Site icon Viet Hung

Ý nghĩa đằng sau của 2 chữ doanh nhân?

crop man taking notes in planner while working remotely in cafe with laptop

Photo by Ketut Subiyanto on Pexels.com

Tiếp tục đọc cuốn Giải mã doanh nhân và lại tiếp tục tâm đắc với các chia sẻ của tác giả. Càng thấm hơn khi bản thân mình đã đi qua hành trình này.

Lần đầu tiên nghĩ về cuốn sách này, tôi muốn tập trung vào ý nghĩa của việc trở thành một doanh nhân. Không phải theo ý nghĩa kinh tế mà là một cái gì đó sâu sắc hơn. Cuộc sống của một doanh nhân trông sẽ như thế nào? Tôi biết rằng nó sẽ là một trải nghiệm đau khổ về mặt cảm xúc và làm biến đổi vĩnh viễn cách làm việc cũng như lối sống, trong đó điều chắc chắn duy nhất là sự không chắc chắn. Tinh thần kinh doanh thật tuyệt vời nhưng cũng thật dữ dội, phấn khích và đáng sợ, với sự lên xuống của cảm xúc mỗi ngày…
Làm việc cho bản thân luôn là một điều vô cùng khó khăn, chòng chành giữa nỗi sợ hãi không có việc làm và sự căng thẳng khi có quá nhiều thứ cần phải giải quyết. Kinh doanh là một trải nghiệm phải chiến đấu với bản ngã hằng ngày…

Trích từ cuốn “Giải Mã Doanh Nhân”

Những phát biểu trên không phải là để làm nhụt chí các doanh nhân. Chắc chắn là như vậy. Mà đúng hơn là mang tính cảnh tỉnh. Bởi vì ngoài các hào quang, do vị trí và chức danh hoặc do bởi thành công về tài chính cũng như những giá trị tích cực khác mang lại, những gì mà mọi doanh nhân đều phải trải qua đằng sau ánh hào quang đó mới “định nghĩa” cho cuộc chơi thực sự. Đó là sự lên xuống của cảm xúc. Đó là duy trì, xây dựng, và phát triển các mối quan hệ chằng chịt xung quanh mình. Đó là sự vươn lên không ngừng mỗi ngày với các trải nghiệm và thử thách bất tận. Đó là các bài học mà một doanh nhân sẽ vượt qua, học hỏi, và trưởng thành. Tất cả gom góp lại mới là ý nghĩa đằng sau cái mác sáng chói có tên là “doanh nhân”. Chắc chắn rằng, con đường đó rất chông gai, và chẳng phải ai cũng phù hợp với con đường đó. Như tôi đã có chia sẻ trong bài 8+1 entrepreneur things, mục tiêu của một doanh nhân không chỉ đơn thuần là kiếm tiền, mà còn là việc góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp hơn thông qua sản phẩm và dịch vụ của họ. Ngoài ra, đó còn là một hành trình khắc nghiệt để tự rèn luyện bản thân mình. Là một doanh nhân, hãy chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể, để trải nghiệm cả phần tốt lẫn xấu, thành công lẫn thất bại, … Thực ra, đó là hai mặt của một đồng xu. Khi cầm đồng xu lên, bạn chẳng thể nào chỉ lấy một mặt. Bạn phải chấp nhận cả hai mặt. Chẳng có lựa chọn nào khác. Hãy sẳn sàng cho việc đó.

Trong thực tế thì việc trọn vẹn được hết tất cả những yêu cầu này (vừa thành công trong doanh nghiệp, vừa đóng góp cho xã hội, vừa trọn vẹn với các mối quan hệ trong công việc, với khách hàng, với gia đình cũng như ngoài xã hội), là một việc hầu như không tưởng. Và nếu như vậy, có nghĩa là rất nhiều lúc, chúng ta phải thoả hiệp, phải trả giá. Thoả hiệp điều gì, trả giá điều gì? Đó là một câu hỏi cũng như là một bài học mà tại thời điểm nào một doanh nhân cũng phải đối đầu.

Tôi tin rằng, cho dù thoả hiệp điều gì đi nữa thì chắc chắn không bao giờ bỏ đi các giá trị chính trực, đạo đức và nhân văn. Giữ được giá trị cốt lõi của chính trực, đạo đức và nhân văn chính là chìa khoá cho việc phát triển bền vững, dưới bất cứ hình thức nào. Các bạn có thể tham khảo thêm các chia sẻ của tôi ở bài: 5 bài học từ khởi nghiệp thành công. Trong bài này, tôi chia sẻ bằng giọng Huế, giọng chính gốc của mình, không phải bằng giọng miền Nam. Gud luck đến tất cả các doanh nhân và doanh nhân to-be.

Viet Hung | A Happiness pursuer | Author of The Happiness Journal, Tản mạn về Hạnh phúc and NGẪM CAFÉ 
Sách tôi dịch: Thiền cho người mới bắt đầuNổi loạn và tự doBài chú giải Kinh Mangala SuttaSức mạnh của sự hoài nghi và thiền chánh niệm (vipassana)Những nguyên lý để sống hạnh phúc
Get your source of inspiration and motivation toward reaching happiness here: https://www.viethungnguyen.com 

Exit mobile version