ấy đạt được sự định tĩnh và hài hòa ở bên trong mình, là tầng định thứ hai, tự do thoát khỏi niệm tưởng và các suy nghĩ liên miên, được sinh ra từ định tâm và được tràn ngập với hỷ và lạc …

Tham khảo tiếp, trong bản kinh gốc, về tầng định thứ ba và thứ tư, thành tựu ba thần thông, đạt đến đỉnh cao là Thánh quả (A-la-hán).

Các ẩn dụ minh hoạ

58. Người gác cổng – I (Tương Ưng Bộ Kinh, 35, 204)

“Giả sử có một thị trấn biên giới của một vị vua với thành lũy và tháp canh được dựng trên một nền móng vững chắc, với tất cả sáu cổng thành. Và có một người gác cổng, thông minh, kinh nghiệm và thận trọng, không cho người lạ mặt vào thành và chỉ cho những ai đã biết vào thành. Bấy giờ có hai vị sứ giả đến từ hướng Đông, và họ hỏi người gác cổng: ‘Này ông bạn, người đứng đầu của thị trấn này sống ở đâu?’ Người gác cổng trả lời: ‘Chúa công sống ở quảng trường trung tâm, thưa các ngài.’

Và hai vị sứ giả đó lập tức nhanh chóng mang thông điệp chân chính đến cho vị đứng đầu của thị trấn, rồi họ quay trở về theo con đường mà họ đã đến. (Cũng tương tự như vậy với các vị sứ giả đến từ phương Tây, phương Bắc và phương Nam.)

Ví dụ này được ta đã đưa ra nhằm làm rõ ý sau:

59. Người gác cổng – II (Tăng Chi Bộ Kinh, 7, 63)

“Này các Tỳ-khưu, trong một thành phố biên giới của một vị vua, có một người gác cổng thông minh, kinh nghiệm và thận trọng, không cho người lạ vào thành và chỉ cho những người đã biết vào thành, để bảo vệ cư dân trong thành và ngăn chặn người lạ. Tương tự như người gác cổng đó là một vị Thánh đệ tử chánh niệm, đạt được chánh niệm và thận trọng ở một mức độ cao. Ngay cả những gì đã được làm và đã được nói từ lâu, vị ấy sẽ nhớ lại, vẫn nhớ lại. Vị Thánh đệ tử có chánh niệm cũng giống như người gác cổng, sẽ loại bỏ các bất thiện pháp và gieo trồng các thiện pháp; vị ấy sẽ loại bỏ những điều đáng trách và gieo trồng những điều không có chỗ để trách được, và vị ấy sẽ giữ gìn sự trong sạch của mình.”

60. Đầu dò (Trung Bộ Kinh, 105)

“Giả sử một người đàn ông bị thương do bởi một mũi tên đã được tẩm một lớp thuốc độc dày. Bạn bè, những người đi cùng, họ hàng và bà con của anh ấy gọi đến một bác sĩ — một phẫu thuật viên. Vị bác sĩ dùng con dao của mình mở rộng vết thương và tìm kiếm đầu mũi tên bằng một đầu dò. Sau khi tìm thấy đầu mũi tên, vị ấy lấy nó ra và lấy hết toàn bộ độc chất, cho đến khi vị ấy nghĩ rằng không còn độc chất nào trong đó nữa …

Ví dụ này được ta đưa ra để làm rõ ý nghĩa sau:

61. Giữa đám đông (Tương Ưng Bộ Kinh, 47, 20)

Một thời Thế Tôn sống ở xứ Sumbha, tại một thị trấn của người Sumbha tên là Sedaka. Tại đó, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-khưu rằng:

62. Cái cày và cây gậy (Tiểu Bộ Kinh, 77)

Chánh niệm giống như lưỡi cày và cây gậy.

Chú giải — Trong ‘công việc làm nông’ của Đức Thế Tôn, vị trí của lưỡi cày và cây gậy (nhọn đầu, để thúc trâu bò) của người nông dân được đảm nhận bởi chánh niệm liên quan đến tuệ quán (vipassanā) và liên kết với đạo – con đường (nghĩa là các giai đoạn giải thoát). Giống như lưỡi cày đi trước và bảo vệ cán cày,  tương tự như vậy, chánh niệm bảo vệ lưỡi cày trí tuệ bằng cách khảo sát sự phát triển của các thiện pháp trong tâm và giữ các đối tượng tương ứng hiện diện trước tâm. Vì vậy, trong những đoạn kinh như “vị ấy an trú với tâm được chánh niệm canh giữ”, chánh niệm được gọi là “người bảo vệ”. Ngoài ra, theo nghĩa “không còn mê lầm”, chánh niệm đi trước “cái cày trí tuệ”, là bởi vì trí tuệ chỉ có thể xuyên thấu vào những ý tưởng đã được chánh niệm kiểm tra cẩn thận, và do đó không bị nhầm lẫn.

Hơn nữa, giống như cây gậy làm cho con bò sợ bị đánh và do đó ngăn chúng nằm xuống cũng như ngăn chúng đi sai đường; tương tự như vậy, chức năng của chánh niệm là khuấy động năng lượng trong tâm, vốn dĩ là một cái máy vẽ vời tưởng tượng, và lấp đầy nó  (tâm) bằng nỗi sợ bị tái sinh vào những cảnh giới khổ đau thấp kém hơn, và do đó không cho phép năng lượng bị chùng xuống. Chánh niệm còn giữ cho năng lượng không đi sai hướng, như theo đuổi các thú vui dục lạc; nó nạp năng lượng vào đề mục thiền và ngăn ngừa không để tâm lạc vào con đường mê lầm. Như vậy, “Chánh niệm như lưỡi cày và cây gậy.”

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúcChúng ta đang sống vì điều gì?Sự cho đi và Tình thương yêu“Lấy tâm mình làm bạn của chính mình”
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Exit mobile version