Site icon Viet Hung

[TTTPG] III.4. Trích dẫn từ Kinh Điển Đại thừa

Phần trước | Mục lục | Phần kế

75. Nāgārjuna (Ngài Long Thọ)

Bốn nền tảng của chánh niệm đã được chứng minh một cách rõ ràng là con đường độc nhất mà chư Phật đã đi qua. Bảo vệ các Ngài trong mọi lúc! Sự cẩu thả trong pháp hành Tứ Niệm Xứ sẽ khiến cho mọi nỗ lực trở nên vô ích, và chính sự kiên trì trong pháp hành Tứ Niệm Xứ mới được gọi là “định tâm” (samādhi).

76. Aśvaghoṣa (Ngài Mã Minh)

Hãy giữ chánh niệm và tỉnh giác trong mọi hoạt động như ngồi, đứng, đi, nhìn ngó và nói năng.

Người đã thiết lập được chánh niệm, như là một người canh giữ ở các cánh cửa của tâm mình, sẽ không thể bị chế ngự bởi các dục vọng, giống như một thành phố được bảo vệ cẩn mật không thể bị kẻ thù xâm chiếm.

Sẽ không có dục vọng khởi lên bên trong người có chánh niệm về thân; vị ấy sẽ bảo vệ tâm mình trong mọi hoàn cảnh, giống như người vú nuôi bảo vệ trẻ sơ sinh.

Người thiếu áo giáp chánh niệm sẽ thực sự giống như một tấm bia cho các dục vọng; cũng như một chiến binh trong trận chiến, người không có áo giáp phải hứng chịu những mũi tên của kẻ thù.

Tâm nếu không được bảo vệ bởi chánh niệm, thì thực sự hoàn toàn bất lực. Nó giống như một người mù đi trên mặt đất gồ ghề mà không có người hướng dẫn.

Con người bị thu hút bởi cái ác, và họ quay lưng lại với hạnh phúc đích thực của chính mình; họ chẳng cảm thấy sợ hãi đối với các nguy hiểm quá gần mình. Tất cả là do bởi thiếu chánh niệm.

Giới đức và tất cả những phẩm tính tốt đẹp khác vẫn tồn tại trong lãnh địa riêng của chính nó (như thể là bị cô lập); nhưng chánh niệm đi theo chúng như một đàn bò đuổi theo những con đi lạc (và tập hợp chúng lại).

Người mất đi chánh niệm là mất đi sự bất tử (Nibbāna — Niết-bàn). Nhưng người có chánh niệm về thân, thì lại nắm giữ được sự bất tử này trong tay.

Nếu không có chánh niệm, làm sao một người lại có thể nắm bắt được Giáo pháp cao thượng (để giải thoát)? Và người thiếu Giáo pháp cao thượng đó là đã bỏ lỡ mất con đường đúng đắn (chánh đạo).

Người đã bỏ lỡ chánh đạo, thì cũng bỏ lỡ mất sự bất tử. Người đã đánh mất dấu vết của sự bất tử thì không thể đạt được tự do giải thoát khỏi đau khổ.

Do đó, đúng là trong khi đi, biết “ta đang đi”; trong khi đứng, biết “ta đang đứng”, và như vậy thiền sinh luôn duy trì chánh niệm trong mọi lúc.

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúcChúng ta đang sống vì điều gì?Sự cho đi và Tình thương yêu“Lấy tâm mình làm bạn của chính mình”
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Exit mobile version