Site icon Viet Hung

[TTTPG] I.2. Chánh niệm và Tỉnh giác

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Nghe trên Youtube

Nghe trên Soundcloud

Nghe trên Spotify

I. Ghi nhận thuần tuý

Ghi nhận thuần tuý là gì?

Ghi nhận thuần tuý là sự hay biết một cách rõ ràng và chân thật về những gì đang thực sự xảy đến với chúng ta ở bên trong cũng như bên ngoài, trong từng khoảnh khắc liên tục của nhận thức. Được gọi là “thuần tuý”, bởi vì nó chỉ chú trọng đến sự hay biết chân thực, đơn thuần, đang có mặt ở một trong năm giác quan hoặc ở trong tâm, mà theo Phật pháp thì đó là giác quan thứ sáu. Khi chú tâm đến một ấn tượng được tạo ra từ sáu giác quan như vậy, sự chú ý hay chánh niệm được duy trì nhằm thuần tuý ghi nhận những gì thực tế đang xảy ra, mà không phản ứng lại bằng hành động, lời nói hay bằng các bình luận ở trong tâm mà có thể là một sự tự tham chiếu (như thích hoặc không thích), đánh giá, hoặc suy tưởng. Trong thời gian thực hành ghi nhận thuần tuý, dù là ngắn hay dài, nếu có bất kỳ một bình luận trong tâm nào khởi sinh lên thì bản thân chúng sẽ trở thành đối tượng của sự ghi nhận thuần tuý, mà không bị đẩy đuổi cũng như bị cuốn theo. Thay vào đó, nó sẽ được bỏ xuống, sau khi đã được ghi nhận một cách ngắn gọn trong tâm.

Các lưu ý ở trên là đủ để chỉ ra nguyên tắc tổng quát làm nền tảng cho pháp thực hành ghi nhận thuần tuý. Những thông tin chi tiết về phương pháp thực hành sẽ được đưa ra ở Chương 4 và 5. Trong những trang tiếp theo, chúng ta sẽ bàn đến ý nghĩa về mặt lý thuyết cũng như thực hành của pháp hành ghi nhận thuần tuý, cùng với các kết quả mong đợi. Mặc dù mong muốn bắt đầu pháp hành này nhưng cùng lúc nó lại có vẻ hơi bất thường đối với một số thiền sinh. Nên thiền sinh cần có thêm thông tin chi tiết hơn, và sau đó họ có thể bắt đầu với một sự tự tin nhất định về tính hiệu quả của pháp hành cũng như việc hiểu được mục đích của nó. Tuy nhiên, chỉ có thể bằng kinh nghiệm thực tế của chính mình có được thông qua một quá trình thực hành bền bỉ mà sự tự tin và hiểu biết ban đầu này mới phát triển trở thành một lời xác nhận cuối cùng và rõ ràng được.

Sự kỹ lưỡng

Để một nỗ lực có giá trị và đạt được mục đích của nó thì sự kỹ lưỡng luôn được đòi hỏi, đặc biệt là những công việc cao thượng và gian khổ như được vạch ra bởi Đức Phật trong Bát Chánh Đạo, con đường cao thượng có tám nhánh, dẫn đến đoạn diệt khổ đau. Trong tám chi phần của con đường, chánh niệm đại diện cho yếu tố kỹ lưỡng không thể thiếu được đó, mặc dù chánh niệm còn bao gồm nhiều khía cạnh khác nữa. Trong kinh điển Phật giáo, một trong những phẩm tính được qui cho chánh niệm được gọi là “không hời hợt”, và dĩ nhiên đó chỉ là một cách diễn tả mang tính tiêu cực của “sự kỹ lưỡng”.

Rõ ràng là bản thân việc thực hành chánh niệm sẽ cần đến một sự kỹ lưỡng ở cấp độ cao nhất trong phương pháp thực hành. Nếu thiếu đi hoặc bỏ qua sự kỹ lưỡng thì điều đó là trái ngược lại với những gì xứng đáng được gọi là chánh niệm, và sẽ tước đi cơ hội thành công của pháp hành. Một nền móng không vững chắc, được xây dựng một cách bất cẩn sẽ để lại những hậu quả tai hại. Và ngược lại, phước lành có được từ một nền móng chắc chắn và đáng tin cậy sẽ kéo dài xa mãi vào tương lai.

Do đó, chánh niệm đúng đắn cần được xây dựng ngay từ thời điểm đầu tiên. Việc sử dụng phương pháp ghi nhận thuần tuý sẽ mang tâm quay trở về các trạng thái khởi nguồn của mọi thứ. Áp dụng ghi nhận thuần tuý vào các hoạt động của tâm có nghĩa là mang sự quan sát quay trở lại giai đoạn đầu tiên của tiến trình nhận thức, khi tâm đang ở trong một trạng thái tiếp nhận thuần tuý và khi sự chú ý còn ở trong giới hạn của sự ghi chú thuần tuý về đối tượng. Giai đoạn này diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi và khó có thể cảm nhận được, và như chúng tôi đã đề cập, nó cung cấp một bức tranh hời hợt, không trọn vẹn và thường là sai lầm về đối tượng. Công việc của giai đoạn nhận thức kế tiếp là hiệu chỉnh cũng như bổ sung thêm cho hình ảnh đầu tiên đó. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện. Thường thì những ấn tượng đầu tiên được chấp nhận như là lẽ đương nhiên và sau đó thậm chí lại còn có thêm các sự bóp méo, những đặc tính khác từ các chức năng tâm phức tạp hơn trong giai đoạn thứ hai được thêm vào bức tranh.

Đây là lúc khởi đầu của công việc ghi nhận thuần tuý, đó là sự rèn luyện có chủ tâm và củng cố trạng thái tâm nhận biết lúc ban đầu, giúp nó có cơ hội lâu hơn để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của nó trong tiến trình nhận thức. Pháp hành ghi nhận thuần tuý chứng minh tính kỹ lưỡng của mình bằng cách làm sạch và chuẩn bị “khu đất nền” một cách cẩn thận cho tất cả các tiến trình tâm theo sau đó. Với chức năng làm sạch này, ghi nhận thuần tuý phục vụ mục đích cao cả của toàn bộ pháp hành như được dạy trong bản kinh: “để thanh tịnh chúng sinh…”, mà trong Bản chú giải giải thích là “thanh tịnh hoá tâm hay làm sạch tâm”.

Nắm bắt đối tượng thuần tuý

Ghi nhận thuần tuý cốt yếu nằm ở việc ghi nhận đối tượng một cách đơn thuần và chính xác. Nhưng đây chẳng phải là một nhiệm vụ dễ dàng như nó có vẻ là, bởi vì đó không phải là những gì chúng ta thường làm, ngoại trừ những lúc tiến hành một nghiên cứu vô tư, không vụ lợi nào đó. Thông thường thì mọi người không mấy quan tâm đến những kiến thức bị xếp vào loại nhàm chán như kiến thức về “mọi việc như chúng thực sự là”. Thay vào đó, chúng ta quan tâm tới việc “xử lý” và đánh giá sự vật và hiện tượng từ quan điểm mà mình hứng thú. Các quan điểm cá nhân đó thì lại có thể là rộng lớn hoặc hạn hẹp, cao thượng hoặc thấp kém. Rồi chúng ta sẽ dán nhãn cho những thứ hình thành nên vũ trụ quan về mặt lý tính cũng như tinh thần của mình. Các nhãn mác này hầu hết thể hiện một cách rõ ràng dấu ấn của những gì mà chúng ta hứng thú cũng như tầm nhìn hạn chế của mình. Chính tập hợp các nhãn mác, định kiến này ở trong tâm là nơi mà chúng ta thường xuyên sống ở trong đó. Và nó cũng xác định luôn các hành động cũng như phản ứng của chúng ta.

Do đó, một thái độ ghi nhận thuần tuý, mà trong đó không có việc gán nhãn, sẽ mở ra cho mọi người một thế giới mới. Đầu tiên, mọi người sẽ phát hiện ra rằng: Nơi mà mọi người đã từng tin là bản thân mình đang làm việc với một thể đơn nhất, nghĩa là một đối tượng đơn lẻ được hay biết do bởi một hoạt động nhận thức đơn lẻ, thì thực ra đó lại là một chuỗi vô số các tiến trình vật lý và các tiến trình tâm tương ứng với các hoạt động của nhận thức. Các tiến trình này nối tiếp nhau liên tục và xảy ra rất nhanh. Mọi người cũng sẽ kinh ngạc nhận thấy thêm rằng: Rất hiếm khi chúng ta nhận biết được một đối tượng thuần tuý hay nguyên bản mà không có bất kỳ sự pha trộn xa lạ nào lẫn vào. Ví dụ, trong nhận thức thị giác thông thường, nếu đối tượng là một điều gì đó mà người quan sát thích thú thì sẽ rất hiếm khi đối tượng đó được ghi nhận một cách thuần tuý và đơn giản. Thay vào đó đối tượng sẽ xuất hiện kèm với các đánh giá chủ quan được thêm vào như là: đẹp hay xấu, dễ chịu hay khó chịu, hữu ích hay vô ích, có hại. Nếu đối tượng là một chúng sinh, thì nó sẽ cũng được đi kèm với định kiến rằng: “Đây là một tính cách, một bản ngã, cũng như ‘cái tôi’ này của mình.”

Trong điều kiện đó, toàn bộ thông tin sẽ được đưa vào kho lưu trữ của bộ nhớ, khi đối tượng đang được gắn chặt với những bổ sung chủ quan như vậy. Rồi khi được gợi nhớ lại bởi tư duy liên tưởng, nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng mang tính bóp méo lên các nhận thức trong tương lai về các đối tượng tương tự, cũng như các đánh giá, quyết định, tâm trạng, … có liên quan.

Nhiệm vụ của ghi nhận thuần tuý là loại bỏ tất cả những phần bổ sung xa lạ đó ra khỏi đối tượng trong quá trình nhận thức. Những bổ sung này có thể được xem xét riêng lẻ sau này nếu muốn, nhưng đối tượng ban đầu của nhận thức cần phải được giữ sạch khỏi chúng. Điều này đòi hỏi một sự thực hành kiên trì, mà trong đó sự chú ý ngày một nhạy bén hơn sẽ hoạt động như một cái sàng với những mắt lưới ngày càng mịn hơn loại bỏ dần những phần pha trộn xa lạ, ban đầu là các pha trộn ở mức thô và dần dần là loại bỏ luôn cả các pha trộn vi tế cho đến khi chỉ còn lại đối tượng thuần tuý, nguyên bản.

Sự cần thiết của việc định nghĩa và phân định chính xác như vậy cho đối tượng quan sát được nhấn mạnh trong chính bản Kinh Tứ Niệm Xứ với việc thường xuyên nhắc lại hai lần về đối tượng tương ứng của chánh niệm, ví dụ như, “Vị ấy sống quán thân trên thân” mà không có cảm nhận hay ý nghĩ về thân, như được giải thích rõ ràng trong Chú giải bản kinh. Chúng ta hãy lấy ví dụ về một người đang xem xét một vết thương trên cánh tay của mình. Trong trường hợp này, đối tượng của cái nhìn sẽ chỉ bao gồm phần cơ thể tương ứng với vết thương và tình trạng tổn thương của nó. Các phần liên quan như da thịt, máu, mủ, … sẽ là các đối tượng của pháp Quán thân, đặc biệt là bài thực hành “quán niệm về các bộ phận của cơ thể” — quán thể trược. Cảm giác đau đớn do vết thương tạo ra sẽ là đối tượng của pháp Quán thọ. Ý niệm ít nhiều về một cái tôi, một bản ngã đang bị tổn thương và đang phải chịu đựng cái đau sẽ thuộc về pháp Quán tâm (“tâm có si”) hoặc thuộc về pháp Quán pháp — ở phần quán niệm các kiết sử (các sự trói buộc) khởi sinh khi có các tiếp xúc thuộc về thân (xem phần Sáu Nội Ngoại xứ trong bản kinh). Xảy ra dường như cùng lúc là một sự ác cảm đối với người đã gây ra vết thương và nó sẽ thuộc về pháp Quán tâm (“tâm có sân”) hoặc thuộc về pháp Quán pháp (quán về chướng ngại sân hận). Ví dụ này là đủ để minh hoạ tiến trình sàng lọc được thực hiện bởi sự ghi nhận thuần tuý.

Tầm quan trọng sâu rộng của việc nắm bắt được đối tượng thuần tuý đã được chính Đức Phật nhấn mạnh. Khi một vị Tỳ-khưu hỏi xin Ngài một hướng dẫn ngắn gọn (cho pháp hành thiền Tứ niệm xứ), Đức Phật đã dạy nguyên tắc thực hành như sau: “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cảm giác, sẽ chỉ là cảm giác, trong suy nghĩ, sẽ chỉ là suy nghĩ” — Kinh Phật tự thuyết (Udāna), I, 10

Lời dạy ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục này của Ngài có thể dùng như là một hướng dẫn và sẽ cùng đồng hành với những ai dành hết mình cho việc thực hành ghi nhận thuần tuý.

Ba giá trị của pháp hành ghi nhận thuần tuý

Về tổng thể thì pháp hành ghi nhận thuần tuý có cùng ba giá trị tương tự như ba giá trị của Phật pháp và chánh niệm, như đã được trình bày ở phần trước. Nó là một trợ thủ đắc lực và hiệu quả cho việc tìm hiểu, uốn nắn và giải thoát tâm.

1. Giá trị của pháp hành ghi nhận thuần tuý trong việc tìm hiểu tâm

Tâm là yếu tố mà trong đó chúng ta sống cuộc sống của mình, nhưng nó cũng lại là thứ khó nắm bắt và bí ẩn nhất đối với chúng ta. Tuy nhiên, pháp hành ghi nhận thuần tuý, mà trước hết là chú ý một cách kiên nhẫn đến những sự kiện cơ bản của các tiến trình tâm, có thể làm sáng tỏ bóng tối bí ẩn của tâm cũng như có thể nắm giữ một cách chắc chắn các dòng chảy vốn dĩ rất khó nắm bắt của tâm. Việc thực hành chánh niệm một cách có hệ thống, bắt đầu bằng pháp hành ghi nhận thuần tuý, sẽ cung cấp cho chúng ta tất cả mọi kiến thức về tâm cần thiết cho mục đích mà chúng ta đang muốn đạt được: Làm chủ, phát triển và cuối cùng là giải thoát tâm mình. Nhưng thậm chí còn vượt lên trên cả phạm vi áp dụng ở bên trong đó, khi chánh niệm và tỉnh giác đã được thiết lập một cách vững chắc trong một khu vực hạn chế nhưng lại quan trọng cho việc mở rộng tâm, ánh sáng chân lý sẽ dần dần lan toả một cách tự nhiên và thậm chí sẽ vươn tới luôn cả những góc tối mờ mịt, xa xôi và tối tăm trong thế giới tâm, những góc khuất mà cho đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được. Điều này chủ yếu là do bởi một sự thật rằng, công cụ được sử dụng để tìm kiếm kiến thức về tâm sẽ trải qua một sự thay đổi ở tận gốc rễ. Nhờ đó, chính bản thân cái tâm tìm kiếm sẽ đạt được một sức mạnh sáng suốt và xuyên thấu. “Chỉ những thứ đã được xem xét một cách kỹ lưỡng bởi chánh niệm mới có thể được hiểu bởi trí tuệ, không thể là những thứ lộn xộn.” — Trích từ chú giải bản kinh Sutta Nipāta.

Khi nghiên cứu một mẫu vật xét nghiệm, trước khi xem xét nó dưới kính hiển vi, mẫu vật sẽ phải được chuẩn bị, làm sạch một cách cẩn thận nhằm loại bỏ tạp chất, và rồi nó sẽ được giữ yên dưới thấu kính. Cũng tương tự như vậy, một “đối tượng đơn thuần” sắp được xem xét bởi trí tuệ cần phải được chuẩn bị bởi pháp hành ghi nhận thuần tuý. Nó sẽ làm sạch đối tượng đang được nghiên cứu, loại bỏ các ô nhiễm do bởi định kiến và tham muốn; loại bỏ những pha trộn xa lạ cũng như những quan điểm không liên quan; và rồi nó sẽ giữ đối tượng một cách vững chắc dưới con mắt của trí tuệ, bằng cách làm chậm lại quá trình chuyển đổi từ giai đoạn tiếp nhận sang giai đoạn chủ động của tiến trình nhận thức. Điều này mang lại cơ hội thuận lợi đáng kể cho việc nghiên cứu tâm một cách kỹ lưỡng và khách quan.

Công việc sơ bộ này của pháp hành ghi nhận thuần tuý có tầm quan trọng không chỉ đối với chức năng phân tích, tức là chức năng mổ xẻ và phân biện của tâm mà qua đó các thành phần cấu tạo nên đối tượng sẽ được bộc lộ ra. Nó cũng hỗ trợ rất nhiều cho một chức năng không kém phần quan trọng khác của tâm — sự tổng hợp, tức là tìm ra các mối liên kết với đối tượng, các mối quan hệ và sự tương tác qua lại của đối tượng với những sự vật, hiện tượng khác, và tìm ra bản chất bị điều kiện hoá cũng như bản chất điều kiện hoá (những thứ liên quan) của đối tượng. Nhiều thứ trong số này sẽ vuột ra khỏi sự nhận biết, nếu sự ghi nhận thuần tuý không được thực hành đủ lâu. Thiền sinh cần ghi nhớ một phương châm có tầm quan trọng lớn và được ứng dụng đa dạng trong mọi vấn đề nói chung, cũng như đối với các vấn đề trong pháp hành nói riêng: Cần phải luôn nhớ rằng các mối quan hệ giữa các sự vật chỉ có thể được xác định một cách đáng tin cậy nếu ngay từ lúc ban đầu, các thành viên riêng lẻ của mối quan hệ đó đã được xem xét một cách kỹ càng trong các khía cạnh khác nhau của chúng, vốn dĩ là những đầu mối chỉ ra các kết nối đa dạng. Một sự chuẩn bị không thấu đáo khi phân tích là nguồn gốc thường xuyên gây ra sai sót trong phần tổng hợp của các hệ thống triết học và lý thuyết khoa học. Một sự chuẩn bị không thấu đáo như vậy cần được quan tâm và khắc phục một cách kỹ càng bằng pháp hành ghi nhận thuần tuý. Tầm quan trọng của pháp hành ghi nhận thuần tuý đối với việc thực hành tâm linh mà chúng ta quan tâm ở đây đã được đề cập đến trong những trang trước và sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những trang kế tiếp.

Trước hết, pháp hành ghi nhận thuần tuý cho phép mọi việc tự lên tiếng, mà không bị gián đoạn bởi những kết luận được đưa ra một cách quá khinh suất. Ghi nhận thuần tuý cho sự việc một cơ hội để hoàn tất lời nói của mình, và do đó thiền sinh sẽ học được rằng, trên thực tế, các sự việc có rất nhiều điều để nói về bản thân chúng, điều mà trước đây hầu như bị bỏ qua do bởi sự hấp tấp hoặc bị chìm nghỉm trong sự động loạn của môi trường ở bên trong cũng như ở bên ngoài, là môi trường sống của một con người bình thường. Ghi nhận thuần tuý xem xét sự vật, hiện tượng mà không để các tác động thu hẹp hay cào bằng của các đánh giá theo thói quen xen vào. Nhờ vậy, nó luôn xem xét sự vật, hiện tượng một cách mới mẻ, như là trong lần đầu tiên. Do đó, những điều mới mẻ và đáng giá sẽ được phơi bày ra ngày càng nhiều. Sự tạm dừng một cách kiên nhẫn như vậy trong pháp hành ghi nhận thuần tuý sẽ mở ra những chân trời rộng mở cho sự hiểu biết của thiền sinh, mà nhờ đó dường như là dễ dàng dẫn đến các thành tựu vốn dĩ đã bị từ chối nếu thiền sinh sử dụng những nỗ lực căng thẳng với một tâm trí thiếu kiên nhẫn. Các nguồn kiến ​​thức quan trọng này thường bị đóng kín do bởi tính hấp tấp, hoặc do giới hạn của thói quen, của sự dán nhãn, hoặc các đánh giá và xử lý sai lầm. Đặc biệt là xã hội phương Tây sẽ cần phải học hỏi từ phương Đông cách giữ cho tâm mình ở lâu hơn và thường xuyên hơn trong trạng thái tiếp nhận nhưng cùng lúc lại cần phải quan sát một cách nhạy bén — là trạng thái tâm, là thái độ tinh thần thường được các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu rèn luyện. Tuy nhiên, thái độ đó nên dần dần trở thành phẩm tính phổ biến của mọi người. Thái độ ghi nhận thuần tuý này sẽ chứng tỏ là một nguồn kiến ​​thức và cảm hứng phong phú, nếu được kiên trì thực hành và áp dụng

Vậy thì những thành quả đặc biệt nào về mặt kiến thức có thể đạt được nhờ pháp hành ghi nhận thuần tuý? Dưới đây, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến một vài kết quả có tầm quan trọng hàng đầu. Và chắc chắn là sẽ cần đến “kinh nghiệm thực tế” của thiền sinh trong quá trình thực hành để chứng minh, làm rõ và bổ sung những gì được đề cập ngắn gọn dưới đây.

Thành quả đầu tiên đã được nói đến trong các phần trước và sẽ được nhắc lại ở đây bởi vì tầm quan trọng cơ bản của nó. Dưới ánh sáng của pháp hành ghi nhận thuần tuý, cùng với sự rõ ràng ngày càng gia tăng, một hoạt động dường như là đơn lẻ của nhận thức sẽ lộ ra là một chuỗi gồm nhiều giai đoạn đơn lẻ và khác biệt, liên tục nối tiếp nhau xảy ra rất nhanh. Sự quan sát cơ bản này sẽ dần dần làm bộc lộ những dữ liệu vốn rất phong phú của các sự kiện đơn lẻ cùng với những hàm ý sâu rộng của chúng. Đó thực sự là một sự quan sát mang tính khoa học, theo nghĩa đen của từ này, tức là “mang lại kiến ​​thức” (theo như triết học gia Curt John Ducasse). Chẳng hạn, nó sẽ cho thấy sự khác biệt cơ bản của các giai đoạn tiến triển trong quá trình nhận thức: Từ giai đoạn trình bày các dữ liệu thu được từ các giác quan một cách tương đối nguyên bản, cho đến giai đoạn tiếp theo là diễn giải và đánh giá chúng. Đối với Phật tử thì đây là kiến ​​thức tâm lý học cổ xưa, được dạy ở trong các bài kinh của Đức Phật, và sau này được trình bày tỉ mỉ trong cuốn Vi Diệu Pháp và các chú giải. Sự phân biệt giữa “dữ liệu nguyên bản của đối tượng” và thái độ đối với chúng, ngoài ý nghĩa khoa học (“mang lại kiến thức”) còn có một ý nghĩa thực tế sâu rộng: Nó xác định điểm sớm nhất, tức là thời điểm hứa hẹn nhất nơi chúng ta có thể quyết định sự phát triển kế tiếp của một tình huống đang xảy ra, tuỳ thuộc vào thái độ của chúng ta đối với nó. Tuy nhiên, khía cạnh này sẽ được xem xét cụ thể ở phần kế tiếp, Uốn nắn tâm.

Khi thực hành pháp hành ghi nhận thuần tuý, tác động mạnh mẽ đầu tiên lên tâm trí của thiền sinh có lẽ là sự đối đầu trực tiếp với một sự kiện luôn hiện hữu: Sự thay đổi. Trên phương diện Giáo pháp thì đây là đặc tính đầu tiên trong ba đặc tính phổ quát của cuộc sống: Vô thường (anicca). Chuỗi các sự kiện đơn lẻ sinh diệt không ngừng được quan sát bằng pháp hành ghi nhận thuần tuý sẽ trở thành một kinh nghiệm có sức mạnh ngày càng tăng và có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với tiến triển của việc hành thiền. Cũng chính từ các trải nghiệm về sự sinh diệt liên tục này mà sự nhận biết trực tiếp về hai đặc tính phổ quát còn lại của sự vật và hiện tượng, Khổ (dukkha) và Vô ngã (anattā) sẽ xuất hiện đúng lúc.

Mặc dù sự thật hay đặc tính Vô thường thường được thừa nhận, ít nhất là ở một mức độ nhất định nào đó, nhưng trong cuộc sống bình thường, mọi người sẽ chỉ ý thức được về Vô thường khi nó thách thức họ một cách khá cực đoan, trong những tình huống dễ chịu cũng như khó chịu, nhưng phần lớn là trong những tình huống khó chịu. Tuy nhiên, pháp hành ghi nhận thuần tuý sẽ khiến chúng ta nhận ra rằng Vô thường (sự sinh diệt liên tục) luôn ở bên chúng ta; rằng tần suất xảy ra những sự sinh diệt liên tục đó trong một phần rất nhỏ của giây cũng vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Lần đầu tiên khi có thể kinh nghiệm trực tiếp được sự sinh diệt đơn lẻ liên tục này, nó sẽ là một cú đập mạnh không chỉ lên tâm trí mà còn chạm đến toàn bộ con người của chúng ta — chúng ta đang thực sự sống trong loại thế giới nào đây nhỉ? Đối mặt với Vô thường, như được kinh nghiệm trực tiếp một cách sống động trên cơ thể và ở trong tâm của mình, giờ đây chúng ta mới bắt đầu “nhìn mọi thứ như chúng thực sự là”, đặc biệt là “những gì xảy ra ở trong tâm”. Chúng ta không thể hiểu được tâm nếu không nhận ra rằng, tâm là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ. Và chúng ta cũng không thể hiểu được tâm nếu không duy trì sự thật đó (tâm là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ) trong mọi nghiên cứu của chúng ta nhằm tìm hiểu về tâm. Do đó, việc chỉ ra sự thật này, chỉ ra bản chất của Vô thường trong các tiến trình của tâm là một đóng góp quan trọng của pháp hành ghi nhận thuần tuý vào việc tìm hiểu về tâm. Sự thật về Vô thường sẽ phủ nhận các quan điểm về một cái tâm thường hằng (không thay đổi) với giả định về sự thường còn của các thực thể cũng như các phẩm tính. Hiểu biết sâu sắc về bản chất của Vô thường sẽ là một đóng góp mang tính khẳng định tích cực, bởi vì nó cung cấp nhiều thông tin chi tiết về bản chất năng động của các tiến trình tâm.

Khi tập trung áp dụng pháp hành ghi nhận thuần tuý lên các nhận thức của giác quan, đặc điểm khác biệt của các tiến trình vật chất và tinh thần, các mối quan hệ qua lại và sự xảy diễn xen kẽ của chúng cũng như chức năng cơ bản “thấy mọi thứ một cách khách quan”của tâm sẽ trở nên rõ ràng.

Ở đây, việc đề cập về chức năng “thấy mọi thứ một cách khách quan” (nghĩa là có đối tượng, nắm bắt lấy đối tượng) cũng như đề cập về các tiến trình vật chất và tinh thần là dành cho mục đích phân tích trong thực tế. Những thuật ngữ này không mang ý nghĩa thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với thuyết nhị nguyên về chủ thể — đối tượng và tâm trí — vật chất. Chúng tôi cũng không có ý theo bất kỳ một thuyết nhất nguyên nào, mà trong đó hoặc là chỉ thiên về tâm trí hoặc là chỉ thiên về vật chất. Giáo lý Trung đạo của Đức Phật về Duyên khởi (paṭiccasamuppāda) vượt lên trên tất cả các khái niệm nhất nguyên, đa nguyên và nhị nguyên. Trong một thế giới của các điều kiện, của tính tương đối và của sự thay đổi liên tục, như được kinh nghiệm trực tiếp trong việc thực hành sự ghi nhận thuần tuý, những quan niệm cứng nhắc đó sẽ sớm được nhận ra là hoàn toàn phi lý.

Những nhận xét sau cùng mang tính bất chợt ở trên đây của chúng tôi chỉ ra một đóng góp khác mang tính chất lý thuyết hơn (của pháp hành ghi nhận thuần tuý) đến sự hiểu biết về tâm, liên quan đến những quan điểm triết học lâu đời được đề cập ở trên vốn nảy sinh từ những tiền đề sai lầm về thực tại, đi kèm với những cấu trúc thượng tầng lý thuyết rộng lớn được đóng khung chỉ để phù hợp với những tiền đề sai lầm đó. Tuy nhiên, chúng ta không quan tâm một cách trực tiếp đến những vấn đề này ở đây. Trong ngữ cảnh của đề tài được quan tâm trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ cần chỉ ra rằng, kinh nghiệm chung cũng như sự xem xét kỹ lưỡng xuyên thấu sẽ cho chúng ta thấy được những sự khác biệt trong tiến trình và nội dung của nhận thức, điều đó đủ sức mạnh để giải thích cho việc sử dụng một cách thực dụng các cặp thuật ngữ truyền thống như chủ thể — đối tượng và tâm trí — vật chất.

Khi việc thực hành pháp hành ghi nhận thuần tuý đã mang lại một kinh nghiệm sâu rộng nhất định trong việc xử lý các sự kiện ở trong tâm mình, thiền sinh sẽ ngay lập tức chắc chắn được một điều rằng tâm mình không là gì khác hơn ngoài chức năng nhận thức của nó. Không nơi nào, đằng sau hoặc bên trong chức năng đó, mà chúng ta có thể phát hiện ra được một đại diện cho một cá nhân hoặc một thực thể thường còn nào. Bằng kinh nghiệm trực tiếp của chính mình, thiền sinh sẽ chạm tới sự thật cao thượng về Vô ngã (anattāanātma trong tiếng Sanskrit), cho thấy rằng mọi sự tồn tại đều không có một cái tôi (hoặc một cái ngã, một linh hồn,…) thường còn hoặc một thực thể thường còn dưới bất cứ một hình thức nào cả. Đối với tâm lý học hiện đại, giáo lý Vô ngã độc nhất và mang tính cách mạng “mang lại kiến ​​thức” ở một cấp độ quan trọng, thông qua tác động mạnh mẽ của nó lên gốc rễ và các cành nhánh khác nhau của các bộ môn khoa học về tâm. Những tác động này là hiển nhiên đối với những người nghiên cứu trong lĩnh vực này và chúng tôi không đưa ra các ví dụ minh họa ở đây. Khi gọi học thuyết Vô ngã là độc nhất, chúng tôi muốn phân biệt nó với “tâm lý học không linh hồn”, một học thuyết đã được biết đến ở phương Tây chủ yếu mang màu sắc duy vật, và đôi khi được gọi là “vô hồn” như kiểu của một giọng điệu phản đối. Tuy nhiên, tâm lý học Phật giáo không mang tính duy vật theo nghĩa triết học hay đạo đức. Ý nghĩa triết học và đạo đức thực sự của học thuyết Vô ngã, cũng như “âm điệu cảm xúc” của nó, chỉ có thể được hiểu một cách trọn vẹn trong bối cảnh của toàn bộ giáo lý Phật giáo, chứ không phải là đứng riêng, tách rời. Chúng ta sẽ có dịp quay lại chủ đề này trong những phần kế tiếp.

Ngoài ra, pháp hành ghi nhận thuần tuý sẽ cung cấp những thông tin đáng kinh ngạc và hữu ích về các hoạt động của tâm thức con người: Cơ chế của cảm xúc và đam mê, độ tin cậy của khả năng lý luận, những động cơ thực sự hoặc giả tạo, và nhiều khía cạnh khác của đời sống tinh thần. Nó cũng sẽ chỉ ra những điểm yếu và điểm mạnh của một cá nhân, và trong đó có một số điều mà cá nhân đó lần đầu tiên biết đến.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý này rất hữu ích cho việc tìm hiểu kiến ​​thức về tâm và thông qua đó cũng mang lại kiến ​​thức về mọi thứ. Nó phù hợp với quy trình và thái độ của một nhà khoa học, một học giả chân chính bao gồm: Định nghĩa rõ ràng về chủ đề và thuật ngữ; duy trì khả năng tiếp nhận mà không có định kiến ​​đối với các hướng dẫn được đưa ra từ chính sự vật và hiện tượng đang nghiên cứu; loại trừ, hoặc ít nhất là giảm bớt sự đánh giá mang yếu tố chủ quan; trì hoãn đánh giá cho đến khi việc kiểm tra cẩn thận các sự kiện và dữ liệu đã được thực hiện. Tinh thần chân chính này của một nhà nghiên cứu, được thể hiện trong thái độ của pháp hành ghi nhận thuần tuý, sẽ luôn liên kết Phật pháp với khoa học đích thực, mặc dù không nhất thiết cần phải kết nối Phật pháp với tất cả các học thuyết thời nay. Tuy nhiên, mục đích của Phật pháp không giống với mục đích của khoa học thế tục, vốn chỉ giới hạn ở việc khám phá và giải thích các sự kiện. Giáo lý về tâm của Đức Phật không chỉ giới hạn ở kiến ​​thức lý thuyết về tâm mà nó nhằm mục đích uốn nắn tâm và qua đó, uốn nắn luôn cả cuộc đời của một con người. Với mục tiêu như vậy, Phật pháp sẽ thích hợp với nhánh tâm lý học hiện đại chuyên dành cho việc áp dụng vào thực tế các kiến ​​thức lý thuyết về tâm.

2. Giá trị của pháp hành ghi nhận thuần tuý trong việc uốn nắn tâm

Phần lớn đau khổ do con người gây ra trên thế giới không bắt nguồn từ các cố ý xấu xa mà là bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết (si), thiếu chánh niệm, thiếu suy nghĩ, hấp tấp và thiếu tự chủ. Thường thì chỉ cần một khoảnh khắc đơn lẻ của chánh niệm hoặc suy nghĩ trí tuệ cũng đã có thể ngăn chặn được một chuỗi những đau khổ hoặc tội lỗi sâu rộng. Bằng cách tạm dừng trước khi hành động, cùng với thái độ thuần tuý ghi nhận theo thói quen, chúng ta sẽ có thể nắm lấy được khoảnh khắc mang tính quyết định nhưng ngắn ngủi, khi tâm trí chưa quyết định một đường hướng hành động hay thái độ rõ ràng nào, nhưng vẫn sẵn sàng cởi mở đón nhận các hướng dẫn khéo léo. Khoảnh khắc ngắn ngủi kế tiếp có thể thay đổi hoàn toàn tình thế, khi quyền lực tối cao cuối cùng lại được trao cho những xung động và phán đoán sai lầm từ bên trong hoặc cho những ảnh hưởng có hại từ bên ngoài.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý làm chậm lại, hay thậm chí dừng lại luôn, tiến trình chuyển đổi từ suy nghĩ sang hành động, cho phép tâm có nhiều thời gian hơn để đi đến một quyết định chín chắn. Sự chậm lại như vậy có một tầm quan trọng sống còn trong hoàn cảnh những lời nói và hành động vô ích, có hại hoặc xấu ác có tính tự phát quá mạnh, tức là chúng xuất hiện như là những phản ứng tức thời đối với các sự kiện hoặc suy nghĩ, mà không cho phép “cái phanh hãm ở bên trong của trí tuệ”, không cho phép sự tự chủ cũng như lẽ phải thông thường có cơ hội hoạt động. Có được thói quen “làm chậm lại” sẽ là một vũ khí hiệu quả chống lại sự hấp tấp trong lời nói và hành động. Bằng việc học cách để tạm dừng, để chậm lại và dừng hẳn thông qua pháp hành ghi nhận thuần tuý, tính mềm dẻo và khả năng tiếp nhận của tâm sẽ được phát triển đáng kể. Bởi vì những phản ứng có bản chất không như mong muốn sẽ không còn xảy ra một cách tự động, với tần suất như trước nữa. Khi ưu thế của những phản ứng tự động theo thói quen này, vốn thường không bị phản đối và nghi ngờ, bây giờ thường xuyên bị phản đối, thì chúng sẽ dần dần mất đi sức mạnh của mình.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý cũng sẽ cho chúng ta thời gian để suy ngẫm xem, trong một tình huống cụ thể thì các hành động thân, khẩu, ý nào là cần thiết và nên làm hay là ngược lại? Chúng ta thường hay có quá nhiều những sự can thiệp không cần thiết vào mọi việc. Tuy nhiên, nhờ vào pháp hành ghi nhận thuần tuý, chúng ta có thể tránh được điều này, tránh tự gây ra cho bản thân mình nhiều đau khổ và vướng mắc một cách không cần thiết. Khi đã quen với sự bình yên trong tâm hồn được ban tặng bởi thái độ ghi nhận thuần tuý, chúng ta sẽ ít bị cám dỗ lao vào hành động hoặc can thiệp vào công việc của người khác. Và khi mọi sự rắc rối cũng như xung đột được giảm bớt đi thì nỗ lực uốn nắn tâm sẽ gặp ít sự kháng cự hơn, sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Để đối trị với xu hướng “hấp tấp” và “can thiệp”, có một lời khuyên thiết thực, ngắn gọn như sau: Hãy xem xét kỹ lưỡng trước khi hành động, hãy cho tâm cơ hội có được một cái nhìn lâu hơn và rộng hơn về mọi việc, hãy kiềm chế sự thôi thúc của lời kêu gọi “phải hành động bằng mọi giá” ở bên trong.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý chỉ quan tâm đến hiện tại. Nó dạy điều mà rất nhiều người đã quên: Sống với một nhận thức đầy đủ ở đâyngay bây giờ. Nó dạy chúng ta đối diện với hiện tại mà không cố gắng chạy trốn vào những suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai.  Đối với một nhận thức bình thường, quá khứ và tương lai không phải là đối tượng để quan sát, mà là để suy ngẫm. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, quá khứ và tương lai lại hiếm khi được coi là đối tượng của các suy ngẫm trí tuệ thực sự, mà thường thì chúng chỉ là đối tượng của sự mơ mộng và tưởng tượng viển vông, vốn là kẻ thù chính của Chánh niệm, Chánh kiến ​​và Chánh nghiệp. Trung thành với vị trí của nó, pháp hành ghi nhận thuần tuý quan sát một cách bình tĩnh và không dính mắc vào tiến trình không ngừng nghỉ của thời gian: Nó lặng lẽ chờ đợi những sự việc trong tương lai xuất hiện trước mắt nó, biến chúng thành đối tượng của hiện tại và rồi để chúng biến mất vào quá khứ. Có không biết bao nhiêu năng lượng đã bị lãng phí bởi các suy nghĩ vô ích về quá khứ: Bởi sự khao khát vu vơ về những ngày đã qua, bởi sự lặp lại bằng lời nói hoặc suy nghĩ về tất cả những điều tầm thường đã xảy ra trong quá khứ! Và tương tự như vậy, phần lớn những suy nghĩ về tương lai cũng đều là vô ích: Những hy vọng viển vông, những kế hoạch không tưởng và những giấc mơ trống rỗng, những nỗi sợ hãi vô căn cứ và những lo lắng vô ích. Tất cả những điều này là nguyên nhân của các nỗi muộn phiền và thất vọng mà chúng ta có thể tránh được. Chúng có thể được loại bỏ bằng pháp hành ghi nhận thuần tuý.

Chánh niệm giành lại cho chúng viên ngọc tự do đã bị đánh mất, giật lấy nó từ cái hàm rồng quyền năng của thời gian. Chánh niệm giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích của quá khứ, thứ mà chúng ta luôn dại dột cố gắng củng cố bằng cách nhìn lại một cách quá thường xuyên với đôi mắt của khao khát, của oán giận hoặc hối tiếc. Chánh niệm ngăn chặn chúng ta tự xiềng xích chính mình ngay trong thời điểm hiện tại, khi chúng ta mãi tưởng tượng về những nỗi sợ hãi và hy vọng nhằm đoán trước các sự kiện trong tương lai. Như vậy, Chánh niệm khôi phục lại cho chúng ta sự tự do, điều chỉ có thể tìm được ở giây phút của hiện tại.

Những suy nghĩ về quá khứ và tương lai là chất liệu chính cho sự mơ mộng. Với bản chất dai dẳng và bám dính cùng với sự lặp đi lặp lại không ngừng, chúng đã lấn át không gian chật hẹp của nhận thức về hiện tại, lấy mất cơ hội cho nhận thức về hiện tại hình thành và trên thực tế, còn khiến cho nó trở nên khó định hình và yếu ớt hơn. Những giấc mơ vô ích này là trở ngại chủ yếu của sự tập trung. Một cách chắc chắn để loại trừ chúng là kiên quyết hướng tâm vào việc ghi nhận thuần tuý một đối tượng bất kỳ nào sẵn có ở gần bên, bất cứ khi nào ở trong tâm không thấy có một sự cần thiết hoặc không có một sự thôi thúc nào cho một suy nghĩ hoặc hành động cụ thể, mà hệ quả là tạo nên một sự trống rỗng mang tính đe doạ ở trong tâm và sẽ nhanh chóng bị xâm chiếm bởi sự mơ mộng viễn vông. Tuy nhiên, nếu chúng đã lỡ bước vào tâm rồi, thì chúng ta chỉ cần biến chính những sự mơ mộng này thành đối tượng để quan sát một cách kỹ lưỡng, nhằm tước bỏ khả năng làm loãng tâm của chúng và cuối cùng là giải tán chúng. Đây là ví dụ về một phương cách hiệu quả trong việc “chuyển đổi những nhiễu loạn trong thiền thành đối tượng của thiền” mà sẽ còn được đề cập đến trong những phần sau.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý mang lại trật tự cho những ngóc ngách lộn xộn của tâm. Nó phơi bày ra vô số các nhận thức mơ hồ và rời rạc, các dòng suy nghĩ dang dở, các ý tưởng lộn xộn, các cảm xúc ngột ngạt,… đang diễn ra hàng ngày trong tâm. Nhìn chung thì những ai đang tiêu thụ các hoạt động tinh thần vô ích này đều là những người yếu đuối và bất lực. Tuy nhiên, do bởi được tích luỹ lâu ngày, chúng sẽ dần dần làm suy giảm luôn hiệu quả của các chức năng tâm. Là bởi vì những mảnh suy nghĩ này phần lớn được cho phép chìm sâu xuống vào tiềm thức, mà không được quan tâm một cách đúng mức. Do đó, chúng sẽ ảnh hưởng một cách tự nhiên đến cấu trúc cơ bản của tính cách, tâm tính và khuynh hướng của chúng ta. Và chúng sẽ dần dần làm giảm phạm vi và tính sáng suốt của nhận thức nói chung, cũng như làm suy giảm tính linh hoạt của nó, tức là khả năng được định hình, chuyển hóa và phát triển của nhận thức.

Một hiểu biết về những điều không mấy tốt đẹp về bản thân mình, thu được thông qua việc áp dụng pháp hành ghi nhận thuần tuý ở bên trong tâm, lên những khu vực bẩn thỉu và xấu xí ở trong tâm của chúng ta, sẽ khơi dậy một sự phản kháng ở bên trong đối với thực tế đang xảy ra rằng: Sự rõ ràng và trật tự của tâm bị biến thành sự lộn xộn, cũng như những gì quý giá của tâm lại bị biến thành cặn bã. Do bởi áp lực của sự kinh tởm đó mà việc thực hành chánh niệm một cách nghiêm túc nhất sẽ ngày càng gia tăng, và sự lãng phí quá mức năng lượng của tâm sẽ dần dần được kiểm soát. Ở đây, chức năng “dọn dẹp” tự động này của pháp hành ghi nhận thuần tuý đóng góp vào việc uốn nắn tâm.

Khi pháp hành ghi nhận thuần tuý được áp dụng với tâm, nó sẽ cung cấp những thông tin chân thực về tâm, là điều không thể thiếu để có thể thành công trong việc uốn nắn tâm. Bằng cách hoàn toàn chú ý đến những suy nghĩ của mình khi chúng sinh khởi, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về điểm yếu và điểm mạnh của mình, tức là về những khiếm khuyết cũng như những năng lực mà chúng ta có được. Tự lừa dối bản thân về các khiếm khuyết của mình cũng như thiếu đi sự hiểu biết về những điểm mạnh của mình khiến cho việc tự phát triển bản thân trở nên bất khả thi.

Với kỹ năng đạt được thông qua việc rèn luyện pháp hành ghi nhận thuần tuý mà trong đó những thứ xấu xa và có hại được gọi tên ra ngay lập tức bằng cái tên thật của chúng, chúng ta đã đặt bước chân đầu tiên hướng tới việc loại bỏ chúng. Nếu thiền sinh hay biết một cách rõ ràng, ví dụ như trong pháp Quán tâm có lời chỉ dẫn rằng: “Tâm có tham”, hay trong pháp Quán pháp có lời chỉ dẫn rằng: “Nội tâm tôi có trạo hối”, thì thói quen đơn giản của việc đưa ra những tuyên bố rõ ràng như vậy sẽ tạo ra một sự phản kháng ở bên trong đối với những phẩm tính tiêu cực đó. Điều này sẽ lại khiến bản thân những sự phản kháng này ngày càng được cảm nhận nhiều hơn. Hình thức “ghi nhận” ngắn gọn và vô tư này thường chứng tỏ là hiệu quả hơn so với việc tập trung ý chí, cảm xúc hoặc lý trí khi đối trị với các phẩm tính tiêu cực. Bởi vì, thường thì sự tập trung ý chí, cảm xúc và lý trí lại kích động thêm các lực đối kháng trong tâm nhằm chống lại một cách cứng rắn hơn chính các nỗ lực đối trị với phiền não đó.

Các phẩm tính tích cực của chúng ta tất nhiên cũng sẽ cần được làm nổi bật lên một cách rõ ràng hơn, và những phẩm tính tích cực còn yếu kém hoặc chưa được chú ý đúng mức cũng sẽ có được cơ hội của nó, để rồi phát triển, nở hoa và kết trái. Những nguồn năng lượng và kiến ​​thức chưa được khai thác sẽ lộ diện, và những năng lực mà cho đến nay bản thân chúng ta vẫn chưa biết đến cũng sẽ được bộc lộ. Tất cả những điều này sẽ củng cố sự tự tin, vốn là yếu tố rất quan trọng cho sự tiến bộ của tâm.

Bằng cách này hay cách khác, phương pháp đơn giản và không cưỡng ép của pháp hành ghi nhận thuần tuý chứng tỏ là một trợ giúp hữu hiệu nhất trong việc uốn nắn tâm.

3. Giá trị của pháp hành ghi nhận thuần tuý trong việc giải phóng tâm

Chúng tôi sẽ đề nghị với độc giả một việc: Trước tiên hãy dành một vài ngày thử nghiệm, mà trong thời gian đó vị ấy cố gắng duy trì tốt nhất có thể thái độ ghi nhận thuần tuý đối với mọi người, với môi trường nhạt nhẽo xung quanh và đối với những diễn biến khác nhau diễn ra trong ngày. Bằng cách thực tập như vậy, vị ấy sẽ sớm cảm thấy rằng những ngày này trôi qua một cách hài hòa hơn biết bao, so với những ngày mà vị ấy nhượng bộ trước những kích động nhỏ nhất khiến vị ấy phải can thiệp vào bằng hành động, lời nói, cảm xúc hoặc suy nghĩ. Như thể được bảo vệ bởi một lớp áo giáp vô hình trước những điều tầm thường và quấy rầy của thế giới bên ngoài, vị ấy sẽ đi qua những ngày như vậy một cách thanh bình và mãn nguyện, với một cảm giác hồ hởi của sự thoải mái và tự do. Như thể là đang từ một nơi chật chội khó chịu của một đám đông hối hả và ồn ào, vị ấy trốn thoát được đến một đỉnh đồi của sự tĩnh lặng và tách biệt, và rồi thở phào nhẹ nhõm nhìn xuống sự ồn ào và nhộn nhịp ở bên dưới. Như vậy, vị ấy trải nghiệm được sự bình yên và hạnh phúc của sự xả ly. Khi “bước lùi” khỏi sự vật và con người, thái độ của chúng ta đối với mọi thứ thậm chí còn trở nên thân thiện hơn, bởi vì khi đó sẽ không còn có những căng thẳng thường phát sinh từ sự can thiệp, từ tham muốn, từ sân giận hoặc các hình thức ngã mạn (tự so sánh) khác. Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thế giới bên trong cũng như bên ngoài của chúng ta sẽ trở nên rộng rãi hơn. Ngoài ra, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, mọi việc vẫn diễn ra khá tốt đẹp khi không có sự can thiệp xen vào của chúng ta và bản thân chúng ta cũng tốt hơn nếu có thể kiềm chế như vậy. Có biết bao nhiêu phiền toái có thể tránh khỏi, có biết bao nhiêu vấn đề có thể tự nó giải quyết, nếu chúng ta không xen vào! Như vậy, pháp hành ghi nhận thuần tuý cho thấy một cách rõ ràng lợi ích của việc tiết chế hành động tạo nghiệp, dù là thiện hay bất thiện, tức là tránh xa khỏi hoạt động xây dựng thế giới, tạo ra đau khổ. Pháp hành ghi nhận thuần tuý dạy chúng ta nghệ thuật của sự buông bỏ, giúp chúng ta dứt bỏ sự bận rộn và thói quen can thiệp.

Một khoảng cách tách rời ở bên trong với mọi vật, với con người và với chính chúng ta, như có thể đạt được một cách tạm thời và cục bộ thông qua pháp hành ghi nhận thuần tuý, cho chúng ta thấy bằng kinh nghiệm của chính mình rằng: Có thể đạt đến một sự xả ly hoàn toàn cuối cùng cũng như có thể có được hạnh phúc phát sinh từ sự buông bỏ hoàn toàn đó. Nó mang lại cho chúng ta niềm tin rằng, sẽ có một ngày mà việc tạm thời bước sang một bên như vậy trở thành một sự bước ra hoàn toàn, thoát khỏi thế giới đau khổ này. Nó mang lại cho thiền sinh một loại nếm trước, hay ít ra là một ý tưởng, về sự tự do tối thượng, “sự thánh thiện giữa cuộc đời này” (diṭṭhadhamma-nibbāna), như được ám chỉ bằng câu nói: “Ở giữa thế gian, nhưng lại không thuộc về thế gian này”.

Nhằm mục tiêu đạt đến sự giải thoát tâm cao nhất và sau cuối, pháp hành ghi nhận thuần tuý rèn nên một công cụ chính để xuyên thấu sâu nhất vào chân lý mà trong Pháp gọi là Tuệ Minh Sát (vipassanā). Đó là mục đích tối thượng của phương pháp được mô tả ở đây, và nó cũng là hình thức cao nhất của chức năng giải thoát tâm.

Tuệ Minh Sát là sự nhận biết trực tiếp và xuyên thấu về ba đặc tính của mọi sự tồn tại bao gồm Vô thường, Khổ và Vô ngã. Đó không phải là sự đánh giá mang tính trí óc đơn thuần hay là những kiến ​​thức mang tính khái niệm về những đặc tính này, mà đó là kinh nghiệm cá nhân không thể nghi ngờ và không thể lay chuyển được về Vô thường, Khổ và Vô ngã, là những kinh nghiệm có được và hoàn thiện dần thông qua việc nhiều lần đối mặt trực tiếp với các sự kiện ẩn chứa những sự thật đó. Tuệ Minh Sát thuộc vào loại kiến ​​thức chuyển hoá cuộc đời mà nhà tư tưởng người Pháp Guyeau đã nghĩ đến khi phát biểu rằng: “Nếu một người biết mà không hành động một cách phù hợp, thì người đó biết một cách không hoàn hảo”. Bản chất thực sự của Tuệ Minh Sát là nó tạo ra một sự buông bỏ ngày càng tăng cũng như sự tự do ngày càng tăng khỏi các tham ái, mà đỉnh điểm là đạt đến sự giải thoát cuối cùng của tâm khỏi tất cả những gì khiến nó bị trói buộc trong thế giới của khổ đau.

Sự đối mặt trực tiếp với thực tại để dần tiến đến Tuệ Minh Sát có được là nhờ vào việc thực hành ghi nhận thuần tuý, nhờ vào việc thực hành Tứ niệm xứ nói chung. Phương pháp thực hành cụ thể sẽ được mô tả ở các phần kế tiếp. Nhưng ngay cả việc áp dụng nó một cách ngẫu nhiên trong cuộc sống thường ngày cũng sẽ cho thấy ảnh hưởng mang tính giải thoát của nó đối với tâm, mà nếu kiên trì áp dụng thì nó sẽ tạo ra một nền tảng tinh thần hữu ích cho nỗ lực thực hành một cách nghiêm ngặt và có hệ thống về sau.

Bản chất của Tuệ Minh Sát là để thoát khỏi tham, sân, si và để thấy một cách rõ ràng mọi sự vật, hiện tượng ở thế giới bên trong cũng như bên ngoài như là những “hiện tượng thô sơ, nguyên bản” (suddha-dhamma), tức là như những tiến trình vô ngã. Đó cũng chính là đặc tính của thái độ ghi nhận thuần tuý, và do đó việc thực hành nó sẽ giúp thiền sinh dần dần làm quen với những đỉnh cao của Tuệ Minh Sát hoàn hảo cũng như sự giải thoát cuối cùng của tâm.

Mục tiêu cao cả của sự xả ly hoàn toàn và tuệ giác sâu sắc này có thể vẫn còn là rất xa vời đối với người mới bắt đầu bước đi trên Con đường chánh niệm. Nhưng nhờ vào những kinh nghiệm tương tự của bản thân mình trong quá trình thực hành pháp hành ghi nhận thuần tuý mà nó sẽ không hoàn toàn là xa lạ đối với vị ấy. Ở thời điểm hiện tại, vị đệ tử như vậy sẽ luôn có một sự quen thuộc sâu sắc nhất định đối với mục tiêu cao thượng cuối cùng này. Và do đó, nó có một sức hấp dẫn tích cực mà vị ấy không thể cảm nhận được nếu mục tiêu cao thượng kia chỉ là một khái niệm trừu tượng thuần tuý mà không có bất cứ điều gì tương ứng trong kinh nghiệm thực tế ở bên trong nội tâm của vị ấy. Đối với những ai đã bước vào Con đường chánh niệm, mục tiêu cuối cùng sẽ xuất hiện giống như đường viền của một dãy núi cao ở xa phía chân trời; và những đường nét này sẽ dần dần mang lại một cảm giác quen thuộc, thân thiết đối với vị lữ khách, người thường ngắm nhìn chúng trong khi nỗ lực cất bước trên con đường vất vả và vẫn còn đang ở rất xa so với những đỉnh núi cao quý này. Mặc dù sự chú ý của người lữ khách cần phải chủ yếu dành cho đoạn đường thường là buồn tẻ ở dưới chân mình, hoặc cho những chướng ngại vật khác nhau cũng như những ngã rẽ khó hiểu trên con đường của mình, nhưng một điều quan trọng không kém là thỉnh thoảng đôi mắt của vị ấy sẽ cần phải ngước lên hướng nhìn về phía những đỉnh núi đích đến cao vời, khi thấy chúng xuất hiện xa xa ở phía chân trời. Những đỉnh núi xa xa kia giữ cho tầm mắt của vị ấy hướng đi thực sự của cuộc hành trình mà vị ấy đang đi, giúp vị ấy tìm lại được những bước đi đúng hướng nếu nhỡ may bị lạc đường. Chúng sẽ mang lại sức sống mới cho đôi chân mệt mỏi của vị ấy, mang lại lòng can đảm tươi mới cho tâm của vị ấy và mang lại niềm hy vọng mà thường sẽ bị yếu dần đi nếu như những đỉnh núi luôn bị che khuất hoặc nếu vị ấy chỉ được nghe hoặc đọc về chúng. Chúng cũng sẽ nhắc nhở vị ấy đừng quên rằng, cùng với toàn bộ “những niềm vui nho nhỏ có được trên đường đi”, một thành tựu cao quý trên những đỉnh núi cao kia đang chờ đợi vị ấy ở phía chân trời.

II. Tỉnh giác

Cả hai thái độ, tiếp nhận và xả ly, của pháp hành ghi nhận thuần tuý có thể và chắc chắn nên chiếm một vị trí lớn hơn trong đời sống tinh thần của chúng ta so với những gì đang xảy ra. Do đó, nó được trình bày một cách chi tiết ở phần trên. Nhưng điều này không nên khiến chúng ta quên đi một sự thật rằng, thông thường thì pháp hành ghi nhận thuần tuý chỉ có thể được duy trì trong một khoảng thời gian giới hạn của cuộc sống bình thường, ngoài những thời gian được dành riêng chỉ để áp dụng nó. Thông thường thì mỗi một giây phút trong ngày đều đòi hỏi phải có các hoạt động thân, khẩu, ý nhất định nào đó. Đầu tiên là rất nhiều yêu cầu cho các hoạt động hoặc vận động của thân, ngay cả khi đó chỉ là một sự thay đổi đơn giản của tư thế. Chúng ta cũng phải rất nhiều lần bỏ lại sự bảo vệ cũng như sự mãn nguyện tự thân của tĩnh lặng và tham gia vào mối quan hệ với những người khác thông qua lời nói. Và tâm cũng không thể tránh khỏi việc xác định vị trí của nó, với chính nó và với thế giới bên ngoài, đồng thời phát ra mệnh lệnh cho các hành động vô số lần trong ngày. Tâm phải chọn lựa, phải quyết định và đánh giá.

Thực tế là phần lớn thời gian hoạt động tích cực trong cuộc sống của chúng ta đều có liên quan đến chức năng Tỉnh giác (sampajañña), là chi phần thứ hai của chánh niệm. Một trong những mục đích của việc thực hành Tứ niệm xứ là rèn luyện để tỉnh giác sẽ dần dần trở thành sức mạnh điều chỉnh mọi hoạt động của chúng ta, bao gồm thân, khẩu và ý. Nhiệm vụ của tỉnh giác là khiến cho các hoạt động thân, khẩu và ý trở nên có mục đích và hiệu quả, phù hợp với thực tế, phù hợp với lý tưởng của chúng ta cũng như thích hợp với mức độ hiểu biết cao nhất của chúng ta. Thuật ngữ “tỉnh giác” nên được hiểu là: Sự trong sáng và rõ ràng có được từ ghi nhận thuần tuý được đi kèm với một sự hiểu biết đầy đủ về mục đích và thực tế, ở bên trong cũng như ở bên ngoài, hay nói một cách khác, tỉnh giác là chánh kiến ​​(ñāṇa) hoặc trí tuệ (paññā) được đặt trên nền tảng của chánh niệm (sati).

Mặc dù bản kinh chỉ đề cập đến các hành động và lời nói tỉnh giác, và như vậy thì tỉnh giác chỉ được đề cập đến ở trong phần Quán thân của bản kinh, nhưng không cần nói thì chúng ta vẫn phải biết rằng, suy nghĩ — “cửa ngõ thứ ba của các hành động” cũng phải được đặt  dưới sự kiểm soát của tỉnh giác.

Bốn loại tỉnh giác

Các bản chú giải kinh phân biệt bốn loại Tỉnh giác bao gồm: (1) Lợi ích tỉnh giác (sātthaka-sampajañña), (2) Thích nghi tỉnh giác (sappāya-sampajañña) , (3) Giới vực tỉnh giác (gocara-sampajañña), (4) Không tà kiến tỉnh giác (còn được gọi là Vô si tỉnh giác hoặc là Chánh kiến tỉnh giác; asammoha-sampajañña).

1. Lợi ích tỉnh giác (sātthaka-sampajañña)

Loại tỉnh giác đầu tiên này yêu cầu rằng, trước khi hành động, thiền sinh phải luôn tự hỏi bản thân xem hoạt động dự định sắp thực hiện ​​có thực sự phù hợp với mục đích, mục tiêu hay lý tưởng của mình hay không, tức là liệu nó có thực sự mang một mục đích phù hợp trong phạm vi hẹp hơn ở thực tế, cũng như trong quan điểm của lý tưởng hay không. Việc tạm dừng đúng lúc để đặt ra câu hỏi như vậy sẽ phải được học thông qua quá trình rèn luyện pháp hành ghi nhận thuần tuý, nếu điều đó chưa phải là thói quen của thiền sinh.

Một số người có thể cho rằng, không cần thiết phải biến “hành động có mục đích phù hợp” thành một chủ đề đặc biệt trong nỗ lực nghiên cứu và rèn luyện của họ. Bởi vì người ta tin rằng, là “những sinh vật có lý trí”, họ sẽ hành động “có lý trí” một cách tự nhiên, tức là hành động luôn có mục đích phù hợp một cách tự nhiên. Nhưng ngoại trừ việc theo đuổi mục đích tối thượng của Con đường chánh niệm, chắc chắn cần phải thừa nhận rằng chúng ta không phải lúc nào cũng cư xử một cách có lý trí; ngay cả khi mục đích chúng ta đang theo đuổi khá là hẹp hòi, hoàn toàn ích kỷ và mang nặng tính vật chất. Chúng ta thường hay quên đi các mục đích, chương trình và nguyên tắc của mình, bỏ qua ngay cả lợi ích rõ ràng nhất của mình. Và tất cả những điều này xảy ra không chỉ là vì hấp tấp hay các cảm xúc mạnh mẽ, mà thậm chí đôi khi chỉ là vì những ý tưởng bất chợt khá ngẫu nhiên, vì những sự tò mò trẻ con hoặc chỉ là vì sự lười biếng của mình. Vì những lý do này hoặc những lý do thứ yếu khác, chúng ta thường bị chệch đường, đi theo những hướng đi hoàn toàn khác so với mục tiêu đúng đắn trong cuộc sống cũng như so với lợi ích thực sự của mình.

Dưới tác động của vô số trở ngại đè nặng lên chúng ta từ thế giới đa dạng ở bên ngoài cũng như từ bên trong (papañca), việc thỉnh thoảng có một sự chệch hướng ra khỏi phương hướng chung của cuộc đời chắc chắn là điều dễ hiểu, và ở một mức độ nào đó thậm chí là không thể tránh khỏi đối với hầu hết chúng ta. Tuy nhiên, tốt hơn hết là cần thiết phải hạn chế những sai lệch như vậy đến mức tối thiểu cũng như cố gắng loại bỏ chúng hoàn toàn. Điều này chỉ có thể đạt được ở mức độ chánh niệm toàn hảo của một Bậc thánh A-la-hán (arahat). Đối với đa số chúng ta, những sai lệch như vậy khỏi con đường đúng đắn của một cuộc sống có mục đích sẽ không thể bị loại trừ, hoặc thậm chí không thể làm giảm thiểu đi một cách đáng kể, nếu chúng ta cứ ép buộc bản thân phải tuân theo những mệnh lệnh độc tài của các lý luận hoặc những lời răn dạy khô khan. Phần cảm xúc trong con người chúng ta cho những sự sai lệch hoặc trốn chạy kỳ lạ như vậy, vốn là một lối thoát hoặc một sự phản kháng, rốt cuộc sẽ sớm nổi dậy và thậm chí trả đũa bằng một số hành vi rất phi lý.

Để có được “sự thâm nhập một cách hòa bình” vào những khu vực không thực hiện các chức năng về mặt lý trí ở trong tâm và thu phục chúng để sẵn sàng tham gia vào việc hiện thực hoá lợi ích tỉnh giác, mọi thứ phải được “khởi đầu ở nơi nó bắt đầu”: Đó là  nền tảng rộng lớn của pháp hành ghi nhận thuần tuý. Bằng những phương cách thực hành đơn giản, không cưỡng ép và hài hòa của pháp hành ghi nhận thuần tuý, những sức mạnh tạo ra các căng thẳng ở bên trong tâm, vốn cản trở hoạt động có chủ đích, sẽ dần dần bị hút vào dòng chảy của mục tiêu và lý tưởng của chúng ta.

Sự phối hợp có mục đích giữa các xu hướng và nhu cầu khác nhau của tâm cũng như của vô số các hoạt động của chúng ta sẽ chỉ đạt được nhờ vào việc mở rộng sự kiểm soát có ý thức, hay sự tự chủ, một cách có hệ thống và thuận với tự nhiên. Chỉ bằng cách đó thì mới có thể tạo ra sự cân bằng ngày càng tăng giữa cảm xúc với sự hoà hợp và ổn định nói chung của tính cách — mà cuối cùng là mọi sự ương ngạnh, mọi sự tuỳ tiện, cho đến những sự phi lý trong hành vi cũng như trong các xu hướng tự hủy hoại, về cơ bản sẽ trở nên xa lạ. Nền tảng an toàn cho việc làm chủ bản thân như vậy, nghĩa là kiểm soát các giác quan cũng như tâm, là pháp hành ghi nhận thuần tuý không cưỡng ép. Bằng cách củng cố thói quen “dừng lại và suy nghĩ”, nó cho phép lợi ích tỉnh giác nhiều cơ hội hơn để hoạt động; và với việc trình bày các sự kiện một cách chân thực — không bị bóp méo, nó mang lại sự tỉnh giác bằng việc cung cấp những chất liệu đáng tin cậy để đưa ra các quyết định.

Điều có thể xảy ra và sẽ gây nên những sự hối tiếc sâu sắc về sau là: Khi một lý tưởng cao cả hoặc một mục đích quan trọng bị lãng quên hoặc tạm thời bị gạt sang một bên bởi vì một ý thích hay một sự mơ mộng nhất thời, thì nó sẽ có thể trở nên hoàn toàn không thể thành tựu được nữa, trước khi nó được tiếp tục thực hiện lại. Lý do là những “chuyến du ngoạn” ngẫu nhiên mà chúng ta gây ra đã làm thay đổi luôn cả hoàn cảnh ở bên ngoài. Cùng với lý do tương tự, lý tưởng hoặc mục đích cũng có thể trở nên không thể thành tựu được do bởi sự thay đổi ở chính bên trong bản thân mình. Sẽ có ít hơn các hối tiếc về những cơ hội bị đánh mất, nếu thiền sinh trau dồi lợi ích tỉnh giác cho đến khi nó được ăn sâu vào bản chất của mình.

Ngược lại, nếu một thiền sinh có thói quen chiều theo mọi ý thích bất chợt hoặc cho phép bản thân quá dễ dàng đi chệch khỏi mục đích của mình, thì những phẩm tính như tinh tấn, bền bỉ, định tâm, lòng trung kiên,… sẽ dần dần bị xói mòn và suy yếu cho đến mức chúng trở nên không còn đủ mạnh để giúp thiền sinh thành tựu mục đích ban đầu được nữa, hoặc thậm chí còn khiến thiền sinh đánh mất luôn sự trân quý chân thành dành cho nó. Điều thường xảy ra đối với những thiền sinh như trên là lý tưởng, đức tin tôn giáo và thậm chí cả những mục đích và tham vọng thông thường của vị ấy dần dần bị biến thành những cái vỏ ốc rỗng tuếch mà vị ấy vẫn mang theo bên mình, chỉ do bởi thói quen mà thôi.

Những nhận xét này là đủ để cho thấy sự cần thiết và cấp bách của việc củng cố mục đích trong từng hành động cũng như mở rộng quỹ đạo của nó. Điều này được thực hiện nhờ vào sự hiện diện thường xuyên của lợi ích tỉnh giác. Nó có chức năng phản đối, kháng cự lại tính rời rạc, vô mục đích và lãng phí của một phần lớn quá mức các hoạt động thân, khẩu, ý của chúng ta. Chức năng tích cực của nó là tập trung lại những năng lượng bị phân tán, nhằm biến nó thành một công cụ phù hợp cho nhiệm vụ giành quyền làm chủ cuộc sống của chúng ta. Bằng cách này, lợi ích tỉnh giác sẽ giúp hình thành một tâm điểm mạnh mẽ ở bên trong tính cách của chúng ta, đủ mạnh để điều phối dần dần toàn bộ mọi hoạt động của mình. Thêm nữa, lợi ích tỉnh giác củng cố khả năng lãnh đạo của tâm bằng cách trao cho nó một sự chủ động ​​khéo léo và quyết đoán, trong những trường hợp khi tâm thường nhượng bộ một cách thụ động hoặc phản ứng một cách tự động trước áp lực từ bên trong cũng như bên ngoài. Nó cũng sẽ cẩn thận đưa ra các lựa chọn khôn ngoan cũng như để ý đến các giới hạn về năng lực trong các hoạt động của chúng ta, vốn là điều cần thiết do bởi sự bối rối giữa vô số các cảm giác, sở thích, nhu cầu,… mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Một cái tâm với lợi ích tỉnh giác mạnh mẽ sẽ không dễ bị làm chệch hướng bởi chúng.

Một mục đích đúng đắn của sự chủ động ở trong tâm cộng với một nguyên tắc thực sự thích hợp trong việc quản lý các sự lựa chọn chính là sự trưởng thành ở trong Pháp (dhammato vuddhi), có nghĩa là tăng cường sự hiểu biết và tiến bộ trong việc thực hành giáo lý giải thoát của Đức Phật. Theo như các bậc Thầy thời xưa thì đây chính là mục đích thực sự của loại tỉnh giác đầu tiên này, lợi ích tỉnh giác. Một khi sự thật về khổ đã được hiểu một cách trọn vẹn thì sự tiến bộ trên Con đường dẫn đến sự diệt khổ sẽ thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết nhất — là mục đích đích thực và xứng đáng duy nhất của cuộc đời chúng ta.

2. Thích nghi tỉnh giác (sappāya-sampajañña)

Việc áp dụng thích nghi tỉnh giác vào các hoạt động hàng ngày cho phép một sự cân nhắc thích đáng dựa trên một cơ sở thực tế rằng: Không phải lúc nào chúng ta cũng có khả năng lựa chọn các hành động có ý nghĩa nhất cũng như đáng mong muốn nhất; Mà sự lựa chọn của chúng ta (như có đề cập ở phần trên — Lợi ích tỉnh giác) thường bị giới hạn bởi hoàn cảnh hoặc những hạn chế về năng lực của mình. Loại tỉnh giác thứ hai này dạy cho chúng ta “nghệ thuật của sự khả thi”, sự thích ứng với các điều kiện về mặt thời gian, địa điểm cũng như tính cách cá nhân. Nó kiềm chế sự bốc đồng và ngoan cố một cách mù quáng của những mong muốn, lòng tham, hay mục tiêu hoặc lý tưởng của chúng ta. Nó sẽ giúp tránh được nhiều thất bại không đáng có mà trong lúc thất vọng hoặc chán nản, chúng ta thường đổ lỗi cho chính mục đích hoặc lý tưởng của mình, thay vì xem xét lại quy trình sai lầm của bản thân mình. Thích nghi tỉnh giác dạy chúng ta “sự khéo léo trong việc lựa chọn phương tiện đúng đắn” (upāya-kosalla), một phẩm tính mà Đức Phật sở hữu ở một mức độ cao nhất và Ngài đã áp dụng một cách đáng ngưỡng mộ vào việc chỉ daỵ và hướng dẫn cho mọi người.

3. Giới vực tỉnh giác (gocara-sampajañña)

Hai loại tỉnh giác đầu tiên đều có thể được áp dụng cho những mục đích thực tế trong cuộc sống bình thường, mặc dù việc tuân theo các lý tưởng tôn giáo (dhamma) cũng được nhấn mạnh trong lúc áp dụng chúng vào thực hành. Bây giờ, chúng ta sẽ bàn đến phạm vi áp dụng của Pháp như là một năng lực chuyển hóa cuộc sống. Bằng việc áp dụng loại tỉnh giác thứ ba, các phương thức phát triển tâm đặc trưng được sử dụng trong Giáo pháp sẽ được tích hợp một cách chặt chẽ vào chính các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày; và với loại tỉnh giác thứ tư (tỉnh giác về “Thực tại”), điều tương tự cũng sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở giáo lý cơ bản của Pháp, nghĩa là giáo lý về vô ngã, hay tính linh động tuyệt đối của cái gọi là “tôi”.

Giới vực tỉnh giác được các nhà bình luận cổ xưa giải thích là: “Không từ bỏ đề mục của thiền” trong toàn bộ các sinh hoạt hàng ngày của thiền sinh. Điều này cần phải được hiểu theo hai cách.

(I) Khi thực hành chánh niệm trên một đề mục thiền cụ thể và đơn lẻ nào đó, thiền sinh cần cố gắng kết hợp nó với các hoạt động hoặc suy nghĩ được trực tiếp yêu cầu do bởi những công việc hàng ngày; hoặc diễn giải theo chiều ngược lại nghĩa là, hoạt động hàng ngày nên được đặt trong khuôn khổ của thiền như là các thể hiện của đề mục thiền. Ví dụ như, chức năng ăn uống có thể dễ dàng liên quan đến các quán niệm về tính vô thường của thân, tứ đại, nhân duyên,… Do đó, thiền và đời sống thường ngày sẽ hợp nhất với nhau — mang lại lợi ích cho cả hai. Điều thường có thể xảy ra là, khi không thể thiết lập được sự kết nối giữa hoạt động ở hiện tại của thiền sinh với đề mục thiền cụ thể của mình, hoặc nếu sự kết nối đó dường như quá mơ hồ, giả tạo để thực sự có giá trị, thì đề mục thiền nên được “đặt xuống một cách thận trọng, giống như việc hành lý được đặt xuống tạm thời”. Và thiền sinh sẽ không quên lấy lại hành lý, ngay sau khi hoàn thành xong hoạt động kia. Thực hành như vậy cũng sẽ được xem là “không từ bỏ đề mục của thiền”.

(II) Nhưng nếu thiền sinh thực hành chánh niệm một cách toàn diện, như được chủ trương ở đây, thì sẽ không bao giờ cần phải tạm thời đặt đề mục của thiền qua một bên, mà trên thực tế là đề mục thiền sẽ bao gồm tất mọi thứ. Việc từng bước thực hành chánh niệm sẽ dần cuốn tất cả mọi hoạt động của thân, khẩu và ý vào pháp hành, và kết quả sau cuối là đề mục của thiền sẽ không bao giờ có thể bị bỏ xuống được nữa. Mức độ thành công của thiền sinh trong việc này sẽ tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng mà tâm có thể hiện diện trong từng khoảnh khắc đơn lẻ, cũng như tuỳ thuộc vào sức mạnh tạo nên và củng cố thói quen này thông qua việc thực hành cần mẫn. Mục đích mà người đệ tử của pháp hành chánh niệm hướng tới là cuộc sống và pháp hành tâm linh của vị ấy hoà lại với nhau làm một. Khi đó, pháp hành cũng chính là cuộc sống trọn vẹn của vị ấy.

Vì thế, người đệ tử của pháp hành chánh niệm phải luôn luôn tự hỏi mình theo như lời của Ngài Tịch Thiên rằng: “Làm cách nào để pháp hành chánh niệm có thể được thực hành trong những hoàn cảnh thực tế này?” Một thiền sinh luôn không quên tự vấn bản thân mình như vậy cũng như luôn có các hành động thích hợp có thể được xem là sở hữu giới vực tỉnh giác của chánh niệm.

Để đạt được điều này chắc chắn không phải là một việc dễ dàng gì. Nhưng thiền sinh sẽ gặp ít khó khăn hơn, nếu hai loại tỉnh giác đầu tiên đã chuẩn bị được một nền tảng cho vị ấy. Nhờ vào lợi ích tỉnh giác, tâm sẽ đạt được một mức độ vững chắc cũng như một “sức mạnh uốn nắn” nhất định, cần thiết cho việc đưa các hoạt động trong cuộc sống đời thường vào pháp hành. Trong khi, thích nghi tỉnh giác sẽ phát triển những phẩm chất bổ sung cho tính linh hoạt và khả năng thích ứng của tâm. Với sự thực hành như vậy, khi tâm thiền được phát triển đến một mức độ nhất định thì việc đưa pháp hành vào cuộc sống cũng như việc mở rộng dần dần phạm vi của nó sẽ trở nên dễ dàng hơn.

4. Không tà kiến tỉnh giác (asammoha-sampajañña)

Thông qua ánh sáng trong trẻo của hiểu biết thấu suốt về thực tại, loại tỉnh giác thứ tư này loại bỏ ảo tưởng sâu sắc nhất và cố chấp nhất của chúng ta vào một niềm tin rằng: Có một bản ngã, một linh hồn hoặc một thực thể thường còn vĩnh cửu. Ảo tưởng sai lầm này (si) cùng với các hệ quả từ nó là tham và sân là động lực thực sự làm xoay vòng bánh xe cuộc sống và đau khổ mà chúng sinh bị trói buộc vào đó như là một dụng cụ tra tấn và họ bị cái bánh xe này nghiền nát hết lần này đến lần khác.

Không tà kiến tỉnh giác là sự thấu suốt và hiện diện của sự hiểu biết rằng: Ở bên trong cũng như đằng sau các chức năng được thực hiện bởi ba loại tỉnh giác đầu tiên đều không có một con người, một cái tôi, một bản ngã, hay bất kỳ một thực thể nào như vậy thường còn. Ở đây, thiền sinh sẽ phải đối mặt với những sự chống đối mạnh mẽ nhất đến từ bên trong mình. Bởi vì trái ngược với Giáo lý Vô ngã của Đức Phật — là thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại — sẽ luôn luôn có một sự kháng cự ngoan cố được đưa ra bởi thói quen suy nghĩ và hành động lâu đời của chúng ta theo kiểu “Tôi” và “Của tôi”, cũng như bởi “Ý chí được sống” đầy bản năng và mạnh mẽ, thể hiện bản thân nó dưới dạng tự khẳng định rằng: Có một cái tôi. Điều trở ngại chủ yếu không nằm ở việc nắm bắt và chấp nhận về mặt lý thuyết Giáo lý Vô ngã, mà nằm ở việc kiên nhẫn, lặp đi lặp lại và bền chí áp dụng nó vào từng suy nghĩ và hành động cụ thể. Nhiệm vụ đặc biệt của loại tỉnh giác thứ tư, không tà kiến tỉnh giác, là hỗ trợ tâm đối trị với khó khăn này; và trong nhiệm vụ đó nó lại nhận được sự trợ giúp quan trọng từ ba loại tỉnh giác còn lại. Chỉ có thể bằng cách lặp đi lặp lại sự rèn luyện bản thân mình trong việc xem xét những suy nghĩ và cảm giác đang khởi sinh lên ở hiện tại chỉ đơn thuần là những tiến trình vô ngã thì sức mạnh của thói quen suy nghĩ lấy bản ngã làm trung tâm đã bám rễ sâu ở trong tâm cũng như bản năng tự cao tự đại của tâm mới bị phá vỡ, giảm bớt và cuối cùng là bị loại bỏ.

Ở đây, chúng tôi thấy cần thiết có một vài lời giải thích ngắn gọn về “thanh âm mang tính cảm xúc” của sự thật Vô ngã, bởi vì nó quá thường xuyên bị hiểu sai. Một nhận thức rõ ràng về sự thật Vô ngã, do quán niệm hoặc do bởi kết quả của việc thực hành pháp hành ghi nhận thuần tuý, tự nó chắc chắn là tỉnh táo và không mang tính cảm xúc, giống như trong thái độ chân chính của một nhà khoa học. Tuy nhiên, ngoại trừ một vị thánh A-la-hán — là người có được một sự cân bằng hoàn hảo, còn lại thì các tác động về mặt cảm xúc luôn luôn có thể khởi sinh lên, cũng giống như cách chúng có mặt khi đối diện với những kết quả nghiên cứu khoa học không thể bị bác bỏ. Tuy nhiên, những tác động cảm xúc này của trí tuệ Vô ngã không giới hạn chỉ ở trong một loại thanh âm đơn lẻ nào, và chắc chắn là cũng không phải là các thanh âm của buồn bã và ai oán, như được ngụ ý trong cụm từ mang tính hạ thấp “không có sức sống”. “Thanh âm mang tính cảm xúc” này sẽ thay đổi tùy theo góc quan sát và giai đoạn phát triển nội tâm của người quan sát; và cuối cùng, nó sẽ đi đến hồi kết trong một nhịp điệu không bị xáo trộn của sự thanh thản mà một vị thánh A-la-hán đạt được. Trong sự đối đầu thực sự với vô ngã như pháp hành ghi nhận thuần tuý có thể mang lại, chứ không chỉ đơn thuần trong khái niệm, toàn bộ lực hấp dẫn của sự thật này chắc chắn sẽ khiến nó được cảm nhận một cách mạnh mẽ, phù hợp với lực hấp dẫn của toàn bộ sự tồn tại mà nó là sự kiện quan trọng nhất. Nhưng đây sẽ không phải là kinh nghiệm cảm xúc duy nhất phát sinh từ sự thật về vô ngã. Bằng chứng là các thiền giả thưở xưa cũng như thời hiện đại đã chia sẻ về những trạng thái tâm hạnh phúc cao thượng, bao trùm một phạm vi rộng lớn từ hỷ lạc và hân hoan đến niềm vui trong tĩnh lặng. Chúng biểu đạt cảm giác hồ hởi và nhẹ nhõm khi sự trói buộc chặt cứng, mặc nhiên của cái “Tôi” và “Của tôi” được nới lỏng ra; khi sự căng thẳng mà nó tạo ra trong thân và tâm được làm dịu đi; khi trong chốc lát chúng ta có thể ngẩng cao đầu lên khỏi dòng chảy dữ dội và quay cuồng của các ám ảnh về cái “Tôi” và “Của tôi” đang nhấn chìm chúng ta; khi ngày càng có thêm nhiều hơn nữa các nhận thức rằng, chính sự thật về vô ngã mở ra cho chúng ta cánh cửa dẫn đến sự giải thoát khỏi mọi bệnh tật, phiền não ở trong tâm, là điều được cảm nhận một cách sâu sắc trong sự thật có tên gọi là Vô ngã mà bấy lâu nay bị chôn vùi.

Loại tỉnh giác thứ tư này còn đảm nhận một chức năng khác đóng góp vào kết quả to lớn cho sự tiến bộ vững chắc trên con đường đoạn diệt khổ đau.

Khi thực hành ba loại tỉnh giác đầu tiên, vị đệ tử đã bỏ lại ở đằng sau sự an toàn cũng như sự tách rời tương đối thu được từ pháp hành ghi nhận thuần tuý, và quay trở lại thế giới nguy hiểm của các hành động có chủ đích, mà những hành động này lại tiếp tục tạo ra các phản ứng từ những gì bị nó tác động lên. Tuy nhiên, gạt sang một bên các phản ứng đó thì vị đệ tử trước hết sẽ phải đối mặt với sự thật rằng, hầu như mọi hành động của mình đều lôi vị ấy đi sâu hơn vào mê cung của thế giới lầm lạc (papañca), mà chính bản thân các hành động này đang góp phần vào đó. Hành động thì lại có một khuynh hướng cố hữu là nhân lên và tái sản xuất, để tăng cường và mở rộng chính nó. Vị đệ tử sẽ kinh nghiệm được rằng hành động của vị ấy sẽ có xu hướng lôi kéo mình vào những lợi ích mới cũng như những kế hoạch, nhiệm vụ, mục đích, sự phức tạp mới,… Điều này cũng xảy ra ngay cả trong lúc nỗ lực thực hành ba loại tỉnh giác đầu tiên. Điều đó có nghĩa rằng, vị ấy sẽ luôn luôn bị đặt vào tình thế nguy hiểm có khả năng lấy mất đi những gì mà vị ấy đã đạt được trong quá trình thực hành trước đó hoặc đánh mất đi tầm nhìn đã có được, trừ phi vị ấy phải cực kỳ cẩn trọng. Chính ở đây, không tà kiến tỉnh giác — tức là một nhận thức sống động về Vô ngã — sẽ hỗ trợ vị ấy. “Ở bên trong không có cái tôi nào hành động cả, và ở bên ngoài cũng không có cái tôi nào bị ảnh hưởng bởi hành động đó cả!” Nếu điều này luôn được ghi nhớ ở trong tâm, không chỉ trong những công việc lớn lao mà ngay cả trong những hoạt động tuy nhỏ nhặt nhưng lại không kém phần quan trọng của cuộc sống đời thường, thì cảm giác tốt lành về một khoảng tách rời ở bên trong với cái gọi là hành động “của chính mình” sẽ được phát triển và sẽ có một sự buông bỏ ngày càng gia tăng đối với bất kỳ thành công hay thất bại nào, bất kỳ khen ngợi hay chê trách nào phát sinh từ hành động đó. Sau khi mục đích và sự phù hợp của hành động đã được thiết lập một cách rõ ràng, bây giờ nó sẽ được thực hiện bởi vì mục đích riêng và theo quyền riêng của chính nó. Vì lý do đó nên sẽ có một thái độ trung lập rõ ràng đối với hành động đang được thực hiện mà nhờ đó nó sẽ không gây ra bất kỳ tổn thất năng lượng nào trong việc thực hiện hành động. Hơn thế nữa, khi không có những cái “liếc nhìn” về bản thân mình, về người khác hoặc về kết quả, thì sẽ có một sự tận tâm đặc biệt dành cho chính bản thân công việc đang được thực hiện. Và điều đó sẽ nâng cao cơ hội thành công của nó.

Nếu một người hoàn toàn không còn bị dính mắc vào một hành động, cũng như không còn khao khát thành công hay danh tiếng cá nhân, thì người đó sẽ ít có nguy cơ bị cuốn theo dòng hành động tự tạo của mình, thứ sẽ mãi cuốn vị ấy từ nơi này đến nơi khác trong đại dương luân hồi. Điều này cũng sẽ giúp vị ấy dễ dàng hơn trong việc duy trì một sự kiểm soát nhất định đối với những gì phát sinh ra từ hành động đầu tiên, hoặc vào những thời điểm phù hợp, điều này sẽ giúp “chấm dứt hành động” cũng như rút lui vào trạng thái “không hành động”, tức là sự bình yên và bảo vệ của thái độ ghi nhận thuần tuý.

Khi được thực hiện bởi một cái tâm chưa giải thoát, các hành động theo đuổi những mục đích thế tục hầu hết chỉ là tạo ra thêm các trói buộc. Một trong những nhiệm vụ và cũng là thành tựu đặc biệt của không tà kiến tỉnh giác trong sự phối hợp với ba loại tỉnh giác còn lại là duy trì được “sự tự do của hành động” ở một mức độ cao nhất có thể, trong một thế giới “bị trói buộc bởi các hành động” (nghiệp — kamma) này. “Sự tự do của việc không hành động” hay “tự do từ sự buông bỏ” đã được dạy trong pháp hành ghi nhận thuần tuý ở trên· Ở phần trước, chúng tôi có trích dẫn lời dạy của Đức Phật rằng, tâm giải thoát của một bậc thánh nhân, một con người thực sự vĩ đại, là kết quả của sự thực hành Tứ niệm xứ tột bậc và hoàn hảo. Bây giờ, với hiểu biết có được về hai loại tự do mà chánh niệm và tỉnh giác ban tặng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời dạy về thành tựu giải thoát mà pháp hành chánh niệm mang lại.

Để kết thúc phần này, có một đặc điểm quan trọng khác của loại tỉnh giác thứ tư đáng để được nhắc đến ở đây. Nhờ không tà kiến tỉnh giác mà mọi hoạt động của cuộc sống sẽ được thấm đẫm bởi sự thật Vô ngã — tư tưởng thực sự mang tính cách mạng vốn là trọng tâm giáo lý của Đức Phật và cũng là phần mang tính quyết định nhất cho sự giải thoát đích thực khỏi mọi khổ đau. Do đó, tác dụng của nó không nên giới hạn chỉ trong vài giờ suy ngẫm hoặc hành thiền của những con người đang bận rộn với các công việc thế tục. Cuộc sống của chúng ta rất ngắn ngủi. Chúng ta không thể dành phần lớn nhất của cuộc đời mình sống như những lớp đá dăm lót đường đã hết tác dụng với các công việc thường ngày, hoặc xem thường các công việc tầm thường nhưng cần thiết đó mà không có một sự hiểu biết sâu sắc về chúng, cho dù là cố ý hay chỉ là sự cẩu thả. Chúng ta không thể để phần lớn các hoạt động trong cuộc đời mình không được sử dụng hoặc không được kiểm soát. Bởi vì, chúng sẽ cho phép hầu hết các suy nghĩ, cảm xúc và hoạt động của chúng ta lang thang theo những ý thích bất chợt, và kết quả là thường gây ra những tổn hại lớn nhất cho chúng ta.

Ngoài các nguyên tắc cốt yếu của pháp hành Tứ niệm xứ, sự kết hợp giữa các hoạt động trong cuộc sống và việc thực hành tâm linh sẽ cần được sử dụng cho công việc giải phóng tâm, mà chỉ riêng sự ngắn ngủi của cuộc sống cũng đã khiến cho mỗi một khoảnh khắc của nó trở nên cấp bách, tùy theo những cơ hội mà nó mang lại và bất kỳ hoạt động nào, kể cả những hoạt động mang tính tầm thường nhất trong bản chất của nó, cũng cần phải được sử dụng cho công việc giải phóng tâm. Việc đem các tri thức giải thoát này thâm nhập vào cuộc sống được thực hiện bởi không tà kiến tỉnh giác, với một sự chú ý đặc biệt đến các kinh nghiệm trực tiếp về Vô ngã.

Trí tuệ Tây Tạng có lời dạy như sau:

“Một hệ thống thiền tập tạo ra năng lực tập trung tâm vào bất cứ điều gì là không thể thiếu được.

Một nghệ thuật sống cho phép chúng ta tận dụng từng hoạt động như là một sự trợ giúp trên Con đường phát triển tâm linh là không thể thiếu được.’

(Trích từ cuốn Tibetan Yoga, của Evans-Wentz)

Một hệ thống thiền tập như vậy, một nghệ thuật sống như vậy chính là pháp hành Tứ niệm xứ.

Một số nhận xét kết luận về hai chi phần chánh niệm và tỉnh giác

Đến thời điểm này, chúng ta đã bàn qua các đặc tính của chi phần tỉnh giác, trong đó có một sự tương ứng chặt chẽ với những gì đã được đề cập đến khi kết thúc phần trình bày về pháp hành ghi nhận thuần tuý (chi phần chánh niệm). Có một thực tế đáng khích lệ là ngay từ giai đoạn đầu của một nỗ lực thực hành nghiêm túc cũng đã có thể cho thấy những mối liên hệ cũng như các sự tương ứng đối với mục tiêu cao cả nhất — một cái tâm hoàn toàn xả ly và tự do.

Với pháp hành ghi nhận thuần tuý mà trong đó làm hé lộ ra “sự tự do trong việc không hành động”, chúng ta thấy rằng việc tạm thời bước sang một vị trí thuận lợi để quan sát là tương ứng với sự bước ra cuối cùng của Bậc thánh, ra khỏi thế giới của khổ đau. Trong khi với pháp hành tỉnh giác, đặc biệt là loại thứ tư, thì sự xả ly ngày càng tăng đối với bất kỳ hành động nào là tương ứng với “hành động toàn hảo” của Bậc thánh, mà dù tự bản thân nó có mục đích nhưng lại hoàn toàn vô ngã và tự do thoát khỏi mọi dính mắc. Mặc dù thế gian nhìn nhận nó như là một “hành động thiện”, nhưng nó lại không tạo nên một nghiệp quả nào cho Bậc thánh cả, nó không đưa Ngài đến bất kỳ một vòng luân hồi nào cả. Một hành động được thực hiện trong sự tỉnh giác, mà kết quả thu được là sự xả ly và sự giảm bớt dính mắc vào nghiệp quả, là gần giống với “hành động toàn hảo” của Bậc thánh.

Hai phương cách thực hành này, pháp hành ghi nhận thuần tuý và pháp hành tỉnh giác, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau. Một mức độ tỉnh giác và tự chủ cao thu được từ pháp hành ghi nhận thuần tuý sẽ khiến cho việc hướng dẫn hành động và lời nói của thiền sinh bằng pháp hành tỉnh giác trở nên dễ dàng hơn đáng kể, mà không bị bất ngờ do hoàn cảnh, không bị cuốn đi bởi tham muốn, và cũng không bị lạc lối bởi những hình thức lừa dối ở bên ngoài. Về phần mình, tỉnh giác tạo ra nhiều không gian hơn và một môi trường thích hợp hơn cho pháp hành ghi nhận thuần tuý, thông qua việc áp dụng khả năng kiểm soát và khả năng làm tĩnh lặng của nó lên thế giới của những hành động tìm kiếm và mong đợi cũng như các niệm tưởng lan man không ngừng nghỉ.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý trình bày những dữ liệu đã được sàng lọc một cách cẩn thận và khách quan làm nền tảng cho các quyết định của hành động tỉnh giác cũng như làm nền tảng cho các kết luận của suy nghĩ tỉnh giác. Pháp hành ghi nhận thuần tuý loại bỏ những khái niệm và giá trị sai lầm đã được gắn chặt một cách mù quáng lên trên các dữ liệu chân thực nguyên bản. Rồi tỉnh giác sẽ thay thế những điều này với các khái niệm đã được kiểm tra một cách nghiêm túc cùng với các giá trị đích thực của Giáo pháp.

Pháp hành ghi nhận thuần tuý nâng cao và tinh luyện sự bén nhạy của tâm; trong khi tỉnh giác hướng dẫn cũng như củng cố các năng lượng tích cực mang tính định hình và sáng tạo. Ghi nhận thuần tuý giúp phát triển, bảo tồn và tinh luyện trực giác — là nguồn cảm hứng và tái tạo không thể thiếu cho hành động và tư duy lý trí. Mặt khác, tỉnh giác — như là một lực chủ động và kích hoạt — có tác dụng khiến cho tâm trở thành một công cụ hoàn hảo cho nhiệm vụ khó khăn của nó là phát triển một cách hài hòa và cuối cùng là giải thoát. Nó cũng đồng thời huấn luyện chúng ta làm những công việc vị tha nhằm phục vụ nhân loại đang đau khổ, bằng cách ban cho chúng ta con mắt trí tuệ sắc sảo cùng với bàn tay chắc chắn của sự khéo léo, là những điều cần thiết cho công việc phục vụ đó cũng như việc cần có một trái tim ấm áp. Tỉnh giác có khả năng thực hiện việc huấn luyện này bởi vì nó cung cấp một sự dạy dỗ xuất sắc về hành động có mục đích, thận trọng và vô ngã.

Như vậy, với toàn bộ cả hai chi phần của nó, pháp hành Tứ niệm xứ tạo ra một sự hòa hợp hoàn hảo giữa khả năng tiếp nhận và hoạt động ở trong tâm của chúng ta. Đây là một trong những cách mà con đường Trung đạo của Đức Phật được thể hiện trong pháp hành chánh niệm này.

Phần trước | Mục lục | Phần kế

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness JournalTản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầu, Nổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (Vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúcChúng ta đang sống vì điều gì?Sự cho đi và Tình thương yêu“Lấy tâm mình làm bạn của chính mình”
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com

Exit mobile version